text
stringlengths
3.77k
37k
Contemporary Jazz: H eartfelt Fourpla y. Một trong những đĩa nhạc được đánh giá cao nhất của nhóm nhạc chuyên trị dòng jazz hòa tấu đương đại. Trên thực tế, Heartfelt cũng mang khá nhiều màu sắc new age, những bản hòa tấu được sắp xếp theo kiểu concept, liền lạc từ đầu tới cuối album và không hề khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi chút nào, trái lại, còn mang lại sự thư giãn trong một chừng mực nhất định. Không chỉ vậy, album còn được giới phê bình đánh giá rất cao bởi mỗi thành viên trong nhóm đều đã tung ra những màn solo tuyệt đỉnh về mặt kỹ thuật, như tay trống Harvey Mason trong bản Thats The Time , những cú vuốt và tỉa guitar điệu nghệ của Larry Carlton trong bản Rollin. Dĩ nhiên, Nathan East cũng có sân chơi cho riêng mình trong bản Lets Make Love , còn linh hồn của nhóm Bob James như đưa người nghe về với thập niên 1970 qua tiếng đàn organ tuyệt hảo ở bản Break It Out , gợi nhớ lại một siêu phẩm khác của ông: Weschester Lady. Dĩ nhiên, những bản nhạc như Tally Ho! Hay Ju-Ju cũng đều hay đến bất ngờ, như mang đến cho người nghe một chân trời tươi mới và ngập tràn cảm xúc. Thật đáng tiếc, cho đến tận thời điểm này, Fourplay vẫn là một cái tên còn xa lạ với người nghe nhạc Việt Nam, ngay cả các jazz fan hay dân mê nhạc hòa tấu cũng còn ít biết đến các album của nhóm. Time And Place Claire Martin. Nữ ca sĩ người Anh, cục cưng của Linn Records đúng là một viên ngọc quý của làng jazz. Và album mới nhất của cô, Time And Place cũng được coi là viên ngọc quý cho những người mê jazz, đặc biệt là chất jazz hơi màu mè và điệu đà theo kiểu châu Âu. Điều đáng nói là trong Time And Place , Claire Martin lần đầu tiên kết hợp với một bộ tứ cello và kết quả thu được thật bất ngờ. Màu âm ấm áp, thi thoảng gằn gừ của cây đàn cello hóa ra lại rất hợp với chất giọng khàn khàn đầy cá tính của Claire Martin, khiến cho mỗi ca khúc bỗng nhiên hay hơn bội phần. Sự tinh tế và kiểu cách đến từ những bản ballad chậm rãi, buồn bã như My Ship hay Round Midnight , còn niềm hứng khởi chắc hẳn phải được tìm thấy ở cái đinh của cả album: The Man Who Sold The World , từng được cả thế giới tán thưởng qua tiếng ca của David Bowie và sau đó là nhóm Nirvana huyền thoại. Nhưng phải thừa nhận phiên bản của Claire Martin cũng độc đáo và không kém phần lôi cuốn, từ sự phá cách trong lối ngắt câu, nhả chữ cho tới phần đệm với nhiều kỹ thuật diễn tấu phức tạp của 4 cây cello và bộ gõ, tất cả đã làm nên một kiệt tác jazz đương đại khiến người thưởng thức phải nhớ mãi. Cộng thêm Shes Leaving Home của Beatles, hai ca khúc đủ gánh cả album dù tất cả ca khúc còn lại cũng thừa khả năng lay động con tim mọi tín đồ của jazz. Một album đỉnh cao. Love Me Tender Barb Jungr. Một ngôi sao jazz Anh quốc chọn hát lại những ca khúc được yêu thích của ông vua nhạc rock Mỹ Elvis Presley theo cách riêng của mình, như một lời tôn vinh từ đáy trái tim. Chất jazz trong Love Me Tender tương đối đậm đặc nhưng được pha cùng gia vị R &B; bỗng trở nên dễ nghe, dễ cảm hơn, đặc biệt với những người không quá mê jazz. Việc biểu diễn cùng một ban nhạc nhỏ, đôi khi chỉ hát cùng một cello, một piano đã giúp người nghe thấm hơn chất giọng ấm áp nhưng gai góc và cách xử lý điêu luyện của một giọng ca xuất chúng. Wooden Heart hay Always On My Mind vốn tươi tắn là vậy nay bỗng mang dáng vẻ sầu muộn não nề, còn nỗi lòng tương tư trong Heartbreak Hotel cũng được thể hiện theo một cách thật mệt mỏi. Qua album này, Barb Jungr đã làm rõ nghĩa của từ cover: xây dựng lại, sắp xếp lại và diễn giải nó theo một phong cách mới. Những Kentucky Rain, In The Ghetto hay Tomorrow Is A Long Time bỗng nhiên nặng trĩu như một ngày mưa buồn, còn Are You Lonesome Tonight đúng là một lời thủ thỉ trong đêm khuya thanh vắng. Thi vị, đẹp và buồn, Love Me Tender thích hợp để nghe những lúc tâm trạng thật lắng đọng. Ra mắt lần đầu năm 2005, đĩa nhạc này liên tục được tái bản và hiện giờ đã có version độ phân giải 24bit trên website Linn Records và cả SACD. Soundtrack - Linda Eder. Một ngôi sao của sân khấu Broadway khi chuyển sang hát jazz cũng đạt tới đẳng cấp như jazz vocalist lâu năm, đó là Linda Eder. Và đây là tuyển tập nhạc phim/nhạc kịch, rất hay nhưng ít phổ biến, chỉ được biết đến bởi những đôi tai sành sỏi. Mở đầu bằng I Will Wait For You , người nghe sẽ ngay lập tức tìm thấy được những cảm giác khắc khoải của sự chờ đợi, kéo dài ra thành sự tuyệt vọng. Giọng ca của Linda Eder khá cao nhưng vẫn vương vấn chút màu khê khàn của khói trong cổ họng. Against All Odds quen thuộc của Phil Colins ấm áp, mộc mạc với đoạn intro guitar rất ấn tượng. Bè dây chơi dìu dặt từ sau đoạn điệp khúc mang lại cho ca khúc một thoáng buồn vời vợi. Charade tưng bừng theo phong cách big-band pha màu latin tung tẩy với tiếng guitar tỉa tót và tiếng cotrabass thật nẩy cùng nhịp điệu piano jazz réo rắt. Một ca khúc rất tuyệt, từ giai điệu tới phần hòa âm phối khí. Những người nghe sành sỏi sẽ gặp lại ở đây Valley Of Dolls rất nổi tiếng từ bộ phim cùng tên, mang lại thật nhiều cảm xúc khác biệt. Còn các rock fan hẳn sẽ bất ngờ, vì (Everything I Do) I Do It For You đã được jazz hóa rất tài tình dù nét giai điệu vẫn còn nguyên vẹn. Khoan nhặt, đẩy đưa mà vẫn bùng nổ. Pop/Rock: Greatest Hits: The Ultimate Collection - Bon Jovi. Cặp đĩa đôi này là tập hợp những ca khúc đã giúp cho "đại sứ của rock 'n' roll Hoa Kỳ" tỏa sáng trong gần 3 thập niên vừa qua. Một album đầy hoài niệm, nhưng cũng vẫn mang lại cho người nghe rất nhiều hứng khởi, mê say, như lần thưởng thức đầu tiên vậy. Cũng là rock, nhưng dường như Bon Jovi và ban nhạc của anh chưa bao giờ cuồng loạn quá mức, thay vào đó là sự "bùng nổ có chừng mực", chú trọng vào giai điệu và một chút gì đó rất tươi sáng, rực rỡ kiểu Def Lepard. Những kiệt tác It's My Life, Have A Nice Day, Living On A Prayer hay You Give Love A Bad Name là minh chứng rõ rệt cho điều này. Và thứ làm cho người ta (đặc biệt là phái đẹp) nhớ đến Bon Jovi nhiều hơn cả, chính là ballad. Tin chắc đến giờ này, những nét nhạc thật đẹp của Always, Blaze Of Glory, Bed Of Roses vẫn còn hằn sâu trong lòng những ai đã từng đắm chìm cùng rock vào những năm 90 - thời nhạc ngoại bắt đầu lan tràn mạnh mẽ ở Việt Nam. Có thể nói, Greatest Hits là một album rất đáng mua, kể cả với những người có thể chưa biết rõ Bon Jovi là ai. Âm nhạc rất đẳng cấp nhưng hoàn toàn dễ nghe, lại có đầy đủ những bản "hits" xuất sắc nhất - rất đúng với tên gọi của mình. The Greatest Love Songs Of All Time - Barry Manilow. Một album cổ điển, thực sự đáng thưởng thức của nghệ sĩ gạo cội với giọng hát từng làm điêu đứng con tim của hàng triệu phụ nữ Mỹ, và nó mang lại cho người nghe cảm giác hoài niệm về một thời đã qua, với những ca khúc đỉnh nhất của các nghệ sĩ đỉnh nhất. Chúng ta có thể gặp ở đây Love Me Tender, Love Story, The Look Of Love, Love Is Here To Stay, Were Only Just Begun, When You Were Sweet Sixteen... Có thể thấy ngay, Barry Manilow không cố trình bày các ca khúc hay hơn bản gốc, đơn giản, ông chỉ làm cho chúng trở nên dễ nhớ hơn mà thôi. Ông hát các bài hát hay cho các fan của mình, hay rộng hơn, cho những người luôn muốn kiếm tìm hoài niệm bằng âm nhạc. Dường như Barry Manilow đã thực sự thoát khỏi cái bóng của người xưa. The Look Of Love tung tẩy, bay bổng, không quánh màu jazz mà có một chút gì đó thật êm ái, dịu dàng. Hay như bản We've Only Just Begun , nghe Barry hát, người nghe sẽ thấy sự tươi sáng, trong trẻo chứ không sầu muộn như Carpenter. Mặc dù không được giới phê bình đánh giá cao nhưng The Greatest Love Songs Of All Time lại bán rất chạy, bởi nó dễ nghe và có giá trị kỷ niệm cao. Như thế đã là quá đủ. Jagged Little Pill - Alanis Morissette. Album này được nhiều người đánh giá là xuất sắc của nữ rocker Canada, với 28 triệu bản tiêu thụ trên thế giới. Các ca khúc do Alanis Morissette sáng tác dường như có một thứ quyền năng đặc biệt, chúng bắt người nghe phải quan tâm, phải suy nghĩ, phải thắc mắc, phải dằn vặt You Oughta Know ca khúc đinh của album cho tới nay vẫn được coi là một bản nhạc rock mẫu mực của thập niên 1990 tràn đầy sự giận dữ, u ám, khơi gợi trong lòng người nghe những khát vọng bùng nổ. Cũng tiếng trống dồn dập. Cũng tiếng guitar gay gắt. Những câu lead như muốn chọc thủng màng tai. Nhưng có lẽ bản Ironic còn nổi tiếng hơn cả You Oughta Know. Đó là những cảm giác của sự mệt mỏi, bực dọc, bức bối. Những cảm giác cay đắng khi nhận ra ước mơ đã bị bóp nát. Jagged Little Pill luôn lưu lại sự nặng nhọc, chán chường trong lòng thính giả nhưng cũng rất hấp dẫn để họ phải nghe lại lần thứ hai, thứ ba, thứ tư Một sự tương phản khá thú vị. Cho nên, bên cạnh Grammy 1996 cho Album Rock hay nhất, Jagged Little Pill cũng giành luôn danh hiệu cho Album của năm. Liên tục được tái bản ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, đã có phiên bản acoustic do chính Alanis Morissette thể hiện. Cực kỳ đáng sở hữu với những người yêu thích dòng alternative cổ điển. Tapestry Carole King. Ra đời năm 1971, Tapestry đơn giản được coi là một trong những album kinh điển và thành công nhất trong lịch sử pop - rock đương đại. Vốn đã là một tác giả tài ba, Carole King cũng đạt tới đẳng cấp ngôi sao biểu diễn với Tapestry. Bằng chất giọng ấm áp đầy lôi cuốn, bằng những giai điệu dung dị nhưng trẻ trung và đầy biến hóa, Carole King đã biến Tapestry thành một điều gì đó hết sức thân mật, gần gũi với tất cả người nghe, từ già đến trẻ, đàn ông hay đàn bà. Năm 1960, khi mới 18 tuổi, Carole King đã sáng tác ca khúc đỉnh cao Will You Love Me Tomorrow cho nhóm The Shirelles và cô đã thể hiện lại nó theo một phong cách khác trong Tapestry. Bản You Make Me Feel (Like a Nature Woman) dịu dàng, ngọt ngào hơn so với lối hát đay đả, dằn vặt của bà hoàng nhạc soul Aretha Franklin hay bùng nổ, dữ dội của Celine Dion sau này. Ca khúc xuất sắc nhất Its Too Late đã đứng ở vị trí số 1 bảng xếp hạng ca khúc ăn khách nhất nhiều tuần liên tiếp trong năm 1971. James Taylor cũng được lợi nhiều khi cùng song ca với Carole King bản Youve Got A Friend Tapestry giữ ngôi quán quân bảng xếp hạng album bán chạy nhất trong 15 tuần liên tiếp, 6 năm liền không rời khỏi bảng này, mang về cho Carole King 4 giải Grammy 1972.
Những vụ án động trời (Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên), liên quan đến ngành tài chính - đầu tư đầy tranh cãi, hãy còn nguyên sức nóng trong năm qua. Những cuộc cải tổ ngân hàng, tái cơ cấu bày ra, lấp lánh những tín hiệu mới. Tôi cố thoát ra khỏi những xao xuyến âm thầm, cầm đồng tiền gieo quẻ, trong man mác hương hoa, nhập mình vào vận mệnh các nhà đầu tư trong năm Ất Mùi. Khi quẻ Dịch hiện lên, trong lòng tôi xiết bao xúc động. Một quẻ Dịch có 6 hào mà khi gieo quẻ, có đến 3 hào động (âm hóa dương và dương hóa âm). Cái mà ta tưởng là ngẫu nhiên ấy đã phản ánh thực trạng đầy biến động của tình hình thực tế. Ngay cái tên quẻ đã phản ánh đúng thời cuộc: Địa Hỏa Minh Di. Dịch nôm ra tiếng Việt là Đất Lửa Sáng Đau. Đất và Lửa là tượng quẻ, Sáng và Đau là nghĩa quẻ. Gọi tắt tên quẻ là Minh Di (minh: sáng, di: đau). Vậy Minh Di là gì? Minh Di là Thương (thương tổn; có ánh sáng nhưng bị tổn thương). Tượng quẻ: Lửa trong lòng đất (ánh sáng không thoát ra được, ánh sáng bị tổn thương). Ta hãy hình dung như mặt trời trong lòng đất. Mặt trời đúng ra phải chiếu sáng trên đất, nhưng quẻ Dịch này bảo cho chúng ta biết thực trạng tình hình của chúng là mặt trời đã nằm trong lòng đất. Có nghĩa ánh sáng bị tổn thương. Lời quẻ bảo rằng: Ánh sáng bị tổn hại, chịu gian nan giữ điều chính thì lợi. Đây là bí quyết: Ánh sáng đã bị tổn hại, thì cách thoát ra là giữ lấy điều chính đáng, giữ được thì có lợi. Đây là quẻ nói về người tử tế (ngày xưa gọi là quân tử) ở thời nhiều gian nan, chỉ có cách giữ lấy cái chính đáng của mình thì mới có lợi. Muốn vậy, ở trong lòng giữ đức sáng, mà ở ngoài thì nhu thuận để chống với hoạn nạn. Người xưa lấy chuyện Văn Vương, một người sáng tạo Dịch học làm ví dụ. Vua Văn Vương bị vua Trụ nghi ngờ, giam ngục Dữu Lý, tỏ vẻ rất nhu thuận, không chống đối Trụ, mà để hết tâm trí vào việc viết lời giảng các quẻ trong Kinh Dịch, nhờ vậy Trụ không có cớ gì để giết, sau thả ông ra. Không những ở ngoài phải tỏ vẻ nhu thuận, có khi còn nên giấu sự sáng suốt của mình đi nữa, mà trong lòng vẫn giữ chí hướng. Như Cơ Tử, một hoàng thân của Trụ. Trụ vô đạo, Cơ Tử can không được. Trong khi Tỷ Can, một trung thần khác, chịu chết với vua Trụ, ông Vi Tử, một trung thần khác nữa, bỏ nước ra đi, thì Cơ Tử giả điên, làm một người giúp việc trong nhà một hoàng thân khác, để khỏi bị giết, mong có cơ hội tái tạo triều chính. Võ Vương, con Văn Vương diệt Trụ xong, trọng tư cách Cơ Tử, đã mời ra giúp nước, nhưng ông không chịu. Sau đó, Võ Vương cho Cơ Tử ra ở Triều Tiên, lúc ấy vẫn còn là một hòn đảo giữa biển, lập một nước riêng. Như vậy là Cơ Tử giấu sự sáng suốt của mình để giữ vững chí, không làm mất dòng dõi. Hiện nay, Hàn Quốc còn coi Cơ Tử như quốc tổ. Về sau, Khổng Tử nghiên cứu quẻ Minh Di viết thêm rằng: Mặt trời lặn vào trong đất là quẻ Minh Di (thương tổn). Người quân tử coi quẻ này mà đến với công chúng, dùng cái tối mà thực ra là cái sáng. Quân tử coi tượng mặt trời lặn vào trong đất mà điều khiển quần chúng, khoan dung, hòa nhã, bỏ ngơ cái thấp kém, rất sáng suốt mà như cách hồ đồ, khiến cho người không kiêng sợ đức sáng của mình, bao nhiêu sự tình lộ cho mình biết hết, giả như làm ngơ mà thực ra chốn nào cũng soi xét tới. Nhìn thoáng qua hình như tối mờ, mà kỳ thực rất sáng. Như thế thì đức sáng của mình có gì phải lo thương tổn nữa đâu. Phan Bội Châu, học giả nước ta, căn cứ vào cuộc đời cách mạng của mình đã viết thêm rằng: Ở quẻ Hỏa Địa Tấn, mặt trời lên trên đất, thì quân tử coi đó mà tự làm cho tỏ đức sáng. Còn ở quẻ Minh Di, mặt trời lặn vào trong đất, thì quân tử coi đó mà làm cho quần chúng không sợ cái sáng của mình. Câu che cái sáng của mình với câu làm không sợ cái sáng của mình chỉ thay đổi mấy chữ mà có hai cách rất hay. Che cái sáng của mình là cách của thánh hiền khi gặp hoạn nạn. Làm không sợ cái sáng của mình là cách của thánh hiền khi được quyền thống ngự thiên hạ. Đó là hai cách ứng dụng kỳ diệu của Dịch. Lịch sử nước ta cuối thời Lý, có Trần Thủ Độ vốn dân đánh cá ở vùng biển, biết che cái sáng của mình và làm cho người ta không sợ cái sáng của mình, nên giúp nhà Trần thay nhà Lý. Đến khi chính Trần Thủ Độ mưu hại những người trung thành với nhà Lý, mở tiệc trong lòng đất rồi cho cài bẫy làm sập hầm (nay còn di tích mộ sập ở gần Đình Bảng), thì trong số hoàng thân nhà Lý có Lý Long Tường nhờ che giấu được cái sáng của mình không dự tiệc, mang đồ thờ bỏ trốn ra biển, lênh đênh tìm đến đất Triều Tiên (gồm cả Hàn Quốc ngày nay) trú thân, theo dấu chân Cơ Tử ngày xưa, sau cũng trở thành anh hùng chống xâm lăng của người Triều Tiên. Các hậu duệ Lý Long Tường ngày nay đã tìm về Đình Bảng tế lễ tổ tiên. Bạn đọc trong giới đầu tư có thể tìm ra nhiều dấu ấn Minh Di ngay trong thời sự của mình. Bàn về ba tín hiệu động trong thời Minh Di của giới đầu tư. Hào 1 bảo rằng: Ở vào thời Minh Di (ánh sáng bị tổn hại), như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống. Người quân tử biết thời cơ thì bỏ đi ngay (để tránh nạn) dù phải nhịn đói ba ngày, mà đi tới đâu, gặp chủ cũ, cũng bị chủ cũ chê trách. Hào này nhắn gửi những người hiền tài trong ngành, như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống, cần biết thời cơ tìm cách lánh nạn, (câu bỏ đi ngay không có nghĩa bỏ cuộc, chỉ có ý nghĩa cần biết mình biết người), trong quá trình đó, có trường hợp vừa đói (thất bát cơ nghiệp, mất vốn), vừa bị chủ cũ chê trách (mất việc, bị tố tụng oan), hãy hành động như khi ánh sáng bị tổn thương, con chim muốn bay mà cánh rũ xuống. Hào 3 động bảo rằng: Ở thời Minh Di (ánh sáng bị tổn hại), đi tuần về phương Nam, bắt được kẻ đầu sỏ, nhưng đừng hành động gấp, phải bền chí. Hào này thuộc về những người vừa có sức sáng, vừa có sức cương cường, trong khi phải đụng chạm với những kẻ có thế lực, có cái tâm hôn ám, đầu não bọn tiểu nhân. Thánh nhân khuyên những người đó hãy dấn thân, cho biết rằng trong cuộc tuần thú về phương Nam có thể tóm được bọn đầu sỏ. Chỉ có thêm lời dặn dò rằng đừng hành động gấp, hãy bền chí. Câu trả lời đã rõ ràng, vụ xét xử Huyền Như có thể là một ví dụ. Còn bao nhiêu tên đầu sỏ khác, chỉ những người hiền tài trong ngành mới nhìn rõ. Cuộc sống đang cần ánh sáng và sức lực của họ. Nếu họ không động thì làm sao đây chúng ta thoát khỏi thời Minh Di, mặt trời trong lòng đất? Phan Bội Châu nói thêm rằng: Lấy một người chí sáng ở dưới, trừ khử một người ám muội ở trên, ý chí người ấy đâu phải vì thân, vì nhà mà thôi, còn vì sinh linh làm phúc muôn nhà, thiên hạ được nhờ, hoài bão cao cả chừng nào. Một khi săn đuổi hạ được tên đầu sỏ, công thành, mà thiên hạ có phúc, như thế thật là đạt chí lớn. Chúng ta xem hào 4 động: Như vào phía trái bụng (ý nói vào nơi u ám), tâm trạng u ám, muốn thỏa lòng thời Minh Di, nên ra khỏi cửa, sân. Hào này nhắn gửi những người chẳng may đã nhập sâu vào bóng tối, thánh nhân ví như vào phía bụng bên trái, ý nói đi đến trung tâm của sự tối tăm. Bí quyết với những người này là nên ra khỏi cửa, sân (vu xuất môn đình). Đi thật xa để tránh cảnh điêu tàn đổ nát của cõi tối tăm, hắc ám. Đây là cảnh tượng các nhà đầu tư bất động sản không chuyên những năm qua. Chúng ta có dịp đi qua các khu vực nhà cửa bề thế bị hoang phế rêu cỏ phủ đầy, sẽ hình dung ngay ra cái sự tối tăm, u ám của tình hình. Không cứu vãn được tình thế, chỉ còn cách vu xuất môn đình. Không phải bảo chạy ra nước ngoài đâu, ở đây là ra khỏi khu vực đen tối và thất bại. Mặt trời trong lòng đất, giấu cái sáng đi, nhu thuận mà trở lại với cuộc đời, theo con đường của Văn Vương xưa. Ở giữa hoạn nạn mà vẫn giữ được chí ngay. Có được đạo trinh chính như Lý Long Tường thời đức sáng mới không thể tắt được vậy. Theo quẻ chúng tôi gieo được, năm Ất Mùi này, nếu ngành ta, giới ta giải tỏa được ba cái động nêu trên thì sẽ có quẻ Lôi Địa Dự. Lôi là Sấm, Địa là Đất. Dự là Hòa vui. Tượng quẻ là Sấm nổ vang trên mặt đất, tạo ra khí lành sinh trưởng tươi tốt, vui vẻ. Theo Trần Hy Di tiên sinh (tức Trần Đoàn đời Tống), năm Ất Mùi chính là năm Lôi Địa Dự. Nhưng muốn có Dự thì phải qua được ba hào động của Minh Di, đó là vận mệnh của các nhà đầu tư nước ta trong năm Ất Mùi này. Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. Email:[email protected]. Theo Nhà văn Xuân Cang. Báo Đầu tư Bất động sản.
Năm 13 tuổi, từ một cậu bé khôi ngô tuấn tú và đầy hoài bão, Tuấn bỗng dưng bị liệt nửa người, hai chân tê liệt. Biết mình là nạn nhân của chất độc da cam do ảnh hưởng từ người bố, Tuấn đã khóc ròng cả năm trời cho số phận hẩm hiu của mình. Nhưng không đầu hàng số phận, Tuấn đã vượt qua tất cả những hạn chế của cơ thể để trở thành một nghệ sĩ với những bức ảnh để đời. Tình yêu như trong cổ tích của chàng nghệ sĩ tàn tật và cô học trò can đảm khiến ai ai ở vùng quê lúa huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng phải cảm phục. Vợ chồng anh chị Tuấn - Phương và con. Nỗi đau cuộc đời. Từ khi lớn lên, Phạm Văn Tuấn (SN 1979) đã phải chứng kiến nỗi đau của gia đình, khi bố đi chiến trường về phải nằm một chỗ do di chứng của chất độc da cam. Một mình cùng mẹ phải cáng đáng việc lớn, trong đó áp lực kiếm đồng tiền bát gạo nuôi cha và năm đứa em khiến tuổi thơ của Tuấn đầy vất vả. Dù vậy, những lo toan cho gia đình không làm Tuấn tự ti mà bù lại, anh học rất giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 7, Tuấn luôn là học sinh giỏi, trở thành niềm động viên rất lớn cho bố mẹ và các em. Nhưng rồi, cuộc đời có ai học được chữ ngờ, bởi lúc đang là chỗ dựa lớn nhất của gia đình, thì bi kịch lại xảy ra với chính bản thân Tuấn. Năm Tuấn tròn 13 tuổi, Tuấn bỗng dưng thấy nhói đau ở lưng, rối cứ thế, lan khắp xuống phần dưới của cơ thể. Tưởng chỉ là đau nhức do làm việc quá sức, nhưng một tuần sau, mọi thứ càng tồi tệ hơn. "Những cơn đau liên hồi không ngớt, tôi kêu la gào thét. ít ngày sau, chân tôi không còn cảm giác nữa, tôi đã khóc rất nhiều bởi mọi thứ đến quá nhanh" , anh Tuấn nhớ lại. Mẹ Tuấn đã bán hết lợn, gà trong nhà, đồng thời đi vay khắp làng trên xóm dưới để có ít tiền chữa trị cho anh. Gom góp mãi được 5 triệu đồng, gia đình đưa Tuấn ra Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Sau khi chụp phim, bác sỹ kết luận anh bị viêm đa khớp xương cấp tính mà di chứng là toàn bộ xương sống, xương cổ, xương tay cứng đờ, không thể cử động, cơ hội chữa khỏi là gần như không có. Hơn một năm điều trị, bao nhiêu tài sản trong gia đình đều đội nón ra đi, số tiền vay của anh em, ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng bệnh tình anh không hề thuyên giảm. Ông Phạm Văn Thẩm, bố của Tuấn chia sẻ: " Trong nhà không còn thứ gì đáng giá nữa, chúng tôi bán hết để chữa bệnh cho nó. Thuốc tây hay thuốc bắc chi đều dùng cả nhưng đều vô hiệu". Chữa mãi mà không khỏi, tiền bạc thì đã cạn, nên sau khi bàn với nhau, gia đình đưa anh về nhà và cũng tính luôn chuyện hậu sự. Thời điểm này, cơ thể anh lạnh ngắt, không ăn không uống được gì, bố mẹ ngất lên ngất xuống vì thương cho tuổi đời của con còn quá ngắn ngủi. Được biết, Tuấn là đứa con mà bố mẹ đặt nhiều niềm tin nhất, vì anh là con cả, đã từng hứa với bố mẹ là sẽ cố gắng học thật giỏi, thi vào đại học Y Khoa, ra trường sẽ chữa bệnh cho bố và người dân. May mắn chết đi sống lại, nhưng các khớp xương cột sống, xương cổ vẫn cứng không có tiến triển gì, anh như người bại liệt. Một thời gian sau, nhờ xe lăn, anh có thể đi đây đi đó ra khỏi nhà và bỗng nhiên, khát khao học chữ lại trở nên cháy bóng. Những cơn đau sau đó đã không cho phép bởi trong 3 năm anh trở lại trường thì năm nào anh cũng phải bỏ dở. Uớc mơ trở thành bác sỹ của anh đã tan biến trong những tiếng khóc nức nở. Nhưng không vì thế mà Tuấn đầu hàng: " Tôi tự an ủi mình, nhiều người còn khổ hơn huống chi là mình. Phải tiếp tục sống, không thể đầu hàng trước số phận, Tuấn quyết tâm. Đơm hoa kết trái. Đám cưới của người nghệ sĩ làng này là một đám cưới đặc biệt, bởi sự tham gia của rất nhiều người. Dù phải ngồi trên xe lăn, nhưng khuôn mặt chú rể cười rạng rỡ. Anh Tuấn hạnh phúc nhớ lại: "Tôi không ngờ mình lại có ngày hạnh phúc như vậy. Tiếng cười, tiếng nói, hòa lẫn lời chúc mừng khiến tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Hạnh phúc lại được nhân đôi khi sau ngày cưới không lâu, anh chị đón chào một cậu con trai khỏe mạnh, rất giống bố. Chính đứa trẻ đã cho vợ chồng anh không chỉ nghị lực sống mà còn là sợi dây kết nối hai gia đình nội ngoại lại gần hơn. Có động lực từ người vợ và tổ ấm hạnh phúc cùng sự giúp đỡ của chính quyền qua việc tạo điều kiện cho mượn miếng đất để xây quán chụp ảnh và dạy vẽ, cái cơ sở kinh doanh và dạy học mang tên Tuấn Hello đang ngày càng có được chỗ đứng và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Khi quán được dựng lên, số tiền nợ ngân hàng của anh hơn 100 triệu đồng và bây giờ vợ chồng anh chị đang cật lực làm để trả nợ. Sau rất nhiều những lựa chọn, suy nghĩ, anh đã thống nhất bàn với bố mẹ xin học cái nghề gì nhẹ nhàng lại phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Anh đã vào TP.Vinh xin học một lớp đồ họa và nhiếp ảnh với khát vọng trở thành nghệ sĩ làng. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi Tuấn tỏ ra có năng khiếu với những tác phẩm vẽ tranh cực kỳ ấn tượng. Ngay khi tốt nghiệp trở về, Tuấn đã mở lớp dạy vẽ, chụp ảnh và bắt đầu trở nên nổi tiếng từ đó. Và cũng chính từ đây, anh gặp Phương, cô học trò nhỏ và cả hai đã cùng nhau tạo nên một câu chuyện tình cảm động khắp cả vùng. Tình yêu như cổ tích. Cảm phục trước nghị lực và tài năng của anh nghệ sĩ tàn tật, rất nhiều cô cậu học sinh trong vùng đã tìm đến xin học. Trong số này, Tuấn để ý cô học trò nhỏ Cao Thị Phương (SN 1986), người thường xuyên chia sẻ với Tuấn những suy tư về cuộc sống. Đặc biệt, sau mỗi giờ học, Phương thường ở lại dọn dẹp, chia thuốc, lo bữa ăn cho thầy xong khi đó mới yên tâm ra về. Tưởng rằng cô học trò thương cho số phận hẩm hiu của mình nên quan tâm, nào ngờ một ngày nọ, sau khi tan học, Phương gặp riêng thầy và bảo rằng: "Thầy ơi, em yêu thầy ". Nghe xong, anh Tuấn chỉ cười, anh tàn tật không dám nghĩ tới điều đó, mà cũng tin chắc rằng, họ đùa thôi chứ ai dám lấy mình làm chồng. Anh Tuấn chia sẻ: Nhiều đêm tôi không ngủ được, không thể để Phương hy sinh cả đời vì tôi, con đường của Phương còn dài, rộng mở, Phương sẽ lấy một người chồng lành lặn, tương lai tươi sáng hơn. Nghĩ nhiều, cuối cùng tôi đã ngồi nói chuyện thẳng thắn với Phương, em đừng nên yêu thầy, đến khi nặng lòng khó dứt ra được. Thầy tàn tật, em khỏe mạnh nên hãy tìm một người khác cho xứng đáng. Tôi chưa dứt lời thì Phương đã khóc òa và thốt lên: "Em không thể xa thầy được, em đã suy nghĩ nhiều lắm rồi, em nguyện cùng thầy đi hết con đường này. Cuộc đời này em không thể sống nổi nếu thiếu thầy. Nếu không lấy được thầy, em sẽ chết. Tuyên bố của Phương khiến cho tôi bắt đầu phải suy nghĩ nghiêm túc về thứ tình cảm mà cô học trò nghèo dành cho mình. Ảnh cưới của anh chị. Họ đã yêu nhau, thể hiện công khai với tất cả, nhưng để đến được với nhau là cả một câu chuyện dài, khi bố mẹ Phương đã có lúc tuyên bố từ mặt, nếu Phương lấy Tuấn làm chồng. Đã nhiều lần bố mẹ Phương gọi điện cho Tuấn để cảnh cáo: "Nếu cháu thương Phương thật lòng thì cháu hãy làm cách gì đó cho nó ghét cháu đi, còn không thì cháu là người gây họa cho cuộc đời Phương đó, cháu sẽ phải hối hận đấy. Tuấn ngậm ngùi trả lời: Cháu không thể làm được bác ạ, cháu không làm hại cũng không dùng thuốc mê để giành lấy Phương, cháu chỉ có tình yêu dành cho Phương. Cháu biết cháu là người không lành lặn, tàn tật, nhưng cháu với Phương yêu nhau thật lòng, chúng cháu không có tội tình gì cả. Cũng bởi sự cấm đoán mà hai người đã nghĩ ra cách chinh phục khá độc khiến giờ nhớ lại, anh chị đều cười thẹn thùng. Chuyện là đứng trước tình hình khó xử đó, anh chị đã nghĩ ra cách là mang bầu trước, cũng là để chứng minh anh Tuấn vẫn có khả năng đàn ông, vừa đẩy cho sự việc tiến sâu, không thể ngăn cản được nữa. Không ngờ kế sách đó lại thành công, khi đằng ngoại chấp nhận, để Phương lấy Tuấn làm chồng. Từ câu chuyện cuộc đời đầy éo le, đến mối tình với cô học trò nhỏ, Tuấn đã khiến tất cả phải khâm phục. Hạnh phúc là biết nỗ lực, đấu tranh và nó dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai. Kim Thoa.
Gian dối trong bằng cấp, gian dối trong đào tạo, gian dối trong học hàm học vị không còn là chuyện mới trong giáo dục. Tuy nhiên, gian dối như một bệnh dịch như thế này thì rõ ràng đã không còn giới hạn của liêm sỉ nữa rồi. Tư lệnh ngành giáo dục là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra những vụ bê bối sửa điểm thi thời gian qua. Nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ nhận trách nhiệm thôi, nhận chứ không xin lỗi. Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng nói: Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn, đó là khi Bộ GD&ĐT dưới thời của ông Phạm Vũ Luận xung phong cải cách. Ông Phạm Vũ Luận về hưu, cái ghế Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được ông Phùng Xuân Nhạ tiếp quản. Ngay lập tức, ông Nhạ đưa ra tuyên ngôn về triết lý giáo dục của mình: Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người. Đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm. Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi thôi luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ của tôi là tạo được niềm tin trong nhân dân, trong xã hội. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại. Minh họa: Lê Phương. Ngô tôi rất đồng tình với triết lý giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiếc thay, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng thừa nhận: Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là một điển hình. Tính từ tháng 4-2016 cho đến nay, gần tròn 30 tháng, ngành giáo dục dưới sự lèo lái của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên tiếp lâm vào nhiều câu chuyện đáng buồn. Tính từ buồn là cách nói nhẹ đi của những scandal, những vụ lùm xùm, những câu chuyện đau lòng mà tôi tin rằng nếu những chuyện này xảy ra ở các nước khác, chúng ta vẫn thường đọc được thông tin người đứng đầu ngành, lĩnh vực ấy sẽ tự nguyện nộp đơn xin từ chức. Sòng phẳng mà thừa nhận, 30 tháng không phải là quãng thời gian dài để Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể tạo nên một kỳ tích cho giáo dục. Nhưng 30 tháng chắc chắn đủ để xuất hiện các quyết sách, giải pháp hợp lý nhằm mở rộng cửa cho một tương lai hy vọng. Tiếc rằng, không có. Thay vào đó, giáo viên phải làm nhiệm vụ rót bia cho đại biểu dự hội nghị, thầy giáo bị bắt quả tang dạy thêm không khác gì buôn hàng quốc cấm, giáo viên đổi tình lấy biên chế, tiêu cực trong phong hàm giáo sư và bây giờ là sửa điểm thi tốt nghiệp. Toàn những chuyện khác xa triết lý giáo dục nhấn vào yếu tố con người mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nêu ra. Làm sao có một con người khi mà vừa chớm lớn đã phải tham gia vào đường dây (hay băng nhóm) hỗ trợ cho cái sai, làm sao có một con người khi mà vừa thôi bậc trung học phổ thông đã nhờ vào tiền hay quyền của bố mẹ để giành suất vào đại học với người khác, làm sao có một con người khi mà nền tảng để thụ hưởng tri thức bắt nguồn từ dối trá. Đó là một việc hết sức nghiêm trọng. Khi mà việc hết sức nghiêm trọng chưa có cách trị, chưa ngã ngũ, chưa thu vén cho hợp lý thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại xuất hiện trên truyền thông khi đi dự khánh thành một trường dân lập ở Đắk Lắk, mặc cho, những Hòa Bình, Sơn La cần sự thị sát của ông hơn. Bộ trưởng dự khánh thành một công trình tư nhân thì cũng không có gì quá lạ lùng. Nhưng trong bối cảnh này, Bộ trưởng hạ cố đến dự lễ khánh thành một trường tư thì trông hơi kỳ kỳ. Mặc dù, báo giới nói nhân chuyến công tác tại Đắk Lắk nên Bộ trưởng tiện đường đến dự. Vì sao có chuyện tiện lợi ngẫu nhiên ấy, chuyện này ai cũng biết rồi nên có lẽ không cần phải lạm bàn. Ngô có dịp hầu chuyện với nhiều lãnh đạo, không phải lãnh đạo nào thì cũng là người có ảnh hưởng. Ngô biết các câu chuyện người kế nhiệm phải vá các lỗ hổng mà người tiền nhiệm để lại khó khăn như thế nào. Không cần nhìn đâu xa, nhìn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp nhận rồi vực dậy Bộ Công thương sẽ hiểu tàn tích mà người tiền nhiệm là ông Vũ Huy Hoàng để lại kinh khủng ra sao. Hoặc nếu nhìn cuộc chiến chống tham nhũng cán bộ thoái hóa biến chất, sẽ thấy hậu quả của một giai đoạn để lại khốc hại như thế nào. Viết ra điều ấy là để quý bạn đọc có cái nhìn rộng hơn toàn bộ câu chuyện, thế nhưng chính vì lẽ đó nên những tư lệnh ngành cần phải tập trung hơn, cần phải cố gắng hơn để vừa khôi phục lại vừa phát triển ở lĩnh vực mà mình được Chính phủ tin tưởng giao phó, Quốc hội phê chuẩn. Chứ đâu thể nào nói: Cái đấy nát lắm rồi, tôi làm cũng không được gì, mặc đến đâu thì đến vậy. Nếu như vậy thì cần tư lệnh ngành làm gì, nếu như vậy thì cần lãnh đạo kế nhiệm làm gì, nếu như vậy thì cần đề bạt bổ nhiệm làm gì? Lẽ ra, trong khó khăn lại càng gắng sức, trong gian nan lại càng cố gắng chứng tỏ mình, thành là đây mà bại cũng là đây, cơ hội được tán tụng cũng là đây mà cơ hội tạo sự thất vọng cũng là đây. Cá nhân Ngô nghĩ, là do sự lựa chọn thôi. Ngô không tin vào câu chuyện không thể làm được khi mình là cấp trưởng, là tư lệnh ngành. Nhất là khi giáo dục luôn được Chính phủ ưu tiên về đầu tư cũng như toàn xã hội ủng hộ, chỉ cần đi đúng hướng và giữ được cái đạo của nghiệp trồng người. Đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng: Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm. Rộng ra, giáo dục cũng vậy, y tế cũng vậy, giao thông cũng vậy. Nhắc đến giao thông, có lẽ phải ghi nhận sự cố gắng của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Sau những lùm xùm BOT đặt sai vị trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang có những cố gắng để khôi phục niềm tin cho lĩnh vực mà ông đang phụ trách. Điểm nóng về tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ngay lập tức có mặt để nắm tình hình, thăm hỏi người thân của các nạn nhân không may và cả những nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện. Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án giao thông khác trên địa bàn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giao Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam nghiên cứu, đề xuất mở rộng tuyến tránh vừa xảy ra tai nạn làm 13 người chết ở Quảng Nam. Trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu: Tôi thật sự nếu mà có tiền, những tuyến tránh tôi cho làm 4 làn xe hết, dĩ nhiên là khó nhưng mà mình phải xem những cái nào thật sự cần thiết, thật sự nguy hiểm, thật sự có vấn đề thì chúng ta phải đề xuất chứ không phải mình nói cả nước như thế. Ngô lan man chuyện tiền một chút, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ước mơ có tiền để làm những tuyến tránh rộng để tránh các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Quốc gia của mình có tiền không, chắc chắn là có. Nhưng rồi, những khoản thua lỗ nghìn tỷ, vạn tỷ, những dự án đắp chiếu, những khoản vay nợ thật sự vô cùng phi lý của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã hỏa thiêu quá nhiều tiền của ngân sách trong một quãng thời gian dài. Bây giờ thì quốc gia khó nhiều rồi, chỉ thương cho Chính phủ không ngừng nỗ lực kiến tạo. Trở lại chuyện của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đã hai lần Bộ trưởng nhận trách nhiệm. Lần đầu tiên là vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi bị truy về tình trạng giáo viên bạo hành các bé mầm non. Lần thứ hai là vào tháng 8 này, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về bê bối điểm thi. Và cả hai lần nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hay câu trả lời nào nhằm chứng minh rằng sau nhận trách nhiệm sẽ là hành động để không còn xảy ra những hạn chế, yếu kém nữa. Và nữa, nhận trách nhiệm suông hay sao? Giáo dục là rường cột của quốc gia, quốc gia có phát triển bền vững hay không, có kịp đoàn tàu công nghệ 4.0 hay không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giáo dục. Xã hội có văn minh hay không, có nhân văn hay không, người với người có yêu thương nhau hay không cũng bắt nguồn từ nền tảng giáo dục. Mà giáo dục cứ như thế này thì biết là làm sao? Ngô Nguyệt Hữu.
Có một trận mưa đầu mùa mà con đường dẫn vào thôn An Cư (Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội) đã trở thành "cái bẫy" đối với người đi. Sau khi vượt qua mấy cây số đường lổn nhổn đá dăm lẫn với cát vàng khiến chúng tôi suýt "xòe" mấy lần thì mới tới một con đường đất nhỏ. Thêm vài phen toát mồ hôi nữa chúng tôi mới vượt qua được những quãng lầy lội trơn trượt để tìm đến một căn nhà không tường rào, không cổng nhưng được nhiều người dân cho biết đây là nhà của tân thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội, Phạm Văn Khánh. Chúng tôi đang ngó quanh xem có ai ở nhà không thì gặp một chị tay ôm một mớ những cành tre kéo vào sân: "Hai chú tìm thằng Khánh nhà tôi phải không?". "Dạ vâng, may quá. Chị chắc là mẹ của em Khánh ạ?". "Vâng, các anh chờ tôi một chút nhé". Thế rồi chị chạy ra đầu ngõ, kéo nốt đám cành tre vào nhà rồi mới rửa tay chân tiếp chuyện chúng tôi. Phạm Văn Khánh bên bàn học. Như nhiều gia đình nông dân khác, căn nhà của chị Xíu ngoài cái giường, bộ bàn ghế, cái quạt điện thì giá trị nhất có lẽ là thùng thóc đặt ở giữa nhà. "Bây giờ gia tài của chúng tôi có lẽ chỉ có chị em thằng Khánh và chừng 4 tạ thóc này thôi" - chị Xíu cười nói. Trò chuyện được một lúc thì Khánh từ đâu chạy về, tay xách một túi nylon. Hỏi ra mới biết, Khánh đi mua thuốc cho bố. Anh Phạm Văn Kha (năm nay 44 tuổi) bị mắc bệnh nặng đã nhiều năm, hầu như không làm được việc gì giúp gia đình. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trông nhà, đến ngay cả việc nấu cơm đối với anh cũng không phải là việc dễ dàng. Dạo này thời tiết thất thường, người anh lúc nào cũng đau như dần nên cứ phải nằm trong một góc buồng, uống bao nhiêu thuốc rồi mà không thấy thuyên giảm. Mặc dầu cả hai vợ chồng đều là nông dân, song anh Kha, chị Xíu rất ý thức được việc chăm lo học hành cho các con. Trời cũng chả phụ công anh chị, Khánh và chị gái là Phạm Thị Đào từ khi học phổ thông đã nổi tiếng cả xã về chăm ngoan, học giỏi. Hai chị em năm nào cũng thi đua nhau giành nhiều giấy khen, phần thưởng của trường, huyện, tỉnh về tặng bố mẹ. Cách đây mấy năm, chị Xíu đã đưa Đào lên Hà Nội thi, và đỗ vào Trường đại học Ngoại thương. Năm nay đến lượt Khánh, chị Xíu lại được "tín nhiệm" đưa con trai đi thi. Để bớt chi phí, chị Xíu đã chuẩn bị trước mấy lạng ruốc, lại xách thêm mấy ký gạo. Chiều ngày 2/7, chị Xíu đưa Khánh ra đầu làng bắt xe khách. Chẳng ngờ hôm ấy do vắng khách quá, chiếc xe đã chạy sớm hơn mọi ngày nửa giờ. Thế là hai mẹ con toát mồ hôi bắt xe ôm đuổi theo. Tối mịt hôm ấy thì lên tới Hà Nội, nghỉ tạm tại nhà trọ của Đào. Sáng hôm sau, trong khi Khánh làm thủ tục ở trường thì chị Xíu tất tả đi tìm phòng trọ cho con, vì ở chỗ chị Đào xa quá, nhỡ mà tắc đường thì... Thật may, chị Xíu được mấy em tình nguyện viên chỉ cho vào ký túc xá Trường đại học Bách khoa mà trọ. Mỗi ngày ở đây chỉ hết 30.000 đồng/người. Đến bữa, hai mẹ con chỉ dám đặt một suất cơm với giá 12.000 đồng, còn lại thì ăn thêm mỳ tôm cho no. "Mấy hôm thi mẹ em "chê" cơm Hà Nội không ngon, toàn ăn mỳ tôm. Em biết là mẹ muốn nhường cho em nên hôm sau em chỉ ăn nửa suất, bắt buộc mẹ em phải ăn nửa suất còn lại anh ạ" - Khánh kể. Cậu thủ khoa Khánh cũng rất đảm việc nhà. Đưa con đi thi xong, về đến nhà là chị Xíu lại lao vào đồng ruộng, tìm việc làm thuê làm mướn chuẩn bị sẵn sàng cho con nhập học. Vì nghe con bảo, so bài làm với đáp án thì môn Lý, Hóa chỉ khác một tí ti thôi. Đến hôm 28-7, bạn Khánh xem điểm trên mạng báo về là Khánh được 29,5 điểm - thủ khoa Trường đại học Bách khoa Hà Nội thì em chưa tin. Khánh xin mẹ mấy nghìn, mượn xe đạp chạy ra cửa hàng Internet xem lại thật kỹ. Tin này khiến cho cả thôn An Cư xôn xao, người ta thi nhau đến chúc mừng khiến cho chị Xíu phải bỏ cả việc, ở nhà tiếp khách. Người ngoài thì thấy bất ngờ, song các thầy cô, các bạn của Khánh thì ít ai thấy lạ, bởi 12 năm liền Khánh là học sinh giỏi. Lớp 6 đoạt giải môn Tiếng Anh cấp huyện, lớp 9 đoạt giải môn Vật lý cấp huyện, lớp 12 đoạt giải Nhì môn Toán cấp thành phố và đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia. Hình như phấn khởi trước "chiến tích" của cậu con trai, bệnh tình của anh Kha gần đây cũng đỡ hơn. Anh đã nhúc nhắc ngồi dậy, đi lại được. Thi thoảng cũng đỡ đần được việc thổi cơm, nấu nước... Không chỉ học giỏi mà Khánh còn là một chàng trai rất đảm việc nhà. Những năm học THCS, cứ tới mùa là Khánh cùng đi gieo mạ, cấy hái, thu hoạch với mẹ. Ngoài hai vụ lúa chính, nhà Khánh còn gieo thêm ít cây vụ đông, rau cỏ... phục vụ cho bữa ăn gia đình. Nhớ đợt thi tốt nghiệp THPT lại đúng vào ngày thu hoạch. Khánh mải đứng canh máy tuốt lúa tới tận giờ thi cận kề mới sấp ngửa chạy lên trường. May là vẫn kịp giờ. Khánh còn hay phải dậy sớm để chở nước về cho cả nhà dùng. Vì nước giếng của nhà bị nhiễm phèn, không dùng để ăn được nên Khánh được giao nhiệm vụ phải luôn "lấp đầy" chiếc bể nước ăn của gia đình. Mùa mưa thì còn đỡ, chứ mùa khô thì mỗi tuần Khánh phải 4 lần dậy sớm, chở hàng chục can về đổ đầy bể nước rồi sau đó mới làm gì thì làm. Cực nhất là vào mùa đông tháng giá, áo ấm thì không có lại phải vượt qua đoạn đường lổn nhổn đất đá, lắm khi chở đầy bể nước thì mồ hôi vã ra như tắm. Khánh tâm sự, em mong muốn mình và gia đình có sức khỏe thật tốt, và em mong muốn các nhà tài trợ sẽ giúp đỡ một phần nào đó cho gia đình em để em có điều kiện học tập tốt hơn. Nếu nhận được sự giúp đỡ, em cũng không dám hứa trước là mình sẽ học giỏi, nhưng em có thể hứa là mình sẽ luôn học tập chăm chỉ và cố gắng hết sức. Hiện tại Khánh đang nhanh chóng ôn luyện cấp tốc cho kỳ "vượt vũ môn" sắp tới vào lớp Kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội. II. Căn nhà đơn sơ ở vùng miền núi Đô Lương (Nghệ An) chẳng có gì nhiều ngoài sách vở và bằng khen, giấy chứng nhận thành tích học tập của cậu học trò Tăng Văn Bình. Suốt 12 năm học phổ thông, năm nào Bình cũng là học sinh giỏi toàn diện, và gọi là "Bình thủ khoa" chắc cũng không quá lời vì Bình nhiều lần đứng đầu trong các cuộc thi. Cuối năm học lớp 9, Bình đỗ thủ khoa Trường chuyên THPT Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ An, á khoa thi vào lớp 10 chuyên Toán đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Tuy nhiên, phần vì thương mẹ, phần vì nhà không có tiền nên Bình chọn trường chuyên tỉnh học để cuối tuần còn được... về với mẹ. Chỉ tính riêng năm học lớp 12, Bình đoạt giải Nhất học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, giải Nhì học sinh giỏi Toán quốc gia và được gọi vào Đội tuyển Toán đi thi quốc tế. Hy vọng, niềm vui sẽ luôn đến với Tăng Văn Bình. Trong kỳ thi đại học - cao đẳng năm nay, Bình chọn khoa Kinh tế - Đối ngoại của Trường đại học Ngoại thương Hà Nội - một khoa có điểm chuẩn cao, thi vào khoa này hầu hết là những học sinh có học lực thuộc hàng "đáng nể". Đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia nên chỉ cần đủ điểm sàn là có thể vào thẳng trường đại học nhưng cậu học trò Tăng Văn Bình đã vượt chỉ tiêu, rinh về danh hiệu thủ khoa tuyệt đối ở cả 3 môn thi. Ấn tượng đầu tiên về chàng thủ khoa đạt điểm tuyệt đối này là lúc nào em cũng cười một cách hồn nhiên. Cặp kính cận với khuôn mặt trẻ con làm cho nụ cười trông càng vô tư và ngộ nghĩnh - gặp lần đầu tiên, chẳng ai hình dung được, cậu bé này đã từng phải trải qua những vất vả thiệt thòi và thành quả hôm nay bắt nguồn từ nỗ lực vô cùng to lớn. Mất cha khi mới lọt lòng, Bình đã phải vừa đi học vừa phụ việc mẹ từ nhỏ. Lên cấp 3, Bình phải xuống TP Vinh trọ để theo học Trường chuyên Phan Bội Châu, cách nhà 80km. Mười mấy tuổi đầu, Bình đã phải tự xoay xở với khoản tiền ít ỏi mẹ chu cấp hàng tháng. Ngày nào được nghỉ là Bình lại tự bắt mấy chặng xe khách về nhà với mẹ để khi đi lên lại tranh thủ lỉnh kỉnh nào là gạo, cá khô, mắm muối, dưa cà... "Em không học thêm và cũng không đi luyện thi ở các trung tâm luyện thi đại học vì mẹ gửi tiền chỉ đủ tiền ở và tiền ăn. Nên em chỉ tự học thôi ạ" - Bình tâm sự. Mẹ của Bình, bà Trần Thị Dung khuôn mặt cũng ngập tràn hạnh phúc - cả cuộc đời lam lũ của bà có lẽ hai đứa con là niềm vui lớn nhất. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo từ khi Bình mới chào đời được mấy tháng, bà đã không gục ngã, làm đủ các thứ nghề để nuôi 2 con khôn lớn. Khi vừa sinh Bình, chưa có nghề nghiệp gì, bà phải vừa ẵm con thơ, vừa làm ruộng. Khi 2 đứa con bắt đầu đi học thì bà kiêm thêm nghề bốc vác, gánh gạch thuê để có tiền trang trải chuyện học hành. Gánh nặng tuổi tác ngày càng lớn nên bà xin vào làm nấu cơm cho trẻ ở Trường mầm non bán trú xã Yên Sơn. Vài năm sau, bà xin đi học bổ túc kiến thức trở thành cô giáo nuôi dạy trẻ. Dạo trước, giáo viên mầm non chỉ được trả lương theo mùa vụ, mỗi mùa được khoảng 2 tạ thóc - vậy nên mỗi khi muốn mua sách vở cho con, bà Dung lại phải hì hụi gánh thóc ra chợ bán. "Cả đời tui cơ cực, chỉ nhìn vào 2 đứa con mà vui, may mà đứa nào cũng khỏe mạnh, học giỏi. Giờ chúng nó đi xa thì tui nhớ lắm!". - bà Dung nói mà đôi mắt rưng rưng. Niềm vui của ba mẹ con. III. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, mùa thi đại học - cao đẳng năm nay có hàng chục thủ khoa đều xuất thân từ những miền quê xa xôi hẻo lánh, từ những gia đình "nghèo rớt mùng tơi". Kể cả những mùa thi trước, số lượng thủ khoa, á khoa đi lên từ vùng nông thôn, hoặc xuất thân từ nông thôn lên thành phố trọ học đều chiếm tỉ lệ áp đảo. Đây thực sự là một xu hướng tích cực và đáng trân trọng. Để lý giải hiện tượng này, trước hết có thể thấy rằng, mặc dù sinh ra ở nông thôn (hoặc xuất thân từ nông thôn ra thành phố trọ học) song rất nhiều em học sinh có tư chất thông minh, ham học hỏi. Hơn nữa, những học sinh mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn đa phần cũng rất giàu ý chí, nghị lực. Các em đã sớm nhận thức được, chỉ có học mới mong thay đổi được cuộc sống, mới có thể thoát nghèo nên đã chủ động, tự giác trong học tập. Bên cạnh đó, tuy điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn song các em lại luôn nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự động viên, khích lệ từ hàng xóm, láng giềng, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình. Chính gia đình và sự quan tâm của những người xung quanh là động lực để các em không ngừng nỗ lực vươn lên. Tạm kết loạt bài viết về con nhà nghèo học giỏi tại đây, chúng tôi những mong Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan, ban ngành hữu quan có nhiều sự hỗ trợ thiết thực, dài hơi như: tăng mức học bổng hàng tháng, ngoài quỹ học bổng học tập dành chung cho mọi đối tượng sinh viên cần có thêm quỹ học bổng dành riêng cho những sinh viên nhà nghèo mà có thành tích học tập tốt. Các trường đại học cần dành quỹ đất xây dựng thêm những ký túc xá ưu tiên cho các sinh viên nghèo...
Quyền công dân đặc biệt được coi trọng khi Luật Trưng cầu ý dân được thông qua. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ. Từ dân sự... Hai luật mẹ trong quan hệ dân sự là Bộ luật Dân sự (2015) và Bộ luật Tố tụng dân sự (2015) vừa được Quốc hội thông qua có một vài thay đổi cơ bản trong nhận thức về quyền công dân, quyền con người so với quy định hiện hành. Đó là, Bộ luật Dân sự mới đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân, khi quy định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan. Trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự mới không cho phép tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; đồng thời giải thích rõ: vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh chưa có điều luật để áp dụng. Như vậy, cho dù vụ việc chưa có điều luật để áp dụng thì cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án có thẩm quyền - để tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Theo luật, khi đó, tòa án sẽ áp dụng tập quán, pháp luật tương tự và lẽ công bằng để giải quyết. Ngoài ra, quyền công dân đặc biệt được coi trọng khi Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân - một đạo luật hoàn toàn mới - quy định về việc Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân để cử tri trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Theo luật này, từ ngày 1-7-2016, công dân đủ 18 tuổi trở lên sẽ được bỏ phiếu [khi Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân] để bày tỏ chính kiến của mình về: (i) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; (ii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; (iii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; và (iv) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. Thậm chí, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc... vẫn được bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Theo luật, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ khi có ít nhất ba phần tư tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Và, căn cứ vào kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. ...đến hình sự. Không chỉ pháp luật về dân sự thay đổi theo hướng bảo vệ quyền công dân, quyền con người mà pháp luật về hình sự cũng vậy. Bộ luật Hình sự (2015) và Bộ luật Tố tụng hình sự (2015) - hai luật mẹ trong quan hệ hình sự - vừa được Quốc hội thông qua đã cho thấy điều đó. Cụ thể, Bộ luật Hình sự mới đã loại bỏ bảy tội danh có hình phạt tử hình được quy định trong luật hiện hành. Đó là: tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch. Và điểm đáng chú ý trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đó là phần lớn các tội danh thuộc lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền (thay vì là hình phạt tù như luật hiện hành), kể cả tội phạm rất nghiêm trọng. Với định hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ; hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự... Bộ luật Hình sự mới sẽ giúp bảo vệ sự an toàn và an ninh cho người dân Việt Nam, cũng như tăng cường sự ổn định của một xã hội pháp trị, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhận định. Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng mới này đã cơ bản công nhận quyền im lặng, khi quy định: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, luật quy định như thế sẽ bảo vệ tốt hơn quyền công dân, quyền con người; đồng thời sẽ hạn chế được các vụ án oan sai. Bên cạnh quy định tiến bộ về quyền im lặng thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng giải tỏa được những bất cập trong quy trình tố tụng hiện nay. Cụ thể, quyền bào chữa của người bị buộc tội được làm rõ hơn quy định cũ, đó là: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định. Luật mới cũng đã cho phép người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Đây là quy định hết sức tiến bộ, phù hợp với thế giới, tạo điều kiện cho người bị bắt có luật sư ngay từ đầu, luật sư Hưng nói. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định khá rõ ràng về quyền được bào chữa của bị can. Theo đó, trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa. Chưa hết, ngoài việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền con người. Cụ thể, luật này quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự; được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, những người này được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật. Luật cũng quy định cấm các hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm như giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân... Và, để hạn chế việc ép cung, nhục hình, luật này cũng quy định tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.
Tên lửa chiến lược mới của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc. Trang mạng quân sự sina Trung Quốc dẫn mạng tin tức tổng hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 11 tháng 12 đưa tin, sắp tới, lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc thực sự phát triển với tốc độ rất cao, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc sẽ lần đầu tiên trong lịch sử có thể chịu được thảm họa của đợt tấn công đầu tiên. Đánh giá này của nhà phân tích quân sự Mỹ làm cho Lầu Năm Góc lo ngại, đã thay đổi hoàn toàn thái độ của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc. Chuyên gia Mỹ cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược mới nhất của Trung Quốc chuẩn bị ra biển tuần tra trước cuối năm 2014, nó sẽ mang theo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên biển có thể tấn công bờ biển Mỹ, từ đó làm cho Trung Quốc có được thủ đoạn uy hiếp hạt nhân trên biển tin cậy. Chuyên gia Nicholas Giacometti, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington cho rằng, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử sẽ vượt qua thảm họa của đợt tấn công lần thứ nhất, đây cũng là bước cuối cùng Trung Quốc phải đi để sở hữu năng lực bảo đảm tiến hành phản kích hạt nhân. Báo cáo mà Quốc hội Mỹ nhận được chỉ ra, hiện nay không thể xác định số lượng chính xác tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đầu đạn hạt nhân hiện có của Trung Quốc, bởi vì tính cơ mật của chương trình hạt nhân Trung Quốc khá mạnh. Hiện nay, nguồn thông tin tình báo mới nhất về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mà Lầu Năm Góc nắm được là số liệu của năm 2006. Tên lửa chiến lược mới của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc. Căn cứ vào tin tức của mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, hiện nay, Mỹ có ý định làm rõ độ dài của đường hầm chứa vũ khí hạt nhân và số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Obama cách đây không lâu đã ký kết dự luật, yêu cầu xây dựng chiến lược an ninh quốc gia mới. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ đã đệ trình báo cáo về "Trường Thành hạt nhân" dưới lòng đất của Trung Quốc, bàn thảo vấn đề khả năng sử dụng lực lượng thông thường và hạt nhân tiêu diệt những đường hầm dưới lòng đất này, tiêu diệt vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Mỹ căn cứ vào các bức ảnh chụp từ vũ trụ phán đoán tình hình tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc. Căn cứ vào thông tin tình báo trinh sát vũ trụ, tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc là Type 094 lớp Tấn, tàu ngầm này bị vệ tinh Mỹ chụp được khi đậu ở đảo Tiểu Bình, gần Đại Liên. Nhìn vào bề ngoài, lồng phòng hộ giếng bắn tên lửa của tàu ngầm hạt nhân tiên tiến không khỏi khiến người ta nghĩ đến tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delphin (NATO gọi là lớp Delta-IV). Được biết, chiếc tàu ngầm hạt nhân Type 094 đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2004, chủ yếu dùng để thay thế tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ Type 092. Căn cứ vào số liệu không đầy đủ của các kênh công khai, hiện nay, trong hàng ngũ chiến đấu của Hải quân Trung Quốc tổng cộng có 57 tàu ngầm, trong đó có 1 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Hạ, 5 tàu ngầm lớp Hán, 4 tàu ngầm tấn công lớp Kilo (Type 636 của Nga), 7 tàu ngầm lớp Tống, 18 tàu ngầm lớp Minh, 22 tàu ngầm lớp Romeo (Type 641, R). Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đặt mua 8 tàu ngầm lớp Kilo phiên bản cải tiến Type 887. Binh sĩ Pháo binh 2. Việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc làm cho Quân đội Mỹ rất lo ngại, trong báo cáo "Sức mạnh quân sự Trung Quốc" mới nhất, Quân đội Mỹ đề nghị với Chính phủ Mỹ, chỉ ra, Trung Quốc xây dựng lực lượng tàu ngầm buộc Lầu Năm Góc đẩy nhanh tăng cường năng lực tác chiến săn ngầm. Do tàu chiến, số lượng máy bay và trực thăng chuyên dụng phòng thủ săn ngầm giảm đi, năng lực săn ngầm của Quân đội Mỹ dã giảm đến điểm thấp nhất trong lịch sử. Mỹ cho rằng, tàu ngầm hạt nhân Type 094 Trung Quốc có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo Cự Lang-2, tầm bắn có thể đạt 8.000 - 12.000 km. Được biết, loại tên lửa này là phiên bản bắn từ tàu ngầm của tên lửa chiến lược mặt đất mới nhất Đông Phong-31A Trung Quốc. Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu 4, Bộ Quốc phòng Nga, người phụ trách nghiên cứu sự phát triển vũ khí hạt nhân và hậu quả sử dụng, ông Dvorkin cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng hạt nhân "tam vị nhất thể" phù hợp với yêu cầu, như Mỹ và Nga, vì vậy, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo trên biển chỉ là vấn đề thời gian. Sự thành công của Trung Quốc trên phương diện tên lửa Đông Phong-31 mặt đất "thích ứng với đời sống đại dương" có ý nghĩa mang tính tiêu chí, nó cho thấy, trong các nước lớn hạt nhân, Trung Quốc đã có trước năng lực chế tạo tên lửa đạn đạo thông dụng thống nhất mặt đất và trên biển. Binh sĩ Pháo binh 2. Trong khi đó, Nga mãi đến gần đây mới thực hiện được mục tiêu này đối với tên lửa đạn đạo Bulava - loại tên lửa chế tạo cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Borey Type 955. Kiến trúc sư trưởng của loại tên lửa này Solomonov từng nhiều lần cho rằng, một trong những mục tiêu chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa chiến lược mới ở chỗ làm cho nó cố gắng được thống nhất, có năng lực thích ứng với các loại trang bị. Nhưng rất rõ ràng, nhà thiết kế Nga không thể đạt được mục tiêu đúng hạn, ít nhất tương đối lạc hậu trên phương diện trang bị tên lửa Bulava phiên bản trên biển, trong khi đó, cụm chiến đấu mặt đất của Lực lượng tên lửa chiến lược, Quân đội Nga đã trang bị tên lửa RS-24 Yars mới. Cũng chính nó, chứ không phải phiên bản trên biển Bulava đã kế thừa toàn diện những đặc điểm chủ yếu của tên lửa Topol-M thế hệ trước. Còn đối với tên lửa Đông Phong-31, chuyên gia cho rằng, năng lực của nó trên phương diện tính năng chiến đấu có thể tương đương với RS-12 Topol của Liên Xô. Đặc điểm nổi bật của nó là tốc độ bắn, nhanh hơn đại đa số tên lửa đạn đạo khác. Căn cứ vào một số thông tin tình báo, thời gian từ khi bắn đến khi đi vào đoạn đẩy nhanh quỹ tích tên lửa của đường pa-ra-bôn đạn đạo không hơn 5 phút. Trong thời gian này, vệ tinh rất khó phát hiện thực tế bắn tên lửa, càng chưa nói tới có ý định dẫn đường đánh chặn. Ngoài ra, tất cả tên lửa dòng Topol, Topol-M và Yars đều sử dụng vài chục động cơ hỗ trợ, khi bay không chỉ có thể bay theo đường pa-ra-bôn đường đạn truyền thống mà còn có thể bay theo "quỹ đạo bò/trườn" (như con rắn), từ đó đã làm gia tăng độ khó cho đối phương trong việc xác định phương vị của nó, tiến tới dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tiến hành tấn công. Binh sĩ Pháo binh 2. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chế tạo ra tên lửa kiểu cơ động đường bộ trên nền tảng Đông Phong-31, tương tự Topol Nga, đồng thời lần đầu tiên tiến hành bắn tên lửa vào tháng 9 năm 2014, làm cho Washington hết sức lo ngại. Khi tiến hành đánh giá đối với việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa, nhà phân tích Mỹ chỉ ra, Bắc Kinh đã lần đầu tiên thể hiện ý đồ - họ không chỉ có ý định làm cho tiềm lực hạt nhân của mình ngang ngửa với Nga, mà điều quan trọng nhất là làm cho nó được nâng lên mức chất lượng cao hoàn toàn mới khác. Nguyên Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Yesin cho rằng, khi bị đe dọa, hệ thống tên lửa kiểu cơ động có thể triển khai phân tán ở lãnh thổ rộng lớn, muốn phát hiện nó căn bản là không thể. Những hệ thống vũ khí này có thể tiến hành phản kích hạt nhân ở bất cứ điểm nào trên đường chạy. Trước dây, sự xuất hiện của thiết bị bắn tên lửa kiểu cơ động ở Liên Xô đã làm thay đổi nghiêm trọng cân bằng sức mạnh trong đối đầu với Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ luôn có ý đồ tiến hành giám sát toàn cầu, liên tục đối với hệ thống vũ khí tên lửa kiểu cơ động. Được biết, họ sẽ còn phóng 21 vệ tinh lên quỹ đạo vũ trụ trong giai đoạn 2015 - 2020, nhưng vẫn không thể bảo đảm giám sát hoàn toàn tình hình di chuyển của thiết bị tên lửa kiểu cơ động. Dvorkin cho rằng, sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược mới nhất Trung Quốc đã tiếp tục tăng cường tính ổn định của lực lượng hạt nhân tam vị nhất thể Trung Quốc khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Theo dõi tàu ngầm hạt nhân tên lửa sẽ khó khăn hơn so với theo dõi thiết bị bắn kiểu cơ động đường bộ. Điều này có nghĩa là, Bắc Kinh đã giữ được năng lực tiến hành đáp trả hạt nhân đối với kẻ xâm lược. Binh sĩ Trung Quốc huấn luyện phòng hóa. Mặc dù hiện nay tiềm lực hạt nhân Trung Quốc còn lâu mới mạnh bằng Mỹ và Nga, nhưng chuyên gia phương Tây dự đoán, lực lượng tên lửa thế hệ mới của Trung Quốc vẫn có thể tạo ra mối đe dọa thực tế đối với Mỹ, Nga. Trung Quốc sở hữu 60 hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn kiểu cơ động mặt đất Đông Phong-21 (tương tự RSD-10 Tiên Phong của Liên Xô) và 20 - 30 hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31/31A (tương tự RS-1 Topol Nga). Dự kiến, sau khi bắn thử thành công Đông Phong-31B, đến năm 2015, tổng số hệ thống tên lửa chiến lược kiểu cơ động Trung Quốc sẽ đạt 130 - 140. Trong tương lai không xa, Trung Quốc còn có thể bổ sung một loại hệ thống tên lửa chiến lược khác, đó là tên lửa mới Đông Phong-41, tầm bắn có thể đạt 14.000 km, có thể lắp 6 - 10 đầu đạn hạt nhân độc lập, về sức chiến đấu có thể ngang ngửa với Topol-M của Nga. Ngoài ra cũng đã xuất hiện tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo Cự Lang-2. Điều cũng cần chỉ ra là, đầu tháng 12, Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm bay lần thứ ba trong năm 2014 đối với thiết bị bay siêu thanh mới WU-14. Được biết, loại tên lửa siêu thanh này có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong tương lai, tất cả các tên lửa nói trên của Trung Quốc đều có thể giống như lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, được lắp đầu đạn mới, đó là đầu đạn hạt nhân kiểu cơ động siêu thanh. Việc thử nghiệm thành công thiết bị bay siêu thanh WU-14 chính là minh chứng. Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nghiên cứu trên nền tảng đó. Hình ảnh này được cho là Trung Quốc bắn thử tên lửa siêu thanh WU-14. Dvorkin chỉ ra, điều quan tọng là, Trung Quốc đã làm cho lực lượng tam vị nhất thể của mình nâng lên một trình độ hoàn toàn mới, đã tăng mạnh hiệu quả tác chiến của lực lượng hạt nhân khi ứng phó với việc nổ ra các cuộc xung đột quân sự toàn diện. Ngoài Mỹ và Nga, mãi đến nay, còn chưa có bất cứ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào khác có năng lực này. Tóm lại, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc mặc dù chỉ có 200 - 240 đầu đạn hạt nhân, cũng có thể vượt Pháp, trở thành nước lớn hạt nhân thứ ba thế giới, buộc Mỹ, Nga phải cân nhắc đến nhân tố mới nay trong xây dựng thế giới đa cực.
"Phù phép" nem chua từ thịt thối, bì bẩn. Khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu ẩm thực của con người cũng thay đổi theo. Ngày nay, ngoài tiêu chí ngon miệng, các thực khách còn muốn được thưởng thức những món ăn "ngon" mắt. Chính vì thế mà người sản xuất đồ ăn không chừa bất cứ một phương pháp nào để cải thiện thực phẩm của mình hòng đáp ứng một cách tốt nhất những yêu cầu của khách hàng. Nhắc đến nem chua, ai cũng biết đây là một món ăn nổi tiếng của người dân xứ Thanh. Đặc biệt, nem chua chính là món khoái khẩu trên bàn nhậu từ nam ra bắc. Tuy nhiên, nếu được "tận mục, sở thị" công nghệ phù phép nem chua từ thịt, bì lợn thối ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không uy tín thì chắc chẳng thực khách nào dám động đến những gói nem xanh mướt mắt, nếu không muốn nói là rùng mình tránh xa. Đi một vòng xung quanh các khu phố ở TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), trong vai một người đi tìm nơi học nghề làm nem chua, chúng tôi ghé vào một cơ sở sản xuất nem chua nằm trên đường Quang Trung. Ấn tượng ban đầu với chúng tôi là một tấm biển quảng cáo lớn với dòng chữ to "Cơ sở sản xuất nem chua HT - Nhận đặt hàng theo yêu cầu - Đảm bảo uy tín, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" được treo trước nhà. Sau vài lời xã giao, chị Phương (chủ cơ sở sản xuất) cởi mở mời chúng tôi vào nhà và giới thiệu về cách thức cũng như những thực phẩm cần thiết để làm nem chua. Không thấy bóng dáng một nhân công nào, chúng tôi hỏi thì chị Phương cho biết: Ở đây là nhà ở chật hẹp nên chỉ bày bán nem thôi, chứ xưởng sản xuất thì ở nơi khác rộng rãi hơn. Khi câu chuyện đã trở nên thân mật, chị Phương dẫn chúng tôi xuống xưởng sản xuất nằm cách đó chừng 300m. Đó là một căn phòng cấp 4 cũ kĩ, rộng chừng 45m2. Vừa bước chân vào đến cửa phòng, một mùi hôi nồng nặc của thịt, bì lợn, rác rưởi, mùi hóa chất quện vào sự ngột ngạt của buổi trưa hè oi bức khiến chúng tôi sa sẩm mặt mày. Bì lợn, một trong những nguyên liệu chế biến nem chua được bảo quản cẩn thận. Ảnh: PV. Trấn tĩnh lại, chúng tôi thấy có hàng chục công nhân đang hì hục làm nem trong phòng. Họ không đeo găng mà dùng tay trần nhào trộn thịt. Nhiều đống bì lợn đã bốc mùi hôi thối vứt bừa bãi dưới nền gạch bẩn, ẩm ướt. Có một công nhân đang dùng chân cố gắng làm sạch những miếng bì lợn trong chậu nước đen kịt như mực. Bên cạnh đó là những xô, chậu ngổn ngang, lấm lem, bẩn thỉu đựng đầy thịt, bì lợn đã có mùi và những chiếc can nhựa đựng đầy chất lỏng không ghi nhãn hiệu hay nguồn gốc xuất xứ mà sau này chúng tôi được biết là hóa chất để khử mùi hôi và tẩy trắng da lợn. Nằm hơi khuất phía bên trong của căn phòng là nơi chế biến bì lợn. Bì lợn được sơ chế qua các công đoạn hết sức nhanh chóng. Đầu tiên, công nhân tập trung bóc hết lớp mỡ rồi cho bì lợn vào nồi lớn luộc. Sau khi chín, bì được thả vào các thùng chứa chất tẩy trắng, ngâm trong một thời gian nhất định rồi vớt ra. Chưa đầy 20 phút, bì lợn đã sạch tinh tươm như mới mà không cần phải tốn nhiều công sức. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bì lợn được thu gom từ các lò giết mổ ở khắp nơi. Thậm chí, có khi bì lợn để tồn vài ngày, đã ngả màu thâm xì, bốc mùi nhưng vẫn được các chủ cơ sở mua về. Chị Phương cho biết: Vì không phải khi nào cần cũng có ngay nên nhiều khi phải đợi gom hàng ở nhiều nơi lại rồi mới nhập về, do đó việc bì lợn có mùi hôi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo chị Phương, việc khử mùi hôi khó chịu của bì lợn rất đơn giản. Các sơ sở sản xuất thường dùng nước ôxy già để ngâm bì lợn vì nó đơn giản mà lại tẩy được các mùi hôi. Tranh thủ lúc bà chủ cơ sở bận ra ngoài nghe điện thoại, tôi trò chuyện với những người làm công ở đây và được một người đàn ông cho biết: Việc này bọn em là những làm trực tiếp nên biết rõ. Khi nào có khách lạ thì bà chủ cho khử mùi hôi bì lợn bằng nước ôxy già. Còn bình thường thì dùng chất tẩy trắng. Chỉ với 1 muỗng cà phê thuốc tẩy pha với một thùng phuy nước là có thể tẩy trắng hàng tạ bì lợn. Qua lời giải thích của những người làm công, chúng tôi biết được hóa chất dùng để làm trắng bì lợn được xuất xứ từ Trung Quốc và có thể mua ở các chợ với 2 dạng nước hoặc bột. Tại một chiếc máy xay thịt đặt ở gần nồi luộc bì, một người đang cho thịt và mỡ sực mùi hóa chất trong các thùng xốp vào máy xay. Theo quan sát của chúng tôi, thịt được ngâm lâu ngày đã chuyển sang màu tái và có mùi chua chua bốc lên. Mùi chua này nhanh chóng bị xử lý bởi các gia vị được trộn lẫn vào để chuẩn bị cho ra lò những gói nem chua "đặc sản". Ép nem chín bằng hóa chất. Thịt và bì lợn sau khi xay được cho vào một cái thùng lớn rồi trộn đều với gia vị được đựng sẵn trong các can, thùng. Sau đó, hàng chục công nhân xúm lại gói thịt và bì thành những miếng nem nhỏ bằng ngón tay cái, chất thành đống trên nền đất đầy rác rưởi. Đang hồ hởi trò chuyện với chúng tôi, bỗng điện thoại di động của chị Phương reo vang. Bà chủ cơ sở cười phớ lớ với người gọi đến: Khoảng chừng 10 phút nữa anh qua lấy hàng nhé! Hàng mới ra lò đấy!. Đúng khoảng 10 phút sau, một người đàn ông đem theo gần chục cái bao lớn đến lấy hàng. Thấy vậy, tôi hỏi: Họ mang nem đi ủ hả chị?. Thật bất ngờ khi chị Phương trả lời: Đây là khách quen của chị, họ lấy hàng đi giao cho các nhà hàng, quán xá. Tôi ngạc nhiên hỏi thêm: Thế nem này không phải ủ cho lên men à?. Bà chủ này cho biết: Không cần phải ủ em ạ. Trong quá trình gói, thịt đã được ủ chín bởi men chua nên sau khi làm xong là có thể đưa ngay ra thị trường luôn. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tiến lại khu vực đang gói nem thì được một công nhân chỉ giáo: Bì và thịt heo trước khi đem ra chế biến đã được ngâm ủ mấy ngày trước nên chua sẵn rồi. Sau khi làm xong chỉ việc đưa thẳng ra thị trường mà không cần phải ủ. Trong các gia vị trộn vào thịt có chất làm chua. Công nhân chúng em chỉ biết gọi là men chua chứ không biết tên chất đó là gì. Loại men này có màu trắng, chỉ cần trộn một ít với thịt nguyên liệu thì nem chua rất nhanh. Người công nhân này cũng thật thà cho biết thêm: "Loại men này có tác dụng làm chua thịt và ép chín thịt, nhưng nếu để lâu thì sẽ làm cho thịt bị hỏng, tạo ra mùi hôi khó chịu và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng". Được biết mỗi sản phẩm nem chua làm ra có hạn sử dụng trong khoảng 7 đến 10 ngày. Nem gói xong tùy vào thời tiết, nếu mùa hè thì chỉ ủ 1 - 2 ngày, mùa đông phải ủ 3 - 4 ngày mới thể bán ra thị trường. Tuy nhiên, khi nem được trộn men chua thì có thể sử dụng được luôn và chỉ để được đến ngày thứ ba. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì có thể để thêm được 1 - 2 ngày nữa. Mỗi ngày, có hàng nghìn gói nem sử dụng loại men chua này được đưa ra thị trường một cách siêu tốc mà người tiêu dùng vẫn không hề hay biết. Khi ăn vào, thực khách cũng khó có thể phân biệt được nem nào được ủ chín qua thời gian, nem nào được dùng hóa chất bởi mùi hương và vị chua của chúng y hệt nhau. Với cách chế biến như chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ở trên thì nem chua không còn là một đặc sản ẩm thực của xứ Thanh mà đã trở thành một nguồn gây bệnh cho tất cả những người yêu thích món ăn khoái khẩu này. Đã đến lúc các cơ quan quản lý thị trường và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc để giữ gìn thương hiệu đặc sản nem chua xứ Thanh và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Một công nhân vừa lấy bì lợn từ trong thùng nước ngâm để lọc Ảnh: PV. Bì lợn được sơ chế qua các công đoạn hết sức nhanh chóng. Đầu tiên, công nhân tập trung bóc hết lớp mỡ rồi cho bì lợn vào nồi lớn luộc. Sau khi chín, bì được thả vào các thùng chứa chất tẩy trắng, ngâm trong một thời gian nhất định rồi vớt ra. Chưa đầy 20 phút, bì lợn đã sạch tinh tươm như mới mà không cần phải tốn nhiều công sức. Văn Tâm.
Công ty TNHH Vina Alliance là chủ đầu tư dự án VinaSquare, tọa lạc tại số 152 Trần Phú, Q.5 - nền cũ của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn. (Ảnh: V. Tuấn). Thoái vốn tại Vina Alliance đồng nghĩa Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) sẽ rút khỏi dự án. Mà nên nhớ rằng, để có dự án VinaSquare trên giấy, vai trò của Vinataba gần như tiên quyết. Trước tiên, khu đất 152 Trần Phú nơi định làm VinaSquare vốn là đất của Vinataba. Chính xác hơn, đấy là nền đất của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn (trước năm 1975 là Hãng thuốc là M.I.C). Nhà máy này thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (Vinataba Sài Gòn), đơn vị thành viên do Vinataba sở hữu 100% vốn. Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, năm 2012, nhà máy thuốc lá Sài Gòn đã hoàn thành công tác di dời về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh. Cũng trong năm 2012, Vinataba có văn bản xin ý kiến Chính phủ và các Bộ Công thương, Tài chính và Tài nguyên Môi trường xin góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất 152 Trần Phú để thực hiện dự án thương mại. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương chủ trì họp với các cơ quan liên quan thống nhất phương án giải quyết đề nghị của Vinataba, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng không phải mãi đến lúc đó, nền đất của nhà máy thuốc lá Sài Gòn ở 152 Trần Phú mới được nhắm đến cho mục đích địa ốc. Từ cách đó nhiều năm, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Kẻ cầm cơ. Không rõ Vinataba là tác giả ý tưởng hay là những nhà đầu tư có ý tưởng đã chủ động tìm đến Vinataba. Chỉ biết rằng, ngày 13/10/2008, Công ty TNHH Vina Alliance chính thức được thành lập. Cùng lúc này, UBND Tp. HCM cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng khu phức hợp tiêu chuẩn cao cấp bao gồm khu trung tâm thương mại-dịch vụ, khu cao ốc văn phòng và khu căn hộ cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh tại địa điểm 152 Trần Phú, Q.5, TP. HCM. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư là 3.360 tỷ đồng (tương đương 210 triệu USD), với thời gian hoạt động là 50 năm. Liên doanh 6 cái tên tham gia dự án cũng là 6 thành viên sáng lập của Vina Alliance, gồm 5 doanh nghiệp Việt Nam là Vinataba, Vinataba Sài Gòn, CTCP Thương mại và Đầu tư Vi na ta ba, Công ty TNHH Đô Thành Việt, Công ty cổ phần xây dựng thương mại Căn nhà mơ ước (Dream House). Cái tên ngoại duy nhất là Công ty TNHH Pacific Alliance Land Limited (thuộc quỹ đầu tư Vinaland Ltd, thành viên của Vina Capital). Tuy nhiên, trong số này, có vẻ chỉ có Vinataba (kể cả Vinataba Sài Gòn) và Vinaland Ltd (thông qua Pacific Alliance Land) là có ý định làm VinaSquare một cách nghiêm túc. Trong khi, ba cái tên còn lại có lẽ chỉ thiên về lướt. Chẳng hạn như Dream House, họ đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại liên doanh Vina Alliance, chỉ sau một năm tham gia sáng lập, để nhận về khoản lãi chuyển nhượng hơn 8,3 tỷ đồng. Không lạ khi cơ cấu góp vốn tại Vina Alliance đã sớm có những sự thay đổi. Tháng 10/2009, Vinaland Ltd đã gom thêm 7,2 triệu USD, tương đương với 13% vốn điều lệ, để nâng tỷ lệ sở hữu tại Vina Alliance từ 49% lên mức 62%. Với tỷ lệ áp đảo này, Vinaland Ltd đương nhiên là kẻ cầm cơ tại dự án VinaSquare. Phối cảnh dự án VinaSquare. (Ảnh: VNL). Không chỉ có sự xáo trộn sở hữu trong các thành viên sáng lập, cơ cấu sở hữu Vina Alliance cũng đón thêm thành viên mới. Cập nhật đến giữa năm 2016, trong số 880 tỷ đồng vốn điều lệ mà Vina Alliance đăng ký, có sự đóng góp bởi 4 thành viên: Công ty TNHH Sơn Đông (92,4 tỷ đồng, chiếm 10,5%); Công ty Pacific Alliance Limited (545,6 tỷ đồng, chiếm 62%); Vinataba (176 tỷ đồng, chiếm 20%); Vinataba Sài Gòn (66 tỷ đồng; chiếm 7,5%). Trong số này, Công ty TNHH Sơn Đông là một cái tên mới. Nhưng chưa rõ, họ đã gom 10,5% vốn Vina Alliance từ đâu, khi nào và với mức giá nào. Sở hữu của Vinataba. Mức độ sở hữu của Vinataba tại Vina Alliance không chỉ được thể hiện ở tỷ lệ 20% mà nó trực tiếp đứng tên. Vinataba Sài Gòn là pháp nhân thuộc sở hữu 100% của Vinataba, nên phần sở hữu của Vinataba Sài Gòn tại Vina Alliance bản chất cũng là của Vinataba. Do đó, khi ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất, tỷ lệ sở hữu của Vinataba tại pháp nhân dự án VinaSquare sẽ là 27,5%, chứ không phải là 20%. Mà đối với một doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi đất vàng như Vinataba, con số 27,5% có ý nghĩa rất khác so với 20%. Khoản 2, Điều 8 Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) quy định: Trường hợp doanh nghiệp phải di dời liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất thì pháp nhân mới phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời doanh nghiệp phải di dời phải có phần vốn góp không thấp hơn 26% trong vốn điều lệ của pháp nhân mới. Chiểu theo quy định này, Vinataba muốn liên doanh với nhà đầu tư khác để triển khai một dự án bất động sản trên nền đất cũ của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn họ phải sở hữu tối thiểu 26% vốn điều lệ của pháp nhân dự án. Và thực tế, Vinataba đã lựa chọn sở hữu 27,5% Vina Alliance. Tỷ lệ gần như tối thiểu này là đủ để 3,1 ha đất tại 152 Trần Phú sẽ không bị đấu giá hay thu hồi. Ở đó sẽ mục lên một dự án bất động sản quy mô, trong cái bắt tay giữa Vinataba và đối tác. Kế hoạch là như vậy! Dù nằm trên giấy gần 10 năm nay, nhưng VinaSquare vẫn biết cách giúp đối tác của Vinataba hốt bạc. (Ảnh: V. Tuấn). Băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, Vinataba mới là bên đóng vai trò quyết định cho sự ra đời của dự án VinaSquare. Nhưng khi dự án hình thành trên giấy, tiếng nói kèm theo đó là cả quyền lợi và nghĩa vụ - của Vinataba lại trở thành thứ yếu. Họ chỉ nắm giữ 27,5%, trong khi cổ đông ngoại Vinaland Ltd nắm giữ tỷ lệ khuynh loát, đến 62%. Liệu Nhà nước (thông qua Vinataba) có bị thiệt thòi (?! Nếu vai trò của Vinataba chỉ hạn chế thế, tại sao ngay từ đầu không thu hồi khu đất rồi tổ chức bán đấu giá. Như thế sẽ cạnh tranh hơn. Vinaland Ltd, Vina Capital hay bất kể nhà đầu tư nào muốn đều có thể tham gia đấu giá. Có khi Nhà nước còn thu được nhiều hơn, trích một quan điểm. Công bằng mà nói, việc Vinataba bắt tay với các đối tác để phát triển dự án 152 Trần Phú là một giải pháp không tồi, cho cả doanh nghiệp và cả nhà nước. Tuy nhiên những lo ngại đặt ra cũng không phải là không có cơ sở. Nhất là khi gần chục năm nay, dự án vẫn chỉ được triển khai trên giấy. Và bất chấp thực tế này, các thương vụ chuyển nhượng vẫn lần hồi diễn ra. Không phải kiểu lướt vội như Dream House, nhà đầu tư tưởng chừng rất tâm huyết và xác định làm nghiêm túc với VinaSquare là Vinaland Ltd cuối cùng cũng đã lướt. Cả Vinataba, họ cũng đã rút! 3,1 ha đất tại 152 Trần Phú nhờ Vinataba mới được giữ lại để thành lập liên doanh thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất cuối cùng cũng đổi chủ. Còn VinaSquare, sau một hành trình dài và nhiều thay đổi, nó vẫn nằm trên giấy. Nhưng dù nằm trên giấy nó vẫn biết cách giúp đối tác của Vinataba hốt bạc./. Đón đọc. Ninh Giang /
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong sáng 13-10 ông Dương Văn Hòa cho biết: Sự cố bùn đỏ ở Hungary không chỉ gây chú ý, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ ngành, mà chúng tôi cũng theo dõi sát sao sự cố tràn bùn đỏ đầu tiên trên thế giới của ngành sản xuất nhôm, trong hơn 100 năm qua. Chưa ai nghĩ rằng hồ chứa lại bị vỡ, kể cả những người thuộc diện lão thành của ngành công nghiệp bauxite alumin nhôm của Hungary cũng không nghĩ hồ chứa có thể bị vỡ. Động đất cấp 7, lũ quét cũng không lo Đến nay tiến độ thực hiện dự án đến giai đoạn nào rồi? Công trình nhà máy alumin Tân Rai chúng tôi đang thi công đến giai đoạn cuối, hoàn tất các hạng mục công trình. Dự kiến cuối năm nay sẽ chạy thử, đầu năm sau sẽ ra sản phẩm đầu tiên. Tiến độ thi công công trình bị chậm khoảng một quý so với dự kiến do mùa mưa, trục trặc do sai lệch khi nhập khẩu thiết bị, chậm tàu. Tuy nhiên, với công trình đầu tư tới gần 12 nghìn tỷ đồng, việc chậm một quý không phải là quá nghiêm trọng. Từ sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary, có vấn đề gì đáng lưu ý với TKV trong việc xây dựng nhà máy tại Tân Rai không, thưa ông? Tôi cho rằng, đây là lời cảnh báo rất nghiêm túc để chúng tôi xem xét lại tất cả thiết kế, quy trình xây dựng nhà máy, đặc biệt là hệ thống hồ chứa bùn đỏ. Nhà máy này sử dụng công nghệ Bayer chuẩn của thế giới. Thiết bị của nhà máy không phải 100% của Trung Quốc mà có cả của EU, Nhật Bản và một số thiết bị kết cấu của Việt Nam. Nhà thầu chính là Tập đoàn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (CHALIECO). Dự án có một số nhà thầu phụ của Việt Nam. Số lao động duy trì thường xuyên trên công trường lúc cao điểm vào khoảng 2.100 người, trong đó lao động Trung Quốc là 1.300 người. Bình thường lượng lao động hai bên là 50 - 50. Hồ bùn đỏ theo đúng hợp đồng EPC (nhà thầu thực hiện xong toàn bộ dự án mới trao cho chủ đầu tư) là của nhà thầu CHALIECO thiết kế, do ở Việt Nam chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm tư vấn thiết kế hồ bùn đỏ. Đơn vị thiết kế là Viện tư vấn Samy ở Thẩm Dương, đây là một trong những viện thiết kế hàng đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp nhôm. Viện này đã thiết kế rất nhiều công trình trên thế giới và ở Trung Quốc. Trong bản thiết kế, ngoài yếu tố đập chắn, chống thấm, chống tràn, các biện pháp chống sự cố khi vận hành hồ, đập đều được đề cập. Hồ bùn đỏ được xây dựng lợi dụng địa thế thung lũng (chung quanh là đồi). Theo thiết kế, hồ được quy hoạch thành 8 ô. Mỗi ô chứa được lượng bùn nhà máy sản xuất ra từ 1 đến 2 năm là đầy. Khi xây dựng xong, thải bùn vào ô số 1, còn ô số 2 dùng để dự phòng. Khi có sự cố thì bùn đỏ tràn sang ô thứ 2. Hồ bùn đỏ được liên tục thi công các ô và chỉ chấm dứt trước khi nhà máy ngừng hoạt động 2 năm... Khi bùn đỏ lắng, phần nước (có hàm lượng PH rất cao) sẽ được bơm ngược lại nhà máy để tận dụng việc khai thác, tiết kiệm chi phí đồng thời chống tràn cho ô chứa do nước xút này độc hại. Để xây dựng hai ô chứa ban đầu của khu hồ chứa chúng tôi phải chi tới 180 tỷ đồng cho xây lắp, tương đương chi phí 2-3 USD/tấn bùn đỏ lưu giữ tại hồ. Đó là chưa kể chi phí sản xuất. Theo tính toán, 8 ô chứa được lượng bùn thải của nhà máy trong 12 năm. Kết thúc giai đoạn một thì chuyển sang khu chứa khác. Việc xây hồ chứa bùn đỏ ở vị trí này hoàn toàn khác với bể chứa bùn đỏ vừa bị vỡ ở Hungary. Bể chứa ở Hungary được xây nổi trên khu vực đồng bằng, sự cố xảy ra khi một góc bể bị vỡ. Còn hồ chứa bùn đỏ Tân Rai, nằm dưới thung lũng, được bảo vệ bởi những quả đồi xung quanh. Nhưng khu vực này từng xảy ra lũ quét, lũ ống thì sao? Để phòng nước tràn khi có mưa lớn hoặc lũ quét, chúng tôi đã thiết kế xung quanh hệ thống bể chứa bùn đỏ là hệ thống rãnh thoát nước, để đảm bảo nước không tràn qua các bể chứa được. Theo thiết kế, khi lũ quét xảy ra cũng không thể gây tràn ô chứa do lượng bùn thải không được phép cao hơn mặt các ngọn đồi bao xung quanh. Chúng tôi cũng nghiên cứu cả phương án chống động đất và các đê được xây dựng với khả năng chống động đất cấp 7. Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, chúng tôi cho rà soát lại tất cả các thiết kế để xem có vấn đề gì không. Chúng tôi cũng đang tính đến khả năng chia đôi ô chứa số 8 thành hai ô, để lại ngăn cuối cùng chỉ chứa nước để gây xung lực giữ không cho ô chứa bị vỡ. Chúng tôi cũng sẽ nghĩ thêm nhiều biện pháp bổ sung để đề phòng sự cố có thể xảy ra. Lo ngại chất lượng công trình do nhà thầu Trung Quốc xây là có cơ sở, nhưng Hiện có tâm lý lo ngại về chất lượng thi công của một số công trình do nhà thầu từ Trung Quốc trúng thầu, thưa ông? Sự lo ngại hiện tượng nhà thầu Trung Quốc xây dựng không đảm bảo chất lượng, không đúng tiến độ cũng có cơ sở, nhưng trong quá trình xây dựng nhà máy này tôi không thấy có vấn đề gì. Về thiết bị của Trung Quốc, họ có những hàng hóa chất lượng rất thấp, giá rẻ nhưng cũng có những hàng hóa chất lượng và giá tương đương hàng châu Âu. Vấn đề là kiểm soát chất lượng. Trong hợp đồng, các loại thiết bị, quy chuẩn, chất lượng được ghi rõ nên có thể kiểm soát được. Cũng phải nói, tiền nào của ấy. Tôi bị chất vấn nhiều về việc tại sao không nhập công nghệ, thiết bị của EU, của Mỹ, của Úc. Nếu ai nghĩ cứ chỉ vì tiền rẻ mà phải nhập thiết bị Trung Quốc thì đấy chỉ là một lý do. Còn lý do nữa là quy định của pháp luật. Vì đấu thầu nên tiêu chí rất rõ ràng. Có điều nữa, toàn bộ thiết bị của họ đều đạt chuẩn quốc tế và giá của họ rẻ nên không thể đánh tụt người ta được. Riêng ngành bauxite nhôm, trên thế giới có câu chuyện, những tập đoàn lớn nắm công nghệ sản xuất alumin nhôm không bao giờ bán công nghệ nên họ không tham gia đấu thầu EPC. Các tập đoàn lớn này chỉ đưa công nghệ và thiết bị vào khi hợp tác đầu tư, chứ họ không làm thuê. Vì vậy khi mở thầu quốc tế, chỉ có nhà thầu Trung Quốc tham gia. Khi bị chất vấn về việc này tôi cũng từng hỏi lại là anh có cho phép mua thiết bị của EU với giá đắt hơn ít nhất là 1,5 lần mà không phải qua đấu thầu không? Không ai dám quyết. Hiệu quả kinh tế không cao Còn về hiệu quả kinh tế của dự án, thì sao, thưa ông? Dự án này về hiệu quả kinh tế đã được tính toán đầy đủ các chi phí, điều kiện thị trường. Dự án có hiệu quả kinh tế. Ngay cả dự án Nhân Cơ, sau khi có nhiều ý kiến, kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chúng tôi phải kiểm tra lại. Chúng tôi kiểm tra lại trong cả một năm rồi. Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) và Bộ Công Thương thẩm định lại đều thấy có hiệu quả. Đây là bản thân dự án có hiệu quả. Quan trọng nữa, dự án là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy sử dụng lao động trong dự án không nhiều, chỉ 2.000 người trong giai đoạn 1. Vấn đề là các dịch vụ đi kèm như giao thông vận tải, dịch vụ sửa chữa, thương mại Thực ra, khi tính toán, chúng tôi dự định xây dựng nhà máy alumin ở ven biển, thì hiệu quả kinh tế cao hơn, do giảm được giá thành vận chuyển, lại đỡ nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển kinh tế Tây Nguyên, nên buộc phải xây dựng nhà máy tại đây thôi. Nếu tách bạch những cái ăn theo đó thì lợi nhuận của dự án thế nào? Theo tính toán, dự án của chúng tôi vẫn đạt tỉ suất lợi nhuận 11%. Mức lợi nhuận này là không cao. Nhưng chúng tôi là tập đoàn kinh tế nhà nước nên phải làm theo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và nhiều mục tiêu khác của Chính phủ. Với mức lợi nhuận trên, mà TKV lại phải huy động vốn từ nước ngoài, lãi suất ít cũng 6,5% (vay USD), liệu có còn lãi không? Chính huy động từ nước ngoài mới lãi, chứ nếu chỉ huy động vốn trong nước thì mới không có lời. Cảm ơn ông. Bá Kiên - Phạm Tuyên Thực hiện Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ khai thác và vận chuyển bauxite từ mỏ Tân Rai - Bảo Lâm ra quốc lộ 20 trên cơ sở phải đảm bảo hiệu quả lâu dài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể về hướng tuyến, quy mô, cơ chế tổ chức thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn thực hiện Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí. (Nguồn: TTXVN). -Thưa Chủ tịch nước, năm 2012, ngoại giao Việt Nam có hàng loạt sự kiện hợp tác song phương và đa phương sôi nổi. Kết quả của những hoạt động đó như thế nào? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm 2012, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương mới và quan trọng trong đối ngoại : Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế, mà còn hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện, cả về chính trị. Mặc dù tình hình kinh tế đất nước trong năm qua còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng do chính sách đối ngoại đúng đắn, bạn bè quốc tế tiếp tục tin tưởng, ủng hộ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam. Vốn ODA cơ bản không giảm so với những năm trước, vốn FDI đăng ký mới thấp hơn nhưng phần vốn thực hiện vẫn xấp xỉ năm trước, góp phần duy trì phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn, tiếp tục củng cố vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Lập trường của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ. Năm qua, đã có hơn 30 đoàn khách gồm nguyên thủ, người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan lập pháp của các quốc gia đã đến thăm, làm việc với Việt Nam và đều kỳ vọng về sự hợp tác trước mắt và lâu dài với nước ta. Đó là những quan hệ hợp tác có lợi cả trên bình diện song phương và đa phương... -Thưa Chủ tịch nước, các quốc gia Đông Nam Á giữ vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Việt Nam luôn xác định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN. Đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như khi là thành viên bình thường, Việt Nam luôn có những việc làm, sáng kiến góp phần củng cố sự đoàn kết và thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN, được các thành viên ASEAN cùng các nước tán thành. Những nước lớn trong quan hệ đối tác với ASEAN, cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, quyết định nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và qua Việt Nam để khẳng định quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Chúng ta quan hệ đa phương, chú ý phát triển quan hệ với các nước lớn, nhưng luôn đặc biệt coi trọng quan hệ với ASEAN. Đây là chủ trương nhất quán trong quan hệ với các nước láng giềng. Tôi muốn hỏi lại, bạn có coi trọng quan hệ với hàng xóm của mình không ? - Hiện nay chủ đề Biển Đông đang được chú ý tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào, thưa Chủ tịch? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Biển Đông là chủ đề Việt Nam luôn quan tâm, ASEAN và nhiều nước trên thế giới có quan hệ lợi ích gắn với Biển Đông cũng rất chú trọng. Việt Nam đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình: tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận về DOC. Hai bên cũng đã thỏa thuận việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nâng những nguyên tắc đó lên cao hơn, có tính pháp lý ràng buộc. Tuy nhiên, chúng ta chủ trương tất cả những vấn đề đó phải được giải quyết hòa bình, hữu nghị, không dùng vũ lực, để Biển Đông thực sự hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy với ASEAN. Trên thực tế, các vấn đề diễn ra về cơ bản là cũng theo các nguyên tắc và phương châm như trên. Tuy nhiên, vẫn có những va chạm nhất định trên Biển Đông mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua. Tôi một lần nữa nhấn mạnh, giải quyết tháo gỡ vấn đề này phải tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực hiện theo phương châm hòa bình, hữu nghị giữa các bên liên quan. Những nguyên tắc này, không chỉ Trung Quốc và ASEAN công nhận, mà cộng đồng quốc tế, nhất là những nước quan tâm và có lợi ích ở Biển Đông, cũng thừa nhận và ủng hộ. Việt Nam luôn khẳng định nguyên tắc này trên các diễn đàn, hội thảo... - Thưa Chủ tịch nước, cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Philippines và Brunei có đồng tình với Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không chỉ Philippines, Brunei mà cả Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác trong ASEAN, tuy không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, cũng ủng hộ những quan điểm đó. ASEAN lấy đồng thuận làm nguyên tắc hoạt động, nghĩa là tất cả các thành viên đều thống nhất trong vấn đề này. Đó là quan điểm, nguyên tắc chung của tất cả các thành viên ASEAN; là cơ sở quan trọng để Việt Nam cũng như cộng đồng ASEAN đi đến đàm phán với Trung Quốc hiện nay và tương lai. - Chúng ta chủ trương giữ vững chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao hòa bình, nhưng tình hình biển đảo ở Biển Đông thời gian qua khiến người dân chưa an tâm. Chủ tịch nước có thông điệp gì đối với người dân về vấn đề này? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình Biển Đông là đúng. Đó là lòng yêu nước và tinh thần độc lập đã được trao chuyền qua bao thế hệ. Đảng và Nhà nước ta chủ trương như thế nào cũng phải trên cơ sở lòng dân làm gốc. Lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ theo Công ước Luật Biển 1982. Chúng ta sẽ dựa vào luật pháp quốc tế, lấy đó làm cơ sở và sức mạnh để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình. Chúng ta đấu tranh mềm dẻo nhưng cũng đồng thời phải thường xuyên chủ động củng cố mặt trận quốc phòng an ninh, nâng cao cảnh giác trước mọi diễn biến ở khu vực, kiên quyết bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mình. - Việt Nam là một quốc gia tham gia đàm phán tương đối sớm Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP. Việt Nam đã tính đến những lợi ích về kinh tế và chính trị trong tương lai với TPP như thế nào, thưa Chủ tịch? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trước khi chúng ta tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), nhiều người lo sợ Việt Nam sẽ bị thua thiệt. Thực tế đã không hẳn diễn ra như thế. Quan trọng là vì chúng ta đã chuẩn bị thực lực để giành thắng lợi trong hội nhập. Vừa chuẩn bị thực lực vừa hội nhập. Do đó kinh tế của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong một thời gian dài. Khi chúng ta tham gia WTO cũng vậy, ở quy mô toàn cầu, chúng ta lo ngại sức mạnh của những nền kinh tế lớn sẽ chèn ép kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, sau khi vào WTO, kinh tế Việt Nam còn có điều kiện phát triển hơn... Những suy giảm kinh tế thời gian gần đây không phải do WTO mà do những nguyên nhân chủ quan và sự yếu kém của chính chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu lại nền kinh tế và điều chỉnh chính sách để kinh tế vĩ mô ổn định. Muốn phát triển, chúng ta phải mở cửa với thế giới. Tham gia TTP là nằm trong chủ trương này. Điều quan trọng là chúng ta phải rút kinh nghiệm từ AFTA và WTO để làm tốt việc chuẩn bị. Nếu không, thắng lợi khó đạt được mà thất bại cũng khó tránh. Tôi cho rằng thắng lợi hay thất bại là do chính nội lực chủ quan của chúng ta. Mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành và toàn quốc phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong quá trình hội nhập, tham gia TPP trong tương lai. - Thưa Chủ tịch nước, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng tín nhiệm gần đây bị tụt xuống so với những năm trước. Phải chăng Việt Nam chưa tận dụng, khai thác hết những lợi thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thông thường, để phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP thì phải đầu tư vốn. Có một tương quan tỷ lệ giữa vốn đầu tư và tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ này càng cao thì đồng nghĩa với hiệu quả sử dụng vốn kém. Ở nước ta tỉ lệ đó có khi lên đến 5-6. Tức là chi phí của Việt Nam gấp rưỡi hoặc gấp đôi các nước có trình độ phát triển tương đương. Tình trạng đó tồn tại trong nhiều năm, dẫn đến một lượng vốn đưa vào đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp... Đại hội XI của Đảng chủ trương phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng... cùng một loạt công việc để giải quyết những hạn chế đó nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Chủ trương là như vậy, nhưng để thực hiện đạt kết quả đòi hỏi nỗ lực cao của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, từng doanh nghiệp. Tôi hy vọng và kêu gọi những nỗ lực như thế phải được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới. - Thành công của các nước xung quanh Việt Nam dựa chủ yếu vào 3 lĩnh vực then chốt: cơ sở hạ tầng; tính cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp; và tính hiệu quả của bộ máy nhà nước. Việt Nam sẽ có sự lựa chọn nào vì mục tiêu phát triển, thưa Chủ tịch? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đã xác định phải thực hiện tốt 3 yếu tố: phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện sao cho tốt. Về hạ tầng, rõ là sau 25 năm đổi mới, chúng ta có nhiều thành tựu, nhưng muốn phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, không thể chấp nhận hạ tầng như hiện nay. Đường bộ chẳng hạn. Nhất định phải có hệ thống xa lộ đúng nghĩa. Hệ thống cảng biển cũng vậy. Đặt cạnh những nước tiên tiến trong ASEAN, chi phí cho một đơn vị hàng hóa tại cảng của chúng ta trung bình cao gấp đôi họ. Như vậy thì làm sao cạnh tranh? Chính vì vậy, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng. Chủ trương đã có và nói nhiều rồi. Bây giờ là phải triển khai việc này. Cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp phải được quan tâm hơn nữa. Không phải vì mở cửa làm một số doanh nghiệp chúng ta cạnh tranh kém, mà do chính những yếu kém của chúng ta. Tại sao người ta mở cửa cho anh bán hàng, anh không làm được cho tốt? Để khi người ta cũng bán hàng như mình, nhưng năng lực cạnh tranh tốt hơn, lại đổ cho sự "mở cửa" đó là không được. Yếu kém có phần quan trọng là do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, điều này không chỉ là do các doanh nghiệp đâu, mà còn do chính chúng tôi, những người điều hành, lãnh đạo đất nước, khi chưa tạo ra được môi trường kinh doanh, chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thuận lợi cho doanh nghiệp. Về thể chế, chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Sau khi được Quốc hội thông qua cuối năm 2013, thì một loạt các văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa và thực hiện theo bản Hiến pháp mới được ban hành. Trong đó, quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lượng công việc thực hiện rất lớn. Chúng ta đừng quên, đến năm 2015, tự do hóa thương mại không chỉ trong ASEAN mà còn là với cả Trung Quốc, một nền kinh tế khổng lồ, lớn thứ 2 thế giới hiện nay. Đến những năm 2017-2018 sẽ tự do thương mại hoàn toàn giữa Việt Nam và các thành viên của WTO. Lúc đó quan hệ doanh nghiệp các nước sẽ hoàn toàn sòng phẳng, theo những cam kết khi gia nhập WTO, chứ không thể "ngăn sông, cấm chợ" được nữa... Nhân tố chủ quan bên trong cần được rà soát và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách khẩn trương ở từng doanh nghiệp, địa phương, ngành và toàn bộ nền kinh tế. Kể cả lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng phải soát xét lại "hành trang" của mình, đảm bảo cho công cuộc hội nhập có được hiệu quả cụ thể, có thể nhìn và sờ thấy được. - Thưa Chủ tịch nước, những sản phẩm công nghiệp của chúng ta chưa đạt được tính cạnh tranh như mong muốn. Có phải chúng ta đang gặp vấn đề trong việc kiểm soát và phân phối nguồn lực không? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Kiểm soát và phân phối nguồn lực thì không chỉ quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp, mà kể cả nông nghiệp và dịch vụ. Làm sao để không bị thất thoát, lãng phí về vốn, về tài nguyên, về con người... Có những nơi, đáng ra nguồn lực được phân phối thì sẽ phát huy tác dụng tốt hơn, nhưng lại không có, và ngược lại. Chúng ta phải tính toán lại. Làm thế nào thực hiện đúng quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, để nguồn lực có thể chảy vào những nơi có hiệu quả cao nhất. Đó chính là trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý, thực thi, xây dựng các cơ chế, chính sách, luật pháp để tạo ra môi trường kinh doanh, điều chỉnh các nguồn lực một cách hợp lý. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí phải thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện đảm bảo việc phân phối các nguồn lực một cách chính xác. - Thời điểm hiện nay, GDP của Việt Nam không cao, nhưng dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam đang đặt nền móng, chuẩn bị cho một giai đoạn, quá trình phát triển mới. Thưa Chủ tịch nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong vài năm tới, với những chính sách mà chúng ta đã và đang thực hiện? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hiện nay, yếu kém của kinh tế Việt Nam biểu hiện rõ nhất là lạm phát cao, nhập siêu lớn... Chất lượng tăng trưởng những năm qua là tăng trưởng chiều rộng; trông chờ vào vốn chứ không phải dựa vào năng suất lao động, hay công nghệ tiên tiến. Tình trạng này không thể để kéo dài, nên chúng ta phải điều chỉnh và cơ cấu lại, chuyển dần tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng suất lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến... Khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, phải chấp nhận là GDP thấp nhưng cũng phải giữ khoảng 5%/năm. Thấp hơn nữa thì nguy hiểm, thất nghiệp sẽ cao, phấn đấu dần đưa tốc độ tăng trưởng lên 7-8%/năm và ổn định kinh tế vi mô. Làm được điều đó không chỉ cải thiện đời sống, mà còn là ổn định chính trị, xã hội. - Đồng thời cũng là một đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, gắn bó với Đảng và chế độ hơn 80 năm qua, kể cả những lúc khó khăn nhất. Niềm tin đó đang bị thách thức và suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng vào Đảng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm trong bộ máy của mình. Tuy vậy, không được lạm dụng lòng tin của nhân dân. Mỗi một cán bộ, chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng càng lớn. Khắc phục những khuyết điểm hiện nay còn là để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng với tương lai của đất nước và sự trường tồn của dân tộc như Đảng ta đã làm trong suốt gần một thế kỷ đã qua. - Thưa Chủ tịch, năm qua, tính cởi mở và dân chủ đã được thể hiện rất rõ trên các diễn đàn thảo luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về nhận định này? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi thấy rất rõ, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng được người dân quan tâm. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, tôi thấy người dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Quốc hội đã ngày càng đáp ứng được nhiệm vụ và vai trò, nhất là việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. - Thưa Chủ tịch, Nghị quyết Trung ương 4 đã được ban hành gần 1 năm. Trong đó, Nghị quyết đã khẳng định, có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, nhưng kết quả thực hiện nghị quyết vừa qua chưa cao. Xin Chủ tịch nước đánh giá về vấn đề này? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng tôi được hỏi câu này nhiều lắm, có người khen, người chê. Vấn đề này, xin khẳng định là phải kiên trì tiến hành, không lùi bước, không thể không làm, nhưng không thể chỉ một lần, một sớm một chiều mà giải quyết ngay được. Thực tế là vậy, không nên chán nản. Chúng ta phải nhận thức cho đúng, phải hết sức kiên trì, liên tục tiến hành công cuộc xây dựng Đảng. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. Đó chính là dân chủ hóa. Điều quan trọng là phải làm thực chất, phải có cơ chế kiểm tra chống lại hiện tượng vận động, mua phiếu. Trung ương Đảng cũng có chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm tương tự và Mặt trận Tổ quốc cũng sẽ có cơ chế tham gia giám sát đội ngũ cán bộ. - Thưa, Chủ tịch nước có thường xuyên nhận được những thư từ của công dân? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thư thì hàng ngày tôi nhận được rất nhiều, trên tất cả các lĩnh vực, từ những chuyện rất cụ thể của cuộc sống hàng ngày đến những công việc lớn lao của đất nước, tôi chú ý đến những bức thư chân thực, tâm huyết, xây dựng. Nhiều bức thư rất cảm động, hữu ích, thậm chí có tác dụng trực tiếp đến chính sách của nhà nước, và tôi không thể nói điều gì khác ngoài lòng cảm ơn chân thành. - Sau hơn 1 năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, đã có những vụ việc nào về bức xúc của nhân dân để lại cho Chủ tịch băn khoăn, trăn trở nhiều nhất? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi nghĩ rằng, bức xúc thì nhiều, nhưng tựu trung lại mấy vấn đề lớn là làm thế nào trong năm mới, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề về dân sinh và kinh tế cho tốt hơn. Đến doanh nghiệp thì được nghe kiến nghị thiếu vốn, bất cập vướng mắc nhiều quá; gặp người lao động thì được phản ánh về thiếu việc làm, thu nhập thấp, tình trạng tiêu cực, tham nhũng... Sắp tới, phải làm sao vừa giải quyết tốt hơn vấn đề dân sinh kinh tế, vừa phải giải quyết tốt hơn vấn đề quốc phòng an ninh đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia và triển khai toàn diện công tác đối ngoại theo đường lối Đại hội XI của Đảng. Mình mong dân tin Đảng, nhưng vẫn còn nhiều người mất việc, không có việc làm, nghèo đói; tham nhũng, lãng phí không kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả thì làm sao tin ? Băn khoăn, trăn trở nhiều lắm ! -Thưa Chủ tịch nước, bước sang năm mới, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến toàn thể nhân dân? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển ngày càng bền vững hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong 2 năm qua, kể cả năm 2013, chúng ta vẫn phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu lại nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước; nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau. Vì thế, tôi mong rằng đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để thực hiện tốt, thành công những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tôi tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc, đất nước ta hòa bình, thịnh vượng... Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước! Hoàng Giang (TTXVN).
Theo chương trình làm việc, đầu giờ sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Từ 8 giờ 30 đến 8 giờ 45, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Tổng thống Ram Nath Kovind và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Ấn Độ vào hội trường Diên Hồng. Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ phát biểu ý kiến trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội tiễn Tổng thống Ram Nath Kovind và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Ấn Độ. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Sau giờ nghỉ giải lao Quốc hội họp phiên bế mạc (được phát thanh, truyền hình trực tiếp). Tại phiên bế mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (với 95,26% số phiếu tán thành), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng như đã khẳng định trong Nghị quyết chung của kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội. Công tâm, khách quan trong lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri. Kết quả của kỳ họp tạo niềm tin về sự đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020. Ghi nhận tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Quốc hội ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp; đồng thời đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát. Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới. Gửi tới các thầy cô niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất. Bế mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đúng vào ngày Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi tới các cô giáo, thầy giáo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất; bày tỏ kỳ vọng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời cảm ơn trân trọng tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự, theo dõi kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ đã hoạt động trách nhiệm, hiệu quả; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.
Nổi tiếng vì tai tiếng Bỏ qua những chuyện cũ kiểu cô diễn viên Hoàng Thùy Linh lộ phim sex với bạn trai để thành một Paris Hilton của Việt Nam đến sự cố lộ nhiều thứ nhạy cảm của các cô diễn viên, các chàng ca sĩ khác thì bây giờ, cái sự nổi tiếng cũng lắm khi đến từ những nguyên do rất tai tiếng. Cô nàng dao kéo Phi Thanh Vân khi thông qua một số bài báo mạng bút chiến với người mẫu đàn chị Xuân Lan, đã bị Xuân Lan bóc trần rằng: Đó là do Phi Thanh Vân muốn nổi tiếng. Và cô ấy sẽ nổi tiếng bằng mọi giá kể cả tạo ra scandal như cách kể hết cho báo chí nghe rằng cô đã phẫu thuật thẩm mỹ như thế nào để có được vẻ đẹp ngày hôm nay với biệt danh không hề làm cô tự ti: người đẹp dao kéo! Phương Thanh Các phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật hay kể với nhau rằng, một số các cô nàng, anh chàng ca sĩ diễn viên mới vào nghề rất mê lên báo. Thậm chí bị giật bóp, mất đồ hay ngã xe họ cũng nhanh chóng gọi cho phóng viên để thông báo còn nhanh hơn gọi cho cảnh sát hay xe cứu thương. Thế nên, khi Đàm Vĩnh Hưng thông báo mất nhẫn kim cương trước show diễn tại Hà Nội mấy tháng trước, fan của anh chàng lắm chiêu này như lên cơn sốt, nhất là cặp nhẫn đó bạc tỉ nên sự tò mò càng tăng lên. Rồi mọi chuyện cũng chìm xuống im lìm nhường chỗ cho những scandal khác mà chỉ người trong cuộc mới biết thật giả thế nào. Đôi tiên đồng ngọc nữ của điện ảnh Việt Johnny Trí Nguyễn Ngô Thanh Vân đã đủ nổi tiếng sau bộ phim võ thuật Dòng máu anh hùng, nhưng rồi họ nổi tiếng hơn khi vợ của Trí Nguyễn chính thức tuyên bố cô là người phụ nữ đã bị Trí ruồng bỏ để theo đuổi Ngô Thanh Vân. Người Việt đương nhiên đứng về phía Cathy Vũ người phụ nữ 2 con tội nghiệp đến mức bất cứ bài báo nào nói về Ngô Thanh Vân đưa lên mạng cũng bị các độc giả xông vào, đưa ra những lời lên án cô gay gắt. Cathy Vũ cũng nổi tiếng theo dù với tư cách người vợ bị những người nổi tiếng phụ tình! Hoài An Và cơ hội để làm người nổi tiếng Nhanh nhất để nổi tiếng có hai cách: một là thông tin mới, không đụng hàng hoặc gây sốc; hai là cứ chăm chỉ phủ sóng đều đặn lên các báo và nhất là các báo mạng. Thông tin thì cứ gọi là tả pí lù toàn chuyện trên trời dưới đất. Hết sinh nhật lại đến đám cưới, hết đám cưới lại đến sinh con, hết sinh con lại đến đầy tháng con, hết đầy tháng rồi đến thôi nôi... Gia đình Đức Thịnh Thanh Thúy là một ví dụ cụ thể. Hết đám cưới rình rang rước dâu bằng xe ngựa giữa phố là đến một cô Thanh Thúy bụng bầu từ nhỏ đến lớn đều được các báo mạng nhiệt tình đăng tải. Đỉnh điểm là việc Thanh Thúy mãn nguyệt khai hoa cũng được tường thuật chi tiết cập nhật từ bệnh viện! Mới biết thời thế đổi thay, ngày xưa ông bà mình kiêng cữ, bà bầu làm gì có chuyện tự do trang điểm và chụp hình, còn giờ với công nghệ truyền thông, không có gì là không thể với các "sao"! Anh Khoa Chưa bao giờ mà các đám cưới của người nổi tiếng và sắp nổi tiếng lại phủ dày đặc như thế trên các phương tiện truyền thông. Hồng Ánh sau bao năm chinh chiến với phim ảnh, sân khấu kịch, gặt hái bao nhiêu giải thưởng. cuối cùng lấy chồng, đã đành. Đám cưới của chị, một đám cưới lãng mạn toàn màu trắng ở một nơi như thiên đường với bạn bè nổi tiếng được quan tâm là chuyện đương nhiên. Nhưng nhiều người mới chỉ đóng vai phụ của vài phim truyền hình hay làm MC cho một số kênh còn rất ít người xem cũng ngập mặt báo với đám cưới thì đúng là chịu không nổi! Lại có những chuyện dở khóc dở cười khác, khi mà người trong cuộc không muốn nổi tiếng nhưng vẫn bị nổi tiếng. Còn nhớ chuyện Lưu Hương Giang và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh những người thấm đòn từ sự nổi tiếng gây ra đến mức suýt nữa thì không còn cơ hội bên nhau lúc chuẩn bị đám cưới đã giấu biệt mọi thông tin với báo chí. Không may là trong số khách mời lại có một nhà báo, và thế là thông tin đám cưới được bật mí ngay. Hai vợ chồng Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh đều bất bình, họ phản ứng ngay trên báo về việc quyền riêng tư của họ bị xâm phạm. Nhưng chuyện này nhanh chóng được xí xóa khi sau đám cưới, hình cưới của đôi vợ chồng trẻ này lại có cũng không ít trên các báo khác! Nổi tiếng ở xứ ta, đúng là một câu chuyện dài nói mãi không hết. Chỉ có người trong cuộc mới biết rõ được mất mà họ nhận khi trót làm người nổi tiếng! Ca sĩ Ánh Tuyết: Trong thế giới được gọi là người nổi tiếng của hôm nay, tôi thấy mình xa lạ quá. Họ chào hỏi cũng không thật, ép mình có những cử chỉ, dáng điệu như người nổi tiếng, nhìn không giống con người thật chút nào. Những lần xuất hiện giữa thế giới đó, tôi thường ngồi xa xa, một góc nhỏ, nhìn các bạn thôi chứ chẳng biết hỏi, chào hay nói gì với ai. Ca sĩ Phạm Anh Khoa: Tôi thì ít khi công bố chuyện riêng tư của mình bởi tôi muốn bảo vệ những người thân của mình, chứ không phải là sợ gì cả. Tôi chỉ muốn khán giả nhìn nhận mình qua cống hiến nghề nghiệp. Ca sĩ Thủy Tiên: Là người của công chúng nên dễ bị săm soi vào những chuyện cá nhân. Chẳng hạn chuyện tôi công bố tình cảm với Công Vinh cũng là điều tự nhiên thôi, vì đó là tình cảm thật. Nhưng nhiều người lại cho rằng tôi đang cố tình tạo scandal tình cảm. Thực ra, tôi cũng rất sợ sẽ đánh mất hình ảnh ca sĩ đa năng mà bấy lâu mình đã cố gắng tạo dựng. Nhạc sĩ Hoài An: Những thông tin kiểu giật gân, lá cải câu khách chủ yếu được thấy từ báo mạng, và từ những ngôi sao mới tập tễnh vào nghề. Cũng không trách được họ, phóng viên thì gặp áp lực bài vở, các sao trẻ thì áp lực sợ bị chìm. Nhưng cũng còn do khán giả - độc giả nữa. Có người cho là nhảm, là vớ vẩn nhưng ngược lại, cũng có người thích, vì họ cũng cần tìm hiểu và biết nghệ sĩ, thần tượng của mình đang vui-buồn và có gì mới lạ. Ca sĩ Phương Thanh: Tôi nghĩ, cái gì hào nhoáng, bề ngoài, kêu to thì nhanh chóng qua thôi. Nhưng nói đi thì phải nhìn lại, phải có người thích tò mò, hóng chuyện, ham mày mò những kiểu thông tin giật gân, sốc hàng như thế thì người viết (chủ yếu báo mạng) mới siêng "khai quật" triệt để. Thực ra không phải nghệ sĩ nào cũng thích phô trương hoặc ưa đem chuyện riêng lên báo đâu! Nguyên Vân - Thiếu Gia (ghi) Ý kiến... Tôi tán thành ý kiến mà bài viết trên TNTT> đã đưa ra. Phải trầy vi tróc vảy mới thành sao được và có như thế sao mới đủ bản lĩnh để trụ lại lâu dài. Phong sao, nhận sao bừa bãi, cuối cùng cũng chỉ "sản xuất hàng loạt" sao xẹt, sớm mọc tối tàn. Môi trường dành cho người nổi tiếng rất khắc nghiệt, khổ một nỗi, sao nhà mình đa phần toàn tuổi đôi mươi, kinh nghiệm sống quá ít mà đã được bốc lên cao quá nên dễ sinh nhiều thói xấu. Suốt ngày chỉ biết đua đòi, chảnh chọe chứ không lo trau dồi chuyên môn. Thói đời ai được khen mà không thấy thích, lại thêm hiệu ứng đám đông từ các fan. Nhưng chỉ cần sao sẩy chân một phát sẽ biến thành búa rìu dư luận "dập" tơi tả, sự nghiệp có thể lụi tàn ngay tức khắc. Tiểu Đông Tà ([email protected]) Tôi rất tâm đắc với bài viết này. Ở Âu - Mỹ, đã gọi ai là ngôi sao thì thật sự người đó là một ngôi sao, mặc dù công nghệ lăng-xê ở Mỹ, ở châu Âu được sử dụng rất phổ biến. Chỉ có điều việc lăng-xê của người ta không tùy tiện, không vô duyên như ở nước ta. Làm một người nổi tiếng rất khổ, thường xuyên bị sức ép của dư luận, bị những chế định của luật pháp (ví dụ người nổi tiếng không dễ dàng thắng kiện) cho nên những tài năng thật sự không ai tìm cách để nổi tiếng. Đối với họ, sự nổi tiếng là hệ quả ngẫu nhiên ngoài ý muốn, khi tài năng của họ lên đến đỉnh cao. Những người nổi tiếng thực sự không bao giờ cần đến công nghệ lăng-xê. Hoài Hương, USA ([email protected]) Những năm gần đây, có vẻ người nào được báo chí nhắc đến nhiều nhất (bất kể nhắc về vấn đề gì) thì được xem là nổi tiếng. Vì thế nên bây giờ mở mấy trang báo mạng ra toàn thấy những cái tít cô người mẫu này khoe vòng 1, bà ca sĩ kia mới bị đánh ghen, anh diễn viên nọ chia tay người yêu... nhìn mà phát ngán! Mà việc lên báo hiện nay tôi thấy sao cũng dễ dàng quá, ca sĩ đi du lịch về gửi vài tấm hình cho báo thế là cũng thành một bài hoành tráng ngay trang chủ. Đồng ý ở nước ngoài bây giờ cũng đầy những tin lá cải như thế, nhưng có lẽ Việt Nam ta đã đến lúc phải phân cấp lại các "ngôi sao" rồi. Trần Hoàng ([email protected]) Bây giờ mấy cuộc thi chọn thần tượng, chọn ngôi sao thông qua tin nhắn ngày càng nhiều, lấy cớ là để khán giả bình chọn cho công tâm nhưng thực tế người được lợi từ những cuộc thi kiểu ấy thì ai cũng biết. Khán giả Việt Nam vốn không phải là những người... năng động, ngồi nghe cô này anh kia hát thì cũng có khen chê ra trò đấy, nhưng chẳng mấy khi với lấy cái điện thoại để nhắn tin bình chọn. Những người hăng hái bình chọn nhất chính là... người nhà hoặc fan của thí sinh dự thi. Họ sẵn sàng mua hàng trăm sim điện thoại để dành cho chiến dịch bầu chọn người nhà, chưa kể mỗi sim lại nhắn được hàng chục, thậm chí hàng trăm tin. Kết quả thế nào thì ai cũng biết, người được chọn thì chưa chắc có tài, người có tài thì có khi lại bị cho "ra rìa" chỉ vì không đủ số lượng tin nhắn! Lê Nga ([email protected]) Tôi đọc bài này hay quá. Người nổi tiếng bây giờ thường được phỏng vấn trên truyền hình, tôi thấy họ hay tự vỗ ngực xưng tên với người xem và cả người hỏi. Sao tôi thấy họ oai như vậy. Hình như họ nghĩ rằng mọi người nghe đều kém nhiều so với họ, cái nổi tiếng đó sao mà kệch cỡm. Ông Trường Phước mà anh Hoàng Nam nêu ra là người rất đáng ngưỡng mộ. Xin cảm ơn anh đã cho tôi xem bài viết của anh. Trần Tú Uyên ([email protected]) Cát Khuê.
Trong khi đó, các cầu thủ xứ Chùa vàng càng chơi càng hay rồi giành chiến thắng chung cuộc một cách xứng đáng. Diễn biến trận chung kết AFF U19 năm 2015: Cầu thủ 2 đội bắt đầu ra sân làm các thủ tục chuẩn bị cho trận đấu. HIỆP 1: 1' Đội Thái Lan giao bóng trước. 2' : Tiến Dụng đẩy ngã Anon. U19 Thái Lan hưởng quả đá phạt ở cự ly 25 mét so với khung thành U19 Việt Nam nhưng cầu thủ đội bạn sút vọt xà. 5 ': Tiến Dụng tỉa má ngoài chân trái một chạm cho Lâm Thuận bứt tốc bên cánh phải. Song đường chuyền vào vòng cấm của anh không thể tìm đến đồng đội. U19 Việt Namđược hưởng 1 quả phạt góc. 12' : Minh Dĩ tạt bóng vào vòng cấm cho Đức Chinh nhưng quá sâu. Thủ môn Thái Lan dễ dàng bắt gọn bóng. Tỉ số trận chung kết vẫn là 0-0. 14 ': Đức Chinh đã ngã trong vòng cấm sau tác động của Saringkan nhưng trọng tài Shukri cho U19 Thái Lan hưởng quả phát bóng lên. Trước đó là tình huống phối hợp 1 chạm nhịp nhàng bên cánh trái giữa Duy Khánh và Đức Chinh. 20': Lâm Thuận tăng tốc bên cánh phải, nhưng rất tiếc không có đồng đội nào kịp băng vào đón cú treo bóng của cầu thủ này. 25: U19 Thái Lan đang cho thấy khả năng phối hợp không hề thua kém U19 Việt Nam, vừa rồi là tình huống hai cầu thủ đội bạn khiến khung thành Thanh Tuấn chao đảo. 27': Tiền đạo U19 Thái Lan Ritthidet khống chế bóng gọn gàng và tung ra cú dứt điểm sượt cột dọc U19 Việt Nam trong gang tấc. 30': Văn Hào chuyền bóng cho Trọng Hóa thực hiện pha phản công nhạnh bên cánh trái cho U19 Việt Nam. Nhưng sau đó anh lại chần chừ khi phải đối mặt trước 3 cầu thủ U19 Thái Lan trước vòng 16m50 khiến cơ hội trôi qua đáng tiếc. Tỉ số trận đấu vẫn là 0-0. 35' : U19 Việt Nam thay người. Lâm Thuận rời sân. Tiến Linh vào sân. 36 ': Các cầu thủ U19 Thái Lan vẫn tận dụng những pha tấn công cầu môn bên trái của U19 Việt Nam. Vào những phút cuối hiệp 1, U19 Thái Lan đã ghi bàn mở tỉ số trận đấu. 44' : Worachit sút bóng trúng chân Việt Anh đổi hướng khiến thủ thành Thanh Tuấn lỡ đà. Dù bay người theo hướng sút nhưng thủ môn U19 Việt Nam vẫn không thể cứu cho đội nhà khỏi một bàn thua. 45' : Hết hiệp 1. Hai đội ra sân tạm nghỉ. Tỉ số 1-0 nghiêng về U19 Thái Lan. Pha ghi bàn mở tỉ số của U19 Thái Lan. Hiệp 2: 46': Hiệp 2 bắt đầu. 49': U19 Việt Nam suýt có bàn thắng gỡ hòa. Trọng Hóa chuyền bóng bên cánh trái cho Đức Chinh trong vòng cấm nhưng cầu thủ này không thể chạm chân dứt điểm cận thành. Hậu vệ U19 Thái Lan đã phá bóng đi hết đường biên ngang. 53': U19 Việt Nam thay đổi người thứ 2. Quang Hải vào sân thay Minh Dĩ. U19 Thái Lan vừa ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0. 57': Suksan bật tường với Ritthidet trước khi đệm lòng chân trái vào góc xa khung thành nâng tỷ số lên 2-0 cho U19 Thái Lan. 62': Cú đá phạt đưa bóng đi dội xà ngang của U19 Thái Lan. Đội bóng áo xanh đang chơi cực kì hưng phấn. 69': U19 Thái Lan vừa ghi bàn nâng tỉ số lên 3-0. 71 ': Tiến Linh tung cú sút xa vượt tầm với thủ môn Taro nhưng vọt xà ngang. 77 ': Suýt chút nữa tỉ số là 4-0 cho U19 Thái Lan nếu Việt Anh không kịp thời cứu thua ngay sát vạch vôi cho U19 Việt Nam. 80': Tiến Linh chọc khe cho Trọng Hoa tung cú sút rất mạnh chạm xà ngang rồi cột dọc khung thành U19 Thái Lan. Tấn Tài lao vào đánh đầu bồi sau đó nhưng không trúng khung thành. 83': Worachit vượt qua hậu vệ U19 Việt Nam trong vòng cấm rồi tung cú sút vào góc xa khung thành, nâng tỷ số lên 4-0 cho U19 Thái Lan. Đây là bàn thắng thứ 6 của đội trưởng U19 Thái Lan. 87 ': Ngay sau đó, các cầu thủ U19 Thái Lan được hưởng 1 quả phạt 11m và nâng tỉ số lên 5-0. 89': U19 Thái Lan ghi được bàn thắng thứ 6 vào lưới U19 Việt Nam. 90+3' : Trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu. Chung cuộc, ĐT U19 Thái Lan giành HCV; U19 Việt Nam giành HCB. Như vậy, vào chơi 3 trận chung kết (2013, 2014, 2015), ĐT U19 Việt Nam vẫn chỉ giành được HCB. Ở trận tranh hạng 3 AFF U19 vừa kết thúc, sau khi hòa 1-1 ở hiệp đấu chính thức, ĐT U19 Lào đã đánh bại ĐT U19 Malaysia sau loạt sút luân lưu với tỷ số 3-2. Thủ môn U19 Lào đã cản phá thành công tới 3 loạt sút của đội Malaysia. Với kết quả này, HLV trưởng ĐT U19 Lào Phan Tôn Lợi (người Việt Nam) đã cùng đội bóng của ông giành tấm HCĐ ở Giải AFF U19 năm 2015, tấm huy chương đầu tiên của các cầu thủ trẻ xứ Triệu voi sau 10 năm đeo đuổi. Đội hình ra sân: U19 Việt Nam : Thanh Tuấn, Việt Anh, Trọng Đại, Văn Hào, Tấn Tài, Tiến Dụng, Minh Dĩ, Trọng Hóa, Duy Khánh, Lâm Thuận, Đức Chinh. U19 Thái Lan : Philakhlang, Kansangwet, Mungpao, Limwattthana, Phensawat, Sompim, Imura, Promsupa, Marhasaranukun, Worachit, Anon. Trong trận đấu này, ĐT U19 Việt Nam tiếp tục mặc trang phục toàn đỏ. U19 Thái Lan mặc trang phục xanh. Trước khi trận chung kết khởi tranh, bất kì ai cũng muốn đội bóng của mình giành chiến thắng. Ý kiến chuyên gia: Nói trên Thể thao &V;ăn hóa, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cho biết ĐT U19 Việt Nam vào chung kết là một sự lạc quan rất lớn với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng e rằng đó chỉ là phong độ nhất thời. Trong khi đó, chuyên gia Lê Thụy Hải đánh giá U19 Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì U19 Thái Lan năm nay thể hiện sức mạnh vượt trội, ví dụ như họ thắng U19 Malaysia 5-0 trong khi đội ta bị cầm hòa. Bên cạnh đó, tâm lý của các em đá ở giải lần này chưa thật tốt. Các HLV trưởng nói: HLV trưởng U19 Thái Lan Anuruck Srikerd bày tỏ quyết tâm: Chúng tôi vẫn bảo toàn mục tiêu ban đầu là vô địch giải đấu. Tôi đã nói với các cầu thủ cần nỗ lực làm việc, thi đấu hết mình để chắc chắn mang về chức vô địch và niềm vui cho người dân Thái Lan. HLV trưởng U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn : Để vô địch, tôi đã nói với các học trò rằng chúng ta sẽ phải trải qua sáu trận: bốn trận vòng bảng, một trận bán kết và một chung kết. Chúng ta đã hoàn thành 5 trận, ghi 14 bàn. Trước trận đấu, ngoài triển khai vấn đề chiến thuật, lối chơi, tư tưởng, tôi luôn giao nhiệm vụ cho toàn đội, cho từng nhóm, từng cá nhân, không để đối phương đá vào lưới mình. Đây là lần thứ 3 trong 3 năm gần nhất, ĐT U19 Việt Nam vào chơi trận chung kết. Năm 2013, tại Indonesia, năm 2014 trên chính sân nhà, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã không thể chạm tay vào chiếc cúp danh giá. Còn lần này, lần thứ 3, liệu các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn có làm nên điều kì diệu mà người hâm mộ nước nhà hi vọng? Với Thái Lan, kể từ năm 2012, đây là lần đầu tiên U19 Thái Lan góp mặt ở một trận chung kết giải đấu thuộc lứa tuổi này. Sau vòng đấu bảng và trận bán kết, ĐT U19 Việt Nam (bảng B) giành quyền vào chơi trận chung kết, gặp ĐT U19 Thái Lan. Đây là 2 đội bóng xuất sắc nhất Giải vô địch U19 Đông Nam Á 2015. Ở vòng bảng, U19 Việt Nam thắng 3 trận, hòa 1 trận và sau đó thắng ĐT Lào ở bán kết 4-0. Các cầu thủ Việt Nam ghi được tổng cộng 14 bàn thắng vào không thủng lưới bàn nào. Đối thủ của U19 Việt Nam trong trận chung kết là ĐT U19 Thái Lan. Đội bóng xứ Chùa vàng toàn thắng 4 trận vòng bảng, thắng trận bán kết và ghi được tổng cộng 23 bàn thắng, để lọt lưới 2 bàn. Như vậy, trận chung kết AFF U19 chiều nay là cuộc đối đầu giữa đội có hàng thủ ổn nhất với đội có hàng công mạnh nhất. Thùy Linh. Từ khóa: AFF U19 , Lào , Thái Lan , Việt Nam , Malaysia , Campuchia , vô địch , chung kết , Đức Chinh ,
Theo số liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy. Đặc biệt, người nghiện đã xuất hiện ở 100% các tỉnh, TP; 90% quận, huyện và khoảng 70% xã , phường, thị trấn. Người nghiện ở mọi thành phần xã hội như: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH; cho biết, trong số hơn 204.000 người nghiện ma túy có 74% ở độ tuổi 18-35, 96% là nam giới và 4% là nữ giới. Hiện nay, số người nghiện sử dụng heroin chiếm 72% và có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng. Để quản lý tốt người nghiện, Hà Nội đã tập trung xây dựng, hoàn thành 10 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện ma túy. Ảnh: TL. Cũng theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH;, cả nước có 142 trung tâm cai nghiện may túy, trong đó có 123 trung tâm do Nhà nước quản lý và 19 trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập. Khi đã phải lòng nàng tiên nâu, người nghiện sẽ làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình. Nhu cầu cần tiền để mua ma túy của người nghiện là rất lớn, mỗi ngày ít nhất từ 50.000 - 100.000 đồng, thậm chí 500.000 - 700.000 đồng/ ngày. Vì vậy, khi lên cơn nghiện người nghiện ma túy có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện của mình, hoặc để có tiền sử dụng ma túy, họ sẽ không từ một thủ đoạn nào cốt sao có tiền, nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, hoặc thậm chí giết người, cướp của. Người nghiện ma túy còn gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn như lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm, làm ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc, giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Chị L, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai than vãn: Chồng em nghiện ma túy đã nhiều năm. Trước đây, anh ấy rất chăm chỉ làm ăn, thương vợ, thương con nhưng chỉ vì chơi với đám bạn xấu nên dính nghiện. Khi mới bị, em cùng gia đình đã bắt anh ấy cai tại nhà nhưng không thành công. Sau đó, gia đình đã đưa anh ấy đi cai ở một vài cơ sở nhưng kết quả cũng chỉ là con số 0. Giờ anh ấy đã bị bắt đi cai nghiện bắt buộc. Khổ lắm anh ạ, bao nhiêu tài sản trong gia đình, anh ấy mang đi bán hết. Trước khi bị bắt đi cai, nhiều hôm anh ấy về nhà bảo em đưa tiền, em không đưa thì bị đánh đập. Nhiều lúc muốn chia tay nhưng nghĩ lại cũng chỉ vì hai đứa con nên cố nhẫn nại. Còn ông Th, huyện Thanh Oai: Cả đời vợ chồng tôi làm ruộng nuôi con nhưng ngờ đâu thằng con trai độc nhất mà tôi đặt niềm hy vọng lại chết bờ ở bụi vì sốc thuốc.Vợ chồng tôi không dám đi đâu, không dám ngẩng đầu lên nhìn bà con hàng xóm. Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Chính phủ yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy; tập trung đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy có hiệu quả; tăng cường công tác rà soát, phân loại và quản lý người nghiện; đổi mới công tác cai nghiện ma túy; chuyển đổi, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy. Chiều 12-3, tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, UBND TP Hà Nội đánh giá số người nghiện trên địa bàn giảm đáng kể và ngày càng có nhiều người nghiện được đưa vào các trung tâm cai nghiện, trường giáo dưỡng, trại tạm giam. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, số người nghiện có hồ sơ quản lý hiện nay là gần 16.000 người, giảm khoảng 1.565 người so với thời điểm cuối năm ngoái (năm 2014 có 17.166 người). Trong đó, hơn 7.000 người có mặt tại cộng đồng, 4.390 người được quản lý tại các trung tâm, 2.458 người tại các trường giáo dưỡng, trại tạm giam. Để chuẩn bị quản lý tốt người nghiện, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng, hoàn thành 10 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện ma túy, với tổng diện tích 147ha, công suất thiết kế 11.150 chỗ cai nghiện và quản lý sau cai. Trong thời gian qua, để giải quyết vướng mắc, khó khăn tại cơ sở, Hà Nội đã có nhiều mô hình như 28/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập được 448 tổ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; TP mở thêm các điểm điều trị thay thế bằng Methadone tại nhiều trung tâm trên địa bàn. TP đã xây dựng thí điểm đề án chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 5 sang mô hình Trung tâm cai nghiện tự nguyện. Sau hai tháng, mô hình đã phát huy hiệu quả, tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 334 người Hà Nội đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở đến năm 2020, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện. Trong năm 2015, TP cũng đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 40% hiện nay lên 50%. Tăng tỷ lệ người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ 70%. Tăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ tốt công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tăng số người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Giảm số người cai nghiện ma túy bắt buộc tại trung tâm. Xây dựng và thực hiện Đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ sở cai nghiện bắt buộc phù hợp với nhu cầu cai nghiện và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong giai đoạn 2016-2020, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng, điều trị nghiện. Phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, điều trị nghiện. Phấn đấu 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng, điều trị được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện. 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng, điều trị nghiện được đào tạo và được cấp giấy chứng chỉ. 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện. Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 75% vào năm 2020; giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại trung tâm từ 30% vào năm 2015 còn 20% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 50% vào năm 2015 lên 70%. Tăng tỷ lệ người điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ 70% vào năm 2015 lên thành 80%. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, mặc dù thời gian đầu đã có sự chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cả trong văn bản chính sách, cũng như thực tế triển khai. Vì đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nên tới đây cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Khánh Phong.
Dưới đây là toàn văn Nghị quyết số 64/2018/QH14: NGHỊ QUYẾT. Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. QUỐC HỘI. Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Căn cứ kết quả kỳ họp từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 15 tháng 6 năm 2018; Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; QUYẾT NGHỊ: Điều 1. Quốc hội quyết định: Thông qua 07 luật: Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Cho ý kiến về 09 dự án luật: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Biểu quyết tán thành việc chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo. Thực hiện giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Xem xét các báo cáo về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan. Thông qua 08 nghị quyết về: chất vấn và trả lời chất vấn; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 và Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Điều 2. Quốc hội nhất trí: Đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ, các cấp, các ngành, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018; giải quyết có hiệu quả các hạn chế, yếu kém; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững, ổn định trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, tích cực xử lý các vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, suối, bảo vệ và phát triển rừng; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách mới, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hành động, bảo đảm môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của Nhân dân. Quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017 - 2020. a) Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương. b) Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách địa phương. c) Chính phủ hướng dẫn tổ chức thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. a) Phát hành 22.090 tỷ đồng (hai mươi hai nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng) trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. Trong đó, năm 2018 là 6.000 tỷ đồng (sáu nghìn tỷ đồng), năm 2019 là 7.000 tỷ đồng (bảy nghìn tỷ đồng) và năm 2020 là 9.090 tỷ đồng (chín nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng). Mức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ hằng năm phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép. b) Tiền lãi đối với khoản nhận nợ 22.090 tỷ đồng (hai mươi hai nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng) trong thời gian chưa phát hành trái phiếu Chính phủ được tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và theo lãi suất trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành trong tháng 12 năm 2015. Tiền lãi này được thanh toán hằng năm hoặc cộng dồn đến cuối kỳ để phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. c) Chính phủ xác định phương án trả lãi, báo cáo Quốc hội quyết định khi trình dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng và bảo toàn, phát triển quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cử tri và Nhân dân. Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Chính phủ khẩn trương rà soát, chuẩn bị nội dung cần sửa đổi, bổ sung của hai Luật này và các luật khác cho phù hợp với Luật Quy hoạch để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, nhằm bảo đảm Luật Quy hoạch được triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại kỳ họp thứ 5 và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Điều 3. Quốc hội yêu cầu: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này; nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; tích cực chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo quochoi.vn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng nhắc nhở về tình trạng người dân, doanh nghiệp "lên xếp hàng" tại Bộ Xây dựng. Với cuộc kiểm tra mới đây nhất tại UBND tỉnh Bình Phước ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 16 bộ ngành, địa phương, đơn vị sau 6 tháng được thành lập. Ngay từ khi Tổ công tác được thành lập, chúng tôi đã xác định đây không phải là công việc dễ dàng. Để đạt được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, sự mong đợi của người dân thì không thể tránh khỏi những va chạm. Công tác kiểm tra đòi hỏi sự thẳng thắn, khách quan và trung thực; với cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác, tôi không tránh khỏi những áp lực, nhưng với tinh thần vì công việc chung, tôi không ngại va chạm, không né tránh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chia sẻ về nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác. Từ yêu cầu của Thủ tướng. Tinh thần thẳng thắn, khách quan, công tâm được Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại tất cả các cuộc kiểm tra các bộ ngành, địa phương. Theo đó, mục đích của việc kiểm tra không phải là bới lông tìm vết để phê bình nhau mà để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xử lý, giải quyết. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tại các buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác đều truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các bộ,ngành, địa phương về những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trên các lĩnh vực, địa bàn, được dư luận đặc biệt quan tâm. Như Thủ tướng nhắc nhở việc Bí thư, Chủ tịch các tỉnh vẫn lên Bộ Tài chính để thỏa thuận về chỉ tiêu thu ngân sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm điểm làm rõ việc vẫn còn tư tưởng cơ chế xin-cho, tư tưởng co kéo về Bộ; Bộ Xây dựng phải giải trình về những quy định khiến người dân, doanh nghiệp phải lên xếp hàng tại Bộ; Bộ VHTT&DL; chậm bày tỏ chính kiến trước những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa tại lễ hội, nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng. Tổ công tác luôn đi đến cùng trong việc truy tìm các nguyên nhân gây chậm trễ. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truy gay gắt Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về một số nhiệm vụ liên quan tới phát triển nghề cá. Nhiệm vụ này Chính phủ giao từ 26/11/2015, còn vài ngày nữa là tròn 1 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Cái này là do trách nhiệm của anh. Trong số 14 nhiệm vụ tồn đọng của Bộ NN&PTNT;, thì Tổng cục Thủy sản nhiều nhất, chắc chắn là có vấn đề. Tại sao các đơn vị khác không nhiều như vậy? Anh để sót trong tủ không làm, chứng tỏ anh không quan tâm đến cái này. Tuy nhiên, thể hiện rõ nhất tinh thần khách quan, công tâm có lẽ là việc Bộ trưởng Mai Tiến Dũng luôn thẳng thắn nhận trách nhiệm, xin lỗi các bộ, ngành nếu việc chậm trễ là do VPCP. Như tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng chỉ rõ, việc VPCP tham mưu cho Thủ tướng giao Bộ này xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng vừa không chính xác, đúng ra phải là xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng; vừa không chuẩn về thời gian, vì một nhiệm vụ khó như vậy mà chỉ giao trong vòng 20 ngày. Mới đây nhất, kiểm tra tại Bộ VHTT&DL;, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phê bình nghiêm khắc cấp dưới vì trong văn bản yêu cầu đôn đốc, bổ sung, hoàn thiện dự thảo một Nghị định lại không nêu rõ nội dung nào cần tiếp thu, hoàn chỉnh. Không thể đưa ra một câu yêu cầu tiếp thu, giải trình chung chung, vô cảm, sống dở chết dở như vậy, Bộ trưởng yêu cầu cấp dưới chấn chỉnh và xin lỗi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Một yêu cầu khác trong hoạt động của Tổ công tác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng liên tục nhấn mạnh trong các buổi kiểm tra, đó là tinh thần công khai, minh bạch toàn bộ trước báo chí và dư luận. Tổ công tác luôn chủ động mời đông đảo báo chí tham dự các buổi kiểm tra và mọi nội dung kiểm tra, số liệu về những nhiệm vụ được giao, số nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chậm trễ đều được công khai toàn bộ. Mục đích cuối cùng là nhằm bảo đảm tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chấm dứt tình trạng bắn chỉ thiên lên trời, trên bảo dưới không nghe, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khi kiểm tra công tác tiêu hủy hải sản nhiễm độc do sự cố môi trường, tháng 12/2016. Ảnh: VGP/Hà Chính. Tác động lan tỏa mạnh mẽ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: Không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Tinh thần đã được Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt tới các bộ, ngành, địa phương thông qua tổ công tác. Mới đây nhất, tại Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là con người cần mẫn, trách nhiệm, thẳng thắn trước Chính phủ, nhưng như vậy là không đủ, cần sự chuyển động mạnh mẽ hơn từ các cơ quan trực thuộc Bộ và cả hệ thống ngành xây dựng. Kết quả, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng đã giao hơn 10 nghìn nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, nhưng số nhiệm vụ quá hạn của năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm mạnh so với tỷ lệ quá hạn 25% của năm 2015. Ngay đầu tuần này, trước khi Tổ công tác kiểm tra tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh này đã khẩn trương ban hành Quy chế làm việc như một nỗ lực giảm số nhiệm vụ quá hạn từ 3 xuống còn 2 tính tới thời điểm kiểm tra. Học tập sáng kiến của Thủ tướng, nhiều bộ, cơ quan, địa phương cũng đã thành lập Tổ công tác để giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố rà soát, đôn đốc và kiểm tra nội bộ cơ quan, địa phương mình trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, tích cực và ghi nhận những kết quả mà Tổ công tác đạt được. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương được giao nhiều nhiệm vụ, những nơi có nhiều nhiệm vụ chậm trễ. Nhiều chuyên gia kinh tế như TS Lê Đăng Doanh, TS Lưu Bích Hồ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đều đánh giá cao cách làm, mô hình Tổ công tác của Thủ tướng, nhận định mô hình này đã đem lại hiệu quả trực tiếp, lan tỏa mạnh mẽ, cần được nhân rộng. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là qua kiểm tra, vẫn có rất ít bộ, địa phương có những đề xuất về điều chỉnh chính sách hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong năm 2017, Tổ công tác sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương, trước hết sẽ tập trung kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ, có vấn đề tồn tại, yếu kém mà chưa được giải quyết dứt điểm; tiến hành kiểm tra chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ từ đầu năm 2016 Đồng thời, tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương đã được kiểm tra trong việc thực hiện các kết luận của Tổ công tác. Hà Chính.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. Năm 2012 - tỷ giá khá ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, nếu như tỷ giá VND/USD tăng cao trong năm 2008-2010 (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng tới 10,07%, năm 2010 tăng 9,68%), thì năm 2011-2012 lại giảm xuống rất thấp. Cụ thể: năm 2011 chỉ tăng 2,2%; năm 2012 chỉ còn tăng 0,96%. Năm 2012 được phân rõ hai thái cực, nửa đầu năm, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng nhẹ, trong khi 6 tháng cuối năm lại điều chỉnh giảm (Biểu đồ 1). Đây là một hiện tượng ngược lại diễn biến tỷ giá trên thị trường trong những năm xáo trộn (2008-2011) khi tỷ giá luôn biến động theo chiều hướng tăng dần từ đầu năm đến cuối năm. Điều đáng nói, quy luật biến động mạnh của tỷ giá vào những tháng cuối năm, kèm với sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do thường ở mức khá cao đã không tái hiện trong năm 2012. Mặc dù, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2012, tỷ giá tự do nhích lên và bỏ xa thị trường chính thức một khoảng khá lớn, nhưng nhanh chóng trở lại bám sát tỷ giá chính thức. Đây chính là một điểm sáng trong điều hành thị trường ngoại hối trong năm 2012. Có được kết quả trên là do sự kết hợp linh hoạt các biện pháp điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong suốt năm 2012, nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ. Ngoài ra, diễn biến thuận lợi của cán cân thương mại, cán cân tổng thểtrong năm 2012, đã hỗ trợ khá đắc lực cho những cam kết của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, những quy định và biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng đã khiến cho biến động của thị trường này không còn gây nhiều tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối tự do như trước đây. Và, những biến động từ quý II/2013. Sự ổn định của tỷ giá được kéo dài đến hết quý I/2013. Nhưng, sang đầu quý II/2013, thị trường đã có những biến động. Cụ thể là, từ cuối tháng 4/2013 đến cuối tháng 6/2013, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng giá USD lên kịch trần cho phép 1 USD đổi 21.036 VND. Thậm chí tại số đông NHTM tăng giá mua lên kịch trần 21.036 VND, trong khi giá bán USD trên thị trường tự do lên tới 21.320 VND. Trước áp lực đó, cộng với một số diễn biến kinh tế vĩ mô khác, kể từ ngày 28/6/2013, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng lên thêm 1% so với trước đó. Theo đó, các NHTM cũng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá mua - bán ngoại tệ của mình. Sau đợt điều chỉnh đó, bắt đầu từ đầu tháng 7/2013, tại các NHTM, tỷ giá VND/USD được niêm yết phổ biến ở mức từ 21.110-21.140 VND/USD (mua vào) và 21.220-21.230 VND/USD (bán ra), tăng từ 5-20 VND/USD so với ngày 28/6/2013 và tăng bình quân 1% so với trước ngày 28/6/2013. Giá USD trên thị trường tự do những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2013 cũng biến động. Cụ thể, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng ngày 1/7/2013 niêm yết ở mức 21.380 - 21.430 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng mua vào và giảm 20 đồng bán ra so với chiều ngày 28/6/2013; tiếp đó đến ngày 8/7/2013 lại tăng lên 21.800 VND/USD... Nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá dài hơn, tức là trong 5 năm gần đây có thể thấy, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2013 (tính đến trước ngày 28/6/2013) chỉ tăng có 0,84%; nhưng, nếu tính đến đầu tháng 7/2013 so với đầu năm, thì đã tăng tới 1,84%. Những tác động đáng kể của tỷ giá. Việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% ngày 28/6/2013 khiến một số người lạc quan kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bứt phá như Nhật Bản. Hành động phá giá đồng Yen đến 25% của Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và tăng trưởng GDP, giúp nước này vượt qua được tình trạng suy thoái, trì trệ kéo dài và đã bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái chỉ là một yếu tố. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hàng xuất khẩu của Việt Nam ít phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái, mà phụ thuộc nhiều vào các yếu tố, như: thị trường, công nghệ, tiếp thị và uy tín của nhà sản xuất... Bên cạnh đó, xét về cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay, thì các mặt hàng như điện thoại di động, điện tử máy tính, dệt may, da giày... có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, nhưng hầu hết linh phụ kiện đều phải nhập khẩu để gia công tại Việt Nam,. Vì vậy, khi tỷ giá tăng sẽ làm đội giá các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu và gây khó khăn cho cạnh tranh trong xuất khẩu. Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề ở Việt Nam khác nhiều so với Nhật Bản trong câu chuyện phá giá đồng nội tệ. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm đến 65%, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 35%. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chủ yếu là tận dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam, lắp ráp các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài để xuất khẩu. Điển hình là Samsung Vina nhập khẩu 100% linh kiện từ Samsung ở Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh Galaxy; giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 12 tỷ USD xuất khẩu của Samsung Vina trong năm 2012. Dự kiến xuất khẩu của doanh nghiệp này sẽ vượt ngưỡng 20 tỷ USD trong năm 2013. Đối với những doanh nghiệp FDI xuất khẩu các sản phẩm lắp ráp này, điều chỉnh tỷ giá ít tác động tới kết quả hoạt động của họ, vì giá các linh kiện nhập khẩu tăng lên tương ứng do điều chỉnh tỷ giá và tỷ lệ giá trị gia tăng trong nội địa không tăng cùng. Tương tự, xuất khẩu dệt may, da giày của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu là các sản phẩm gia công, tỷ lệ nhập khẩu đầu vào của các sản phẩm này lên đến 70-75% giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá trị các sản phẩm đầu vào sản xuất trong nước chỉ chiếm 25%-30%, kể cả chi phí hậu cần, bao bì... Vì vậy, điều chỉnh tỷ giá chỉ có tác dụng rất hạn chế để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này. Điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động thuận lợi đến xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ở mức độ nhất định, vì đây là những sản phẩm có tỷ lệ sản xuất nội địa cao hơn so với các sản phẩm lắp ráp hay gia công kể trên. Tùy theo tỷ lệ giá trị gia tăng của từng sản phẩm, xuất khẩu cao su, cà phê, gạo, thủy sản có thể thuận lợi hơn, song tác động không phải quá lớn với mức điều chỉnh tỷ giá 1%. Dù vậy, tỷ trọng các sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu không quá lớn, nên tác động thúc đẩy xuất khẩu chỉ có mức độ. Khác với Nhật Bản, muốn tăng xuất khẩu, Việt Nam phải có nỗ lực lâu dài để tăng tỷ lệ giá trị nội địa, cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính ở hải quan, bến cảng, thuế... Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, vì nền kinh tế nước ta có tỷ lệ nhập khẩu trên GDP rất cao, có năm lên đến 90% GDP; giá các sản phẩm nhập khẩu, như: xăng dầu, nguyên liệu cho thức ăn gia súc, dược phẩm... sẽ tăng lên và hoàn toàn không phải tình cờ, mà giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần trong tháng 6, đợt điều chỉnh thứ hai vào ngày 28/6, chỉ 1 ngày ngay sau khi điều chỉnh tỷ giá và 1 lần trong tháng 7 đã đưa giá xăng dầu lên cao nhất trong mấy năm gần đây. Đó là chưa kể tới một loạt các mặt hàng thiết yếu khác, như: dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, sữa, hóa chất, thuốc trừ sâu... trong nước chưa sản xuất được, đều phải nhập khẩu với số lượng lớn. Khi tỷ giá tăng dẫn đến giá thành các mặt hàng này cũng sẽ tăng. Trong thời gian từ cuối tháng 3 đến hết tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 48 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.297.400 lượng, tương đương 49,9 tấn vàng, trên tổng số 1.400.000 lượng chào thầu, tương đương hơn 53,8 tấn vàng. Tuy nhiên, nhu cầu về vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng vàng nhập khẩu chắc chắn đã lấy đi một lượng ngoại tệ không nhỏ, dự kiến cả năm 2013 có thể nhập siêu lên đến 9 tỷ USD. Như vậy, các cơn khát ngoại tệ cho thanh toán quốc tế là có thật! Sáng 6/7/2013, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm chạm mức 22.000 VND/USD, đây là dấu hiệu cho thấy, mục tiêu duy trì tỷ giá ổn định trong 6 tháng cuối năm 2013 là không hề dễ dàng, mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, cải tiến cơ cấu xuất - nhập khẩu và cân đối thanh toán tài khoản vãng lai. Tỷ giá VND/USD tăng còn gây nhiều tác động đến nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp. Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, tỷ giá VND/USD tăng gần 2% từ đầu năm đến nay, điều đó cũng có nghĩa là nợ nước ngoài tính bằng nội tệ cũng tăng thêm 2%, tức tăng thêm ước tính khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, bởi vì nguồn thu để trả nợ hầu hết là nội tệ và phần lớn là từ nguồn ngân sách. Số tăng thêm đó tương đương với nguồn thu ngân sách cả năm của một tỉnh khá ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ nước ngoài 99.260 tỷ đồng do vay đầu tư nhà máy điện và các dự án điện. Trong đó có một số vốn không nhỏ vay bằng USD. Với tỷ giá tăng 1% khiến cho nợ bằng USD tăng thêm 1% và gây áp lực khiến cho giá điện tăng. Khi giá điện tăng, thì tác động tới nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Một số khuyến nghị. Có thể nói, biến động tỷ giá có sự tác động đa chiều đến kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều hành công cụ này thế nào luôn là bài toán khó đối với các nhà quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước. Sự thành công và những lợi ích của việc ổn định tỷ giá đã được minh chứng trong năm 2012. Bởi vậy, giải pháp tối ưu xin được đề xuất đó là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành giữ ổn định tỷ giá VND/USD ở mức như năm 2012, hay tăng không quá 1-1,5% trong năm 2013. Kèm theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý các đối tượng bán hàng thu bằng ngoại tệ trong nước, quản lý chặt chẽ vay và trả nợ nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch, nhất quán trong các chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng. Sự ổn định tỷ giá và bình ổn thị trường ngoại hối năm 2011 và năm 2012 đã minh chứng cho hiệu quả của một số biện pháp hành chính kết hợp trong công tác điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng cần xây dựng quy chế thông tin, thống kê, hệ thống hóa kịp thời số liệu luồng ngoại tệ ra - vào trong nước, từ đó dự báo về quan hệ cung - cầu trên thị trường để làm căn cứ điều hành chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, xóa bỏ hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do. Tài liệu tham khảo. Trần Thị Lương Bình (2013). Chính sách tỷ giá và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số 2/2013. Hạ Thị Thiều Dao, Phạm Thị Tuyết Trinh (2012). Chênh lệch tỷ giá hối đoái thực đa phương và tỷ giá thực đa phương cân bằng của Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 17/2012. Tô Kim Ngọc, Lê Thị Tuấn Nghĩa (2012). Cơ chế tỷ giá và chính sách mục tiêu lạm phát, Tạp chí Ngân hàng, số 21/2012. Lê Đăng Doanh (2013). Theo kinhtevadubao.com.vn.
Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay có nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm, từ việc Bộ cho phép thí sinh mang thiết bị phản ánh tiêu cực vào phòng thi, tới đề Văn khối D bàn đến "thảm họa mê muội thần tượng" trong giới trẻ, đến sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên, sự lo lắng của các bậc phụ huynh và những thí sinh vượt lên hoàn cảnh để thực hiện giấc mơ đại học. Xin điểm lại những câu chuyện xúc động trong mùa thi năm nay: Sinh viên nghèo hỗ trợ hàng trăm sĩ tử. Đó là Nguyễn Xuân Tiến (SN 1989), sinh viên năm cuối ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Tiến quê ở mảnh đất Quảng Trị nắng gió khô cằn. Từ chính hoàn cảnh từng là cậu sinh viên nghèo miền Trung ngơ ngác vào TP.HCM dự thi, sau khi ra Đà Nẵng học ĐH, Tiến đã quyết định giúp đỡ những thí sinh khác. Trước khi đợt 1 của kỳ thi đại học năm nay diễn ra, Tiến đã vận động được các bạn cùng dãy trọ giúp đỡ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho khoảng 40 thí sinh và người nhà. Trong suốt những năm qua, số sĩ tử và phụ huynh được em giúp đỡ lên tới hàng trăm. Một điều khiến người khác không khỏi khâm phục nữa là, cậu sinh viên được mệnh danh "vua làm thêm", ki cóp từng đồng tiền, rất vất vả để lo cho bản thân, giúp đỡ mẹ. Ảnh An Kỳ. Trong mùa thi, ngoài việc lo chỗ nghỉ cho thí sinh, đảm bảo việc ăn uống... em còn giúp đỡ các sĩ tử ôn bài, thậm chí còn thân chinh ra bến xe đón hoặc chở các bạn đi thi. Hồ Văn Lai : không điều gì ngăn cản ước mơ. Có lẽ, trong số những thí sinh khuyết tật dự thi đại học năm nay, Hồ Văn Lai là trường hợp rất đặc biệt. Em chỉ còn một mắt, một tay và một chân. Thế nhưng, sự thiếu hụt đó không thể ngăn cản ước mơ của Lai. Hồ Văn Lai. Ảnh An Kỳ. Lai bị thương tật do tai nạn bom mìn. Em cũng quê ở Quảng Trị, đăng ký thi vào ĐH Đà Nẵng. Suốt 3 năm THPT em phải thuê trọ xa nhà 20km, và học lực luôn đạt loại khá. Trong buổi thi đầu tiên của khối A tại hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), Lai đã khiến các thí sinh, thầy cô và phụ huynh xúc động. Cũng sau buổi thi này, trường ĐH Đà Nẵng đã quyết định đặc cách cho em. Thí sinh 'tí hon' vươn lên trong sự khắc nghiệt của số phận. Vũ Thị Hằng quê ở khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Em chỉ cao 1,1m, nặng 25kg, là thí sinh đặc biệt nhất tại hội đồng thi THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Hằng thi khối C vào ngành công tác xã hội thuộc Đại học Lao động Xã hội (Hà Nội). Vũ Thị Hằng tự đi xe đến địa điểm thi, sau đó về nhà lo cơm nước cho mẹ. Ảnh Duy Cảnh. Sinh ra với cơ thể bình thường, nhưng đến 3 tuổi, sau một trận ốm thập tử, nhất sinh, Hằng bị co rút chân tay và biến chứng, không thể phát triển như các bạn. Một điều khiến người khác không khỏi xót xa là cô bé lớn lên trong gia đình quá nhiều tai ương. 15 năm trước, bố em mất, sau đó người anh trai cả cũng đột ngột ra đi. Người anh thứ 2 cũng phát bệnh điện dại và bỏ nhà đi đến nay không rõ tin tức. Mới đây, chị gái của em bị lừa bán sang Trung Quốc. Hằng sống với mẹ đã 62 tuổi. Từ năm cấp 2, một mình em phải tự lê bước chân khập khiễng tới trường với quãng đường gần 4km, dù bất kể trời mưa hay nắng. Tất cả, để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, có công ăn việc làm, giúp đỡ mẹ, giúp đỡ chính bản thân và cả những hoàn cảnh khó khăn như em. Đạp xe 300km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học. Câu chuyện của Nguyễn Văn Thuận (quê ở Yên Thành, Nghệ An) đã được truyền đi rất nhanh trên cộng đồng mạng trong suốt những ngày qua. Thuận thi vào trường Sỹ quan Lục quân I. Xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An) từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm sau Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội. Với 30.000 đồng trong túi, khi đến Hà Nội, Thuận chỉ còn 10.000 đồng cho hơn 2 ngày tham gia thi và chặng đường về. Với 30.000 đồng, Nguyễn Văn Thuận đã đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội ứng thí. Ảnh An ninh Thủ đô. Thuận có kế hoạch "tác chiến" cụ thể cho chuyến đi của mình, như ăn bánh mì, nước lọc hết thì xin, ngủ nhờ ở chùa hoặc ngay cổng trường thi, hay dưới cột đèn cao áp. Tuy nhiên, xúc động trước câu chuyện của em, nhiều người ở huyện Thanh Trì (nơi Thuận dự thi) đã giúp đỡ em có nơi ăn ở trong những ngày thi. Kết thúc môn cuối cùng, em còn được đch thân Đại úy Nguyễn Quốc Khánh (huyện Thanh Trì) đưa em ra bến xe để về nhà. Sau đó, tại TP.Vinh, Thuận đã ngay lập tức xin việc làm thêm, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. 56 tuổi vẫn đi thi đại học để không... tụt hậu. Đó là trường hợp của cô Nguyễn Thị Phong, dự thi khối C vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM, thi nhờ tại cụm Vinh - Nghệ An). Cô Phong quê ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tốt nghiệp cấp 3, cô thi đậu vào trường ĐH Thủy lợi nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên không được nhập học. Giờ đây, khi đã có hai cháu nội, con trai làm giám đốc tại TP.HCM, tái hôn và sống với chồng ở Nghệ An, cô Phong quyết định đi thi đại học. Cô Nguyễn Thị Phong sau khi kết thúc môn Văn. Ảnh Phạm Hòa. Cô chia sẻ rằng khi thông báo quyết định này, những tưởng gia đình sẽ phản đối, nhưng bất ngờ là mọi người đều ủng hộ. Con dâu ở TP.HCM còn gửi sách ra để giúp cô ôn thi. Trong khi đó, dư luận rất bất ngờ khi biết mục đích đi thi của cô, đó là để không tụt hậu. Để đi thi, cô đã ôn luyện với các cháu hàng xóm. Khi thi, ngồi chung với thí sinh cũng thuộc bậc con cháu, ban đầu cô còn "ngợp" nhưng sau đó thì khá thoải mái. Sinh viên tình nguyện che mưa cho thí sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, cả nước huy động được 35.000 lượt sinh viên, thanh niên tham gia chiến dịch T iếp sức mùa thi. Và có lẽ, đây là một minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". Sinh viên tình nguyện đứng trong cơn mưa tầm tã, che ô cho sĩ tử vào phòng thi tại TP.HCM, trước buổi thi thứ 2 khối B, C, D. Ảnh Đặng Sinh. Tại TP.HCM, từ đầu tháng 6, các bạn trẻ đã ra quân Tiếp sức mùa thi. Trong suốt hơn một tháng, xuyên ngày, trắng đêm , sinh viên tình nguyện luôn có mặt ở nhà ga, bến xe để giúp đỡ sĩ tử, người nhà. Tại các nhà ga, lúc 3h sáng, khi chuyến tàu dừng lại cũng là lúc các bạn trẻ hỏi han, xách đồ, chỉ dẫn, thậm chí chở thí sinh - người nhà về tận phòng trọ. Tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An... chiến dịch Tiếp sức mùa thi cũng rất rầm rộ. Không chỉ thuộc khối đoàn trường, mà ngay cả các hội đồng hương cũng kết nối để giúp đỡ thí sinh. Chính nhờ lực lượng tình nguyện viên, thí sinh và người nhà đã hạn chế được tối đa nhất những rủi ro khi về tới thành phố, từ việc không bị chèo kéo, hét giá của xe ôm, tới kiếm nhà trọ cho đến đảm bảo giao thông tại các điểm thi, hay đơn giản là một ly trà đá trong cái nóng oi ả, ngồi ngóng chờ con trước cổng trường. Người mẹ nhường cơm cho con. Trong mùa thi, bên cạnh dáng cha gầy khắc khổ đứng bám song cửa chờ đợi con là những người mẹ tận tình, chu đáo. Thí sinh Bùi Thị Tường Oanh (quê ở Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có một người mẹ như thế, và mẹ của em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn nhường cơm để con gái có sức làm bài. Hơn 10 năm qua, Oanh mắc bệnh rối loạn tiền đình. Nhà em vốn làm ruộng, kinh tế khó khăn, dưới Oanh còn có 2 em bị bệnh lão hóa da sơ cấp và viêm phổi. Dù bị bệnh nhưng Oanh vẫn khao khát đến trường. Thương con, chị Đỗ Thị Vân đã cùng Oanh về TP.HCM trong mùa tuyển sinh ĐH. Thời gian đầu, để tiết kiệm, hai mẹ con ở nhờ nhà chùa, nơi giúp đỡ các thí sinh khó khăn. Tuy nhiên, bệnh em dễ tái phát, cần tránh đông đúc nên chuyển ra ở trọ với giá 250.000 đồng cho 3 ngày thi. Ánh mắt buồn của người mẹ, và cả cô con gái bé bỏng. Trong ngày thi đầu tiên, trước thời điểm con gái đến trường, chị mua hộp thức ăn về cho con lót dạ, còn mình chấp nhận nhịn. Đến buổi trưa, vừa kết thúc môn thi xong, cả hai mẹ con vội vàng về căn phòng trọ, chị mua cơm, nhường con gái ăn trước, còn thừa bao nhiêu mình mới ăn lại. Khi hình ảnh của chị Vân và con gái được đăng tải, một số độc giả đã liên hệ để giúp đỡ mẹ con chị. Hi vọng rằng, với sự chia sẻ cộng đồng, chị sẽ bớt khó khăn hơn trong chặng đường sắp tới. Thủy Nguyên. Theo Infonet.
Thủ tướng tạm quyền Italy Mario Monti trong cuộc họp báo tại Roma ngày 25/2. (Nguồn: AFP/TTXVN). Tuy nhiên, những ngày qua, khu vực này lại thu hút sự chú ý trở lại bởi nguy cơ tái diễn khủng hoảng bắt nguồn từ bế tắc chính trị tại Italy. Thậm chí, bất ổn ở Italy còn được coi là một cú sốc đối với cả khu vực khi trước đó nhiều người kỳ vọng cuộc bầu cử sẽ là cơ hội để Italy giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước hiện nay, còn châu Âu đang trông chờ sự ổn định chính trị ở nước này để ổn định và phục hồi nền kinh tế châu lục trước cơn bão nợ công. Kinh tế Italy trong bế tắc chính trị. Cuộc bầu cử vừa qua được coi là rất quan trọng đối với Italy trong bối cảnh nước này đang nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng, giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như giảm nợ công. Là nền kinh tế lớn thứ tám thế giới và lớn thứ ba trong Eurozone nhưng Italy lại là một "con nợ" khổng lồ, một trong số ít quốc gia có con số nợ công cao nhất thế giới, với khoảng 2.600 tỷ USD. Bị coi là nền kinh tế tăng trưởng yếu kém nhất tại châu Âu trong hai thập niên trở lại đây, kinh tế Italy sụt giảm 2,4% trong năm 2012, với tỷ lệ thất nghiệp cao. Italy là một trong những quốc gia góp phần lớn gây ra tình trạng khủng hoảng nợ công ở châu Âu, từng khiến cho tương lai Eurozone trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Sự xuất hiện của ông Mario Monti hồi tháng 11/2011 trên cương vị Thủ tướng Italy được ví như một "cứu tinh" với "bàn tay sắt" đối với Italy. Ông đã áp dụng những biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm khắc như một phương thuốc chữa trị cho con bệnh nợ công Italy. Nhưng phép màu Monti cũng nhanh chóng mất tác dụng. Cử tri Italy cho rằng, thầy thuốc Monti đã kê một toa thuốc quá đắng khi thông qua một kế hoạch khắc khổ mà nếu tính luôn cả kế hoạch cắt giảm chi tiêu được người tiền nhiệm Berlusconi phê chuẩn thì tổng cộng người dân Italy phải cõng gánh nặng 300 tỷ euro trong thời gian 2010-2014. Những viên thuốc đắng đó khó nuốt trôi khi hiện có tới 11% dân số Italy trong độ tuổi lao động không có việc làm và chỉ trong năm 2012 có tới hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Vì thế, 90% cử tri Italy đã từ chối để ông Monti tiếp tục làm Thủ tướng nhiệm kỳ sắp tới, bởi điều mà họ muốn lúc này là thắt lưng buộc bụng phải đi cùng với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Theo chuyên gia Jennifer McKeown thuộc Capital Economics, kết quả cuộc bầu cử ở Italy, với số đông cử tri dành sự ủng hộ cho các đảng không áp dụng chính sách khắc khổ, đã làm dấy lên các mối nghi ngờ về khả năng Italy có thể đạt được sự ổn định trong tài chính công. Lãi suất trái phiếu của Italy đã tăng trở lại sau bầu cử và các thị trường đang tranh luận liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có tung ra chương trình mua trái phiếu để giúp kiềm chế đà tăng này. Tuy nhiên, chương trình mua trái phiếu của ECB chỉ dành cho các nước nộp đơn xin hỗ trợ từ quỹ cứu trợ của khu vực là Cơ chế bình ổn châu Âu và phải chấp nhận các điều kiện cải cách cơ cấu. Bên cạnh đó, nguyên tắc của ECB là không can thiệp khi thị trường trái phiếu biến động ngắn hạn vì những tác động chính trị. ECB khẳng định sẽ không can thiệp để giúp Italy nếu nước này không thành lập được một chính phủ ổn định có khả năng tiến hành các cải cách cần thiết. Những vấn đề đặt ra. Nhìn rộng hơn, nếu Italy không muốn cải cách, những biến động trên thị trường trái phiếu có thể đẩy Eurozone vào khủng hoảng sâu hơn. Bất ổn chính trị ở nước này đã góp phần đẩy chi phí vay mượn tăng lên ở các quốc gia Eurozone khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đẩy các nước này gần hơn đến việc lại phải xin cứu trợ, nhất là đối với Tây Ban Nha, khi nước này mới nhận được gói cứu trợ lĩnh vực ngân hàng. Những tháng gần đây, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha dù cao nhưng vẫn còn ở mức chấp nhận được. Chính phủ Tây Ban Nha lo ngại rằng tình hình bất ổn ở Italy có thể đưa Tây Ban Nha trở lại vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính Eurozone. Kết quả bầu cử tại Italy đã cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của cử tri Italy nói riêng và người dân châu Âu nói chung đối với chính sách "thắt lưng, buộc bụng" mà chính phủ nhiều nước thành viên Eurozone đang áp dụng. Từ Athens tới Paris, những người phản đối các biện pháp khắc khổ cho rằng bế tắc chính trị tại Italy là bằng chứng cho thấy các cử tri châu Âu đã dùng đủ liều cắt giảm chi tiêu đau đớn mà Đức và các đồng minh phương Bắc đã "kê" cho các nước láng giềng kém may mắn phương Nam như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho rằng thông điệp từ Italy là hãy thận trọng khi yêu cầu người dân phải hy sinh trong một thời gian dài và một toa thuốc khác cần được kê là tăng trưởng trở lại. Bên cạnh những ưu điểm, chính sách kinh tế khắc khổ ở châu Âu đã kìm hãm tăng trưởng, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao và các chế độ lương, phúc lợi xã hội giảm sút. Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu cố tình tránh né, nhưng sự thật là hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang suy thoái. Tốc độ suy giảm kinh tế tại Italy kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cũng nhanh như trong cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Hy Lạp hiện lên tới 60% và tại Tây Ban Nha là trên 50%. Chính sách khắc khổ là nguyên nhân chính khiến chính phủ sụp đổ ở nhiều nước như Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Romania và mới đây là Chính phủ của Thủ tướng Bungari Boiko Borisov ngày 20/2 vừa qua. Bất ổn chính trị ở Italy rõ ràng cũng đã đặt Đức vào thế khó khi phải trợ giúp tài chính cho một quốc gia bỏ phiếu chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng do EU đưa ra và được Đức hậu thuẫn. Đức sợ rằng Italy có thể từ bỏ chính sách đó và phá vỡ cam kết mà chính phủ của cựu Thủ tướng Monti đã thực hiện với Brussels. Đức lo ngại Italy có thể liên kết với Pháp và Tây Ban Nha nhằm làm suy yếu các chính sách khắc khổ và tìm các giải pháp khác cho cuộc khủng hoảng ở Eurozone. Vì thế, nỗ lực của Đức nhằm đảm bảo các chính phủ mới được bầu đi theo chiến lược mà nước này kêu gọi ngày càng trở lên khó khăn hơn. Đức đã nhận lấy vai trò chèo lái châu Âu trong khủng hoảng, song việc gây sức ép buộc các nước phải cắt giảm chi tiêu và cải cách cơ cấu có thể làm sâu sắc cuộc khủng hoảng chính trị ở các quốc gia khác. Và những hành động tiếp theo. Tuy nhiên, trong khi không thuyết phục được Đức từ bỏ yêu cầu về các biện pháp khắc khổ, kết quả bầu cử tại Italy có thể giúp các nước đang ngập trong nợ nần ở Eurozone nhận được sự nhân nhượng của Đức, nước đóng góp chính trong EU, nếu các nước này vẫn cho thấy những nỗ lực trong vấn đề cải cách. Những nước sẽ sớm được hưởng điều đó là Pháp, với hy vọng trong những tuần tới sẽ được EU nhất trí gia hạn một năm cho việc đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách, và Síp, nước mà Berlin hiện cho là phải được cấp một gói viện trợ. Pháp thừa nhận rằng nước này sẽ bỏ lỡ mục tiêu về thâm hụt ngân sách 3% GDP năm 2013. Năm ngoái, Đức đã đồng ý cho Tây Ban Nha và Hy Lạp thêm thời gian để cắt giảm ngân sách và trong một động thái được cho là nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế khác trong Eurozone, Berlin đã cho phép tăng lương ở trong nước. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã cảnh báo về việc Pháp và Đức lại cùng kêu gọi việc nới lỏng kỷ luật ngân sách. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho rằng việc kéo dài thời hạn cho việc đạt được mục tiêu về thâm hụt ngân sách cho các nước ngấp nghé suy thoái là có thể nếu các nước này đang có nỗ lực cao nhất để tiếp tục cải cách. [Lo ngại chính trị ở Italy chi phối phiên họp ECB]. Bên cạnh đó, một bộ các chính sách thay thế cho các biện pháp khắc khổ, cũng đã được thảo luận nhiều, có thể hiệu quả. Châu Âu đang cần hội nhập tài chính hơn nữa, không chỉ là việc giám sát tập trung các ngân sách quốc gia. Rõ ràng là châu Âu không cần chi tiêu liên bang cao gấp đôi chi tiêu các bang như tại Mỹ, nhưng cần mức chi tiêu lớn hơn, không như ngân sách rất nhỏ của EU hiện nay. Châu Âu cũng cần một liên minh ngân hàng, một liên minh thực sự, với việc bảo hiểm tiền gửi và các thủ tục thanh toán, cũng như sự giám sát chung. Châu Âu cũng cần phát hành trái phiếu chung hoặc một công cụ tương đương. Về phản ứng của ECB - lính cứu hỏa trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng vừa qua, các chuyên gia phân tích nhận định vấn đề chi phối cuộc họp định kỳ hàng tháng của ECB diễn ra vào ngày 7/3 sẽ là tâm lý lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị tại Italy. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hội đồng điều hành ECB sẽ không cắt giảm lãi suất hay thông báo về các chính sách mới nào. Người đứng đầu ECB, Mario Draghi, đã nhắc đi nhắc lại rằng với việc triển khai nhiều giải pháp (duy trì mức lãi suất siêu thấp 0,75%, bơm một lượng tiền mặt lớn chưa từng có vào các ngân hàng và thực hiện chương trình mua trái phiếu), ECB đã nỗ lực hết sức, và các chính phủ có nhiệm vụ phải giải quyết cuộc khủng hoảng này./. Lê Minh (TTXVN).
Các mẹ đã rèn cho con thói quen ăn ngoan. Với hơn 80 cháu bé nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 (xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) - (TT), việc uống những viên thuốc đắng ngắt mỗi ngày lại là những niềm vui, là lúc thi đua, cổ vũ nhau. Các cháu có thể quên điều gì khác, nhưng không bao giờ được xao lãng việc uống thuốc đúng giờ 2 lần đúng 6h15 sáng và tối, để có thể chống chọi với căn bệnh có thể bất cứ lúc nào đe dọa cuộc sống này. Liên tục 12 năm qua, đã có 115 lượt trẻ có xét nghiệm dương tính được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường này. Những em bé xấu xí vì bệnh. Nhìn bé Lê Quang Anh (3,5 tháng tuổi) - thành viên mới đến trong đại gia đình lúc này - không ai nghĩ rằng, mới chỉ 1 tháng trước đây, toàn thân bé đầy nốt lở loét, suy dinh dưỡng, hy vọng sống cũng khó. Vậy mà lúc này, da nhẵn nhụi, hồng hào, và đã tăng thêm được 2kg. Mỗi ngày, các mẹ đều kỳ công đun lá khế đặc, tắm cho Quang Anh lặn hết các nốt đỏ chảy nước mới thôi. Cứ 2h, mẹ lại cho bé ăn một bình sữa, căng rốn cu cậu lại đi ngủ. Tất cả TT đang có 82 anh chị, ở chia thành 5 nhà, trong đó nhà Sơ sinh dành cho các bé dưới 2 tuổi. Các nhà khác, mỗi nhà chỉ có 2 mẹ, riêng nhà Sơ sinh ưu tiên các em bé nên có nhiều mẹ hơn. Và bé Quang Anh cũng được riêng 1 mẹ chăm sóc từng lúc ăn, lúc ngủ và khi uống thuốc. Nuôi một đứa trẻ mạnh khỏe cho thành nhân cũng đã vất vả, huống hồ lại là những em bé mang trong mình một căn bệnh vẫn được coi là đại dịch thế kỷ. Vì thế, bà Nguyễn Thị Phương - GĐ TT - cũng phải thừa nhận: Tìm được một người lao động bình thường chăm sóc nuôi dưỡng các cháu thật không dễ dàng. Nhưng thật mừng vì từ các cán bộ, đến các mẹ nuôi, hầu hết đều yêu thương, gắn bó với tụi trẻ, cùng vui buồn, đau đớn và thậm chí trưởng thành hơn cùng với trẻ. Lịch sinh hoạt của trẻ ở đây, dù trẻ ở độ tuổi nào, mùa đông hay mùa hè, cũng đều phải thức dậy vào lúc 5h - 5h30 sáng. Chúng phải vệ sinh, tập thể dục và ăn sáng trước 6h15. Cán bộ y tế sẽ xách chiếc làn có những bơ thuốc ARV đã được chia theo tên từng người, mang tới các nhà, phát cho các cháu uống. Chiều 6h15 lại một lần như thế nữa. Tụi trẻ xếp thành hàng, uống ngay trước mặt và há miệng để chắc chắn viên thuốc đã được nuốt. Đó là cẩn thận thôi, chứ cháu nào cũng đã ý thức được tầm quan trọng của những viên thuốc đó với cuộc sống của mình. Khi một người đã phải uống thuốc kháng virus ARV thì họ cần uống thuốc suốt đời, hằng ngày vào giờ nhất định. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng kháng thuốc, nhanh chóng dẫn đến tử vong. Vì thế, như Phạm Đình Đức - cậu bé 15 tuổi lớn thứ 3 và đã ở TT từ nhỏ - miêu tả lại niềm vui uống thuốc của các cháu ở đây: Các em bé tí thì uống thuốc hòa tan, được ăn kẹo sau đó để giảm độ đắng. Khi lớn hơn một chút thì nuốt cả viên, hoặc các em lớn nhưng mới vào TT những lần đầu uống thuốc đều được khen để dần quen như các anh lớn. Thế nên mới có chuyện, trẻ nhỏ thấy bác xách làn đến thì tự ra ngồi vòng tròn, hoặc quấn chân bác chờ được chia thuốc. Hay có những trẻ bị nhiễm trùng cơ hội phải uống thêm lần khác nữa ngoài 2 lần với ARV thì các bạn khác thắc mắc sao mình không được uống! Cùng các con đấu tranh với bệnh tật. Từ khi làm việc ở TT với vai trò cô nuôi, và sau này kiêm giám sát ở nhà Sơ sinh, trước năm 2006, bà Nguyễn Thị Minh đã tự tay mặc quần áo và đưa tiễn ra nghĩa trang nhiều cháu bé không may mất rất sớm vì AIDS. Năm 2001, TT tiếp nhận nuôi dưỡng cháu bé nhiễm HIV đầu tiên, nhưng phải đến 5 năm sau, TT mới chính thức được hỗ trợ về y tế, cung cấp thuốc men và các dịch vụ chăm sóc trẻ HIV. Từ đó, không có thêm cháu nào tử vong vì HIV ở TT nữa, trừ 3 trường hợp khi đến đã quá nặng, còn đang xét nghiệm và chưa kịp sử dụng thuốc. Người nhiễm HIV có sức đề kháng giảm nên rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và có thể tử vong vì các nhiễm trùng này trước khi vì AIDS. Vì thế, ngoài việc rèn cho trẻ tuân thủ uống thuốc, các mẹ còn phải gò trẻ vào những quy tắc hằng ngày: Tập thể dục vận động, không uống nước đá, luôn súc miệng bằng nước muối buổi sáng và tối nhằm ngăn cho trẻ không bị viêm họng, sốt - một lý do rất dễ dẫn đến viêm phổi, phế quản. Thế nhưng, với cơ địa nhạy cảm với mọi mầm bệnh, hầu như cháu nào ở TT cũng đã có lần phải vào viện điều trị. Mỗi năm trung bình các mẹ đưa 20 - 30 lượt các con tới bác sĩ nhiều nhất là các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sẩn ngứa bội nhiễm, zona thần kinh. Mỗi lần đưa tụi trẻ đi khám bệnh lại là một lần họ hồi hộp, ngóng trông. Như lần bé Phạm Quang Phú đi BV. Bé quê ở Cà Mau, được một gia đình ở Hà Nội nhận nuôi, nhưng khi có xét nghiệm dương tính kèm theo bệnh tim bẩm sinh, họ đã mang lên gửi TT. Viện Tim mạch quốc gia Bạch Mai tư vấn bé 10kg thì mới tiến hành gây mê và mổ được. Nhưng Phú xanh xao, gầy yếu, các mẹ nuôi mãi vẫn chỉ được 5 - 6 kg. Sáng hôm ấy, Phú còn nằm chơi, đột nhiên đầu giờ chiều đã tím tái, nhợt nhạt. Các BS ở BV đa khoa Sơn Tây bóp bóng cho thở ôxy, hô hấp nhân tạo nhưng không hiệu quả nên chuyển xuống BV Nhi T.Ư, trên đường đi cũng tư vấn cho TT có thể phải chuẩn bị tình huống xấu nhất. Biết tin diễn biến của bé Phú, bà Minh đã đi mua quần áo và những vật dụng cần thiết chuẩn bị, các mẹ ở nhà cũng chuẩn bị cuốc xẻng - việc mà trước kia bà đã phải làm rất nhiều lần. Thế rồi, như có một điều kỳ diệu, sau 3 ngày được hồi sức tích cực tại BV Nhi T.Ư, Phú tỉnh táo dần, dù vẫn ăn hoàn toàn bằng ống sonde. Hơn một tháng sau, Phú đã dần hồng hào, khỏe mạnh và được các BS quyết định mổ tim cho ngay. Bốn, năm tháng đó, cậu bé lớn nhanh như chưa hề có xét nghiệm HIV hay cơn tím tái hôm nào; nặng 10,2kg khi tròn 1 tuổi. Đến bây giờ, các mẹ vẫn gọi Phú là thằng Cuốc xẻng vì kỷ niệm ấy. Phú cũng đang chờ xét nghiệm PCR để xem có thực sự nhiễm HIV hay chỉ là mang kháng thể từ mẹ truyền sang. Các mẹ vẫn hy vọng, với diễn biến sức khỏe như vậy, Phú không phải là trẻ nhiễm, cũng như nhiều em bé ở đây thoát được HIV sau khi xét nghiệm vào lúc 18 tháng. TT giáo dục lao động xã hội số 2 vốn là nơi tiếp nhận, điều trị cho những người nghiện ma túy hoặc người bán dâm có sử dụng ma túy. 100% các mẹ nuôi trực tiếp trẻ đều từng là học viên, sau thời gian cai nghiện 2 năm có nguyện vọng được ở lại, đồng thời phải là người yêu trẻ thì mới được xét vào làm mẹ nuôi. Hơn 20 mẹ hiện nay, có những người mới đến, nhưng cũng có những mẹ đã gắn bó với trẻ cả chục năm, như mẹ Nguyễn Thị Lập ở nhà Bí Nngô, mẹ Thúy ở nhà Hoa Mai Ban đầu, mẹ Lập muốn ở lại TT vì không muốn mình tránh cho mình những hoàn cảnh có thể đẩy mẹ vào tái nghiện. Nhưng giờ đây, mẹ đã 55 tuổi, đã có thông gia, có cháu ngoại, các con ruột của mẹ đều muốn mẹ về nhà. Nhưng mẹ Lập thật sự không muốn xa rời các con nuôi của mình, bởi mẹ đã quá gắn bó với tụi trẻ. Mẹ đã cùng thao thức với các con những ngày trẻ bị bệnh, vui khi các con về, thậm chí cùng tưới vườn rau, cùng chăm đàn gà với những đứa trẻ này. Chúng sinh ra đã không may mắn bị bệnh, lại được đưa đến đây, các mẹ, các cán bộ ở TT là người thân duy nhất của chúng. Chăm sóc những đứa bé mồ côi, nhiễm HIV không chỉ là một công việc xã hội có ích mà còn như một sự tu dưỡng tinh thần đối với các mẹ, giúp họ tránh được cám dỗ đã từng khiến họ một thời sa ngã. Và dù mai đây, khi có về cộng đồng, về với những gia đình riêng của mỗi người, họ sẽ không bao giờ quên những tháng ngày gắn bó và nuôi dưỡng, chăm sóc từ những sinh linh bé nhỏ, không may thành những con người trưởng thành, độc lập trong cuộc sống sau này.
Thu hoạch tôm tại gia đình anh Nguyễn Công Hoàng. Nuôi tôm "chui" trên cát trắng. Bao đơì nay, những bãi cát hoang dọc theo bờ biển như níu kéo cuộc sống bao khó khăn vất vả của ngươì dân bãi ngang huyện Nghi Xuân. Nhưng anh Nguyễn Công Hoàng không nghĩ như vâỵ. Sẵn có kỹ thuật về nuôi tôm, anh Hoàng tìm kiếm nguồn vốn và chọn vùng cát hoang ở xã Xuân Phổ để làm mô hình nuôi tôm trên cát. Giưã năm 2010, mặc dù lúc đó, Hà Tĩnh chưa có quy hoạch nuôi tôm trên cát, nhưng nhờ sự hỗ trợ của địa phương, anh Hoàng đã làm "chui" hơn 3 ha vơí số vốn bỏ ra 2,4 tỷ đồng. "Cát hoang hóa vàng", ngay trong vụ đâù tiên, mô hình nuôi tôm trên cát của anh đã cho năng suất 20 tấn/ha và làm nức lòng những ngươì quan tâm đến lĩnh vực này. Chỉ sau vụ tôm đâù tiên cho năng suất đột phá, anh Hoàng đã thu hôì đủ vốn. Không chỉ có vâỵ, anh Hoàng còn thí điểm nuôi tôm vụ ba, bằng việc che bạt, ủ ấm hồ tôm vào những ngày đông giá lạnh, cho kết quả khá khả quan. Tổng cộng, môĩ năm, anh Hoàng thu hoạch 40 - 45 tấn tôm. Mô hình này giải quyết việc làm cho hàng chục lao động vơí thu nhập năm triêụ đồng/tháng. Anh Hoàng cho biết: "Nuôi tôm công nghệ cao không chỉ mang lại hiêụ quả cao mà thật sự bền vững khi ngươì nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật". Vơí hình thức nuôi tôm khác, môĩ năm chỉ từ một đến hai vụ nhưng nuôi tôm trên cát thì quanh năm. Cứ thu hoạch vụ xong lại tiếp tục thả nuôi. Vì vâỵ, năng suất, sản lượng tôm hằng năm tăng lên, mang lại thu nhập cao cho ngươì tham gia. Không chỉ lo cho mình, anh Hoàng còn tư vấn về kỹ thuật giúp đỡ các mô hình nuôi tôm khác cùng phát triển. Hiện nay, anh Hoàng đang chuẩn bị mở rộng thêm 9 ha ngay trên vùng cát quê mình. Thành công của anh Hoàng đã khích lệ những ngươì có chí hướng làm giàu, dám đánh thức những vùng đất cát hoang này. Trong số này phải kể đến ông Bùi Tùng Phong, nguyên là Giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh, lại đang điêù trị bệnh, nhưng ông Phong và ba cổ đông khác đã được địa phương hỗ trợ, cấp hơn 6 ha đất cát cũng ở xã Xuân Đan để triển khai nuôi tôm. Nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật của anh Hoàng mà mô hình nuôi tôm của ông Phong phát triển khá tốt. Còn nhớ, hôm thu hoạch tôm "chạy" bão năm trước, mặc dù năng suất đã đạt hơn 10 tấn/ha/vụ, nhưng ông Phong cứ xuýt xoa: "Nêú không phải thu hoạch sớm để chạy bão, thì chí ít cũng sẽ cho năng suất 15 - 16 tấn/ha...". Để cát hoang "hóa vàng". Những ngươì xa quê, lâu lâu có dịp về quê mơí cảm nhận sự thay đôỉ dần dần nơi vùng biển ngang nghèo khó này. Giờ đây, những bãi cát hoang chói chang cát trắng, những nương sắn cằn cọc dọc bờ biển, đã được thay thế bằng những hồ nuôi tôm được lót bạt cẩn thận, những guồng nước, sục khí quay tít trông khá bắt mắt. Biến một số vùng đất cát từ hoang hóa bạc màu trở thành những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp trù phú cho doanh thu vài tỷ đồng/ha/năm. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Lê Đức Nhân cho biết: Tuy mơí phát triển mô hình nuôi tôm trên cát vơí diện tích còn rất khiêm tốn, vơí gần 50 ha mặt nước (và hiện có 100 ha đang kiến thiết cơ bản) nhưng sản lượng từ các mô hình này đã chiếm khoảng một phần bốn sản lượng tôm nuôi của tỉnh; trong số này, Nghi Xuân chiếm hơn 70% mô hình toàn tỉnh. Hiện, Hà Tĩnh đang gấp rút nhân rộng các mô hình này, phấn đâú đến năm 2015, Hà Tĩnh sẽ có khoảng 800 ha nuôi tôm trên cát, trong số đó, Nghi Xuân chiếm hơn một phần bốn diện tích. Không chỉ có vâỵ, Nghi Xuân đang hình thành vùng sản xuất tôm giống của cả tỉnh, khi một số doanh nghiệp và tư nhân đang đâù tư một số trại giống quy mô lớn. Đáng mừng, một số con em thành đạt ngươì Nghi Xuân đã trở về đâù tư vốn liếng cho gia đình để phát triển nuôi tôm trên cát ở các xã Cương Gián, Xuân Liên... Đây chính là cơ hôị để góp phần giải bài toán việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho huyện nghèo này. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh về đâù tư hạ tầng kỹ thuật, Nghi Xuân đã phát triển vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh trên diện tích quy hoạch 300 ha ở 4 xã dọc cuôí sông Lam. Giờ đây, ngươì dân cũng học kỹ thuật nuôi tôm trên cát, thông qua việc lót bạt hay vỗ bờ hồ nuôi bằng xi-măng. Cùng vơí giải pháp nuôi tôm quản canh cải tiến, các vùng nuôi này đã cho năng suất bình quân 5 - 7 tấn/ha. Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết thêm: "Nhằm đánh thức tiềm năng về nuôi trồng, Nghi Xuân đã hoàn thành quy hoạch các vùng nuôi tôm gắn vơí quy hoạch nông thôn mơí. Ngoài ra, địa phương còn tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp và những ngươì có điêù kiện đâù tư vào nuôi tôm, nhất là nuôi tôm trên cát". Đặc biệt, qua quá trình phát triển mô hình nuôi tôm trên cát ở Nghi Xuân đã giúp các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đúc kết được quy trình công nghệ nuôi, mô hình tổ chức quản lý sản xuất, quy mô hợp lý cho các vùng nuôi trồng thâm canh nhằm xác định quan điểm quy hoạch, định hướng, hoạch định chính sách, chỉ đạo phát triển một cách khoa học và thực tiễn trong thơì gian tơí. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đến việc phát triển nuôi tôm trên cát, đó là việc ngươì nuôi chưa chủ động được con giống. Họ buộc phải mua giống trôi nôỉ. Nên đã xảy ra tình trạng ở một số mô hình, tôm gần đến ngày thu hoạch, chết đồng loạt. Kế đến là việc vướng mắc mặt bằng. Một số ngươì dân (kể cả cán bộ) vin vào một số lý do chưa thật sự chính đáng để ngăn cản việc giải phóng mặt bằng hay giao đất, làm chậm tiến độ triển khai dự án nuôi tôm. Ngoài ra, ngươì nuôi tôm quan ngại về an ninh trật tự ở những khu vực triển khai mô hình. Dọc theo 60 km bờ biển và bờ sông, Nghi Xuân đang còn nhiêù vùng hoang hóa có thể phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Đây chính là tiềm năng lớn về phát triển mô hình nuôi tôm nói chung và nuôi tôm trên cát nói riêng. Tuy nhiên, vì những lý do đã nói ở trên mà mô hình nuôi tôm trên cát của Nghi Xuân phát triển chưa tương xứng vơí tiềm năng. Thiết nghĩ, Nghi Xuân cần tiếp tục kêu gọi, thu hút đâù tư vào lĩnh vực này. Và cần có giải pháp hiêụ quả, hỗ trợ nhà đâù tư trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, bảo đảm an ninh, trật tự... Ngoài ra, để phát triển mô hình nuôi tôm trên cát bền vững, ngoài những yêu câù bắt buộc về môi trường, huyện cần thiết kế các vùng nuôi tôm công nghệ cao, bảo đảm môi trường, kỹ thuật nằm sâu bên trong (cách bờ biển vài ba trăm mét); chung quanh các vùng nuôi này, nhất là mép ngoài, phía bờ biển cần hình thành các cánh rừng phi lao phòng hộ. Việc trồng rừng này nằm trong một phần của dự án, mà chủ đâù tư nuôi tôm phải đảm trách. Kế đến, Nghi Xuân cần có chủ trương chia những vùng đất cát (nằm trong quy hoạch nuôi tôm) cho ngươì dân địa phương, để họ có thể góp đất cổ phần vơí những đôí tác có điêù kiện kỹ thuật và vốn liếng để cùng nuôi tôm. Bài, ảnh: THÀNH CHÂU.
Trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do một số biến động kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, lượt khách tăng lên qua từng năm tại các công ty lữ hành và số liệu từ ngành du lịch Việt Nam cho thấy nhu cầu của du khách không giảm, trong khi nhiều lĩnh vực khác đang có dấu hiệu chựng lại do người tiêu dùng chủ động tiết giảm nhu cầu chi tiêu. Theo nhận định chung, tình hình thị trường du lịch năm nay vẫn tiếp tục sôi động và có một điều kiện thuận lợi là do người dân đã có kế hoạch du lịch từ rất sớm. Tăng giá tour 20% để đảm bảo chất lượng Theo đại diện của công ty du lịch Vietravel, với chính sách hoán đổi ngày làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành và cả người dân chủ động hơn khi tận dụng những ngày nghỉ của mình một cách hiệu quả nhất. Không chỉ dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương, đặc biệt là dịp 30/4 1/5 năm nay, nhiều công ty du lịch đã nhanh chóng tung ra các chương trình tour mới trong và ngoài nước. Theo ghi nhận của P/v VTC News, đến thời điểm hiện tại, một số công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam đã bắt đầu giới thiệu các tour mới đồng thời có chính sách giá cụ thể cho từng tour trong và ngoài nước trong khi các công ty du lịch nhỏ lẻ vẫn đang e dè lựa chọn thời điểm và mức giá nào cho dịp lễ 30/4 và 01/5 khi không thể tiên liệu trước tình hình biến động về giá của các dịch vụ đi kèm như hàng không, nhà hàng, khách sạn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty du lịch Vietravel cho biết: Việc tung sớm mức giá trong dịp 30/4 năm nay, công ty Vietravel không ngoài mục tiêu công bố mức giá chuẩn, nhằm tạo cơ hội để du khách có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ nghỉ của mình. Với mức giá tăng chỉ 10% 12%, con số trên chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 so với mức tăng của các dịch vụ khác nhưng chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận, sao cho du khách được tận hưởng đầy đủ một kỳ nghỉ với mức giá hợp lý nhất. Do tình hình biến động giá cả, để đảm bảo chất lượng, từ giữa tháng 3/2011, Fiditour có đợt điều chỉnh giá tăng từ 10 đến 15%. Tuy nhiên, đại diện của công ty này cho biết: Ngay trong tuần đầu triển khai bán, lượng khách đến tham khảo thông tin và đăng ký tour vẫn tấp nập chứng tỏ nhu cầu đi du lịch vẫn rất lớn trong dân. Trao đổi với VTC News, ông Đặng Trung Nghĩa, Phó TGĐ Fiditour chia sẻ: Nhu cầu khách hàng ngày càng đòi hỏi cao, vì vậy để giữ chân khách hàng trong thời điểm nhạy cảm này, chúng tôi liên tục nâng cao cả về chất lượng dịch vụ lẫn tuyến điểm, hầu hết các chương trình tour lễ năm nay, Fiditour đều thiết kế thêm những điểm mới, tạo sức hấp dẫn cho du khách. Như vậy, có thể nói, với tình hình biến động về giá cả như hiện nay, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện tăng chóng mặt, các công ty tour buộc phải tăng giá để đảm bảo chất lượng phục vụ nhất là khi lượng khách trong những ngày này sẽ tăng lên đột biến. Ông Đặng Trung Nghĩa, Phó TGĐ Fiditour dự đoán: Lượng khách đi du lịch dịp lễ tại công ty ông sẽ có khoảng 22 ngàn khách, tăng gần 30% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Vietravel cũng dự kiến, trong dịp 30/4 năm nay, lượng khách sẽ tăng khoảng 35% so với cùng kỳ. Cụ thể, Vietravel sẽ phục vụ khoảng 20.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó dự kiến tour nước ngoài sẽ phục vụ khoảng 12.000 lượt khách và trong nước khoảng 8000 lượt (chưa bao gồm khách đoàn từ các công ty, tập đoàn tham gia các tour MICE, teambuilding). Hiện tại, Vietravel cũng đang chào bán hơn 100 tour độc đáo và hấp dẫn từ tour ngắn ngày (3 - 4 ngày) đến tour dài ngày, từ hình thức tiết kiệm đến cao cấp phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Tại Hanoi Redtours, để đảm bảo sự hài lòng cho nhu cầu của du khách, dịch vụ đều đã được đặt chỗ từ trước với số lượng từ 15 20 chỗ cho 01 đoàn. Ông Nguyễn Công Hoan Phó Tổng GĐ Công ty CP Hanoi Redtours khẳng định: Chất lượng dịch vụ ngay cả trong thời kỳ cao điểm cũng được đảm bảo mặc dù các tour đi vào dịp 30/4 này đều rất đông. Đặc biệt, so với tour thông thường, mức ăn trong tour tăng 20%, khách sạn cũng được lựa chọn và nâng cấp hơn; tour 3 ngày 4 đêm, lịch khởi hành thuận tiện cho kỳ nghỉ ngắn ngày của du khách. Nhưng số lượng vé các tour chỉ có hạn, du khách hãy lên kế hoạch và đặt tour sớm để đảm bảo đặt được chỗ ưng ý nhất trong các dịp cao điểm. Đổi mới tour để cuốn hút du khách Đồng thời với việc điều chỉnh và công bố sớm mức giá, các công ty du lịch cũng đã chuẩn bị các dịch vụ tốt nhất và lên kế hoạch, đổi mới các chương trình tour để đáp ứng được nhu cầu của lượng khách lớn trong dịp nghỉ lễ này. Hướng tới đối tượng khách là nhân viên văn phòng, các công ty tổ chức cho nhân viên đi nghỉ dịp 30/4 & 1/5, Hanoi Redtours triển khai chùm tour nội địa cao cấp tới những thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng hiện đang được nhiều du khách yêu thích như Tour Sài Gòn Mũi Né (4 ngày/ 3 đêm, trọn gói 7.650.000 đồng); Tour Nha Trang- Diamond Bay Vinpearl (4 ngày/ 3 đêm, trọn gói 8.390.000 đồng); Tour Đà Nẵng Bà Nà - Hội An Lăng Cô (4 ngày/ 3 đêm, trọn gói 6.500.000 đồng). Thêm vào đó, ngày 30.4 năm nay, du lịch trong nước thêm phần sôi động bới 2 lễ hội cùng diễn ra tại dải đất miền Trung đúng dịp lễ đặc biệt này. Với hành trình tour Đà Nẵng- Bà Nà- Hội An Lăng Cô (4 ngày/ 3 đêm), khởi hành ngày 30/4, trọn gói 6.500.000 đồng tại Hanoi Redtours, ngay trong đêm đầu tiên tại Đà Nẵng, quý khách sẽ thưởng thức lễ hội trình diễn pháo hoa ngoạn mục bên bờ sông Hàn. Ngày tiếp theo, du khách khám phá khu đô thị cổ Hội An với nét kiến trúc cổ kính của nhà cổ Tấn Ký, hội quán Phúc Kiến, chùa cầu Nhật Bản, nhà thờ Tộc Trần, tắm biển tại bãi biển đẹp nhất thế giới tại Lăng Cô. Là điểm đến mới lạ trong hành trình di sản Miền Trung, năm nay Hanoi Redtours đưa Khu du lịch Bà Nà vào hành trình tour nhằm giúp du khách được cảm nhận một cõi thần tiên với thiên nhiên bốn mùa trong một ngày mà hiếm du khu lịch nào có được, tham quan vườn Tịnh Tâm, chùa Linh Ứng, Thích Ca Phật Đài tọa lạc ở vị trí cao nhất Việt Nam và đồi Nguyệt Vọng. Tại Vietravel, trong năm ngoái, công ty này đã tổ chức cho hơn 300 du khách tham gia lễ hội pháo hoa 2010, dự kiến năm nay con số sẽ đạt trên 500 lượt. Ngoài ra, du khách khi tới Đà Nẵng xem bắn pháo hoa có thể tham gia lễ hội làng nghề truyền thống với chủ đề Bếp Việt trong vườn Huế bắt đầu khai mạc từ tối 30.4 và bế mạc tối 3.5 với các hoạt động tôn vinh nghề ẩm thực và cây cảnh. Những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và thưởng thức các món ăn truyền thống từ nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt văn hóa ẩm thực Huế; Tham gia vào các hội thi nấu ăn, triển lãm ảnh, biểu diễn văn nghệ thời trang, nghệ thuật sắp đặtNhững người yêu thích thiên nhiên, cây cảnh cũng có dịp thưởng thức các triển lãm bonsai, cây cảnh từ khắp các miền đất nước. Chương trình Huế - Đà Nẵng Hội An Bà Nà 4 ngày tại Fiditour có giá 6.395.000 đồng. Đối với thị trường nước ngoài, khi nhiều du khách tỏ ra ái ngại khi tham gia tour Nhật Bản thì lễ hội hoa anh đào tại Hàn Quốc, Mỹ hay lễ hội hoa tulip tại Hà Lan, Canada đang là những tour nổi bật nhất của tháng 4. Bên cạnh đó, các tour tham dự lễ hội Tết Té nước đặc sắc tại Thái Lan và Campuchia cũng được nhiều du khách quan tâm. Theo đại diện của Fiditour, điểm nhấn của năm nay là chùm tour tận hưởng mùa thu bên kia bán cầu. Cuối tháng 4, tiết trời Sài Gòn vẫn còn nắng nóng thì phía Nam bán cầu đang vào độ giữa thu. Vì vậy, các điểm đến như Úc Châu, New Zealand có thể là lựa chọn lý tưởng cho chuyến du lịch ngắn ngày của bạn. Với giá trọn gói 58,99 triệu đồng cho hành trình 7 ngày, du khách sẽ bắt gặp sự đa dạng đến kỳ diệu của mùa thu nước Úc, từ những vườn nho, những ngôi làng, công viên và những cánh rừng ngập tràn sắc thu. Trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân, chăn lùa đàn gia súc trong các trang trại hay ngắm nhìn mùa thu như thực như mơ, khám khám phá nhiều điều mới mẻ kỳ lạ từ nền văn hóa Maori của người bản xứ New Zealand Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc đối ngoại của Fiditour tư vấn. Như vậy, tùy theo sở thích, nhu cầu và khả năng tài chính, du khách có thể lựa chọn các chương trình từ vài ba triệu đến vài chục triệu đồng với các điểm đến khắp châu lục. Phương Hạ.
Thực tiễn đổi mới, nhất là đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã xác nhận giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn của luận điểm mà Đảng ta nêu ra: "Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của đổi mới", là đặc trưng đồng thời thể hiện bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là yếu tố quan trọng, quyết định dẫn tới những thành công sau 30 năm đổi mới. Ảnh: Vũ Long. Những bước trong tư duy lý luận. Từ thành tựu dân chủ ở nước ta 30 năm qua, có thể nhận thấy những bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng về dân chủ, những kết quả tích cực trong thực hiện và thực hành dân chủ, từ các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể của hệ thống chính trị đến cộng đồng xã hội với hoạt động tham chính của người dân theo phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhìn lại thành tựu dân chủ trong 30 năm qua cũng là để nhận rõ những vấn đề đặt ra cần giải quyết để phát triển dân chủ đầy đủ, thực chất hơn, làm cho dân chủ thực sự là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới, thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ khóa XII: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ. Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để xây dựng nền dân chủ là một tư tưởng lớn được Đảng ta xác định ngay từ lúc mở đầu công cuộc đổi mới. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước theo vị trí và vai trò, chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cũng nhằm vào mục tiêu xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là quan điểm và phương thức đổi mới chính trị và hệ thống chính trị ở nước ta được thể hiện trong Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội khai sinh cho công cuộc đổi mới, đặt nền móng xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ và hệ thống chính trị là những khái niệm căn bản của khoa học chính trị được chính thức đề cập trong các văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới, lần đầu tiên được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI vào năm 1989, đặc biệt được trình bày có hệ thống về lý luận trong Cương lĩnh của Đảng năm 1991 (Đại hội VII) và năm 2011 (Đại hội XI) cũng như Tổng kết 30 năm đổi mới (2016). Đây là dấu mốc quan trọng về tư duy lý luận của Đảng trong lĩnh vực chính trị, hình thành khoa học chính trị ở nước ta trong bối cảnh đổi mới, kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Trước đổi mới, tại Đại hội IV (năm 1976) và Đại hội V (năm 1981), vấn đề dân chủ và hệ thống chính trị được đề cập trong các khái niệm Làm chủ tập thể và Chế độ làm chủ tập thể, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Vào lúc đó, chúng ta gọi đây là cơ chế làm chủ tập thể. Nhà nước được xác định là Nhà nước chuyên chính vô sản. Chỉ từ Đại hội VI trở đi, trong tiến trình đổi mới, với những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn và trải qua hoạt động thực tiễn, nhất là khi đi vào kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập dần từng bước, Đảng ta đã định hình trong tư duy lý luận của mình về dân chủ, hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Đây là một trong những mối quan hệ lớn, có tính quy luật của đổi mới để phát triển ở nước ta. Cũng từ thực tiễn đổi mới, Nhà nước - bộ phận nòng cốt, rường cột của hệ thống chính trị, được Đảng ta xác định là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không phải là sự thay đổi hình thức diễn đạt các khái niệm mà là sự biểu đạt nhận thức mới, hình thành quan niệm mới, thể hiện tư duy lý luận mới của Đảng ta với tư cách một Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền. Trong những khái niệm mới nêu trên, một mặt, Đảng ta thấm nhuần và nhất quán với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những chỉ dẫn của Người về dân chủ và thực hành dân chủ, mặt khác, bám sát những biến đổi của thực tiễn trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là nhận thức rõ đặc điểm nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mới: Kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chính xác hóa tư duy lý luận và rộng hơn là khoa học hóa, dân chủ hóa để hiện đại hóa sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đó là một trong những bảo đảm cần thiết cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Và thực tiễn. Đảng và nhân dân ta đã và đang nỗ lực thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, khẳng định dân là chủ và dân làm chủ. Đó vừa là địa vị của dân trong một xã hội dân chủ vừa là quyền và nghĩa vụ của công dân trong nhà nước pháp quyền. Người chỉ rõ, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Người còn nhấn mạnh, bao nhiêu lợi ích phải thuộc về dân, bao nhiêu quyền cũng là của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, ở trong dân. Cho nên, để thực hiện dân chủ thì cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải là công bộc tận tụy và đầy tớ trung thành của dân, nêu cao tinh thần và trách nhiệm phục vụ nhân dân. Xét về mặt chính thể và thể chế thì bản chất quyền lực nhân dân của dân chủ là thực hiện chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước. Phải dùng pháp luật tôn nghiêm, kỷ luật kỷ cương nền nếp và chặt chẽ để thực hiện dân chủ đầy đủ, thực chất, không để xảy ra những biến dạng hoặc tha hóa quyền lực, mà biểu hiện rõ nhất là dân chủ biến thành quan chủ, làm công bộc đầy tớ của dân mà lại lên mặt quan cách mạng như Bác Hồ đã phê phán. Trong thực tế, quan liêu, tham nhũng, xa dân, vô trách nhiệm với dân, thậm chí vô cảm trước nỗi khổ, sự oan ức của dân đều là đối lập với dân chủ, xa lạ với bản chất đích thực của dân chủ. Vi phạm dân chủ và dân chủ hình thức cũng vậy, nó đều làm tổn hại tới giá trị thực tế của dân chủ với những biểu hiện của quan liêu: Xa dân, không tin dân, ghét dân, khinh dân, cửa quyền, hách dịch, thậm chí còn lợi dụng và lạm dụng chức quyền để trục lợi, vụ lợi, tham ô, tham nhũng, gây hại tới dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Nhận thức đúng vai trò của dân, của dân chủ gắn liền với pháp luật để xây dựng văn hóa trọng dân và trọng pháp. Do đó, thành tựu về nhận thức lý luận và chuyển biến tích cực bước đầu trong thực tiễn về dân chủ là chú trọng đề cao pháp luật, trau dồi đạo đức công vụ ở các cơ quan công quyền, trong ứng xử hằng ngày với dân, từ Đảng đến Nhà nước và các đoàn thể. Như vậy đủ hiểu vì sao, Hồ Chí Minh gắn chặt Dân với Dân chủ, Dân chủ với Dân vận, với Đại đoàn kết dân tộc để mọi người, mọi việc, mọi tổ chức đều vì dân, đều phải đặt công việc phục vụ dân lên hàng đầu, tất cả phải dĩ công vi thượng, phải quang minh chính đại, phải đủ bốn đức làm người - cần kiệm liêm chính, phải suốt đời thi hành một nền chính trị liêm khiết, thanh khiết, từ trên xuống, từ dưới lên. Coi dân chủ như một giá trị tài sản, nó như tư liệu sản xuất của chính trị mà người dân, công dân của Nhà nước pháp quyền đóng vai trò chủ sở hữu dân chủ, nên Hồ Chí Minh chỉ rõ, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân và thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc, vượt qua mọi khó khăn. Người đã nhận ra vai trò động lực của dân chủ ngay từ những ngày đầu xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 - một dấu ấn đặc sắc về dân chủ - pháp quyền trong lịch sử lập Chính và lập Hiến của nước ta. Đến Đại hội XII, khi tổng kết 30 năm đổi mới, dân chủ đã được xác định là một trong những động lực hàng đầu trong hệ thống các động lực phát triển ở nước ta trong đổi mới, phát triển và hiện đại hóa. (Còn nữa). Đừng coi tự ứng cử ĐBQH là 'phép thử xem dân chủ đến đâu'. Ông Nguyễn Văn Pha: Người tự ứng cử phải thực sự nghiêm túc chứ không phải chỉ để thử xem dân chủ đến đâu. Nếu chỉ có ý định làm một phép thử thì không nên tự ứng cử. GS.TS Hoàng Chí Bảo Hội đồng Lý luận Trung ương.
TMP: PE xấp xỉ trung bình ngành. CTCK Maybank KimEng (MBKE). CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) ghi nhận tăng trưởng cao trong quý I với doanh thu tăng 22,0% cùng kỳ đạt 96,8 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 120,9% cùng kỳ, đạt 19,5 tỷ đồng. So với năm 2013 khá khó khăn đối với các công ty thủy điện, tình hình thủy văn năm nay được dự báo sẽ thuận lợi hơn. Nhờ đó, sản lượng điện trong quý I của TMP đã tăng 10,6% cùng kỳ đạt 156 triệu kWh. Đồng thời, giá bán điện trong quý ước tính tăng khoảng 12% cùng kỳ do TMP bắt đầu tham gia thị trường điện cạnh tranh từ quý II/2013. Doanh thu tăng 22% cùng kỳ, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh chỉ tăng 12,6% cùng kỳ, giúp lợi nhuận hoạt động tăng 45,9% cùng kỳ, đạt 32,5 tỷ đồng và lợi nhuận biên hoạt động cải thiện đáng kể lên 33,6% so với 28,1% trong quý 1/2013. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm 30% cùng kỳ do nợ vay giảm 17,8% cùng kỳ cũng giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng 120,9% cùng kỳ. TMP sẽ tổ chức Đại hội cổ đông 2014 vào ngày 6/6/2014 sắp tới, trong đó dự kiến sẽ trình và thông qua một số nội dung: Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 với sản lượng điện 741 triệu kWh, doanh thu 386,38 tỷ và lợi nhuận sau thuế 69,75 tỷ. Đây là kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ, chưa tính đến công ty con là CTCP Thủy điện Đakrơsa (công suất 9,9MW ở Gia Lai) mà TMP nắm giữ 61,52%. Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 của công ty mẹ vẫn dựa vào giá bán điện tạm tính bằng giá 2013 do chưa có giá điện cho năm 2014. Dự kiến trả cổ tức 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mệnh giá (2.000 đồng/cổphiếu). Trong năm 2014, TMP sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Thác Mơ mở rộng với công suất 75MW vào quý 2 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Ngoài ra, TMP sẽ góp thêm 10 tỷ đồng vào CTCP Mỹ Hưng Tây Nguyên (công ty con mà TMP nắm giữ 99,92% cổ phần) để tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Đại Nga (tỉnh Lâm Đồng) với công suất 10MW, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Theo chúng tôi, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 của TMP như vậy là khá thận trọng và có thể do giá bán điện 2014 vẫn chưa phê duyệt. Trong quý I/2014, công ty mẹ đã ghi nhận doanh thu 85,5 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 17,8 tỷ đồng, đạt hơn 20% kế hoạch dự kiến trong khi theo chu kỳ sản xuất của công ty, quý 1 thường là quý có KQKD thấp nhất với lợi nhuận ròng quý 1 thường đóng góp ít hơn 10% vào lợi nhuận ròng cả năm. Về kế hoạch trả cổ tức, tỷ đồng lệ 20% là cao hơn so với các năm trước, nếu được thông qua thì tỷ đồng suất cổ tức sẽ đạt 10,3%, là mức cao trên thị trường. Cổ phiếu TMP giao dịch với PE 8,7x, xấp xỉ P/E trung bình ngành 8,5x. SAM: Khuyến nghị THEO DÕI. CTCK Vietcombank (VCBS). Doanh thu thuần năm 2013 đạt 994 tỷ đồng (+11 so với năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 120 tỷ đồng (+14% so với năm trước). Mặc dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng khá tốt, SAM đã không hoàn thành kế hoạch năm: doanh thu chỉ đạt 95% trong khi lợi nhuận đạt 85% kế hoạch. ĐHĐCĐ năm 2014 đã thông qua kế hoạch doanh thu 1.243 tỷ đồng (+25% so với năm trước) trong đó, doanh thu từ mảng dây và cáp dự kiến đạt 1.044 tỷ đồng (+4,4% so với năm trước), chiếm 84% tổng doanh thu, mảng bất động sản là 155 tỷ đồng (+168% so với năm trước), mảng hoạt động tài chính là 38 tỷ đồng (-8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng (tương đương năm 2013) với lợi nhuận đóng góp từ mảng dây và cáp là 80 tỷ đồng (+26% so với năm trước), mảng bất động sản là 7 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 8,6 tỷ đồng) và mảng hoạt động tài chính đạt 48 tỷ đồng (-40% so với năm trước). Doanh thu hợp nhất quý I/2014 đạt 352 tỷ đồng (+64% so với cùng kỳ) với sự tăng trưởng mạnh ở mảng kinh doanh dây và cáp. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 14 tỷ đồng (-56 so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,6% xuống còn 9,4% và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính giảm mạnh từ 40 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng. Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2014 của SAM sẽ đạt 1.243 tỷ đồng bằng kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng (-14% so với cùng kỳ năm trước). Có thể thấy rằng chỉ tiêu kinh doanh của SAM trong năm 2014 được đưa ra khá thận trọng với mức lợi nhuận được duy trì tương đương năm 2013, tuy nhiên đây vẫn là mục tiêu khá thách thức. Ngoài mảng dây và cáp được kỳ vọng tăng trưởng tốt, lợi nhuận từ mảng hoạt động tài chính (đóng góp gần 50% lợi nhuận trong năm 2013) sẽ sụt giảm mạnh khi SAM đã bán phần lớn danh mục đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập dự phòng tài chính cũng sẽ giảm mạnh; trong khi đó, mảng bất động sản vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc khi năm 2013 chỉ hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và lỗ 8,6 tỷ đồng. Các dự án bất động sản hiện đã chiếm 60% tổng tài sản của Công ty nhưng vẫn ở cấp độ tiềm năng, chưa có nhiều đột phá trong năm nay. Điểm tích cực là Công ty có nguồn vốn chủ lớn và ít sử dụng nợ nên sẽ không chịu nhiều áp lực lãi vay dù các dự án chiến lược vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Với lợi nhuận trước thuế năm 2014 theo ước tính của chúng tôi sẽ vào khoảng 125,8 tỷ đồng, thuế suất trung bình trong 2 năm gần nhất là 18%, như vậy lãi ròng năm 2014 sẽ đạt khoảng 103,2 tỷ đồng (giảm 14% so với năm 2013), EPS tương ứng đạt 789 đồng/cp, P/E forward đạt 11 lần, đây là mức P/E không quá cao. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh chưa có nhiều đột biến, thậm chí có thể suy giảm so với năm 2013, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu SAM. >> Tải báo cáo. HT1: Khuyến nghị Nắm Giữ. CTCK BIDV (BSC). Ngành xi măng luôn bị đánh giá tiêu cực do cung vượt cầu trong 3 năm qua, nhưng đã có những cải thiện đầu tiên. Tổng công suất sản xuất toàn ngành năm 2013 đạt 73 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ xi măng ước đạt 61 triệu tấn. Quý I/2014 tiêu thụ xi măng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Xuất khẩu tăng mạnh để cân bằng cung cầu - với giá xuất khẩu hiện tại vẫn mang lại lợi nhuận cho các công ty xi măng. Giá xi măng VICEM được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014. Động lực tăng giá đến từ việc VICEM phải cổ phần hóa trước năm 2016. Trong khi việc tăng giá sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh của VICEM. Đồng thời CPI đang ở mức thấp nhất trong 13 năm, cùng với tiêu thụ phục hồi, sẽ thuận lợi cho việc giá xi măng tăng trong năm 2014. CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) là công ty xi măng lớn nhất và có hoạt động kinh doanh cốt lõi khá tốt. Với công suất 6,8 triệu tấn xi măng/năm và sản lượng tiêu thụ 5,2 triệu tấn năm 2013, HT1 là công ty lớn nhất trong ngành xi măng, chiếm 8,05 thị phần xi măng cả nước. Hai động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của HT1 là tăng trưởng sản lượng và tăng giá xi măng. Với mức sản xuất hiện tại chỉ bằng 70% công suất thì khi cầu xi măng tăng, lượng tiêu thụ của HT1 sẽ tăng mạnh và mang lại doanh thu rất lớn cho công ty. Doanh thu của công ty tăng trưởng bình quân 20% trong 5 năm qua. Hoạt động kinh doanh cốt lõi khá tốt với biên lợi nhuận đạt khoảng 16% tạo ra dòng lợi nhuận lớn và ổn định cho công ty. Rủi ro lớn nhất đến từ vay nợ chi phí tài chính lớn làm cho lợi nhuận ròng thấp. Do vay nợ nhiều và một phần lớn vay nợ bằng ngoại tệ, nên Công ty đang phải gánh chịu chi phí lãi vay lớn và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng năm. Phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính dùng để trả chi phí tài chính nên lợi nhuận ròng ở mức rất thấp. Năm 2013, lợi nhuận hoạt động đạt 1014 tỷ trong khi chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá là 1057 tỷ, lợi nhuận ròng chỉ đạt 2,5 tỷ đồng. HT1 là doanh nghiệp lớn nhất ngành xi măng, và đang có cơ hội phục hồi khi triển vọng chung của ngành đang được cải thiện. Chúng tôi khuyến, nghị nắm giữ cổ phiếu HT1 với giá kỳ vọng trong 12 tháng tới là 11.763 đồng. >> Tải báo cáo. TL.
Real hành quân tới sân của Sevilla với quyết tâm giành trọn 3 điểm nhằm quên đi thất bại 3-4 trước Barca ở trận El Clasico hồi cuối tuần trước. Quyết tâm đó được HLV Ancelotti cụ thể hóa bằng việc tung bộ ba nguyên tử Bale Benzema Cris Ronaldo ra sân từ đầu (Ở trận lượt đi, CR7 lập hat-trick, Bale và Benzema mỗi người lập cú đúp đem lại chiến thắng 7-3 cho Real). Video Real bất ngờ thúc thủ 1-2 trước Sevilla Dù có bàn thắng vươn lên dẫn trước khá sớm song Real vẫn phải rời sân trong cảnh trắng tay khi để thua Sevilla với tỷ số chung cuộc 1-2. Sau 14 phút thi đấu, Ronaldo giúp Real vươn lên dẫn trước với cú đá phạt đẳng cấp. Tuy nhiên, chỉ sau 5 phút, Bacca đã đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát. Bàn thắng của Bacca đã đem lại sự tự tin cực lớn cho Sevilla. Theo đó, các cầu thủ chủ nhà không chỉ khóa chặt các họng súng của Los Blancos mà còn tung ra những pha phản đòn mỗi khi có cơ hội. Phút 72, Bacca đã tận dụng sự nôn nóng của Real để nâng tỷ số lên 2-1 cho Sevilla. Trong khoảng thời gian còn lại, Kền kền trắng không ngừng dồn ép nhằm tìm kiếm bàn gỡ hòa nhưng bất thành. Chung cuộc, đoàn quân của HLV Carlo Ancelotti chấp nhận rời Sanchez Pejuan với cảnh trắng tay. Thất bại này khiến Real tụt xuống vị trí thứ 3 trên BXH sau 30 vòng đấu, kém Atletico 3 điểm và Barca 2 điểm. 27/03 04:00 Sevilla - Real Madrid. Hết giờ! Đúng lúc này trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu giữa Sevilla và Real Madrid. Chung cuộc, Ronaldo và đồng đội rời sân với thất bại 1-2. Nỗi thất vọng của một CĐV Real. Ảnh: Twitter Real Madrid. 90'+1: Cú ra chân rất nhanh của Benzema nhưng không thành công. 90': Không phải Ronaldo, Bale mới là người sút phạt. Tuy nhiên, pha dứt điểm của siêu sao người xứ Wales đã đưa bóng đi vọt xà ngang khung thành của Sevilla. 90': Real được hưởng quả đá phạt chếch bên phía cánh phải. Đây là vị trí thuận lợi dành cho một chuyên gia sút phạt như Ronaldo. 87': Cú sút của Marcelo đưa bóng đi chệch cột dọc của Sevilla. HLV Ancelotti vẫn tỏ ra khá bình tĩnh khi chứng kiến bàn thua thứ 2 của Real. Ảnh: Twitter Real Madrid. 85': Cú sút xa không chính xác của Xabi Alonso. Pha lốp bóng kỹ thuật của Rakitic. Bảng xếp hạng vòng 30 La Liga tính đến thời điểm này. Ảnh: Twitter Real Madrid. 79': Rakitic lốp bóng kỹ thuật nhưng không thành công. Video Bàn nâng tỷ số lên 2-1 của Bacca vào lưới Real Bacca đã đánh bại Lopez để hoàn tất cú đúp cho riêng mình. Tỉ lệ hai trận Real và Atletico. 73': Ngay sau đó Ronaldo đã có câu trả lời. Rất tiếc siêu sao người Bồ Đào Nha lại dứt điểm không hạ gục được thủ thành Beto. 72': Sau một pha phản công nhanh, Rakitic chuyền bóng để Bacca thoát xuống đánh bại Lopez ở thế đối mặt. Tỷ số được nâng lên 2-1 cho Real. 70': Rakitic đã ngã trong vòng cấm của Real nhưng trọng tài không cho Sevilla hưởng qua penalty. 69': Cú sút bên ngoài vòng cấm của Xabi Alonso đưa bóng đi quá bổng so với khung thành Sevilla. Ở trận đấu cùng giờ, Diego Costa đã khai thông thế bế tắc cho Atletico ở phút 63. Theo đó, đội chủ sân Vicente Canderon đang dẫn đầu BXH với 1 điểm nhiều hơn Barca và hơn Real 3 điểm. Hình ảnh sân Sanchez Pijuan trong cuộc tiếp đón Real. Ảnh: Twitter Sevilla. 63': Hàng phòng ngự của Sevilla đang phong tỏa cực tốt bộ ba nguyên tử Bale - Benzema - Cris Ronaldo của Real Madrid. Lượt đi, Rakitic lập cú đúp vào lưới Lopez, bàn còn lại thuộc về Bacca - người gỡ hòa 1-1 cho Sevilla ở trận này. Ảnh: Getty Images. 59': Pha dứt điểm của Rakitic đưa bóng đập chân một cầu thủ khách. 56': Đường chuyền của Marcelo cho Ronaldo đã bị một hậu vệ Sevilla chặn lại. 53': Real đang gia tăng sức ép nhưng họ chưa thể xuyên thủng được hàng phòng ngự chắc chắn của Sevilla. Cú sút rất nguy hiểm của Bacca ở phút 48. Một fan Real khoe vỏ điện thoại độc có in hình số áo của Gareth Bale. Ảnh: Twitter Real. 48': Cú sút rất nhanh của Bacca nhưng bóng lại đi vọt xà ngang khung thành của Diego Lopez. Hiệp 2 trận đấu giữa Sevilla và Real bắt đầu. Tỉ lệ hiệp 2. Ở trận đấu vừa khép lại không lâu, Barca dễ dàng đè bẹp Celta Vigo với tỷ số 3-0 nhờ cú đúp của Neymar và 1 bàn của Messi. Barcelona 3-0 Celta Vigo: Song sát Neymar - Messi tỏa sáng Cú đúp của Neymar cùng pha lập công của Messi giúp Barca dễ dàng đánh bại Celta Vigo, tiếp tục duy trì cuộc đua tới ngôi vô địch cùng Real và Atletico. Hiện tại CR7 đang đứng thứ 2 trong danh sách Vua dội bom tại châu Âu mùa này với 27 pha lập công. Tiền đạo Luis Suarez của Liverpool đang dẫn đầu với 28 lần sút tung lưới đối phương. Niềm vui của các cầu thủ Real sau bàn mở tỷ số của Ronaldo. Ảnh: Getty Images. Kết thúc 45 phút đầu tiên, Atletico vẫn đang bị đối thủ dưới cơ Granada cầm hòa trên sân nhà với tỷ số 0-0. Điều này đồng nghĩa Barca vẫn đang là đội dẫn đầu BXH La Liga với 2 điểm nhiều hơn Real và Atletico. Thống kê hiệp 1. Ảnh: Whoscored. Hiệp 1 trận đấu giữa Sevilla và Real kết thúc với tỷ số tạm thời là 1-1. Ở trận lượt đi, Bale lập cú đúp, giúp Real đè bẹp Sevilla 7-3. Ảnh: Twitter Real. 43': Bale thâm nhập vòng cấm rất nhanh. Tuy vậy, cú sút ở góc hẹp của anh lại không loại bỏ được thủ thành Beto. Cú sút rất hiểm của Ronaldo nhưng không hạ được Beto. 39': Cú ra chân rất nhanh của Ronaldo nhưng tiền đạo Real lại không thắng được phản xạ xuất thần của thủ thành Beto. Hình ảnh sút phạt quen thuộc của Ronaldo. Ảnh: Getty Images. 34': Pha hãm thành của Ronaldo nhưng trọng tài đã bắt lỗi việt vị với siêu sao người Tây Ban Nha. Tỉ lệ sau 33 phút thi đấu. Bảng xếp hạng La Liga tính đến thời điểm này. 29': Cú sút xa rất nguy hiểm của Illarramendi. Rất tiếc bóng đi chệch cột dọc khung thành của Sevilla. Reyes sút đưa bóng đi chệch cột dọc khung thành Sevilla. Trong quá khứ, Reyes từng thi đấu cho Real vào mùa 2006/07 theo diện cho mượn từ Arsenal. Sau 36 lần ra sân tại La Liga, tiền đạo người Tây Ban Nha ghi vỏn vẹn 6 bàn cho Kền kền trắng. 25': Suýt chút nữa Antonio Reyes chọc thủng lưới đội bóng cũ Real. Video Tình huống gỡ hòa 1-1 của Bacca vào lưới Real Ít phút sau bàn mở tỷ số của Ronaldo, Bacca đã khai hỏa gỡ hòa cho Real. 19': Ít phút sau bàn mở tỷ số của Ronaldo, Bacca đã khai hỏa đem về bàn gỡ hòa 1-1 cho Sevilla. Video Bàn mở tỷ số của CR7 vào lưới Sevilla Ronaldo đã không cho thủ thành Beto cơ hội cản phá. 14': Cú sút phạt của Cris Ronaldo đưa bóng đập vào hàng rào chắn của Sevilla và đối hướng khiến Beto phải bó tay. Tỷ số là 1-0 cho Real. Hai pha dứt điểm liên tiếp của Benzema. Nếu thắng trong trận đấu này, Real sẽ có lần thứ 11 khải hoàn khi viếng thăm sân của Sevilla. 11': Thêm một pha dứt điểm nữa cho Real. Rất tiếc hai pha dứt điểm liên tiếp của Benzema lại đi chệch cột dọc khung thành Sevilla. Tỉ lệ trận đấu. 6': Cú sút góc hẹp của Benzema đã bị thủ thành Beto của Sevilla chặn đứng. Cú sút rất nguy hiểm của Bale nhưng không thành công. Sevilla là một trong những đối thủ ưa thích của Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha từng sút tung lưới đối thủ này tới 15 lần tại La Liga. Ảnh: Twitter Real. Trong tình huống này, Cris Ronaldo có vẻ không hài lòng với Bale. Bởi nếu cựu sao Tottenham chuyền cho CR7 thì cơ hội ăn bàn cho Real sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. 3': Cú sút rất căng của Bale ngay sát vòng cấm đưa bóng đi vọt xà ngang khung thành của Sevilla. Hiệp 1 trận đấu giữa Sevilla và Real bắt đầu. BBC sẵn sàng khai hỏa vào lưới Sevilla. Ảnh: Getty Images. Trong chuyến làm khách trên sân Sevilla đêm nay, HLV Ancelotti tung ra Bale - Benzema - Cris Ronaldo ra sân từ đầu. Đây là bộ ba nguyên tử được đánh giá nguy hiểm bậc nhất châu Âu. BBC - bộ ba nguyên tử đáng sợ nhất châu Âu Châu Âu đang rung chuyển bởi sức tàn phá của các bộ ba sát thủ. Ở Ngoại hạng Anh có SSS của Liverpool, thì tại La Liga, BBC đang làm mưa làm gió. Thành tích đối đầu giữa Sevilla và Real. Ảnh: Bongdaplus. Nếu không muốn bị Barca qua mặt trong cuộc đua tới ngôi vô địch, Real buộc phải đánh bại Sevilla trong trận đấu đêm nay. Sevilla - Real: Bản lĩnh Kền kền trắng Real Madrid cần phải nhanh chóng quên đi nỗi buồn từ thất bại tại El Clasico. Nếu thể hiện được bản lĩnh và vượt qua Sevilla đêm nay, mọi chuyện sẽ trở lại đường ray. Ở loạt trận sớm vòng 30, Barca gần như chắc chắn có trong tay 3 điểm trước Celta Vigo khi dẫn trước 3-0 tính đến phút 81. Với kết quả này, đội bóng của Messi tạm vươn lên ngôi vị số 1 với 2 điểm nhiều hơn Real và Atletico. Barcelona 3-0 Celta Vigo: Song sát Neymar - Messi tỏa sáng Cú đúp của Neymar cùng pha lập công của Messi giúp Barca dễ dàng đánh bại Celta Vigo, tiếp tục duy trì cuộc đua tới ngôi vô địch cùng Real và Atletico. Ở vòng đấu trước, Real đã để thua trước Barca trong trận El Clasico. Ở trận đấu đó, Benzema là người lập cú đúp, bàn còn lại được Ronaldo thực hiện trên chấm phạt đền trong hiệp 2. Real 3-4 Barca: Siêu kinh điển, siêu kịch tính Real tưởng chừng có màn lội ngược dòng khi dẫn lại Barca 3-2 nhờ bàn thắng của Ronaldo, song chiếc thẻ đỏ của Ramos và 2 quả penalty liên tiếp cho Barca đã làm thay đổi cục diện. Đội hình thi đấu: Tiểu Minh.
Pháo binh ta đồng loạt tiến công quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. Cuộc kéo pháo bằng tay bắt đầu từ tối 15-1-1954, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ công binh và bộ binh ta đã hoàn thành một con đường rộng 3,5 m, dài gần 15 km, bắt đầu từ cửa rừng bản Nà Nhạn bên đường 41, xuyên rừng rậm, vượt núi cao, qua đỉnh Pu Pha Sông cao ngất, rồi đổ xuống vực Nậm Kho Hu sâu thẳm, vươn tới bắc Bản Tấu trên đường Điện Biên - Lai Châu. Chủ trương kéo pháo bằng tay nằm trong kế hoạch tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Trần Đình - mật danh Điện Biên Phủ (ĐBP) trong ba đêm, hai ngày. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường từ Việt Bắc ngày 5-1 đến ngày 12-1-1954 mới tới Sở Chỉ huy lâm thời ở hang Thẩm Púa. Sau khi nghe Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo kế hoạch, Đại tướng cảm thấy vô cùng phân vân, vì nó hoàn toàn khác với suy tính của Đại tướng trước đó. Trong bản báo cáo ngày 6-12-1953 gửi Bộ Chính trị, Đại tướng ước tính thời gian tác chiến ở ĐBP phải mất khoảng 45 ngày, chưa kể thời gian tập trung bộ đội và thời gian làm công tác chuẩn bị. Nhưng vì vừa mới đến, chưa có đủ yếu tố để bác bỏ phương án đã chọn của bộ phận đi trước, của tập thể Đảng ủy Mặt trận (gồm các đồng chí Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Cung cấp), có sự tham gia ý kiến của đoàn cố vấn Trung Quốc, do đồng chí Mai Gia Sinh làm phó đoàn, cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chấp thuận kế hoạch "đánh nhanh, giải quyết nhanh", trong đó có việc làm con đường xuyên rừng 15 km và cuộc kéo pháo bằng tay vào các trận địa hướng bắc. Tất cả các đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ đều quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để nhanh chóng đưa pháo vào trận địa. Nhưng một đêm rồi hai đêm, cho đến đêm thứ 10, thay vì ba đêm theo kế hoạch, chỉ có hai đại đội lựu pháo 105 ly và hai đại đội cao pháo 37 ly (một phần ba lực lượng) vào được đến nơi, nép mình trong những công sự dã chiến, 16 khẩu pháo còn lại, gồm tám khẩu 37 ly và tám khẩu 105 ly vẫn còn đang nằm rải rác trên đường kéo pháo. Chiều hôm ấy, 25-1-1954, toàn mặt trận sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Bỗng như sét đánh ngang tai, một mệnh lệnh được ban xuống từ Sở Chỉ huy mặt trận: "Hoãn tiến công! Kéo pháo ra, về vị trí cũ! Kéo pháo ra. Trưa ngày 26-1-1954, tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn pháo cao xạ 383, thực chất là một cái bàn nhỏ, kê tạm bên một gốc cây ven rừng, trên đặt một máy điện thoại tay quay và một cuốn sổ ghi điện. Tôi đang làm nhiệm vụ trực ban (hồi ấy tôi là sĩ quan tham mưu tiểu đoàn) bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Nhấc máy, tôi nghe giọng nói quen thuộc của anh Bích, Trung đoàn phó Trung đoàn pháo cao xạ 367, phụ trách chỉ huy lực lượng tiền phương trung đoàn: - A lô! Tôi Bích đây! Cho tôi gặp đồng chí Thành (Thành là bí danh của Tham mưu trưởng Mặt trận Hoàng Văn Thái) - Báo cáo anh Thành, tôi Bích đây ạ! -anh Bích chú ý! Có lệnh hoãn cuộc tiến công. Cho kéo pháo về vị trí cũ. Lệnh này phải được chấp hành như một mệnh lệnh chiến đấu... Tin đột ngột ấy được truyền nhanh xuống tận chiến sĩ, gây nên một cú choáng trong đơn vị chúng tôi. Nhiều anh em yên lặng, thẫn thờ. Cũng có người bộc trực nói thẳng: "Biết bao gian khổ mới đưa pháo được đến đây. Thế mà bây giờ lại không đánh nữa, kéo pháo ra"... Tuy nhiên, điều kỳ diệu sau đó đã diễn ra trên đường kéo pháo. Các bí thư họp ngay chi bộ Đảng bàn cách lãnh đạo, sau đó phổ biến cấp tốc kế hoạch cho cán bộ, chiến sĩ. Lòng tin tuyệt đối vào cấp trên, kỷ luật tự giác của đội quân cách mạng đã thắng. Tất cả mọi vướng mắc tạm dẹp sang một bên. Đơn vị triển khai ngay công tác chuẩn bị... Tất cả 48 khẩu pháo nhất loạt quay đầu. Đơn vị nào vào sau thì ra trước. Đơn vị vào trước thì ra sau. Tờ mờ sáng 6-2-1954 (mồng 4 Tết Giáp Ngọ), tại khu rừng thưa gần Km 62 đường Tuần Giáo - Điện Biên, đông đảo cán bộ hai Trung đoàn Tất Thắng (Trung đoàn 45) và Hương Thủy (Trung đoàn 367) vui mừng đón Đại tướng, Tổng Tư lệnh đến thăm. Đại tướng nhiệt liệt khen ngợi đơn vị công binh, pháo binh, bộ binh đã bảo vệ an toàn, nguyên vẹn 24 khẩu lựu pháo và 24 khẩu cao pháo, tài sản quý giá của quân đội ta. Về lý do tại sao phải kéo pháo ra, Đại tướng giải thích ngắn gọn, đó là để tiếp tục chuẩn bị lại cho đầy đủ hơn, bảo đảm đánh chắc thắng. Sau khi chuyển lời chúc Tết của Bác Hồ, của T.Ư Đảng, Chính phủ đến cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng căn dặn: "Các đồng chí phải tiếp tục giữ bí mật binh chủng đến cùng, phải hết sức tiết kiệm đạn, phải đoàn kết hợp đồng với đơn vị bạn thật tốt, cán bộ phải thương yêu chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với anh em"... Mọi người lắng nghe như nuốt từng lời của Tổng Tư lệnh, mọi tư tưởng đã hoàn toàn thông suốt... "Bộ óc bậc thầy". Như trên đã nói, chấp nhận kế hoạch giảiphóng ĐBP trong ba đêm hai ngày của bộ phận đi trước là ngoài dự kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cảm thấy hoàn toàn không yên tâm, và thấy rằng cách "đánh nhanh" là rất khó thắng... Trên tinh thần quyết đoán của người chỉ huy và lãnh đạo cao nhất, Đại tướng quyết định hoãn cuộc tiến công để họp Đảng ủy. Đêm hôm đó, như sau này ông kể lại, Đại tướng gần như thức trắng. Đồng chí quân y sĩ phải đi tìm lá ngải cứu đắp lên trán cho Đại tướng đỡ nhức đầu... Mệnh lệnh hoãn cuộc tiến công được chuyển ngay xuống các đại đoàn. Riêng Đại đoàn 308, được Đại tướng trực tiếp trao nhiệm vụ: "Tiến quân ngay sang hướng Luông Pha Băng. Dọc đường gặp địch thì tùy điều kiện cụ thể mà đánh, phối hợp chặt chẽ với quân, dân nước bạn. Giữ vững liên lạc. Có lệnh là trở về ngay! Một lá thư "hỏa tốc" được gửi lên Bộ Chính trị và Bác Hồ. Mấy ngày sau có điện "tối khẩn" trả lời: "Bộ Chính trị, Bác chấp thuận đề nghị của Đảng ủy Mặt trận. T.Ư Đảng và Chính phủ sẽ huy động toàn lực chi viện cho ĐBP đánh thắng". "Quân lệnh như sơn", mệnh lệnh của Bộ chỉ huy được tất cả bộ đội trên toàn mặt trận chấp hành triệt để, trong đó có nhiệm vụ kéo pháo ra của các đơn vị pháo cao xạ chúng tôi. Đã có lần, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Quân đội nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: "Quyết định thay đổi cách đánh hồi đó là ấn tượng sâu sắc nhất đời tôi, không chỉ trong chiến dịch ĐBP mà còn trong suốt cuộc đời chỉ huy của tôi nữa". Giôn Ken-nơ-đi, luật gia Mỹ, Tổng Biên tập Tạp chí Gioóc-giơ đã có bài đăng trên tạp chí này ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "bộ óc bậc thầy". Buđa-ren, nhà sử học nổi tiếng của nước Pháp cùng với tác giả Ca-vi-glê-ô-li trong bài "Tướng Giáp suýt thất bại ở ĐBP như thế nào? ", đã có câu nhận xét: "Bằng quyết định thay đổi cách đánh, tướng Giáp đã tự đặt mình trên đường thắng lợi"... (Lược trích theo cuốn Âm vang Điện Biên - Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2004). LƯU TRỌNG LÂN. Cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh minh họa. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải quán triệt chủ đề hành động của năm 2017 Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, coi đây là trọng tâm hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự án luật đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 3 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Các Bộ, ngành, nhất là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để chủ động có phương án, đối sách phù hợp, kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ kinh tế vĩ mô chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực và của cả nền kinh tế, cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng cuối của mỗi quý. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình tiền tệ thế giới và trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, trong đó tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động xây dựng phương án, kịch bản, lộ trình điều chỉnh giá một cách chặt chẽ theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4%. Tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh các tập đoàn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, địa phương khẩn trương rà soát phương án phân bổ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: danh mục dự án các Bộ, ngành trung ương, địa phương đề xuất kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2016 sang năm 2017; giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn lại trước ngày 15 tháng 3 năm 2017. Khẩn trương phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng chương trình mục tiêu trong tháng 3 năm 2017. Các Bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân, kịp thời phát hiện, xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để trình Chính phủ ban hành. Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước, chống chuyển giá, trốn thuế, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bộ Công Thương rà soát, có giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch khai thác dầu khí năm 2017 phù hợp với diễn biến thị trường. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, chính sách và giá điện mặt trời và giá điện gió (điều chỉnh). Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Tích cực thực hiện các biện pháp kích cầu, phát triển hệ thống thương mại bán lẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá tổng thể chính sách thương mại biên giới, đề xuất giải pháp bảo vệ thị trường trong nước và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phối hợp với Ban Chỉ đạo tập trung xử lý, giải quyết căn bản các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện có hiệu quả các cam kết FTA đã ký kết và thúc đẩy các FTA đang đàm phán, trong đó có đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới. Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và đào tạo, Y tế và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp tạo đột phá trong lĩnh vực xã hội hóa dịch vụ công. Kiên quyết thực hiện lộ trình tự chủ đầy đủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn lộ trình tự chủ tài chính với điều chỉnh giá dịch vụ công. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi thường xuyên, cập nhật diễn biến thời tiết và dịch cúm gia cầm A/H7N9, thông tin, tuyên truyền kịp thời để Nhân dân chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới. Khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị tổ chức Hội nghị lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Bộ Y tế chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm H7N9. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án trình Hội nghị trung ương 6 về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và nâng cao chất lượng dân số. Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh du lịch. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, đấu thầu thuốc, tiếp tục giảm giá thuốc (kể cả thuốc biệt dược). Giảm thiểu tai nạn giao thông tại các điểm giao giữa đường bộ và đường sắt. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2017. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan và địa phương trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Kế hoạch hành động năm An toàn giao thông 2017. Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là tại các điểm giao giữa đường bộ và đường sắt; tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật các phương tiện, chất lượng dịch vụ, nhất là vận chuyển hành khách. Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2017. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1 km đường. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1 km đường làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng thể hiện trong Đề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phối hợp với Hội đồng xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật rà soát, xem xét cụ thể thành tích của các tác giả trên cơ sở mức độ cống hiến đối với xã hội, yếu tố lịch sử, bảo đảm sự tôn vinh, công bằng. Trường hợp không đủ thủ tục do yếu tố khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ để khắc phục vướng mắc trong quá trình xét duyệt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức các hoạt động tri ân, kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sĩ, bảo đảm trang trọng; giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sớm triển khai xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tài nguyên nước một số lưu vực sông lớn trong cả nước. Tăng cường phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, ven biển. Dành ít nhất 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trước ngày 15/3/2017. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tín dụng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tháng 3 năm 2017. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017; nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3 năm 2017. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về công nghệ cao theo hướng phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của ngành nông nghiệp. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường; tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn. Chính phủ ghi nhận kết quả thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tại các Bộ, cơ quan trong 2 tháng đầu năm. Qua công tác kiểm tra, đôn đốc, nhiều nhiệm vụ và vấn đề nổi cộm liên quan đến công tác quản lý nhà nước được quan tâm xử lý kịp thời. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan đã được kiểm tra khẩn trương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế được chỉ ra; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, công việc còn nợ đọng; xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác. Các Bộ, cơ quan, địa phương thường xuyên rà soát, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn. Không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực thi hành. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ trong phối hợp, xử lý các công việc có tính chất liên ngành; không để ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc, nhiệm vụ chung; khi được hỏi ý kiến phải trả lời đúng hạn, đúng vấn đề, rõ quan điểm. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiểm tra một số Bộ, cơ quan, địa phương; đôn đốc việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật và công tác chỉ đạo, điều hành thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương. Bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở cai nghiện. Về tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy hiện hành; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2017. Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự cả trong và ngoài cơ sở cai nghiện. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án trong quý II năm 2017, trong đó bố trí, cân đối ngân sách địa phương, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy trên địa bàn; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; rà soát, phân loại đối tượng sau khi tiếp nhận để quản lý, tổ chức tốt việc cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hoàng Diên.
Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Ảnh: S.T. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để một chính sách đi vào cuộc sống và để tỉ lệ bao phủ BHXH, BHYT phát triển có tính bền vững hơn, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, rất cần đến sự nhận thức và tinh thần chủ động thực hiện từ phía người dân trong đó đặc biệt là cần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về BHYT. Chi trả hàng nghìn tỷ đồng BHYT cho học sinh, sinh viên. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2017 chi phí khám chữa bệnh BHYT cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là trên 2.067 tỷ đồng, với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh. Trong đó, Hà Nội có 450.930 lượt khám chữa bệnh và số tiền chi là 377,99 tỷ đồng, đứng ngay sau TP. Hồ Chí Minh về chi phí khám chữa bệnh BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên. TP Hồ Chí Minh là địa phương có chi phí khám chữa bệnh BHYT cao nhất với số lượt khám chữa bệnh là 785.000 lượt và số tiền chi là hơn 400 tỷ đồng. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, riêng nhóm bệnh lý các loại tai nạn có tổng số 318.947 lượt khám chữa bệnh với tổng chi phí 222,5 tỷ đồng. Nhờ tham gia BHYT, nhiều em học sinh, sinh viên bị tai nạn hoặc mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Hiện nay, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT ngày càng tăng. Năm học 2013 - 2014, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 85%. Đến năm học 2016 - 2017, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng khoảng 15,9 triệu em, đạt 92,5%, trở thành một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất và là đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đến 7,5% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT tương ứng với 1,5 triệu người. Tuy nhiên hiện việc tham gia BHYT của học sinh vẫn đang chịu những tác động khách quan. Đơn cử như bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, lương cơ sở tăng trên phạm vi cả nước đồng nghĩa với việc phí đóng bảo hiểm cũng tăng. Cụ thể, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2017 từ mức 1.210.000 đồng/tháng lên mức 1.300.000 đồng/tháng cũng tác động đến việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên là 2.835 đồng/1 học sinh, sinh viên/1 tháng là không cao. Điển hình như Cần Thơ, tính đến ngày 31/7, tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên so với năm học 2016/ 2017 giảm 14,87%. Theo đó, cuối năm 2016 tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên chiếm đến 99,87% nhưng tính đến ngày 31/7, tỷ lệ này giảm xuống còn 85%. Nguyên nhân do một số học sinh, sinh viên chỉ tham gia bảo hiểm đến cuối cấp nên bị ngắt quãng vào giai đoạn chuyển tiếp. Linh hoạt hình thức thu. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với học sinh, sinh viên nói riêng, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên. Bởi khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ như hiện nay thì việc tham gia BHYT là một giải pháp tối ưu để kiểm soát các rủi ro trước chi phí khám chữa bệnh vì vậy, các bậc phụ huynh nên hiểu đúng, không nhầm lẫn về ý nghĩa, mục đích của chính sách BHYT với các loại hình bảo hiểm thương mại. Quyền lợi khám, chữa bệnh khi tham gia BHYT cũng được mở rộng, đặc biệt từ ngày 1/1/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Mục tiêu nhiệm vụ của công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2017 - 2018, BHXH Việt Nam quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 -2020. Để đạt mục tiêu BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Cụ thể, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh, sinh viên của những tháng còn lại năm 2017. Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017, cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Đặc biệt, chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Chỉ có 1,5 % người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đóng BHXH. Việc thực hiện chính sách BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã thực hiện từ năm 2007, tức là thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực. Tuy nhiên theo báo cáo của BHXH địa phương, việc thực hiện thu, cấp sổ BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định của Luật BHXH năm 2014 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP còn hạn chế. Tính tới giữa tháng 12/2017, cả nước có trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chỉ có hơn 6.200 người tham gia BHXH, tương đương 1,5%. Việc tham gia BHXH như trên thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm trên 90%, còn lại cá nhận tự đóng trực tiếp với cơ quan BHXH. Đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ BHXH đề nghị khởi kiện. Từ tháng 1/2016 đến hết tháng 11/2017, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ đề nghị Tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng đến nay chưa có vụ án về nợ BHXH được Tòa án thụ lý, giải quyết do các vướng mắc về quy định pháp luật. Hiện số tiền nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đến hết tháng 11 trên địa bàn TP. Hà Nội là 2.851,3 tỷ đồng chiếm 8,47% kế hoạch thu. TP. Hà Nội cũng là thành phố có số nợ tiền BHXH cao nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động. Hà Nội tăng cường nhiều giải pháp giảm nợ BHXH. Theo BHXH Hà Nội, nhằm giảm nợ BHXH và hạn chế trục lợi BHYT, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Cụ thể, phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT. Đối chiếu và thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến đơn vị sử dụng lao động, trên cơ sở đó có hình thức đôn đốc thu nợ phù hợp; Yêu cầu từng cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nộp BHXH hàng tháng, trong đó chú trọng các đơn vị nợ phát sinh, nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, nhằm giảm thiểu nợ khó đòi, kéo dài; Gửi thông báo nợ BHXH đến đơn vị có số nợ từ 2 tháng trở lên, lập biên bản đôn đốc về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN; gửi văn bản đôn đốc 15 ngày/1 lần; thanh tra, kiểm tra đối các đơn vị nợ BHXH, BHYT. Kết nối trao đổi thông tin giữa BHXH và Tổng cục Thuế. Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, hiện hệ thống kết nối, trao đổi thông tin giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã được nâng cấp, triển khai hệ thống kết nối hỗ trợ cho việc trao đổi thông tin giữa hai cơ quan. Theo đó, dựa vào quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế, cơ quan Thuế đã nâng cấp ứng dụng Quản lý thuế tập trung TMS để có thể tổng hợp thông tin số lượng người lao động, danh sách người lao động trong tổ chức trả thu nhập. Hệ thống TMS cũng cho phép gửi thông tin số lượng người lao động, danh sách người lao động trong tổ chức trả thu nhập. Hiện nay, giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã có thể đối soát dữ liệu truyền nhận và trao đổi thông tin với nhau ngay trên các hệ thống quản lý. X.T. Xuân Thảo.
KTĐT - Thời điểm này, trên những dãy núi, đồi nhấp nhô, cằn cỗi của các xã Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất) đang nhú lên mầm non của các loại cây lát hoa, sấu, trám đen Việc chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đang được coi là hướng đi nhằm mang lại sức sống mới cho rừng và cải thiện thu nhập cho người dân. Khai thác tối đa lợi thế. Sống dưới chân những ngọn núi khô cằn, thu nhập của người dân hai xã Yên Bình và Yên Trung chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nghề trồng rừng. Đã bao đời nay, người dân cần mẫn trồng keo, bạch đàn phủ xanh đất trống, đồi trọc nhưng hiệu quả kinh tế còn rất hạn chế. Ông Đặng Văn Nông, thôn Thung Mộ, xã Yên Bình cho biết, ông có hơn 1ha đất trồng rừng vừa thu hoạch keo sau 7 năm trồng, thu về 60 triệu đồng. Số tiền ấy nghe thì có vẻ nhiều với người dân cần cù chịu khó nơi đồng rừng, nhưng chia ra trong từng ấy năm, thì mỗi năm chưa thu nổi 10 triệu đồng. Bởi thế, ngoài trồng rừng, ông Nông còn phải xoay sở tìm kế sinh nhai trên gần 1 mẫu ruộng. Rồi từ cây lúa, cây khoai, vài năm trở lại đây, ông đã chuyển sang trồng hoa cho thu nhập khá. Cũng chính bởi thu nhập từ trồng keo, bạch đàn thấp nên bà con nông dân ít quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ông Nông chia sẻ, do không được quan tâm chăm sóc thường xuyên trong khi thảm thực bì lại dày, vào mùa khô rất dễ bén lửa gây cháy rừng. Trồng gỗ lát xen lẫn cây ngắn ngày tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Thiện. Giống như Thung Mộ, việc trồng rừng ở các thôn khác của xã Yên Bình cũng trong tình trạng tương tự. Theo một số người dân, trước đây trồng keo trung bình từ 8 - 10 năm mới cho khai thác nhưng hiện nay người dân đã có ý thức hơn trong việc trồng, chăm bón nên thời gian thu hoạch chỉ khoảng 5 - 6 năm. Người dân có thể bán gỗ keo theo cây hoặc theo trọng lượng (kg). Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng keo, bạch đàn là rất thấp. Có hộ dân lúc túng bấn còn chặt cả cây keo non tuổi đem đi bán. Bởi thế, rừng keo vốn hiệu quả thu nhập đã thấp lại càng trở nên bấp bênh hơn. Thậm chí, có những diện tích đất rừng bị bỏ hoang, trở thành đất trống đồi trọc, vừa gây xói mòn, rửa trôi đất vừa lãng phí tài nguyên đất rừng. Tìm hướng đi mới. Đang trăn trở tìm hướng đi mới bền vững cho rừng trồng ở địa phương nên khi biết có đề án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn TP do Sở NN &PTNT; triển khai, ông Đặng Văn Nông mạnh dạn đăng ký tham gia. Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT;, đến nay, gia đình ông đã bắt tay vào trồng rừng sinh thái, bao gồm lát (cây lấy gỗ) và cây ăn quả như sấu, trám đen. Ông cho biết, trước đây, người dân địa phương đã từng trồng thử sấu và trám đen song do không được xử lý kỹ thuật trong khâu giống nên cây lâu có quả, nhiều hộ chuyển sang khai thác gỗ. Tuy nhiên, tham gia vào Đề án lần này, ông Đặng Văn Nông đã được tập huấn kỹ thuật và quan trọng hơn là được cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng. Trong đó, cây sấu là giống ghép nên chỉ sau khoảng 3 năm là được thu hoạch trái. "Khi cây cho thu hoạch trái, người dân sẽ có thu nhập hàng năm thay vì đợi 5 - 6 năm như trồng keo hiện nay. Nhờ đó, đời sống của người dân sẽ được cải thiện hơn" - ông Nông hào hứng chia sẻ. Cũng vui mừng không kém khi tham gia dự án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái là chị Trương Kim Hoa, thôn Dục, xã Yên Bình. Diện tích chuyển đổi của gia đình chị khoảng 11ha. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi được quy hoạch khá bài bản với hệ thống dẫn nước tưới từ khe suối đến khắp các ngọn đồi. Chỉ sau một thời gian trồng cây giống, đến nay khu chuyển đổi đất rừng của chị Hoa đã được "đánh thức" với màu xanh non mới nhú của các cây gỗ lát, sấu, mít, xoài Dọc hai bên, chị trồng mây nếp vừa có tác dụng làm hàng rào bảo vệ, vừa tăng thêm giá trị kinh tế. Điều đáng nói, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", trong thời gian chờ cây lấy gỗ và cây ăn quả cho thu hoạch, chị Hoa đã trồng xen canh rất nhiều loại rau như đậu cove Hà Lan, cây chùm ngây, su hào, bắp cải theo phương thức hữu cơ. Chị cho biết, các cây họ đậu còn có tác dụng cung cấp một lượng đạm đáng kể, tăng chất dinh dưỡng nuôi các cây lấy gỗ và cây ăn quả. Theo dự kiến, sang năm tới, khi các cây lát và cây ăn quả phát triển mạnh, bắt đầu tạo tán, chị Hoa sẽ trồng xen canh loài rau bò khai bên dưới để tăng thêm thu nhập. Tại xã Yên Trung, mô hình trồng rừng 12ha của Công ty CP Kova cũng đang trong thời kỳ cây mở lá non. Nhờ thời tiết thuận lợi và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật (mật độ trồng 1.600 cây/ha) nên diện tích rừng đã trồng đều phát triển khá tốt. Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Giám đốc Công ty cho biết, tham gia Đề án chuyển đổi keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đã tạo cơ hội để phát triển mạnh du lịch sinh thái với nhiều hình thức đa dạng, trong đó phát huy thế mạnh của Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao. Với mô hình chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái, các hộ dân sẽ được TP hỗ trợ 100% cây giống và 50% phân bón trong năm đầu tiên. Theo tính toán ban đầu, thu nhập từ mô hình chuyển đổi cao gấp 5 - 7 lần trồng keo, bạch đàn. Điều quan trọng hơn là khi hiệu quả kinh tế tăng, bà con nông dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển rừng bền vững. Đánh thức tiềm năng du lịch. Thực hiện đề án, tính đến thời điểm này, huyện Thạch Thất đã trồng được khoảng 42ha rừng sinh thái, vượt kế hoạch 15ha. Tuy thời điểm trồng cây năm nay muộn so với mọi năm nhưng do thời tiết có mưa nên cây vẫn phát triển, sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống cao. Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, xác định Đề án chuyển đổi keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai tuyên truyền rộng rãi về đề án tại các xã có rừng và được đông đảo cán bộ và Nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Bên cạnh đó, huyện tiến hành khảo sát thực tế các thiết kế của đơn vị tư vấn tại các xã triển khai, phối hợp với Phòng Trồng trọt (Sở NN &PTNT;) và đơn vị tư vấn cung cấp đủ cây giống cho bà con. Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình là 3 xã miền núi có đồng bào dân tộc sống tập trung của huyện Thạch Thất với tổng diện tích tự nhiên hơn 7.000ha, trong đó có hơn 1.700ha là núi rừng với cảnh quan môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Với đặc điểm nằm liền kề với nhau ở vùng núi phía Tây huyện Thạch Thất, mỗi xã đều có tuyến giao thông chạy qua. Phía Bắc có Đại lộ Thăng Long đi qua Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chạy dọc theo 3 xã là tuyến đường 446. Do vậy, nhiều người dân tin tưởng rằng, sau khi chuyển đổi thành công sang trồng rừng sinh thái, các xã miền núi này sẽ trở thành những vùng đất "vàng" về du lịch sinh thái của Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn nên người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, để mô hình phát triển thuận lợi và ngày càng nhân rộng, người dân địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của TP, Sở NN&PTNT; trong các năm tiếp theo. Việc trồng xen canh các loại cây lấy gỗ với các loại cây ăn quả là hướng phát triển mới, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho các xã có rừng trên địa bàn huyện phát triển mạnh du lịch sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế rừng. Ông Nguyễn Văn Toàn Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất.
Lương y Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển y học cổ truyền Việt Thanh, không chỉ nổi tiếng với bài thuốc trị tai biến, tắc mạch máu não, mà còn nổi tiếng với các bài thuốc liên quan đến tim mạch, đặc biệt là bài thuốc Dưỡng tâm hoàn (hỗ trợ điều trị bệnh tim) và Rối loạn tiền đình. Hàng ngàn bệnh nhân khắp cả nước mắc các bệnh về tim đang sống nhờ bài thuốc của bà. Cả vạn bệnh nhân rối loạn tiền đình cũng đang trông chờ vào bài thuốc của bà, bởi tác dụng thần diệu. Những bệnh nhân tim được cứu mạng. Ngồi trước mặt tôi là chị Hà Thị Tuyết, sinh năm 1965, quê xóm Thác Lở (Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên), với khuôn mặt già trước tuổi, nhưng rạng rỡ, nước da căng mịn, chứ không có chút biểu hiện gì của người bệnh tim. Chị Tuyết bảo, mới ngoài 50 tuổi, nhưng trông như 60 rồi, bởi tóc bạc và cuộc sống lam lũ. Nhưng, nguyên do chính là căn bệnh tim hành hạ nhiều năm trời, đến mức suýt mất mạng, nên mới già nhanh như vậy. Chị Hà Thị Tuyết đã hoàn toàn khỏe mạnh sau khi dùng thuốc Dưỡng tâm hoàn trị căn bệnh hở van tim 3 lá. Có trời đất chứng dám, tôi xin thề với nhà báo rằng, nếu không có những viên thuốc đông y của cô Thanh, thì giờ tôi đã mồ yên mả đẹp rồi. Cô ấy thực sự là người sinh ra tôi lần thứ 2 đấy, chị Hà Thị Tuyết rưng rưng xúc động chia sẻ. Căn bệnh khó thở, trống ngực thình thịch ập đến thình lình với chị Tuyết từ 4 năm trước. Trước đây, ngoài làm đồng, chị còn đi phụ xây, làm việc rất khỏe. Thế nhưng, tự dưng, sức khỏe cứ yếu dần, chị xách xô vữa không nổi nữa. Cảm giác như lồng ngực bị rỗng, thiếu hơi, tim đập rất nhanh. Chị vào bệnh viện khám, bác sĩ chuyển sang Bệnh viện Lao Thái Nguyên. Bác sĩ khám, không nói rõ bệnh gì, cứ tiêm và điều trị thuốc uống nửa tháng tại bệnh viện không khỏi, nên chị xuống Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. Sau khi chiếu chụp, siêu âm, bác sĩ kết luận chị Tuyết bị hở van 3 lá. Điều trị ở bệnh viện một thời gian, thì chị được trả về và xác định phải uống thuốc suốt đời. Bệnh nhân có thể liên hệ số điện thoại sau để được tư vấn về thuốc và bệnh tim: 0915.330535 - 0979.184263 - 04.32151903. Chị Tuyết kể: Uống thuốc do bác sĩ kê đơn, thì chỉ cắt cơn được thôi, chứ hết thuốc, bệnh lại tái phát và nặng thêm. Lúc đang khó thở, rỗng ngực, uống thuốc là dễ chịu ngay, nhưng chỉ dừng thuốc lại bị. Có hôm, mang cuốc ra đồng, chỉ ngồi thở, không nhấc nổi cuốc, nên ngồi nghỉ rồi về. Uống nhiều thuốc Tây, nên nhờn thuốc. Các cơn đau trong lồng ngực, khó thở như thể rỗng cả lồng ngực ngày lại kéo đến nhiều hơn. Thuốc Tây dường như kém tác dụng hẳn. Sức khỏe chị suy kiệt đến mức không nói được, như người sắp chết. Chị yếu đến nỗi, đứa cháu nội mới sinh cũng không bế nổi. Chị cũng không dám bế, bởi có thể làm rơi cháu bất cứ lúc nào. Cả ngày chị chỉ ngồi thở. Chị Tuyết tâm sự: Nói thật, lúc đó tôi chỉ muốn được về với ông bà tổ tiên cho nhanh, chứ sống lay lắt thế này không biết được mấy ngày, mà cả gia đình, họ hàng cứ phải xúm vào giúp, rất tủi thân. Tôi nghèo nhất nhà, nên anh chị em đều thương xót. Những ngày sức khỏe suy kiệt, nằm một chỗ, anh chị em mang tiền vàng đến cho, tôi nhất định không lấy, vì sắp chết rồi có lấy cũng chẳng tiêu được. Tôi thất vọng đến nỗi chẳng buồn uống thuốc nữa, cứ mặc kệ để chết cho nhanh. Lương y Thanh bào chế thuốc. Lương y Nguyễn Quý Thanh trong lò nấu thuốc. Thế rồi, một hôm, chị cố gượng dậy đi lễ ở ngôi chùa gần nhà. Thấy mặt mũi thâm xì, bà Hùng ở xóm Cổ Rùa hỏi han, chị trình bày bệnh tật. Bà Hùng kể, bản thân bà cũng bị thiếu máu cơ tim, điều trị các kiểu không khỏi, nhưng chỉ uống thuốc của lương y Thanh có 7 lọ nhỏ, mà khỏi hẳn. Cả năm nay, bà không cần uống thuốc thêm nữa. Thuốc Đông y Dưỡng tâm hoàn có tác dụng: Ổn định nhịp tim (với người rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, đập chậm, đập sai nhịp); thiếu máu cơ tim (gây ra hiện tượng mất ngủ, tâm thận bất giao, tức là tim và thận hoạt động không nhịp nhàng, có thể do lao lực quá độ, suy kiệt sức khỏe); thần kinh tim có vấn đề (hay giật mình, ác mộng, mộng du); tư âm, bổ thận, dưỡng huyết; di mộng tinh. Thuốc Đông y Dưỡng tâm hoàn dành cho bệnh nhân có triệu chứng sau: Đau tức vùng ngực, khó thở do tim, trào ngược tim, ăn sặc bọt, người cao tuổi nuốt nghẹn, trẻ ho sặc bọt, khó ngủ, ngủ ít, di mộng tinh, suy tim độ 1-2-3, tim to, tâm thu nhỏ, tim sai nhịp, đã đặt stent và máy tạo nhịp, suy tim do thiếu máu, hở van, hẹp van. Đến bệnh viện lớn điều trị còn không ăn thua, nên chị Tuyết không tin lắm. Nhưng, còn nước còn tát, chị Tuyết đã gọi số điện thoại bà Hùng cho, lấy thuốc của lương y Nguyễn Quý Thanh dùng thử. Chị Tuyết không thể ngờ, uống lọ thuốc đông y rẻ tiền, có 250 ngàn đồng, mà thấy cơ thể thay đổi từng ngày, dễ chịu hẳn. Chị uống hết 2 lọ, thì cảm giác như bệnh đã bị đẩy lùi rõ rệt. Tin tưởng lọ thuốc của lương y Thanh, chị dùng liên tục hàng ngày. Khi uống hết lọ thuốc thứ 10, thì tôi có niềm tin chắc chắn đây chính là thuốc thần nhà báo ạ. Suốt mấy năm nay, tôi không cần uống thuốc gì khác nữa, chỉ cần uống thuốc của cô Thanh, mà bệnh tình ổn lắm. Tôi cảm nhận bệnh đã bị đẩy lui 90% rồi. Giờ tôi có thể lao động khá thoải mái. Chỉ khi nào làm việc quá nặng, hoặc suy nghĩ quá nhiều, thì bệnh mới có biểu hiện nhẹ, chị Tuyết tâm sự. Mặc dù bệnh tình đã ổn, nhưng nghe lời khuyên của lương y Thanh, thuốc lại rẻ, nên thi thoảng chị Tuyết lại mua một lọ thuốc đông y trị bệnh tim, có tên Dưỡng tâm hoàn, với giá 250 ngàn đồng, và uống lai rai kéo dài cả tháng, để trái tim được ổn định. Cách nhà chị Tuyết không xa, ở xóm Vải kế bên, là trường hợp chị Vũ Thị Liên, sinh năm 1965, cũng được cứu mạng bởi lọ thuốc Dưỡng tâm hoàn do lương y Nguyễn Quý Thanh bào chế. Chị Liên bị hở van tim 2 lá từ 3 năm trước, nhưng chị lại bị chứng rối loạn tiền đình rất nặng, đầu đau như búa bổ, nên rất khó điều trị. Chị uống thuốc Tây nhiều, nhưng không khỏi, trong khi đó, lại bị loét dạ dày do phản ứng phụ của thuốc Tây. Khi đó, cơ thể chị gầy quắt, thở không ra hơi, sức khỏe suy kiệt, không làm được việc gì. Bà Liễu, ở cùng xóm, đã mách chị dùng thuốc của lương y Thanh. Bản thân bà Liễu bị hẹp van tim nhiều năm. Bệnh rất nặng, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên yêu cầu mổ, nhưng bà đã bị tai biến một lần rồi, nếu mổ có nguy cơ cao bị tai biến lại, nên bà không mổ, mặc kệ tử thần dắt đi. Thế nhưng, không ngờ, dùng thuốc của lương y Thanh, bệnh hẹp van tim của bà khỏi hoàn toàn. Không những thế, di chứng tai biến cũng tiêu tan luôn. Khi đó, nhìn bà Liễu khỏe như voi, làm việc quần quật, chị Liên cũng không tin nổi điều thần kỳ đó. Chị Vũ Thị Liên đã thoát căn bệnh hở van tim và rối loạn tiền đình nhờ lọ thuốc của lương y Nguyễn Quý Thanh. Theo chỉ dẫn của bà Liễu, chị Liên đã dùng cả thuốc Dưỡng tâm hoàn và Rối loạn tiền đình của lương y Nguyễn Quý Thanh. Dùng thuốc của chị Thanh, cứ như cá gặp nước ấy nhà báo ạ. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi uống vào là thấy đỡ ngay. Cả bệnh tim lẫn rối loạn tiền đình đều tan biến hết luôn. Vì thuốc rẻ, lại không có tác dụng phụ, nên tôi cứ uống hàng ngày, không bỏ ngày nào. Trước đây người gầy quắt, giờ tôi tăng được mấy kg, sức khỏe rất tốt. Trước chỉ ngồi thở, giờ thì làm mọi việc nặng nhọc, không ngán việc gì, chị Liên vui vẻ tâm sự. Phát triển từ bài thuốc của tổ tiên. Bệnh nhân có thể liên hệ số điện thoại sau để được tư vấn về thuốc và bệnh tim: 0915.330535 - 0979.184263 - 04.32151903. Trường hợp chị Tuyết, chị Liên, hay bà Liễu, là những bệnh nhân mắc bệnh tim nhưng còn nhẹ, nên dùng thuốc là thấy hiệu quả ngay. Nhiều trường hợp bệnh tim nặng đến mức thập tử nhất sinh như mẹ đẻ của một đồng chí cán bộ văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình, luật sư Hưng, mẹ doanh nhân Nguyễn Quang Tuyên ở làng Yên Phụ (Hà Nội) cũng được cứu sống bởi bài thuốc gia truyền này, nhưng là hãn hữu. Theo lương y Nguyễn Quý Thanh, việc cấp cứu tim mạch, thì nhất thiết phải cần đến Tây y, các phương tiện của bệnh viện, nhưng điều trị lâu dài, và đặc biệt là phòng ngừa khi bệnh còn nhẹ, thì Đông y cực kỳ quan trọng. Những người có biểu hiện bệnh tim như thiếu máu cơ tim, hẹp van, hở van, rối loạn nhịp tim, suy tim độ 3 trở xuống nếu chưa đến mức phải mổ, hoặc đặt stent, thì điều trị rất hiệu quả. Trường hợp đã đặt stent, thì cũng nên dùng thuốc, để bệnh không tiến triển nặng thêm, và thuốc còn giúp chống đông máu khiến stent tăng thêm tuổi thọ. Như trường hợp ông Đặng Văn Đạt, 80 tuổi, nguyên cán bộ Cục 2, Bộ Quốc phòng, đã mổ tim, đặt máy tạo nhịp tim, ông uống Dưỡng tâm hoàn đều đặn, nên lẽ ra tuổi thọ máy chỉ được 8 năm, thì giờ đã 10 năm mà chưa cần thay, vì máy vẫn hoạt động tốt. Bản thân ông Đạt vẫn khỏe mạnh bình thường. Mỗi ngày, ông vẫn đạp xe cả chục cây số, thậm chí hứng lên, ông đạp xe ngót trăm cây số lên thăm lương y Thanh. Lương y Nguyễn Quý Thanh được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà lưu niệm vì thành tích chữa bệnh cứu người. Theo lương y Nguyễn Quý Thanh, bài thuốc Dưỡng tâm hoàn trị tim mạch và Rối loạn tiền đình, được bà phát triển từ bài thuốc An cung trúc hoàn do tổ tiên là các Thái y triều Lê để lại. Thuốc An cung trúc hoàn gồm nhiều vị, trong đó, có những vị có tác dụng rất tốt cho tim mạch và tiền đình. Những bệnh nhân bị tim mạch và tiền đình sử dụng thuốc An cung trúc hoàn rất tốt, nhưng lãng phí vì đắt tiền, không phù hợp với đại đa số người dân. Từ cơ sở đó, kết hợp với kiến thức tổ tiên truyền lại, lương y Thanh đã phát triển bài thuốc trị bệnh tim và rối loạn tiền đình đạt hiệu quả rất cao. Bà đã bào chế và kiểm nghiệm trên cả ngàn bệnh nhân từ 20 năm qua và cho kết quả rất tốt. Lương y Nguyễn Quý Thanh đã cùng các nhà khoa học, các lương y thuộc Trung tâm phát triển y học cổ truyền Việt Thanh và lương y thuộc Công ty Cổ phần dược thảo Fansipan, bào chế thuốc Đông y thành dạng viên, và bán với giá rất rẻ, chỉ 250 ngàn đồng/lọ, để người bệnh nghèo cả nước có thể sử dụng trị bệnh. Đây là việc làm hết sức nhân văn của các lương y, nhằm tôn vinh thuốc Nam, dùng thuốc Nam trị bệnh cho người Việt. Thuốc Đông y Dưỡng tâm hoàn có tác dụng: Ổn định nhịp tim (với người rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, đập chậm, đập sai nhịp); thiếu máu cơ tim (gây ra hiện tượng mất ngủ, tâm thận bất giao, tức là tim và thận hoạt động không nhịp nhàng, có thể do lao lực quá độ, suy kiệt sức khỏe); thần kinh tim có vấn đề (hay giật mình, ác mộng, mộng du); tư âm, bổ thận, dưỡng huyết; di mộng tinh. Thuốc Đông y Dưỡng tâm hoàn dành cho bệnh nhân có triệu chứng sau: Đau tức vùng ngực, khó thở do tim, trào ngược tim, ăn sặc bọt, người cao tuổi nuốt nghẹn, trẻ ho sặc bọt, khó ngủ, ngủ ít, di mộng tinh, suy tim độ 1-2-3, tim to, tâm thu nhỏ, tim sai nhịp, đã đặt stent và máy tạo nhịp, suy tim do thiếu máu, hở van, hẹp van. Tìm hiểu thêm về lương y Nguyễn Quý Thanh qua các bài viết sau: Đứt mạch máu não, đã đóng quan tài, đột nhiên sống dậy nhờ thìa thuốc thời Lê ; Người kế thừa bài thuốc thần kỳ trị tai biến của thái y triều Lê. Lương y Nguyễn Quý Thanh, là người duy nhất thừa kế bài thuốc An cung trị tai biến của Thái y Nguyễn Quý Thành, ông tổ đời thứ 7. Bài thuốc được cụ Nguyễn Thuần, cụ tổ 10 đời trước, sử dụng để cứu Tổng trấn Bắc Kinh và hoàng hậu, nên được giữ lại trong triều. Chết, được phong Cố Thái y, ban chữ Quý. Cụ Nguyễn Quý Thuần sinh ra Thái y Nguyễn Quý Khuê. Cụ Khuê đã dùng bài thuốc An cung cứu Thái tử. Cụ Khuê sinh được hai thầy lang nổi tiếng, là Nguyễn Quý Thành và Nguyễn Quý Sáu. Cụ Thành là Thái y triều Lê và cụ Sáu là Trưởng nội y. Cụ Sáu lập ra chi ở Đông Anh, làm thuốc rất nổi tiếng. Cụ Thành lập ra chi ở Bắc Giang. Tuy nhiên, con cháu cụ Thành chỉ lác đác có người làm thuốc, không có ai nổi bật. Lương y Nguyễn Quý Thanh sinh năm 1956, ở làng Mai Đình, nơi ông tổ Quý Thành 7 đời trước về sinh cư, đã khôi phục lại bài thuốc trị tai biến mạch máu não, tắc mạch máu, hoại tử tứ chi do tắc mạch, cứu sống và cứu thoát khỏi cảnh sống thực vật cho cả ngàn người trên khắp cả nước. Bệnh nhân có thể liên hệ số điện thoại sau để được tư vấn về thuốc và bệnh tai biến: 0915.330535 - 0979.184263 - 04.32151903.
Theo tờ Straits Times của Singapore, vụ kiện này đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ liên quan trực tiếp đến hai bên tranh chấp là Philippines và Trung Quốc mà còn đến các nước khác như Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á. Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh CSIS. Phạm vi vụ kiện. Trong vụ kiện này, Philippines muốn Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết liên quan đến đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm hầu khắp Biển Đông. Đây là khu vực rộng tới 3,5 triệu km2 và có vai trò cực kỳ quan trọng đến kinh tế và an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu. Khu vực này bao gồm 250 đảo, bãi đá, bãi cạn, rặng san hô chủ yếu không có người sinh sống. Các thực thể này chìm một phần hoặc hoàn toàn dưới nước. Biển Đông cũng là nơi trung chuyển hàng hóa với trị giá lên đến 5.000 tỷ USD và là nơi kết nối những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á với Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, đây cũng là nơi có lượng dự trữ dầu lên đến 11 tỷ thùng và khoảng 500.000 tấn khí đốt. Trung Quốc đã cải tạo phi pháp một số bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các công trình như đường băng, bến cảng nhằm mở rộng tầm hoạt động của quân đội nước này và tạo sự đã rồi. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng, nếu không bị ngăn chặn, Trung Quốc có thể ngang nhiên chiếm quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới qua Biển Đông. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, Bắc Kinh sẽ điều tên lửa và máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo nói trên để chuẩn bị thành lập cái gọi là Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và cản trở quyền đi lại tự do của các nước qua không phận và hải phận quốc tế. Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông còn được cho là phép thử quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc để xem hai nước có thể cùng phát triển và hợp tác duy trì hòa bình tại khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đối với Mỹ, vụ kiện là điều kiện để Mỹ thể hiện cam kết của mình đối với các đồng minh cũng như các đối tác của châu Á để những nước này có thể trông đợi vào vai trò duy trì sự ổn định của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, vụ kiện này sẽ cho thấy, Trung Quốc muốn tuân thủ luật pháp quốc tế đến đâu. Tâm điểm đường 9 đoạn của Trung Quốc. Trên thực tế, vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu đề cập đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc khi nước này cho rằng mình có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực bên trong đường 9 đoạn và yêu cầu các nước phải tôn trọng chủ quyền phi lý đó để duy trì hòa bình trong khu vực. Đường 9 đoạn này được Trung Quốc vẽ ra lần đầu năm 1947 với tổng cộng 11 đoạn. Đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm tới 2 triệu km2 diện tích Biển Đông kéo dài tới 1.611km từ đảo Hải Nam xuống phía Nam sát với Indonesia và vòng lại đại lục Trung Quốc tạo thành cái gọi là đường lưỡi bò. Phía Philippines cho rằng, đường 9 đoạn chồng lấn tới 531.00km2 vùng biển mà Philippines coi là Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình. Không chỉ vậy, đường 9 đoạn của Trung Quốc còn chồng lấn lên cả lãnh thổ của Việt Nam, Malaysia và Brunei. EEZ là khái niệm được Liên Hợp Quốc công nhận, trong đó một quốc gia ven biển sẽ có đặc quyền thăm dò và khai thác các nguồn lợi trong khu vực cách bờ của quốc gia đó 200 hải lý. Lý lẽ của Philippines và Trung Quốc. Dù ra yêu sách đường 9 đoạn và ngang nhiên buộc các quốc gia khác phải tôn trọng, Trung Quốc đã không thể đưa ra được những chứng cá pháp lý, cũng như những cứ liệu về địa lý và lịch sử thuyết phục để chứng minh tính hợp lý và hợp pháp của đường 9 đoạn. Thay vì thế, Trung Quốc tự chế ra cái gọi là sự thật lịch sử và bản đồ cổ[những thứ chỉ Trung Quốc mới có thể chấp nhận-ND] để bảo vệ quan điểm của mình. Theo đó, Trung Quốc viện dẫn những ghi chép lịch sử [ngụy tạo] về các chuyến đi, các lần vẽ bản đồ cũng như việc có người dân Trung Quốc sinh sống tại các đảo trên Biển Đông từ thời Tống (từ năm 960-1279) cho đến nay. Trung Quốc còn viện dẫn các Hội nghị Cairo năm 1943 và Postdam năm 1945 cùng Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Mỹ, Anh và Nga để đòi lại cái gọi là lãnh thổ mà Nhật Bản chiếm của Trung Quốc trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa [dù trên thực tế, 2 quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam]. Đáp lại, Philippines khẳng định, đường 9 đoạn là vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (INCLOS). UNLOS được cả Philippines và Trung Quốc phê chuẩn vào các năm 1986 và 1996, trong đó nêu rõ trường hợp các quốc gia có thể thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như thực hiệc việc thăm do và khai thác. Theo đó, UNCLOS cho phép một quốc gia ven biển được phép thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình trong khu vực 12 hải lý tính từ đất liền và thực hiện quyền thăm dò và khai thác kinh tế trong khu vực 200 hải lý tính từ đất liên (đây chính là EEZ). Tuy nhiên, UNCLOS cũng nêu rõ, những thực thể chìm dưới nước khi thủy triều lên không được tính làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, UNCLOS cũng không được phép sử dụng làm căn cứ để xác định ai có chủ quyền đối với một thực thể nào đó trên biển. Nói cách khác, UNCLOS không phải là căn cứ để xác định chủ quyền. Chính vì thế, Philippines đã thận trọng tránh kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền [dù phi pháp] của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép. Thay vì thế, văn bản dày 4.000 trang với tổng cộng 10 chương mà Philippines đệ trình lên PCA hồi năm 2014 đã mô tả rất kỹ lưỡng về tính chất địa chất, địa lý và đặc tính cụ thể của từng thực thể ở Biển Đông và từ đó đề nghị PCA ra phán quyết yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn của mình [điều mà Trung Quốc hết sức tránh vì không có được chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử rõ ràng]. Trong văn bản đó, Philippines nêu rõ, theo UNCLOS, đường 9 đoạn [nếu có và được công nhận] phải được tính từ đại lục Trung Quốc ra biển chứ không phải từ cái gọi là chủ quyền lịch sử hay bản đồ cổ [do Trung Quốc tự chế]. Philippines cũng khẳng định, không có đảo hay bất cứ thực thể nào ở Biển Đông đủ lớn để Trung Quốc có thể làm căn cứ áp đặt đường 9 đoạn nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Theo đó, hầu hết 250 đảo và thực thể trên Biển Đông là những đảo đá không có người sinh sống và thậm chí không nổi trên mặt nước kể cả khi thủy triều xuống thấp. Chính vì thế, rõ ràng đường 9 đoạn không có căn cứ nào để tồn tại. Tại Trường Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, 7 bãi đá là Subi, Gaven, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn, Tư Nghĩa và Gạc Ma đều là những đảo chìm hoặc chỉ nổi một phần rất nhỏ khi triều lên. Theo Philippines, ngay cả khi được công nhận chủ quyền [Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với các bãi đá này] thì theo UNLCOS, Trung Quốc cũng chỉ có thể thiết lập chủ quyền tối đa là 12 hải lý nên đường 9 đoạn của Trung Quốc không thể rộng tới 2 triệu km2 như nước này vơ vào. Dù Trung Quốc đã rầm rộ cải tạo các bãi đá trên thành các đảo hòng thiết lập EEZ rộng 200 hải lý theo quy định của UNCLOS, tuy nhiên, Philippines khẳng định, UNCLOS không phải là căn cứ để xác lập lãnh hải trên biển đối với các đảo nhân tạo. Cũng theo Philippines, ngay cả bãi cạn Scarborough- bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 2012 cũng chỉ có thể tạo ra chủ quyền 12 hải lý quanh đó. Dù bãi cạn này vẫn nổi trên mặt nước khi triều lên, nhưng Trung Quốc không thể lấy đó làm căn cứ để mở rộng ra 200 hải lý nhằm bao biện cho diện tích lớn bất thường của đường 9 đoạn. Trần Khánh/VOV.VN.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hối thúc các quốc gia trên thế giới đoàn kết để có một thế giới phi hạt nhân và giải quyết tình trạng nghèo đói đang gia tăng do hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng Thư kí Ban Ki-moon cũng hối thúc các tổng thống, thủ tướng và nhà ngoại giao của 192 quốc gia thành viên LHQ vượt qua những bất đồng và đạt một thỏa thuận để đối phó với mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu. Tiếp sau phát biểu của Tổng Thư ký LHQ là phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 9/2009. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ giữ vai trò chủ trì một Hội nghị cấp cao của LHQ. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Barack Obama nêu rõ: Mỹ sẵn sàng mở ra kỷ nguyên can dự mới với thế giới. Tổng thống Obama thừa nhận thế giới đã nghi ngờ và không tin tưởng vào Mỹ, một phần do Mỹ phản đối một số chính sách cụ thể của LHQ và hành động đơn phương trong một số vấn đề quan trọng. Ông xác nhận, Mỹ không thể hành động đơn độc và vì thế đã tái can dự với LHQ, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên LHQ trong xử lý các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng đồng thời kêu gọi các nước không đứng ngoài chờ Mỹ hành động, mà phải gánh vác trách nhiệm của mình trong đối phó với các vấn đề toàn cầu. Ông nói: Đã đến lúc tất cả chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm trong đối phó với những thách thức toàn cầu. Ông cho rằng hòa bình và ổn định trong tương lai chỉ có thể đạt được khi quyền của mọi quốc gia được công nhận, nhưng mọi quốc gia cũng phải có trách nhiệm và vì thế cần phải đưa ra những nguyên tắc điều phối mối quan hệ hợp tác này. Tổng thống Obama chỉ ra bốn trụ cột cơ bản cho tương lai, đó là không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí, thúc đẩy hòa bình và an ninh, bảo vệ hành tinh và phát triển kinh tế toàn cầu. Ông cam kết Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng kêu gọi quốc tế chia sẻ trách nhiệm. Trong suốt 40 phút của bài diễn văn, Tổng thống Obama đã kể ra nhiều việc làm của chính phủ ông, như chấm dứt tra tấn những người bị giam tại trại Guantanamo, đóng cửa trại này, và chỉ định một đặc sứ cao cấp về Trung Đông. Ông Obama nói, các chương trình của ông đã mang lại một số tiến bộ nhưng có nhiều việc vượt qua khả năng của Mỹ và cần có sự hợp tác tập thể, kể cả sự hợp tác của những người chỉ trích các chính sách của Mỹ trước đây. Về cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine, ông nói Mỹ sẽ tiếp tục đeo đuổi giải pháp 2 quốc gia. Trong tiến trình này, Mỹ muốn Palestine chấm dứt những hành vi gây hấn với Israel, và Israel phải chấm dứt xây dựng những khu định cư. Về vấn đề hạt nhân, Tổng thống Mỹ nói rằng, Triều Tiên và Iran đang đưa thế giới tiến về một đường dốc nguy hiểm, dẫn đến chuyện phát triển vũ khí hạt nhân bừa bãi, không thể kiểm soát nổi. Chính phủ ông muốn giải quyết bằng đường lối ngoại giao, nhưng đây cũng là một vấn đề cần đến sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Obama nói: Triều Tiên và Iran xem đeo đuổi vũ khí hạt nhân đứng trên ổn định khu vực, đứng trên sự an ninh và cơ hội thăng tiến của chính nhân dân họ. Do đó, nếu họ vẫn tiếp tục làm ngơ trước các mối nguy này thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế giới cần đoàn kết để cho thấy luật pháp quốc tế không phải lời hứa suông. Về kinh tế, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) tại Pittsburgh trong hai ngày tới đề ra các quy tắc mới nhằm củng cố hệ thống quy định tại tất cả các trung tâm tài chính. Tổng thống Mỹ đã đề xuất một bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an để kêu gọi các nước ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Các nhà ngoại giao cho rằng, dự thảo của Mỹ là một ví dụ cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách giải trừ quân bị từ thời chính quyền tiền nhiệm của George Bush. Chính quyền Washington hy vọng rằng, bản dự thảo sẽ được thông qua trong hội nghị cấp cao về giải trừ và không phổ biến hạt nhân của HĐBA vào cuối tuần này với sự tham dự của 15 nước thành viên. Việc Tổng thống Mỹ kêu gọi quốc tế hành động, để đáp lại những nỗ lực của Mỹ, được các nhà phân tích coi là cách tiếp cận mới của Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Có ý kiến cho rằng, tuy ngôn từ trong bài phát biểu của ông Obama có khác và có vẻ hòa giải hơn, nhưng nhiều quan điểm đối ngoại vẫn không khác nhiều lắm so với các chính quyền trước. Ví dụ trong vấn đề Trung Đông, ông Obama cho rằng đã đến lúc phải khởi động lại các cuộc thảo luận hòa bình mà không có điều kiện tiên quyết, để giải quyết các vấn đề liên quan tới quy chế cuối cùng, như an ninh cho người Palestin và Israel, biên giới giữa hai nhà nước, nhằm xây dựng hai nhà nước Palestin và Israel chung sống hòa bình và an ninh bên nhau trong đường biên giới trước 1967. Ông cho rằng, hòa bình Trung Đông phải được giải quyết một cách toàn diện thông qua các cuộc thảo luận đa phương và song phương. Cách tiếp cận đa phương ấy đang mở ra hy vọng về một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ với cộng đồng quốc tế nói chung và với LHQ nói riêng. Cách tiếp cận đa phương và hợp tác ấy cũng đang góp phần tạo ra hình ảnh thân thiện hơn của ông Obama ở nhiều nước trên thế giới. Kết quả điều tra thái độ toàn cầu mới nhất của Tổ chức nghiên cứu Pew cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Obama lên tới 94% ở Kenyaa, 93% ở Đức, 88% ở Canađa và Nigeria, 77% ở Ấn Độ, 76% ở Brazil, 71% ở Indonesia và 62% ở Trung Quốc. Tỷ lệ trung bình ủng hộ Tổng thống Obama ở 21 quốc gia được điều tra là 71%, so với mức 17% dành cho Tổng thống George W. Bush năm 2008. Hợp tác đang trở thành xu thế lớn của thời đại, một phần vì không quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, và không một tổ chức nào, kể cả LHQ có thể đối phó được với những thách thức to lớn đang đặt ra trước loài người. Vì thế hợp tác là một nội dung lớn của khóa họp 64 Đại hội đồng LHQ. Quan hệ giữa Mỹ với LHQ đã có những thay đổi đáng kể, kể từ khi ông Obama lên cầm quyền. Chính quyền Obama đã theo đuổi nhiều chính sách mà trước đây chính quyền Bush vẫn bác bỏ. Ví dụ Mỹ đã thanh toán nhiều triệu USD nợ LHQ từ những chính quyền trước, mà không gắn với đòi hỏi phải cải tổ cung cách điều hành tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Mỹ đã tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền của LHQ, tham gia Công ước về quyền của người tàn tật và ủng hộ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ. Sự hiện diện của Tổng thống Obama tại khóa họp Đại hội đồng LHQ năm nay được xem là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ giữa nước này và LHQ, vốn rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm George Bush. Sau Tổng thống Mỹ, người đồng cấp Brazil, Lula Silva đã phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải lập một trật tự kinh tế thế giới mới. Theo nguyên thủ quốc gia nước lớn nhất Mỹ Latinh, việc các thị trường tài chính được thả lỏng trong một thời gian dài và sự mất niềm tin vào kinh tế là nguyên nhân gây ra "bão" kinh tế toàn cầu hoành hành hơn một năm qua. Ông kêu gọi lãnh đạo các nước tiếp tục những nỗ lực khôi phục kinh tế toàn cầu. Ông một lần nữa khẳng định các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cần phải dân chủ hơn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp như thẩm tra hệ thống tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, các nước nghèo và đang phát triển cần tăng vị thế tại hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đưa những đánh giá có tính nguyên tắc về tình hình trên thế giới, giới thiệu lập trường của Liên bang Nga về những vấn đề chủ chốt, cũng như nêu hàng loạt đề xuất về việc làm thế nào để hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại sẽ trở nên bình đẳng hơn, cân đối hơn và an toàn hơn. Tổng thống Nga cho rằng, cuộc họp này diễn ra trong giai đoạn quan trọng trên con đường thống nhất nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh với nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện mang thứ vũ khí này. Thay mặt 27 nước Liên minh châu Âu, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cũng đưa ra thông điệp chung của EU kêu gọi tăng cường hợp tác và đối tác. Ông khẳng định toàn cầu hóa hiện nay có nghĩa là những vấn đề của một nước cũng gõ cửa các nước khác. Vì vậy, thế giới cần tính pháp lý rộng rãi của LHQ đối với những hành động và tiêu chuẩn quốc tế. Ông nhấn mạnh một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho sự hợp tác quốc tế đã mở ra. Tuy nhiên, EU cũng kêu gọi những cam kết của cả các nước phát triển và đang phát triển trước những thách thức lớn nhất của thế hệ hiện nay như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng. Ra mắt lần đầu tiên trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc, với một bài nói chuyện kéo dài 96 phút, Tổng thống Libya Moama Gadhafi đưa ra nhận xét về những vấn đê rộng lớn, từ cúm A đến việc đòi các cường quốc từng đô hộ châu Phi phải bồi thường 7,77 nghìn tỷ USD. Ông tố cáo hành động quân sự của Mỹ tại Iraq và Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh LHQ, cùng với Hội nghị các nhà lãnh đạo 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có Việt Nam, Hội nghị cấp cao đặc biệt của LHQ về biến đổi khí hậu và hội nghị thượng đỉnh nhóm G.20 tại Pittsburgh cho thấy những vấn đề nổi côm hiện nay của thế giới: cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm thế giới một năm qua, biến đổi khí hậu đang trở thành nguy có lớn nhất của nhân loại trong tương lại không xa và việc nhiều nước tham gia vào cuộc chạy đua sở hữu hạt nhân cũng có thể đưa nhân loại đến chổ diệt vong. Hội nghị diễn ra dồn dập tại Mỹ cho thấy vai trò của Mỹ trong các vấn đề lớn của thế giới. Điều này cho thấy việc tống thống Mỹ B. Obama kêu gọi các nước cùng gánh vác trọng trách trước các vấn đề của thế giới, không phải là không có ý nghĩa. Nguyễn Chiến.
Họ nhớ tới cảnh máy bay phun chất độc da cam hủy diệt các cánh rừng tràm trong những năm chiến tranh, nhưng bây giờ đang là thời bình... Họ không thể ngờ rằng, những chiếc máy bay ấy đang gieo sạ lúa trên cánh đồng mà mới vài năm trước còn là cánh đồng hoang. Cánh đồng nơi được gieo sạ lúa bằng máy bay ngày trước. Chân dép lốp lên máy bay sạ lúa. Về ĐTM viết về mùa lũ năm nay, chúng tôi đã ghé thăm người thực hiện việc gieo sạ lúa bằng máy bay có một không hai ở Việt Nam nói trên. Từng là Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường, rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phụ trách ĐTM, vậy mà khi về hưu, ông Trần Ngọc Nhóm (Ba Nhóm, ảnh nhỏ) sống trong ngôi nhà cấp 4 được cất từ thời bao cấp ở một góc khuất giữa ĐTM, bên dòng kênh Dương Văn Dương, muốn đến nhà ông phải qua chiếc cầu treo. Đã hơn 25 năm trôi qua mà ông Ba Nhóm vẫn nhớ như in, say sưa, hào hứng kể về chuyện ông mang dép lốp lên máy bay chỉ đạo gieo sạ lúa. Ông kể: Vào đầu thập niên 1980, tỉnh Long An tiến công khai hoang ĐTM bằng cách tổ chức các đoàn bộ đội kinh tế. Hàng chục ngàn thanh niên, thay vì đi nghĩa vụ quân sự với súng thép trong tay, đã trở thành bộ đội kinh tế với cuốc xẻng đi khai hoang ĐTM. Khi đất được khai hoang, hạt lúa có thể nảy mầm, họ giao lại cho các nông trường quốc doanh hoặc người dân từ khắp mọi nơi đến đây xây dựng kinh tế mới. Bằng cách ấy, hàng ngàn, rồi hàng ngàn hécta đất hoang vùng ĐTM đã được thuần hóa dưới bàn tay con người. Nông trường Lúa Vàng (huyện Mộc Hóa) được thành lập để khai thác mấy ngàn hécta đất mới được bộ đội kinh tế khai hoang. Bắt tay vào sản xuất, nông trường gặp vấn đề nan giải là nhân viên nông trường thì ít, mà diện tích đất lại quá lớn, nên gieo sạ không xuể. Ông Ba Nhóm rất xót ruột khi thấy đất đã khẩn hoang mà không đưa vào sản xuất, bèn nghĩ ra cách giúp nông trường. Ông đến gặp các chiến hữu ở Quân khu 7 nhờ giúp gieo sạ lúa bằng máy bay như ông đã từng thấy ở bên Liên Xô. Thời ấy lúa gạo quý như vàng, sản xuất lương thực là trên hết, nên đề nghị của ông đã được ủng hộ ngay. Ông Trần Ngọc Nhóm (Ba Nhóm). Ông Ba Nhóm cho thực nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất để định ra quy trình chuẩn cho việc gieo sạ như: Độ cao, vận tốc máy bay, lượng lúa giống xả ra... Bốn chiếc máy bay trực thăng (cùng 2 chiếc chở lúa giống từ thị trấn Mộc Hóa ra nông trường) trong 3 ngày đã gieo sạ xong mấy ngàn hécta của nông trường. Nông trường trả công cho đơn vị bay bằng chỉ tiêu xăng dầu Nhà nước cấp cho nông trường cùng mấy con heo nuôi tại chỗ. Lúa nhờ gieo sạ đồng loạt mà ít sâu rầy, phát triển rất tốt. Rồi mấy ngàn hécta lúa đồng loạt trổ, đồng loạt chín, cả cánh đồng chuyển sang màu vàng tươi. Thế nhưng, tới lúc này ông Ba Nhóm và cả nông trường mới té ngửa: Họ không có máy gặt đập liên hợp như bên Liên Xô để có thể thu hoạch đồng loạt hàng ngàn hécta lúa. Nông trường viên cùng với mấy trăm nông dân thuê bên ngoài thu hoạch mỗi ngày chỉ được năm -bảy chục hécta lúa. Vì vậy mà nhiều diện tích lúa phải bỏ chín rục trên ruộng, trong khi tỉnh Long An đang thiếu lương thực trầm trọng. Câu chuyện càng trở nên bi hài khi mấy trăm nông dân được nông trường thuê gặt lúa, được trả công bằng lúa, trên đường mang về đã bị bắt tịch thu ở các trạm kiểm soát trên lộ 49 (nay là QL62). Đó là thời tự cung tự cấp, hàng hóa, nông sản không được mang ra khỏi địa phương. Bị thất bại quá đau, ông Ba Nhóm đã thử nghiên cứu khả năng nhập máy gặt đập liên hợp về cho Nông trường Lúa Vàng để tiếp tục làm ăn lớn, nhưng không khả thi vì đồng ruộng ĐTM sình lầy, còn máy gặt của Liên Xô vốn chỉ thích hợp với đồng ruộng khô ráo. Vậy là sau một lần duy nhất gieo sạ lúa bằng máy bay, ông Ba Nhóm và Nông trường Lúa Vàng phải quay trở lại gieo sạ thủ công cho tới ngày nay. Ông trở thành người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho tới ngày nay chỉ đạo gieo sạ lúa từ trên trời. Người của ĐTM. Như bao người trai ĐTM, ông Ba Nhóm đã cùng toàn dân đi qua 2 cuộc chiến gian khổ, cho tới ngày toàn thắng. ĐTM vốn đã khắc nghiệt, các chiến sĩ giải phóng càng phải chịu đựng gian khổ gấp bội khi mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa lũ phải sống trên ngọn tràm, trên đầu là máy bay trực thăng, dưới nước là thuyền bay, cùng muỗi mòng, rắn rết. Ông Ba Nhóm trở thành Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiến Tường trước ngày miền Nam giải phóng. Sau đó tỉnh Kiến Tường sáp nhập vào tỉnh Long An, ông Ba Nhóm dự kiến được giao nhiệm vụ phó bí thư tỉnh ủy. Thế nhưng, ông đã bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại ĐTM. Cùng lúc, tỉnh Long An đề ra chương trình tiến công khai hoang ĐTM, vậy là ông được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc trách khai phá ĐTM cho tới ngày về hưu. Đến thăm nhà ông, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục tấm ảnh được treo trang trọng ở phòng khách, trên ấy hầu như không thiếu vị lãnh đạo đất nước nào kể từ năm 1975 trở về sau, như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Chúng tôi càng thú vị khi thấy tấm ảnh ông chụp trong chiến tranh với nữ tướng Nguyễn Thị Định Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Thì ra trong chiến tranh chống Mỹ, vùng Kiến Tường từng là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng, từng đón cô Ba Định. Chỉ những tấm ảnh, ông Ba Nhóm giải thích: Các đồng chí lãnh đạo khi về thăm Long An, bao giờ cũng đi thăm ĐTM. Tôi luôn là người được phân công đi cùng, vì vậy mà có ảnh chụp chung các đồng chí lãnh đạo. Đã thích hợp cho sản xuất lớn. Ngày trước, khi bắt tay thực hiện chương trình lớn khai hoang, lấp kín ĐTM, các ông hầu như không có phương tiện kỹ thuật gì đáng kể. Đích thân ông Ba Nhóm đã ra Hà Nội xin vốn về mua sắm máy móc, xây dựng công trình. Các bộ không có vốn để cấp cho Long An, nhưng cũng cho các ông chỉ tiêu 2 triệu lít bia để bán lấy chênh lệch tạo vốn về phục vụ khai hoang ĐTM. Với số vốn ban đầu đó, các ông đã tiến công vào ĐTM, bắt vùng đất hoang huyền thoại này trở thành vựa lúa của tỉnh Long An và cả nước như ngày nay. Bây giờ, khi ngồi xe hơi chạy với tốc độ 80km/h từ TP.Tân An về ĐTM trên QL62, chúng tôi khó hình dung ngày ấy các ông chỉ với sức người và dụng cụ thô sơ đã đắp nên con đường dài hơn 100km này xuyên qua vùng đất trũng, sình lầy. Ông Ba Nhóm nhớ lại: Chúng tôi xác định, tiến công khai phá ĐTM, điều đầu tiên là phải có đường. Lúc đó, khi nêu lên ý tưởng đắp tuyến đường 49 chạy xuyên qua vùng đồng lầy, chiều cao đường trung bình phải hơn 3m, hoàn toàn bằng sức người và phương tiện thô sơ, có nhiều ý kiến cho là chuyện viển vông, nhưng chúng tôi cứ làm. Một cuộc huy động lớn nhân công toàn tỉnh suốt nhiều năm trời để đắp nên lộ 49 từ Tân An đến Mộc Hóa, rồi kéo dài đến Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Ngày ấy đi tuyến đường để đắp lộ 49 là mệnh lệnh, vừa là niềm tự hào của thanh niên Long An, hàng triệu lượt người hết tháng này tới tháng khác đã đắp nên con đường khai phá ĐTM. Bây giờ ĐTM không còn là cánh đồng hoang, nhưng câu chuyện thú vị về nó thì vẫn chưa dứt. Nói về mùa lũ lớn năm 2011, ông Ba Nhóm như càng hào hứng hơn: Sống chung với lũ, chân lý đó đã quá rõ ràng. Không có lũ thì không phải là ĐTM. Nhưng ĐTM ngày nay không chấp nhận thiệt hại do lũ, mà đang tận dụng lũ để khá lên, để làm giàu. Ông cũng cho biết, ở ĐTM ngày nay đang có xu hướng tích tụ ruộng đất, nhiều hộ đã có trong tay hàng trăm hécta lúa, máy gặt đập liên hợp chạy khắp đồng ruộng. Điều kiện đang cho phép người dân ĐTM tổ chức sản xuất lớn (theo hộ gia đình hoặc theo hợp tác xã). Nhưng, ông Ba Nhóm hoàn toàn không sợ tới lúc nào đó sẽ mất chuyện ông độc quyền gieo sạ lúa bằng máy bay! Nguyễn Phấn Đấu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN). Chiều 21/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường thiệt hại. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng sổ kinh phí dự kiến bồi thường thiệt hại của 4 tỉnh đề xuất bổ sung phạm vi, đối tượng theo Công văn số 3311/BNN-TCTS là 563,172 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 271,587 tỷ đồng; Quảng Bình: 258,581 tỷ đồng; Quảng Trị: 26,653 tỷ đồng; Thừa Thiên-Huế: 6,351 tỷ đồng). Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho các địa phương với tổng số tiền là 6.580 tỷ đồng; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác thống kê, thẩm định, chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung cho 4 tỉnh với số tiền 118,084 tỷ đồng (Hà Tĩnh 39,355 tỷ đồng, Quảng Bình 46,670 tỷ đồng, Quảng Trị: 9,22 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế: 22,839 tỷ đồng). Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, tính đến ngày 18/8, các tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân là 5.946,1 tỷ đồng đạt 94,3% số tiền thiệt hại và bằng 90,37% so với số tiền tạm cấp. Hiện nay, các tỉnh đều chưa chi trả hết tiền bồi thường (còn lại khoảng 5% của tổng giá trị thiệt hại 6.305,45 tỷ đồng) cho người dân là do đối tượng được bồi thường hỗ trợ không có mặt tại địa phương, đi lao động ở nước ngoài, đi làm việc trên các tàu khai thác xa bờ ở địa phương khác và do một số đối tượng còn khiếu nại chờ giải quyết. Do đó, các địa phương đang tiếp tục rà soát đối tượng, hồ sơ và giải quyết các vướng mắc để chi trả bồi thường thiệt hại. Rà soát lượng hải sản tồn kho. Tính đến nay, theo báo cáo của các tỉnh, tổng số hải sản lưu kho là 11.751,83 tấn, tăng tới 6.382,83 tấn (gấp 2,2 lần) so với số báo cáo của Bộ Y tế ngày 08/11/2016 (5.369 tấn), trong đó, Hà Tĩnh: 2.919,63 tấn; Quảng Bình: 926,4 tấn; Quảng Trị: 2.392,46 tấn; Thừa Thiên-Huế: 145,3 tấn. Các địa phương đã hoàn thành thủ tục phê duyệt bồi thường hỗ trợ cho 6.226,6 tấn hải sản lưu kho. Băn khoăn về số hải sản tồn kho này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đặt vấn đề: vì sao càng về sau, số hải sản tồn kho càng tăng lên, trong khi đã có rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần rà soát kỹ lượng hải sản tồn kho, tránh những tranh chấp nảy sinh. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức đoàn công tác liên bộ, kiểm tra để kiểm chứng hàng hải sản tồn kho phát sinh của 4 tỉnh so với số báo cáo ban đầu của Bộ Y tế, tránh việc lợi dụng. Bày tỏ quan điểm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng nguyên tắc đền bù với hải sản phải tồn kho là phải chứng minh được tính xác thực. Sau khi Bộ Công Thương kiểm tra sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Không hỗ trợ lãi suất đóng mới 400 tàu cá. Đối với dự án hỗ trợ lãi suất đóng mới 400 tàu cá cho ngư dân 4 tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất không thực hiện dự án, dành kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển được hưởng lợi chung. Điều này nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành và 4 địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng với hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng, nếu chọn ra một số hộ dân được xét duyệt đóng tàu với số tiền hưởng lợi khoảng 2 tỷ đồng/tàu trong khi người dân khác cũng bị thiệt hại nhưng lại không được hỗ trợ, sẽ không công bằng, gây thắc mắc trong cộng đồng và khiếu kiện với các cấp chính quyền khi xét duyệt người tham gia, không đảm bảo công bằng về lâu dài. Chuyển số tiền này sang xây dựng hạ tầng là chia sẻ lợi ích được nhiều nhất, khả thi và hợp lý nhất. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy đến nay, số tàu khai thác xa bờ cả nước đã đạt được theo quy hoạch, vì vậy, để đảm bảo khai thác bền vững, không tăng thêm số lượng tàu khai thác xa bờ. Người dân 4 tỉnh có nguyện vọng muốn đóng tàu khai thác xa bờ, vẫn có thể tiếp tục thực hiện theo chính sách hỗ trợ đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu trong số tàu đóng theo Nghị định 67 cho 4 tỉnh. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết sau hơn 1 năm, sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản được khắc phục, tình hình an ninh chính trị ngày càng được củng cố. Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ việc giải quyết đền bù cho dân, không để xảy ra sơ suất. Bồi thường phải công khai, minh bạch. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao 4 tỉnh một mặt tập trung khắc phục sự cố môi trường biển, một mặt chăm lo tốt an sinh xã hội, đời sống người dân, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng có hiệu quả tiền hỗ trợ của Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch đã có nhiều khởi sắc. Môi trường biển đã an toàn để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN). Theo Phó Thủ tướng, Công ty Formosa đã khắc phục cơ bản 52 lỗi vi phạm, có biện pháp giám sát đối với hồ sinh học xả thải ra môi trường, bước đầu sản xuất thép để xuất khẩu và đóng góp vào thu ngân sách nhà nước. Formosa cũng đã tham gia vào các hoạt động xã hội. "Chúng ta vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để tránh những vi phạm nảy sinh. Nếu có vi phạm, chúng ta kiên quyết xử lý. Đồng thời, giám sát chặt chẽ lò cao số 2, khi hoạt động không được xảy ra sự cố nào," Phó Thủ tướng nêu rõ. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ không giữ đồng nào tiền đền bù mà giao cho địa phương quản lý và triển khai chi bồi thường. Kiên quyết không mở rộng phạm vi và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ. Về số hải sản tồn kho theo báo cáo của địa phương ngày càng tăng, nếu đúng phải bồi thường cho bà con, muốn vậy phải chứng minh rõ ràng, minh bạch, căn cứ nguồn gốc theo hướng dẫn của bộ, ngành, được cộng đồng xác thực chứ không thể mua gom ở đâu đó mang về để kê khai nhận đền bù, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương vào kiểm tra thực tế, cùng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả kiểm tra của mình trong tháng 8/2017. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần mọi hoạt động bồi thường phải đúng, công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo có sự kiểm tra giám sát của cộng đồng, không để phát sinh tiêu cực. Phó Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát lại một lần nữa môi trường biển tại 4 tỉnh bị sự cố, nếu ở nơi nào môi trường biển bị hủy hoại mà chưa được tái tạo hoặc tái tạo chậm, cần khôi phục lại ngay./. Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+).
Hiện thực cần báo động trong đời sống của những người nông dân được ông phác thảo trong hình thức những bức thư gửi đến chúng ta. Bây giờ, làng Chùa của ông và những làng khác ở tỉnh Hà Tây cũ đã trở thành một làng chính thức của Hà Nội mở rộng. Thư Thăng Long xin trân trọng giới thiệu 7 bức thư của ông như một trong nhiều góc nhìn về nông thôn hiện nay để bạn đọc cùng tham khảo và chia sẻ. Bức thư thứ nhất: Họ đang đi theo một vòng tròn Nông thôn Việt Nam. Nguồn ảnh: xttm.agroviet.gov.vn Tôi chọn năm 1954 là điểm xuất phát đường đi của những người nông dân. Bởi đó là lúc Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn khỏi ách cai trị của người Pháp. Người ta thường lấy mốc năm 1954 là thời gian hòa bình được lập lại. Nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp tục. Máu vẫn đổ. Chỉ sau năm 1975, chiến tranh mới chấm dứt. Từ năm 1954 đến nay, những người nông dân đã đi một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ trên cánh đồng của họ. Và họ đã đi được đến đâu? Họ có biến được giấc mơ về sự giàu có và văn mình của mình thành hiện thực không? 54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát. Nếu ai đó phản biện điều tôi vừa nói trên thì xin đừng dùng những hình thức bên ngoài trong đời sống của họ để làm bằng chứng cho những phản biện của mình. Đời sống sinh hoạt có những thay đổi. Nhưng những thay đổi ấy không có ý nghĩa nhiều lắm so với sức lao động và sự hy sinh của họ hơn nửa thế kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn gần hơn nữa vào hiện thực trên cánh đồng của họ và nhìn sâu hơn nữa vào ngôi nhà họ, tôi tin chúng ta không thể cầm lòng. Trước năm 1954, những người nông dân là những người làm thuê cho các chủ đất mà chúng ta gọi là địa chủ. Sau khi Miền Bắc được giải phóng mang theo cuộc cách mạng ruộng đất lớn, đất đai không thuộc về những chủ đất trước đó nữa. Nhưng bản chất sâu xa thì người nông dân vẫn chưa thực sự trở thành người chủ sở hữu đất đai của họ. Hợp tác xã được thành lập. Trước kia, đất đai thuộc sở hữu của một cá nhân thì sau này thuộc sở hữu của một tập thể những cá nhân. Những người nông dân vẫn chỉ là những người làm công ăn điểm. Họ không được toàn quyền quyết định hình thức và nội dung sản xuất của họ. Chỉ đến khi Khoán quản ra đời thì vai trò tự chủ của người nông dân đối với mảnh đất của họ mới được xác lập một phần. Nhưng việc sở hữu đất đai vẫn chưa thuộc về họ. Máy cày cải tiến đã được đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm trước. Nguồn ảnh: Blog.360.yahoo.com Lý thuyết về Khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này. Báo Nhân Dân đã có hẳn một bài báo của nhà báo Đắc Hữu với dòng tít lớn: "Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam". Và ông chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Công đã trở thành đại biểu Quốc hội ngay sau đó khi ông mới chỉ học hết lớp ba. Dăm năm trước, nhân một lần về quê, tôi đã đến thăm ông. Ông là người đầu tiên và có lẽ là người duy nhất của xã tôi là đại biểu Quốc hội. Ông vẫn thế, ngôi nhà ông ở vẫn thế, không có một chút gì thay đổi ngoài thời gian phủ những nếp nhăn lên gương mặt ông và phủ rêu phong lên những bức tường. Nhưng từ đó đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của những người nông dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Vào những năm 1950 và đặc biệt những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cơ giới và kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp khá tốt. Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng ngủ thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió. Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Hình ảnh này trước kia được dùng để nói về nỗi thống khổ và lạc hậu của người nông dân thì bây giờ lại là hình ảnh quá quen thuộc trên những cánh đồng. Nhưng ngay cả trâu bò cũng không đủ cho nông dân cày ruộng. Bởi thế, hình cảnh cha mẹ, con cái, cháu chắt những người nông dân còng lưng cuốc đất trên đồng mỗi ngày lại càng trở nên phổ biến. Đây không phải là một hình ảnh thơ mộng mà là một hình ảnh cay đắng. ...Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Nguồn ảnh: tintucthuongmai.vn Có một điều kỳ lạ là bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy trên truyền hình hồ hởi đưa tin những người nông dân sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy gieo hạt như một thành tựu khoa học. Tôi xin hỏi những nhà sáng chế nhiều bằng cấp trong các viện sáng chế của Nhà Nước đang ở đâu và đang làm gì mà phải để cho mấy người nông dân có khi chỉ học hết lớp ba trường làng hì hục nghiên cứu ra một số phương tiện để bớt đi những vất vả của chính họ rồi truyền hình và một số báo chí lao vào ca ngợi như một sự phát hiện? Một hiện thực nữa là từ năm 1954, chúng ta đã bắt đầu đào tạo những kỹ sư nông nghiệp một cách có hệ thống. Theo tôi biết, mỗi năm ít nhất có khoảng vài trăm kỹ sư nông nghiệp ra trường. Nhưng suốt một nửa thế kỷ qua, ở rất nhiều vùng quê tôi biết thì không hề có lấy một ông (bà) kỹ sư nông nghiệp nào về sống, làm việc cùng nông dân và hướng dẫn họ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì những người nông dân cả nước đang sống theo kiểu du canh. Nghĩa là, họ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo bản năng và thói quen như tổ tiên họ trước kia. Những người nông dân được hỏi đều buồn bã thừa nhận rằng không ai quan tâm đến họ. Nhiều người nông dân nói: chúng tôi đang được quan tâm vì người ta muốn lấy ruộng để xây dự án. Họ được đền bù một số tiền mà họ chưa bao giờ có. Nhưng những đồng tiền đền bù đó chính là những đồng tiền sẽ mua sự thất nghiệp và những thách thức khác cho chính họ mà họ không biết. Hoặc họ có biết nhưng họ làm sao cưỡng lại được. Cái chính sách mà họ thực sự cần là chính sách tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu họ sau khi không còn đất để cấy trồng nữa ở những nơi mà ruộng đất ngàn đời của họ đã và đang bị chung cư hóa. Nhưng một chính sách cụ thể như thế cho đến giờ không một người nông dân nào nhìn thấy và hình như cũng chưa nghe thấy. Trong một triển lãm ảnh về nông thôn mà tôi đến xem, những bức ảnh chụp rất đẹp theo nghĩa nghệ thuật chụp ảnh. Nhưng tôi nhận ra rằng: những cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ. Những người nông dân đang đi theo một vòng tròn. Đấy không phải là ý của tôi. Đấy là ý của những người nông dân làng tôi. Họ nói: Ngày xưa ông bà chúng tôi làm ruộng thế nào bây giờ chúng tôi vẫn làm như thế. Chỉ khác là bây giờ có điện. Nhưng cứ vào ngày mùa thì điện lại cắt. Từ ý đó, hay đúng hơn từ hiện thực mà tất cả chúng ta đang nhìn thấy, tôi, một nhà văn có biết một chút phép tu từ nên viết thành câu: Họ đang đi theo một vòng tròn. Nguyễn Quang Thiều Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: [email protected] Ý kiến bạn đọc:
Tới chiều qua, chuyện HLV taekwondo Lê Minh Khương, bị áp giải vẫn chưa được phân xử đúng, sai. Rộng đường dư luận, Tiền Phong trao đổi với bà Eileen Tan, một trong ba hành khách ngồi ở khoang thương gia chứng kiến trọn vẹn sự việc. Chuyện ở khoang hạng thương gia Bà Eileen Tan quốc tịch Singapore, hiện là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Singapore tại TP HCM, Tổng GĐ Cty Viking Travel. Trên chuyến bay VN1169, bà Eileen Tan ngồi ở số ghế 1C (chiếc ghế có lúc võ sư Lê Minh Khương ngồi, đã được bà chụp ảnh) hạng thương gia và chứng kiến sự việc từ đầu tới khi kết thúc. Sáng 21-4, sau khi kể lại câu chuyện với PV Tiền Phong qua điện thoại, bà Eileen Tan còn gửi thư điện tử tường thuật (bằng tiếng Anh) và loạt ảnh hiện trường. Bà Eileen Tan kể: Khi máy bay hạ cánh sân bay Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng, ông HLV võ thuật bước vào khoang hạng thương gia trao đổi với tiếp viên. Tiếp đến, anh ta quay về chỗ ngồi (ở khoang hạng thường) và trở lại với hành lý xách tay cùng một người bạn, rồi ngồi lên chiếc ghế 1C của tôi (do khoang thương gia rộng, lại chỉ có ba khách nên trước đó, tôi đổi chỗ ngồi cho tiện). Lúc đó, tôi đã thắc mắc với tiếp viên, tại sao người đàn ông đó lại tự tiện vào khoang này và ngồi lên chỗ của tôi (trong khi chỗ của anh ở khoang khác). Cô tiếp viên trả lời rằng, người đó muốn xuống máy bay ở Đà Nẵng và đang chờ an ninh sân bay phúc đáp. Liền ngay đó, một người đàn ông khác tiến đến gần tiếp viên, sau này tôi mới biết đó là một ca sỹ (được bà Eileen Tan chụp ảnh phía sau lưng và chú thích người đang đứng gãi đầu- ca sỹ Quang Hà). Ca sỹ và bạn của anh ta trông rất hung hăng ở khoang thương gia. Tôi đưa máy ảnh lên chụp khi anh ta ở gần bên nhưng liền bị anh ta xua tay và nói: Không được chụp. Sau đó, ca sỹ này đi vào hốc chứa đồ thực phẩm trên máy bay cùng bạn. Cuối cùng do máy bay đang nạp nhiên liệu nên ông HLV võ thuật không được xuống sân bay. Cơ trưởng yêu cầu đóng cửa máy bay. Một trong số tiếp viên đến yêu cầu HLV và bạn anh ta về chỗ ngồi cũ nhưng ông ta từ chối. Ông HLV lúc đó trông rất thô lỗ và hét vào mặt cô tiếp viên đang chực khóc. Tuy nhiên, nữ tiếp viên vẫn kiên quyết buộc hành khách về chỗ ngồi trước khi đi kiểm tra cửa máy bay. Ông HLV liền đứng dậy đi về phía 4 tiếp viên đang làm thủ tục cất cánh, rồi kêu ầm lên đồng thời vung tay giơ nắm đấm. Tôi tin rằng, trong trường hợp này, tiếp viên đã không có sự lựa chọn nào khác hơn là báo cáo sự việc cho cơ trưởng. Chiều tối 21-4, liên quan thông tin võ sư Lê Minh Khương không khởi kiện VNA, luật sư Trần Thu Nam (người được ủy quyền liên hệ với VNA làm rõ sự việc trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4), cho biết: "Anh Khương đang cân nhắc vì không muốn làm ảnh hưởng tới uy tín của hãng hàng không quốc gia. Sự việc diễn ra chỉ do một số cá nhân của hãng gây ra". Một lần nữa, chuyến bay bị hoãn. Lúc cửa máy bay mở, tôi hỏi tiếp viên chuyện gì đang xảy ra và được giải thích mọi chuyện. Ông HLV có vẻ biết điều gì đang diễn ra nên nhanh chóng xách hành lý trở về chỗ ngồi cũ ở khoang hạng thường. Dường như lập tức, 5 nhân viên bước lên máy bay. Hai trong số này mặc đồng phục và mang theo còng số tám. Họ trao đổi nhanh với tiếp viên và tiến về khoang hạng thường. Tức thì, tôi nghe tiếng la lối và thấy 5 nhân viên này đang kéo ông HLV (khi ông ấy không nghe lệnh của họ- bà Eileen Tan chú thích) theo lối cửa qua khu hạng thương gia. Ông HLV võ thuật gào lên hết cỡ. Lúc kéo vị khách đặc biệt qua hàng ghế cuối cùng, ông ấy ngoắc một chân vào giữa 2 ghế và bám chặt 2 tay vào thành ghế. Ông ta nhìn về phía vị khách người Australia và tôi để cầu cứu rồi kêu bằng tiếng Anh: Help me! Help me! Tuy nhiên, làm sao chúng tôi có thể động lòng được khi chính anh ta đã gây nên những phiền toái khiến máy bay hoãn chuyến. Cùng lúc, nhóm của ca sỹ lại xuất hiện, giờ có thêm một nữ hành khách và bạn của ông HLV. Nữ hành khách này còn hỏi tôi biết tiếng Anh không. Khi ông HLV được đưa ra khỏi máy bay, nhóm ca sỹ cũng theo xuống. Đồng hồ điểm 3 giờ sáng, cơ trưởng và tiếp viên thông báo chuyến bay chậm dài hơn do phải lấy hành lý cho nhóm người xuống khỏi máy bay. Cuối cùng máy bay mãi 4 giờ mới cất cánh và hạ cánh Tân Sơn Nhất một tiếng sau đó. Thất vọng Ngoài ra, bà Eileen Tan cũng bày tỏ thái độ với VNA khi để hành khách ra vào khoang hạng thương gia tự do, không đúng quy định như các hãng hàng không trên thế giới mà bà từng đi. Ngay từ đầu, không nên để hành khách tự do đi lại vào khoang này, bất kể đó là ca sỹ hay là ai. Hơn nữa, khi sự việc xảy ra, cơ trưởng cũng không thèm ra ngoài xin lỗi hành khách. Tôi đã gửi thư phản ánh với VNA nhưng chưa nhận được hồi âm. Điều này khiến tôi thất vọng, bà Eileen Tan nói. Theo bà Eileen Tan, bố của bà là một cơ trưởng với hơn 30 năm kinh nghiệm, từng lái cho nhiều hãng hàng không lớn như Malaysia Airlines, Singapore Airlines... nên bà hiểu cách ứng xử cần thiết của cơ trưởng chuyến bay. "Thấy nhiều người lên xem, tôi cũng đi theo, chui qua ri-đô, thấy anh Khương đang bám vào cái ghế để chống lại sự kéo xuống của mấy người an ninh kia. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi nhìn vào mặt anh, thấy anh Khương có vẻ như nhận ra Trần Lực là diễn viên và nói một câu mà tôi không quên được: "Anh ơi cứu em với" làm tôi sững hết cả người" - Trần Lực kể. Trần Lực định bước lên can thì một cô tiếp viên ra kéo ri đô che lại và nhìn anh lầm lừ. Anh hỏi một cô nhân viên khác: "Có việc gì đấy em?". Đáp: "Tại vì hành khách này muốn xuống máy bay". Trần Lực bảo: "Muốn xuống sao lại đánh người ta?". Theo Trần Lực, nhân viên an ninh bẻ tay anh Khương ở khoang hạng thường, khác với thông cáo báo chí của VNA phát đi nói rằng hành khách ở khoang phổ thông không chứng kiến được vụ việc. Trần Lực cho rằng, nhiều người nhìn thấy vụ đánh người và ca sĩ Quang Hà là người nhìn gần nhất vì đứng ngay đấy. Ca sĩ Quang Hà khẳng định "chuyện nhân viên an ninh của sân bay Đà Nẵng đánh người hoàn toàn là sự thật". Quang Hà nói tiếp: "Tôi vẫn còn nhớ rõ mặt nhân viên an ninh của sân bay Đà Nẵng đánh người. Trong trường hợp nhận được đề nghị hợp tác, tôi sẵn sàng hủy show diễn của mình tại Sài Gòn để di chuyển ra Đà Nẵng làm nhân chứng. Tôi khẳng định anh Khương chỉ hét lớn khi bị nhân viên bảo vệ khống chế và đánh Trong vụ việc này, tất cả đều diễn ra trước mặt tôi và nhiều người khác Tôi cũng không phải là kẻ rỗi hơi để đi dựng chuyện ầm ĩ đó". Đ.T.T (tổng hợp) Đạo diễn Trần Lực và ca sĩ Quang Hà: Võ sư Khương bị đánh Trả lời báo Dân Việt, đạo diễn Trần Lực kể, anh thấy một số người mặc quần áo đồng phục có chữ "An ninh" sau lưng, tiến tới anh Khương. Anh Khương giơ tay trình bày thì một nhân viên an ninh gạt tay anh xuống. Anh Khương cố lùi lại hàng ghế thì mấy người an ninh kia xô vào túm lấy anh này, bẻ tay, đè cổ dạt xuống sàn. Thấy một tiếng hét "Các hành khách ơi" rồi không nghe thấy gì nữa vì hình như anh Khương bị bịt miệng. Rồi các nhân viên an ninh này đẩy anh Khương lên trên. "Thấy nhiều người lên xem, tôi cũng đi theo, chui qua ri-đô, thấy anh Khương đang bám vào cái ghế để chống lại sự kéo xuống của mấy người an ninh kia. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi nhìn vào mặt anh, thấy anh Khương có vẻ như nhận ra Trần Lực là diễn viên và nói một câu mà tôi không quên được: "Anh ơi cứu em với" làm tôi sững hết cả người" - Trần Lực kể. Trần Lực định bước lên can thì một cô tiếp viên ra kéo ri đô che lại và nhìn anh lầm lừ. Anh hỏi một cô nhân viên khác: "Có việc gì đấy em?". Đáp: "Tại vì hành khách này muốn xuống máy bay". Trần Lực bảo: "Muốn xuống sao lại đánh người ta?". Theo Trần Lực, nhân viên an ninh bẻ tay anh Khương ở khoang hạng thường, khác với thông cáo báo chí của VNA phát đi nói rằng hành khách ở khoang phổ thông không chứng kiến được vụ việc. Trần Lực cho rằng, nhiều người nhìn thấy vụ đánh người và ca sĩ Quang Hà là người nhìn gần nhất vì đứng ngay đấy. Ca sĩ Quang Hà khẳng định "chuyện nhân viên an ninh của sân bay Đà Nẵng đánh người hoàn toàn là sự thật". Quang Hà nói tiếp: "Tôi vẫn còn nhớ rõ mặt nhân viên an ninh của sân bay Đà Nẵng đánh người. Trong trường hợp nhận được đề nghị hợp tác, tôi sẵn sàng hủy show diễn của mình tại Sài Gòn để di chuyển ra Đà Nẵng làm nhân chứng. Tôi khẳng định anh Khương chỉ hét lớn khi bị nhân viên bảo vệ khống chế và đánh Trong vụ việc này, tất cả đều diễn ra trước mặt tôi và nhiều người khác Tôi cũng không phải là kẻ rỗi hơi để đi dựng chuyện ầm ĩ đó". Đ.T.T (tổng hợp).
Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Quá trình mang thai thực sự tuyệt vời, nó giúp tôi trưởng thành. Sự thật: Không phải mẹ bầu nào cũng cảm nhận được sự tuyệt vời của 9 tháng 10 ngày thai nghén. Nhiều chị còn cho rằng, việc mang thai không khác gì cực hình với họ. Thời gian bầu bí, chị em sẽ có nhiều những biến đổi về các mặt sinh lý, tâm lý, lối sống vì vậy cuộc sống của nhiều người dường như bị đảo lộn hoàn toàn. Thậm chí một số trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm hay lo lắng vì mang thai. Chị Trang Nhung ( Hà Nội) thú thật: Tôi như phát điên khi mang thai lần đầu. Tôi là thợ làm tóc, công việc khiến tôi phải đứng suốt ngày nên rất mệt mỏi, lắm lúc tôi thấy mình như sắp kiệt sức đến nơi. Cái bụng bầu mỗi ngày to lên khiến tay chân tôi trở nên lóng ngóng, việc cầm kéo cắt tóc cho khách hàng cũng không dễ dàng như trước, mặc dù đó là công việc quá quen thuộc với tôi hơn 7 năm nay. Lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý dành cho chị em trong trường hợp này: - Cần biết cách sắp xếp hợp lý, khoa học giữ công việc hàng ngày và sức khỏe thai nhi. - Bạn hãy mạnh dạn đề xuất với các đồng nghiệp ưu tiên hơn trong quá trình làm việc, thậm chí xin phép được làm việc tại nhà nếu có thể. - Hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân như đi dạo, sapa hoặc tán gẫu cùng bạn bè để đánh bay những cơn stress, áp lực của công việc. - Và người đồng hành quan trọng ở bên mẹ bầu lúc này không ai khác chính là ông xã, nếu bạn đang mệt mỏi, căng thẳng thì hãy nhờ sự trợ giúp của anh ấy. Sự động viên, giúp đỡ từ người thân trong gia đình đã có kinh nghiệm như mẹ chồng, mẹ đẻ cũng có ý nghĩa nhất định để bà bầu vượt qua những lo lắng không cần thiết khi bầu bí. - Và dù thế nào đi chăng nữa, khi mang thai và sinh con, người phụ nữ đã có một sự trải nghiệm khó quên trong đời. Những khó khăn, mệt mỏi, đau đớn về thể xác lần tinh thần đều sẽ giúp chị em bản lĩnh hơn, cứng cáp hơn, tất cả đều vì bảo vệ con yêu. Tôi như phát điên khi mang thai lần đầu. (ảnh minh họa). Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Sau 3 tháng đầu mang thai, tôi sẽ hết buồn nôn. Mai Hương, nhân viên văn phòng cho biết: Lúc mới ốm nghén, bác sĩ sản khoa, bạn bè đều động viên tôi rằng tình trạng của tôi sẽ sớm kết thúc sau 3 tháng đầu của thai kỳ. Tôi mệt mỏi nhẩm tính từng ngày để 3 tháng đó qua mau nhưng cuối cùng bước vào tam cá nguyệt thứ 2, tôi vẫn ốm nghén. Sự thật: Nhiều mẹ bầu nghén, nôn ọe không chỉ vào buổi sáng mà nó có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào ngày hay đêm, sáng trưa chiều tối. Về mặt tích cực thì việc ốm nghén có thể báo hiệu cho mẹ bầu biết rằng mình đang có một thai kỳ khỏe mạnh. Hiện tượng này xảy ra là do hormone hCG , tiết ra từ nhau thai. Hormone này tăng cao nhất khi thai nhai ở tuần 8 đến tuần 12 của thai kỳ. Và có đến 50-75% thai phụ khi mang thai đều có hiện tượng buồn nôn, ốm nghén. Đa số hiện tượng này sẽ kết thúc sau tam cá nguyệt thứ nhất. Để giảm bớt tình trạng nôn ói, mẹ bầu nên ngậm kẹo gừng, kẹo bạc hà, nhai kẹo cao su. Một tin buồn là các chuyên gia hiện nay vẫn tìm hiểu nguyên nhân vì sao một số mẹ bầu kéo dài thường gian ốm nghén lâu hơn người khác. Khi kéo dài thời gian ốm nghén, nhiều chị em cảm thấy mệt mỏi không thể tiếp tục công việc bình thường và phải nhập viện. Đặc biệt một số ít người mắc phải hội chứng ốm nghén HG, kéo dài cho đến tận ngày sinh. Với những trường hợp này cần phải có sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa chứ không nên ở nhà tự điều trị. Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Cứ mang thai đi, sẽ đẹp lên đấy. Chị Lan Anh (Văn Quán, Hà Đông) kể: Vốn dĩ, tóc mình là tóc rễ tre, cứng và khô. Mẹ mình vẫn bảo: Không sao đâu, đến lúc có bầu, thay đổi nội tiết là da, tóc cũng đẹp lên, cứ bầu bí rồi sẽ biết. Mình háo hứng lắm, tưởng bở sẽ có ngày vịt hóa tiên nhưng ai dè, ngoài da mặt hồng hào hơn 1 chút thì tóc mình vẫn xấu như thế. Sự thật: Trên thực tế không phải ai cũng may mắn đón nhận sự thay da đổi thịt trong thời gian mang bầu. Cũng có nhiều mẹ bầu xinh đẹp lên trông thấy khi bụng bầu mỗi ngày một lớn lên, ngược lại cũng có chị càng ngày xấu đi. Cơ địa hay hệ thống nội tiết tố của mỗi cá nhân không ai giống ai. Có nhiều mẹ tóc mỏng trở nên dày hơn, dài hơn. Tóc xấu, khô thì lại trở nên mềm mượt. Có người thì da dẻ căng mịn, hồng hào vì lượng hồng cầu tăng, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hơn trước nên có những dấu hiệu thay đổi tích cực. Ngược lại không ít chị em gặp phải những tính huống tồi tệ hơn do các mạch máu bị phá vỡ, các tĩnh mạch căng lên nên khi nhìn chân tay trông rất sợ. Có chị thì xuất hiện nhiều mụn trứng cá, vết tàn nhang hoặc đường Nigra (vết cắt màu đen) trên thành bụng. Nguyên nhân chung của những thay đổi này là do các hormone của tuyến nội tiết tăng cao đột biến. Những dấu hiệu khiến mẹ bầu thấy khó chịu thường biến mất một cách tự nhiên sau thời gian sinh nở. Để hạn chế tình trạng da khô, nám, mụn trứng cá mẹ bầu không nên tự điều trị mà cần thực hiện theo lời khuyên của bác sỹ. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15+ trở lên. Trên thực tế không phải ai cũng may mắn đón nhận sự thay da đổi thịt trong thời gian mang bầu. (ảnh minh họa). Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Mẹ bầu béo lên vì thèm ăn liên tục. Việc thay đổi sở thích ăn uống khi bầu bí cũng chuyện bình thường. Nhiều chị em sẽ từ bỏ thậm chí là ghê sợ những món ăn mà trước đó là món khoái khẩu của họ, và ngược lại. Sở thích này có thể thay đổi tùy thuộc từng giai đoạn mang thai, có thể thay đổi theo mùa, theo điều kiện sức khỏe của mẹ bầu. Nhiều chị luôn có cảm giác thèm ăn vặt, đặc biệt là những món ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh nhưng hãy cảnh giác trước khi trở thành mẹ bầu béo phì. Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, vừa làm xấu mẹ bầu. Hãy lên cho mình một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý với đa dạng chủng loại thực phẩm, chia các bữa ăn làm nhiều bữa ăn trong ngày. Ngoài các bữa chính, mẹ bầu có thể lựa chọn một số đồ ăn vặt có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé như: trái cây tươi, sô cô la đen, các loại hạt. Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Tôi bực mình với bản thân. Bạn Hồng Anh (Đống Đa) nghĩ lại thời gian mang thai mới đây và kể cho chúng tôi rằng: Trong tam cá nguyệt thứ nhất của em, em vô cùng nhạy cảm với rất nhiều loại mùi, mùi nấu ăn, mùi bếp núc, mùi xà phòng. Anh xã nhà em cũng mệt mỏi, bực mình với em nhiều lần vì bị vợ phàn nàn rằng: Miệng anh hôi thế hay anh đi tắm nhanh lên, toàn mùi mồ hôi. Em không hiểu vì sao mình lại thế, rõ rang anh ấy mới đi tắm sao vẫn thấy hôi chân nhỉ? Chị Bảo Khanh, 35 tuổi thì lại bị triệu chứng ptyalism, tức là miệng luôn ứa quá nhiều nước bọt. Mỗi ngày chị phải nhổ nước miếng không biết bao nhiêu lần. Thậm chí đang nói chuyện với đồng nghiệp, chị cũng phải chạy ra ngoài, xin phép có việc. Tuy nhiên tình trạng này không quá phổ biến với mẹ bầu và nó cũng nhanh chóng biến mất sau khi sinh nở. Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Tháng thứ 8, tôi phải 'kiêng chồng'? Nhiều mẹ bầu cảm thấy mất tự tin khi cơ thể mỗi ngày phát tướng hơn. Đâu rồi những đường cong gợi cảm mà ông xã từng chết mê chết mệt ngắm nhìn vợ? Tuy nhiên mất cái nọ lại được cái kia. Do nồng độ hormone estrogen tăng cao trong thời gian mang thai, nhiều chị em luôn cảm thấy nhớ chồng nhiều hơn. Điều này cũng giúp cặp đôi có thêm hưng phấn trong cuộc yêu. Chị Ban Mai, 28 tuổi thích thú kể: Lúc bầu 7 tháng cu Ben, mình và ông xã luôn cảm thấy nhớ nhung nhau. Cả hai vợ chồng đã có những khoảng thời gian thực sự tuyệt vời. Chồng mình bảo, giá như lúc nào mình cũng được như thế. Tuy nhiên nhiều chị đã cấm tuyệt đối chồng vào những tháng cuối vì sợ gây ảnh hưởng cho em bé. Thực tế thì vẫn có nhiều cách yêu khác nhau để hai vợ chồng vẫn cảm thấy thoái mái và không gây ảnh hưởng đến em bé. Những trường hợp mẹ bầu quá mệt mỏi,không có nhu cầu quan hệ hoặc ngày sinh sát kề thì nên nói chuyện thẳng thắn cùng chồng để anh ấy thông cảm. Thay vào đó vợ chồng nhà bầu có thể âu yếm, massage và cùng nhau thưởng thức những bộ phim tình cảm giải trí. Trên thực tế không phải ai cũng may mắn đón nhận sự thay da đổi thịt trong thời gian mang bầu. (ảnh minh họa). Khi chưa bầu bí bạn nghĩ: Chồng làm sao biết được những đau đớn của mình. Nhiều mẹ bầu than thở rằng, mang thai sinh nở cứ như chuyện của riêng mình mình ý. Con thì là con chung, lúc đặt tên thì phải theo họ nội, theo ý nhà nội nhưng bố nó có hiểu được những vất vả của mình đâu. Sự thật: Nhiều ông bố trẻ còn chưa thực sự có trách nhiệm với gia đình, để có thể biết cách hỗ trợ vợ trong thời gian thai nghén. Thứ 2 bản thân họ cũng lung túng, lo lắng chưa chủ động để hiểu được vợ muốn gì, cần gì. Mẹ bầu đừng ngần ngại mà hãy sai bảo, hướng dẫn anh ấy một cách tỷ mỷ để lần sau không phải tủi thân nữa nhé. Việc cập nhật thông tin thai nghén, hướng chồng cùng tham gia các hoạt động cho bà bầu cũng giúp chồng biết cách chăm sóc vợ con nhiều hơn. Và quan trọng rằng, giờ phút chào đời thiên thần bé bỏng, ông xã bạn sẽ nhận rõ trách nhiệm của bản thân từ nay về sau quan trọng như thế nào rồi đấy. Khi mang bầu bạn nghĩ: Tôi thấy xấu hổ khi phòng sinh. Họ sẽ nhìn thấy hết. Mặc dù mình biết là chuyện sinh đẻ là bình thường, ai cũng như ai, đây là công việc hàng ngày của bác sĩ sản khoa rồi nhưng thú thực là tôi thấy e ngại khi anh bác thấy tôi cứ rụt rè, e ngại lúc chuẩn bị lên bàn đẻ. Bác sĩ chắc quá hiểu tâm lý chị em nên cũng nói: Quen rồi, không sao đâu, lên nhanh cho con nó ra nhanh. Sự thật: Các bác sĩ đều tập trung hết mức vào công việc của mình với mong muốn đứa trẻ sinh ra thuận lợi, khỏe mạnh và bình thường vì vậy họ cũng không có nhiều thời gian để ý những vấn đề riêng tư, nhạy cảm của bệnh nhân. Trường hợp nhiều mẹ bầu rặn ra phân trong lúc rặn đẻ cũng là chuyện bình thường. Vì vậy chị em cứ bình tĩnh vì y bác sĩ biết cách xử lý trong tình huống này để đảm bảo vệ sinh cho mẹ và bé. Theo Khám phá.
Sau cổ phần hóa, PVOIL còn nhiều dư địa tăng trưởng, hứa hẹn sẽ có diện mạo mới với sức bật mới. Thương hiệu bán lẻ xăng dầu mạnh. PVOIL được thành lập ngày 6/6/2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC). Sau 10 năm hoạt động với thương hiệu PVOIL, PVOIL đã phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, quy mô và phạm vi hoạt động trải rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và phát triển ra các thị trường Singapore, Lào thông qua hoạt động M&A. PVOIL hiện có vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ đồng và lực lượng lao động gần 6.000 người. PVOIL đã phát triển chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm xăng dầu trực tiếp tại hầu khắp các vùng miền trên cả nước. Hiện nay, PVOIL có 28 công ty con sở hữu trên 50% vốn, 12 công ty liên kết và 9 chi nhánh trực thuộc. Tàu vận chuyển dầu của PVOIL. Hoạt động kinh doanh của PVOIL tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế; kinh doanh các sản phẩm dầu và sản xuất, chế biến xăng dầu, dầu mỡ nhờn, nhiên liệu sinh học. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh sản phẩm dầu chiếm tỷ trọng 75%, kinh doanh quốc tế chiếm 20% trên tổng doanh thu của PVOIL. Trong lĩnh vực ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế, PVOIL là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tổ chức tiếp thị và thực hiện dịch vụ ủy thác xuất bán dầu thô Việt Nam và dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác tại các mỏ nước ngoài. Đây là hoạt động tạo nguồn thu ổn định và hiệu quả của PVOIL. Với bề dày 31 năm kinh nghiệm, PVOIL đã trực tiếp xuất bán an toàn và hiệu quả trên 300 triệu tấn dầu thô các loại, khẳng định uy tín trong ngành Dầu khí và với các đối tác. PVOIL cũng là doanh nghiệp duy nhất cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm từ nguồn trong nước và nhập khẩu. Năm 2011, PVOIL đã thành lập công ty con tại Singapore (PVOIL Singapore) để triển khai kinh doanh dầu quốc tế. Kể từ khi thành lập đến nay, PVOIL Singapore đã kinh doanh thành công 7 triệu tấn dầu thô trên thị trường quốc tế. Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, PVOIL khẳng định vị trí thứ 2 với sản lượng tiêu thụ trên 3 triệu m3/tấn/năm, chiếm khoảng 22% thị trường xăng dầu trong nước. PVOIL sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 3.500 cửa hàng xăng dầu mang thương hiệu PVOIL (3.000 cửa hàng của đại lý) và lượng khách hàng công nghiệp truyền thống ngành dầu khí, than, điện. PVOIL đã có bước phát triển vượt bậc trong việc phát triển hệ thống bán lẻ, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Từ xuất phát điểm chỉ có 82 cửa hàng xăng dầu, đến nay PVOIL đã sở hữu 540 cửa hàng xăng dầu khang trang, đồng bộ. Sản lượng bán trực tiếp tại cửa hàng xăng dầu PVOIL tăng gấp nhiều lần, tỷ trọng bán lẻ từ 2% lên mức 24% tại thời điểm tháng 4/2018. Về cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, PVOIL hiện sở hữu hệ thống kho, cảng gồm 10 tổng kho chính và 24 kho trung chuyển xăng dầu tại các địa bàn trọng yếu trên cả nước với tổng sức chứa 962.000m3, được trang bị công nghệ hiện đại, đồng bộ. PVOIL bảo đảm việc tồn chứa, cung cấp nguồn hàng cho hệ thống hiện tại cũng như sẵn sàng cho việc mở rộng kinh doanh trong 5-7 năm tới. PVOIL hiện có hơn 100 xe bồn chở xăng dầu với tổng dung tích 2.000m3và 7 xà lan với tổng dung tích 4.000m3để chuyên chở hàng trong hệ thống. Ngoài ra, hệ thống xe bồn lưu động (PVOIL Mobile) đang phát huy hiệu quả trong việc phân phối, bán lẻ xăng dầu. PVOIL Mobile là một giải pháp mới trong tiếp cận, cung cấp xăng dầu cho người tiêu dùng. Tại thị trường Lào, PVOIL sở hữu mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp và chuyên nghiệp với 120 cửa hàng xăng dầu tọa lạc ở những vị trí thuận lợi tại 16/18 tỉnh, thành phố, là công ty kinh doanh xăng dầu đứng thứ hai tại Lào với thị phần khoảng 20%. Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xăng dầu, nhiên liệu sinh học và dầu mỡ nhờn của PVOIL, riêng sản lượng xăng dầu pha chế từ condensate đạt trên 600 nghìn m3/năm. PVOIL đã tham gia góp vốn xây dựng 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) và đầu tư 11 trạm pha chế xăng E5. Sau 4 tháng triển khai kinh doanh đại trà xăng E5 trong cả nước (từ ngày 1-1-2018), PVOIL cung ứng ra thị trường trên 193.000m3xăng E5, hoàn toàn có khả năng cung cấp xăng E5 cho các đơn vị thành viên, các đại lý và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sản phẩm dầu mỡ nhờn của PVOIL mang thương hiệu PVOIL LUBE với trên 140 loại dầu mỡ bôi trơn các loại từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Tiếp tục phát triển. Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, PVOIL dự kiến bán 64,9% vốn Nhà nước. Trong đó, bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 0,18%; bán thông qua đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 20% và bán cho cổ đông chiến lược 44,72%. Các nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 49% vốn điều lệ của PVOIL. Ngày 25/1/2018, PVOIL tổ chức thành công phiên IPO, giá đấu thành công bình quân 20.196 đồng/cổ phần. Hoạt động chế biến sản phẩm dầu. Với khối lượng chào bán gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ của PVOIL, giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần, tổng giá trị chào bán hơn 2.770 tỉ đồng, đã được 3.195 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua hết với khối lượng đăng ký hơn 483 triệu cổ phần, gấp 2,33 lần khối lượng chào bán, chứng minh sức hút mạnh mẽ của PVOIL đối với các nhà đầu tư. Ngày 7/3/2018, số cổ phần nêu trên chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán OIL; mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần; số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch 200.445.036 cổ phần; giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 2.004.450.360.000 đồng; giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.200 đồng/cổ phần. Hiện nay, PVOIL đang tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Với những kết quả đạt được qua 10 năm phát triển, PVOIL tự tin tiếp tục bước đi trên hành trình mới. Giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa (2018-2022), trong bối cảnh dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục gia tăng 5-6%/năm, nguồn cung xăng dầu được đáp ứng bởi các nhà máy lọc dầu trong nước cùng với chính sách điều hành của Chính phủ ngày càng ổn định, minh bạch và theo cơ chế thị trường, với nền tảng cơ sở vật chất và những thành tựu đạt được những năm qua, PVOIL đặt mục tiêu phát triển đột phá, với các chỉ tiêu cơ bản sẽ đạt vào năm 2022 như sau: Thị phần 35%; tỷ trọng bán lẻ 35%; tỷ trọng bán khách hàng công nghiệp 35%. PVOIL sẽ phát triển hơn 1.000 cửa hàng xăng dầu trong giai đoạn này, bình quân hơn 200 cửa hàng xăng dầu/năm chủ yếu thông qua M&A. Năng lực nội tại của PVOIL qua 10 năm tích lũy trên nền tảng vững chắc của các đơn vị tiền thân cộng hưởng với năng lực của các nhà đầu tư và tiềm năng của thị trường xăng dầu Việt Nam cho thấy tương lai phát triển của PVOIL đầy triển vọng. PVOIL tự hào nhìn lại chặng đường đã qua và tự tin bước về phía trước trên con đường mới. Quế Chi.
Đổi mới để thành công. Con đường lập nghiệp của Steve Jobs có thể được coi như một mẫu mực từ không thành có của giấc mơ Mỹ. Ngay từ nhỏ, thiên tài tương lai đã bị cha mẹ đẻ bỏ rơi và phải làm con nuôi của ông Paul và bà Clara Jobs. Chính cặp vợ chồng này đã cho ông tên họ mới. Tuổi thơ của ông thật khó khăn. Ngay từ thời trung học, thiên tài tương lai đã phải tự tìm kiếm việc làm như một nhân viên thời vụ mùa hè. Rồi chàng trai trẻ đã vào học một trong những trường mỹ thuật hàng đầu ở Mỹ là Trường Reed ở thành phố Portland , bang Oregon. Mặc dù chỉ trụ ở đấy được một học kỳ vì không đủ tiền thanh toán học phí nhưng Jobs vẫn tiếp tục dự thính các lớp học, bất chấp việc phải ngủ dưới sàn nhà bạn, đổi lon nước ngọt để lấy tiền ăn và nhận các suất ăn miễn phí mỗi tuần tại đền Hare Krishna. Những kiến thức mỹ thuật thu nhận được về sau rất đắc dụng đối với Jobs khi ông tung hoành trên thị trường công nghệ thông tin. Năm 1976, Jobs cùng người bạn từ thuở thiếu thời Steve Wozniak lập ra Công ty Apple ngay trong chính garage nhà mình. Apple thoạt tiên chỉ sản xuất những computer do chính mình thiết kế. Mặc dù chất lượng sản phẩm của Apple khá tốt so với thời đó nhưng công việc của hãng không mấy thuận lợi mặc dù tới năm năm 1980, cả Jobs lẫn Wozniak đều đã trở thành triệu phú và Apple đã vươn lên thành một công ty tầm cỡ quốc tế với cả ngàn nhân viên khắp toàn cầu. Năm 1985, Jobs bắt buộc phải rời khỏi Apple vì đã có mâu thuẫn với Chủ tịch hãng John Sculley. Trước khi ra đi, Jobs đã kịp tung ra một sản phẩm ấn tượng là computer Macintosh. Tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Apple đã phải cận kề bờ vực phá sản và Jobs đã quay lại để vực nó dậy. Năm 1997, Jobs đã ký một bản hợp đồng với Bill Gates mà theo đó ông trùm Microsoft sẽ đầu tư vào Apple 150 triệu USD và sẽ phải sản xuất các chương trình văn phòng cho computer Macintosh. Từ thời điểm đó, bằng những nỗ lực vô biên và đầy tính sáng tạo, Jobs đã chuyển được Apple thành một tổ hợp không ngừng ăn nên làm ra theo hướng cải tiến liên tục các sản phẩm siêu hạng của mình. Những iPhone, iPod, iPad đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Cổ phiếu Apple từ giữa những năm 90 tới nay đã tăng lên khoảng 4000%... Và Steve Jobs đã trở thành biểu tượng vĩ đại của thung lũng Silicon và thần tượng trong lòng đồng nghiệp và những ai ưa thích các sản phẩm của Apple. Bệnh hiểm không làm núng chí. Jobs biết mình có khối u ung thư trong tuyến tụy vào giữa năm 2004. Và ông đã không giấu giếm các nhân viên dưới quyền mình tin này. Trong giai đoạn đầu, ông đã cưỡng lại việc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế thông thường và bắt tay vào một chế độ ăn uống đặc biệt để ngăn chặn căn bệnh. Tuy nhiên, sau đó, do bệnh tình tiến triển ngày một xấu đi nên tháng 7/2004, Jobs đã phải trải qua một phẫu thuật phổ biến nhất trong việc điều trị ung thư tuyến tụy gọi là thủ tục Whipple để cắt bỏ khối u. Mặc dầu vậy, sức khỏe của ông đã không được cải thiện mấy. Tới tháng 9/2006, tại Hội thảo Phát triển Toàn cầu diễn ra hàng năm của Apple, Jobs đã xuất hiện với vẻ ngoài mệt mỏi, ốm yếu. Ông tuyên bố quyết định ủy quyền những phần quan trọng trong vai trò then chốt mà ông vốn đảm đương. Hai năm sau, tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu 2008, đại diện của Apple chính thức tuyên bố rằng, Jobs là nạn nhân của một loại vi trùng thông thường và phải dùng thuốc kháng sinh. Họa vô đơn chí, ngày 28/8/2008, truyền hình Bloomberg đã nhầm lẫn đưa ra bản cáo phó 2.500 từ của Jobs trong phần tin tức doanh nghiệp, nhưng không cho biết về độ tuổi và nguyên nhân cái chết do lấy nhầm từ kho dự trữ phòng xa. Các tin đồn về bệnh tình của Jobs vì thế càng trở nên rầm rộ hơn. Cực chẳng đã, trong bài tuyên bố tại Lets Rock vào tháng 9/2008, Jobs đã lên tiếng phản đối bằng cách nhắc lại câu nói của văn hào Mark Twain: Những tin tức về cái chết của tôi bị cường điệu quá mức. Tại một sự kiện truyền thông tiếp theo, Jobs kết thúc phần trình bày với màn trình chiếu 110/70, đề cập đến huyết áp của ông, khẳng định rằng sẽ không tiếp tục trả lời các câu hỏi về sức khỏe. Mặc dầu rất ngoan cường chiến đấu chống lại trọng bệnh nhưng Jobs rốt cuộc cũng phải dần rời bỏ các trọng trách của mình tại Apple. Ngày 14/1/2009, trong một bản ghi nhớ nội bộ của Apple, Jobs viết rằng vào tuần trước, ông đã nghiệm ra rằng các vấn đề liên quan đến sức khỏe của tôi phức tạp hơn so với suy nghĩ ban đầu và tuyên bố nghỉ 6 tháng cho đến khi kết thúc tháng 6/2009 để tập trung chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe. Tim Cook, từng đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc điều hành khi Jobs vắng mặt năm 2004, trở thành Tổng Giám đốc điều hành của Apple. Và Jobs chỉ tham gia vào những quyết định chiến lược chủ chốt. Tháng 4/2009, Jobs trải qua ca cấy ghép gan tại Viện Cấy ghép Bệnh viện Đại học Methodist ở Memphis , bang Tennessee. Ngày 17/1/2011, một năm rưỡi sau khi Jobs trở về từ ca ghép gan, Apple thông báo rằng ông đã được cấp giấy nghỉ phép dưỡng bệnh. Jobs tuyên bố việc ra đi của mình trong một lá thư gửi các nhân viên, cho biết quyết định là để ông có thể tập trung vào tình hình sức khỏe. Trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh của ông vào năm 2009, Apple thông báo rằng Tim Cook sẽ điều hành các hoạt động hàng ngày và Jobs sẽ tiếp tục được tham gia vào các quyết định quan trọng chiến lược của công ty. Ông cũng đã xuất hiện tại sự kiện ra mắt iPad 2 vào ngày 2/3/2011 và tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu Apple ngày 6/6/2011 và tại Hội đồng thành phố Cupertino vào ngày 7/6/2011. Phải tới ngày 24/8 vừa qua, Jobs mới tuyên bố từ chức Tổng Giám đốc điều hành của Apple. Trong thư từ chức, Jobs đã viết rằng ông có thể không còn đáp ứng các nhiệm vụ và mong đợi trong vai trò CEO của Apple nữa. Chẳng bao lâu sau đó, ngày 5/10/2011, xuất hiện tuyên bố của gia đình thiên tài công nghệ nói rằng, anh đã ra đi thanh thản bên gia đình vào ngày hôm nay.... Tiếng thơm còn mãi. Danh chính ngôn thuận, sinh thời Jobs chỉ nhận 1 USD lương mỗi năm cho chức Tổng Giám đốc điều hành Apple. Thế nhưng, ông là người nắm giữ 5,426 triệu cổ phần của Apple, cũng như 138 triệu cổ phần của Disney (mà ông đã nhận được khi đổi lại với việc Disney mua Pixar). Theo ước tính của tạp chí Forbes, toàn bộ tài sản của Jobs vào khoảng 5,1 tỉ USD vào năm 2009 và ông đã ở vị trí 43 trong danh sách những người Mỹ giàu có nhất. Thế nhưng, cái lớn nhất mà Jobs để lại sau mình không chỉ là tiền, đúng hơn, không phải là tiền. Nói về ông, tỉ phú Bill Gates đã nhấn mạnh: Tôi vô cùng đau buồn khi nghe tin về cái chết của Steve Jobs. Melinda và tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình và bạn bè của ông, và đến tất cả mọi người có mối liên hệ với Steve trong công việc. Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và từ lâu đã là cộng sự, người cạnh tranh và bạn bè suốt hơn nửa cuộc đời của chúng tôi. Hiếm ai trên thế giới gây được những tác động sâu sắc như Steve, và những hiệu quả mang lại từ đó sẽ được nhiều thế hệ sau ghi nhận. Đối với những ai trong chúng ta đủ may mắn từng làm việc với ông, đó là một vinh dự tột cùng. Tôi sẽ nhớ Steve rất nhiều. Còn Chủ tịch Walt Disney, Bob Iger, bày tỏ thương tiếc với Jobs: Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là một cố vấn đáng tin tưởng. Di sản ông để lại sẽ vượt xa các sản phẩm ông đã tạo ra hoặc các doanh nghiệp ông mà đã xây dựng nên. Hàng triệu người đã được ông truyền cảm hứng, hàng triệu cuộc sống đã thay đổi vì ông và nền văn hóa ông xác lập ra. Steve là một tấm gương xác thực, với tâm trí đầy sáng tạo và trí tưởng tượng đã định một kỷ nguyên mới. Bất chấp những gì lớn lao ông đã thực hiện, chúng dường như chỉ mới là sự bắt đầu. Sự qua đời của ông đồng nghĩa với thế giới đã mất đi một tấm gương, Disney đã mất đi một thành viên gia đình, và tôi đã mất một người bạn tuyệt vời. Xin dành những tâm tư và lời cầu nguyện của chúng tôi đến người vợ Laurene và con cái của ông trong thời gian khó khăn này. Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg tuyên bố: Steve Jobs là nhà sáng chế lỗi lạc nhất từ sau Thomas Edison. Ông đưa thế giới đến đầu ngón tay của chúng ta. Còn Mark Zukerberg, chủ nhân của mạng xã hội Facebook, đã tri ân: Cảm ơn anh vì anh đã thể hiện cho chúng tôi thấy những gì chúng tôi đã tạo ra có thể thay đổi thế giới. Chúng tôi sẽ rất nhớ anh!. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ nỗi niềm thương tiếc: Tôi và Michelle rất đau buồn vì sự ra đi của Steve Jobs. Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất của nước Mỹ - có đủ dũng cảm để tin rằng anh ấy có thể thay đổi thế giới và có đủ tài năng để thực hiện việc này.
Mẹ chết, cha vào tù, các anh chị phiêu bạt khắp nơi kiếm sống khiến Nguyễn Minh Biên dù chỉ là cậu bé mới lớn đã phải bỏ học sang Lào làm thuê để nuôi sống bản thân và gửi tiền về nuôi em ăn học. Ngôi nhà đã từng hạnh phúc của gia đình giờ trở thành ngôi nhà hoang. Ảnh T.G. Gia đình tan nát vì "ma men". Năm 1985, đám cưới của anh Nguyễn Minh Mận (SN 1967), trú xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) với cô gái Trần Thị Lý (SN 1962) dù được hai gia đình đồng ý, nhưng dư luận địa phương thì bàn tán xôn xao. Bởi, chị Lý hơn chồng 5 tuổi, lại không phải là người địa phương (chị quê ở huyện Đô Lương). Thế nhưng vượt qua tất cả, hai vợ chồng vẫn yêu thương, cùng nhau vun vén gia đình nhỏ. Hạnh phúc đó như đầy ắp hơn khi chị Lý liên tiếp sinh cho Mận những người con đẹp như tranh. Đến lúc này, mọi người thầm hy vọng rằng, Mận sẽ gạt bỏ mọi mặc cảm cũng nhưng đàm tiếu của dư luận để chăm sóc gia đình. Nhưng ngược lại, khi có con, áp lực kinh tế đè nặng, Mận vì thế chán nản và tìm đến rượu để giải sầu. Mối tình khập khiễng của anh chị vì thế tiếp tục là đề tài để nhiều người lôi ra bàn bạc khi anh Mận càng ngày càng lộ rõ là một kẻ nát rượt. Cũng từ đó, những trận đòn nhừ tử, nhưng câu chửi rủa của chồng trở thành nỗi ám ảnh đối với người vợ tần tảo. Lúc đầu, dân làng còn chạy đến can ngăn, khuyên nhủ thế nhưng dần dà, người ta cũng quen và chẳng thèm để ý. Họ không còn bận tâm tới những phen cãi vã của hai vợ chồng đó nữa. Người vợ bất hạnh cũng trở nên chai lỳ trước những trận đòn của người chồng vũ phu. Cuộc sống vợ chồng thường xuyên lục đục cộng với cái nghèo luôn đeo bám khiến những đứa con của họ không được học hành đến nơi đến chốn. Người con trai đầu, Nguyễn Minh Kiên (SN 1986), đã phải bỏ học từ sớm khăn gói vào miền Nam làm thuê. Mới đây, sau bao năm làm thuê cuốc mướn Kiên đã lập gia đình và ở luôn trong đó. Ba người con gái tiếp theo cũng không thể học hết cấp 1 do thiếu tiền nên đã theo anh cả vào Sài Gòn làm công nhân. Có chăng, duy nhất được Nguyễn Minh Biên và em út Nguyễn Minh Phòng được cắp sách đến trường nhờ những đồng tiền do các anh chị chắt chiu gửi về. Nhưng oái oăm thay, việc học của Biên lại là nguyên nhân khiến gia đình xảy ra bi kịch. Đó là ngày 9/8/2011, sau khi uống rượu ở nhà hàng xóm, Nguyễn Minh Mận bước thấp bước cao trở về nhà. Lúc này, vợ con vừa dọn cơm ra, Mận tiện thể ngồi vào luôn. Thấy Biên từ xa cũng bước tới ngồi vào mâm cơm, anh Mận lại lôi chuyện con thi trượt cấp 3 ra để chửi bới chị Lý. Khác với mọi hôm, chị thường im lặng mỗi khi chồng nổi nóng, nhưng hôm nay đang bức xúc trong lòng, vừa buồn bực vì con thi trượt, chị Lý cãi lại: "Con thi trượt cũng tại anh cả thôi. Nhà đã nghèo mà suốt ngày anh cứ la cà rượu chè, rồi chửi bới mẹ con tôi khiến con cái không học được. Sáu đứa con chỉ có thằng Biên, thằng Phòng được ăn học vậy mà anh cũng không để các con được một đêm yên tĩnh để học bài. Nếu anh không rượu chè, có lẽ thằng Biên đã đậu rồi". Đang có men trong người, cộng với tính vũ phu vốn có, Mận đứng phắt dậy định hất đổ mâm cơm. Chị Lý sợ bị chồng làm hỏng bữa ăn của gia đình nên lặng lẽ bưng xuống nhà dưới. Tưởng vợ không cho mình ăn nữa, Mận bức xúc chạy theo rồi vơ sẵn con dao thái gần đó đâm thẳng vào lưng chị Lý. Nhát dao sắc lẹm đó đã cướp đi tính mạng của người vợ vô tội. Lúc này, Mận như bừng tĩnh nhưng mọi chuyện đã quá muộn... Sự việc đau lòng vụt qua trong giây lát khiến những đứa con có mặt không kịp trở tay. Ngay sau đó, tin buồn được thông báo cho đoàn con ở phương xa. Ngày đưa tang, mọi người đều rơi nước mắt trước hình ảnh 6 đứa con đầu chít khăn tang, ai cũng thương cảm cho đoàn con thơ từ nay vắng bóng cả cha lẫn mẹ. Sau khi lo mai táng cho mẹ xong, bốn chị em lại dìu nhau vào miền Nam để tiếp tục công việc, lo cuộc sống gia đình mình chỉ còn hai đứa em út ở lại trong căn nhà đó. Nhưng vì vừa không có tiền nuôi em, vừa bị ám ảnh trong chính ngôi nhà của mình, Biên đã quyết định theo người anh em sang Lào làm ăn để lại Phòng côi cút một mình trong ngôi nhà lạnh lẽo. Tâm sự đắng lòng của người con biệt xứ. Trong một về quê thăm em, chúng tôi may nắm gặp được Biên để nghe cậu bé trải lòng về cái ngày định mệnh ấy. Trong suốt buổi nói chuyện, cậu bé tỏ ra cứng rắn, điềm tĩnh nhưng khi nhắc đến bố mẹ, Biên liền cúi mặt xuống, hai bàn tay đan chặt vào nhau, cố ngăn những dòng nước mắt đang chực trào. "Em cảm thấy có lỗi với mẹ, vì chính em là nguyên nhân dẫn đến bi kịch này. Giờ đây, mẹ mất, bố ngồi tù, em hối hận lắm". Tiếp đó, em kể về những ngày tháng mình lao động nơi đất khách quê người. "Sau khi mãn tang mẹ, em quyết định sang Lào làm ăn để gửi tiền về cho em Phòng, cũng là để quên đi quá khứ đau buồn. Ở bên đó làm việc vất vả em không sợ, mà em chỉ buồn khi phải đối mặt với nỗi nhớ quê nhà và nhớ em thôi", Biên tâm sự. Ngày mẹ mất, Biên đang còn là một đứa trẻ. Ảnh T.G. Cho đến bây giờ, nỗi sợ hãi vẫn còn in sâu trong tâm trí cậu bé hiền lành. "Hôm đó, thấy bố mẹ cãi nhau, nhưng bọn em sợ quá nên ngồi im lặng, không dám nói nửa lời. Khi bố chạy theo mẹ để đòi lại mâm cơm, bọn em vẫn ngồi im đó, chỉ sau khi mẹ bất ngờ ngã xuống đất, sau lưng dính đầy máu, đồng thời thấy bố ôm mẹ đưa vào nhà bọn em mới dám chạy ra. "Hai đứa giúp bố với, đi kêu người để đưa mẹ đi cấp cứu không mẹ mày chết", Biên nhớ lại lời của bố khi vừa đâm mẹ xong. Nhưng hơn hết, cậu bé luôn bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt hối hận muộn màng của bố tại phiên tòa xét xử. Sau khi nghe TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bố mức án 18 năm tù giam về tội giết người, Biên gần như ngã quỵ. Dẫu biết rằng mẹ chết dưới bàn tay bố nhưng trong sâu thẳm, Biên vẫn mong bố sớm trở về để gia đình đoàn tụ. Gia đình biệt li khi các anh chị mỗi người một nơi, giờ đây Biên lại nhớ đến những lời căn dặn của mẹ. Ngày còn sống, mẹ Biên luôn hi vọng các con của mình học hành đến nơi đến chốn để sau này không phải khổ như bố mẹ. Nhưng, vì gia đình khó khăn nên suốt ngày Biên và Phòng phải vùi đầu vào công việc, không có thời gian để tự học ở nhà. Đã thế, người bố suốt ngày chè chén, đánh đập nên chẳng đêm nào các em được bình yên. Những điều đó khiến Biên không thể học tốt và thi đậu như nguyện ước của gia đình. Điều này được người bác Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: "Thời gian học cấp 1, Biên học giỏi lắm, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Nhưng từ khi lên cấp 2, anh chị đi làm ăn xa nên mọi việc trong nhà đều giao cho Biên làm, sức học của nó dần giảm sút. Lớn lên chứng kiến cảnh bố nó chìm ngập trong rượu, nó sinh ra chán nản, không còn tâm trí vào việc học. Ngày thi vào lớp 10, nhà không có xe đi, Biên phải chạy sang nhà tôi mượn chiếc xe đạp để đi cho kịp". Hôm quyết định đi Lào, lòng Biên ngổn ngang nhiều điều, nhưng em hiểu rằng mình phải đảm nhận nhiệm vụ nuôi đứa em út thay bố mẹ. Vậy nên, dù sống nơi phương xa nhưng mỗi khi nghe bác Hạnh gọi điện nói Phòng bị ốm, Biên chỉ muốn chạy về nhà với em. "Vì em nên nó phải mồ côi mẹ, thiếu thốn tình cảm của bố. Giờ đây, bằng mọi giá em cũng phải cho Phòng học đến nơi đến chốn để bù đắp những thiệt thòi cho em nó", Biên nói trong nước mắt. Không những vậy, cậu bé còn dành dụm số tiền ít ỏi về nhờ bác chăm sóc em. Và không quên nhờ người họ hàng thỉnh thoảng đưa em vào trại giam để động viên tinh thần bố mình. Như hiểu được sự quan tâm, lo lắng của anh trai đối với mình, đứa em út cũng sống tình cảm không kém. "Sau khi vắng bóng bố mẹ, anh Biên lại đi làm thuê, em phải sống một mình, nhiều lúc em thấy buồn và sợ lắm nhưng em biết anh trai không còn cách nào khác. Mọi người đã hy sinh để em được đến trường, vậy nên em chỉ còn cách cố gắng học thật tốt để mẹ nơi chín suối yên lòng và các anh chị có động lực làm việc". Hi vọng rằng, với sự hy sinh của người anh, sự cố gắng của người em và sự hối hận muốn làm lại từ đầu của người bố, gia đình này sẽ sớm được đoàn tụ, có cuộc sống mới an bình hơn. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng công an xã Nghi Văn cho biết: "Từ khi Mẫn đi tù, con cái bơ vơ, không nơi nương tựa, đặc biệt là Biên vì cuộc sống mà phải bỏ đi biệt xứ, để lại Phòng côi cút một mình. Nhiều khi nhìn cháu thui thủi một mình mà thấy thương lắm, giá như bố nó biết kiềm chế bản thân thì cuộc sống của anh em nó đã khác rồi. Hy vọng những người đàn ông nghiện rượu sớm thức tỉnh, đừng gây ra những bi kịch cho gia đình nữa". Theo Kim Long- Gia đình & Xã hội.
Hơn 4 năm 3 tháng, kể từ khi xảy ra vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM, hơn 2 năm 3 tháng kể từ ngày cơ quan điều tra Công an TP.HCM tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can, mặc cho ông Vũ Văn Đảo Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc cứ đội đơn đến cơ quan công quyền kêu oan, đề nghị sớm giải quyết dứt điểm vụ án, thì cơ quan điều tra vẫn đang giữ quan điểm treo án?. Ông Vũ Văn Đảo đang quản lý một hệ thống doanh nghiệp cơ khí với hơn 1000 công nhân. Với lý do cần giám định tư pháp phương tiện tai nạn (ca nô BP 12-04-02) ngày 28/8/2015, Văn phòng cơ quan điều tra (PC44) Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can. Kể từ thời điểm đó đến nay, cơ quan điều tra đã 2 lần thực hiện giám định tư pháp. Tuy nhiên, do kết quả trả lời của Hội đồng giám định thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Quốc phòng không phù hợp với quan điểm buộc tội nên hồ sơ vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ lại tiếp tục phủ bụi trong ngăn kéo!. Ông Đinh Văn Quế - cựu Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng: Cho đến bây giờ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa đưa ra thêm được bất kỳ lý do gì để kéo dài thời gian tạm đình chỉ vụ án. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã có kết quả giám định rồi thì một là phục hồi điều tra, truy tố, xét xử; hai là đình chỉ vụ án. Không nên treo án như thế. Việc kéo dài vụ án khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, hơn 1000 công nhân lo lắng thấp thỏm. Cũng theo cựu Chánh tòa Hình sự, hiện tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát không có bất kỳ ý kiến, hay quyết định nào về việc giám định thêm lần nữa thì rõ ràng đây là trường hợp muốn kéo dài vụ án. Việc áp dụng biện pháp tố tụng để kéo dài vụ án mà không đủ cơ sở buộc tội của cơ quan điều tra, viện kiểm sát ở TP.HCM chỉ làm cho dư luận bức xúc. Nhấn chìm doanh nghiệp bằng biện pháp tố tụng? Kể từ khi bị cáo buộc tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo điều 214 Bộ Luật hình sự năm 1999, ở vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, ông Vũ Văn Đảo bị cấm xuất cảnh. Hết thời hạn lần 1, dù được tạm đình chỉ bị can, cơ quan điều tra Công an TP.HCM vẫn tiếp tục gia hạn cấm xuất cảnh đối với Giám đốc Công ty CP Việt Séc lần 2 với thời hạn đến tháng 9/2018. Điều này khiến doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Đối tác ở nước ngoài thì liên tục thúc giục, điển hình là mới đây Công ty Boustead International Heaters đề nghị ông Đảo sang Anh chuẩn bị cho hợp đồng tiếp theo. Nhưng với việc bị cấm xuất cảnh, hợp đồng với đối tác có nguy cơ tan vỡ. Các doanh nghiệp của ông Vũ Văn Đảo chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đến thị trường Bắc Âu. Hồi cuối tháng 10/2017, ông Vũ Văn Đảo đã phải tiếp tục viết đơn gửi cơ quan điều tra Công an TP.HCM. Theo ông Đảo, ông là người quản lý và điều hành doanh nghiệp với cả ngàn lao động, trong đó có những doanh nghiệp liên doanh với đối tác nước ngoài, có cơ sở tại nước ngoài. Việc cấm xuất nhập cảnh kéo dài 5 năm đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhiều hợp đồng. Nhiều thỏa thuận với đối tác nước ngoài phải hủy bỏ, gây nghi ngờ cho các đối tác nước ngoài là khách hàng, là đối tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Ông Đảo mong cơ quan điều tra giải tỏa quyết định cấm xuất cảnh. Ngược lại với sự sốt suột của người quản lý khoảng 10 doanh nghiệp và đang phải lo cuộc sống của hàng ngàn lao động, cơ quan điều tra cũng chỉ trả lời: Do vụ án chưa được TAND TP.HCM xét xử nên cơ quan điều tra chưa có cơ sở hủy bỏ áp dụng biện pháp chưa được xuất cảnh đối với ông Đảo. Vấn đề này, ông Đinh Văn Quế phân tích, cấm xuất nhập cảnh căn cứ vào hai trường hợp hành chính và tố tụng. Nếu cấm xuất cảnh dựa vào biện pháp hành chính thì ông Đảo vi phạm quy định hành chính nào. Còn trong tố tụng, cấm xuất cảnh để phục vụ công tác điều tra nhưng tôi có thấy điều tra gì đâu. Vấn đề này cơ quan điều tra cần trả lời cho công luận biết, ông Đinh Văn Quế đề nghị. Ông Vũ Văn Đảo (trái) và ông Đinh Văn Quyết - người cũng bị khởi tố bắt giam cùng ông Đảo đang băn khoăn không biết cơ quan điều tra muốn kéo dài vụ án đến tận bao giờ. Không thể gỡ bỏ quyết định cấm xuất cảnh khi TAND TP.HCM chưa xét xử vụ án, và tòa án sẽ không thể xét xử khi hồ sơ vụ án đang treo đâu đó trong ngăn kéo của cơ quan điều tra. Giữ quan điểm đã bị khởi tố, tạm giam là phải có tội. Và khi không có cơ sở truy tố xét xử thì kéo dài vụ án bằng thủ thuật tố tụng như trong vụ án này đang khiến cho các doanh nghiệp của ông Vũ Văn Đảo gặp khó khăn, hàng ngàn lao động sống trong cảnh thấp thỏm./. Diễn biến vụ án: - Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy. Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. - Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự. Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở. - Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn. - Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn. Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm. - Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2. - Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM. Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung. - Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02. Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định. - Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án. - Sau kết luận giám định đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM vẫn đang treo án. Việt Đức/VOV.VN.
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIV, lần đầu tiên, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp giữa năm. Kỳ họp cũng tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn thêm nửa ngày; có 12 phiên họp toàn thể tại hội trường được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới này? - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Những nét mới này thể theo nguyện vọng của nhân dân và các đại biểu QH. Thực tế, các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách, luôn muốn kéo dài thời gian chất vấn hơn nữa cũng như tăng thời lượng truyền hình và phát thanh trực tiếp tại mỗi kỳ họp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. QH công khai, nhân dân trực tiếp giám sát QH cũng như giám sát những đại biểu mà mình bầu ra trong hoạt động QH như thế nào. Đây là sự đổi mới có ý nghĩa rất tốt. Ban đầu, nhiều đại biểu mong muốn tăng thời lượng chất vấn lên 5-6 ngày; tăng số lượng các thành viên Chính phủ được chất vấn nhưng do thời gian kỳ họp nên chưa thể thu xếp được như mong muốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là sự cải tiến và hy vọng QH sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa trong các kỳ họp tiếp theo. Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, như vụ phá rừng làm dự án kinh tế ở Phú Yên; vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội Vậy tại kỳ họp này, ông dự định sẽ chất vấn về vấn đề gì? - Nếu thuận lợi, tôi sẽ phát biểu về những vấn đề có liên quan này hoặc cũng có thể tương tác với báo chí để tăng tính thông tin đa chiều, qua đó mọi người nhận diện rõ được bản chất vấn đề cũng như những bức xúc của nhân dân và xử lý của các cấp có thẩm quyền trong vụ việc này. Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV có nhiều điểm mới quan trọng so với kỳ họp thứ 2 Ảnh: TTXVN. Tại kỳ họp này, QH sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; trong đó dự kiến xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Ông quan tâm đến vấn đề nào nhất? - Có thể thấy Thường vụ QH đã chuẩn bị rất kỹ cho vấn đề này, đó là dự án luật nào bảo đảm chất lượng cao thì mới đưa vào chương trình kỳ họp. Điều này thể hiện thái độ rất kiên quyết của Thường vụ QH. Các đạo luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp này là những luật rất cần thiết và phải ban hành ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay vấn đề trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Rồi vấn đề nợ xấu cũng là vấn đề rất bức xúc. Do đó, việc kỳ họp lần thứ 3 này, QH sẽ xem xét, thông qua các dự án luật, một số nghị quyết nêu trên là rất ý nghĩa. Họp trong 22,5 ngày. Hôm nay (22-5), kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV sẽ khai mạc và kéo dài trong 22,5 ngày làm việc. Trong tuần làm việc đầu tiên, QH sẽ nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. QH sẽ nghe trình bày tờ trình các dự án luật: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; quản lý nợ công (sửa đổi); dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụngThảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13. Thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đề nghị công khai tài sản cán bộ. Đoàn Đại biểu QH TP HCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri từ ngày 26-4 đến 13-5 với 22 cuộc. Trên 5.170 cử tri tham dự và phát biểu 235 lượt ý kiến. Tổng hợp ý kiến, Đoàn Đại biểu QH TP cho biết cử tri TP kiến nghị QH sớm thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhằm ngăn chặn xử lý nghiêm đối với tội phạm hình sự; sớm xem xét thông qua Luật Biểu tình nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân thực hiện quyền biểu tình một cách hợp pháp, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng việc biểu tình để thực hiện các hành vi phá hoại. Về lĩnh vực kinh tế, cử tri TP rất bức xúc đối với các dự án gây lãng phí ngân sách nhà nước như việc xây dựng cổng chào ở tỉnh Quảng Ninh, tổ chức lễ kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, cột đồng hồ ở Hạ Long trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Cử tri kiến nghị cần kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án này. Đáng chú ý, cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm. Cử tri đề nghị tăng nặng hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp cao, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Ph.Anh. Đại biểu QH PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên): Bắt đầu từ phương châm hành động vì dân. Sau một năm Chính phủ và QH mới hoạt động, tôi cảm nhận được sự chuyển mình trong hành động, sự đồng lòng, nỗ lực của QH và Chính phủ trong việc quản lý, điều hành tổng thể sự vận động của toàn xã hội. Vừa rồi, tôi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri nói rằng những phát ngôn gần đây của một số lãnh đạo từ địa phương cho tới trung ương, tư lệnh ngành có phần thiếu trách nhiệm trước những vấn đề bức xúc của người dân, chỉ thấy những lợi ích trước mắt của ngành mình, của bộ máy quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương. QH hay Chính phủ điều hành xã hội, quản lý đất nước thì cũng phải bắt đầu từ phương châm hành động vì dân, tương tác thực chất hơn nữa với dân, bắt đầu bằng sự thấu hiểu. Khi các cơ quan quyền lực vẫn còn để tồn tại mối quan hệ "cả nể" nhau thì lợi ích nhóm vẫn còn sinh sôi và đương nhiên sự thiệt thòi, bất bình đẳng vẫn luôn nghiêng về phía người dân. Đó cũng là vấn đề mà một QH hành động vì dân, một Chính phủ kiến tạo thật sự phải hết sức quan tâm trong thời gian tới. Ông PHẠM TIN (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP HCM): Xử lý sai phạm đến nơi đến chốn. Thời gian qua, nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, người dân vẫn còn băn khoăn khi nhiều cán bộ có sai phạm vẫn được giao giữ những vị trí cao hơn. Tôi đề nghị khi đề bạt cán bộ cần cân nhắc kỹ, xem xét kỹ để tránh các trường hợp đáng tiếc như vừa qua. Đồng thời khi đã phát hiện sai phạm phải xử lý cương quyết, đến nơi đến chốn; chứ không xử lý qua loa, vi phạm chỗ này chuyển sang chỗ khác làm việc. Bà NGUYỄN THỊ HIẾU (phường Cô Giang, quận 1, TP HCM): Nghiên cứu kỹ khi bấm nút thông qua dự án luật. Vấn đề đất đai là vấn đề nóng tại tất cả buổi tiếp xúc cử tri. Có cử tri trình bày họ đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp, thậm chí đã trình bày với nhiều đại biểu QH nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết thấu đáo. Tôi mong các đại biểu QH quan tâm hơn nữa các bức xúc của cử tri, nghiên cứu thật kỹ trước khi bấm nút thông qua các dự án luật, tránh trường hợp phải ngưng thi hành, sửa đổi luật khi mới ban hành. V.Duẩn - Tr.Hoàng ghi. Văn Duẩn thực hiện.
Bài 1: Tìm hiểu vụ Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài: Theo Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài, chiều 12/7/2016, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã chính thức được công bố. Nội dung của Phán quyết đã đề cập đầy đủ 7 nội dung mà Tòa Trọng tài đã lựa chọn thuộc thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện. Phiên tranh tụng tại Tòa Trọng tài (Ảnh: PCA). Nội dung Phán quyết của Tòa chỉ tập trung phán xét về việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển, không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc phân định các vùng chồng lấn; cụ thể là: Bác bỏ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn; Khẳng định các cấu trúc(thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; Các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS1982; Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển; Tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp. Những nội dung chủ yếu của phán quyết nói trên hầu như vượt quá mong đợi của dư luận, nó sẽ có những ảnh hưởng và tác động tích cực như sau: -Làm sáng tỏ sự thật đúng sai của một loại tranh chấp do việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 để đưa ra các yêu sách phi lý, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong khu vực Biển Đông. Nó sẽ góp phần thu hẹp các tranh chấp rất phức tạp trong Biển Đông. -Tạo tiền lệ pháp lý cho các bên tranh chấp trong khu vực và quốc tế để vận dụng phục vụ cho biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh hiện nay. -Tạo dựng niềm tin của nhân loại đối với vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế của LHQ trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông. -Có thể có tác dụng ngăn cản những tính toan và những bước đi phiêu lưu của một số thế lực muốn lợi dụng môi trường bất ổn của Biển Đông để trục lợi. -Góp phần gắn kết các quốc gia có cùng lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp trong Biển Đông, đặc biệt là quan hệ giữa các quốc gia ASEAN. -Mặc dù phán quyết này không phải giải pháp duy nhất có thể giải quyết được mọi tranh chấp trong Biển Đông, nhưng nó cũng có tác dụng đáng kể góp phần giải quyết cơ bản và lâu dài các tranh chấp phức tạp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ra tuyên bố không chấp nhận Phán quyết và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động cả trên phương diện ngoại giao lẫn ngoài thực địa đểtìm cách vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa Trọng tài. Vì vậy, mặc dù Phán quyết đã được công bố và là một phán quyết chung thẩm, bắt buộc các bên liên quan phải chấp hành; nhưng khả năng thi hành sẽ còn là một vấn đề khá phức tạp khó khăn do các cơ quan tài phán chưa có cơ chế thi hành án, đặc biệt là phán quyết của PCA. Hôm 12/7 Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ra thông báo về phán quyết cuối cùng vừa công bố của Tòa trọng tài ở La Hay về vụ kiện Trung Quốc. Ảnh: AP. Trước tình hình đó, Philippines có thể nhờ đến sự can thiệp của Hội đồng Bảo an LHQ dựa theo Điều 39 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc: Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Trong thực tiễn quốc tế, từ năm 1945, năm thành lập LHQ, đến năm 2012, đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9. Vì vậy, muốn lựa chọn áp dụng được những giải pháp thích hợp để ứng phó với những diễn biến tiếp theo sau khi PCA ra phán quyết, thiết nghĩ chúng ta nên xuất phát từ nhận thức chung sau đây: -Việc khiến Trung Quốc đối mặt với phán quyết bất lợi cho yêu sách của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc. Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc thực chất chưa đi đôi với việc làm. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, EU..., thì đây sẽ là đòn đả kích không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế. Với những gì Bắc Kinh thể hiện, kể cả Philippines hay bất kỳ bên liên quan nào khác ở Biển Đông, không ai ảo tưởng Trung Quốc sẽ dễ dàng chấp nhận và thực thi ngay phán quyết của PCA. -Dư luận quốc tế (cá nhân và tổ chức) hầu hết đều đồng tình ủng hộ phán quyết của PCA; coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ công lý, bảo vệ hiệu lực của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, một Hiến chương xanh của LHQ, không thể thiếu được để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội đang diễn ra ngày càng phức tạp theo xu thế loài người đang tiến ra Biển và Đại Dương vì sự tồn tại và sống còn của mình. - Dù có thể chưa có cơ chế, chế tài nào buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết, thì nó vẫn có ý nghĩa và giá trị to lớn, tạo nền tảng đoàn kết các bên liên quan, đặc biệt là ASEAN trong vấn đề chống bành trướng, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông, thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp. Bởi vì, việc áp dụng và giải thích UNCLOS, bảo vệ UNCLOS thì đây chính là sợi dây vững chắc kết nối các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng bởi yêu sách về đường lưỡi bòdo Trung Quốc tự ý vẽ ra và đang tìm cách hợp thức hóa nó trên thực tế. Xuất phát từ tình hình nói trên, giải pháp khả dĩ nên tính đến là: - Các bên bị xâm phạm bởi yêu sách phi lý của Trung Quốc cần tiếp tục triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể hơn. Muốn làm được điều này thì cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của Phán quyết này, coi đây là một tiền lệ có giá trị, một bài học kinh nghiệm quý giá góp phần thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan theo nguyên tắc cùng thắng (win win) trong công cuộc đấu tranh bảo vệ pháp lý, chân lý vì hòa bình, ổn định và hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, bất kể lớn nhỏ hay giàu nghèo. - Các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông sẽ tận dụng giá trị pháp lý của Phán quyết này để củng cố khối đoàn kết, có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khai thác nội dung Phán quyết này để phục vụ cho việc xây dựng và ký kết được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mà cho đến nay vẫn bị đường lưỡi bò ngáng trở khi đề cập đến phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc đầy kỳ vọng này. - Trong ngắn hạn, ủng hộ chủ trương kiểm soát tình hình tranh chấp Biển Đông bằng việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nên chăng cần thiết lập một thiết chế khu vực (tài phán và thực thi pháp luật) để xử ký tranh chấp, kiểm soát tình hình hình, không để các tranh chấp bùng nổ, tạo môi trường chính trị thuận lợi để các bên liên quan có thể cùng nhau thực hiên giải pháp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. - Kiên trì thực hiện chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa vào các phương tiện pháp lý quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982; ủng hộ các cuộc tiếp xúc đàm phán song phương hoặc đa phương tùy theo số lượng các chủ thể có liên quan đến các tranh chấp cụ thể. Nếu các cuộc đàm phám đó không thành công thì cần sử dụng đến vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế mà hình thức và nội dung khởi kiện phải theo đúng thủ tục có liên quan đến thẩm quyền xét xử của các cơ quan này theo quy định của pháp luật quốc tế hiện hành. - Phản đối và có biện pháp ngăn cản các hoạt đông đơn phương trái với quy định của luật pháp quốc tế, chống lại các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, gây ra chiến tranh, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực và quốc tế. Chúng ta hoan nghênh và đánh giá cao Phán quyết của Tòa Trọng tài không phải vì Phán quyết này có lợi cho riêng một quốc gia nào, không phải vì lợi dụng nó phục vụ cho động cơ chính trị nhằm thỏa mãn cảm xúc thắng thua, cắn xé lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi khu vực và thế giới, cái chính là cần phải xem đây là thắng lợi chung của luật pháp, công lý và phải có trách nhiệm sử dụng nó như là một công cụ hữu ích để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại!/. Tiến sĩ Trần Công Trục.
Cá Anh Vũ. Cá Anh Vũ là một trong những loài cá quý hiếm, được coi là sản vật tiến vua thời xưa. Theo một số tài liệu ghi lại, vào thời Hùng Vương thứ ba, một ngư dân bắt được một con cá lạ ở khu vực ngã ba sông Việt Trì - nơi hội tụ của ba con sông lớn - sông Thao, sông Lô, sông Đà. Chú cá mình vảy xanh óng ánh, bụng vẩy trắng, vây đỏ, môi giống môi lợn. Thấy lạ, ngư dân này đem tiến vua, khi ăn, vua thấy thịt cá vừa ngọt đậm, có vị thơm khác hẳn loài cá khác, ăn xong thấy người khoan khoái nên chỉ dụ nếu ai bắt được loài cá này thì đem tiến vua. Hiện nay, loài cá này được tìm thấy nhiều ở vùng sông hồ có nước trong sạch Tây Nguyên nhưng với số lượng khá hiếm. Cá Anh Vũ có kích thước trung bình, dài khoảng 31 - 67cm, thân dày, thuôn dần phía đuôi, có hai đôi râu, trọng lượng có thể lên tới 5kg. Thân cá màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, có môi dưới rộng hình tam giác, với nhiều gai thịt tròn nổi. Thức ăn của loài cá này chủ yếu là tảo lục, tảo khuê và các loại động vật không xương sống nhỏ sống dưới nước bằng cách dùng môi cạo thức ăn bám trên đá. Theo những ngư dân lão luyện, chính chiếc môi lợn ấy chính là bộ phận ngon nhất và đắt nhất của cá Anh Vũ. Do số lượng cá hiện không còn nhiều nên một vài địa danh đã nghiên cứu nhằm nhân giống loài vật này. Giá thành của cá Anh Vũ khá cao, khoảng 2 - 3triệu/kg cá nhưng vẫn không có cá để bán. Mắm tép Hà Yên. Đây là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, trong đó nổi tiếng nhất là hai làng Đình Trung và Yên Xá thuộc xã Hà Yên, huyện Hà Trung. Công việc làm mắm tép đòi hỏi phải theo mùa, khi tép ngon, béo nhất. Khi trước, để làm được mắm tiến vua, các chức sắc trong làng phải chọn người có kinh nghiệm đánh bắt tép và phải bầu đoàn thê tử ra tận khe Gia Giã ở làng Cổ Đam (Vùng Bỉm Sơn hiện nay) đánh loại tép riu, thân trong suốt sống trong bàu nhiều rau rong. Chỉ có loại tép này mới cho nước cốt thơm ngon. Quy trình làm mắm tép đã cầu kỳ, nhưng việc bảo quản còn phức tạp hơn gấp bội phần. Sau khi nấu mắm, người xưa dùng giấy bản để bịt miệng lọ. Cứ một lớp giấy bản lại quết một lớp vôi dẻo, làm nhiều lần cho thật kín thật dầy, ghi nhớ ngày lên thành vò để qua một đêm mới đem ủ trong tro bếp. Chừng năm tháng đến nửa năm, mắm chín mới đem ra dùng. Khi chín nước cốt dâng lên trên, chỉ việc chắt lọc qua lớp vải bông sạch, sẽ được lọ mắm cốt tuyệt hảo. Sâm cầm hồ Tây. Là một loài chim di cư từ phương Bắc, sống thành đàn ở những nơi có nước như ao, hồ, nơi có nhiều thủy sinh, chim sâm cầm được biết đến như một loại thực phẩm quý hiếm chỉ dành cho các bậc vua chúa thời xưa. Tương truyền, loài chim này có tên sâm cầm bởi chim ăn nhiều sâm quý trên núi nên thịt chim được coi là vị thuốc đại bổ. Chim có kích cỡ vừa phải, nặng khoảng 0,5 - 0,8kg, thân bầu, nhỏ hơn con vịt trời. Đầu và cổ chim phủ lông đen, mắt đỏ, mỏ nhọn màu vàng nhạt, mào màu trắng ngà, đôi cánh ngắn phớt tím. Chân chim cao, có màu lục xám nhạt với 4 ngón, 2 ngón giữa có 3 đốt, 2 ngón bên có 2 đốt; các ngón đều có màng mỏng khá rộng. Nhiều tài liệu ghi lại cho thấy, chim sâm cầm là sản vật tiến vua của vùng Hồ Tây từ năm Tự Đức thứ 17 đến năm Tự Đức 24. Thịt chim mềm, màu đỏ tươi, chế biến thành nhiều món cầu kì dâng vua. Do khai thác nhiều nên số lượng chim sâm cầm ngày nay cực hiếm, giá cả của loại chim này cũng ở mức 1,8 triệu đồng/kg. Gà Đông Tảo. Gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô như chân voi, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái). Gà Đông Tảo thường nặng từ 5 - 7kg/con, đầu hình gộc tre, cánh như hai con trai úp, đuôi như nơm úp cá, da đỏ, chân to sần sùi như chân voi. Theo tương truyền, người dân xưa thường dùng gà Đông Tảo để cúng tế, hội hè, hay tiến Vua bởi mùi vị thơm ngon đặc biệt. Thịt gà Đông Tảo thơm ngon, đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Phần thịt gà ngọt với khối lượng thịt ức nhiều, đỏ hồng, bắp đùi gà có nhiều bó cơ cuồn cuộn, không có gân, không dai. Sở dĩ gà Đông Tảo có phần thịt thơm ngon là bởi gà được thả chạy nhảy, không bị nuôi nhốt, ăn cám tự nhiên nên thịt săn chắc. Gà Đông Tảo thuần chủng có đặc điểm thân hình to lớn, chân to nặng trịch, xù xì, bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc. Tuy nhiên, giá thành của loại gà Đông Tảo thuần chủng thuộc loại cao. Mỗi kg gà Đông Tảo xuất tại vườn có giá khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/kg tùy loại. Với những chú gà trống Đông Tảo thuần chủng có tướng đẹp, chân to, oai vệ từ 4 - 5,5kg/con có giá 5 - 10 triệu đồng và có thể cao hơn. Hiện, gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam, đang được bảo tồn nguồn gene nhằm duy trì và phát triển giống gà quý này. Sá sùng. Ít ai biết rằng, từ thời xưa, sá sùng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan hay chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng bởi công dụng đặc biệt trong việc tăng cường sinh lực. Loài vật thân mềm này chỉ sống tại những bãi cát ven biển trên đảo Quan Lạn và Minh Châu (Quảng Ninh) và chỉ được khai thác vào tháng 3 đến tháng 7. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 - 10cm. Cá biệt có con dài đến 15 - 40cm, nặng từ 1- 3kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Lớp da sá sùng thay đổi màu sắc tùy theo môi trường ở, nếu dùng tay sờ vào thấy mềm và mát. Sá sùng có hình dạng na ná như một con giun khổng lồ, sống trong những hang đá, khe cát. Ngoài công dụng chữa bệnh, sá sùng còn được dùng để chế biến thuốc hay nấu nước phở cho ngọt, nấu nước dùng ngon cho nhiều món trong dịp Tết. Tuy nhiên, việc khai thác sá sùng không phải đơn giản. Cư dân biển chỉ có thể dùng mai để đào, chứ không dùng được các loại máy móc hỗ trợ nào. Có lẽ chính bởi nguồn khai thác không lớn và thủ công nên giá của một kg sá sùng dao động khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/kg. Yến sào. Được làm từ nước dãi của những con chim yến, yến sào (tổ chim yến) là một đặc sản có hương vị rất hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. Từ thời xưa, yến sào đã được khai thác tại các đảo Yến ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa để cung tiến các vua chúa. Yến sào có thể được chế biến thành nhiều món như nước yến, huyết yến, chè yến, súp yến. Ngày nay, cơ hội thưởng thức sản vật này vẫn nằm ngoài khả năng của đa số người dân Việt Nam bởi giá thành của chúng rất cao, từ 50-60 triệu đồng/kg. Phần lớn yến sào khai thác được xuất khẩu để thu ngoại tệ. Rau muống Linh Chiểu. Chuyện kể rằng, nhà vua đi ngang qua xứ này được dân thết đãi đặc sản rau muống. Màu sắc, hương vị mộc mạc nhưng hài hòa từ món ăn dân dã này đã hấp dẫn các giác quan của nhà vua. Từ đó, theo lệ hằng năm khi vào vụ, người dân nơi đây hái rau làm vật phẩm để tiến vua. Cách trồng rau muống tiến vua khá kỳ công. Rau ở đây chịu thời tiết kém hơn các loại khác. Mỗi ngọn rau phải cách nhau đến 40 cm, trong khi rau muống thường thì khoảng cách 15 cm là đủ. Rau muống ở đất này có hương vị đặc biệt vì được trồng trên vùng có mạch nước sủi và dải đất phù sa màu mỡ từ sông Hồng. Rau có màu trắng, sau khi luộc có màu xanh nhạt, ăn có vị ngọt. Nếu xào mỡ, cho thêm một vài lát tỏi đập dập thì rau có một vị rất đặc trưng. Ngon hơn cả là muống làm nộm bởi thân rau giòn và xốp. Rau muống Linh Chiểu không hề chát, ăn giòn, vị đậm đà. Dù cách chế biến thế nào thì rau giữ nguyên màu xanh và vị giòn ấy. Giống rau quý ấy vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Với nhiều người dân trong làng, rau muống Linh Chiểu không chỉ đơn thuần là thực phẩm để ăn, để bán mà còn trở thành một thứ quà quý để mang biếu. Anh Đức.
Sự quyến rũ chết người. Không thể không thừa nhận Trung Quốc với 1,3 tỷ dân và một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là một thị trường quyến rũ. Nhưng như nhận định của dư luận thế giới, đó là sự quyến rũ chết người. Hàng chục nước trên thế giới đang có vấn đề trong thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng đang tỏ ra là nước sử dụng thành thạo việc kết hợp các sức ép ngoại giao, chính trị song hành với kinh tế để trả đũa các nước khác mỗi khi có vấn đề với Trung Quốc. Bán cái chết cũng là chủ đề của cuốn sách đang nổi tiếng tại các nước phương Tây bàn về chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Cuốn Chết dưới tay Trung Quốc được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro. Một loạt những vụ bê bối về thực phẩm độc hại của Trung Quốc trong suốt thời gian qua đã khiến cả thế giới phải rùng mình. Mỗi ngày qua đi lại có thêm một vụ thực phẩm bẩn, độc hại xuất hiện. Những sát thủ giấu mặt đó vẫn hàng ngày hàng giờ hiện diện trên bàn ăn của mỗi gia đình. Không chỉ thực phẩm mà cả những hàng hóa rẻ tiền, chất lượng kém, phát hiện có chất độc của Trung Quốc cũng đang làm nhiễu loạn thị trường thế giới. Nhiều nước đã đồng loạt tẩy chay hàng Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc hoành hành - đâu là bộ mặt thật? Từ việc thương lái Trung Quốc thu gom móng trâu bò của đồng bào dân tộc, tận thu gốc rễ, gốc cây tiêu ở Tây Nguyên, thu mua hạt chè ở Thái Nguyên cho đến việc lừa đảo mặt hàng hải sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hoa hồng ở Đà Lạt, mua đỉa ở khắp nơi, mua lá xoài khô, mua nguyên liệu đông dược trên mọi cánh rừng trong cả nước Gần đây nhất, thương lái trung Quốc lại tìm mua rễ cây rừng ở xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Hàng trăm câu chuyện mua bán với thương nhân Trung Quốc đã để lại những hậu quả xấu. Điển hình là năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho các đầu nậu. Nhưng sau đó, các đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh đồng đầy đỉa và nỗi lo sợ cho người dân. Thương nhân Trung Quốc đã tổ chức mua móng trâu bò với giá cao, thậm chí chỉ bốn cái chân trâu, bò giá trị đã bằng nửa con trâu, bò. Vậy là dân đua nhau giết trâu bò đem bán. Từ đó, toàn bộ sức kéo nông nghiệp một vùng núi phía bắc bị hủy hoại. Lúc đó thương nhân Trung Quốc lại sang gạ bán trâu với giá cao gấp hai lần, đưa máy kéo nhỏ sang bán. Hết trâu bò rồi thì phải mua thôi. Ở Cao Bằng, Lạng Sơn thương nhân Trung Quốc mua rễ cây hồi với giá cao. Vậy là hàng loạt cánh rừng hồi bị phá hủy bởi những kẻ đào trộm rễ hồi đem bán. Rồi các thương lái lại mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh trúng vào cái dạ dày đồng bào. Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu của các nhà máy chè Việt Nam. Hoặc việc Trung Quốc thu mua cây phong ba có khả năng làm sạch không khí sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như giá trị kinh tế về lâu dài. Cây mật gấu là cây thuốc quý, nằm trong sách đỏ Việt Nam, dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan, vàng da, nhưng mấy năm nay, cây mật gấu bị khai thác mạnh làm thương phẩm bán sang Trung Quốc. Vì vậy cây mật gấu có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Họ mua dây đồng vụn giá cao nhắm tới đường dây tải điện, mua cáp quang phế liệu nhắm tới đường truyền cáp quang Họ mua gạo Việt Nam, nhưng đề nghị chúng ta trộn gạo thường vào gạo thơm rồi đem bán gây dư luận xấu về chất lượng gạo Việt Nam, mua tôm rồi bơm chất chất bẩn vào và đem bán ngay trên thị trường chúng ta. Càng ngày, danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng được nối dài. Dù mua bán công khai hay lén lút với thương lái Trung Quốc thì đa số người dân cũng không rõ Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì. Những chiến dịch mua bán của họ chỉ sau vài năm mới lộ ra ý đồ thật sự. Đầu độc người dân Việt Nam. Cục Bảo vệ thực vật đã công bố nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần, được bày bán tại Việt Nam dưới mác nho Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40.000-60.000 đồng nhưng giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6.000 đồng/kg. Táo Trung Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc chứa thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người. Với lợi thế giá rẻ và không bị ràng buộc về mặt chất lượng, nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây Made in China được nhập về Việt Nam một cách thoải mái qua con đường tiểu ngạch. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn trái cây được nhập về Việt Nam. Ngày 21-4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, 5 người dân tộc Dao, tại bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đã phải nhập viện do ăn phải hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau đó, 1 bệnh nhân tử vong là cháu Tẩn U Mẩy (5 tuổi). Báo chí cả trong nước lẫn quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: gạo giả, sữa bột giả, trứng giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu, thịt đông lạnh hư thối cho tới cả tiền giả đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách âm ỉ và có hệ thống. Thủ đoạn kinh doanh. Thủ đoạn kinh doanh của các thương lái Trung Quốc đã bộc lộ rõ bản chất: thiếu đạo đức kinh doanh. Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản ồ ạt, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh. Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được đành chịu thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường, tất cả thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua. Họ tự đặt ra các tiêu chuẩn kì lạ để có lý do ép giá nhiều hơn (ví dụ khoai lang củ to không mua, bắt phải giảm giá). Như trường hợp khoai lang tím, sau khi giá giảm chỉ còn 300,000 đồng/tạ, nông dân đã chủ động kéo dài thời gian thu hoạch, khoai lớn củ hơn nhưng giá lại bị ép xuống còn 250,000 đồng/tạ. Với cùng một thủ đoạn lặp đi lặp lại, các thương nhân Trung Quốc đã có thể ép giá dứa giảm hơn một nửa, khoai lang tím giảm tới 70%, và giá dừa thậm chí giảm đến 90%, còn gạo thì đang giảm giá liên tục và vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế. Chúng ta đã có không ít hệ lụy từ rất nhiều bài học trên thương trường mang tên Trung Quốc như những vụ thu mua một lượng lớn nông sản với giá trên trời, đến khi người dân đổ xô khai thác, thu hoạch thì các thương lái Trung Quốc lặn mất tăm. Trung Quốc còn sử dụng chiêu đơn phương hủy các hợp đồng thương mại, sử dụng rào cản kiểm dịch và cố tình làm chậm việc thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các cửa khẩu trên biên giới hai nước đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam thiệt hại, nhất là đối với các mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Đó là các thiệt hại trực tiếp cho nông dân, còn đối với các doanh nghiệp cần hàng sản xuất thì thiệt hại lại đau đớn hơn nhiều khi nguồn cung nguyên liệu của thị trường rất lớn nhưng họ lại không thể mua được và phải sản xuất dưới công suất do không thể cạnh tranh thu mua với thương lái Trung Quốc. Việt Nam đang thành bãi phế thải của Trung Quốc. Vì Việt Nam thiếu các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng kém chất lượng nên lâu nay chúng ta đã trở thành nơi tiêu thụ thượng vàng hạ cám của Trung Quốc. Trên thị trường Việt Nam đủ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vứt đi vẫn đang tồn tại đầy rẫy ngoài chợ, thậm chí cả trong siêu thị: gà thải loại, trứng gà giả, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại, gừng tỏi, gia vị, và thậm chí các loại phụ gia gây ung thư cũng được nhập về và bày bán khắp nơi. T.S Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng điều này đã tạo ra 2 mối nguy cho Việt Nam: trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng, thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược đẩy hàng nghìn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành bãi phế thải công nghệ, bãi phế thải của những hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc. Đón xem kỳ 2. - Cái bẫy của thương mại tự do. - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành bàn về các biện pháp thương mại để bảo vệ nền kinh tế lành mạnh. TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế. - Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam? Nhập siêu luôn tăng qua các năm. Là một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? - Hàng Trung Quốc càng ngày càng nhập ồ ạt vào Việt Nam, từ cái tăm cho đến trang thiết bị dẫn đến nhập siêu rất lớn. Các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua hàng có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế của chúng ta như mua lá cây hồi, mua lá cây điều Điều này diễn ra với tất cả các nước, đặt biệt là những nước có biên giới chung với Trung Quốc. Tôi sang Thái Lan, Thái Lan cũng kêu. Miến Điện cũng kêu nhưng với Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng vì Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc rất dài. Thứ hai là hàng Trung Quốc làm ra rất rẻ, chất lượng nhiều mặt hàng kém. Họ sản xuất được nhiều mặt hàng tốt nhưng họ xuất đi nước khác chứ không xuất sang Việt Nam. Xuất sang nước ta là có chính sách, có chủ ý, những mặt hàng có chất lượng thấp, giá rất rẻ. - Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao hàng Trung Quốc độc hại và kém chất lượng như vậy nhưng chúng ta vẫn ồ ạt nhập về? - Có mấy lý do: Chênh lệch giá giữa hàng của chúng ta và hàng Trung Quốc quá lớn, ví dụ như quả trứng gà. Trứng gà thải loại Trung Quốc có giá 500 đồng, đó là họ bán phá giá. Thứ hai là chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc trong đó chúng ta cam kết các thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Việt Nam được giảm từ 0-5%. Và điều quan trọng nhất là những rào cản kỹ thuật về thương mại chúng ta làm quá chậm nên giờ chúng ta đối phó rất khó. Nhiều người dân ở vùng biên giới nghèo nên đi làm cửu vạn để chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Chúng ta đã bắt nhưng không bắt được người cầm đầu cho nên bắt cóc bỏ đĩa, bắt người này thì lại có những người khác. - Hệ lụy của tình trạng này là gì, thưa ông? - Về kinh tế là rất đáng báo động. Đó là những điều hết sức đáng lo ngại cả về mặt kinh tế và sức khỏe của người dân, về ổn định trật tự xã hội. - Chúng ta có thể có những giải pháp nào để hạn chế việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng Trung Quốc độc hại tại Việt Nam? - Chúng ta đã ký hiệp định thương mại nên không thể nói là tẩy chay hàng Trung Quốc. Chúng ta chỉ có thể cực lực tố cáo những mặt hàng có hại cho sức khỏe, kêu gọi người dân không sử dụng những hàng hóa đó. Ví dụ ăn một quả trứng 500 đồng nhưng mang bệnh vào người và phải bỏ ra 100 triệu đồng để chữa trị. Cần phải nói rõ để mọi người dân hiểu. - Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cần làm gì để bảo vệ mình? - Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có những rào cản kỹ thuật và những biện pháp để bảo vệ. Người Việt Nam cần dùng hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải là người tiêu dùng mù quáng. Doanh nghiệp tự đổi mới, cải tiến để nâng cao tính cạnh tranh. Ví dụ chúng ta thấy những năm gần đây dệt may Việt Nam được đánh giá rất cao, người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam thay vì hàng Trung Quốc. Hay bia Vạn Lực trước đây bán tốt nhưng gần đây không bán được nữa. Và bản thân người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình và gia đình mình. - Cơ quan quản lý hàng nhập khẩu là Bộ Công thương. Ông có ý kiến gì về các biện pháp quản lý của Việt Nam? - Tôi thấy biện pháp của Bộ Công thương rất kém hiệu quả. Bộ Công thương rất chậm chạp trong việc có hàng rào kỹ thuật. Thí dụ ta xác định những mặt hàng nào độc hại thì phải phối hợp với Bộ Y tế là có những biện pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt. Vừa qua chúng ra đã làm chiến dịch ngăn chặn gà lậu qua biên giới và kêu gọi các cơ quan liên ngành vào cuộc nên có những kết quả và biến đổi bước đầu. Nhưng cần làm quyết liệt và đồng bộ hơn ở nhiều mặt hàng khác. - Xin cảm ơn ông! Khánh Huyền - Trần Việt.
Trực thăng đưa các cậu bé tới bệnh viện Chiang Rai ngày 9/7. Chiến dịch cứu hộ đã kết thúc! 9h: Tám thành viên trẻ của đội bóng đá Wild Boars đã được giải cứu sau hơn hai tuần rưỡi bị mắc kẹt trong một hang động ở miền bắc Thái Lan. Trong ngày thứ hai của nhiệm vụ giải cứu kéo dài, phức tạp, một nhóm gồm bốn cậu bé đã được giải cứu. "Chúng tôi rất vui vì hôm nay đã giải cứu thêm bốn đứa trẻ khác", ông Narongsak Osatanakorn, người đứng đầu ban cứu hộ thông báo tại một cuộc họp báo vào tối thứ Hai (9/7). Cả bốn cậu bé đều được đưa đến bệnh viện ở thành phố gần nhất, Chiang Rai. Giờ thì họ ổn, ông nói. Bốn đồng đội và huấn luyện viên của họ, Ekaphol Chantawong, vẫn ở bên trong, với hy vọng rằng họ sẽ được giải cứu vào ngày hôm nay. Giới chức Thái không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào cho sự thành công của việc giải cứu. Những nỗ lực tiếp theo dự kiến bắt đầu lúc 4 giờ chiều giờ địa phương. Chúng tôi sẽ mang đến cho bạn thông tin cập nhật khi nhiệm vụ diễn ra. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đọc báo cáo mới nhất từ phóng viên Nam Á, Michael Safi, người đang ở Mae Sai. 11:26 ngày 10/07/2018. 9h15: Có một nguồn tin rằng bệnh viện tỉnh Chiang Rai sẽ cung cấp một bản cập nhật sức khỏe của 8 cậu bé đã được giải cứu. 11:30 ngày 10/07/2018. 10h: Tóm lược về sự kiện giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan. 12 bé trai, tuổi từ 11 đến 16, và huấn luyện viên 25 tuổi của họ bước vào hang Tham Luan Nang Non vào ngày 23/6. Họ bị mắc kẹt trong đó 10 ngày trước khi được tìm thấy. Để thoát ra khỏi hang, các cậu bé phải vượt qua quãng đường khoảng 3,2km tối tăm chật hẹp bằng cách bơi lội và sử dụng thiết bị lặn và lội. Ban đầu, các thợ lặn phải mất tới 5 giờ để tới được chỗ các em đang trú ẩn và mất tới 6 giờ để bơi ra. Nhưng hiện tại quá trình này đã diễn ra nhanh hơn vì nhiều phần của tuyến đường nước đã được bơm ra ngoài.. Thợ lặn cần đến 20 giờ để lắp đặt bình khí và chuẩn bị tuyến đường. Cho đến nay đã có một người tử vong - cựu Hải quân Thái Lan Seal Saman Kunan chết trong khi đặt các bình khí dọc theo tuyến đường. Có 18 thợ lặn, 5 người Thái và 13 người nước ngoài tham gia vào hoạt động giải cứu. 4 cậu bé đã được đưa ra vào Chủ nhật trong vòng 11 giờ. Thêm 4 cậu bé đã được đưa ra vào thứ Hai trong vòng 9 giờ. 11:40 ngày 10/07/2018. 10h30". Tối qua, Gen Buncha Duriyaphan, một tướng quân đội tham gia vào cuộc giải cứu này nói rằng ông đã cầu thần phật cho ngừng mưa trong ba ngày để cứu các cậu bé. Lời cầu nguyện của ông dường như dường như chỉ được chấp thuận trong hai ngày. Mưa đã rơi xuống Mae Sai cả đêm qua và tiếp tục rơi vào buổi sáng hôm nay với số lượng khủng khiếp. Việc giải cứu trong hai ngày qua đã được xác định dựa trên các điều kiện hoàn hảo, bao gồm cả thời tiết và mực nước trong hang. Vẫn chưa rõ những cơn mưa lớn vào ngày hôm nay có làm phức tạp nhiệm vụ giải cứu hay không. Người dân Thái cầu nguyện cho các cậu bé và HLV còn trong hang (ảnh: AP). 11:53 ngày 10/07/2018. 11h: Bộ trưởng Ngoại giao Úc đã lên tiếng khen ngợi những nỗ lực của đội cứu hộ Úc. Bà Julie Bishop (ảnh: TheAustralian.com.au). Bà Julie Bishop, Bộ trưởng Ngoại giao Úc hôm qua đã có những nhận xét về các thành viên quốc tịch Úc tham gia trong đội cứu hộ, bà nói: "Tôi rất tự hào rằng đội Úc đã có thể đóng một vai trò quan trọng và quan trọng trong việc giải cứu". Bác sỹ Richard Harris, đã vào tận hang sâu nơi đội bóng trú ẩn để đánh giá sức khỏe của các cậu bé. "Những người thợ lặn thuộc đơn vị Cảnh sát Liên bang của chúng tôi đã trở thành một phần của chuỗi những người cứu hộ. Các thợ lặn Hải quân cũng đã tham gia và chúng tôi có các đội phản ứng khủng hoảng trên mặt đất. Bà Bishop cho biết nhóm cứu hộ của Úc - bao gồm nhân sự từ đại sứ quán Bangkok - đang làm việc dưới sự hướng dẫn của chính phủ Thái Lan và Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Ngoài Úc, cũng có một số đội cứu hộ từ các quốc gia khác bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Vương quốc Anh. 12:15 ngày 10/07/2018. 11h15: "Điệp vụ giải cứu" cuối cùng đã chính thức được triển khai. Chính quyền Thái Lan đã xác nhận nhiệm vụ giải cứu hôm nay bắt đầu vào lúc 10h08 sáng nay (giờ địa phương), với 19 thợ lặn đi vào trong hang. Mặc dù mưa lớn suốt đêm qua, điều kiện trong hang động không thay đổi nhiều. The Guardian cho biết nhiều tiếng vỗ tay trong phòng họp báo vang lên khi Trưởng ban Cứu hộ thông báo bốn cậu bé và huấn luyện viên của họ sẽ được đưa ra trong ngày hôm nay. Trưởng ban Cứu hộ (thứ hai từ trái sang) thông báo tiến trình giải cứu những người còn lại (ảnh: The Guardian). 12:18 ngày 10/07/2018. 12h05: 2 cậu bé phải dùng kháng sinh do nghi viêm phổi. ảnh cắt từ clip. 8 cậu bé được cứu thoát từ hang Tham Luang Nang Nom có sức khỏe tinh thần và thể chất tương đối tốt. Các em đã yêu cầu được ăn sô cô la, giới chức Thái cho biết. Tuy nhiên đã có 2 em phải dùng kháng sinh sau khi xét nghiệm viêm phổi. "Các em đều ở trong trạng thái tinh thần tốt", Jesada Chokedamrongsuk, Thư ký thường trực của Bộ Y tế công cộng, cho biết tại bệnh viện Chiang Rai. "Không có cậu bé nào bị sốt", ông nói thêm trong bản cập nhật rõ ràng nhất về tình trạng của các cậu bé được cứu thoát khỏi hang Tham Luang. Các cậu bé này là những người may mắn được cứu thoát vào ngày Chủ Nhật và thứ Hai, trong khi 4 cậu bé cuối cùng và huấn luyện viên của các em đã phải trải qua đêm thứ 17 trong hang tối. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra từ các chấn thương tâm lý hoặc bị nhiễm trùng vì phân dơi trong hang. Ông Jesada cho biết nhóm 8 cậu bé đã được xét nghiệm bằng X-quang và xét nghiệm máu, 2 người có triệu chứng viêm phổi và đã được dùng kháng sinh. Ông cũng cho biết các cậu bé có thể ăn, di chuyển và nói chuyện bình thường. "Tất cả các cậu bé sẽ phải ở lại bệnh viện trong một tuần để chờ kết quả xét nghiệm để xem liệu có thay đổi gì không", ông nói. Thongchai Lertwilairattanapong, Tổng Thanh tra Bộ Y tế Công cộng, cho biết 4 bé trai đầu tiên được đưa ra vào Chủ nhật đang ăn uống bình thường. "Các em đang yêu cầu sô cô la. Chúng tôi thấy mọi thứ đều ổn khi các em ăn uống tốt". Các cậu bé vẫn bị kiểm dịch và cách ly nhưng cha mẹ của các em đã có thể nhìn thấy con cái của họ thông qua lớp kính. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua để giải cứu các cậu bé còn lại và huấn luyện viên của họ khi mưa lớn đang bao trùm phía bắc tỉnh Chaing Rai, đe dọa làm phức tạp giai đoạn cuối của chiến dịch khi nước có thể lại tràn ngập hang Tham Luang. 13:10 ngày 10/07/2018. 13h5: Thái Lan từ chối sử dụng tàu lặn mini của tỷ phú Elon Musk. Trưởng ban Cứu hộ của Thái Lan, ông Narongsak Osatanakorn đã từ chối một cách lịch sự những nỗ lực của tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ông Musk đã dành vài ngày qua thiết kế và chế tạo một chiếc tàu lặn cỡ nhỏ, cho phép một cậu bé có thể chui vào bên trong và đủ nhẹ để thợ lặn có thể dễ dàng kéo đi trong nước. Mặc dù công nghệ của ông ấy tốt và tinh vi, nó không thực tế cho nhiệm vụ này, Ông Narongsak Osatanakorn nói. Đầu ngày hôm nay, ông Elon Musk tweet rằng ông đã mang chiếc tàu lặn mini (làm từ một bộ phận tên lửa) đến địa điểm hang động để trợ giúp việc cứu hộ. 8 cậu bé đã được đưa ra ngoài, và nhiệm vụ giải cứu cho 4 người khác và huấn luyện viên của các em vẫn đang được xúc tiến. Elon Musk đăng tweet cho biết chiếc tàu lặn mini đã được ông gửi tới khu vực hang động, và sẵn sàng vào công tác cứu hộ bất cứ khi nào người Thái cần đến. 13:20 ngày 10/07/2018. 13h30: Ông Ivan Karadzic, một thành viên của đội cứu hộ quốc tế, tràn đầy sự ngưỡng mộ vì cách mà các cậu bé đã thích ứng với các hoạt động cứu hộ chưa từng thấy. Phát biểu với BBC, ông nói: "Các em bị buộc phải làm điều mà chưa có đứa trẻ nào từng làm trước đây. Bắt các em lặn trong hang động ở độ tuổi 11 là điều phi thường. Các em đã phải lặn trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm, không nhìn thấy được, ánh sáng duy nhất là những ngọn đèn thợ lặn tự mang theo. Chúng tôi lo ngại rằng các em có thể bị thương. Những trục trặc thiết bị cũng có thể xảy ra. Chúng đúng là những đứa trẻ mạnh mẽ". Thợ lặn Ivan Karadzic (ảnh: BBC). 14:45 ngày 10/07/2018. 14h10: Sáng nay, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới Gianni Infantino đã gửi lời mời đến đội bóng thiếu niên Thái Lan tới dự khán trận chung kết World Cup 2018 tại Nga. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại, rất khó để các cầu thủ nhí của Thái Lan có thể đến Nga bởi họ vẫn đang phải điều trị cách ly tại bệnh viện. "Tất cả tám cậu bé đều có sức khỏe tốt, không sốt... các em đều ở trong trạng thái tinh thần tốt", Jedsada Chokdamrongsuk, thư ký thường trực của Bộ Y tế công cộng, nói với các phóng viên tại bệnh viện Chiang Rai, nơi các cậu bé đang hồi phục. ông Jedsada Chokdamrongsuk thông báo về tình trạng các cầu thủ thiếu niên (ảnh: EPA). 14:57 ngày 10/07/2018. 15h5: Một video vừa được tỷ phú Elon Musk đăng tải trên Instagram cá nhân cho thấy bên trong hang Tham Luang nước ngập như thế nào. Sáng nay ông Musk đã gửi chiếc tàu lặn mini do các kỹ sư của công ty Space X và Boring chế tạo, có thể nhét vừa một cậu bé bên trong. Tuy nhiên, phía Thái Lan đã từ chối lịch sự. Ông Musk đã hóm hỉnh tweet rằng chiếc tàu của mình đã tốt "vượt mức quy định" của phía Thái Lan. Video thợ lặn tiến vào trong hang. 15:14 ngày 10/07/2018. 15h30: Người dân Thái và các phóng viên vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tin tức tốt lành hiện trường. Đã có suy đoán rằng việc giải cứu nhanh chóng ngày hôm qua sẽ tạo điều kiện cho cậu bé thứ 9 được sớm đưa ra ngoài hang ngày hôm nay. Nhưng có lẽ trận mưa đêm qua đã gây ngập lụt thêm khiến việc cứu hộ trở nên khó khăn. ảnh: Getty Images. 15:50 ngày 10/07/2018. 15h45: Phóng viên của AP đã nhìn thấy một xe cứu thương rời khỏi vị trí. Tuy nhiên, chưa có thông tin về việc cậu bé thứ 9 đã được cứu. ảnh: AFP. 16:08 ngày 10/07/2018. 16h5: Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, đã gặp thân nhân của các cậu bé bị mắc kẹt trong hang động. Hôm thứ Hai (8/7), ông Prayut đã dự định đến cửa hang Tham Luang, nhưng đã hoãn chuyến thăm vì làm cản trở hoạt động cứu hộ. Ông ở lại Chiang Rai gần đó, nơi các cậu bé được giải cứu đang được điều trị. ảnh: Reuters. 16:12 ngày 10/07/2018. 16h20: Nguồn từ CNN và The Guardian cho biết cậu bé thứ 9 vừa được đưa ra khỏi hang. 16:25 ngày 10/07/2018. 16h30: Các đầu bếp dự đoán đây sẽ là ngày giải cứu cuối cùng và họ đã chuẩn bị một chảo thịt lợn xào to cho các nhân viên cứu hộ (bạn bấm vào biểu tượng video để xem). Chefs' Association of Chiang Rai is cooking what they called "last meal for Seals". The dish called "Klua Kling" spicy stir-fry minced pork, a popular Southern dish. #ThaiCaveResue #ThaiCaveBoys #thamluang @safimichael pic.twitter.com/Z4htYF4paj. veena T. (@veen_th) July 10, 2018. 16:34 ngày 10/07/2018. 16h45: Cậu bé thứ 10 đã được giải cứu. Cậu bé thứ 2 trong ngày hôm nay và là người thứ 10 đã được giải cứu từ khu phức hợp hang động Tham Luang Nang Nom bị ngập lụt. 12 cậu bé và huấn luyện viên bóng đá của họ đã bị kẹt tại đây trong hơn hai tuần. Việc 2 em được cứu ra sớm đã nâng cao hy vọng người thứ 13 sẽ được cứu ra kịp trong ngày hôm nay. Một nhân chứng đã nói với phóng viên Reuters rằng cho đến thời điểm này 2 cậu bé đã được đưa lên xe cứu thương. Nhân viên cứu hộ chuẩn bị trực thăng đưa người bị nạn đến bệnh viện (ảnh: Reuters). 16:53 ngày 10/07/2018. 17h : Tại trường Prasitsart ở Mae Sai, bạn của Nuttawut Takumsong - một trong những thành viên đội bóng đá Wild Boar bị mắc kẹt trong khu phức hợp hang động, nói với CNN rằng cậu mong muốn được chia sẻ một đĩa gà rán thật to cho bạn mình ngay khi các em được đoàn tụ. Thành viên trẻ nhất của nhóm, Titun 11 tuổi, cũng nói rằng cậu muốn ăn gà rán khi ra khỏi hang trong một bức thư tay viết nguệch ngoạc trong bóng tối gửi cho cha mẹ. Gà được chiên và bán ở bên đường là cảnh tượng phổ biến ở thị trấn Mae Sai, và đây là món ăn khoái khẩu của các em học sinh. ảnh CNN. 17:09 ngày 10/07/2018. 17h24: Thông tin từ Reuters vừa cập nhật tại hiện trường cho biết cậu bé thứ 11 đã được cáng ra ngoài. 17:25 ngày 10/07/2018. 17h40: Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nghe báo cáo tình hình cứu hộ. ảnh EPA. 17:42 ngày 10/07/2018. 17h50: Thủ tướng Thái Lan nói rằng các cậu bé đã được cho thuốc chống lo âu cho cuộc hành trình ra khỏi hang động - cùng một loại thuốc mà ông đã dùng để thư giãn khi ông luyện bắn súng. 17:54 ngày 10/07/2018. 18h30 : Nhiều nguồn tin từ hiện trường nói rằng cậu bé thứ 11 được giải cứu có tên là Chanin Wiboonrungrueng. Cậu bé này 11 tuổi và là người nhỏ tuổi nhất nhóm. Cậu còn có nickname là Titan. Chanin đã tập bóng được 5 năm. Cậu gia nhập câu lạc bộ Wild Boars cách đây 5 năm. 18:47 ngày 10/07/2018. 18h45 : Một nhà báo nước ngoài vừa bị cảnh sát Thái bắt giữ vì anh ta đã sử dụng drone để bay gần khu vực cửa hang. Hôm qua, trong buổi họp báo, nhà chức trách Thái đã than phiền về điều này. Trưởng ban Cứu hộ Narongsak Osatanakorn hôm qua cũng than phiền về việc các nhà báo đã nghe lén bộ đàm của cảnh sát. "Đây là hành vi sai trái", ông Narongsak nói. Nhà báo bị bắt giữ (ảnh: Richard Barrow). 18:53 ngày 10/07/2018. 18h42 : Nguồn tin của Reuters xác nhận một thành viên nữa của đội bóng thiếu niên vừa được đưa ra khỏi hang. Trang Facebook của Hải quân Hoàng gia Thái Lan cũng đã xác nhận điều này. Như vậy là tất cả các cậu bé trong đội bóng đã được giải cứu. Trong hang chỉ còn HLV và một bác sỹ. 18:56 ngày 10/07/2018. 19h02 : Hải quân Thái Lan viết trên Facebook rằng tất cả đã an toàn và chúng ta chờ nốt 4 "con ếch" ra khỏi hang. Con ếch ám chỉ 4 thành viên trong đội cứu hộ, bao gồm 1 bác sỹ và 3 thợ lặn đã túc trực cạnh các cậu bé trong 3 ngày qua. Như vậy là huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng cũng đã ra ngoài. Chiến dịch giải cứu đã thành công! 19:06 ngày 10/07/2018. 19h10 : Thủ tướng Iceland, bà Katrin Jakobsdolttir là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gửi lời chúc mừng đến Thái Lan. Bà chắc chắn không phải là người cuối cùng. 19:16 ngày 10/07/2018. 19h30 : Thủ tướng Anh Therasa May và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng qua Twitter. 19:54 ngày 10/07/2018. 19h45 : Câu lạc bộ bóng đá Manchester United đã mời các cầu thủ vừa được giải cứu tới sân Old Trafford. 19:56 ngày 10/07/2018. 19h50 : Tại Thái Lan, các màn ăn mừng đã bắt đầu. Các tình nguyện viên đẩy xe táo mời nhà báo ăn miễn phí. ảnh: Twitter Jacob Goldberg. 19:58 ngày 10/07/2018. 21h05 : Truyền hình Thái Lan đã chiếu cảnh chiếc xe cứu thương chở huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên đến bệnh viện Chiang Rai. Anh là thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu thoát. Đây là những gì mà chúng ta biết được về anh: "Chantawong, 25 tuổi, đã dẫn đội bóng của anh vào hang ngày 23/6. Anh đã từng làm một nhà sư Phật giáo, và kể từ khi rời khỏi cửa Phật, Chatawong đã dành phần lớn thời gian của mình để chăm sóc cho bà ngoại của mình. Một số hãng tin Thái Lan nói rằng nhà chức trách không buộc tội Chatawong đã gây nguy hiểm cho tính mạng các cậu bé, nhưng phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Werachon Sukondhapatipak nói với tờ Guardian rằng "không ai nói về điều đó". Sự hiện diện của huấn luyện viên là niềm an ủi đối với các cậu bé. Huấn luyện viên khuyên các em rằng họ cần phải nằm xuống, tất nhiên cố gắng thiền, cố gắng không di chuyển cơ thể quá nhiều, cố gắng không lãng phí năng lượng của mình. Và tất nhiên, bằng cách thiền định, họ luôn ý thức, vì vậy tâm trí của họ sẽ không rối bời". Gia đình của các cậu bé đã an ủi vị huấn luyện viên này: "Xin đừng buộc tội chính mình". Một lá thư được viết bởi mẹ của Nattawut Takamsai, 14 tuổi, có nội dung: Chúng tôi không giận bạn chút nào. Hãy chăm sóc tốt cho chính mình. Đừng quên ủ ấm bằng chăn khi thời tiết lạnh. Đừng lo lắng. Bạn sẽ sớm ra ngoài thôi. "Chúng tôi muốn bạn biết rằng không có bố mẹ nào giận bạn cả, vì vậy đừng lo lắng về điều đó". 21:31 ngày 10/07/2018. Đăng Khoa /
* Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro. * Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cuba. Vào hồi 13 giờ ngày 15-11 (theo giờ địa phương, khoảng 1 giờ sáng ngày 16-11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Jose Marti ở Thủ đô Havana, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba theo lời mời của đồng chí Raul Castro Ruz, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba. Đây là chuyến thăm Cuba đầu tiên của đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước. Cùng tham gia chuyến thăm của Chủ tịch nước có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba; Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương; Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các đồng chí Trợ lý Chủ tịch nước: Trần Quang Tiệp, Vũ Quang Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện một số tập đoàn, Tổng công ty... Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện học sinh và cộng đồng người Việt tại Cuba chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân. Đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sân bay có đồng chí Salvador Valde Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Cuba; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Cuba; Đại sứ Việt Nam tại Cuba Dương Minh cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập tại Cuba. Chuyến thăm Cuba lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra trong một thời điểm đặc biệt ý nghĩa, khi mà từ đầu năm, hai nước đều đã tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc và hiện đang tích cực triển khai Nghị quyết do Đại hội đề ra; người dân hai nước đều đang hướng tới những ngày kỷ niệm lớn liên quan tới quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước. Tại Việt Nam là lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016); tại Cuba là lễ kỷ niệm 50 năm Ngày con tàu Granma đưa 81 chiến sĩ cách mạng từ Mexico đổ bộ vào Cuba, mở màn giai đoạn hai của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước (2/12/1956-2/12/2016). Với ý nghĩa đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục mang đến tình cảm hữu nghị thủy chung, trong sáng của những người cùng chí hướng, luôn đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, vì lẽ công bằng và tiến bộ xã hội. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí Cuba tại sân bay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Cuba tươi đẹp, tự do và mến khách, quê hương của Jose Marti và Fidel Castro. Tuy Cuba và Việt Nam cách xa nhau tới nửa vòng trái đất, song ngay khi đặt chân tới sân bay, ông đã cảm nhận được sự ấm áp, cảm giác như đang trở về nhà. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí Cuba tại Sân bay Jose Marti. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn tự hào về mối quan hệ trong sáng, trước sau như một giữa hai Đảng và nhân dân hai nước; một mối quan hệ đã được thử thách qua hơn sáu mươi năm và hiện vẫn được xem là biểu tượng mẫu mực của thời đại. Nhân chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ bàn những biện pháp cụ thể để tiếp tục củng cố, tăng cường, phát huy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba, đáp ứng yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của người dân hai nước trong giai đoạn mới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn lời mời của đồng chí Raul Castro, đồng thời gửi tới toàn thể nhân dân Cuba anh em lời chào đoàn kết, hữu nghị và tình cảm nồng thắm nhất của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi đến Thủ đô Havana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng một số thành viên cao cấp Đoàn Việt Nam đã đến chào lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng chuyển đến đồng chí Fidel lời chào đồng chí anh em thân thiết và lời chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định lãnh đạo Đảng và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và đánh giá cao công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Fidel vào việc thiết lập, vun đắp mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc đồng chí Fidel luôn mạnh khỏe để tiếp tục dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Cuba và góp phần thắt chặt hơn nữa mối tình đoàn kết gắn bó keo sơn Cuba - Việt Nam. Đồng chí Fiden hoan nghênh Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cuba, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ anh em truyền thống đặc biệt giữa hai nước; nhắc lại những ấn tượng sâu sắc trong các chuyến thăm của đồng chí tới Việt Nam; ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã đạt những thành tựu to lớn trong quá trình "cập nhật hóa mô hình kinh tế" và những thắng lợi vẻ vang trên mặt trận đối ngoại thời gian qua, tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước của nhân dân Cuba trong tình hình mới; đồng thời không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Cuba ở khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thông báo cho đồng chí Fidel về tình hình Việt Nam gần đây; kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Fidel cùng ôn lại những dấu mốc nổi bật trong quan hệ hai nước 50 năm qua và cùng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, sau khi nghe Đại sứ Dương Minh thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán báo cáo kết quả các mặt công tác, đặc biệt là tình hình học tập, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại nước sở tại; Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự hài lòng trước những thành tích mà cán bộ, nhân viên sứ quán cũng như cộng đồng người Việt tại Cuba đã làm được thời gian qua. Chủ tịch nước khẳng định, những việc làm ấy đã góp phần không nhỏ củng cố mối quan hệ bền chặt, thủy chung Việt Nam - Cuba, là biểu hiện cụ thể, sâu sắc của sứ mệnh ngoại giao nhân dân mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Cuba. Thông báo những nét cơ bản về tình hình trong nước và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, thời gian tới, cộng đồng người Việt tại Cuba cần phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, sao cho mỗi người thực sự là một "đại sứ" nhằm góp phần duy trì và vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Cuba mãi xanh tươi. Đề cập tới vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ đầu tư vào Cuba, Chủ tịch nước nhắc nhở các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa tinh thần tự chủ, sáng tạo, với phương châm "giúp bạn là giúp mình", làm sao để cả hai cùng phát triển. Theo lịch trình chuyến thăm, sáng 16-11, tại Thủ đô Havana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Cuba Ricardo Cabrisas; tới thăm và đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Công viên Hòa Bình; tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo; thăm, tặng quà trường tiểu học mang tên người anh hùng của Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi; tiếp lãnh đạo Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc; đặt vòng hoa tại Tượng đài Jose Marti trên Quảng trường Cách mạng. Cùng ngày, vào lúc 18 h, Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ diễn ra tại Cung Cách mạng, Thủ đô Havana. Sau Lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro. Sau hội đàm là Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước. Được biết, ngày 9-11 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có buổi làm việc với Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio Lopez Diaz để bàn thảo một số nội dung chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Cuba. Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp tác nhiều dự án lớn, trong đó có dự án của Tổng Công ty Viglacera. Phạm Khải (từ La Havana - Cuba).
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các ĐBQH. Sáng nay (15/11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV với phần mở đầu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Dù là Bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn qua 2 nhiệm kỳ nhưng thực ra tôi mới đảm nhiệm chức vụ khoảng 7 tháng nay. Đây là một Bộ với lượng công việc rất lớn, rất rộng, trong quá trình công tác và cống hiến tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm nhưng có lẽ còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, là một trưởng ngành, tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) là người đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: -Báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của sự thua lỗ, kém hiệu quả của các siêu dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư và do Bộ quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ có sự cố ý vi phạm pháp luật trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về những sai phạm này? Đâu là trách nhiệm của của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư tại doanh nghiệp? Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội và Chính phủ để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như trong thời gian qua?. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Với 5 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, còn nhiều vướng mắc trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý thì thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng đã có đánh giá sơ bộ và có báo cáo. 5 dự án đó được xem xét chủ trương đầu tư, thực hiện từ 2003 và kéo dài đến nay, từ xơ sợi đến nhà máy đạm, xăng ethanol, gang thép... Trong từng dự án, do tính chất đặc thù của ngành, dự án có diễn biến khác nhau kéo dài qua nhiều thời kỳ, do nhiều nguyên nhân, nên đánh giá chung là rất khó. Tuy nhiên, có một số vấn đề nổi lên là các dự án đều có quá trình đầu tư kéo dài quá thời hạn theo phê duyệt. Như Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình... Dự án này không những kéo dài quá trình đầu tư mà đến nay còn chưa quyết toán dù đã đưa vào vận hành. Điểm chung của các dự án này là rơi vào thời điểm biến động thì trường thế giới. Dự án kéo dài dẫn đến thị trường thế giới ảnh hưởng mạnh cả về nội dung và việc thực hiện dự án. Ví dụ dầu khí, từ mức hơn 147 USD/thùng trước 2008, sau đó tụt và hiện giữ ở mức thấp, khoảng 40 USD/thùng, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Các dự án nếu có đi vào sản xuất thương mại cũng không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm nước ngoài đã được khấu hao và có giá thành rất thấp.... Về hạn chế, tồn tại, có nguyên nhân là do năng lực của các tập đoàn, tổng công ty theo phân cấp. Khi được phê duyệt đều thực hiện quản lý đầu tư dự án, chịu trách nhiệm phương án đầu tư và nội dung cụ thể báo cáo khả thi, công nghệ, tổ chức đầu tư với các nhà thầu, tư vấn... Năng lực hạn chế của ban quản lý dự án, của đối tượng được phân công quản lý, thể hiện rõ ở dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ... Cùng với đó là năng lực trong tổ chức đàm phán, ký kết thực hiện dự án liên quan khả năng thực hiện của các nhà thầu. Hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện của nước ta dẫn đến kéo dài, nhiều dự án không thực hiện đúng hợp đồng, đúng theo phê duyệt. Quá trình thực hiện có vướng mắc thì có yếu tố nước ngoài đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng giải pháp chưa hiệu quả do nhiều lý do. Do vậy, các dự án trên đều có tồn tại vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn, có đưa vào hoạt động cũng không thể cạnh tranh, thậm chí doanh thu không bù cho chi phí. Cần phải đánh giá đầy đủ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, căn cứ pháp lý để làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là các giải pháp cần được nghiên cứu xem xét tổng thể, đảm bảo mục tiêu bảo vệ vốn, lợi ích tài sản nhà nước và doanh nghiệp. Các giải pháp đưa ra phải dựa trên kinh tế thị trường phù hợp với hội nhập và cam kết quốc tế. Xem xét làm rõ trách nhiệm và khắc phục cụ thể, từ bán dự án, cho thuê hoặc cổ phần hóa hay giao lại cho doanh nghiệp cùng khai thác, hoặc tuyên bố phá sản. Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành đánh giá toàn diện báo cáo chính phủ, cụ thể là 5 dự án trên, Bộ Công thương đều có nghiên cứu báo cáo giải trình. Sau Kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ có hướng giải quyết triệt để. Trách nhiệm thì cần làm thận trọng, đánh giá đúng đầy đủ theo quy định pháp lý, nhất là từng giai đoạn khác nhau, xem xét trách nhiệm các cấp quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân. Trong đó phân định làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, vô tình hay cố tình. Không loại trừ cố tình làm sai, làm không đúng trong quản trị doanh nghiệp, dự án. Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, có dự án có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, có dự án có kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính.... Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và sau đó báo cáo đại biểu Quốc hội. Nếu có cố tình sai phạm thì chắc chắc xem xét trách nhiệm, kể cả hình sự. ĐB Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): -Cách đây 7 năm, nhiều ĐB lo lắng về điều kiện kinh tế và sự an toàn của các công trình khai thác boxit ở Tây Nguyên. Bộ Công thương khi đó đã có văn bản giải trình và cam kết trước Quốc hội. Thực tế hiện nay cho thấy những lo lắng của dư luận và ĐB là hoàn toàn đúng, thể hiện qua việc thua lỗ, xảy ra sự cố tràn bùn đỏ và hóa chất... Vậy Bộ trưởng đánh giá những ý kiến giải trình, cam kết trước đây của Bộ thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này? ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với hai dự án ở Đắk Nông và Nhân Cơ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các dự án đã được triển khai trong thời gian qua được sự quan tâm rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường. Cả hai dự án này được triển khai thực hiện và có sự phê duyệt của Bộ TN-MT, là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của môi trường Việt Nam trong các lĩnh vực của các dự án đó. Trong quá trình thực hiện, các BQL dự án cũng như chính quyền địa phương và cả Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan đều kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường tại các địa phương, từ những vấn đề lớn như giải quyết bùn đỏ cũng như việc thi công thực hiện các hạng mục đầu tư của các dự án này và chấp hành pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên trong thời gian thi công đã xảy ra một số sự cố, ví dụ như tràn sút của dự án Alumin của nhà máy Nhân Cơ, do mưa và do một số yếu tố của thời tiết làm đê chắn bị vỡ. Việc này cũng đã được nhà thầu và BQL dự án kiểm tra, giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức, kiểm tra lại chất lượng của các nhà đầu tư, đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong từng hạng mục đầu tư cũng như công tác vận hành chung của nhà máy, tuy nhiên ở đây vẫn rất cần vai trò của chính quyền địa phương có sự phối hợp của các nhà đầu tư có biện pháp giám sát, kiểm tra kịp thời. Đồng thời cần có sự chỉ đạo thường xuyên của các Bộ ngành, trong đó có Bộ chủ quản là Bộ Công thương, Tập đoàn Than Khoáng sản, Bộ TN-MT. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): - Bộ trưởng trả lời như vậy chưa thuyết phục, chưa đi vào câu hỏi. Ý tôi muốn nói là Bộ trưởng đánh giá cam kết trước đây của Bộ Công thương về vấn đề này thế nào, hay nói cách khác là trách nhiệm của Bộ ở đây ra sao để từ đó tìm ra giải pháp? Tôi lấy ví dụ nhỏ thôi, ngay cam kết trước đây và báo cáo gửi đoàn giám sát gửi Thường vụ Quốc hội năm 2014, Bộ Công thương đã có kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao, tôi thấy vấn đề này ko logic. Khi duyệt thiết kế hồ sơ bùn đỏ này Bộ Công thương căn cứ vào tiêu chuẩn nào để phê duyệt mà bây giờ báo cáo đoàn giám sát cho rằng tiêu chuẩn quá cao, xin giảm xuống? Trong khi chúng ta biết rằng, trên thế giới, người ta sợ nhất bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit vì nó chứa độ kiềm cao đến 12pH, mà công nghệ trên thế giới hiện nay lại chưa giải quyết được quặng sút trong bùn đỏ này. Nếu Bộ trưởng chưa chuẩn bị được thì trả lời bằng văn bản để tôi trả lời cho cử tri. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vấn đề ĐB hỏi, chúng tôi xin phép trả lời bằng văn bản. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình): -Cử tri rất băn khoăn việc kỷ luật nguyên bộ trưởng. Vì sao lại kỷ luật một nguyên bộ trưởng mà trong các văn bản pháp luật không thấy có quy định về kỷ luật nguyên bộ trưởng này? Vậy căn cứ vào đâu để mà kỷ luật? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Về nội dung chất vấn kỷ luật nguyên bộ trưởng thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không phải trả lời, do đây là việc không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Quốc hội sẽ trả lời vấn đề này. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên): -Chưa bao giờ người dân mỏng manh trước thiên thai như vậy, điển hình qua việc thủy điện Hố Hô và An Khê - Kanak bất ngờ xả lũ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý sai phạm thế nào, người dân bao giờ được bồi thường? Rà soát thủy điện thế nào, bất cập cái gọi là quy trình vận hành có được loại bỏ không, liệu dân có được sống an lành không? ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bộ Công thương đã có báo cáo hơn 20 trang về nghị quyết 62 của nhiệm kỳ trước, trong đó có nêu đầy đủ giải pháp về vấn đề này. Chúng ta không phát triển thủy điện và các dự án năng lượng bằng mọi giá. Về cơ bản thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, các thủy điện nhỏ và vừa căn cứ nghị quyết 62 đã xem xét, đánh giá lại và đưa ra quy hoạch nhiều dự án không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Hiện nay chúng ta có hơn 336 dự án thủy điện. Chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện và các đập thủy điện được phân bổ vào các bộm ngành, trong đó Bộ Công thương là Bộ chủ đạo, ngoài ra còn có Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng, và Bộ NNPTNT. Đối với việc đảm bảo an toàn khi xả lũ của các đập thủy điện, chúng ta có 3 yếu tố rất quan trọng. Một là phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt tại địa phương, và các chủ đập thủy điện tham gia vào quá trình đó. Hai là quy trình xả lũ, có quy định trong nghị định Chính phủ. Quy định rõ đối với đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên do Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt, dưới quy mô đó là do lãnh đạo địa phương phê duyệt. Thứ ba, các doanh nghiệp, các chủ đập phải cùng tham gia cùng địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ vùng hạ lưu, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu khi xả lũ. Phải có đủ 3 yếu tố này thì các đập thủy điện, chủ dự án mới được cấp giấy phép hoạt động. Từ khi có nghị định 2013 chúng ta đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ quy định pháp lý về vấn đề này. Cả thủy điện Hố Hô, An Khê Kanak hay các đạp thủy điện khác đều phải đảm bảo an toàn thủy điện và an toàn xả lũ mới được cấp phép. Tuy nhiên, có một thực tế xảy ra là các đập khi xả lũ thường xuyên gây bức xúc, ví dụ như vừa qua việc xả lũ của Hố Hô và An Khê Kanak. Tại sao lại có vấn đề này? Bộ Công thương tổ chức đoàn kiểm tra ngay, thực tế có vấn đề: thứ nhất quy trình có nhưng chấp hành còn máy móc. Ví dụ chủ đập phải thông báo cho các xã hạ lưu nhưng không nói rõ là thông báo thế nào hình thức nào, nên có những thông báo không đến đầy đủ, ví dụ mất điện hay đánh kẻng mà không nghe thấy. Thứ hai có phương án phòng chống nhưng diễn tập thực hiện chưa tốt, nên thực tế thực hiện khi có sự việc chưa tốt. Thậm chí như Hố Hô, khi chủ đập gọi điện thì không nghe máy, nên địa phương không đảm bảo được thông tin. Thứ ba, theo dõi dự báo thời tiết chưa được đảm bảo để chủ động phối hợp xả lũ. Tới đây đánh giá lại toàn bộ chất lượng phòng chống lụt bão, xem xét tổ chức tập huấn làm rõ trách nhiệm, chế tài kèm theo. Thậm chí cấm không cho hoạt động điện lực, làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm sự tham gia của tất cả các nơi. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên): -Thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, không báo trước, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hoàn toàn không biết, như thủy điện An Khê thì Chủ tịch tỉnh Gia Lai không biết. Xả lũ rồi 5h chiều thông báo, người dân không biết đi đâu trong lúc trời tối như vậy. Thừa nhận có vi phạm thì xử lý thế nào để người dân không phải như thế nữa? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về xả lũ thủy điện Hố Hô, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng. Đúng là đồng chí Bí thư tỉnh ủy có nói là không biết việc xả lũ này, nhưng thủy điện báo cáo với ủy ban phòng chống lụt bão của tỉnh. Tôi cũng có nói là thủy điện Hố Hô có gọi điện báo nhưng một số xã không nghe máy, do đó chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại cả quy trình này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Thủy điện Hố Hô thì Bộ Công thương đã kiểm tra và khẳng định có sai phạm trong thực hiện quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Bộ chấn chỉnh lại ngay vấn đề xả lũ của thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn phải chịu thiệt hại. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): - Sau 5 dự án lớn đắp chiếu và thất thoát hàng nghìn tỷ thì còn bao nhiêu dự án nhỏ, đầu tư thất thoát vốn? Tình trạng bán hàng đa cấp thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu mà mãi sau này mới phát hiện và xử lý? ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về các dự án làm thất thoát vốn nhà nước, cần út kinh nghiệm từ những dự án lớn để xây dựng quy trình đảm bảo trong quản trị vốn nhà nước, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế ngành. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu về việc các bộ, ngành phải phối hợp quản lý các dự án đầu tư đó. Với bán hàng đa cấp, thực tế đã được cấp phép khi Việt Nam gia nhập WTO và đã được thắt chặt hơn nhưng gần đây bộc lộ một số vấn đề về quản lý Nhà nước. Có 3 nguyên nhân là khuôn khổ pháp lý còn chưa chặt chẽ, phối hợp quản lý chưa tốt và thứ ba là bán hàng đa cấp có sức hấp dẫn lớn thông qua việc quảng cáo. Năm 2015 Bộ Công Thương nhận thấy nhiều bất cập nên đã tăng cường kiểm tra, phát hiện hàng loạt doanh nghiệp còn có hiện tượng gian dối, thu lợi bất chính. Đầu năm 2016 xây dựng 2 chỉ thị để tăng cường kiểm tra bán hàng đa cấp tại địa phương. Do đó, từ 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã rút giấy phép của 25 đơn vị và xử phạt 14 đơn vị. Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi một số văn bản pháp luật. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): -Thời gian qua, thiệt hại từ phân bón giả và kém chất lượng là rất lớn. Vừa qua Bộ NN-PTNT phát hiện phân bón hữu cơ giả và đã xử lý, nhưng Bộ Công thương chưa xác định được mức độ sai phạm của phân bón vô cơ. Bộ trưởng cho rằng trong lúc này cần có biện pháp gì? Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời để làm rõ thêm vấn đề. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng là có sự tồn tại những sai phạm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng. Bộ Công thương đã tổ chức, kiểm tra trong tháng 5 và tháng 6 đã có phát hiện một số vi phạm trong chứng nhận và sản xuất phân bón nên đã ban hành quyết định rút giấy phép. Biện pháp trước mắt là sắp tới là sẽ hoàn thành sớm về quy chuẩn, phân cấp về quản lý tại các địa phương, xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương và kinh doanh phân bón. Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn theo những nhóm vấn đề trọng tâm, đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Chất vấn theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng những vấn đề đặt ra trong đời sống, đáp ứng những vấn đề cử tri mong mỏi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Những chất vấn liên quan đến số liệu cụ thể, tài liệu nhiều, thì bộ trưởng có thể trả lời về quan điểm, giải pháp, sau đó cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội. Hoài Thu.
Dư nợ tín dụng: Vẫn tăng! Ngay sau màn bi kịch tín dụng đen BĐS ở Hà Nội, tại TP.HCM lại xảy ra sự cố bán tháo căn hộ vào cuối tháng 10/2011 như một màn hài kịch đặc sắc. Kết quả đại hạ giá này, như tất cả mọi người đều đã rõ, không phải là một cuộc phá sản của PVL, cũng không hẳn là ngòi nổ cho một làn sóng bán tháo của các dự án căn hộ khác. Tuy nhiên, đó lại là nhân tố đang dẫn đến hệ quả thứ ba, sau hai hệ quả tín dụng đen BĐS và hiện tượng giảm giá bán căn hộ. Hệ quả thứ ba - lần này xảy ra tại cả hai thành phố lớn nhất nước - nợ vay BĐS. Chỉ vài ngày sau khi hiện tượng bán tháo căn hộ dần trôi qua, dư luận và công luận lại ồn ào về nhiều chuyện liên quan đến nợ và nợ xấu. Những từ ngữ đặc trưng về tính hình tượng như "cơn lũ", "cơn bão" lại một lần nữa được đem ra sử dụng. Những từ ngữ trên thực ra không có gì mới lạ, vì chúng đã được dùng trong các tháng 5-6 của năm nay. Khi đó tình hình thị trường BĐS cũng bĩ cực gần như hiện nay, khi hầu hết các chủ đầu tư căn hộ trung - cao cấp đều không thể tiêu thụ được hàng, còn thời hạn 30/6 lại đánh dấu cho mốc mà các ngân hàng phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 22% theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng có điểm gì khác biệt giữa hai thời điểm giữa năm 2011 và hiện thời? Vào giữa năm nay, con số dư nợ tín dụng BĐS trên toàn quốc là khoảng 220.000 tỷ đồng, chưa tính dến trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng điều ngạc nhiên là đến nay, dư nợ tín dụng BĐS không những không giảm đi mà còn tăng lên, đến 245.000 tỷ đồng. Đáng lý ra, các ngân hàng khi cố giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về 22% thì phải siết lại nguồn cung tín dụng cho vay. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. Vì sao? Đã không quá khó để lý giải cho thực tế trên, nếu nhìn vào hiện tượng không một doanh nghiệp BĐS nào tuyên bố phá sản, không một ngân hàng nào kêu ca về nợ khó đòi, cũng không có ngân hàng nào bị xử lý dù tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất vẫn còn cao hơn mức cho phép 22% khi thời gian đã trôi qua tháng 6/2011. Nhưng dù đã thu xếp tương đối ổn thỏa về chuyện hoãn nợ, đáo nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp BĐS vào giữa năm nay, thì liệu kịch bản ấy có lặp lại vào cuối năm? Hiện thời, câu trả lời có vẻ như rất không ổn thỏa. Từ giữa năm 2011 đến nay, dư nợ tín dụng BĐS không những không giảm đi mà còn tăng lên (Ảnh minh họa). Giá giảm mạnh, nhưng không kéo nổi lực cầu. Khác với thời điểm giữa năm, hiện thời đã bắt đầu xuất hiện gương mặt của vài ba ngân hàng, tuy còn cố giấu tên. Nhưng những xác nhận khá chắc chắn về thông tin đã cho thấy nguồn cung tín dụng BĐS đang bị chặn đứng hoàn toàn từ phía ngân hàng. Cùng lúc, ngân hàng tăng cường thu hồi nợ vay BĐS. Nếu trong "chiến dịch" bán tháo căn hộ, đã không có một ngân hàng nào ra mặt, thì sự xuất hiện của ít nhất vài ngân hàng đối với dư luận về nợ xấu BĐS đã phát triển cái logic về hậu quả tất yếu phải xảy ra: ngân hàng không thể giữ im lặng mãi được. Nhưng điều trớ trêu cho các ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS là sắp tới lấy gì để bù đắp cho những khoản cho vay. Mặc dù đã có xác nhận về hiện tượng doanh nghiệp gán nợ cho ngân hàng bằng chính dự án của mình, nhưng kinh nghiệm từ năm 2007 đến nay cho thấy chẳng có mấy ngân hàng thực hiện được việc kinh doanh dự án đất đai cũng giỏi giang như kinh doanh tiền tệ. Vì thế, chấp nhận gán nợ dự án cũng có nghĩa là ngân hàng phải ôm thêm một khối tài sản không bán được. Nguy cơ tài sản dạng dự án không thể bán được là lớn hơn hẳn so với các khoản cho vay cá nhân. Trong quý III năm nay, hệ số tiêu thụ của rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã trở nên quá tồi tệ, có doanh nghiệp không bán được một căn hộ nào, cũng có doanh nghiệp chỉ có doanh thu vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Bởi thế, cho dù ngân hàng có ôm được nợ gán của doanh nghiệp với giá rẻ mạt, thì cũng chưa có lý do thuyết phục nào để ngân hàng có thể phát mãi hay thanh lý dự án với giá thành công. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, "tình hình chung là bế tắc" và "khó có thể đoán định được khi nào thị trường BĐS sẽ phục hồi". Nhận định như thế là rất bình thường trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay, nhưng lại không bình thường nếu so sánh với thái độ tự tin của Bộ Xây dựng trong hai lần trình Chính phủ bản dự thảo phát triển thị trường BĐS vào tháng 6/2011 và tháng 9/2011. Khả năng giá địa ốc có thể giảm mạnh nhưng vẫn không thu hút được lực cầu cũng đã được ông Nam phác ra. Nếu đúng như thế, với khoảng gần 90.000 tỷ đồng dư nợ BĐS tại TP.HCM, cho dù các ngân hàng có chấp nhận cho doanh nghiệp BĐS gán hết số nợ này, thì trong những điều kiện chưa có gì sáng sủa như hiện nay, hệ số tiêu thụ sản phẩm cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 20-30%, có nghĩa là ngân hàng sẽ phải chấp nhận lỗ ít ra vài chục ngàn tỷ đồng nữa. Khả năng giá địa ốc có thể giảm mạnh nhưng vẫn không thu hút được lực cầu (Ảnh minh họa). Ai sẽ ngăn chặn "thời điểm Minsky"? Ngay vào lúc này, tình hình nợ nần của thị trường BĐS chưa đến mức đổ vỡ. Nhưng ai có thể chắc chắn được là trong hơn một tháng nữa, cụ thể là đến thời điểm cuối năm 2011, "thời điểm Minsky" sẽ không xảy ra? "Thời điểm Minsky" (Minsky moment) là sự di chuyển chậm từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng của hệ thống tài chính. Thời điểm này được rút ra từ thuyết bất ổn về tài chính do nhà kinh tế học người Mỹ Hyman P.Minsky (1919 - 1996) đề nghị vào thập niên 1970. Minsky có thể ứng với thời điểm mà những khoản nợ vay và nợ xấu BĐS mất khả năng thanh toán, dẫn dắt thị trường BĐS từ trạng thái suy thoái sang khủng hoảng thật sự. Tình trạng nợ và lãi vay có nguy cơ ngấp nghé giá trị tài sản đang xuất hiện tại một số doanh nghiệp BĐS. Ở khu vực phía Nam, ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng rơi vào tình thế khó khăn thì có thể hiểu các doanh nghiệp BĐS khác "thèm một cuộc sống không nợ nần" đến thế nào. Giờ đây, mọi thứ đang trở nên quá đỗi bấp bênh, ranh giới giữa hồi phục và phá sản là 50/50. Người ta càng thấy rõ là ngay trong tháng 12 năm nay, một sự bùng vỡ tín dụng BĐS đối với đối tượng chủ đầu tư doanh nghiệp có thể sẽ xảy ra. Một khi xảy ra, đó sẽ thật sự là một cơn lũ quét với cường độ mạnh và liên tục được cấp số nhân lên nhiều lần. Khi đó, giả thuyết về sự phá sản của doanh nghiệp sẽ ứng với số lượng hàng loạt. Nhưng ai cũng biết rằng doanh nghiệp BĐS không hề cô độc, bởi nó sẽ kéo theo người bạn đồng hành từ thời niên thiếu là hàng loạt ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng thiếu vốn và kém thanh khoản trong mấy tháng qua. Bản thân các ngân hàng nhỏ này lại làm liên lụy những ngân hàng lớn hơn. Cho dù đến nay theo thống kê chính thức, tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS chưa đến 10% so với tổng dư nợ tại hệ thống ngân hàng. Nhưng trong thực tế, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp, con số nợ thực có thể vượt hơn 245.000 tỷ đồng. Còn nếu các ngân hàng chịu khó làm rõ những khoản cho vay tín dụng BĐS trong những năm qua, theo một yêu cầu không mấy rõ nghĩa của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 11/2011 khi đề nghị các tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin về tình hình dư nợ BĐS và bảo đảm tính chính xác của thông tin này, thì chắc hẳn con số cho vay BĐS là chưa lường được. Với tình hình nợ không được giải quyết, vòng xoáy cứ thế mà tiếp diễn cho đến khi "thời điểm Minsky" hoàn thành nhiệm vụ cao cả của nó là nhấn chìm hệ thống ngân hàng vào vực xoáy. Giờ đây, chỉ còn duy nhất một nhân tố có thể cứu vãn tình thế cho ngân hàng và doanh nghiệp BĐS: chính sách.
Đi tiên phong. Vùng biển nơi đây vốn nghèo, cái nghèo đặc trưng của bãi ngang có từ thời lập làng. Dân ra khơi bằng bơ nan hay thuyền nhỏ nên thu nhập cũng bấp bênh như sóng vỗ bờ. Anh Ngô Văn Dương cũng như bạn bè cùng trang lứa ở thôn Cừa Thôn (xã Hải Ninh) ra biển mưu sinh trên những con thuyền nhỏ. Thấy nghề đi biển cũng chỉ đủ ăn nên Dương quyết định lên bờ. Dành dụm, vay vốn làm đủ nghề dịch vụ cho làng biển. Vài năm như vậy, Dương lại chuyển hướng làm ăn lớn bằng cách mua xe tải nhỏ vận chuyển tôm, cá, dầu đèn từ vùng này đi vùng khác. Khi nuôi tôm trên cát phát triển, Dương nảy sinh ý định đầu tư nuôi tôm. Nghĩ mãi không ra nguồn vốn ban đầu từ đâu, trong khi đầu tư nuôi tôm thì cần số tiền rất lớn. Sợ vợ không đồng ý, Dương nói dối vợ là bán xe để mua xe trọng tải lớn hơn, rồi cầm mấy trăm triệu tiền bán xe để nuôi tôm. Ban đầu, chưa có kiến thức, kinh nghiệm, Dương thuê người về làm kỹ thuật cho mình. Nhưng năm đầu cũng chỉ loay quay với tôm bệnh, tôm chết nên vốn có nguy cơ teo tóp. Tự mình làm thì mới thành công được, Dương nghĩ vậy và bắt đầu từ năm 2011 anh dồn hết tâm huyết vào con tôm và những "chiêu" nuôi chẳng giống ai và cũng chẳng có giáo án nào về phương diện lý thuyết. Lý luận của Dương đưa ra thật đơn giản, nhà bẩn thì con cái hay đau ốm và cũng đồng nghĩa là nước hồ bẩn thì con tôm không thể khỏe được. Ao tôm của anh được thay nước mỗi ngày. Ao được cải tạo có đáy hình lòng chảo nên khi thay nước các tạp chất, thức ăn thừa được đẩy ra hết. Anh Ngô Văn Dương mong nhiều bà con nuôi tôm thành tỷ phú. Không cho tôm nghỉ sau khi ăn như lý thuyết, Dương bật máy sục khí luôn để tôm vận động nhiều hơn. Kết quả thật bất ngờ, tôm ăn càng khỏe, thức ăn dư lại ít dần, lớn vượt lên. Kết quả là mấy hồ tôm của Dương ít bệnh cho năng suất cao hẳn. Không dừng lại ở chuyện con tôm ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn, Dương tìm tòi và tăng dần mật độ con giống trên diện tích nuôi. "Đến bây giờ, mật độ nuôi đạt bao nhiêu, tôi hỏi. Dương cười: Về lý thuyết thì chẳng ai tin, mật độ trung bình người dân thả từ 300 - 350 con/m3 nước (tức từ 70 vạn - 1 triệu con giống/ao có diện tích trên 3.000 m2). Mật độ ở những nơi khác chỉ ở mức 60 - 100 con giống thôi. Năm đầu tiên chỉ vài hộ nuôi. Thấy Dương đánh đâu thắng đó hàng chục, rồi cả trăm hộ dân làng biển gác nghề theo Dương nuôi tôm. Tôi chẳng giấu nghề, sẵn lòng giúp đỡ mọi người để mong cả làng thành tỷ phú, Dương bộc bạch. Thật khó tin, tôi nhấn nhá. Thì bác cứ tính cho em là sản lượng mỗi hồ nuôi cứ tăng dần lên từ 11 tấn lên 13 tấn, rồi 15 tấn; thậm chí có ao nuôi đạt kỷ lục trên 17 tấn là biết. Có thể nói đến lúc đó thì gạt tôm ra mới múc được nước, Dương ví von trả lời câu hỏi nghi hoặc của tôi. Cách lấy nước cho hồ tôm của Dương đưa ra cũng khác người. Thay cho cách lấy nước bơm từ biển vào, Dương đưa ống nước ra xa cách bờ chừng 30 - 40 m, khoan xuống đáy biển ở độ sâu 3 - 4m, rồi bơm vào. Dù nước biển có thay đổi kiểu gì thì nước ở đáy sâu vẫn không bị ô nhiễm hay mang mầm bệnh. Đó là giải pháp an toàn cho nước nuôi tôm. Ngoài ra, cũng kiểm tra hàng ngày để biết độ PH, kiềm trong nước hồ để xử lý cho phù hợp, Dương cho biết thêm. Những câu chuyện thách thức khoa học. Ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (cũng là một trong những gia đình có tham gia nuôi tôm thẻ trên cát) cho hay: Cả xã hiện có trên 150 hộ nuôi tôm. Hai năm gần đây, người nuôi ít khi thấy thất bát. Trung bình cứ 3 tháng thu hoạch thì mức lãi từ 1 - 1,5 tỷ đồng/hồ. Thậm chí có hồ đạt mức lãi đến 2 tỷ. Nói chung về phương diện kỹ thuật nuôi thì mọi người nhất quán theo anh Dương và có nhiều cách để tránh thất bát. Bây giờ người dân nơi đây đều rành rẽ về "chiêu thức" nuôi tôm. Bà con áp dụng nuôi theo kiểu xăm lo cả", ông Lừa cho hay. Xăm lo có nghĩa là cuốn chiếu. Chẳng hạn vài hộ gia đình cùng chung sức, chung vốn đầu tư nuôi 3 hồ. Không ai thả con giống cùng một lúc mà áp dụng thả giống xuống hồ thứ nhất, chăm sóc kỹ lưỡng theo đúng bài bản. Sau 1 tháng sẽ thả tiếp hồ thứ hai và sau tháng nữa mới thả hồ thứ ba. Khi hồ thứ ba được tháng thì hồ thứ nhất thu hoạch, ông Lừa lý giải. Cũng theo cách lý luận của bà con thì làm như vậy có được nhiều cái lợi. Đó là mức đầu tư vừa phải, có nhân lực để theo dõi, quản lý hồ; hoặc nếu con giống có bị nhiễm bệnh cũng dễ xử lý hơn. Với người nuôi tôm ở đây, khi tôm qua tháng thứ hai là đã yên tâm. Vì lúc này, tôm đã có sức nên khó bị mắc bệnh. Nếu có trục trặc gì thì xuất bán luôn. Chị Ngô Thị Linh có mấy hồ tôm nuôi chung với anh em trong nhà kể lại: "Hôm đài báo bão số 14 sắp vô. Tôm nhà tôi qua tháng thứ hai, vì sợ bão lớn không giữ được nên xuất bán lãi ít, chỉ được khoảng 500 triệu đồng/hồ. Mấy gia đình bạo gan để lại sau một tháng xuất tôm, số lãi trên tỷ bạc hết cả. Được mùa tôm ở Hải Ninh. Ông Phạm Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cũng khá am tường về nuôi tôm ở địa phương mình. Cách xử lý hồ tôm nếu phát hiện bị bệnh là khá triệt để. Khi tôm bị nhiễm bệnh, sau vài lần điều trị nếu không hết thì cơ bản là xả luôn hồ chứ không chữa chạy gì hết. Sau đó, xử lý hồ đâu vào đó rồi thả giống tiếp, ông Liệu nói. Cũng theo ông Liệu, những gia đình nuôi tôm ở đây đều có cách pha chế" thức ăn cho tôm khá đặc biệt. Tùy theo từng ao tôm, chất lượng tôm mà bà con nấu các loại thảo dược như cây nhân trần, cam thảo, chuối lấy nước trộn với thức ăn để tăng thêm sức đề kháng cho tôm, phòng chống bệnh gan, đường ruột. Nhiều gia đình còn trộn thêm mật ong, khoai lang khô nghiền bột hay vitamin, cốm canxi trẻ em. Tỷ lệ pha trộn cũng phải có kinh nghiệm theo từng giai đoạn tôm phát triển hoặc theo mức độ thức ăn dư thừa quan sát dưới lòng hồ. Làng Hải Ninh bây giờ rặt đi thuê đất nơi khác làm hồ tôm. Hết đến các xã ven biển của huyện Lệ Thủy lại ra vùng biển huyện Bố Trạch hay ra tận Quảng Trạch. Cho dù tại các vùng đó, người dân địa phương như ngồi trên lửa vì sợ thất bát. Thấy người dân Hải Ninh cứ lặng lẽ làm, họ cũng nghi hoặc. Được một vài vụ cũng lỗ mất vốn rồi chạy mất dép thôi", người dân làng Trung Trạch (Bố Trạch) nói vậy. Nhưng rồi, hàng chục hồ tôm ở Trung Trạch do người dân Hải Ninh nuôi cứ lặng lẽ thu lãi tiền tỷ mỗi hồ đã làm cho mọi người thay đổi cách suy nghĩ rồi kéo đến học hỏi. Đã có cả ngàn người từ các tỉnh miền Trung tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi ao nuôi chưa thể có được giáo án nào phù hợp mà vấn đề người nuôi phải bám hồ, bám tôm hằng ngày để biết diễn biến, biết xử lý linh hoạt từng vấn đề cụ thể chứ khó có mẫu áp dụng chung, Dương chia sẻ. Vào dịp trước Tết Giáp Ngọ, cả trăm hộ nuôi tôm ở Hải Ninh có vụ thu hoạch khá bộn. Tôm đạt năng suất cao, giá thu mua cao nên hồ nào cũng có lãi trên tỷ đồng. Điều bà con mong muốn nhất là có được quy hoạch vùng nuôi tôm ngay trên mảnh đất làng mình để yên tâm đầu tư, yên tâm làm ăn lớn và làm giàu chính trên quê hương mình, ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.
Trai đẹp Đỗ Tuấn Hiệp. Gái đẹp dại trai. Thông qua mạng xã hội, Đỗ Tuấn Hiệp (SN 1984, tạm trú ở ngõ 290 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; hộ khẩu thường trú ở 96 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) quen biết chị T (ở quận Đống Đa, Hà Nội) một cô gái ở tuổi 30, chưa chồng, đẹp như người mẫu, kinh tế khá giả. T là người từng trải, có nhiều bạn trai và từng rủ nhau đi du hý một số nơi trên thế giới. Nhưng lần này, dù chỉ quen biết qua mạng nhưng T đã dễ dàng nhận lời Hiệp đến khách sạn để tâm sự. Theo hẹn, khoảng 16h thứ bảy ngày 19.4, Hiệp đã đến khách sạn Venus (ở 15 đường Láng Hạ, Hà Nội) để thuê phòng. Nhưng khi lễ tân yêu cầu cung cấp giấy chứng minh thư, nhằm tránh sự điều tra của cảnh sát sau này, y nói chỉ là tiền trạm đến tham quan phòng trước cho một bạn gái mới ở nước ngoài về chơi. Còn giấy tờ tùy thân thì chờ bạn gái lúc đến sẽ trình. Về phần cô gái, theo lễ tân khai, T tự điều khiển chiếc ôtô 4 chỗ hạng sang (do đề nghị của bị hại, chúng tôi không đưa tên thật, địa chỉ nhà ở, kể cả phương tiện đi lại), xách trên tay là chiếc túi hàng hiệu bước vào khách sạn. Cũng theo lễ tân, khi Hiệp ra khỏi khách sạn thì cũng không mấy ai chú ý vì đối tượng này đã khai chỉ đến đặt phòng hộ. Một lúc sau, bộ phận đón khách ở tầng 1 của khách sạn nghe tiếng kêu cướp, cướp liền quay lại thì thấy T vừa nhảy lò cò từ tầng 2 xuống vừa kêu cứu. Các nhân viên lễ tân biết ngay có chuyện khi thấy cô gái bị trói và bên dưới chỉ có một chiếc quần lót. Rồi họ bất ngờ khi nạn nhân lẳng lặng thu dọn hành lý rời khách sạn, không nói một câu về việc bị cướp cũng như không yêu cầu trình báo công an. Nhưng qua các nguồn tin và với trách nhiệm của mình, các trinh sát hình sự Công an quận Ba Đình đã không bỏ qua vụ việc. Không như các vụ án khác, trong vụ cướp này, các trinh sát phải đi tìm địa chỉ, tiếp cận nạn nhân và vận động hợp tác để truy tìm thủ phạm. Bỏ qua mặc cảm việc bị lừa tình, T bắt đầu khai báo với cơ quan điều tra. Theo nạn nhân, khi mới lên phòng, ngay lập tức Hiệp đã khống chế, rồi dùng băng dán khổ to trói chặt chân, tay, dán vào miệng và dọa T nếu la hét sẽ bị giết ngay lập tức. Sau đó, Hiệp bắt đầu lục lọi và với con mắt của kẻ biết ăn chơi, y chỉ lấy đi những đồ có giá trị: Một túi xách nhãn hiệu Chanel (trị giá khoảng 150 triệu đồng), một điện thoại Vertu màu đen, trắng (T mua năm 2009 trị giá 140 triệu đồng), một điện thoại iPhone 5, một iPhone 4, một điện thoại Nokia và 24 triệu đồng tiền mặt. Chưa an tâm, trước khi rời khỏi phòng, Hiệp còn giật dây điện thoại cố định trong phòng buộc vào chân T để nạn nhân không thể ra khỏi phòng. Hiệp vừa ra khỏi phòng, T dùng tay kéo được băng dính trên miệng kêu cứu, nhưng không ai nghe được tiếng kêu. Sau đó, T tìm cách thoát được mớ dây điện thoại, nhảy lò cò ra khỏi phòng và cứ nhảy như vậy từ tầng 2 xuống tầng 1. Về phần tên cướp, không biết đối tượng có phải muốn giảm tội lỗi của mình hay không mà Hiệp khai, thực tế hai người đã ân ái mặn nồng rồi, nhưng thấy bạn gái có nhiều đồ giá trị, lúc đó mới sinh lòng tham. Nhưng với cuộn băng dính (để trói nạn nhân) được chuẩn bị từ trước và vụ lừa đảo ngay đêm cùng ngày với một cô gái khác đã chứng minh việc cướp là chủ ý ngay từ đầu của y. Nạn nhân không muốn hợp tác với cơ quan điều tra. Từ các lời khai của nạn nhân, các trinh sát hình sự đã xác định được đối tượng gây án và không khó khăn lắm để bắt đối tượng nghiệp dư như Hiệp. Bám theo Hiệp từ quận Ba Đình cho đến quận Cầu Giấy, chỉ chờ Hiệp dừng xe máy vào một cửa hàng tạp hóa, các trinh sát đã ập đến. Không một lời chối cãi, đối tượng ngoan ngoãn theo các trinh sát về Công an quận Ba Đình và thừa nhận những hành vi mình đã gây ra với chị T. Tại cơ quan điều tra, Hiệp khai, sau khi gây án với chị T lúc 16h chiều, đến 23h cùng ngày, cũng qua mạng xã hội, y lại dụ dỗ được chị H (SN 1980, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tới khách sạn Sen (26 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) để tâm sự. Trắng trẻo, xinh đẹp lại là gái một con nên H trông rất đằm. Và cũng xiêu lòng trước những lời ''có cánh'', trẻ trung của Hiệp, nàng đi taxi đến khách sạn trước để lấy phòng. Thay vì đưa chứng minh thư, H đặt 1,5 triệu đồng cho lễ tân để lấy phòng và hồi hộp nằm chờ người tình chưa một lần gặp mặt. Không uổng công chờ đợi, gõ cửa bước vào phòng là một thanh niên vừa đẹp trai, vừa tỏ ra có học, ăn nói lịch thiệp nhưng không kém phần galăng. Cả hai tỏ ra tâm đầu ý hợp khi họ vừa tâm sự vừa xem bóng đá và cùng thức trắng đến gần 6h sáng. Hiệp cố chứng tỏ tình yêu H tới mức không muốn ai can thiệp (gọi điện thoại) vào đêm thứ bảy tuyệt vời của hai đứa bằng cách thu cả hai điện thoại của nàng. Y nói với người tình, muốn ra ngoài dạo một tý cho sảng khoái và để tránh người tình nghi kỵ Hiệp vẫn để đồ và điện thoại của mình lại phòng. Sau đó, khi cả hai rời khách sạn, H vẫn ngoan ngoãn đi theo mà không để ý đến việc y vẫn cầm cả hai chiếc điện thoại của mình. Xuống đến lễ tân thanh toán, còn thừa 500.000 đồng của H, Hiệp cầm lấy và thản nhiên đút túi, H vẫn không thấy điều gì bất thường. Trước khi ra khỏi khách sạn, Hiệp thì thầm với H em đi sau một chút nhé, ở đây gần cơ quan anh, gặp người quen thì phiền lắm. Đang ngất ngây vì tình, Hiệp nói gì H chẳng nghe. Kể cả khi ra cửa khách sạn không thấy người tình đâu, nàng vẫn nghĩ chàng trai trẻ chắc muốn chơi trò ú tim cho cuộc tình thêm phần thi vị. Nhưng chỉ chục phút sau, H hiểu ra mọi chuyện và đắng cay lủi thủi đi về mà không dám nói cùng ai, kể cả với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngay đến lúc các trinh sát tiếp cận rồi, H vẫn không muốn kể lại chuyện tình như... ác mộng. Chỉ đến khi được động viên, H mới bắt đầu vào chuyện một cách... dè chừng. Biến thành kẻ cướp chỉ vì muốn... vui một tý. Tôi không thể hình dung nổi hai cô gái đẹp như mộng, đều già giặn tình trường, sao vẫn có thể dễ bị lừa tình một cách dễ dàng như vậy? Liệu phía sau cái gọi là cuộc tình này còn ẩn khuất điều gì khác? Đây là câu hỏi ám ảnh tôi sau khi tiếp cận với hồ sơ cũng như với Hiệp. Dù không có tiền án, tiền sự, không nghiện hút, là kẻ vừa bị bắt tạm giam, nhưng khi nói chuyện, Hiệp luôn tỏ ra chủ động. Vừa mới ngồi xuống ghế đối diện, Hiệp đã hỏi anh có phải nhà báo không. Dù rất thích nhìn thẳng vào mắt người đối thoại khi nói chuyện, nhưng khi tôi vừa giơ máy ảnh lên y cúi mặt xuống rất nhanh. Mới bị tạm giam mấy ngày, nhưng chắc vì mất ngủ, nên trên khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, mắt Hiệp đã thâm quầng, thiếu thần sắc. Khi nói chuyện, Hiệp khá bình thản, không biểu cảm khi kể lại chuyện gia đình: Đã có một cô con gái lên 2 tuổi và người vợ có lẽ nay cũng đã đến bệnh viện để sinh thêm bé gái nữa. Hiệp cũng không tỏ ra đau đớn, ân hận khi cho biết, gia đình bị khuynh gia bại sản là do chính y gây nên. Bố mẹ Hiệp tuy chỉ là viên chức nhà nước bình thường, sau khi nghỉ một cục về nhà buôn bán vặt và do có vài nhà cho thuê nên sống khá sung túc. Khi mới lớn, Hiệp là niềm tự hào của gia đình khi thi đỗ vào trường ĐH Ngoại thương. Dù gia đình có của ăn của để nhưng Hiệp vẫn vừa học, vừa đi làm ở một Cty xây dựng của ông anh họ. Thấy tiềm năng của Hiệp, Cty cho đi tu nghiệp tại Anh một năm khi Hiệp vẫn đang học đại học. Tốt nghiệp ĐH, Hiệp lại được gia đình cho đi Iceland học cao học. Kết thúc khóa học, Hiệp về Hà Nội làm việc với ông anh họ. Con đường sự nghiệp đang thênh thang phía trước, vậy mà, chỉ vì vui với bạn bè, cá độ bóng bánh một tý cho vui, chẳng mấy chốc Hiệp đã ngập vào trò đỏ đen tới mức bố mẹ phải bán dần nhà cửa để trả nợ cho Hiệp. Rồi cả căn nhà được bố mẹ mua cho cũng bị Hiệp bán đi nốt. Rốt cuộc, Hiệp phải đi thuê nhà và vợ chồng bắt đầu lục đục. Đang lúc mang bầu, tiền nong không còn, trong lúc nóng giận, vợ thách đố ông có giỏi thì tối nay mang tiền về cho tôi, dạng ông chỉ có đi cướp may ra mới có tiền... , thế là Hiệp đùng đùng bỏ nhà ra đi. Trước khi đi, vì sĩ diện, vì tự ái và nói cho sướng mồm, Hiệp bảo: Tao sẽ đi cướp cho mà xem. Nào ngờ, chỉ chục ngày sau, lời nói tưởng như chỉ buông ra lúc điên giận lại thành sự thật. Có lẽ, chính Hiệp cũng không ngờ mình có ngày dám hành động như vậy và tôi cũng hy vọng là như thế.
BBC ngày 1/3/2015 đưa tin, Tổng thống Uruguay José Alberto "Pepe" Mujica Cordano, một trong những lãnh đạo được mến mộ nhất thế giới đã kết thúc nhiệm kỳ sau 5 năm nắm quyền. Theo Hiến pháp của Uruguay, ông Mujica không thể tranh cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Mujica rời văn phòng trong khi tỉ lệ ủng hộ ông đang rất cao - chạm mốc 65%. Cựu Tổng thống Mujica được người dân Uruguay và nhiều người dân trên toàn thế giới mến mộ vì lối sống thanh bạch, cách sống giản dị của ông. Ông Mujica thường được người mến mộ đặt cho biệt danh là Tổng thống nghèo nhất thế giới so với những nhà lãnh đạo cùng thời ở các quốc gia khác trên thế giới. Hầu hết những người yêu quý cựu Tổng thống Uruguay Mujica đều nhận xét, ông là một nhà lãnh đạo có tâm khi cuộc sống của ông trong vai trò nguyên thủ không khác biệt là bao so với cuộc sống của những người nghèo khó tại quốc gia Nam Mỹ này. Thậm chí ông Mujica còn dùng tới 90% trong khoản tiền lương 12.000 USD / tháng để hỗ trợ những người không may mắn. Cựu Tổng thống nghèo nhất thế giới José Alberto "Pepe" Mujica Cordano được nhiều người mến mộ. Ảnh: jide-salu.com. Tuy nhiên theo người viết, điều đó không thể hiện cái tâm của nhà lãnh đạo. Việc ông Mujica sống cuộc sống nghèo khó như dân nghèo, việc ông Mujica chia sẻ thu nhập của mình với người khó khăn không thể được xem là cái tâm của người lãnh đạo, mà đó chi đơn thuần là lòng tốt của một con người bình thường trong xã hội mà thôi. Bởi lẽ, lương của Tổng thống Mỹ cao gấp nhiều lần cựu Tổng thống Uruguay và không chia sẻ cho người nghèo số thu nhập ấy. Lương của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cao gấp nhiều lần cựu Tổng thống Mujica và cũng không trích phần lớn thu nhập của mình cho người nghèo. Thế nhưng không ai cho rằng họ không phải là người lãnh đạo có tâm với dân. Vậy đâu là thể hiện, biểu hiện cái tâm của người lãnh đạo? Đâu là một trong hai điều kiện quan trọng nhất của người lãnh đạo nhân dân, bên cạnh cái tầm lãnh đạo cần phải có? Nếu không xác định được tiêu chí hay tiêu chí mập mờ thì sẽ có nhiều người lãnh đạo chỉ là những kẻ nhẫn tâm, thậm chí là dã tâm nhưng vẫn được xem là nhà lãnh đạo có tâm với dân với nước. Cái tâm của người lãnh đạo là thể hiện qua việc xây dựng và góp phần xây dựng chế độ ưu việt. Có nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khi xem xét tính ứu việt của một chế độ chính trị. Tuy nhiên, theo những nhà chính trị học và xã hội học thì một chế độ, một nhà nước xây dựng được cơ chế thực thi quyền lực nhân dân, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích nhân dân tương xứng với quyền lực họ đã ủy thác cho lực lượng cầm quyền, thì được xem là chế độ ưu việt trong một quốc gia, một xã hội. Lợi ích của nhân dân thể hiện trên hai mặt cơ bản là lợi ích về chính trị và lợi ích về kinh tế. Song dù ở mặt nào thì lợi ích nhân dân đều phải được xoay quanh trục bình đẳng. Bình đẳng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, bình đẳng giữa người dân với nhà nướcTừ sự bình đẳng sẽ triệt tiêu những đặc quyền đặc lợi mà nhà nước tạo ra cho những lực lượng, những tổ chức và những cá nhân trong xã hội. Về lợi ích chính trị trì người ta luôn nói đến vấn đề quyền con người phải được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Mà tự do, dân chủ luôn là hai vấn đề quan trọng nhất trong việc nhà nước đảm bảo lợi ích cho nhân dân trong một chế độ chính trị ưu việt. Đó cũng là nền tảng của việc xây dựng cơ chế thực thi quyền lực của lực lượng cầm quyền phù hợp với sự phát triển xã hội. Về lợi ích kinh tế, việc lực lượng cầm quyền xây dựng cơ chế phân chia quyền lợi giữa các thực thể trong xã hội một cách công bằng là biểu hiện rõ nét nhất của chế độ chính trị ưu việt. Tạo cơ hội cho người dân, cho những tổ chức do người dân lập ra được hoạt động bình đẳng trong quá trình tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều cho xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng trong xây dựng cơ chế quản lý kinh tế của một chế độ ưu việt. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế tái phân phối lợi ích xã hội thông qua thu nhập và phúc lợi giữa các thực thể trong xã hội, là yêu cầu cực kỳ quan trọng trong tính ưu việt của một chế độ chính trị. Khi quyền lợi của lực lượng cầm quyền không phù hợp, không bình đẳng với những thành phần còn lại trong xã hội thì chế độ đó có thể bị xem là phản động. Như vậy, tính ưu việt của một chế độ vừa mang tính đặc thù là phụ thuộc vào sự phát triển cũng như nét văn hóa, phong tục tập quán của mỗi quốc gia; vừa mang tính phổ quát là sự bình đẳng về lợi ích giữa các thực thể trong xã hội. Người lãnh đạo nào có khả năng xây dựng một chế độ ưu việt thì được xem là người lãnh đạo có tầm. Người lãnh đạo mong muốn xây dựng một chế độ ưu việt được xem là người lãnh đạo có tâm. Mức sống của người dân Singapore cao, tỷ lệ người dân nghèo đói tại Singapore thấp khiến cho tiền lương của Thủ tướng Lý Hiển Long cao nhất thế giới. Ảnh: SCMP. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sự bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các thực thể trong một xã hội, nhất là giữa lực lượng cầm quyền và những thành phần khác để đảm bảo tính ưu việt của chế độ? Chắc chắn không có căn cứ chung, cơ sở chung cho mọi chế độ chính trị, cho mọi nhà nước trong việc xây dựng cơ chế phân chia quyền lợi bình đẳng giữa các thực thể. Xin quay trở lại vấn đề thu nhập của lãnh đạo các quốc gia để xem xét tính bình đẳng trong xã hội, qua đó nhìn nhận về cái tâm của người lãnh đạo. Tại Mỹ, lương của Tổng thống Mỹ khoảng 200.000 USD khi mức thu nhập của người dân Mỹ khoảng 32.000USD, khi thu nhập của người dân Mỹ tăng lên khoảng 57.000USD thì lương của Tổng thống Mỹ tăng lên khoảng 400.000USD. Trong khi cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica nhận lương 12.000 USD / tháng tương đương khoảng 150.000USD / năm, trong khi thu nhập bình quân của người dân Uruguay là 16.000USD. Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có mức lương hằng năm là 1,7 triệu USD trong khi thu nhập của người dân Singapre là khoảng xấp xỉ 85.000USD, theo Business Insider. Như vậy, lương của Tổng thống Mỹ gấp khoảng hơn 3 lần thu nhập bình quân của người dân Mỹ, lương của Tổng thống Uruguay gấp hơn 9 lần thu nhâp bình quân của người dân Uruguay và lương của Thủ tướng Singapore gấp khoảng 20 lần thu nhập bình quân của người dân nước này. Vậy đâu là chế độ ưu việt và nhà lãnh đạo nào là nhà lãnh đạo có tâm? Theo nghiên cứu của cá nhân người viết thì người ta lấy thu nhập bình quân đầu người một quốc gia để xác định mức thu nhập cho lãnh đạo quốc gia cũng như bộ máy công quyền ở quốc gia đó. Và không có một chế độ nào xây dựng thang thu nhập cho người lãnh đạo thấp hơn gấp 2 lần thu nhập bình quân của người dân. Bởi lẽ người ta muốn người lãnh đạo tập trung cho công việc nên việc xây dựng thang thu nhập cho lãnh đạo là có tính yếu tố gia đình ở trong đó. Còn việc người lãnh đạo có thu nhập cao nhất là bao nhiêu thì người ta không xác định. Nhưng có hai tiêu chí quan trọng cho việc xây dựng thang thu nhập của lãnh đạo, đó là tính tinh gọn hay cồng kềnh của bộ máy công quyền và tỷ lệ người nghèo đói trong quốc gia đó. Khi bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tỷ lệ người dân sống mức nghèo khó ít thì thu nhập của lãnh đạo sẽ cao, cùng với đó là thu nhập của viên chức nhà nước cũng ở mức cao. Như tại Singapore chẳng hạn. Minh bạch thu nhập cũng là biểu hiện cái tâm của nhà lãnh đạo. Có lẽ dư luận chưa quên chuyện Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phải quyết định bán ngôi nhà của mình để chữa bệnh cho con trai, nhưng chưa kịp thì con trai ông đã qua đời, theo CNN ngày 12/1/2016. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, ông Biden là đương kim Phó Tổng thống Mỹ mà lại nghèo tới mức đó sao? Song sự thật đúng là vậy. Bởi lẽ tiền lương của ông Biden hay Tổng thống Mỹ hoặc bất kỳ lãnh đạo cơ quan nào khác của Mỹ cũng phải theo mức sống của người dân Mỹ. Hiện nay đâu đó trên thế giới, nhiều chế độ chính trị muốn được xem là ưu việt, nhiều là lãnh đạo muốn được xem là có tâm. Ở đó người ta đã xây dựng thang bảng lương cho công chức nhà nước, trong đó có cả tiền lương của lãnh đạo nhà nước, thấp đến mức khiến dư luận phải giật mình. Tổng thống Obama chia sẻ nỗi đau mất con với cấp phó của mình, ông Joe Biden trong tang lễ con trai. Ảnh: us-news.us. Tuy vậy, người ta vẫn không muốn rời bỏ công việc trong cơ quan công quyền dù với tiền lương chết đói. Song hầu hết những nhà nước ấy lại có cơ chế tạo điều kiện cho việc tồn tại lợi ích của những người hưởng lương qua hai nguồn thu là tiền lương và thu nhập khác. Tiền lương thì có cơ chế kiểm soát nhưng thu nhập khác thì không. Từ đó mới hình thành nên những khoản thu nhập không minh bạch và chính điều này khiến cho thu nhập thực tế của nhiều lãnh đạo vượt quá xa thu nhập trung bình trong xã hội. Ở những quốc gia ấy, khi nói tới tiền lương của người lãnh đạo, người dân không tin đó là thu nhập duy nhất của lãnh đạo và đó cũng được xem là một trong những căn nguyên cho ra đời và tồn tại của tình trạng tham nhũng. Thậm chí có những lãnh đạo còn không có lương để thể hiện mình thuộc về nhân dân. Song thực ra đó chỉ là sự che giấu mang tính mị dân và điều trái quy luật ấy sẽ khiến họ bị lật tẩy. Cách đây 30 năm, ngày 15/4/1986, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra lệnh ném bom Tripoli và Benghazi, Libya trong một chiến dịch gọi là Chiến dịch El Dorado Canyon, nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo nước này là Đại tá Muammar Gaddafi, theo BBC ngày 31/1/2001. Hình ảnh ông Gaddafi ở trong những chiếc lều vải đã khiến cho nhiều người cảm kích một nhà lãnh đạo nhân dân, không thu nhập riêng, không tài sản riêng. Tuy nhiên WikiLeaks từng tiết lộ một công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Libya dưới thời Gaddafi có 2% cổ phần tại hãng xe hơi Ý Fiat, 15% cổ phần tại Công ty dầu mỏ Tamoil, 7,5% cổ phần trong Câu lạc bộ bóng đá Juvetus, 3,27% cổ phần tại tờ Thời báo Tài chính uy tín. Tại Anh, gia đình Gaddadi sở hữu một biệt thự trị giá hơn 16 triệu USD ở bắc Luân Đôn, tòa nhà Portman rộng 13.615 m2 ở Oxford Street. Và không chỉ có Gaddafi, mà có rất nhiều vị lãnh đạo nhận mình là người của nhân dân, vì dân vì nước ở nhiều quốc gia trên thế giới đã rời xa quyền lực hay vẫn đang tạo dấu ấn chốn quan trường, đang làm giàu trên sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích xã hội thông qua cơ chế thu nhập không minh bạch, nhưng vẫn xem mình là những nhà lãnh đạo có tâm. Đối với nhân dân họ chỉ là những người lãnh đạo nhẫn tâm, thậm chí rất dã tâm. Một nhà nước hình thành và tồn tại trên sự ủy thác quyền lực nhân dân thì những lực lượng cấm quyền, những người lãnh đạo của nhà nước đó, trong chế độ đó phải xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Góp phần xây dựng chế độ ngày càng ưu việt thông qua hoàn thiện cơ chế phân chia thực thi quyền lực nhân dân, đảm bảo sự công bằng lợi ích giữa lãnh đạo và nhân dân là yêu cầu thiết thực với những nhà lãnh đạo có tâm vì nước vì dân. Ngọc Việt.
Lịch thi đấu và kết quả vòng 21 V-League 2012. Ngày. Giờ. Sân. CLB. CLB. Kết quả. T7. 17h00. Thống Nhất. Sài Gòn XT. K.Khánh Hòa. 17h00. Chi Lăng. SHB Đà Nẵng. CLB BĐ Hà Nội. 16h00. Hàng Đẫy. Hà Nội T&T; V.Ninh Bình. CN. 16h10. Pleiku. HAGL. K.Kiên Giang. 3-0 (KT). 16h00. Vinh. SLNA. V.Hải Phòng. 5-2 (KT). 17h00. Thanh Hóa. Thanh Hóa. N.Sài Gòn. 2-0 (KT). 17h00. Gò Đậu. B.Bình Dương. CS Đồng Tháp. 1-0 (KT). Sân Vinh (16h00): SLNA 5-2 V.Hải Phòng (KT). Đội hình ra sân: SLNA: Nguyên Mạnh, Văn Hoàn, Ngọc Luận, Lê Hoàng Phát Thiery, Đình Đồng, Hoàng Thịnh, Văn Bình, Hector, Trọng Hoàng, Abass, Bebbe. V.HP: Xuân Việt, Văn Nam, Anh Tuấn, Tiến Thành, Xuân Phú, Ansah, Minh Châu, Thanh Tùng, Đình Tùng, ,Đức Thắng, Thiago. Phút 3: SLNA có được cơ hội tấn công đáng chú đầu tiên tuy nhiên, hậu vệ Âu Văn Hoàn lại dứt điểm quá thiếu chính xác trong pha đối mặt với thủ môn Xuân Việt. Với quyết tâm giành trọn 3 điểm để quên đi nỗi buồn sau trận thua đậm Đà Nẵng, các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng liên tục tấn công và buộc V.Hải Phòng phải lùi sâu về sân nhà chống đỡ. Trước sức ép mà đội chủ sân Vinh tạo ra, hàng phòng ngự của đội bóng đất Cảng cũng chỉ cầm cự được đến phút 17. Đón đường chuyền ra của Abass, Trọng Hoàng tung cú sút bằng chân trái quyết đoán đưa SLNA vượt lên dẫn trước. SLNA có chiến thắng đậm đà trước V.Hải Phòng. Phút 19: Suýt chút nữa Trọng Hoàng có được cú đúp nếu như pha dứt điểm của đội trưởng SLNA không đi chệch cột dọc trong gang tấc. Phút 25: Hưng phấn sau bàn thắng khai thông thế bế tắc, Hector có pha đi bóng và dứt điểm chéo góc đẹp mắt gia tăng cách biệt cho đội bóng xứ Nghệ. Phút 40: Thiago của V.Hải Phòng thực hiện cú sút bằng chân trái sở trường ngoài vòng cấm rất nguy hiểm nhưng không đánh bại được thủ môn Nguyên Mạnh. Phút 58: Nhận đường chuyền của đồng đội, Bebbe tung cú sút bằng chân trái chính xác nâng tỷ số lên 3-0 cho SLNA. Phút 67: Ansah có cơ hội mang về bàn gỡ cho V.Hải Phòng tuy nhiên, tiền đạo của đội bóng đất Cảng lại không thể đánh bại thủ môn Nguyên Mạnh trong pha đối mặt. Phút 71: Abass băng xuống vượt qua thủ môn Xuân Việt trước khi thực hiện cú dứt điểm quá dễ dàng trước khung thành bị bỏ trống. Tỷ số là 4-0 cho SLNA. Phút 74: Đình Tùng sau pha xử lý khóe léo trong vòng cấm rồi dứt điểm tung lưới SLNA, rút ngắn tỷ số xuống còn 1-4 cho V.Hải Phòng. Phút 78: "Cơn mưa bàn thắng" tiếp tục trút xuống sân Vinh chiều 15/7 với pha lập công của Hector nâng tỷ số lên 5-1 cho SLNA. Trước đó là tình huống phối hợp đẹp mắt giữa bộ đôi Hector - Abass. Phút 86: Những nỗ lực của các học trò HLV Lê Thụy Hải giúp họ có thêm bàn gỡ do công của Văn Tuyến trước khi trận đấu kết thúc. Sân Pleiku (16h10): HAGL 3-0 K.Kiên Giang (KT). Đội hình ra sân: HAGL: Akpan, Thái Dương, Đoàn Văn Sakda, Văn Nhiên, Xuân Hiếu, Đoàn Marcelo, Trần Vũ, Văn Pho, Văn Long, Evaldo. K.Kiên Giang: Văn Hưng, Tấn Đức, Quang Huy, Văn Cường, Viết Đàn, Duy An, Hải Thịnh, Hoài Nam, Hendrich, Oseni, Giovani. Phút 5: Evaldo đột nhập vòng cấm đội K.Kiên Giang rồi tung cú sút nhưng bóng đi không trúng đích. Phút 7: Đội khách có câu trả lời với tình huống sút phạt hiểm hóc của Giovani buộc thủ môn Akpan phải đổ người cứu thua cho HAGL. Phút 20: Evaldo lại có cơ hội mang về bàn thắng mở tỷ số cho đội chủ nhà. Có điều, cú đặt lòng chân trái của tiền đạo này lại đi chệch cột dọc. Phút 41: Giovani có đường chuyền rất thuận lợi để Trần Văn Cường dứt điểm. Đáng tiếc cho K.Kiên Giang, cú sút trong vòng cấm của cầu thủ đội khách lại đi đúng vào vị trí mà thủ môn Akpan đã lựa chọn. Phút 67: Olushola với pha kết thúc chính xác trong vòng cấm đưa HAGL vượt lên dẫn trước. Phút 75: Hoàng Thiên gia tăng cách biệt cho đội bóng phố Núi sau tình huống dứt điểm chính xác. P hút 88: Evaldo dễ dàng đánh đầu ấn định chiến thắng 3-0 cho HAGL. Sân Thanh Hóa (17h00): Thanh Hóa 2-0 N.Sài Gòn (KT). Đội hình ra sân: Thanh Hóa: Vĩnh Lợi; Đức Tuấn, Bật Hiếu, Anh Tuấn, Huy Cường; Quốc Phương, Da Silva, Andrew, Văn Thắng; Sunday, Việt Thắng. N.SG: Santos; Việt Cường, Minh Triết, Vincent, Long Giang; Được Em, Tài Em, Cao Thiện, Văn Nghĩa; Plaza, Quang Hải. Phút 7: Sau đường căng ngang bên cánh phải của đồng đội, Việt Thắng bật cao đánh đầu nhưng bóng đi hơi cao so với xà ngang khung thành của N.Sài Gòn. Phút 10: Da Silva có cú sút rất căng từ ngoài vòng cấm dù đã đánh bại được thủ môn Santos nhưng bóng lại tìm đến xà ngang khung thành N.Sài Gòn bật ra. Phút 43: Từ quả đá phạt góc của đồng đội, Da Silva bật cao đánh đầu nguy hiểm khiến cho Long Giang phá bóng bất cẩn. Rất may cho đội khách, thủ môn Santos đã kịp thời đổ người cứu thua. Phút 56: Sau khi vào sân được chưa lâu, Quốc Phương đã tỏa sáng với bàn thắng từ chấm đá phạt ngoài vòng cấm và hơi chếch bên phía cánh phải. Phút 65: Sunday thực hiện pha đi bóng và dứt điểm chéo góc rất căng nhưng bóng lại đi chệch cột dọc trong gang tấc. Phút 74: Quốc Phương tiếp tục để lại dấu ấn khi tung đường chuyền thuận lợi để Văn Thắng dứt điểm chính xác nâng tỷ số lên 2-0 cho Thanh Hóa. Sân Gò Đậu (17h00): B.Bình Dương 1-0 TĐCS Đồng Tháp (KT). Đội hình ra sân: B.BD: Đình Đức, Tuấn Hùng, Chí Công, Helio, Van Bakel, Huỳnh Phú, Anh Đức, Trung Sơn, Tăng Tuấn; Philani, Kpenosen. CS.ĐT: Bửu Ngọc; Văn Hậu, Hodges, Hammed, Thanh Hiền; Văn Huấn, Hải Anh, Hải Dương, Minh Lợi; Felix. Phút 6: B.Bình Dương có cơ hội đầu tiên, nhưng cú dứt điểm ở góc hẹp của Kpenosen lại đưa bóng đi không trúng đích. Phút 28: Anh Đức có pha khống chế bằng ngực rồi dứt điểm trong vòng cấm của CS Đồng Tháp nhưng bóng đi hơi thiếu chính xác. Phút 48: B.Bình Dương có pha tấn công đẹp mắt, Philani góp công lớn trong tình huống này khi loại bỏ thủ môn Bửu Ngọc để trung vệ Chí Công băng xuống tung cú sút ở góp rất hẹp khai thông thế bế tắc cho đội bóng đất Thủ. Phút 60: Hammed có pha chạy cắt mặt và đánh đầu rất căng và đẹp mắt. Đáng tiếc cho đội khách, cú dứt điểm cận thành của tiền đạo này đã bị thủ môn Đình Đức xuất sắc cản phá. Phút 62: Vũ Phong tung cú sút từ ngoài vòng cấm rất hiểm hóc tuy nhiên thủ môn Bửu Ngọc đã kịp thời cảnh giác cứu thua. Những phút còn lại của trận đấu, TĐCS Đồng Tháp đã rất nỗ lực tấn công để tìm kiếm bàn gỡ nhưng bất thành qua đó đành chấp nhận trắng tay rời sân Gò Đâu. Liên tục cập nhật....
Nguyễn Quang Bình. Tồn kho cạn, giá vẫn chao đảo. Biểu đồ 1: Tồn kho cà phê châu Âu theo ECF (tác giả tổng hợp). Tồn kho cà phê châu Âu, thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của nước ta, giảm khá mạnh vì mùa đông ở trời Tây năm nay giá rét bất thường. Thế mà, thị trường cà phê vẫn chưa chịu cất cánh. Báo cáo tồn kho thường kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation ECF) nói rằng tính đến hết tháng 11-2012, tổng tồn kho cà phê tại châu Âu do ECF kiểm soát được giảm 314.684 bao, chỉ còn 9.546.644 bao, gần cận với mức đáy xảy ra vào tháng 4-2012. Bấy giờ, tồn kho châu Âu chỉ suýt soát 9,36 triệu bao. So với cách đây 12 tháng, tồn kho châu Âu đã biến mất 1.112.354 bao. Vào cuối năm 2010, khi có tin tồn kho châu Âu giảm chỉ còn chừng 10 triệu bao từ mức gần 16-17 triệu bao, giá kỳ hạn robusta đã tăng một lèo từ mức chung quanh 1000 đô la lên trên 2500 đô la/tấn. Với lượng tồn kho khá hạn chế như hiện nay, hy vọng lịch sử sẽ được lặp lại, giá kỳ hạn sẽ vững trong thời gian tới đây. Để đạt được điều này, lượng bán ra từ Việt Nam, nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, mang tính quyết định xét về mặt cung-cầu. Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê thuần robusta của sàn Liffe NYSE [certifieds] (tác giả tổng hợp). Tại một báo cáo thường kỳ quan trọng khác, lượng tồn kho thuần robusta tính đến hết ngày 21-1-2013 tại các kho được sàn Liffe NYSE chấp nhận tăng 670 tấn, đạt 105.530 tấn so với 2 tuần trước chỉ 104.860 tấn. Đại bộ phận hàng mới đến các kho châu Âu có xuất xứ Việt Nam. Theo các nhà phân tích thị trường, ước lượng cà phê robusta của nước ta được tiêu thụ thực sự trên toàn thế giới bình quân chừng 120.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu niên vụ từ 1-10-2012 đến 31-1-2013, lượng xuất khẩu dự kiến có thể lên đến 140.000 tấn/tháng. Hàng cà phê xuất khẩu xuống tàu nhiều cộng với cấu trúc giá trên sàn bị đảo nghịch, hay còn gọi là vắt giá, tức giá niêm yết tháng giao dịch gần (hiện là 1-2013) cao hơn tháng giao dịch xa (3-2013), lượng tồn kho robusta do Liffe NYSE tăng là điều dễ hiểu (xin xem biểu đồ 3 gồm giá tháng 1-2013 màu xanh và 3-2013 màu đỏ). Giá kỳ hạn lùm xùm, giá nội địa rối tung. Giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE khởi đi đầu tuần không mấy phấn khởi. Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, giá đóng cửa kỳ hạn robusta rớt gần 40 đô la/tấn. Giá thấp, ít ai mua bán, giá kỳ hạn lại tăng tại phiên khuya thứ sáu 25-1 tức rạng sáng nay thứ bảy 26-1-2013 giờ Việt Nam. Cả tuần, giá sàn robusta giảm 17 đô la/tấn trong khi sàn arabica giảm mạnh, mất cả thảy 8 cts/lb tức chừng 176 đô la/tấn so với giá đóng cửa cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 3). Thị trường nội địa chòng chành liên tục theo sóng giá sàn kỳ hạn London. Trong tuần, giá nội địa có khi giảm chỉ còn 39.000 đồng. Đến sáng nay, giá quay lại mức 39.300-39.500 đồng/kg, giảm từ 300-500 đồng/kg so với cách nay bảy ngày. Tuy nhiên, các mức trên chỉ được gọi là tạm chính thống vì khả dĩ cân đối được với đầu ra. Ở nhiều nơi, giá nội địa được các công ty tay ngang mua với giá cao hơn, có khi trên cả 1000 đồng/kg. Biểu đồ 3: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua (tác giả tổng hợp). Mua bán lòng vòng. Mua lượng ít khai gấp nhiều lần để rút tiền thuế. Mua giá cao tại địa bàn nguyên liệu rồi đưa về các trung tâm chế biến ở các tỉnh, thành phố đồng bằng bán giá thấp hơn để ăn gian thuế giá trị gia tăng (GTGT). Một số công ty tay ngang từ các tỉnh khác thực sự đã đuổi các công ty xuất khẩu cà phê làm ăn chính thống lâu nay khỏi đất sống của mình. Trong đó, thậm chí một số công ty có trụ sở ngay tại các tỉnh có vùng nguyên liệu phải đi mua cà phê ở các tỉnh, thành phố khác để thực hiện cho được các hợp đồng xuất khẩu. Một phát hiện của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Daklak gần đây cho biết hầu hết các công ty gian lận thuế đều là những đơn vị nay hiện mai biến, chủ yếu từ các tỉnh ngoài đến. Họ mua một lượng cà phê ít với giá cao hơn giá thị trường, có khi cao hơn cả 1000-2000 đồng/kg. Nhưng, họ đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng cao gấp nhiều lần để ăn cắp tiền thuế. Trong khi đó, cà phê được họ đưa về các trung tâm chế biến tại các tỉnh, thành phố đồng bằng bán với giá ngang bằng giá thị trường hoặc thấp hơn. Vì vậy trong thời gian qua, các công ty xuất khẩu chân chính và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn vùng nguyên liệu đều phải bó tay chịu chết, không mua được nguyên liệu tại chỗ để chế biến và xuất khẩu. Do mua bán kiểu ăn xổi ở thì, cà phê không đảm bảo chất lượng, nguyên liệu đầu vào thiếu đồng nhất, không thể chế biến được hàng tốt để tăng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, làm mất đi một lượng ngoại tệ lớn. Tại một số nơi khác, các cấp quản lý thị trường cũng đang nỗ lực hạn chế tình trạng này bằng cách tăng cường kiểm tra hàng ra khỏi tỉnh. Có nơi, nông dân được yêu cầu khai báo lượng hàng bán ra và khuyến khích bằng tiền. Hiện tượng tiêu cực này đã được phát hiện và báo cáo tại nhiều cuộc họp trong và ngoài ngành, đến nay các cấp quản lý thị trường một số nơi bắt đầu ra tay ngăn chặn. Nếu giải quyết không triệt để, nhiều công ty đang làm ăn đàng hoàng chắc phải dẹp tiệm vì không chủ động được nguyên liệu và nhà nước thất thu lớn từ nguồn thu thuế GTGT. Mặt khác, mua bán kiểu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng xuất khẩu cà phê hàng năm nay mai. Năm 2012, cả nước xuất khẩu chừng 1,7 triệu tấn cà phê thu về trên 3,6 tỉ đô la Mỹ. Chuyên gia: Cà phê thừa, giá vẫn tốt. Một cuộc thăm dò mới nhất của Reuters với 20 chuyên gia và nhà kinh doanh cà phê trên toàn thế giới đưa ra kết quả bình quân về sản lượng và giá cả cà phê sắp tới khá lạc quan. Theo đó, sản lượng niên vụ 2012/13 của thế giới có thể đạt 147 triệu bao, thừa 6 triệu bao so với lượng tiêu thụ toàn cầu 141 triệu bao. Có người cho rằng nếu như sản lượng robusta của Việt Nam giảm, thì cán cân cung cầu robusta của thế giới vẫn trong thế cân bằng. Đã vậy, thì arabica bị thừa. Trong những năm qua, do giá arabica tăng quá cao, nhiều nhà rang xay chuyển sang sử dụng robusta, giá rẻ hơn, thường được sử dụng cho chế biến cà phê hòa tan. Nhờ yếu tố ấy, robusta năm nay vẫn tiếp tục được yêu chuộng nên có thể giúp giá sàn kỳ hạn robusta vững. Cũng theo kết quả thăm dò, giá kỳ hạn robusta đến cuối năm 2013 vẫn có thể tăng 14%, lên mức 2.200 đô la/tấn so với giá cuối năm 2012 là 1924 đô la/tấn. Còn arabica, sau đợt giảm giá mạnh năm 2012, sàn kỳ hạn New York được dự đoán cũng sẽ tăng 15% so với cuối năm 2012, lên chừng 165 cts/lb vào cuối năm 2013. Đây là đợt thăm dò thường kỳ của Reuters nhằm giúp thị trường có một cái nhìn khái quát, mang đầy tính phỏng đoán. Tuy nhiên, do thăm dò được thực hiện với người chuyên nghiệp, các con số sản lượng hầu như khá sát thực tế. Với Brazil, kết quả thăm dò cho thấy sản lượng niên vụ 2013/14 nước này chừng 52,5 triệu bao, cao hơn chừng 1 triệu bao so với dự báo của bộ nông nghiệp nước này. Còn dự báo sản lượng 2012/13 của nước ta ước đạt 25 triệu bao, tức 1,5 triệu tấn, là con số bình quân của 20 câu trả lời gồm từ số nhỏ nhất là 23 và lớn nhất là 28 triệu bao.
Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu (bên phải cùng) và các viên tướng quân đội Việt Nam cộng hòa thị sát chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu. Bởi vị trí đặc biệt quan trọng này, các cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung nghiên cứu nhằm phán đoán hướng tiến công chiến lược trong năm 1972 của ta. Đồng thời, họ cũng mở một chiến dịch chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, triển khai lực lượng và đặt trong tình trạng báo động cao. Bộ Chỉ huy Vùng 1 chiến thuật ráo riết tăng cường lực lượng đẩy mạnh các cuộc hành quân tảo thanh Việt cộng trong địa phận đảm nhiệm, tung biệt kích, thám báo nhằm thăm dò, phát hiện lực lượng, sự chuẩn bị của ta và cho rằng: Năm 1972 là năm bầu cử tổng thống tại Mỹ, các nhà lãnh đạo Cộng sản không thể nào quên được ảnh hưởng cuộc tấn công Tết Mậu Thân của họ đối với tình hình chính trị ở Mỹ hồi năm 1968. Họ coi mùa xuân và mùa hè năm 1972 là đặc biệt thuận lợi. Rồi họ nhận định: Bộ Chính trị Bắc Việt đi đến kết luận đó vào đầu năm 1971. Sau quyết định đó, Hà Nội đã nhận được pháo, xe tăng và các khí tài nặng khác để có thể mở một cuộc tấn công lớn theo kiểu chiến tranh thông thường. Đây là kiểu tấn công mà các nhà lập kế hoạch của Mỹ đã chuẩn bị đối phó từ những năm trước nhưng chưa bao giờ xảy ra[1]. Bên cạnh đó, nhiều cuộc họp giữa các nhà nghiên cứu quân sự sừng sỏ tại Lầu Năm Góc luôn theo dõi chặt chẽ và phán đoán: Các đơn vị Cộng sản ở dọc biên giới phía Tây vẫn đóng tại bàn đạp xuất phát mà không nhích lên phía trước có nghĩa là họ không thể ngày một ngày hai mở cuộc tấn công[2]. Mặc dù phán đoán như vậy, nhưng nhiều tướng lĩnh Mỹ đã có những biểu hiện rất lo lắng thể hiện trong các báo cáo rằng: Các cuộc chuẩn bị tại Bắc Việt Nam dồn dập ở một quy mô chưa từng thấy. Suốt năm 1971, họ tuyển quân liên tục. Con số đích xác không được biết nhưng đủ để bổ sung cho 12 sư đoàn tác chiến được chuẩn bị để mở cuộc tấn công. Những vũ khí mới được viện trợ khiến quân Bắc Việt Nam hơn quân Nam Việt Nam về kỹ thuật. Pháo 130mm khiến cho các đơn vị Bắc Việt Nam có khả năng bắn xa hơn hẳn quân đội Sài Gòn. Xe tăng T.54 có thể đủ đối phó với xe tăng M48 của Mỹ do quân Sài Gòn sử dụng. Xét đến tổng số các khí tài hạng nặng đang có trong tay thì quân Bắc Việt Nam đang chiếm một ưu thế đáng sợ[3]. Đối với Tổng thống Ních-xơn, suốt trong 3 tháng đầu năm 1972 lại lấy làm hài lòng và cho rằng: Hà Nội không đủ khả năng tung ra một cuộc tiến công mùa Xuân và kết quả cuộc đàm phán Pa-ri đã ở trong tầm tay có lợi cho Mỹ lẫn Sài Gòn. Còn Nguyễn Văn Thiệu lại muốn chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng, quân đội Việt Nam cộng hòa đã trưởng thành, có đủ khả năng chiến đấu trong năm 1972. Quả thật, nếu so sánh lực lượng bố trí trên chiến trường lúc bấy giờ của hai bên tham chiến thì các nhà quân sự Mỹ và Sài Gòn có đủ lý do để lạc quan. Về bộ binh, phía ta có 11 sư đoàn và 23 trung đoàn; phía địch có 13 sư đoàn và 11 trung đoàn, lữ đoàn. Về pháo binh ta có 5 trung đoàn và 7 tiểu đoàn; địch có 65 tiểu đoàn và 85 trung đội. Về tăng, thiết giáp, ta có 4 tiểu đoàn; địch có 22 tiểu đoàn và 21 trung đội (2.090 xe tăng, 1.618 xe thiết giáp). Ngoài ra, địch còn có 1.692 máy bay chiến đấu các loại, 1.611 hạm tàu. Các lực lượng của địch được bố trí thành các cụm phòng ngự liên hoàn, có công sự kiên cố che chắn. Ở thời điểm đầu năm 1972, trên bình diện chiến lược, ta không thể nào có lực lượng theo tỷ lệ trên. Vậy, làm thế nào và bằng cách gì mà Hà Nội lại mở được cuộc tiến công lớn trong khi chiến lược của Mỹ Việt Nam hóa chiến tranh đang hình thành? Đó là câu hỏi được đặt ra mà sau này các tài liệu của cơ quan quân sự Mỹ đã nhiều lần bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu và tuyên bố: Trừ vũ khí nguyên tử chiến thuật, Mỹ sẽ không hạn chế việc sử dụng không lực Hoa Kỳ trên toàn Đông Dương[4]. Đối với việc ta mở đợt tiến công hướng chính là Trị Thiên vào thời gian đúng như dự kiến là ngày 30-3-1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải thốt lên rằng: Lực lượng của Việt cộng đã gây bất ngờ cho quân phòng thủ của Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ[5]. Với những nguồn tư liệu đã được giải mật, có thể thấy rõ Mỹ và quân đội Sài Gòn tiên đoán là sẽ có một cuộc tấn công, rất có thể là vào năm 1972, thậm chí còn chỉ rõ ba khu vực được coi là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, họ không phát hiện được kế hoạch của đối phương là cho thiết giáp làm mũi nhọn của các cuộc tấn công. Chỉ đến khi chiến dịch đã diễn ra, họ mới thừa nhận: Sự xâm nhập khôn khéo của Hà Nội đã lọt qua mắt đối phương. Về phía ta, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị thông qua lần cuối và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, cử đồng chí Tổng tham mưu trưởng quân đội trực tiếp chỉ đạo hướng chủ yếu Trị Thiên. Trung tuần tháng 3-1972, các đơn vị tham gia chiến dịch lớn tại các hướng đã vào vị trí tập kết. Trưa ngày 30-3-1972, Sư đoàn 308 với sự hỗ trợ của trung đoàn xe tăng và pháo binh vượt qua phi khu quân sự tại giới tuyến 17 chia cắt 2 miền. Từ phía Tây, Sư đoàn 324B, với xe tăng hỗ trợ, theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh, tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Lực lượng tương đương 3 sư đoàn đã gây bất ngờ cho quân phòng thủ Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ[6], sau đó làm tan rã lực lượng này. Trong thời gian từ ngày 2-4 đến ngày 29-4, quân ta chủ động tiến công trên nhiều hướng và đến trưa ngày 1-5-1972, Chuẩn tướng Võ Văn Giai (Tư lệnh Sư đoàn 3 ngụy) bỏ chạy khỏi Quảng Trị. Từ Huế, tại đồn Mang cá, Tướng ngụy Hoàng Xuân Lãm xúc động mạnh và nói: Tối nay, địch (Việt cộng) sẽ vào Quảng Trị mà không tốn thêm một viên đạn nào[7]. Và tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo đã viết: Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Quân đội Việt Nam cộng hòa ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tiến công. Sự thực là Quân đội Việt Nam cộng hòa có thế trận phòng ngự mạnh, được thiết bị bằng hệ thống chiến trường tự động do Mỹ trợ giúp nhưng đã bị phá vỡ từng mảng và trở nên mỏng yếu. Từ đó, ta đã tạo ra được những tình huống và thời cơ chiến dịch thuận lợi và ngày 2-5 ta giải phóng Quảng Trị. Đài BBC phát tối 2-5-1972 đã loan tin: Huế bị đặt vào tầm tấn công của Bắc Việt, càng làm cho nỗi kinh hoàng của Sài Gòn lên đến điểm tận cùng. Mọi việc xảy ra quá đột ngột, như những cơn sét đánh mạnh. Giới tuyến bị mất, người tị nạn đổ dồn về Huế ngày càng nhiều. Theo phán đoán của ông William Colby, Giám đốc cơ quan CIA tại Sài Gòn, thì: Quân đội nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ chiếm được Huế nhưng không qua nổi Đà Nẵng. Dù vậy, thực tế tốt hơn mong đợi khi Hạm đội 7 và Không lực của Mỹ tham chiến, hỗ trợ hỏa lực giúp chặn đà tiến của đối phương, giúp Việt Nam cộng hòa có thêm thời gian bổ sung thiệt hại và tổ chức lại[8]. Trung tá, TS Trương Mai Hương. (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ). (Còn nữa). [1] Trích theo: Cuộc thử tháchcủa Đê-vơ Ri-sớt Pan - Mơ - Minh Huy giới thiệu, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 4-1992, tr.48. [2] Tài liệu của Việt Nam cộng hòa năm 1970-1972 - Phông số 4- Hồ sơ số 59, Lưu TTXVN. [3] Tài liệu của Việt Nam cộng hòa năm 1970-1972, Phông số 4- Hồ sơ số 141, Lưu TTXVN. [4] Peter Dale Scoll, The secret road to the second Indochina War (Âm mưu chiến tranh: Con đường bí mật dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2), Boobbs - Merrill Company, New York, 1972. [5] David Fulghum & Terrance Maitland, et al, South Vietnam on Trial. Bo ston: Boston Publishing Company, 1984, tr.138. [6] Một chiến thắng bị bỏ lỡ - William Colby- Nxb Công an nhân dân p 372. [7] Trích theo: Cuộc triệt thoái đầy bi thảm khỏi thành phố Quảng Trị - Quốc Hưng dịch, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 5.1992, tr.89. [8] Nhận xét của John Van, cố vấn qun sù Mỹ của Vùng 3 Chiến thuật, Nguồn: Neil Shechan, Abright Shining Lie, Random House, 1988, tr.776.
Đàm Phương Linh là cái tên khá quen thuộc với giới trẻ Sài Thành. Cô bắt đầu thu hút sự chú ý khi giành giải nhất cuộc thi HHT ICON 2009. Với khuôn mặt "ăn hình" và nụ cười tươi, Đàm Phương Linh nhanh chóng thành công khi lấn sân vào showbiz. Ngoại hình xinh đẹp của Đàm Phương Linh. Đàm Phương Linh chia sẻ chuyện tình đã qua với Karik và mối quan hệ với chàng trai Uông Phát Tài sau khi rời Khúc hát se duyên. Sau khi khẳng định bản thân qua loạt vai trò MC, ca sĩ, cô còn thu hút sự chú ý khi có mối tình kéo dài gần 1 năm với Karik. Hậu chia tay nam rapper điển trai, Đàm Phương Linh đã quyết định tìm kiếm một nửa tại chương trình Khúc hát se duyên. Trải qua các vòng tìm hiểu nhanh, nữ MC xinh đẹp của Giai điệu chung đôi đã ra về cùng chàng trai sáu múi Uông Tài Phát. Mới đây, Đàm Phương Linh đã có những chia sẻ về những chuyện đã qua với "tình cũ" và mối quan hệ tiến triển với "tình mới". - Là một người xinh đẹp và đa tài chắc chắn Phương Linh có nhiều người theo đuổi. Vậy tới thời điểm hiện tại chị đã trải qua mấy mối tình? Tính tới thời điểm hiện tại tôi đã qua 4 mối tình, đều là những mối quan hệ nghiêm túc. Mối tình ngắn nhất kéo dài một năm và mối tình lâu nhất kéo dài 5 năm. - Mối tình nào để lại dấu ấn sâu đậm nhất với chị? Với tôi, không có mối tình nào được gọi là sâu đậm nhất bởi mỗi mối quan hệ là khởi đầu mới và có dấu ấn riêng. Có nhiều người bị ấn tượng bởi hình ảnh người cũ, sau đó tìm kiếm hình mẫu giống với tình cũ ở người mới. Với tôi, khi bắt đầu một mối quan hệ mới thì phải mới hoàn toàn để cùng tìm hiểu, khám phá những cái mới của nhau. Đàm Phương Linh: "Tôi là người phóng khoáng nhưng không dễ dãi". - Nhiều cô gái khi yêu thường quan niệm yêu là "chiếm hữu", là "kiểm soát" đối phương. Vậy trong tình yêu chị có như vậy? Tôi là người phóng khoáng nhưng không dễ dãi. Tôi luôn tôn trọng sự riêng tư của đối phương nên cũng mong muốn đối phương tôn trọng sự riêng tư của mình. Tôi không kiểm soát người yêu bởi nếu họ không dành trọn tình cảm cho mình thì có cố níu kéo cũng như không. Người ta sẽ có nhiều cách để vượt ra khỏi sự kiểm soát đó. Tôi nghĩ sự tự nguyện, sự tự giác trong tình yêu là điều cơ bản để duy trì mối quan hệ. - Chia sẻ bản thân từng trải qua 4 mối tình và một trong số đó là nam rapper điển trai Karik. Vậy chí có thể chia sẻ với mọi người về khoảng thời gian đó không? Có thể nói nghệ thuật chính là cầu nối đưa chúng tôi đến với nhau. Khi đó, tôi tham gia dẫn chương trình và Karik xuất hiện với tư cách khách mời. Tôi chủ động bắt chuyện trước khi lên hình bởi nghĩ mình là "chủ nhà" nên phải tiếp đón "khách" nhiệt tình. Tuy nhiên, Karik lại "ngó lơ", chỉ tập trung make-up. Tôi tự suy nghĩ trong đầu "người gì mà kì cục vậy. Tuy nhiên, trong suốt buổi phỏng vấn tôi cảm thấy người con trai này khá nhẹ nhàng, dễ thương khác với những suy nghĩ ban đầu. Thời gian tôi và anh ấy quen nhau không quá dài, nhưng cũng đủ để hai người hiểu về tính cách của nhau. Đó là quãng thời gian vui có, buồn có, ấn tượng có. Với tôi đó là khoảng thời gian đẹp. Dù chia tay nhưng Đàm Phương Linh có khá nhiều ấn tượng tốt đẹp về Karik. - Từng chia sẻ không có ấn tượng tốt về Karik khi lần đầu nói chuyện. Vậy điều gì ở Karik khiến trái tim của chị "lỗi nhịp"? Tình yêu là thứ cảm xúc khó diễn tả thành lời. Khi ở cạnh Karik, tôi thấy bản thân luôn vui vẻ, hạnh phúc, như vậy là quá đủ. Dù là người khá hiện đại nhưng khi yêu, tôi luôn nghe theo tiếng gọi của con tim. - Được biết chị là người luôn tôn trọng riêng tư của đối phương. Vậy trong thời gian quen nhau, chị làm thế nào để "trói chặt" anh chàng đào hoa Karik? Đúng như vậy, Karik điển trai, đa tài nên được rất nhiều cô gái thích. Nhưng trong khoảng thời gian cả hai tìm hiểu, anh ấy rất tôn trọng tôi. Tôi chưa khi nào cảm thấy mệt mỏi hay đau khổ vì phát hiện anh ấy có ai khác ngoài mình. - Trong showbiz Việt, "cả thèm chóng chán" là chuyện "thường ở huyện". Vậy chị và Karik có nằm trong dòng chảy đó? Tôi nghĩ mối quan hệ dài - ngắn không quyết định được tình yêu có sâu đậm hay không, tính cả thời gian tìm hiểu và yêu nhau là gần 1 năm. Tuy không dài nhưng đủ để hiểu và có thể xác định bên nhau lâu dài được hay không. Khi yêu, cả hai luôn hết lòng vì người mình yêu nên khi chia tay cũng không có gì tiếc nuối. Phương Linh: "Dù đào hoa nhưng Karik rất chung thủy trong tình yêu". - Thời gian quen nhau cả hai rất ít công khai tình cảm, có phải chị ngại công khai chuyện yêu một rapper nổi tiếng như Karik hay còn vì một lí do nào khác? Tôi không ngại chuyện công khai mình đang quen ai nhưng tôi nghĩ tình yêu là chuyện riêng của hai người nên không muốn người ngoài tỏ tường mọi chuyện. Tôi thích giữ sự riêng tư cho mình bởi chặng đường quen nhau, yêu rồi chia tay đều có trên mặt báo thì không được hay cho lắm. Tôi muốn khẳng định bản thân trên con đường nghệ thuật chứ không phải scandal trong tình cảm. Tình yêu là chuyện của hai người nên chỉ cần hai người vui với điều đó là đủ. - Có mối tình khá đẹp với Karik dù khoảng thời gian tìm hiểu không dài. Vậy lý do chị và Karik chia tay là gì? Tôi và Karik là hai người có tính cách trái ngược, mẫu người yêu cũng không phải là nhau. Do không thể hòa hợp nên quyết định dừng lại để giữ những ấn tượng tốt về nhau. Hiện cả hai chỉ là những người bạn bởi với tôi hết tình thì còn nghĩa. Chúng tôi cũng khá hiểu về tính cách của nhau nên nhiều vấn đề ở mức độ bạn bè thì dễ tâm sự, dễ hiểu. - Sau khi chia tay sự nghiệp của Karik phát triển khá tốt. Có khi nào chị nuối tiếc vì không còn quen với Karik? Khi chia tay một ai đó, tôi luôn chúc phúc và mong muốn sự nghiệp của họ sẽ phát triển không ngừng. Vì vậy, việc Karik đang tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, đó là điều đáng mừng. Hy vọng trong năm nay, anh ấy sẽ có những sản phẩm nổi bật hơn nữa và có thể lấn sân sang lĩnh vực khác để thử thách bản thân. Phương Linh có quan điểm khá rõ ràng trong tình yêu. - Chị và Karik rất đẹp đôi, người hâm mộ vẫn luôn mong chờ sự tái hợp của hai người. Liệu sẽ có bao nhiêu % cơ hội? Tôi và Karik đều có quan điểm rõ ràng trong tình yêu, khi quyết định dừng lại thì cả hai đã suy nghĩ rất kĩ. Không biết tương lai thế nào, nhưng ở hiện tại thì hai đứa chưa nghĩ đến chuyện sẽ quay lại. Rất cảm ơn mọi người đã ủng hộ, yêu thích cặp đôi Linh và Karik. - Thời gian vừa qua, Karik từng tham gia gameshow hẹn hò nổi tiếng "Vì yêu mà đến" và được rất nhiều cô gái tỏ tình. Vậy chị có thường theo dõi thông tin về anh ấy không? Vẫn là bạn bè của nhau nên tôi có theo dõi quá trình Karik tham gia chương trình. Tôi còn được biết Karik gây được ấn tượng khá tốt cho các cô gái. - Có phải vì điều đó mà chi quyết định tham gia "Khúc hát se duyên"? Không hề (cười). Tôi cảm thấy format chương trình Khúc hát se duyên rất hay, khác biệt so với các chương trình thực tế về tỏ tình từng xem nên đã quyết định tham gia. Đặc biệt, việc các bạn nữ được ưu ái, được là trung tâm của mọi chàng trai khiến tôi ấn tượng và mong muốn trải nghiệm. Khi tham gia chương trình, không biết bản thân có thể tìm được một nửa hay không, nhưng đó là cơ hội để tôi làm quen thêm những người bạn mới. - Trong chương trình, được 4 chàng soái ca điển trai, đa tài tỏ tình. Vậy chị có thể chia sẻ lí do chọn Uông Phát Tài là anh chàng sẽ tiếp tục đồng hành với mình? Ở vòng 1, tôi loại một bạn nam vì không thấy được quan điểm, sự quyết đoán của anh ấy. Ở vòng 2, chỉ có Uông Phát Tài vừa thực hiện thử thách của chương trình vừa để ý đến tôi nên tôi quyết định chọn anh ấy. Tôi cảm thấy Tài có quan tâm tới người mà mình có ý định tỏ tình trong khi hai bạn nam còn lại thì chủ yếu giao lưu với khán giả. Chính vì vậy, Tài là người gây được ấn tượng cho tôi. - Sau khi trải qua rất nhiều mối tình sâu đậm, mẫu người yêu hiện tại của chị như thế nào? Mẫu bạn trai của tôi là người tâm lý, hiền lành và biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Khoảnh khắc Phương Linh được Phát Tài tỏ tình trên sân khấu "Khúc hát se duyên" tập 7 phát sóng tối 25/4 vừa qua. - Sau chương trình, chị có nghĩ đến chuyện cùng Uông Phát Tài tiến xa hơn trong chuyện tình cảm? Sau khi được kết đôi trên sân khấu, chúng tôi đã có một buổi hẹn gặp. Tôi cảm thấy Tài là một người dễ thương, biết làm người khác vui lòng. Anh ấy có quan điểm về cuộc sống khá giống với tôi. Tuy nhiên, tình yêu là chuyện không thể nói trước được. Dù là tiến xa hơn hay chỉ là bạn bè, tôi vẫn cảm thấy vui vì được quen biết với một chàng trai dễ thương, đáng yêu như vậy. Được biết chị đang tham gia vào một dự án điện ảnh sẽ ra mắt vào mùa hè năm nay. Chị có thể bật mí đôi chút về vai diễn mình đảm nhận? Đến Khúc hát se duyên là vì ế và tham gia một bộ phim cùng mang tính chất ế. Bao giờ hết ế là một dự án phim điện ảnh và tôi cảm thấy rất vui khi được hợp tác với những người trẻ tuổi, năng động. Trong phim, tôi sẽ vào vai một cô nàng độc thân, không tin vào tình yêu nhưng lại có một cô bạn thân rất mong chờ vào tình yêu đích thực. Và tôi là người luôn đi giải quyết những anh chàng xấu bên cạnh cô nàng. Đây là bộ phim dễ thương về cuộc sống của những bạn trẻ. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận bộ phim này. Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ! T.H Theo Vietnamnet.
- Thưa Tổng bí thư, hình ảnh "lò" đã nóng được nhân dân nhắc đến rất nhiều, như một sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ trước những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng bí thư đánh giá thế nào về những kết quả đạt được trong năm qua? -Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ, công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã tiến hành từ lâu. Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực trên thực tế, kết quả rõ rệt hơn, nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn. Tổngbí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành quyết liệt trong năm vừa qua. Đồ họa:Phượng Nguyễn. Có được kết quả đó, trước hết là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiên quyết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác, có nhiều giải pháp cụ thể nhằm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Với sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hầu hết nội dung quan trọng trong chương trình công tác của Ban chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm. Ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó. Năm vừa qua, 8 đoàn công tác của Trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, qua đó đã thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Đi nhiều nơi, tiếp xúc qua nhiều kênh, hiểu rõ lòng dân thì thấy mừng, vì nhân dân đồng thuận rất cao, luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng. - Thưa Tổng bí thư, thông qua công tác kiểm tra, nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, đằng sau những sai phạm đó, phải chăng còn có những "lỗ hổng" trong công tác cán bộ cần sớm được khắc phục? -Đúng là năm vừa qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao. Qua kiểm tra đã phát hiện có nơi, có chỗ còn vi phạm quy chế, quy định của Đảng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai, vốn, tài sản của nhà nước, vi phạm trong công tác cán bộ, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, công trình trọng điểm không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách quốc gia, gây mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng... Thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị cũng cho thấy, công tác cán bộ còn rất nhiều việc phải làm. Ví như việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là rất cần thiết, nhưng không phải cốt để có cái "mác" lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy Hay đi luân chuyển là để rèn luyện, trưởng thành, chứ không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, "tráng" qua thực tế để rồi về giữ chức nọ, chức kia. Thời gian luân chuyển chưa được bao lâu, chưa kịp thể hiện, chưa đóng góp được gì nhiều cho cơ sở đã ngấp nghé xin về. Rồi công tác đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, đều phải công tâm, khách quan, tránh hình thức. Ngay như quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng, cho nên phải chặt chẽ, thực hiện nghiêm, tránh tình trạng quy trình thì đúng nhưng cán bộ được đề bạt lại không đúng Qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có sai phạm đều đã bị xử lý nghiêm; những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ rõ để khắc phục, sửa chữa kịp thời. Nhưng quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản, bằng các quy định, quy chế, bằng luật pháp, chính sách; phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế. Trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; về quy trình 5 bước đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; về luân chuyển cán bộ; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản... Việc tuyển chọn, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, cũng được quy định chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện hơn, có nhiều đổi mới, cải tiến nhằm hạn chế các sơ hở, tiêu cực. - Thưa Tổng bí thư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét trên thực tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ làm "chùn", làm "chậm" sự phát triển? - Thực tế đã cho câu trả lời. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã làm nên những thành tựu quan trọng, đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm qua. Một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước. Lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 30 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới... Năm vừa qua cũng đã ghi nhận những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại, với việc đăng cai tổ chức rất thành công Năm APEC - 2017, tiến hành 18 chuyến thăm cấp cao đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ, thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam, qua đó đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, chúng ta đã kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Hai nhiệm vụ này luôn song hành, bổ trợ cho nhau. Thực tế cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, chứ không phải ngược lại. - Một quan điểm lớn đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh khi lần đầu tiên tới dự và phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đó là "Phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới". Để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đó, cần tập trung vào những nội dung cốt yếu nào thưa Tổng Bí thư? - Bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện để mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo luật định. Phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước, tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ việc giải quyết những vấn đề có tính nền tảng, lâu dài; không vì chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng tăng trưởng. Cùng với phát triển kinh tế, phải quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ; chú trọng giữ gìn bản sắc, cốt cách văn hóa Việt Nam, phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt những thời cơ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực và chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. - Một mùa xuân mới lại đang về, mỗi người đều có những ước mong, niềm hy vọng về một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công hơn. Xin Tổng bí thư chia sẻ một vài cảm nghĩ trước thềm Xuân mới Mậu Tuất 2018? - Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Nhân dịp xuân mới, tôi xin chúc toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn dồi dào sức khỏe, an khang, hạnh phúc, tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, đồng sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, vững bước đi lên mạnh mẽ hơn nữa.
(Lev Trotsky). Bài viết quá hay và quá đúng của Lev Trotsky về Exênhin đã khiến một người Việt rất yêu cả thơ ca và con người Exênhin là tôi phải đắn đo khi muốn bày tỏ một chút gì đó cảm nhận của riêng mình về nhà thơ Nga vĩ đại này. Nhất là về những bài thơ cuối đời, được viết trong hai năm 1924 và 1925 của Ông, mà nhiều bài thơ trong số đó có thể coi là thơ tuyệt mệnh. Xécgây Exênhin đã cảm thấy hơi thở của cái chết phả vào Ông từ trước đó hai năm, trước khi Ông chủ động không sập cánh cửa cuộc sống của mình mà chỉ nhẹ nhàng khép nó lại bằng bàn tay tuôn trào máu đỏ. (Trotsky). Những nhà thơ lớn của nước Nga thường có số phận rất kỳ lạ. Hầu hết họ chết trẻ, chết khi năng lượng sáng tạo tuôn trào mạnh mẽ nhất. Sống trẻ chết trẻ như những nhà thơ Nga trong bài thơ Kỷ niệm về những câu thơ Nga của tôi có một câu thơ như vậy. Đó là điều khiến tôi kinh ngạc và thán phục nhất khi bước vào thế giới thơ ca của những nhà thơ Nga. Không chỉ Exênhin, nhiều nhà thơ Nga khác luôn cảm thấy sự dồn nén đến nghiệt ngã của số phận khi họ chấp nhận thơ ca của mình như một sứ mệnh và như một bi kịch. Thơ quả thật ghê gớm đối với những nhà thơ Nga, dù thơ họ hết sức dịu dàng và nhân hậu. Với Exênhin, số phận và thơ ca của Ông lại càng đặc biệt. Cha của tôi- một dân cày đích thực /Còn tôi là con cái bác nông dân. Exênhin đã thật thà khai báo lý lịch của mình như vậy. Và toàn bộ thơ ca của Ông đã chứng thực cho lời khai ấy. Đó là nhà thơ nông dân theo nghĩa đẹp nhất của danh xưng này. Một nhà thơ nông dân Nga, sinh quán vùng Ryazan, lại là một nhà thơ thế giới, một công dân toàn cầu, một người mà thơ ca của Ông được người Nga, và không chỉ người Nga, đọc nhiều chỉ sau Kinh Thánh. Thơ Exênhin, quả vậy, đã là Kinh Thánh của tâm hồn Nga, nó dịu dàng, phóng khoáng, mộc mạc mà đầy bí ẩn. Với Exênhin, hai năm 1924 và 1925 là đặc biệt quan trọng. Thơ Ông dường như tuôn trào mãnh liệt và đau đớn trong hai năm cuối định mệnh ấy. Chẳng hiểu sao tôi rưng rưng nước mắt. Và nhếch cười, hồn héo hắt, mông lung-. Cứ như đây là lần thấy cuối cùng. Căn nhà gỗ, con chó nằm trên bục. Đoạn thơ này nằm trong bài thơ được ghi sáng tác ngày 24.9.1925, chỉ 3 tháng trước khi Exênhin tự mình khép cửa, cánh cửa cuộc đời đầy giông bão của Ông. Hình ảnh con chó, cây bạch dương, hoa tuyết, căn nhà gỗ (izba), cỗ xe tam mã, quán rượu, những con gà trống gáy sớm, chim bạc má, dây trường xuânnhững hình ảnh của làng quê Nga thường lung linh và da diết trong thơ Exênhin, như thể chúng được sinh ra là dành cho thơ Ông, và chính Exênhin đã trao chúng linh hồn, khiến chúng trở nên bất tử trong thơ Ông. Tôi vẫn thường nghĩ, vì sao nước Nga lại có Exênhin? Những nhà thơ nông dân, xuất thân từ nông dân và trở nên nổi tiếng, thế giới có không ít. Nhưng không có nhà thơ-nông dân nào có số phận kỳ lạ như Exênhin, có những bài thơ về làng quê xuất thần như thơ Exênhin, và thơ càng mộc mạc lại càng bí ẩn, như thơ Exênhin. Nếu như văn hào M. Gorki mệnh danh Xécgây Exênhin là Một thứ cơ quan mà thiên nhiên sáng tạo ra chỉ để làm thơ, để thể hiện nỗi buồn vô tận của ruộng đồng , thì ta phải hiểu, tâm hồn nhà thơ ấy và tâm hồn của ruộng đồng Nga là một, hoặc như một. Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng những cánh đồng Nga, những cánh đồng đất đen trải ra vô tận và buồn vô tận. Nỗi buồn ấy là tự nhiên, hồn hậu và lành sạch. Cho tới bài thơ tuyệt mệnh cuối cùng, thơ Exênhin vẫn trong trẻo làm sao, dịu dàng làm sao! Hệt như những cánh đồng Nga. T uyết đã tan, bị nghiền thành bụi nhỏ. Từ trên cao trăng lạnh chiếu mơ màng. Tôi lại gặp rìa làng thân yêu cũ. Xuyên bão bùng, thấy ngọn lửa bên song. Lũ chúng ta bọn không nhà không cửa. Cần nhiều chăng ? Cũng dễ hiểu thôi mà. Tôi ca ngợi.Cơm gia đình gặp bữa. Thấy lại mẹ già sau năm tháng vời xa. Mẹ lặng lẽ nhìn tôi, rưng rưng nước mắt. Không một lời như chẳng chút chua cay. Người muốn nâng cốc nước trà trước mặt. Cốc nước trà đang tuột khỏi bàn tay. Mẹ già nua, dịu hiền và thương thiết. Người chẳng quen với ý nghĩ u buồn. Trong tiếng đàn phong cầm mùa giá tuyết. Mẹ nghe này con kể chuyện đời con. Con thấy nhiều, đi đó đây chẳng ít. Yêu bao lần, lắm đau khổ từng qua -. Từ đó hóa tên dở gàn, say tít. Chưa thấy ai tốt hơn mẹ kia mà. Một lần nữa bên bếp lò sưởi nóng. Con tháo giày, cởi áo rất ngây thơ. Và lại sống, lại thêm niềm hy vọng. Số phận tốt lành như lúc trẻ thường mơ. Ngoài cửa sổ bão thét gào, nức nở. Trong tiếng gầm man rợ, tuyết cuồng quay. Con ngỡ những cây bồ đề trắng xóa. Đứng trong vườn- lá bứt mạnh tung bay. Bài thơ này chưa phải bài thơ cuối cùng của Ẽxênhin, nhưng nó tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác cuối cùng của Ông. Có thể thấy trái tim đẫm máu đang phơi trần của nhà thơ khi đọc những dòng thơ đầy yêu thương xa xót này. Và cũng có thể thấy truyền thống của thơ Puskin, thơ Lermantov tuôn chảy trong thơ Exênhin như thế nào. Không một nhà thơ nào, dù là thiên tài, lại từ trên trời rơi xuống cả. Exênhin cũng vậy. Cả một truyền thống vĩ đại của thơ ca Nga đứng sau lưng Ông, dù thơ Ông là chỉ của Ông thôi. Sáng tác bằng bản năng, bằng linh cảm, nhưng không phải vì thế Exênhin từ chối tiếp thu di sản thơ ca, từ chối văn hóa đọc. Là một nhà thơ nông dân, nhưng số phận đã đưa Exênhin đi tới nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Có thể, như Lev Trotsky đã viết: Anh(Exênhin) hấp thụ Têhêran [Teheran] sâu sắc hơn Niu Oóc nhiều, và cái trữ tình hoàn toàn nội tâm của anh, có cội rễ từ Ryadan (3) [Ryadan], đã tìm thấy ở Ba Tư(Iran) nhiều mối tương thích hơn là ở các trung tâm văn hóa châu Âu và châu Mỹ. Cho dù như thế, ngay cả khi viết những bài thơ rất hay về Ba-Tư, về một cô gái tên Sa-ga-ne với khăn choàng mặt, thì Exênhin vẫn như đang viết về vùng quê Ryazan và cô gái quê Ryazan của Ông với một tình yêu nồng nhiệt và ngây thơ. Càng đi xa quê hương, thơ Exênhin càng thấm đẫm hương vị đồng quê Nga. Có thể nghe mùi cỏ khô của những cánh đồng Ryazan trong thơ Exênhin khi ông viết về những vùng đất lạ: Dù Si-ra có xinh đẹp tuyệt trần. Cũng chẳng hơn gì thung lũng Ryazan. Mãi mãi, Exênhin và thơ ca của ông thuộc về những cánh đồng đất đen buồn tẻ của nước Nga mà ở đó đã mọc lên cây bạch-dương-thơ thiên tài mang tên Xécgây Exênhin. Khi tôi viết những dòng này, hiện lên trong tôi hình ảnh lặng lẽ và khắc khổ của cố nhà giáo Việt Thương(Nguyễn Văn Giai)-người dịch tập thơ Exênhin, người đã đắm đuối với thơ Exênhin từ thuở còn là sinh viên du học tại Đại học Lomonosov( Nga). Thầy Việt Thương-một chuyên gia về văn học Nga-nguyên chủ nhiệm khoa ngữ văn Đại học sư phạm Qui Nhơn-đã dịch tập thơ Exênhin này từ mười mấy năm trước. Sau khi thầy đột ngột qua đời đã 3 năm, chúng tôi mới tìm lại được bản thảo tập thơ dịch này, và thắp hương xin phép thầy để được xuất bản. Tôi nghĩ, từ nơi rất xa nào đó, thầy Việt Thương sẽ vui lòng khi thấy tập thơ gồm những bài thơ viết hai năm cuối đời của Xécgây Exênhin qua bản dịch công phu và tâm huyết của thầy được tới với bạn đọc Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy sức sống lâu bền và mãnh liệt của thơ Exênhin-một thứ thơ ca tuyệt đối quí hiếm trong thời hiện đại này. Cách đây gần ba chục năm, tôi có viết được một bài thơ về Exênhin, nhan đề Gửi Xécgây Exênhin. Năm 2004, nhân được mời tham dự Liên hoan thơ quốc tế Rotterdam( Hà Lan) lần thứ 35, và nhân được Ban tổ chức Liên hoan thơ ra một đầu đề thú vị: Nếu phải bị đày ra một hoang đảo mà chỉ được mang theo một quyển sách, bạn sẽ mang quyển sách gì ? Bạn có bài thơ nào về quyển sách ấy không ?, tôi đã chọn câu trả lời: Quyển sách ấy là một tập thơ Xécgây Exênhin, và chọn bài thơ Gửi Xécgây Exênhin cho Ban tổ chức dịch ra tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Bài thơ khi diễn đọc tại Nhà hát Lớn Rotterdam, với phụ đề tiếng Hà Lan và tiếng Anh chiếu trên màn hình, đã gây được ấn tượng tốt, được những khán giả yêu thơ Hà Lan hoan nghênh. Đó là điều thật bất ngờ đối với tôi. Nó thêm một lần chứng minh: Exênhin và thơ ca của Ông là thuộc về thế giới, và được yêu mến ngay ở thời đương đại này. Xin gửi tới bạn đọc bài thơ của tôi như một đoạn kết cho bài viết đã dài này. GỬI XÉCGÂY EXÊNHIN. như hòn đá ném thẳng xuống biển khơi. thơ anh gợi những vòng tròn thăm thẳm. Exênhin một nửa mùa thu nước Nga chìm đắm. theo con tàu người thủy thủ lang thang. và hành khách trên con tàu ấy. cây bạch dương chú chó nhỏ vầng trăng. những cô gái rượu vodka hoa tuyết. đã đắm chìm mãi mãi cùng anh. dưới những trận mưa rào ngôn ngữ. sóng cuộn dâng đờ đẫn hung cuồng. nhà thơ nằm mơ màng tận đáy. kín bít hầm tàu rừng rực hoàng hôn. để bao kẻ ham bạc vàng đồ cổ. phí thời gian trục vớt lặn tìm. những chiếc lá họ nhầm ra vàng lá. còn nỗi buồn ánh lên như bạch kim. người nằm đó nhà thơ hay kẻ cướp(*). Exênhin tôi yêu anh làm sao. dễ gì ném đời mình cho thơ phú. tự thắt dây vào cổ, dễ gì đâu. nhưng ta biết làm chi cho khỏe. nửa phần đời ta vút diều sáo ngang trời. nửa phần kia là đất đen lặng lẽ. nối vào nhau mỏng mảnh sợi-dây-người. nhưng ta biết làm chi cho khỏe. gió mát trăng thanh múa hát tít mù. đêm êm ái bàn tay ai nhè nhẹ. Chúa là em đôi vú mơ hồ. (*) Câu thơ Esenine: Nếu không là nhà thơ/Tôi sẽ làm kẻ cướp/ Quảng Ngãi sau bão Haiyan, 11.2013. Thanh Thảo.
Thời gian biểu giúp bố mẹ bận mấy cũng có thời gian cho conKhung giờ khoa học cho các bữa ăn trong ngàyVy Oanh làm thời gian biểu rèn nề nếp cho con trai 15 tháng tuổi. Mỗi người đều có xu hướng làm một việc gì đó vào đúng thời điểm lý tưởng, thậm chí ngay cả việc mua một lọ nước hoa mới. Tuy nhiên, đồng hồ sinh học của chúng ta lại thay đổi theo thời gian khi chúng ta già đi. Bright Side giới thiệu khung thời gian cho các hoạt động thông thường của mỗi người ứng với từng độ tuổi dưới đây. Ở độ tuổi 20. 9h30: Đây là thời điểm khi orexin (hormone giác quan) không đè lên melatonin (nội tiết tố ngủ) cho đến giữa buổi sáng. Ở độ tuổi 30. 8h10: Đồng hồ sinh học của bạn bắt đầu tất cả các quy trình sớm hơn để tối đa hóa thời gian bạn tỉnh táo. Ở độ tuổi 40. 7h50: Chu kỳ thức của bạn "chiến thắng" chu kỳ ngủ sớm hơn nhiều khi bạn 40 tuổi. Ở độ tuổi 50. 7h00: Với lứa tuổi này, thời gian bạn ở trong giai đoạn ngủ sâu giảm xuống. Ở độ tuổi 60. 6h30: Cơ thể bạn biết rõ nhất những lợi ích của ánh sáng mặt trời, do đó "nó" thức dậy sớm, giống như cách bạn đã làm khi còn nhỏ. Ở độ tuổi 20. 10h: Những người trẻ thường bỏ bữa sáng vì họ không cảm thấy đói vào lúc này. Ngoài ra còn có một lý do nữa là hai tiếng sau khi thức dậy, họ vẫn ở trong trại thái "quán tính ngủ". Một tách cafe có thể giúp giải quyết vấn đề. Ở độ tuổi 30. 8h40: Tốt hơn cả là bạn nên tránh thức ăn có đường hoặc tinh bột. Ở độ tuổi 40. 8h20: Một bữa ăn giàu chất xơ sẽ làm cho bạn cảm thấy đủ no. Ở độ tuổi 50. 7h30: Quá trình trao đổi chất của bạn chậm lại khoảng 5% cứ mỗi 10 năm sau khi bạn bước sang tuổi 40. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để bạn tiếp "nhiên liệu". Ở độ tuổi 60. 7h: Quả việt quất cung cấp cho bạn một phần năng lượng mà không cần thêm quá nhiều calo. Ở độ tuổi 20. 12h: Tuổi này, bộ não bắt đầu làm việc có hiệu quả vào buổi trưa mặc dù sếp của bạn sẽ không thích điều này. Ở tuổi 30. 10h40: Vào giữa buổi sáng, mức cortisol của bạn đạt đến đỉnh điểm tự nhiên và tạo ra một sự kích thích để bạn cảm thấy tỉnh táo. Ở độ tuổi 40. 10h20: Lúc này đã đủ thời gian để trạng thái "quán tính ngủ" trôi qua. Ở độ tuổi 50. 9h30: Mức độ tỉnh táo và tập trung của bạn đang ở đỉnh cao. Ở độ tuổi 60. 9h: Các kết nối trong não của bạn đang hoạt động tích cực nhất. Ở độ tuổi 20. 15h30: Bắt đầu một ngày mới muộn, đây chính xác là lúc bạn cần một chút "nhiên liệu" để duy trì sự tập trung. Ở độ tuổi 30. 14h10: Nếu bạn trì hoãn việc nạp thức ăn cho đến thời điểm này, cơ thể bạn sẽ bắt đầu sử dụng glucose dự trữ và điều này có thể gây kích ứng. Ở độ tuổi 40. 13h50: Ăn vào thời điểm này giúp bạn chống lại sự sụt giảm năng lượng xảy ra vào giữa trưa. Ở độ tuổi 50. 13h: Bạn nên ăn một bữa no vào thời điểm này thay vì buổi tổi. Ở độ tuổi 60. 12h30: Vị giác của bạn nhạy cảm hơn trong khoảng từ 11h đến 13h. Ở độ tuổi 30. 15h40: Giữa chiều là khoảng thời gian hoàn hảo để hồi phục năng lượng bằng cách nghỉ ngơi trong khoảng 20 phút. Ở độ tuổi 40, 50 và 60. 14h: Sau khi ăn trưa, bạn có thể cảm thấy hơi mệt mỏi. Khi bạn 60 tuổi, các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên ngủ trưa nếu bạn thực sự cần thiết. Ở độ tuổi 20. 17h: Khả năng hoạt động thể chất của những người trẻ cao hơn vào buổi chiều. Ở độ tuổi 30. 19h: Ở lứa tuổi này, cơ bắp của bạn vẫn hoạt động tốt hơn vào cuối ngày. Ở độ tuổi 40. 20h45: Các chuyên gia khuyên bạn nên tích cực hoạt động thể chất vào thười điểm này để thúc đẩy tuần hoàn máu. Ở độ tuổi 50 và 60. 20h: Làm vườn, tập yoga ngoài trời hoặc pilate là những hoạt động thể chất tốt để làm ấm cơ bắp. Ở độ tuổi 20. 20h: Ở độ tuổi này, sự tập trung đạt tới đỉnh cao vào buổi chiều. Ở độ tuổi 30. 18h40: Kết thúc công việc tại thời điểm này vẫn duy trì mức độ tập trung được cung cấp bởi bữa ăn trưa muộn. Ở độ tuổi 40. 18h20: Cho phép bạn tận dụng tối đa năng lượng được cung cấp bởi bữa ăn trưa muộn. Ở độ tuổi 50. 17h30: Bạn có thể bắt đầu cảm thấy mất cân bằng và hay quên. Đây là thời điểm tốt để kết thúc hoạt động hàng ngày của bạn. Ở độ tuổi 60. 17h: Nếu bạn vẫn đi làm, hãy về nhà trước khi mất hết năng lượng. Ở độ tuổi 20. 20h30: Bộ não của bạn vẫn "thức" sau một ngày làm việc. Ở độ tuổi 30. 22h: Trong một khoảng thời gian giới hạn để nó không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Ở độ tuổi 40 và 50. 21h30: Giới hạn thời gian tiếp xúc với màn hình khoảng một giờ để tránh các triệu chứng viêm khớp. Ở độ tuổi 60. 21h: Mắt của bạn ở lứa tuổi này nhạy cảm hơn với ánh sáng nhân tạo. Ở độ tuổi 20. 21h30: Bạn cần bổ sung năng lượng cho phần còn lại của đêm. Ở độ tuổi 30. 20h10: Thời điểm tuyệt vời để ăn tối là khoảng một tiếng rưỡi sau khi hoàn thành các công việc. Ở độ tuổi 40. 19h50: Ăn tối tại thời điểm này sẽ cho cơ thể đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn trước khi đi ngủ. Ở độ tuổi 50. 19h: Với lứa tuổi này, các bữa ăn thường xuyên có vai trò quan trọng để giữ mức cholesterol thấp và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch. Ở độ tuổi 60. 18h30: Bữa tối sớm giảm thiểu nguy cơ bị chứng ợ nóng và khó tiêu. Ở độ tuổi 20. 15h: Ham muốn của bạn đạt đến đỉnh cao vào giữa chiều. Ở độ tuổi 30. 20h20: Ánh sáng mặt trời làm tăng testoterone ở cả nam và nữ thông qua kích thích vùng dưới đồi (Hypothalamus - cấu trúc thuộc não trung gian, nằm quanh não thất ba và nằm chính giữa hệ thống viền). Ở độ tuổi 40. 22h30: Quan hệ tình dục vào khoảng thời gian này làm tăng sự thư giãn. Ở độ tuổi 50. 22h: Với rất nhiều hoạt động vào buổi sáng, ban đêm là thời gian lý tưởng để tận hưởng sự thoải mái. Ở độ tuổi 60. 20h: Sau khi đã dành đủ thời gian để xử lý bữa tối, đây là lúc bạn thư giãn với người ấy. Ở độ tuổi 20. 23h: Những người ở độ tuổi này có xu hướng dung nạp đồ uống có cồn cao hơn. Lời khuyên chung nên uống cách giờ đi ngủ khoảng 4 tiếng nhưng người trẻ tuổi là ngoại lệ. Ở độ tuổi 30. 20h10: Tầm này, gan của bạn sẽ xử lý đồ uống có cồn một cách hiệu quả. Ở độ tuổi 40 và 50. 18h: Chúc năng gan của bạn bị chậm lại, do đó cơ thể bạn cần ít nhất 4 tiếng để xử lý cồn trước khi đi ngủ. Ở độ tuổi 60. 18h: Nếu bạn muốn uống đồ có cồn, hãy ăn no một chút trước. Ở độ tuổi 20. 1h: Điều quan trọng là phải tắt máy tính bảng và điện thoại thông minh ít nhất một giờ trước khi ngủ. Ở độ tuổi 30. 23h: Ngủ tại thời điểm này giúp củng cố trí nhớ và cải thiện sự tỉnh táo cho bạn vào hôm sau. Ở độ tuổi 40. 23h30: Đi ngủ trước lúc nửa đêm giúp tối đa hóa chất lượng nghỉ ngơi bạn có được. Ở độ tuổi 50 và 60. 22h: Bạn nên đọc sách hoặc làm một vài điều mình yêu thích trước khi ngủ vì sự kích thích tinh thần giúp não hoạt động tốt và tăng trí nhớ. Theo Vnexpress.
Gánh nặng quá sức Chính phủ Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển chung trong giai đoạn 2001-2010 khoảng 60 tỷ USD, chiếm khoảng 8,4% so với GDP. Giai đoạn 10 năm tới, nhu cầu này tiếp tục tăng lên. Theo tính toán của Chính phủ, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam chiếm 10-11% GDP. Cụ thể hơn, trong vòng 5 năm tới, nước ta sẽ cần khoảng 70-80 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực này. So với GDP và ngân sách của Việt Nam thì đây là một sự quá sức. Lãnh đạo Bộ Tài chính, trong các diễn đàn đầu tư, cũng đã nhiều lần thừa nhân, với với điều kiện tài chính hiện tại thì nguồn vốn của Chính phủ khó có thể đáp ứng hết được nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Và rõ ràng, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng như mong muốn, mà cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân. Trong những năm qua, đầu tư cho hạ tầng đã được Chính phủ rất chú trọng, hay đúng hơn, Chính phủ đầu tư với gánh nặng đang vượt quá sức mình. Hàng năm, ngoài nguồn từ ngân sách xuất ra, phần thiếu còn lại trông chờ nhiều vào hai nguồn đi vay. Vay trong nước bằng trái phiếu và vay nước ngoài thông qua vốn ODA và vay trái phiếu quốc tế. Điều này khiến cho số nợ quốc gia của Việt Nam dù vẫn ở trong ngưỡng an toàn nhưng đã xấp xỉ ngưỡng cảnh báo an toàn. Dù đã xoay đủ mọi cách, nhưng một thực tế đau đầu là chúng ta liên tục thiếu vốn cho các công trình hạ tầng quan trọng. Một trong những ví dụ điển hình là việc thiếu vốn cho nhiều công trình nguồn điện của đất nước. Hàng chục dự án điện bị chậm với một nguyên nhân liên tục được nêu lên là thiếu vốn. Bên cạnh đó, một vẫn nạn lớn của các dự án giao thông là bị chậm tiến độ cũng được đổ cho thiếu vốn. Thậm chí, hiện nay, Việt Nam đang rất thiếu các cảng lớn để thức đẩy lưu thông hàng hóa. Chúng ta đã tính đến những phương án lớn như: cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng; Vân Phong ở Khánh Hòa... Song, việc triển khai đến nay vẫn rất khó khăn mà nguyên nhân chính bắt đầu từ câu chuyện vốn. Bên cạnh đó, một nỗi khổ lớn của DN chính là của DN chính là hệ thống đường bộ xuyên quốc gia đã quá tải và xuống cấp so với nhu cầu ngày càng phát triển, nhưng việc đầu tư mở rộng và nâng cấp sẽ gặp khó khăn vì thiếu vốn. Trong khi đó, nguồn vốn vay cả trong và ngoài nước ngày càng khó khăn. Huy động trái phiếu chính phủ trong nước đang gặp khó khăn khi hai năm gần đây khi lượng huy động vốn tăng lên nhưng không phải lúc nào cũng có được số lượng như mong muốn. Không những thế, việc nhà nước huy động vốn thông qua trái phiếu đã ảnh hưởng đến nguồn vốn chung của xã hội, khiến cho một số kênh huy động khác bị ảnh hưởng như đã từng xảy ra trong 2010. Còn đối với ODA không chỉ Việt Nam đang tiến tới ngưỡng an toàn cho phép mà nguồn vay ưu đãi này đang ngày càng co hẹp lại khi Việt Nam được công nhận là một nước co thu nhập trung bình. Chúng ta buộc phải đi vay thương mại với chi phí cao hơn và điều kiện khắt khe hơn. Tuy nhiên, dù vay bằng nguồn nào và theo cơ chế nào thì tất cả đều là món nợ quốc gia mà ngân sách buộc phải trả trong tương lai. Đó là gánh nặng cho ngân sách quốc gia vốn đã eo hẹp lại đang bị chia sẻ bởi nhiều nhu cầu như hiện nay. Thúc đẩy tư nhân: hãy mạnh dạn hơn Nhiều năm gần đây, Việt Nam đã mở dần lĩnh vực đầu tư hạ tầng cho tư nhân trong và ngoài nước tham gia thông qua các hình thức đầu tư như BOT, BT và BOO, và mới đây nhất là mô hình hợp tác nhà nước và tư nhân PPP cũng đã được chính thức hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, lộ trình này hiện vẫn rất chậm và hiệu quả chưa được như mong muốn. Những năm trước, khi việc kêu gọi đầu tư hạ tầng của tư nhân việc kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT, BT... đã được khuấy lên. Chính phủ sau một thời gian dài thử nghiệm đã ban hành các quy định cụ thể về vấn đề này vào năm 2009 - ngay lập tức tạo ra một làn sóng nhiều nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn làm hạ tầng. Có thể kể đến những dự án đã được đề xuất thực hiện như: đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Rạch Miễu, cầu Cỏ May (trên QL51), đoạn An Sương - An Lạc thuộc QL1A trên địa bàn TP.HCM, cầu Đồng Nai, cầu Bình Triệu (khu vực TP.HCM), QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên và rất nhiều tuyến tránh trên QL 1A... Đối với hình thức BT cũng có rất nhiều dự án giao thông lớn như: đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam, đường trục phía Bắc Hà Đông, đường trục phía Nam Hà Tây (cũ)... Dù hình thức nào, cách hoàn vốn bằng thu phí trực tiếp hay đổi đất lấy hạ tầng đầu cho thấy một điều tư nhân rất mong muốn tham gia vào hạ tầng và đó hoàn toàn là một lĩnh vực có đủ hấp dẫn để khơi nguồn vốn tư nhân. Mới đây, từ cuối năm ngoái, các quy định thí điểm về đầu tư PP cũng đã được ban hành. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm ngay, trong đó có cả những nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Thậm chí, ngay từ khi cơ chế thí điểm chưa được ban hành thì Bitexco đã rất sốt sắng trong việc đề xuất triển khai đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hơn thế, hiện Việt Nam đang chuẩn bị một danh sách ngắn gọn để giới thiệu với các nhà đầu tư tham gia. Rõ ràng, chúng ta có hy vọng về việc tìm kiếm đủ nguồn vốn cho các dự án hạ tầng vốn đang rất khó về vốn hiện nay thông qua các cơ chế đầu tư như trên. Đây là những hình thức đã được nhiều nước áp dụng thành công và đang được các nhà tham vấn hối thúc Việt Nam sớm mở rộng và các chủ đầu tư cũng mong muốn một hàng lang pháp lý rõ ràng để dễ dàng hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có thành quá nào về PPP, dù các nhà đầu tư như Bitexco và có cả sự hậu thuẫn của ngân hàng thế giới nhưng đến nơi dự án đề xuất mới chỉ khởi động và các thủ tục để cụ thế hóa cho nhà đầu tư thực hiện vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, ngoài một đề xuất cụ thể từ Bitexco các nhà đầu tư khác vẫn chỉ mới bày tỏ quan tâm và chưa có một đề xuất cụ thể nào tiếp theo. Thực tế, mô hình PPP đã được đề xuất từ rất lâu nhưng việc triển khai nghiên cứu để ra được một quy chế quá kéo dài. Đến tận cuối 2010, quy chế này dưới dạng thí điểm mới ra đời. Song, để thực thi nó vẫn còn vướng khi những quy định hỗ trợ tiếp theo. Đặc biệt, một danh sách các dự án cụ thể để thí điểm đến nay vẫn chưa có. Nhà đầu tư luôn cần những địa chỉ cụ thể và cơ chế cụ thể nhưng điều đó vẫn chưa hiện thực. Trong khi đó, hiện các quy định đầu tư sau BOT, BT cũng bộc lộ nhiều bất cập và việc xây dựng, cơ chế vẫn còn thiếu nhất quán... Chính vì thế, ngoài một số dự án đổi đất lấy hạ tầng được chú ý nhiều, còn các dự án khác với hình thức thu hồi vốn triển khai khá chậm - đây là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới - mà nguyên nhân chính là cơ chế để vận hành các dự án theo phương thức này chưa thật sự đồng bộ và còn nhiều điểm bất hợp lý. Trao đổi gần đây về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh, đầu tư công cắt giảm, chính là một cơ hội để xem xét lại hiệu quả các dự án. Những dự án nào nhà nước làm không hiệu quả hay nhà nước không cần làm thì không nên ôm đồm mà cần mạnh dạn chuyển cho tư nhân. Ngay lúc này, khi có chủ trương siết chặt đầu tư công thì nên mạnh dạn chọn một số dự án chuyển cho tư nhân thực thi. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia và DN. Vậy chăng, khi khảo sát việc cắt giảm các dự án đầu tư công nên đưa thêm tiêu chí những dự án có thể chuyển qua cho tư nhân làm. Đó là cách đẩy mạnh đầu tư tư nhân vào hạ tầng rất thiết thực. Tuy nhiên, đi cùng với đó, ngoài việc chấn chỉnh đầu tư công thì cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để tư nhân tham gia dễ dàng hơn. Việc chậm chạp và vướng mắc trong các cơ chế như thời gian qua hẳn là một sự lãng phí.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Rosen Plevneliev tại lễ ký các văn kiện giữa hai nước. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với bề dày hơn nửa thế kỷ giữa hai nước và nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 10 năm 2013, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bulgaria nhất trí phát triển quan hệ giữa hai nước hướng tới đối tác chiến lược trong tương lai. Để đáp ứng kỳ vọng và lợi ích thiết thực của cả hai quốc gia, hai Bên nhất trí cùng nỗ lực xây dựng Mô hình hợp tác kinh tế mới như là phương tiện để đạt được mục tiêu đối tác chiến lược. Hai Bên khẳng định tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm thể hiện quyết tâm chính trị, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Hai Bên sẽ khuyến khích việc tiếp tục trao đổi đoàn ở tất cả các cấp trong các lĩnh vực hai Bên có cùng lợi ích. Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên nghị viện và ủng hộ việc tiếp tục tăng cường hơn nữa tiếp xúc và hợp tác thông qua triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ ký ngày 16/04/2012 giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Bulgaria. Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhóm nghị sỹ hữu nghị Bulgaria - Việt Nam của Quốc hội Cộng hòa Bulgaria sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy quan hệ song phương giữa Quốc hội hai nước. Hai Bên thống nhất tổ chức tham vấn chính trị thường xuyên giữa hai Bộ Ngoại giao để trao đổi các vấn đề song phương, lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Việt Nam và Bulgaria nhất trí tăng cường và đa dạng hóa hợp tác kinh tế - thương mại trên lĩnh vực mà hai nước có lợi thế so sánh và tiềm năng chưa được khai thác. Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật đồng thời coi đây là cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và những lĩnh vực khác. Hai Bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường đầu tư trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng; quy hoạch, phát triển đô thị và hệ thống giao thông công cộng; sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo vệ môi trường; chế biến thực phẩm... Việt Nam và Bulgaria khẳng định sẽ hợp tác trong lĩnh vực tài chính nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức kinh tế - tài chính hiện nay, bao gồm trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý hiệu quả tài chính công, giám sát tài chính nội bộ và quản lý nợ. Hai Bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản thông qua triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Bulgaria. Hai Bên ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng thay thế khác cũng như các công nghệ tương ứng. Hai Bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng thông qua tích cực đối thoại chiến lược quốc phòng ở các cấp; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện và đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị lực lượng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đối phó với khủng hoảng, ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp trong thời bình; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự song phương; tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực quân y, nghỉ dưỡng, giao lưu văn hóa và thể thao. Hai Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông qua việc ký Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm; trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng đặc thù; đào tạo cán bộ sỹ quan của Việt Nam tại Bulgaria trong khả năng cho phép của cả hai nước. Hai Bên tái khẳng định mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ và trao đổi tin mật trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bulgaria về cùng nhau trao đổi và bảo vệ tin mật ký ngày 16 tháng 04 năm 2012. Hai Bên khẳng định tiếp tục phát huy hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, là lĩnh vực hợp tác truyền thống, thông qua việc thực hiện Chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học Cộng hòa Bulgaria giai đoạn 2012 - 2016 (ký tháng 4/2012); nhất trí khuyến khích các trường Đại học, các cơ sở đào tạo của hai nước có hình thức quan hệ hợp tác trực tiếp với nhau. Hai Bên ủng hộ việc thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp Sô-phi-a "Xanh Cờ-li-men Ô-khờ-ri-đờ-xki", bao gồm cả việc thúc đẩy giáo dục văn hóa thông qua việc thành lập bộ môn nghiên cứu văn hóa, xã hội và tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Sô-phi-a và bộ môn nghiên cứu tiếng Bun-ga-ri tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hai Bên thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa bằng các chương trình, hoạt động cụ thể như trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật; tổ chức các tuần lễ phim và triển lãm giới thiệu văn hóa, con người của mỗi nước; hợp tác bảo tồn các di sản văn hóa. Phía Bulgaria cam kết sẽ hỗ trợ, giúp Việt Nam phục chế, trùng tu các di tích lịch sử cũng như đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản và khảo cổ. Với mong muốn tăng cường hợp tác du lịch trên cơ sở Hiệp định du lịch đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bulgaria vào tháng 11/2006, hai Bên nhất trí khuyến khích tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan, doanh nghiệp du lịch hai nước nhằm tìm hiểu thị trường và khả năng tổ chức các loại hình du lịch tại mỗi nước. Là nước có nền công nghiệp du lịch phát triển, phía Bulgaria khẳng định sẽ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ xúc tiến du lịch và giúp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho Việt Nam. Hai Bên thỏa thuận cùng nhau phát triển quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thông qua việc củng cố khung pháp lý và khuyến khích tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai bên. Hai Bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thông qua việc thúc đẩy hợp tác hiện có cũng như xác định những lĩnh vực hợp tác mới đồng thời khuyến khích thương mại hóa các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học chung của hai Bên. Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria. Hai Bên nhất trí cho rằng những công dân Việt Nam đã học tập và làm việc tại Bulgaria và cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Bulgaria là nhân tố quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, đóng góp tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Hai Bên khẳng định tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Bulgaria cũng như công dân Bulgaria sinh sống tại Việt Nam để họ có thể làm cầu nối cho quan hệ hai nước. Hai Bên nhấn mạnh vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới, thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế, hòa nhập xã hội của tất cả mọi người và để đối phó với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu. Hai Bên có cùng chung quan điểm rằng mọi tranh chấp khu vực và quốc tế cần được giải quyết bằng những biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai Bên sẽ tăng cường hợp tác tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác trên các vấn đề quốc tế, khu vực, an ninh cũng như xem xét tích cực việc ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Việt Nam và Bulgaria khẳng định sẵn sàng trao đổi quan điểm về các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; đấu tranh chống khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, tội phạm có tổ chức, hải tặc và di cư bất hợp pháp; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; an ninh hàng hải; phát huy hoạt động của các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ; pháp quyền và nhân quyền cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác. Bulgaria ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên cơ sở Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Liên minh Châu Âu và các nước thành viên với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hai Bên ủng hộ sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Việt Nam đánh giá cao việc Bulgaria đã phê chuẩn PCA. Bulgaria ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc gìn giữ ổn định và hòa bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như nỗ lực của ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ để Bulgaria tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này. Hai Bên nhất trí hợp tác hiệu quả các dự án phát triển tiểu vùng, bao gồm các vùng thuộc Mê Công và Đa Nuýp. Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2013. TTXVN/Tin tức.
Du khách đến đây sẽ có cảm giác như được lạc vào rừng Amazon của Nam Mỹ và sau đó là hoang mạc châu Phi. Điểm nhấn của du lịch Thủ đô. Người dân ngày càng đòi hỏi các sản phẩm vui chơi, giải trí, du lịch phải đáp ứng được các tiêu chí: Hiện đại, mới lạ, hấp dẫn, chuyên nghiệp (đặc biệt là các du khách nước ngoài). Trong khi các công viên tại Thủ đô chưa được đầu tư, nâng cấp xứng tầm. Năm 2008, công viên Thiên đường Bảo Sơn chính thức mở cửa với mục tiêu phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô cũng như đồng bảo cả nước. Gần một thập kỷ qua, khu du lịch này đã phục vụ hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Thiên đường Bảo Sơn được đánh giá là điểm nhấn của du lịch Thủ đô, lẵng hoa trong lòng Hà Nội. Du khách tham quan, vui chơi tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Để có được một quần thể các hạng mục du lịch hoành tráng như hiện nay, cả Tập đoàn đã vượt qua rất nhiều khó khăn chồng chất về vật tư, nhân lực, thời tiết trong quá trình thi công xây dựng. Thiên Đường Bảo Sơn có diện tích trên 20ha được đầu tư ban đầu gần 2.000 tỷ đồng trên một vùng đầm lầy, ao hồ tại km 8 - Đại lộ Thăng Long. Chúng tôi đã phải huy động hàng nghìn phương tiện máy móc, xe cộ cơ giới, huy động hàng vạn nhân công. Diện mạo Công viên Thiên đường Bảo Sơn đã được hình thành với hàng trăm hạng mục vui chơi, giải trí, du lịch tiêu biểu đặc sắc, đa dạng, kỳ thú là cả nỗ lực vô cùng lớn. Các hạng mục với rất nhiều điểm nhấn cùng những sản phẩm, trang thiết bị hiện đại như: Tàu lượn trên không, vườn thú Nam Phi với những động vật quý hiếm chỉ có ở vùng châu Phi và Nam Mỹ như hươu cao cổ, tê giác, hổ trắng, sư tử trắng, báo trắng Thủy cung là công trình đặc sắc nhất trong công viên với hàng ngàn loại cá mới lạ, lộng lẫy sắc màu được sưu tập trưng bày trong khu vực do những người thợ lành nghề đến từ Nhật Bản thi công. Đặc biệt, nhiều hạng mục không phải bất cứ công viên nào cũng có được, bởi, không chỉ hiện đại mà còn đậm đà bản sắc dân tộc như: Khu làng nghề truyền thống giới thiệu tinh hoa những nghề cổ truyền có sức sống lâu bền như làng đồ thờ Sơn Đồng, lụa Vạn Phúc, chạm bạc Đồng Sâm, gốm Phú Lãng; khu ẩm thực chợ quà ba miền; khu văn hóa dân gian; khu biểu diễn cá heo và sư tử biển với 12.000 chỗ ngồi; khu hồ bơi rộng nhất Hà Nội với diện tích gần 800m2; xung quanh là các trò chơi trượt ống xoắn dành cho người lớn và trẻ em với rất nhiều điểm vui chơi trên nước. Cùng với đó, doanh nhân Nguyễn Trường Sơn còn thể hiện tình yêu Hà Nội, đất nước và những giá trị văn hóa truyền thống qua các hạng mục đậm đà bản sắc như: Khu phố cổ tái hiện diện mạo đô thị cổ Hà Nội thế kỷ 18, 19, những mái nhà cổ hàng trăm năm tuổi...; trình diễn hầu đồng, hát ca trù, múa rối nước, ví dặm nhằm giới thiệu nền văn hóa Hà Nội, Việt Nam và giữ gìn cho các thế hệ người Việt. Chính vì khu du lịch có công năng đa dạng, hấp dẫn, các sản phẩm vui chơi, giải trí du lịch không ngừng được điều chỉnh cho mới, lạ, phong phú nên mỗi ngày, khu du lịch đón hàng ngàn du khách đến trải nghiệm, khám phá. Năm 2016, có gần 1 triệu lượt khách đến với Công viên Thiên đường Bảo Sơn. Không chỉ thu hút lớn lượng khách du lịch, Khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn còn là nơi được Nhà nước lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Du lịch quốc tế; những ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam; đại nhạc hội quốc tế; đại hội quảng cáo châu Á Adsia). Đặc biệt, dịp Tết đến, Xuân về, Đảng và Nhà nước tổ chức gặp gỡ Việt kiều Xuân quê hương truyền thống với dự hiện diện của Chủ tịch nước và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chuyến trải nghiệm cảm giác mạnh. Với những kết quả đáng tự hào ấy, Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn được đánh giá là một trong những khu du lịch trọng điểm của Thủ đô với tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững. Quy mô hoạt động ngày càng được nâng cấp, giải quyết hàng ngàn lao động địa phương, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, năm 2010, Công viên Thiên đường Bảo Sơn đã được UBND TP Hà Nội gắn biển công nhận là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông Nguyễn Trường Sơn cho hay: Chính từ vinh dự lớn lao này đã động viên chúng tôi nỗ lực, không ngừng hướng tới mục tiêu vô cùng quan trọng là xây dựng một khu du lịch bền vững, sánh vai với những khu du lịch nổi tiếng trên thế giới. Điều đó không chỉ nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào nước nhà mà còn là tiền đề góp phần giúp ngành giải trí, du lịch Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Chính vì tư tưởng luôn muốn đổi mới và vươn xa hơn nữa, Tập đoàn Bảo Sơn đã mạnh dạn kiến tạo, chủ động, cởi mở, đầu tư lớn, thể hiện rõ nhất qua việc triển khai Dự án Khu tổ hợp safari bằng công nghệ cao nằm trong quần thể của Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn. Điều đáng nói nhất là Dự án Safari này sử dụng công nghệ cao với các thiết bị tiên tiến của nước ngoài. Cụ thể, trong tổ hợp Safari có du thuyền mạo hiểm trên sông của Công ty interlink (Anh quốc); trò đi trên dây trên ngọn cây của Công ty Bungari và Italia; trò bay lượn xoắn trên không trung Rollglider của Công ty Đức. Rạp xiếc thú gồm xiếc gấu, xiếc chó, xiếc khỉ và sư tử biển - đặc biệt là vườn chim lớn nhất Đông Nam Á trưng bày hàng trăm loại chim quý hiếm trên thế giới bên cạnh Hồ Thiên nga thơ mộng. Đến khu safari, quý khách được đi trên cây cầu dài 750m với độ cao trên 6m để có thể ngắm nhìn các loại thú dữ dưới chân cầu như Báo, Hổ vàng, Hổ trắng, Gấu, Sư tử, Tê giác, Voi rừng, Hươu cao cổ, Ngựa vằn, Ngựa lùn, Lạc đà, Hươu, Nai. Để thám hiểm khu rừng và hoang mạc này, du khách sẽ đi du thuyền trên dòng sông nhân tạo. Mỗi thuyền có 6 người ngồi. Thuyền đi trên sông do dòng nước chảy tự nhiên, một số nơi sẽ vượt suối cao, vực sâu rất mạo hiểm, tạo cảm giác choáng ngợp cho các thượng đế. Dọc bờ sông, ngoài các động vật hoang dã sống thực còn xen kẽ các loài thú điện tử khổng lồ như: Khủng long, tinh tinh, trăn khổng lồ, bọ cạp và các loại rắn rết tạo cho du khách một chuyến đi trải nghiệm thật rùng rợn với cảm giác mạnh mẽ nhất. Nói về lý do đầu tư tiền tấn xây dựng Dự án Safari để thu về từng đồng lẻ, người đứng đầu Tập đoàn Bảo Sơn chia sẻ: Một trong những mục tiêu của Dự án là nhằm góp phần với Thủ đô kích cầu lượng khách du lịch quốc tế theo chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, thỏa mãn nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí chất lượng cao của người dân Thủ đô. Và đặc biệt là giúp chính quyền TP Hà Nội giải quyết hàng ngàn việc làm cho người lao động; góp phần xây dựng sự thịnh vượng khu vực phía Tây, làm cho diện mạo xứ Đoài mới hợp nhất vào Thủ đô trọn vẹn hơn. Ngày 10/5/2017, Khu Đề án Safari đề tài áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng hiệu quả khu vui chơi giải trí du lịch cho Nhân dân tại khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn đã được Hội đồng Khoa học Sáng kiến TP Hà Nội công nhận là đề tài khoa học sáng kiến tại Quyết định số 258/QĐ HĐKHSK. Khu Đề án mới Safari khai trương kỹ thuật đã thu hút khoảng 50.000 lượt người đến tham quan, trải nghiệm trong hai ngày 30/4 và 1/5. Thời gian khai trương chính thức vào hôm nay (29/7). Hồng Hạnh.
Đoàn đại biểu báo Đảng nước ngoài gồm: đồng chí Shammeem Faizee- Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Ấn Độ, Tổng Biên tập báo NEW AGE (Ấn Độ); đồng chí A.R.M Carneiro- Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Phó Tổng Biên tập báo AVANTE (Bồ Đào Nha); đồng chí Pavlos Alepis-Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Hy Lạp, Tổng Biên Tập báo RIZOSPASTIS (Hy Lạp); đồng chí Khieu Navy, Tổng Biên tập báo và đồng chí Im Suntearak, Ủy viên Ban Biên tập báo PRACHEACHUN (Cam-pu-chia); Đồng chí Carlos E.M Valido- Trưởng Phân xã Prensa Latina (Cu-ba) tại Việt Nam; đồng chí N.S Arjun- Ủy viên Ban Biên tập báo Peoples Democracy ( Ấn Độ); đồng chí Vidal Mominique-Phóng viên báo LHumanité (Pháp); ; đồng chí Douang Keo Khongkham, Hãng Truyền hình Quốc gia Lào và đồng chí Tulayphet Phimmeuang, phóng viên báo PAXAXON, Lào; đồng chí F.J.A Tati, hóng viên báo EME, MPLA, Ăng-gô-la; đồng chí F.Martinho Chiconela, Phóng viên báo Bulletin Informativo, Đảng FRELIMO, Mô-dăm-bích. Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo; Nguyên Tổng Biên tập báo Đảng Cộng sản Việt Nam , Trưởng ban Biên tập trang tin Đại Hội XI của Đảng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đào Duy Quát và đông đảo cán bộ, phóng viên của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn. Theo đồng chí Nguyễn Viết Thảo, hiện báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có nguyện vọng và nhu cầu mở rộng quan hệ với nhiều tờ báo nước ngoài. Qua đó, đồng chí hy vọng, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ sớm thiết lập mối quan hệ hợp tác cụ thể với các tờ báo của các nước bạn. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Viết Thảo cũng nhấn mạnh, buổi giao lưu này là một cơ hội quý báu để phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được mở rộng, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các phóng viên báo chí của các tờ báo nước ngoài. Đại diện các báo Đảng nước ngoài đã có những phát biểu bày tỏ mong muốn hợp tác cũng như học hỏi nhiều kinh nghiệm từ báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí đồng chí A.R.M Carneiro- Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Phó Tổng Biên tập báo AVANTE, Bồ Đào Nha nhận xét, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một cổng điện tử khá thú vị, thu hút nhiều sự quan tâm bởi báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có một sức mạnh tiềm tàng, to lớn mà còn có một chiến lược phát triển đúng đắn. Đồng chí Carneiro bày tỏ nguyện vọng được mở rộng quan hệ với báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong công tác cung cấp những thông tin, bài báo chính thống về đường lối, chính sách của Việt Nam. Đại diện phóng viên báo PAXAXON của Lào tham gia vào buổi gặp gỡ cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đặt ra những câu hỏi về một số khía cạnh khác, chẳng hạn vấn đề phát triển kinh tế báo của tờ báo. Đồng chí.J.A Tati- Phóng viên báo EME, MPLA, Ăng-gô-la đã hoan nghênh những nỗ lực và công việc của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Tati cũng khẳng định sẽ truyền đạt lại những công việc mà hiện báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi với báo EME, MPLA của Ăng-gô-la cũng như bày tỏ hy vọng sẽ sớm thiết lập được mối quan hệ hợp tác với báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại diện báo Bulletin Informativo - Cơ quan của Đảng FRELIMO, Mô-dăm-bích,- đồng chí F.Martinho Chiconela đã gửi lời chào đến toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo nhận định của đồng chí Chiconela thì buổi gặp gỡ này là một cơ hội khá thú vị, mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu và học tập giữa các phóng viên của báo Đảng nước ngoài và báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, đồng chí Chiconela cũng bày tỏ sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ, phóng viên của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Chiconela cũng nêu lên đề xuất rằng Đảng FRELIMO sẵn sang mở đường link liên kết để mở rộng quan hệ trao đổi thông tin với báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Shammeem Faizee- Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Ấn Độ, Tổng Biên tập báo NEW AGE, Ấn Độ và đồng chí N.S Arjun- Ủy viên Ban Biên tập báo Peoples Democracy, Ấn Độ cùng chia sẻ mong muốn được thiết lập mối quan hệ cùng chia sẻ thông tin với báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như muốn học hỏi kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh mạng của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Vidal Mominique-Phóng viên báo LHumanité, Pháp đã bày tỏ vui mừng khi được gặp lại đồng chí Tổng Biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Viết Thảo, đồng thời nêu ra hai đề xuất: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cần mở rộng sự liên kết thông tin với các tờ báo Đảng nước ngoài và trưng bày trang web lên màn hình tại một số sự kiện báo chí lớn tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ra đông đảo bạn bè quốc tế. Trước những ý kiến đóng góp quý báu, chân thành trên, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Viết Thảo đã gửi lời cảm ơn tới đại diện các báo Đảng nước ngoài đã tham dự vào buổi gặp gỡ ngày hôm nay đồng thời đưa ra câu trả lời, giải đáp nhiều khúc mắc của các đại diện báo Đảng nước ngoài tham dự buổi giao lưu ngày hôm nay. Theo đồng chí Nguyễn Viết Thảo thì hiện nay, nhu cầu trao đổi, hợp tác thông tin của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là rất lớn. Hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 700 cơ quan báo chí thuộc nhiều loại hìoknh báo chí khác nhau, từ báo viết, báo phát thanh đến báo hình, báo điện tử Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được xem như một tờ báo hàng đầu, cung cấp những thông tin chính thống về đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh tồn tại đan xen nhiều loại hình báo chí như hiện nay, yêu cầu lớn nhất của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là làm thế nào, thể hiện được bản sắc của một tờ báo điện tử của Đảng. Chính bởi vậy, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cần thông tin từ các nước xã hội chủ nghĩa, từ Đảng Cộng sản, các phong trào chính trị tiến bộ và hoạt động của các tầng lớp nhân dân trên thế giới. Đưa càng nhiều các hoạt động này thì bản sắc của một tờ báo điện tử đối với báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam càng được thể hiện rõ nét. Đồng chí Nguyễn Viết Thảo cũng cảm ơn những gợi ý của các đại diện báo Đảng nước ngoài và khẳng định báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, chia sẻ mọi hoạt động chuyên môn với các tờ báo của các nước bạn. Một ngày, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản hơn 200 tin, bài, trong đó có gần 50% tin, bài do phóng viên bản báo viết, hơn 50% tin, bài còn lại được khai thác từ các tờ báo chính thống. Hiện có khoảng gần 100 cán bộ, phóng viên làm việc tại báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ này phải kiêm nhiệm gần 100 tin bài/ngày. Đây là một công việc khá phức tạp và nặng nhọc, chính vì thế, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có nhu cầu và trên thực tế, đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo ở trong và ngoài nước. Đồng chí Nguyễn Viết Thảo cũng bày tỏ hy vọng, các đồng chí đại diện các báo Đảng nước ngoài có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay sẽ trở thành những cộng tác viên thân thiết của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một tờ báo với đội ngũ phóng viên trẻ, cũng như các tờ báo khác, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động kinh tế cho dù hàng năm, ngân sách của Đảng đã đảm bảo điều kiện vật chất cho các hoạt động của tờ báo. Các hoạt động kinh tế của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ việc tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức sự kiện. Năm 2010, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức 16 sự kiện và huy động được hơn 10 tỷ đồng, ủng hộ cho các đối tượng chính sách trong toàn quốc. Với tư cách là một tờ báo trẻ, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp cận với truyền hình internet từ khá sớm và mục videoclip luôn thu hút được lượng truy cập hàng đầu, vượt xa chuyên mục đứng thứ 2. Với tư cách là cơ quan báo chí của Đảng, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao mục tiêu đấu tranh chống diễn biến hòa bình bằng tư tưởng lý luận. Trên thực tế, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một trong những tờ báo đảm bảo tốt nhất an ninh mạng. Đồng chí Đào Duy Quát khẳng định, hiện nay, các thế lực thù địch đang tung lên mạng nhiều luận điểm nhằm chống phá sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, chính vì thế, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây đã có một chuyên mục sự kiện và bình luận về những luận điệu chống đường lối của Việt Nam. Hiện nay, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục con đường này dưới một hình thức mềm dẻo hơn, đó là có những bài bình luận, có tình có lý, đặt ra cho người đọc những thông tin thực tiễn về sự nghiệp phát triển của Việt Nam, bác bỏ những luận điệu chống phá. Đầu năm 2007, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức đối thoại trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhận được 3 vạn câu hỏi từ trong và ngoài nước. Theo quan điểm của đồng chí Đào Duy Quát thì đây là một cách đấu tranh tư tưởng có hiệu quả. Kết thúc buổi gặp gỡ, đồng chí Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Viết Thảo khẳng định, sẽ bàn về vấn đề hợp tác, trao đổi thông tin với các tờ báo Đảng nước ngoài có quan tâm ngay sau khi kết thúc Đại hội XI của Đảng, đồng thời gửi tới những đại biểu báo Đảng nước ngoài tham gia buổi gặp gỡ này những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp xuân Tân Mão 2011./.
Thu tiền gửi xe nhưng không đưa vé. Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi khảo sát nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội, chứng kiến hiện tượng nhân viên thu tiền nhưng không đưa vé gửi xe cho khách tại nhiều điểm trông giữ xe ô-tô trên các tuyến phố trung tâm. Phản ánh với chúng tôi, anh Phạm Văn Thụy, quê ở Nam Định, lái ta-xi tại Hà Nội cho biết: Do hằng ngày phải vận chuyển đồ đạc hoặc đưa người bệnh vào viện, cho nên tôi thường xuyên gửi xe tại các bến, bãi, nhưng nhân viên chỉ thu tiền mà không bao giờ đưa vé. Anh Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp ở huyện Thanh Trì, chia sẻ: Tôi thường xuyên gặp các đối tác để bàn việc làm ăn tại khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Nhiều khi, đến nơi hẹn thì không thể tìm thấy chỗ đỗ xe ô-tô. Do vậy, tôi phải đi lòng vòng mấy cây số mới tìm được chỗ để xe, sau đó lại bắt xe ôm về chỗ hẹn. Nếu tại khu vực chỗ hẹn có điểm đỗ xe, tôi sẵn sàng trả với giá cao gấp đôi, gấp ba so với quy định. Quan điểm chấp nhận gửi xe với giá cao của anh Hưng cũng là quan điểm chung của nhiều người đi xe ô-tô vào khu vực phố cổ. Do lượng xe ô-tô nhiều, nhưng điểm đỗ được cấp phép thì ít, vì vậy, nhiều lái xe phải gửi tạm xe tại các điểm trông giữ xe tự phát, do người dân đứng ra tổ chức. Qua kiểm tra thực tế, tại nhiều tuyến đường nội thành, từ người bán nước đến bảo vệ các nhà hàng, khách sạn đều có thể trở thành những người trông xe. Nếu xe ô-tô gửi dưới hai giờ, họ thu 30 nghìn đồng/lượt. Từ hai giờ trở lên, những người trông giữ xe này đều thu gấp thếp, cứ hai giờ tiếp theo cộng thêm 30 nghìn đồng. Bản thân chúng tôi, trong quá trình điều tra cũng thường xuyên phải trả hàng trăm nghìn đồng cho thời gian gửi xe hơn bốn giờ tại các tuyến đường như Lê Thái Tổ, Yết Kiêu, Đỗ Hạnh, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, và đều không có vé gửi xe. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 166 điểm trông giữ xe có thu phí; trong đó, riêng Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có 130 điểm; các đơn vị khác 36 điểm. Trao đổi với chúng tôi về những bất cập trong việc tùy tiện thu tiền, nhưng không đưa vé, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức cho biết: Theo quy chế làm việc của công ty, khi nhân viên thu phí gửi xe của khách hàng thì phải phát vé. Trường hợp nhân viên vi phạm thì tùy theo mức độ để xử lý như: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương; bồi thường theo mức tối đa 50 lần giá trị vé và tối đa 10 lần giá trị hợp đồng trông giữ đã vi phạm; trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và lợi ích của công ty thì bị sa thải. Thiếu các điểm, bãi đỗ xe công cộng. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 530.000 xe ô-tô các loại, chưa kể các loại xe của lực lượng công an, quân đội và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về. Diện tích đất TP Hà Nội dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Hơn 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án... Các vị trí này đều không được cấp phép và rất nhiều điểm vi phạm về trật tự, an ninh - xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ. Mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, khu vực từ trung tâm thành phố đến vành đai 2. Mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe hiện đang thiếu về số lượng và kém về chất lượng dịch vụ, gây khó khăn trong công tác quản lý, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành về công tác quản lý điểm đỗ xe, bến, bãi đỗ xe công cộng, và đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng bức xúc về giao thông tĩnh trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, do sự phát triển bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân (ô-tô, xe máy) và tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học diễn ra nhanh chóng, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh (điểm đỗ xe, bến, bãi và các điểm trung chuyển, các điểm dừng đón trả khách) chưa đáp ứng kịp, cho nên phát sinh nhiều bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các điểm đỗ xe, bến, bãi đỗ xe của lực lượng chức năng đã cơ bản góp phần duy trì trật tự tại khu vực các điểm đỗ, nhưng chưa được duy trì thường xuyên. Trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện tình trạng nhiều bến xe, điểm trông giữ xe dù tự phát, gây mất trật tự, mất an toàn và ùn tắc giao thông. Các điểm đỗ xe phân bổ chưa hợp lý, gây khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Hầu hết các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe đều không đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định của Bộ GTVT. Ngoài ra, quỹ đất dành cho điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng đến năm 2010 là 503 ha, nhưng hiện tại, quỹ đất cho nhu cầu giao thông tĩnh được cấp phép mới đạt 43 ha và không phép (tự phát) khoảng 200 ha, chiếm tỷ trọng khoảng 0,25% so với diện tích đất đô thị. Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, đòi hỏi cần tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững. Trong thời gian tới, TP Hà Nội cần cải thiện và phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức kiến nghị: UBND TP Hà Nội cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, như: Khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các điểm, bến, bãi đỗ xe; dành nguồn vốn ngân sách nhà nước xứng đáng cho đầu tư phát triển giao thông tĩnh; tập trung phát triển nhanh các điểm, bến bãi đỗ xe có trong quy hoạch và xử lý nghiêm các điểm bãi đỗ xe không đúng quy hoạch; ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, các bãi đỗ xe ngầm áp dụng công nghệ tiên tiến, nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất cho bãi đỗ xe hiện nay, đồng thời khai thác triệt để các diện tích đất trống công cộng có đủ điều kiện để bố trí điểm, bãi đỗ xe. Để bảo đảm việc phát triển mạng lưới giao thông tĩnh được hiệu quả, bền vững, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: Cùng với việc rà soát, sắp xếp và lập kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông tĩnh từng giai đoạn, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu và triển khai các đề án có liên quan phát triển giao thông tĩnh; đồng thời cho triển khai các dự án bãi đỗ xe công nghệ cao tầng lắp ghép... Ngoài ra, Sở GTVT đang cùng các ngành trình UBND thành phố xin phê duyệt đề án Nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, theo đề xuất sắp xếp lại và quy hoạch những bãi đỗ xe phù hợp quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Hiện nay UBND thành phố giao Tổng công ty vận tải Hà Nội triển khai các dàn thép đỗ xe cao tầng; trong đó, điểm đỗ ở phố Nguyễn Công Trứ và Trần Nhật Duật đã đi vào sử dụng. Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đang tiếp tục triển khai điểm đỗ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan và nhiều dự án khác. Hà Nội chủ trương xã hội hóa để từng bước đáp ứng nhu cầu đỗ xe của nhân dân ở các vị trí được quy hoạch tập trung. Sở GTVT Hà Nội đang triển khai Kế hoạch liên ngành số 489/KHLN/GTVT-CATP-SXD ngày 5-6-2015 của liên ngành Công an - GTVT - Xây dựng về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Lực lượng chức năng đang tập trung kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu quá giá, không bảo đảm các điều kiện trông giữ; đồng thời, kiên quyết đình chỉ, giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, thu hồi giấy phép của các điểm trông giữ phương tiện thường xuyên vi phạm. Bài và ảnh: PHẠM THÀNH, TRẦN THƯỜNG.
Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Vụ việc này đặt ra những nghi ngại về cách hành xử và thái độ của Trung Quốc trong các vấn đề về biên giới lãnh thổ cũng như thái độ của quốc gia này trong việc tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Hành vi sử dụng vũ lực " sai trái và vô nhân đạo" của lực lượng hải quân Trung Quốc như lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam [1] "đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.". Hành vi đó đã gặp phải sự phản đối không chỉ của Việt Nam - quốc gia có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa - mà cả của Hoa Kỳ, quốc gia ở tận bờ bên kia Thái Bình Dương. Hai câu hỏi đặt ra là: "Những nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế đã bị Trung Quốc vi phạm với cách hành xử của mình?". và "Tại sao Hoa Kỳ, quốc gia không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cũng bất bình với sự việc ngày 20/3/2013 vừa qua? Vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Sau khi chứng kiến những đau thương và mất mát gây ra bởi các cuộc chiến tranh ở nửa đầu thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau quyết tâm xây dựng một trật tự thế giới mới mà trong đó việc sử dụng vũ lực bị đặt ra khỏi vòng pháp luật. Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua tại San Fransico, Hoa Kỳ, năm 1945 đã ghi nhận nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế tại Điều 2(4) như sau: Tất cả các Thành viên [Liên hợp quốc] trong quan hệ quốc tế giữa họ phải tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, hoặc theo một cách không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc. Nhìn vào từ ngữ của điều khoản nêu trên, có thể sẽ có người đặt ra câu hỏi là liệu khái niệm "sử dụng vũ lực" có nên được hiểu theo nghĩa là những hành vi "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" của các quốc gia khác hay không? Câu trả lời có tính lịch sử và đơn giản đó là cụm từ "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" chỉ được đưa vào trong Hiến chương Liên hợp quốc theo đề nghị của Australia để bảo vệ các quốc gia nhỏ trong quan hệ quốc tế. Thực tế đàm phán Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc cho thấy các quốc gia không hề có ý định sử dụng cụm từ "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ" để giới hạn hay giải thích khái niệm "sử dụng vũ lực". Hành vi của tàu hải quân Trung Quốc rõ ràng là sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế do nó liên quan đến một tàu của Nhà nước Trung Quốc và tàu cá mang quốc tịch Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc đã biến thành vùng biển "tranh chấp" (xem bên dưới). Việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc là trái với nguyên tắc đã được ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc. Đáng lưu ý là trong lĩnh vực luật biển, nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã được cụ thể hóa thành nghĩa vụ sử dụng biển một cách hòa bình. Nghĩa vụ này được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Điều 301 của Công ước Luật Biển quy định rằng: Sử dụng biển một cách hòa bình. Trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này, các Quốc gia Thành viên phải tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào hoặc theo những cách khác không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Hiến chương của Liên hợp quốc. Như vậy, việc Trung Quốc bắn cháy tàu cá của Việt Nam cũng vi phạm nghĩa vụ sử dụng biển vì mục đích hòa bình như đã được quy định tại Điều 301 của Công ước Luật Biển. Trong vụ việc cụ thể liên quan đến tàu cá QNg 96382 ngày 20/3/2013, hành vi của Hải quân Trung Quốc còn vi phạm các chuẩn mực quốc tế về hoạt động hành pháp trên biển. Vi phạm các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động hành pháp trên biển. Khi được hỏi về sự việc tàu cá QNg 96382 nói trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, ngang nhiên khẳng định: "Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý". Việc cho rằng hoạt động của tàu các Việt Nam là "bất hợp pháp" là một sự vu cáo trắng trợn vì khu vực mà tàu cá Việt Nam hoạt động là vùng biển gần đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Việt Nam có chủ quyền cũng như quyền khai thác biển phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tạm thời gác lại vấn đề này sang một bên, hãy phân tích việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc thuần túy từ các chuẩn mực của luật pháp quốc tế về vấn đề này để xem nó "đúng đắn và hợp lý" đến đâu? Những chuẩn mực của luật pháp quốc tế điều chỉnh hoạt động hành pháp trên biển, kể cả việc sử dụng vũ lực, đã được khẳng định và phát triển trong các án lệ của các tòa án quốc tế. Kết tinh của những chuẩn mực này đã được thể hiện trong án lệ M/V "SAIGA" (No. 2) (Saint Vincent and Grenadines v. Guinea) - một trong những vụ việc đầu tiên mà Tòa án quốc tế về Luật Biển thụ lý. Tòa đã tuyên bố rõ rằng: Phải tránh việc sử dụng vũ lực càng xa càng tốt và khi không thể tránh được thì vũ lực không được phép sử dụng vượt quá những gì được coi là hợp lý và cần thiết trong hoàn cảnh. Những cân nhắc có tính nhân đạo phải được áp dụng trong luật biển như chúng vẫn được áp dụng trong các lĩnh vực khác của luật pháp quốc tế. Trong phán quyết của mình, Tòa án quốc tế về luật biển, trên cơ sở tổng kết các án lệ trước đó, cũng diễn tả thông lệ quốc tế trong việc tiến hành hoạt động hành pháp và sử dụng vũ lực trên biển như sau: phương tiện truy đuổi cần ra một tín hiệu âm thanh hay hình ảnh theo chuẩn đã được quốc tế công nhận trước khi tiến hành biện pháp khác, chẳng hạn như nổ súng bắn trước mũi tàu; chỉ sau khi tất cả những biện pháp này không thành công thì "vũ lực mới được sử dụng như là phương tiện cuối cùng [nhưng] ngay cả khi đó cũng cần phải đưa ra cảnh báo phù hợp với tàu bị truy đuổi và cần thực hiện tất cả các nỗ lực để bảo đảm sinh mạng không bị đe dọa ". Với những gì mà ngư dân Việt Nam kể lại, khó có thể nói rằng các biện pháp phi bạo lực đã được áp dụng để yêu cầu tàu QNg 96382 của Việt Nam dừng lại. Nói cách khác khó có thể biện minh rằng hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc là biện pháp cuối cùng. Hơn nữa, việc bắn trực tiếp pháo sáng vào cabin tàu nơi nhiệt độ cao có nguy cơ gây cháy (như thực tế cho thấy) không thể được coi là phù hợp với yêu cầu "bảo đảm không đe dọa sinh mạng". Hành vi của lực lượng hải quân Trung Quốc rõ ràng là "sự phớt lờ" các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động hành pháp trên biển và là "sự bất chấp" các yêu cầu về nhân đạo trong việc sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế. Có lẽ vì hiểu được sự sai trái trong hành vi của mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vòng vo không dám trả lời thẳng câu hỏi liệu có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam. Sau đó thì giới chức quân sự Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố biện minh cho hành động của hải quân mình. Ngoài việc tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc, giới chức quân sự Trung Quốc đã mô tả lại sự việc ngày 20/3/2013 như sau: tàu tuần tra Trung Quốc đã cố gắng cảnh báo tàu cá bằng còi, la hét và vẫy cờ; chỉ sau khi không thành công, lực lượng hải quân Trung Quốc mới bắn hai quả pháo sáng màu đỏ và cả hai quả pháo sáng này đã tắt trên không trung". Như tờ Washington Post đã nhận xét, Trung Quốc đã "miêu tả mình như là một hình mẫu của sự kiềm chế". [9] Tờ báo này cũng rất chính xác khi chỉ ra rằng những lời biện minh này chỉ được đưa ra "sau một tuần im lặng" [10] - một sự chậm trễ khó tin từ góc độ thông tin quân đội của một quốc gia có lực lượng vũ trang được hiện đại hóa nhanh chóng và đang ngày càng can dự nhiều hơn vào các hoạt động quân sự quốc tế. Càng khó tin hơn nữa với tuyên bố rằng hai quả pháo sáng chỉ được bắn lên trời và tắt trên không trung vì nếu như thế thì sao lại có chuyện pháo sáng rơi vào cabin tàu có nóc và gây hỏa hoạn. Không thể không kết luận là giới chức quân sự Trung Quốc đã "bóp méo" sự thực bằng những lời giả dối. Tuy nhiên, từ sự ngụy biện này, có thể thấy rằng dường như Trung Quốc cũng hiểu về những chuẩn mực trong hoạt động hành pháp và sử dụng vũ lực trên biển đấy chứ? Nếu vậy, có lẽ họ cần điều tra, xử lý nghiêm" hành vi của tàu hải quân 786 ngày 20/3/2013 như phía Việt Nam đã yêu cầu. Nói như vậy có phải là tàu hải quân Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ lực một cách hợp lý khi cần thiết (nếu điều này là không thể tránh khỏi) đối với tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa không? Câu trả lời rõ ràng là KHÔNG. Lý do đơn giản vì: khu vực hoạt động của những tàu cá Việt Nam như tàu QNg 96382 là nơi Việt Nam có chủ quyền và quyền riêng biệt trong việc quản lý và khai thác biển theo các quy định của luật pháp quốc tế; việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực không đem đến cho Trung Quốc một danh nghĩa nào và Trung Quốc không được phép tiến hành các hoạt động hành pháp đối với các tàu cá của Việt Nam, chứ đừng nói đến việc sử dụng vũ lực chống lại họ. Hành vi đuổi và bắn cháy tàu cá Việt Nam của tàu hải quân Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam cùng các nghĩa vụ liên quan. Vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được chứng minh thông qua những bằng chứng lịch sử và dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc như đã được phân tích khoa học trong nhiều công trình của các học giả trong và ngoài nước. [12] Với chủ quyền của mình ở Hoàng Sa, Việt Nam cũng có quyền khai thác tài nguyên ở những vùng biển của các vị trí đảo trong quần đảo Hoàng Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Việc ngư dân Việt Nam từ lâu nay vẫn hoạt động đánh bắt ở vùng biển gần Hoàng Sa vừa là bằng chứng xác đáng về chủ quyền và quyền khai thác biển của Việt Nam ở đây vừa là sự thực thi hợp pháp các quyền đó. Chính vì thế, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc tàu hải quân Trung Quốc đuổi và bắn cháy cabin tàu QNg 96382 tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định rõ hành vi đó " là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.". Thực vậy, luật pháp quốc tế định rõ: chủ quyền của quốc gia có tính chất tuyệt đối và riêng biệt, theo đó chỉ quốc gia có chủ quyền mới được tiến hành các biện pháp quản lý có tính quyền lực nhà nước trên lãnh thổ của mình. Việc áp dụng nguyên tắc này cũng mở rộng ra lãnh hải - vùng biển quốc gia có chủ quyền đầy đủ và chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền đi lại không gây hại của tàu thuyền các quốc gia khác - và vùng đặc quyền kinh tế - nơi quốc gia có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển. [14] Các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng tính tuyệt đối và riêng biệt của chủ quyền hay quyền chủ quyền. Hệ quả của điều này là một quốc gia không được phép thực hiện những biện pháp hành pháp trên lãnh thổ hay vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của một quốc gia khác nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó. Tàu hải quân Trung Quốc tiến hành đuổi tàu cá của Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam rõ ràng vi phạm chủ quyền và nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam vì không có bằng chứng nào cho thấy hành vi này của tàu hải quân Trung Quốc nhận được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam. Thực tế chứng minh một điều ngược lại: Việt Nam luôn phản đối bất kỳ hành vi thực thi quyền lực nhà nước của Trung Quốc ở đây. Tuy nhiên, dù Nhà nước Việt Nam vẫn thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa một các hòa bình, ổn định và liên tục ít nhất từ thế kỷ thứ 17, lợi dụng những khó khăn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, Trung Quốc đã dần dần chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế thế kỷ XX. Sau lần sử dụng vũ lực vào năm 1974, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa. Cần phải nói rằng, việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ không hề đem lại một danh nghĩa nào về chủ quyền do luật pháp quốc tế cùng với việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng loại bỏ việc sử dụng vũ lực như là một phương thức hợp pháp để xác lập chủ quyền lãnh thổ nữa. Chủ quyền của Việt Nam tại như vậy Hoàng Sa vẫn được duy trì và Trung Quốc không có bất kỳ quyền gì ở đây cũng như đối với vùng biển liên quan. Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi gặp biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 9/1975 đã nói: "Giữa hai nước có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này sẽ bàn bạc giải quyết.". [17] Nếu thế, hành vi của hải quân Trung Quốc ở đây cũng vi phạm nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp. Vi phạm nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế. Cùng với việc đặt ra ngoài vòng pháp luật việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế cũng đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia trong việc "giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa họ bằng các biện pháp hòa bình". Nghĩa vụ này được ghi nhận rõ tại Điều 2(3) của Hiến chương Liên hợp quốc và được làm rõ hơn bằng Tuyên bố Manila về việc giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia năm 1982 (Tuyên bố Manila). Khoản 7 của Tuyên bố Manila chỉ rõ rằng "cả việc tồn tại tranh chấp lẫn sự thất bại của một cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp đều không cho phép bất kỳ bên nào của tranh chấp được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.". Đối với lãnh thổ đang tranh chấp, luật pháp quốc tế đặc biệt nhấn mạnh việc cấm sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Điều này được khẳng định trong Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc năm 1970 (Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác) [19] - văn kiện được coi là lời giải thích đầy đủ và chính xác các nguyên tắc quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Liên quan đến nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nêu tại Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc bên trên, Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác quy định: Mọi quốc gia có nghĩa vụ tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để vi phạm những biên giới quốc tế hiện có với quốc gia khác hoặc như là một phương tiện để giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp lãnh thổ hay những vấn đề liên quan đến biên giới các quốc gia. Riêng trong vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có những cam kết ở cấp độ song phương và khu vực về nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc [20] và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Cùng với nghĩa vụ về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, luật pháp quốc tế cũng đặt ra nghĩa vụ kiềm chế cho các bên tranh chấp khi tranh chấp chưa được giải quyết. Nghĩa vụ này được quy định trong cả Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác năm 1970 và đoạn 8 của Tuyên bố Manila năm 1982, theo đó các quốc gia có tranh chấp quốc tế "phải tránh những hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình theo cách gây đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo đúng với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc". [22] Tương tự như vậy, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông cũng nêu rõ: "các bên liên cam kết kiềm chế không thực hiện các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định...". Như vậy, việc lực lượng hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực đã vi phạm nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cũng như vùng biển của quần đảo này đồng thời cũng vi phạm nghĩa vụ kiềm chế trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về quân sự của mình để duy trì việc kiểm soát bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh theo cách đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực. Nhìn nhận vấn đề từ góc độ này, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi biết được Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Patrick Ventrell, tại họp báo ngày 26/3/2013, đã nói Hoa Kỳ "phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc dùng vũ lực hoặc áp bức của bất kỳ bên nào để đẩy mạnh yêu sách của mình ở Biển Đông". [24] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có lý khi chỉ rõ hành động của tàu hải quân Trung Quốc "đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.". Thay lời kết. Với những phân tích ở trên, có thể hiểu rõ lý do tại sao vụ việc tàu QNg 96382 ngày 20/3/2013 không chỉ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và còn gặp sự phản đối của Hoa Kỳ. Sự vi phạm của Trung Quốc đó đặt ra những nghĩa vụ cho Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Trước hết, Trung Quốc phải được chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đưa ra những bảo đảm rằng hành vi đó không tái diễn. [26] Trong trường hợp cụ thể của vụ việc tàu QNg 96382 - một vụ việc mà hành vi vi phạm của Trung Quốc gây thiệt hại, Trung Quốc có nghĩa vụ bồi thường [27] như Việt Nam đã yêu cầu. Những vụ việc như sự kiện ngày 20/3/2013 vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang lợi dụng ưu thế từ sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình để nhất quyết từ chối giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đã đến lúc Trung Quốc cần tôn trọng lời nói của một nhà lãnh đạo có nhiều công lao cho sự phát triển của Trung Quốc và cùng Việt Nam giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, hoặc thông qua đàm phán hoặc sử dụng cơ chế tài phán quốc tế. Thái độ lẩn tránh của Trung Quốc không thể "làm biến mất" tranh chấp như Tòa án quốc tế đã chỉ rõ: "Liệu có tồn tại hay không một tranh chấp quốc tế là một sự xác định có tính khách quan. Việc chỉ chối bỏ sự tồn tại một tranh chấp không chứng tỏ rằng nó không tồn tại". [29] Công luận quốc tế cũng có phán quyết của riêng mình: không một quốc gia nào, trừ Trung Quốc, bác bỏ thực tế Hoàng Sa là lãnh thổ tranh chấp. Trong khi chưa giải quyết được tranh chấp ở Hoàng Sa, Trung Quốc không được phép có các hoạt động hành pháp chống lại tàu cá của Việt Nam, càng không được phép sử dụng vũ lực. Luật pháp quốc tế quy định rõ hoạt động hành pháp chỉ được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. [30] Đáng lưu ý là chính Trung Quốc cũng thừa nhận rằng lực lượng hành pháp của một quốc gia không được phép thực thi pháp luật tại vùng biển đang tranh chấp. Quan điểm này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra khi tòa án Hàn Quốc xét xử thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của tòa án Hàn Quốc là "không thể chấp nhận được" vì vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc chưa được phân định và do vậy Hàn Quốc không được áp dụng pháp luật quốc gia mình trong vụ việc. Trước khi kết thúc bài viết, có lẽ cần nói thêm vài lời về thái độ "quay đầu bỏ đi" của tàu hải quân Trung Quốc khi nhìn thấy tàu cá của Việt Nam bị cháy. Luật pháp quốc tế đặt ra nghĩa vụ về cứu trợ cho các tàu khi nhìn thấy.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 10/8/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một sáng kiến thiết thực, tạo cơ hội cho các đồng chí Đại sứ và Tổng Lãnh sự lắng nghe nhu cầu mới của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng; cùng trao đổi về phương hướng, hình thức phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cùng với hơn 100 Đại sứ, Tổng Lãnh sự đương nhiệm, các Trưởng Cơ quan đại diện chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, các chuyên gia kinh tế như: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và 300 doanh nghiệp đã tham dự Tọa đàm. Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định công tác hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế của toàn ngành Ngoại giao. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào việc tạo môi trường quốc tế, tạo khuôn khổ hợp tác song phương thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn kinh doanh; phối hợp với các Bộ/ngành thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do. Bộ Ngoại giao cũng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia các sự kiện bên lề các hoạt động đối ngoại lớn; gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 hay nhân dịp các chuyến thăm cấp cao, để tạo cho doanh nghiệp cơ hội trao đổi, kết nối với các đối tác. Trong quá trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các Cơ quan đại diện cũng ghi nhận được không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan, xuất phát từ nhu cầu và thực tế hết sức đa dạng của môi trường quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Thứ trưởng Thường trực thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới cơ quan đại diện nhiều nơi còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn trong khi nguồn nhân lực hạn chế. Cơ chế trao đổi, thông tin và phối hợp giữa các cơ quan đại diện và doanh nghiệp chưa thật sự thường xuyên và hiệu quả. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các doanh nghiệp và Trưởng cơ quan đại diện trao đổi thẳng thắn, giải đáp ba câu hỏi: Bộ Ngoại giao cần tập trung vào những nội dung gì để tối ưu hóa hiệu quả hỗ trợ? Doanh nghiệp cần tự trang bị kỹ năng và thông tin gì cho mình trong bối cảnh mới? Hai bên cần thiết lập cơ chế trao đổi và phối hợp như thế nào để đảm bảo công tác hỗ trợ được nhanh và hiệu quả? Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại buổi Tọa đàm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức doanh nghiệp cần phải chủ động đối mặt trong thời gian tới như: Xu thế chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và doanh nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu những rủi ro này đầu tiên. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng, đằng sau cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc là chiến tranh chính trị, an ninh và khoa học công nghệ; tác động của cuộc chiến này sẽ dàn trải, không đồng đều trong các lĩnh vực nhưng một trong những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là doanh nghiệp. Ông cho rằng, Việt Nam cần tránh nguy cơ trở thành đối tượng tấn công thương mạị. Ông khuyến nghị doanh nghiệp nên tự chuẩn bị cho mình các biện pháp tự vệ, đặc biệt là chú trọng thu thập thông tin vĩ mô, nắm bắt xu hướng và cục diện thế giới. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 đã giới thiệu về giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong bài tham luận của mình, Đại sứ Nguyệt Nga đã chỉ ra các cơ hội mà doanh nghiệp cần tận dụng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời cũng xác định những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trên con đường hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cũng giới thiệu kết quả bản điều tra nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các cơ quan đại diện mà Bộ Ngoại giao và các hiệp hội doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện. Kết quả bản điều tra cho thấy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm là nhu cầu thông tin từ địa bàn, đặc biệt là các thông tin mang tính cảnh báo, nhu cầu kết nối cụ thể với các đối tác nước ngoài, nhu cầu cụ thể về xúc tiến và quảng bá, cũng như phương thức hỗ trợ xác minh, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc. Các Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia và Israel cùng nhiều Đại sứ đã chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, các thế mạnh của địa bàn phụ trách cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp, với Hiệp hội khi hợp tác với nước ngoài. Các Đại sứ đều khẳng định dù nước lớn hay nhỏ, phát triển hay còn khó khăn, doanh nghiệp luôn có cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn, tự tin và tìm đúng cách thức để thâm nhập thị trường. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; đề nghị doanh nghiệp phải có những đặt hàng cụ thể, và kịp thời cập nhật cho cơ quan đại diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại buổi tọa đàm. Các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong thời gian qua, từ định hướng cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác cho tới hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Doanh nghiệp cho biết, các công ty Việt Nam hiện đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các xung đột thương mại và phản ánh xu hướng chảy máu chất xám ra nước ngoài, đặc biệt là trường hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ kết nối với chính quyền sở tại và vận động chính quyền các nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn Bộ Ngoại giao giúp kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa hai bên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ mong muốn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam giúp tìm kiếm, kết nối các công nghệ phù hợp để phát triển đất nước. Bà đề cập đến khái niệm Đại sứ công nghệ và đề nghị các Đại sứ, Tổng lãnh sự giúp tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn ghi nhận ý kiến của các đại biểu, xác định phương hướng hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngoại giao trong thời gian tới và đưa ra các đề nghị và các lưu ý đối với doanh nghiệp và cơ quan đại diện. Thứ trưởng Thường trực đề nghị các cơ quan đại diện nghiên cứu triển khai 5 định hướng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: Tận dụng thế mạnh của cơ quan đại diện, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá kết nối đối tác, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường hợp tác với ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan, mở rộng tham vấn về nhu cầu hỗ trợ trong quá trình Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế ở từng địa bàn. Thứ trưởng Thường trực khẳng định, ngành Ngoại giao không thể làm thay các Bộ, ngành, địa phương hay doanh nghiệp nhưng đã, đang và sẽ tiếp tục kết nối, đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ các khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để phục vụ nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, khu vực và của từng địa bàn, Thứ trưởng Thường trực cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp xây dựng bộ Hồ sơ giới thiệu 80 thị trường trọng điểm và Bản tin ngoại giao kinh tế, với mong muốn đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thứ trường Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định Nơi nào có cơ quan ngoại giao, nơi đó các doanh nghiệp được hỗ trợ. Cũng nhân dịp này, các doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc riêng với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự ở từng địa bàn và trao đổi cụ thể về nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp tại phiên kết nối diễn ra sau Tọa đàm./. Tin, Ảnh: Mạnh Hùng.
Mười chín tuổi, Nga lên xe hoa, một đám cưới có thể nói là hoành tráng nhất xóm cầu Kinh thời bao cấp. Nhưng đó không phải là kết quả của mối tình ngọt ngào mà là sự ép buộc của mẹ cha. Dù vậy, Nga cũng gắng làm tròn vai trò người vợ, người mẹ. Ấy thế mà, hạnh phúc cũng không song hành cùng Nga cho đến hết cuộc đời. Hai mươi lăm tuổi, Nga trở thành góa phụ khi chồng đột ngột ra đi vì một tai nạn giao thông. Một nách hai đứa con. Thắng, cậu con trai lớn lên năm còn em gái nó, bé Lợi vừa giáp thôi nôi mấy bữa. Sau cú sốc nặng nề đó, Nga như con thuyền nhỏ xuôi ngược giữa dòng đời mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ giông bão sẽ nổi lên nhấn chìm cả ba mẹ con giữa trùng khơi. Ảnh minh họa. Thương tình mẹ góa con côi, ban giám đốc lâm trường nhận Nga vào làm văn thư để có thu nhập ổn định nuôi con. Thế là chị như con thoi mỗi ngày lao từ lâm trường về nhà, ra chợ, vô nhà trẻ trong cái năng hanh hao mùa hạ và cái lạnh tê tái lúc đông về. Nhưng lo lăng và sợ hãi nhất với Nha có lẽ là những ngày Thắng và Lợi thay nhau nằm viện. Nhìn con thoi thóp thở, chị đứt từng đoạn ruột. Nhìn xung quanh, ai đi nuôi con bệnh cũng đủ chồng, đủ vợ. Nga tủi thân ứa nước mắt. Hơn hai mươi năm thân cò lặn lội, một mình chị chiếc bóng đương đầu với không biết bao nhiêu nỗi khắc nghiệt của cuộc sống, của thế thái nhân tình. Nhưng cho dầu có chống chọi với bao nhiêu khó khăn vất vả thì cuộc chiến với chính mình đối với Nga mới là cuộc chiến khốc liệt nhất. Những lời tán tỉnh ngọt ngào, kể cả những cái bẫy được giăng ra của mấy người đàn ông tử tế lẫn mấy gã đèo bòng, chị đều phải cảnh giác. Vậy mà cũng có một lần suýt nữa chị đã về làm vợ một người đàn ông vì tấm lòng tử tế của anh làm chị xiêu lòng. Đêm trước cái ngày chị hẹn để trả lời cho anh là một đêm thật dài. Chị phân vân giữa cái được cái mất và cuối cùng sau một đêm thức trắng, chị quyết định từ chối cuộc hôn nhân ấy. Một lần nữa, là năm chị sắp bước qua cái tuổi bốn mươi khi gặp lại người bạn thời thanh xuân của mình. Tuấn đã trải qua cuộc hôn nhân đầy sóng gió và đã ly dị. Khát khao một mái ấm gia đình cũng suýt nữa đã đưa họ đến với nhau. Và một lần nữa, Tuấn như áng mây tình cờ ngang qua gốc trời của chị, bềnh bồng lướt nhẹ và trôi đi. Từ đó, chị không còn thấy trống trải một góc bàn trong mỗi bữa ăn, không còn thấy trống trải một bên chăn trong mỗi giấc ngủ. Ngôi nhà với ba mẹ con họ tròn trịa yêu thương, tràn trề hạnh phúc, như bất cứ một gia đình đầy đủ nào trên thế gian này. Nhưng đó là khi, một buổi chiều đi làm về các con mừng vui ríu rít quây quần lấy chân mẹ tranh nhau kể chuyện trường lớp, chuyện bạn bè. Tối đến, trong tiếng mưa rơi rả rích, chúng rúc vào lòng mẹ nằm nghe chuyện đời xưa. Còn khi mà ngôi nhà trở nên quạnh vắng thì góc nào cũng thấy thênh thang. Lợi theo chồng xuống Sài Gòn, vợ chồng Thắng suốt ngày bận rộn chuyện cơ quan, không ai thấu hiểu nỗi quạnh hiu của chị ngoài cái việc các con xem chị như là niềm tự hào vô biên của chúng, niềm kiêu hãnh của gia đình, dòng họ và là sự yêu mến đãi trọng của mọi người xung quanh. Trong câu lạc bộ người cao tuổi, có một người bạn xâp xỉ tuổi chị. Anh là Tân, cũng góa vợ gần mười năm nay. Anh có hai con trai đã trưởng thành, một người con có gia đình riêng lập nghiệp tận Lâm Đồng. Đứa còn lại chưa có gia đình đang ở với anh. Vì có nhiều điểm chung nên chị Nga và Tân dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau. Tình cảm của họ ngày càng lớn dần lên trong sự cẩn trọng, e dè. Mọi người trong câu lạc bộ hình như cũng mơ hồ hiểu chuyện, họ bóng gió xa xôi, ai cũng muốn vun vào cho hai người. Yêu nhau trong tình cảnh như chị và Tân đã khó, làm sao được ở chung nhau trong một mái nhà cho đến hết đời càng khó hơn. Sau nhiều ngày đắn đo cân nhắc kỹ, Tân quyết định sẽ thẳng thắn nói rõ nguyện vọng cho các con của chị biết. Cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình được sắp xếp vào một buổi sáng cuối tuần với đầy đủ hai bên gồm có anh Tân, hai con trai và một con dâu. Chị Nga, một con gái, một con trai, một dâu và một rể. Được hỏi ý kiến, Thắng là người gay gắt nhất. Anh cho rằng, mẹ chính là niềm tự hào của cả gia đình, việc mẹ đi thêm bước nữa ở tuổi này sẽ làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội của anh. Vợ Thắng càng giãy nảy hơn vì xưa nay đi đâu chị cũng khoe mẹ chồng chị chỉ còn thiếu sắc phong tiết hạnh khả phong nữa mà thôi, chị sẽ đối phó thế nào với những lời gièm pha của mọi người bên gia đình chị. Lợi thì suốt buổi ngồi rấm rứt khóc, nhắc đi nhắc lại mỗi câu: Tụi con có để mẹ thiếu gì đâu. Từng tuổi nả mẹ còn muốn lấy chồng để làm gì?. Lấy chồng để làm gì? Nga biết trả lời các con làm sao đây? Các con đâu hiểu những đêm dài lạnh lẽo, nước mắt đầy gối khi tuổi già ngày càng cận kề. Các con đâu hiểu và biết từng góc nhà giờ đã trở nên rộng vắng đến ghê người Cũng có thể đến một ngày nào đó, khi các con thông cảm, hiểu và ủng hộ mẹ thì mọi chuyện đã quá muộn. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi! Ảnh minh họa. của người trong cuộc. "Bố tôi mất hơn 15 năm, mẹ tôi ở vậy nuôi ba chị em khôn lớn. Hai chị lớn của tôi đều đã yên bề gia thất, còn tôi thì đi học xa nhà. Mẹ tôi lầm lũi ở quê chăm con gà và vài luống rau. Cấc chị gái tôi đều muốn đón mẹ về ở cùng nhưng cuộc sống nơi thành thị không phù hợp với mẹ. Mỗi lần tôi về thăm mẹ, tôi đều không khỏi chạnh lòng, nhưng biết làm sao được". "Tình cờ tôi nghe hàng xóm nói phong thanh có một bác ở xóm trên cũng thích mẹ tôi. Bác ấy hơn mẹ tôi chừng 5 tuổi, cũng có hoàn cảnh giống mẹ tôi, mẹ mất sớm, một mình nuôi các con thành tài. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi cũng gợi ý cho mẹ để mẹ tôi có người bầu bạn nhưng lần nào mẹ tôi cũng gạt đi: 'mẹ già rồi, chừng ấy năm sống một mình có sao đây, ham gì chuyện chồng với chiếc nữa con!'. Đối với chị em tôi, nếu mẹ muốn đi bước nữa thì cũng rất bình thường. Chúng ta cứ nghĩ đơn giản rằng, mẹ mình cảm thấy hạnh phúc được ngày nào thì vui ngày đó thôi". (chị Hương Trà Đắk Lắk). "Mẹ và bố tôi ly dị hồi tôi chỉ vài tháng tuổi. Rồi mẹ tôi đi xuất khẩu lao động sang Nga, sau đó mẹ đưa tôi sang. Thời đó, mẹ tôi là người phụ nữ đẹp nên có nhiều người đàn ông ngỏ lời, nhưng vì tôi nên mẹ cương quyết từ chối. Hết thời gian lao động, mẹ con tôi về nước. Khi về Việt Nam, mẹ tôi gặp lại người yêu cũ một thời. Người đàn ông này cũng góa vợ". "Thời điểm đó, mấy anh chị em con bác ấy và tôi đều phản đối kịch liệt chuyện đi bước nữa của hai người. Phần vì lo hàng xóm, bà con họ cười chê, phần vì tôi không muốn chia sẻ tình cảm của mẹ dành cho tôi. Bây giờ tôi đã lập gia đình, còn mẹ tôi thì vẫn ở vậy, chăm sóc các con tôi. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng thở dài của mẹ, đôi mắt mẹ u buồn, tôi vô cùng ân hận!. (Nickname Bún, thành phố Hồ Chí Minh). "Ở tuổi 53, mẹ tôi lại lên xe hoa về nhà chồng, gương mặt mẹ rạng ngời hạnh phúc. Dù chị em tôi khá bất ngờ với tin mẹ cưới chồng nhưng ai cũng mừng vì từ đây mẹ có người bầu bạn tuổi già. Sau 5 tháng mẹ về nhà chồng, một đêm mẹ gọi điện cho tôi. Mẹ kể mấy đứa con chồng đối xử với mẹ rất tệ, họ cho rằng mẹ tôi lấy ba họ vì tiền, lại thường xuyên sai mẹ tôi làm việc trong nhà như con ở". "Mẹ đem chuyện nói với chồng thì ông chỉ im lặng, chẳng lên tiếng dạy bảo con. Mẹ tôi cảm thấy uất nghẹn, tự nguyền rủa mình là già mà còn dại. Thương mẹ, chị em tôi cũng lên nói chuyện phải trái với dượng và mấy anh chị bên đó, nhưng mọi chuyện cũng không đi tới đâu. Mẹ lại về ở với chúng tôi. Nếu tôi biết cớ sự này thì chắc chắn tôi đã không để mẹ kết hôn lần nữa". (Hải Triều Cà Mau). Ý kiến chuyên gia tâm lý. Quyết định kết hôn lần nữa luôn khó khăn đối với người lớn tuổi và càng khó khăn hơn khi con cháu đều lên tiếng phản đối. Bản thân con cháu thường cảm thấy sốc trước tin bố/mẹ, ông/bà muốn đi bước nữa, họ cảm thấy tình cảm bị chia sẻ, họ sợ hàng xóm chê cười hoặc vì sĩ diện xã hội... Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân người trong cuộc phải xác định được việc kết hôn xuất phát từ tình cảm thật của bản thân và tìm hiểu kỹ tình cảm đối phương. Tạo điều kiện để đối phương được tiếp xúc với con cháu trong nhà. Khi con cháu cảm thấy bố/mẹ, ông/bà của mình đang hạnh phúc và khỏe mạnh bên cạnh người yêu thì chắc chắn các cháu sẽ chia sẻ và ủng hộ. Theo Dòng đời.
(Baonghean) - Nghiên cứu mẫu hợp đồng cung cấp nước sạch do Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An xác lập từ năm 2012 để giao dịch với các tổ chức, cá nhân mà ông Trần Xuân Quang (khối Vinh Phúc, phường Hưng Phúc, TP.Vinh) gửi kèm đơn tố cáo, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thấy rằng trái quy định, trong vấn đề này một phần trách nhiệm thuộc về Sở Công Thương. Hợp đồng trái quy định. Dù Hợp đồng dịch vụ cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An nêu căn cứ Luật Dân sự và các Nghị định, Thông tư liên quan, trong đó có Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Thế nhưng, nghiên cứu Hợp đồng dịch vụ cấp nước, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật thì hợp đồng này trái với quy định. Hợp đồng dịch vụ cấp nước số 012458/HĐ-DVCN giữa Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An với ông Trần Xuân Quang. Cụ thể, theo Hợp đồng dịch vụ cấp nước số 012458/HĐ-DVCN giữa Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An (ông Nguyễn Quang Duyên - Phó Giám đốc làm đại diện) với ông Trần Xuân Quang, bên A có nghĩa vụ Kiểm định, lắp đặt đồng hồ đo nước cho bên B, đảm bảo yêu cầu chất lượng kỹ thuật. Thực hiện kiểm tra, kiểm định đồng hồ theo định kỳ và theo yêu cầu của khách hàng (Điểm e, Khoản 2, Điều 6 về quyền và nghĩa vụ của bên A). Trong khi đó, tại Điều 42, Khoản 3, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Mục V, Thông tư 01/2008/TT-BXD ngày 2/1/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP thì: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Bên cạnh đó, cũng tại Hợp đồng dịch vụ cấp nước, nghĩa vụ của bên B được đề ra là Bảo vệ các công trình cấp nước; bảo vệ đường ống, thiết bị, đồng hồ đo nước đã được lắp đặt Thông báo sự cố cho bên A biết khi đồng hồ nước bị mất hoặc hư hỏng. Tổ chức khắc phục sự cố, sửa chữa kịp thời rò rỉ, hư hỏng trên (Điểm đ, Khoản 2, Điều 7 về quyền và nghĩa vụ của bên B). Trong khi đó, tại Điều 49, Khoản 4, Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định rõ: Khách hàng sử dụng nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt trong khu vực quản lý của mình; Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt ở ngoài khu vực quản lý của khách hàng sử dụng nước. Và, để cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ đồng hồ đo nước, tại Điều 41, Nghị định 117/2007/NĐ-CP nêu rõ điểm lắp đặt đồng hồ đo nước như sau: 1. Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước có thể được xác định trước, trùng hoặc sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước, bảo đảm thuận tiện cho việc lắp đặt, quản lý, kiểm tra ghi thu và bảo vệ đồng hồ đo nước. Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước được thỏa thuận giữa đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước. Với những nội dung nêu trên, rõ ràng Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An đã sử dụng mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước trái các quy định của pháp luật; trốn tránh những trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước mà văn bản luật đã quy định, trong khi gây bất lợi cho người tiêu dùng. Ông Tràn Xuân Quang, công dân có đơn tố cáo Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Trách nhiệm thuộc về ai? Nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 13/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Theo đó, dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt là 1 trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo mẫu. Và theo Điều 9 của Nghị định 99, Sở Công Thương là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, vậy nên chúng tôi đã đề nghị ông Nguyễn Quang Duyên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An làm rõ vấn đề này. Theo ông Duyên, công ty ông đã được Sở Công Thương chấp thuận mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước đang sử dụng hiện nay. Đề nghị Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An cung cấp văn bản chấp thuận hợp đồng mẫu của Sở Công Thương. Ban đầu, ông Duyên nói rằng Sở Công Thương đồng ý mẫu hợp đồng thông qua buổi làm việc giữa hai bên chứ không phát hành văn bản. Tuy nhiên, sau đó ông Duyên lại đề nghị để tôi kiểm tra lại xem có văn bản chấp thuận hay không. Thực ra, Sở Công Thương có văn bản chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu cho Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Và văn bản này ban hành ngày 1/8/2012, tại Thông báo số 127/SCT-QLTM. Theo đó, tại Thông báo 127 nêu: Sau khi xem xét Hồ sơ mã số 215/PCHS đã nhận ngày 26/7/2012 của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An về việc đăng ký Hợp đồng theo mẫu. Sở Công Thương thông báo chấp nhận Hợp đồng theo mẫu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Thông báo 127 của Sở Công Thương chấp nhận hợp đồng theo mẫu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Tại sao Sở Công Thương lại chấp thuận Hợp đồng theo mẫu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An? Câu trả lời được hé lộ một phần tại Thông báo số 127. Đó là, Sở Công Thương chỉ căn cứ Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP; hoàn toàn không dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan sâu sát đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch như Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ, hay Thông tư 01/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng!. Theo quy định, Sở Công Thương có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vậy nhưng, sở này lại có văn bản chấp thuận Hợp đồng mẫu đi ngược lại chức năng, nhiệm vụ của mình và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vậy nguyên nhân là đâu? Do yếu kém trong chuyên môn nghiệp vụ, hay còn lý do gì khác? Đây là vấn đề các cơ quan liên quan cần làm rõ. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại điểm h khoản 6, Điều 2, Thông tư Liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 30/06/2015 của Bộ Công Thương và Bộ Bộ Nội vụ (hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện) nêu rõ Sở Công thương có nhiệm vụ: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn hỗ trợ nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Thực hiện việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương theo quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng; Kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương; Công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền. Nhật Lân.
Hà Nội vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó có việc xây dựng lại nhà ga này với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; xây dựng một số công trình từ 40 đến 70 tầng trong khu vực. Bày tỏ đồng tình về chủ trương của đồ án, ông Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông cho biết, quy hoạch được xây dựng khá hợp lý vì đã bám sát quy hoạch phát triển giao thông đường sắt mà Thủ tướng phê duyệt trước đó. Ga Hà Nội được giữ đúng vai trò là ga trung tâm. Sau này người dân từ các tỉnh bên ngoài về Hà Nội có thể đi tàu, rồi đi đường sắt đô thị vào trung tâm mua sắm, như thế sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ. Ông Khuê không bày tỏ quan điểm về việc xây mới ga Hà Nội, song ông cho rằng nên điều chỉnh xây dựng các công trình cao tầng về phía Khâm Thiên để không ảnh hưởng đến các di tích Quốc gia. Theo ông, việc cải tạo lại toàn bộ khu dân cư xung quanh ga Hà Nội sẽ giúp không gian của Thủ đô văn minh và hiện đại hơn, có điểm nhấn. Đồ án dự kiến dựng lên nhiều nhà cao tầng, nhưng tái định cư tại chỗ nên sẽ không lo dân từ ngoài vào gây ùn tắc. "Hiện khu vực xung quanh hồ Linh Quang rất lụp xụp, nếu được cải tạo xây dựng quy mô, thì sẽ là điểm nhấn, đời sống người dân được nâng lên", ông Khuê nói. Khu vực ga Hà Nội được đề xuất quy hoạch xây dựng cao 40-70 tầng. Ảnh: Xuân Hoa. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho biết trước đây Hà Nội đã từng nhiều lần nghiên cứu cải tạo chỉnh trang ga Hà Nội, phố Trần Quý Cáp gắn với khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lần gần đây nhất là năm 2011 song chưa thành công, do có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều chuyên gia không đồng thuận việc phá dỡ công trình cũ có giá trị. "Công trình Ga Hà Nội là di sản, nằm trong danh sách bảo tồn nên phải giữ nguyên trạng, không được phá bỏ và xây mới", ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh và thông tin thêm, trong quy hoạch giao thông được Chính phủ phê duyệt năm 2016, ga Hà Nội đóng vai trò là ga trung tâm, đầu mối giao thông cho đường sắt quốc gia và nội đô, nên các quy hoạch sau không được điều chỉnh công năng. Vấn đề khác mà ông Nghiêm lo ngại là đồ án quy hoạch xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng. Theo ông, hiện toàn thành phố đã có trên 300 nhà cao tầng, trong đó hơn 100 chung cư khiến dân số vượt quy hoạch. Trước đó, Hà Nội đã có quy định kiến trúc trên tuyến đường qua ga Hà Nội, từ phố Cửa Nam đến phố Khâm Thiên, do vậy muốn xây nhà cao tầng ở đây thì phải sửa đổi quy định này. Cũng theo ông Nghiêm, khu vực đường Trần Quý Cáp (phía sau ga Hà Nội, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám) nếu xây dựng nhà cao tầng có thể ảnh hưởng cảnh quan khu vực Hồ Văn, Quốc Tử Giám. "Biện pháp thích hợp là cải tạo, chỉnh trang song chỉ nên xây các công trình dưới 9 tầng", ông nói. Trước thông tin đồ án quy hoạch trên diện tích 98 ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người), ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích, mục tiêu của Hà Nội là phải giảm dân số nội đô. Theo quy hoạch thì cần giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân trong 4 quận nội đô lịch sử, do vậy Hà Nội cần nghiêm túc giảm dân số thì mới thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt không được tăng thêm hoặc giữ nguyên dân số so với trước. "Đồ án quy hoạch lý tưởng nhất là giãn người dân sống trong khu vực quy hoạch ra ngoài, để dành đất cho không gian xanh, công trình công cộng vì dân số đang là thách thức của nội đô Hà Nội", Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị nói. Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ không đồng tình khi xây mới ga Hà Nội vì đây là công trình được người Pháp để lại, có nhiều giá trị lịch sử. Ngoài ra, khu vực Ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Khu vực này thường xuyên bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng thì càng làm tắc nghẽn hơn. Về các khu vực phụ cận, ông Liêm cho biết, việc cải tạo, xây mới khu dân cư gần một km2 là rất phức tạp, hiện những khu vực này dân cư đã sống ổn định nên di dời người dân và xây dựng lại không đơn giản, cũng như nhiều dự án cải tạo chung cư cũ thời gian qua đã bị "dậm chân tại chỗ". "Nếu xây nhiều chung cư khu vực này thì phải mở rộng tuyến đường xung quanh như Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng...", ông nói. Theo ông Liêm, "các đơn vị thích nhắm vào các mảnh đất trung tâm do đó là đất vàng, TP Hà Nội phải tỉnh táo trong việc này". Quy hoạch cũng cần phải làm rõ khu vực ga Hà Nội còn thiếu cái gì. Theo tôi, công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực cần thiết hơn khu nhà cao như vậy, ông Phạm Sỹ Liêm nói. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng kiến nghị thành phố nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị đắp chiếu ở các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Hoàng Mai, hơn là cứ tập trung đầu tư xây dựng các khu "đất vàng nội thành. Khu vực nằm trong đồ án quy hoạch ga Hà Nội. Về phía ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị chưa nhận được văn bản xin ý kiến của Hà Nội nên chưa thể đánh giá về bản quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông Minh, khu vực ga Hà Nội khá rộng lớn (khoảng 19 ha) nên phải xem xét kỹ đồ án quy hoạch là xây dựng các nhà cao tầng tại đâu, ga Hà Nội sẽ giữ lại công trình nào để đảm bảo đường sắt hoạt động tốt theo đúng công năng là ga trung tâm. Đồ án được Hà Nội gửi đi xin ý kiến quy hoạch 9 phân vùng chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng; các khu tài chính cao 40-70 tầng; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng. Chiều cao công trình từ 100-200 m xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có một công trình điểm nhấn cao 200 m tại phía tây bắc hồ. Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về vị trí ga Hà Nội và tổ chức giao thông tại đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã được phê duyệt. Đối với đường sắt khu vực Hà Nội, hiện đã có nhiều quy hoạch như: Chiến lược phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội Riêng tư vấn Nhật Bản đã nghiên cứu xây dựng quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội, có 8 tuyến tàu điện ngầm, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 1 kết hợp đường sắt nội đô với đường sắt quốc gia. Các quy hoạch đều xác định sẽ có tuyến đường sắt vành đai, có tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm (Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội - đi vào phía Nam). Với các tuyến này, có thể kết nối tàu khách liên vận quốc tế từ Đồng Đăng về tận ga Hà Nội. Hơn nữa, tàu tốc độ cao sau này cũng vào trung tâm ga Hà Nội, giống như tàu TGV của Pháp vào ga trung tâm Paris, như tàu Shinkansen vào Tokyo, Thứ trưởng Đông nói. Về tổ chức giao thông, đối với tuyến xuyên tâm, chức năng chủ yếu là vận tải khách. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể đã kết hợp đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị trên trục này. Từ ga Hà Nội có thể đi tất cả các hướng phía Bắc và phía Nam, thậm chí cả kết nối vận tải liên vận quốc tế. Ga Hà Nội được xác định là ga trung tâm, các tuyến khác sẽ kết nối vào đây để giải tỏa khách hoặc cung cấp khách. Theo VnExpress.
(Cadn.com.vn) - Trên con đường xây dựng cuộc đời của mỗi con người, không phải ai ai cũng tìm được ngay cho mình một lối đi đúng hướng. Có người, phải trải qua vài lần lạc lối mới tìm ra con đường mà mình cần phải đi, nhất là khi còn trẻ dại... Đưa tôi xem lá đơn mà vợ chồng anh N. (đã đổi tên, trú P.Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhờ một người dân viết hộ ngày 5-10-2015 với nội dung xin gửi con trai vào cơ sở giáo dưỡng, thiếu tá Nguyễn Công Hà- Phó CAP Hòa Khánh Nam- xót xa nói: Hôm mời anh N. lên thông báo về việc cháu S. (2000)- con trai của họ- lại tái phạm, trộm cắp với số tiền rất lớn, tôi có hỏi ảnh: Biết hết thuốc chữa, sao vợ chồng anh không làm đơn đề nghị đưa đi cơ sở giáo dưỡng để giáo dục, ảnh thú thiệt, vợ chồng ảnh không biết chữ. Nếu biết chữ, họ đã làm đơn từ lâu rồi! Nhiều năm công tác trong ngành CA, lần đầu tiên tôi nghe một người cha thật thà thú nhận như thế. Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ đọc lá đơn và tự hỏi: còn nỗi đau nào lớn hơn? Ai đã làm cha, làm mẹ mới hiểu nỗi đau giằng xé khi không thể dạy được con mình, bất đắc dĩ phải nhờ cơ quan chức năng đưa con đi cơ sở giáo dưỡng... 10 phút sau, anh N. có mặt. Đó là một người đàn ông có gương mặt cương nghị. Khi tôi gợi chuyện về đứa con trai thứ hai bất trị, anh lúng túng đưa tay quẹt nhanh giọt nước mắt sắp trào: Nói thiệt, đi làm vất vả, mệt đến mấy tôi cũng chịu được. Nhưng về đến nhà, nghe chuyện của con là tôi chỉ muốn bỏ đi đâu đó. Tôi làm việc dữ lắm. Ban ngày đi thợ hồ, tối về nghỉ một chút là lại đến lò mổ làm thuê, kiếm tiền nuôi mấy đứa con. Vậy mà nó không biết thương tui. Tui dỗ dành đủ kiểu vẫn chẳng ăn thua chi. Hết cách rồi mới đành làm vậy. May ra mới giáo dục, cảm hóa nó nên người!... Có lẽ, với nhiều người dân ở P.Hòa Khánh Nam cái tên S. không còn mấy xa lạ. Mới 15 tuổi đầu, nhưng S. đã nếm gần như đủ món ăn chơi: từ vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, chát, lập cả facebook với cái tên chờ người nơi ấy để...tán gái. Để có được tiền nướng vào những thú vui tiêu khiển này, hễ có cơ hội là S. không từ bất kỳ vụ trộm cắp lớn nhỏ nào. Thậm chí, khi cần, cu cậu cũng đem luôn áo quần ba mẹ sắm cho bán lấy tiền để cùng chúng bạn đi bar, vũ trường... Không chỉ trộm cắp, có hơi men vào, cu cậu có thể coi trời bằng vung. Không ít lần, S. rủ bạn bè về nhậu trước cửa nhà mình lúc nửa đêm. Lực lượng CAP cùng dân phố, dân phòng tuần tra đến cương quyết yêu cầu giải tán, S.mới thôi không quậy phá...Thật khó tin, mới ngần ấy tuổi mà chỉ chưa đến 4 ngày, S.cùng 1 đối tượng nữa đã nướng sạch số tiền gần 14 triệu đồng mà nó cùng bạn lấy trộm của một hộ dân ở tổ 117 Hòa Khánh Nam ngày 30-9. Khi CAP Hòa Khánh Nam điều tra làm rõ vụ việc, đưa S. về trụ sở hỏi số tiền đó dùng vào việc gì, S.trả lời gọn tưng: đi vũ trường, quán bar và nhà nghỉ...Thiếu tá Nguyễn Công Hà cho biết thêm, mỗi lần bỏ nhà đi hoang đến khi hết tiền, S.thường tìm đến khu đền thờ, miếu mạo làm chỗ nghỉ chân... N.V.S (ảnh nhỏ) và lá đơn nhờ viết hộ của gia đình xin gởi S. vào trường giáo dưỡng. Ảnh: P.T. Được biết, gia đình anh N.từ TT-Huế vào lập nghiệp tại Đà Nẵng từ năm 2003. Họ có 5 người con, S.là con thứ 2. Cu cậu bắt đầu hư khi lên lớp 6. Theo chúng bạn xấu, S. tập tành ăn chơi. Ban đầu là mê game sau thì đi hoang. Học hết lớp 6, S.nói không học nổi chữ, đòi đi học nghề. Anh chở con đến xin học nghề làm inox. Được nửa tháng thì S. bỏ. Lần này, đoàn thể địa phương phải ra tay, xin cho S. vào học nghề tại một cơ sở sửa xe. Sợ con không theo học, anh bỏ việc cả tuần để đưa S. đến chỗ học việc. Nhưng không thể cứ bám theo con mãi, lấy ai chạy tiền ăn hàng ngày cho cả nhà, vợ chồng anh mua chiếc xe đạp 600.000 đồng để S. đi làm. Dặn dò, thủ thỉ, cứ tưởng con đã thông, nào ngờ, sáng hôm sau, S.dắt xe ra khỏi nhà rồi đi luôn một hơi. Vài ngày sau, nó trở về tay không. Vợ chồng anh lại phải bỏ tiền ra để chuộc lại chiếc xe...Hôm gặp S, thấy tôi nhìn chăm chăm vào những hình xăm vằn vện trên cánh tay, thằng bé giải thích đó là hình mặt quỷ và hình con cá mặt người. Tôi hỏi sao không xăm hình gì đẹp đẹp, xăm chi mấy cái hình gớm ghiếc đó, S.đáp cộc lốc: Mấy đứa bạn xăm, biết mô!. Nhìn sang bên cánh tay phải, thấy xăm chữ cha mẹ, tôi hỏi: Ai xăm con mấy chữ này?. Con chứ ai!. Biết nghĩ đến cha mẹ, sao lại khiến cha mẹ buồn khổ hoài vậy?. Lần này, nó không nói gì, cúi mặt xuống bàn. Nhìn con với ánh mắt xót xa, anh N.lắc đầu thở dài... Không đến nỗi như S., nhưng L. (1999- đã đổi tên) ở P.Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cũng là một trong những đứa trẻ khó dạy. Nhiều vụ trộm cắp vặt khi CAP Hòa Hiệp Nam điều tra ra đều có tên của L.trong đó. Cha mẹ L.hầu như không quan tâm, chăm sóc đến em. L.bỏ nhà đi lang thang hoặc sang nhà bạn ngủ nhờ mấy ngày liền, gia đình cũng không hay biết. Tìm hiểu, mới biết, gia đình L.nghèo lắm. Mẹ mắc nợ tiền của người ta nên phải trốn khỏi địa phương. Cha làm thợ hồ, không có rượu thì hiền khô, có rượu vào thì...ôi thôi. Thằng bé từ nhỏ thiếu vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình, nên khi gặp chúng bạn hư hỏng, lêu lổng, nó tiêm nhiễm rất nhanh, thường xuyên trốn học để đi bụi. Trưởng CAP Hòa Hiệp Nam tâm sự: Thằng bé vừa đáng giận, vừa đáng thương. Hoàn cảnh vậy, bảo sao nó không dễ bị lôi kéo. Có lần nó trộm cắp vặt bị bắt, hỏi nó sao cứ trộm hoài vậy, nó nói không đi trộm vặt thì lấy chi mà ăn...! Đầu năm học này, L.đã bỏ học. Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện CT 24 của Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9 vừa qua, tham luận của CATP cho biết: Từ năm 2009 đến hết năm 2014, trên địa bàn TP xảy ra 1.215 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có 1.865 đối tượng nam, 62 đối tượng nữ, trong đó chủ yếu là trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng. Hầu hết các đối tượng này đều có trình độ học vấn thấp (1.410 học sinh THCS, 346 học sinh THPT, 97 học sinh tiểu học và 12 em không biết chữ)... Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên hư, nguyên nhân từ gia đình luôn được xem là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều bậc cha mẹ khi được mời đến trụ sở CA để bảo lãnh con về tâm sự rằng, họ đã dùng đủ cách để dạy con nhưng cuối cùng cũng đành bất lực. Thực tế cho thấy, không ít gia đình do bố mẹ mải lo mưu sinh, làm giàu nên không dành nhiều thời gian quan tâm, hoặc quan tâm không đúng cách đến cuộc sống, sự thay đổi tâm sinh lý con trẻ. Trong khi đó, những cám dỗ và mặt trái của cuộc sống thời đại CNTT bùng nổ cộng với tư tưởng thích hưởng thụ đã, đang ngày càng xâm nhập vào đời sống của một bộ phận không còn nhỏ thanh thiếu niên hiện nay chính là mảnh đất màu mỡ để tội phạm ở độ tuổi này có thêm cơ hội sinh sôi... P.Thủy. (còn nữa).
Hơn 27 năm đứng lớp, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/4 Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), không còn nhớ có bao nhiêu học sinh đã được cô dìu dắt. Cô như người lái đò, miệt mài đưa những thế hệ học trò nối tiếp nhau tìm hiểu, chinh phục chân trời tri thức. Tuy vậy, điều ấn tượng của cô đối với đồng nghiệp, học sinh ngoài sự tâm huyết, tình yêu thương con trẻ, còn chính là năng lực và tinh thần trách nhiệm. Cô Nguyễn Thị Phượng, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu). Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, cô Nguyễn Thị Phượng đã 9 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó 2 lần nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (2012, 2016). Năm học 2014-2015, cô vinh dự được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giảng dạy. Cụ thể, đã có sản phẩm E-learning đoạt giải ba cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn Toán liên tục đoạt giải các cấp. Ngoài ra, có nhiều sáng kiến hay tại những hội thi đồ dùng dạy học cấp trường, quận, thành phố hàng năm. Nổi bật, có thể kể đến giải B cấp quận, giải A cấp thành phố hội thi Đồ dùng dạy học năm học 2013-2014; được Sở GD-ĐT Đà Nẵng công nhận và trao giải A về đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 là niềm tự hào lớn lao mà cô không dám nghĩ mình sẽ có được. Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, chia sẻ rằng dù rất xúc động và vui sướng khi nghe giáo viên trường đoạt giải, nhưng ông không bất ngờ, đó chính là sự ghi nhận công sức mà cô Phượng xứng đáng được nhận về những nỗ lực phấn đấu của mình bao năm qua. Ban đầu, khi trường đề nghị tham gia giải thưởng, cô Phượng đã từ chối vì nghĩ thành phố còn có rất nhiều giáo viên khác tài giỏi, tâm huyết hơn; nhưng tôi tin cô Phượng xứng đáng, vì nhà trường nhìn thấy ở cô sự nỗ lực phấn đấu kiên trì, liên tục trong nghề, thầy Hỷ nói. Với cô Võ Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 4, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà), hơn 32 năm giảng dạy, cô luôn cảm thấy thật may mắn khi nghề đã chọn mình. Theo cô, nghề sư phạm, đầu tiên chính là dạy học sinh đạo đức làm người, sau mới đến kiến thức văn hóa. Việc tiếp xúc với học sinh luôn mang đến cho cô cảm giác dễ chịu, điều đó đã giúp cô yêu nghề và tự hào hơn với nghề. Cô Võ Thị Ngọc Dung, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà). Mỗi sáng đến lớp nhìn từng khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của các em, cảm xúc trong tôi thật lạ, rất bình yên, để rồi nguyện hứa với lòng sẽ luôn làm tốt công việc giảng dạy, vì các em chính là động lực để tôi phấn đấu trong suốt hành trình của cuộc đời mình, cô Dung tâm sự. 11 năm liền cô Võ Thị Ngọc Dung đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó nhiều sáng kiến kinh nghiệm thiết thực đoạt giải cao của trường và của quận. Năm học 2014-2015, cô giáo Võ Thị Ngọc Dung được UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên niềm đam mê đứng lớp đã ăn sâu vào trong máu của cô Võ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà). 21 năm giảng dạy với bao hạnh phúc cùng nỗi niềm đau đáu, khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của học sinh, cô luôn day dứt. Cô đã cùng những giáo viên của trường lo cho các em từng cây bút, quyển vở, kể cả kèm cặp thật kỹ để mỗi em đều có thể yên tâm học và theo kịp bạn bè. Nhiều thế hệ học sinh dù đã ra trường đi làm nhưng vẫn nhớ và đến thăm cô mỗi khi có dịp. Cô Võ Thị Lệ Hằng, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà). Tuy vậy, điều tự hào nhất của cô chính là những thành tích đạt được trong sự nghiệp trồng người của mình. 21 năm theo nghề thì 17 năm cô được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Có thể kể đến như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục các năm từ 2012 đến 2016; giải ba hội thi Đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế cấp quận; bằng khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền 2012-2016 của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; cùng nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học khác. Với cô, nếu lựa chọn lại cũng sẽ chọn nghề giáo vì đó là niềm vui lớn nhất của đời mình, dù về kinh tế không thể bằng các ngành nghề khác. Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, khẳng định mục tiêu xuyên suốt của nhà trường chính là hướng đến quyền lợi của học sinh và sự yên tâm cho phụ huynh. Trong đó, việc xây dựng môi trường học tập tốt nhất, bình yên nhất cho trẻ là mục đích để tất cả giáo viên hướng đến. Trường Tiểu học Ngô Gia Tự là một trong số ít trường trên địa bàn thành phố 2 năm liên tục có giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản. Cô Hằng cũng như tất cả giáo viên trường luôn là niềm tự hào của tôi và của trường, cô Bình bày tỏ. Trong số 6 giáo viên ở TP Đà Nẵng nhận Giải thưởng Võ Trường Toản của Báo SGGP lần này, thầy giáo Đỗ Viết Duy Vũ, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê), là một cái tên đặc biệt. Là giáo viên âm nhạc, với niềm đam mê và sự khát khao mang cái đẹp đến tâm hồn con trẻ, thầy Vũ như con ong chăm chỉ, miệt mài truyền đạt những kiến thức âm nhạc không chỉ đến học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn mà còn của nhiều trường trên địa bàn thành phố. Thầy là một trong những người đầu tiên được Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng giao soạn chương trình giảng dạy piano cho các trường tiểu học tại TP Đà Nẵng. Thầy giáo dạy nhạc Đỗ Viết Duy Vũ, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê). Không chỉ đứng lớp, thầy còn tham gia những cuộc thi piano toàn quốc và đoạt nhiều giải cao. Theo thầy Vũ, việc định hướng thị hiếu âm nhạc cho học sinh rất quan trọng, nhất là hiện nay, khi việc tiếp cận các bài hát có ca từ không đẹp, không phù hợp, giai điệu có tính kích động xuất hiện nhiều trong giới trẻ. Âm nhạc trong trường tiểu học trước hết là một môn nghệ thuật, nhằm giải quyết căng thẳng cho các em sau những tiết học. Do vậy, tôi luôn cố gắng truyền đạt cho các em niềm đam mê và biết cảm thụ âm nhạc, thầy Vũ nói. Tính đến nay, thầy Vũ đã 11 lần được bình chọn Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 lần được tặng danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, cùng nhiều bằng khen, giấy khen cấp thành phố và cấp quận. Nổi bật là 2 giải xuất sắc và nhất cấp quốc gia về đàn piano, 2 lần đoạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; bằng khen của Bộ GD-ĐT; bằng khen của Chủ tịch UBND Đà Nẵng về phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. So với những tấm gương được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản khối tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đợt này, 2 cô giáo Phạm Thị Thanh Châu, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) và cô Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn), dù thành tích khiêm tốn hơn nhưng không phải vì thế mà kém ấn tượng. Nếu như cô Phạm Thị Thanh Châu sau 17 năm đứng lớp, 5 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; giải ba Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố; giải A cuộc thi Đồ dùng dạy học cấp thành phố với đề tài Mô hình cơ thể người dạy tự nhiên và xã hội lớp 1, 2, 3 và khoa học lớp 4, thì cô Nguyễn Thị Hạnh cũng sở hữu bảng thành tích không kém. Hơn 22 năm đứng lớp, cô đã 16 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và 16 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quận; 3 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, còn đoạt hàng loạt danh hiệu, giải thưởng về sáng kiến kinh nghiệm trong các Ngày hội Olympic và Ngày hội học sinh tiểu học cấp quận, Sở GD-ĐT và thành phố Đà Nẵng. Cô Phạm Thị Thanh Châu, Trường Tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ). Cô Nguyễn Thị Hạnh, Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn). 6 thầy cô khối tiểu học được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần 2 năm 2017 tại TP Đà Nẵng chỉ là con số khiêm tốn trong hàng chục ngàn giáo viên trên địa bàn thành phố đang hàng ngày miệt mài đứng lớp. Giải thưởng là nguồn động viên tinh thần to lớn nhằm tôn vinh những đóng góp của các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục để tiếp tục cuộc hành trình trồng người, ươm mầm các thế hệ tương lai cho đất nước. NGỌC PHÚC.
Cứ mường tượng hình ảnh người đàn ông có vóc vạc cao lớn, khỏe khoắn, đôi bàn chân từng đi khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới để ghi lại những thước phim tài liệu quý báu, giờ đây chỉ quanh quẩn trong căn phòng vài chục mét vuông mới thấy cuộc sống đôi khi thật khắc nghiệt. Thế nhưng, với những gì mà NSƯT Lưu Xuân Thư đã đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam thì quả thật, ông đã không để hoài phí những tháng năm quý giá của cuộc đời để sống và cống hiến cho xã hội... Với NSƯT Lưu Xuân Thư, việc đi lại và nói năng hiện giờ đã trở nên quá khó khăn sau 3 lần tai biến. Ông chỉ có thể trả lời câu hỏi bằng cái lắc, gật hay một vài từ đơn giản nên cuộc trò chuyện của chúng tôi chủ yếu thông qua vợ ông - nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam. Khi tôi và vợ ông cùng giở cho ông xem lại những tấm ảnh chụp khi ông làm phim, tôi nhận thấy khuôn mặt có vẻ lơ đãng và bàng quan trước mọi chuyện bỗng trở nên sinh động khác thường. Đôi bàn tay ông mân mê những tấm ảnh, miệng ông mấp máy như muốn nói điều gì. Bà Lam chia sẻ: ông quý những bức ảnh ấy lắm và muốn được cùng mọi người ôn lại những kỷ niệm của một thời làm điện ảnh. NSƯT Lưu Xuân Thư (bên trái) và NSND Bùi Đình Hạc tại Sài Gòn năm 1975. Không quý sao được khi NSƯT Lưu Xuân Thư đã dành gần như trọn vẹn cuộc đời mình cho điện ảnh dù ông đến với nó thật tình cờ. Năm 1954, ở tuổi 22, ông vào công tác tại cơ quan Quốc doanh Chiếu bóng và chụp ảnh Trung ương với công việc kế toán. Đến năm 1959, khi Xưởng phim truyện Việt Nam thành lập, ông là Phó ban kiến thiết cơ bản kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên xưởng phim. Cuộc sống đôi khi có những ngả rẽ bất ngờ. Năm 1960, Đoàn Thanh niên được Xưởng phim giao nhiệm vụ tham gia bộ phim "Lửa trung tuyến". Đạo diễn Phạm Văn Khoa trong quá trình tìm vai nam chính cho bộ phim chợt nhận ra rằng, vai Dũng tại sao lại không giao cho Bí thư Đoàn Lưu Xuân Thư vì vóc dáng cao lớn, khuôn mặt cương nghị, rất phù hợp với vai một anh lính từ chiến trường về. Dù chưa một lần được học về khả năng diễn xuất, nhưng bằng sự cố gắng và tinh thần học hỏi của một đoàn viên, Lưu Xuân Thư vào vai Dũng khá đạt. Sau này, phim được tham dự Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Mátxcơva và giành giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 2 (1973). Với riêng Lưu Xuân Thư, "Lửa trung tuyến" là một bước ngoặt để anh cán bộ hành chính trở thành nghệ sĩ đích thực. Dù thành công ngay từ vai diễn đầu tiên đến vai diễn sau này là vai Cần trong phim "Đi bước nữa" (cùng với nghệ sĩ Đức Hoàn) và có một vóc dáng lý tưởng để trở thành diễn viên, nhưng lĩnh vực mà ông đam mê lại là quay phim. Năm 1961-1963, ông được cử đi học lớp quay phim đầu tiên tại trường Điện ảnh Việt Nam cùng với các nghệ sĩ Hồng Sến, Kiều Thẩm, Lò Minh do các chuyên gia Trung Quốc. Đến với quay phim, tài năng của nghệ sĩ Lưu Xuân Thư được ghi nhận bằng bộ phim truyện tốt nghiệp "Trên vĩ tuyến 17" (Đạo diễn Lý Thái Bảo và Bùi Đình Hạc) đã giành Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970) và tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Sau đó, một loạt những bộ phim truyện mà ông tham gia với vai trò quay phim chính luôn đạt những thứ hạng cao tại các LHP trong nước cũng như sự yêu mến của khán giả và bạn bè quốc tế như "Nguyễn Văn Trỗi" (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ nhất), "Đường về quê mẹ" (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 2 và giải quay phim khá nhất), "Một chiến công", "Tiền tuyến gọi" , "Hoa thiên lý" Theo sự đánh giá của nhiều người trong nghề, những thước phim của NSƯT Lưu Xuân Thư đạt trình độ cao về kỹ thuật. Một phần không nhỏ trong sự nghiệp điện ảnh của NSƯT Lưu Xuân Thư là những bộ phim tài liệu ông vừa là quay phim, vừa là đạo diễn. Đó là những thước phim về chiến trường Bình Trị Thiên, về chiến dịch Hồ Chí Minh với những bộ phim như "Bầu trời trong sáng", "Những trang sử bằng đá", "Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Ấn Độ, Srilanca" Có một câu chuyện thường được kể trong sự nghiệp làm phim tài liệu của NSƯT Lưu Xuân Thư là ông cùng với một số nghệ sĩ khác đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào giờ phút quan trọng của đất nước. Trước đó, khi Nha Trang được giải phóng, Xưởng phim truyện Việt Nam đã thành lập 3 đoàn làm phim, chia ra 3 ngả nhập cùng các đơn vị bộ đội chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Đúng giờ Ngọ ngày 30/4/1975, nhóm của NSƯT Lưu Xuân Thư (gồm ông, đạo diễn Bùi Đình Hạc và Đào Văn Biên - thu thanh) cùng nhóm khác là đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Hồng Sến, NSND Trần Khánh Dưđã có mặt tại Dinh Độc Lập. Khi các đoàn làm phim thực hiện cảnh quay Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh từ chức, vị tổng thống này dường như không giấu nổi sự ngạc nhiên trước các phóng viên mặt trận của quân Giải phóng, vì họ không giống như báo chí Sài Gòn lâu nay miêu tả là gầy gò, xanh lét Nhất là khi Dương Văn Minh nhìn thấy nhà quay phim Lưu Xuân Thư với thân hình cao to, khỏe khoắn. Vị cựu tổng thống này đã quay sang hỏi NSƯT Lưu Xuân Thư: "Ông cũng to con nhỉ, ông có đá banh không?". NSƯT Lưu Xuân Thư trả lời: "Rất thích và tôi thường xuyên chơi môn thể thao này". Cuộc trò chuyện ấy đã khiến cho tất cả những người có mặt cùng cười vui vẻ, làm không khí bớt phần căng thẳng. Sau đó, các đoàn làm phim lại phân công nhau tỏa ra các đường phố Sài Gòn tranh thủ ghi lại những thước phim sống động trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, NSƯT Lưu Xuân Thư còn ra Côn Đảo quay cảnh giải phóng Côn Đảo, sang Campuchia quay cảnh bộ đội ta giúp nước bạn đập tan bè lũ diệt chủng Pol Pot, giải phóng Campuchia. Không chỉ trực tiếp làm nghệ thuật, sau này, khi công tác tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh hay với cương vị Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho điện ảnh Việt Nam. Ông cũng là người có ảnh hưởng không nhỏ tới cô cháu ruột - "Em bé Hà Nội" của mình để sau này trở thành NSND Lan Hương vì thuở nhỏ Lan Hương có thời gian dài sống cùng gia đình ông bác Lưu Xuân Thư. Nghệ sĩ Lưu Xuân Thư được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên. Chỉ 1 năm sau nghỉ hưu, nghệ sĩ Lưu Xuân Thư ngã bệnh. Ông ngã bệnh trước sự bất ngờ của những người thân và của cả chính ông vì trước đó ông hoàn toàn khỏe mạnh. Thì ra, vì mải mê công việc, lại chủ quan tin rằng mình khỏe mạnh, ít khi đau ốm nên ông không phòng bị. Đợt tai biến lần đầu tiên khiến ông bị liệt nửa người. Với sự chăm sóc của người thân và chạy chữa của thầy thuốc, ông dần hồi phục, có thể trò chuyện và nhóc nhách đi lại trong nhà. Lần tai biến gần đây vào năm 2007 khiến ông liệt giường, nói năng khó khăn. Con cái bận đi làm nên hầu hết mọi sinh hoạt của ông đều một tay bà đảm nhiệm. Từ khi ông bị bệnh, cũng là từng ấy năm bà không đêm nào ngon giấc. Nhớ lại ngày xưa, bà và ông cùng công tác tại xưởng phim, công việc đã khiến ông bà gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ, cùng nhau trải qua những khó khăn của đời sống đến ngày hôm nay. Điều mà bà chia sẻ với tôi là sống với nhau đã vài chục năm nhưng chưa một lần ông nặng lời với vợ con. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm, bà liền lấy áo mới ra thay cho ông. Vừa giúp ông mặc áo, bà vừa đùa trêu khiến ông mủm mỉm cười. Nhìn cách bà chăm ông, mới thấy thấm thía điều mà các cụ ta thường nói "Con chăm cha không bằng bà chăm ông". Người đàn ông to khỏe ngày nào, từng là chỗ dựa của cả gia đình, giờ đây trở nên thật bé bỏng trước sự chăm sóc của vợ. Hạnh phúc là gì nếu không phải là cảnh tôi vừa chứng kiến, họ đã ở bên nhau từ khi tóc còn xanh tới khi răng long đầu bạc, từ lúc còn mạnh chân khỏe tay tới khi ốm đau cần nương tựa lúc tuổi già...
Từ lời kể kinh hoàng của người nhà nạn nhân. Để có thông tin chính thức từ phía gia đình nạn nhân, chúng tôi quyết định vào thôn Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - một thôn nằm sâu trong vùng rừng hẻo lánh, giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Tại đây, người nhà nạn nhân đang giữ kín những bí mật về quy trình phá thai đầy kinh hãi dẫn đến cái chết tức tưởi của chị Vàng Thị Na (21 tuổi), cùng với những "thỏa thuận" do bác sỹ Và Bá Sứa đưa ra. Anh Vàng A Cha (anh trai của chị Na) kể lại: "Vào trưa 6/11, tôi cùng với mẹ (bà Vừ Thị Chứ) đưa Na đến phòng khám của bác sỹ Và Bá Súa ở trung tâm huyện Tuy Đức để nhờ phá thai. Bác sỹ Súa bảo để một mình bà Chứ ở lại chăm sóc Na thôi. Trước khi ra về, tôi còn hỏi Na bác sỹ có tiêm thuốc, cho uống thuốc gì không, Na nói chỉ đặt thuốc vào âm đạo để cái thai tự ra. Còn bà Vừ Thị Chứ (mẹ của Na) vẫn chưa hết kinh hãi, kể lại việc ông Súa phá thai cho con gái mà bà được chứng kiến từ đầu đến cuối: "Sau khi bác sỹ Súa đặt thuốc vào âm đạo, con Na nằm chờ từ trưa đến chiều vẫn không thấy chuyển biến gì. Sau khi ăn tối xong nó kêu đau bụng, nôn mửa cho đến sáng. Lúc nửa đêm tôi vào gọi bác sỹ dậy nhờ xem giúp, gọi mấy lần ông Súa mới ra cho uống một viên C sủi, lát sau tôi gọi tiếp, bác sỹ Súa cho uống thêm 2 viên thuốc dài dài, nửa trắng nửa đỏ (viên nhộng - PV) nhưng không biết thuốc gì. Sau khi uống vào được một lúc thì con tôi vẫn kêu đau, lăn lộn vật vã trên giường. Bác sỹ Súa bảo đừng lo, nó phải đau như thế thì cái thai mới ra được". Nhưng mãi đến sáng hôm sau, cái thai vẫn chưa ra. Đến khoảng 8 giờ sáng, ông Súa quyết định phá thai bằng... kéo nhọn. Bà Chứ kể tiếp: "Lúc đầu, bác sỹ Súa không cho tôi vào, nhưng tôi lo lắng quá nên cứ xông vào. Bác sỹ cầm một cái banh (một loại dụng cụ y tế) sáng loáng... Máu ra nhiều lắm, ướt hết cả hai cục bông to và bộ váy nó đang mặc nữa, chảy lênh láng ra nền nhà. Con Na kêu khóc, bảo con đau lắm, không chịu nổi nữa đâu... Khoảng một tiếng sau, bác sỹ Súa lại tiến hành cắt lần thứ hai, thao tác y như lần trước. Lúc này, con Na không còn sức để khóc nữa, chỉ thều thào là con mệt quá, không thở được. Rồi mắt nó nhắm nghiền lại... Được một lúc thì bác sỹ Súa nói cháu mất rồi, bảo tôi gọi cho người nhà ra đưa về". Qua tìm hiểu, chị Vàng Thị Na năm nay mới 21 tuổi, không có chồng nên vẫn ở chung với bố mẹ đẻ. Trước đây, Na có quan hệ tình cảm với một người đàn ông, sinh được một đứa con trai, nhưng anh ta không cưới mà chỉ đền bù cho gia đình... 5 triệu đồng. Giờ cháu bé đã được 2 tuổi. Gần đây, Na yêu một người đàn ông khác, gia đình không biết là ai, khi có thai Na không muốn giữ. Ngày 31/10, Na đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức khám, bác sỹ nói thai bốn tháng rồi, không thể phá được. Sau đó Na đến nhà bác sỹ Súa, ông Súa bảo thai lớn, phải đưa 8 triệu đồng mới phá cho. Na không đủ tiền nên ra về. Vài ngày sau, anh Vàng A Cha đưa Na đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Rlấp, bệnh viện nói thai 3 tháng tuổi, không nhận phá. Lúc này Na lại gọi điện cho bác sỹ Súa, ông Súa đồng ý giảm giá còn 6,5 triệu đồng. Anh Vàng A Cha nói: "Lúc đầu nghe các bệnh viện nói thai lớn rồi, phá sẽ nguy hiểm nên gia đình khuyên Na cứ để nuôi, nó đã chịu nghe. Nhưng lúc gọi điện lại cho bác sỹ Súa, được bác sỹ đồng ý thì nó quyết định phá, nó còn bảo bác sỹ Súa là trưởng khoa, mình phải tin ông ấy chứ. Bà Vừ Thị Chứ và anh Vàng A Cha đang kể lại quá trình phá thai kinh hoàng. Đến những bí mật thỏa thuận của bác sỹ Súa. Để tìm hiểu cái gọi là "phòng khám" của bác sỹ Súa, chúng tôi đã đến trung tâm huyện Tuy Đức và hết sức bất ngờ khi chứng kiến cái "phòng khám" của ông ta. Đó là một căn nhà lợp tôn, thưng ván, nền xi măng trống trước hở sau, bụi bặm từ trong ra ngoài. Anh N.V.M, thợ cắt tóc bên cạnh cho biết: "Nhà bác sỹ Súa ở xã Quảng Tâm, cách trung tâm huyện khoảng 6km, ông ấy thuê chỗ này hành nghề khoảng nửa năm nay. Nhìn vậy chứ đông khách lắm, đa số là người dân tộc thiểu số". Theo anh M, trước đây có một người bị đau bụng, bác sỹ Súa cho uống thuốc... xổ giun, người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh mới biết thai chết lưu. Bên trong "phòng khám" chỉ có một tủ thuốc đã cáu bẩn, mấy cây kéo, vài cuộn bông, bộ dụng cụ châm cứu. Là bác sỹ ngoại - sản, nhưng bệnh gì ông Súa cũng nhận, châm cứu cũng tự tay làm. Một lần anh M. bị đau tê chân, bác sĩ Súa bảo sang đây anh châm cứu cho, đảm bảo hết liền. "Châm gì mà cứ nhằm vào xương mắt cá chân, làm tôi đau điếng, còn bệnh thì không đỡ chút nào" - anh M. nói. Cũng theo anh M, trước khi xảy ra vụ phá thai gây chết người, bên ngoài căn nhà này có treo biển "Bác sỹ Súa, SĐT...", trong nhà treo một biển "Châm cứu thủy châm...". Nhưng sau khi Công an đến khám nghiệm hiện trường, ông Súa đã cho dọn dẹp hết, bây giờ chỉ còn cái nhà không. Làm việc với chúng tôi, bác sỹ Súa nói ông không mở phòng khám chui, mà chỉ thuê căn nhà đó cho con trai trọ học, thỉnh thoảng ông ghé qua. Về việc phá thai dẫn đến cái chết của chị Na, bác sỹ Súa cho biết: "Chị Na tử vong là do chị ấy tự uống thuốc phá thai trước, lúc nguy kịch mới đưa đến chỗ tôi. Tôi bảo phải đi bệnh viện, nhưng gia đình không chịu, mà cứ nhờ tôi giúp. Là chỗ bà con dòng họ, tôi cũng cả nể... - Ông giúp chị Na như thế nào? Bác sỹ Súa: "Cái đó dài dòng lắm, nó thuộc về phác đồ điều trị, tôi không thể nói được". - Khi thấy tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, sao không đưa vào bệnh viện cấp cứu? Bác sỹ Súa: "Lúc đó nguy kịch thì mình phải cứu chứ, đuổi người ta đi sao được". - Theo ông, nguyên nhân trực tiếp khiến chị Na tử vong là gì? Bác sỹ Súa: "Tôi đã thực hiện đúng quy trình xử lý, còn vì sao bệnh nhân tử vong thì tôi không biết...". - Ông thấy có gì đáng tiếc trong sự việc này? Bác sỹ Súa: "Phải tìm mọi cách thuyết phục bệnh nhân vào bệnh viện, khi nguy kịch phải đưa đi cấp cứu chứ không nên giữ lại. Nhưng tôi đã nói rồi, cơ bản là chỗ bà con dòng tộc nên họ nhờ tôi giúp...". - Khi giúp chị Na phá thai, ông có lấy tiền không?. Bác sỹ Súa: "Gia đình đưa 3 triệu đồng, sau đó tôi trả lại rồi". Nhưng theo anh Vàng A Cha, bác sỹ Súa bảo Na mất rồi thì lấy 4 triệu đồng, gia đình xin mãi ông ta mới bớt cho 1 triệu. Nhận tiền xong, ông Súa bảo Vàng A Cha dắt xe máy vào nhà, buộc thi thể Na xong chạy thẳng ra, không cho ai nhìn thấy. Ông Súa còn dặn đừng nói với ai là bác sỹ làm thế, mà phải nói là Na tự mua thuốc phá thai uống trước rồi mới đến nhờ, bác sỹ đã cố gắng giúp nhưng không được. Đến chiều 8/11, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khám nghiệm hiện trường phá thai tại nhà ông Súa, sáng hôm sau đến nhà nạn nhân khám nghiệm tử thi để phục vụ điều tra. Kết quả khám nghiệm cho thấy chị Na bị căng xung huyết phổi, quai ruột, trong tử cung có dị vật... Lúc này, mới có ông Lầu Bá Lồng (Công an viên xã Đắk Ngo) và ông Lầu Vạ Dua (trú tại xã Quảng Tâm) đến nhà nạn nhân tự giới thiệu là "đại điện cho bác sỹ Súa". Hai người này cùng gia đình chị Na lập một lúc 3 văn tự. Một là trả lại 3 triệu đồng phá thai, hai là người nhà cam kết không khiếu kiện để được bồi thường 44 triệu đồng, ba là giấy hẹn đến hết tháng 1/2014 bác sỹ Súa sẽ trả tiền bồi thường. Anh Vàng A Cha cho biết thêm, họ còn yêu cầu viết giấy cam đoan không kiện bác sỹ Súa, nhưng em bảo khi nào đưa đủ tiền em mới viết. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Y tế huyện Tuy Đức cho biết, trước đây ông Và Bá Súa công tác tại một trung tâm cai nghiện đóng tại huyện Tuy Đức. Năm 2009, ông chuyển công tác về bệnh viện huyện, mấy tháng sau được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại sản. Trước đây bác sỹ Súa có mở phòng mạch tư không xin phép, Phòng Y tế huyện đã kiểm tra, nhắc nhở. Còn việc thai phụ Vàng Thị Na tử vong là do ông Súa lén lút làm chui, tranh thủ ngoài giờ nên cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, phát hiện... Sai phạm của ông Súa là rất nghiêm trọng, nhưng cơ quan công an đang tiếp tục điều tra nên ngành y tế chưa xử lý. Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ việc. Ngày 18/11, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động của phòng khám tư nhân của bác sỹ Và Bá Súa và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của Luật Khám chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân. Kết quả giải quyết, Sở Y tế Đắk Nông báo cáo về Bộ Y tế qua Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em. Sẽ xử lý nghiêm khắc. Bác sỹ Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, về mặt hành chính, sở đã cho thanh tra giải tán phòng khám chui của bác sỹ Súa, sắp tới sở sẽ đình chỉ chức vụ, tiến hành xử lý bác sỹ này theo quy định ngành. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Tự, Trưởng Công an huyện Tuy Đức cho biết thêm, hiện cơ quan CSĐT Công an huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những thủ tục cần thiết đề đề nghị khởi tố đối với bác sỹ Và Bá Súa về hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân. Theo CSTC.
Các loại hình văn học nghệ thuật khác như văn học, sân khấu, điện ảnh... đã ít nhiều có những cách tiếp cận thích hợp, nhưng với nghệ thuật nhiếp ảnh, đây là lần đầu tiên có một cuộc thi ảnh có quy mô lớn về đề tài người chiến sĩ Công an Hà Nội được tổ chức với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội. Với đặc thù riêng của lực lượng Công an, mối quan tâm cũng đồng thời là nỗi băn khoăn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn tham gia cuộc thi này là khả năng tiếp cận với hình ảnh người chiến sĩ Công an thường khó hơn đối với những đối tượng khác. Vì thế, Công an Tp Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để các nhà nhiếp ảnh tiếp cận với các đơn vị, các lĩnh vực công tác. Chỉ trong hơn 1 tháng, đã có gần 80 nhóm các nhà nhiếp ảnh đi xuống các đơn trên khắp địa bàn Thủ đô để tác nghiệp, ghi nhận những khoảnh khắc đặc biệt về đời sống và công việc của lực lượng Công an. Phân luồng giao thông (tác giả Ngô Lịch, giải nhất). Triển lãm ảnh "Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên" trưng bày 120 bức ảnh trong số 1.050 tác phẩm gửi đến cuộc thi, đã ghi lại nhiều hình ảnh đặc trưng về công việc của lực lượng Công an. Các tác phẩm đã thể hiện sinh động, chân thực về thực tiễn công việc của người chiến sĩ Công an trên các vị trí công tác: Cảnh sát giao thông có tác phẩm "Phân luồng giao thông" của tác giả Ngô Lịch đoạt giải Nhất cuộc thi; Cảnh sát cơ động có tác phẩm chân dung "Chiến sĩ Cảnh sát cơ động" của tác giả Phạm Hùng Cường (giải Ba); Cảnh sát hình sự đặc nhiệm có "Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - "Quả đấm thép" của Công an Thủ đô" của tác giả Nguyễn Phú Khánh (giải Khuyến khích)... Đồng thời triển lãm còn gây ấn tượng với người xem về những góc nhìn mới trong đời sống sinh hoạt gia đình, khắc họa tâm tư tình cảm của tuổi trẻ, tình yêu lứa đôi của người chiến sĩ Công an. Bên cạnh những tố chất cần có của một người chiến sĩ Công an như mạnh mẽ, dũng cảm, họ vẫn là những con người bình dị, đầy tình thương yêu với con người, với cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con, chăm chút cho cuộc sống gia đình thông qua các tác phẩm: "Vì dân" (Nguyễn Xuân Chính, giải Nhì), "Mình vì mọi người" (Vũ Quốc Hưng, giải Nhì), "Chiến sĩ Công an nhân như người thân của mọi gia đình" (Vũ Quốc Hưng, giải Ba), "Hạnh phúc" (Phạm Hùng Cường, giải Khuyến khích), "Giờ tiếp dân" (Trần Bá Ngọc, giải Khuyến khích)... Mình vì mọi người (tác giả Vũ Quốc Hưng, giải nhì). Tại triển lãm này, nhiều người xem dừng lại khá lâu trước tác phẩm "Chiến sĩ cảnh sát cơ động" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường khi anh khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ cảnh sát cơ động: khuôn mặt rắn rỏi, cái nhìn kiên nghị, sắc sảo nhưng nụ cười đầy thân thiện, ấm áp, giản dị. Thượng tá Lê Đức Đoàn - Đội Cảnh sát giao thông số 1, Công an thành phố Hà Nội, người công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012 có mặt tại buổi khai mạc triển lãm đã rất bất ngờ, xúc động khi hình ảnh anh đang đẩy giúp 1 chiếc xe ôtô gặp sự cố gây ách tắc giao thông trên cầu Chương Dương đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Minh ghi lại và đoạt giải, nhận được nhiều lời khen ngợi. Bên cạnh đó, nụ cười tươi rói của 2 chiến sĩ Cảnh sát khi đi hiến máu cứu người trong tác phẩm "Mình vì mọi người" của tác giả Vũ Quốc Hưng đã thuyết phục hoàn toàn người xem. Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến đã "bắt" được hình ảnh một nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm vừa trẻ trung, duyên dáng nhưng vẫn toát lên sự thông minh, kiên định, quả cảm khiến nhiều người cảm mến. Thông qua triển lãm lần này, người xem đã có thêm nhiều thiện cảm đối với lực lượng Công an, cảm nhận được sự gần gũi của người chiến sĩ Công an với nhân dân và phát hiện ra những góc nhìn đầy thân thiện, nhân văn của những con người mặc cảnh phục mà đôi khi do tính chất công việc đặc thù, họ đã không có nhiều cơ hội để công chúng rộng rãi biết đến. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Tp Hà Nội: "Mục đích của cuộc thi là nhằm tôn vinh truyền thống tốt đẹp, bản chất Anh hùng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô trong 68 năm qua, tạo hướng chuyển biến mạnh mẽ trong công việc, hành động trên các mặt công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng; tuyên truyền để cho các cấp, ngành và nhân dân thấy được những chiến công, những tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội qua các thời kỳ; góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng Công an. Mặc dù thời gian sáng tác ngắn, nhưng các tác giả đã không quản ngại khó khăn, vất vả để thâm nhập thực tế cuộc sống, sinh hoạt, công tác chiến đấu của lực lượng Công an Hà Nội, lựa chọn được những khoảnh khắc bấm máy để ghi lại hình ảnh của người chiến sĩ Công an Hà Nội dung dị, đời thường, chân thật, đầy lãng mạn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tận tụy vì nhân dân phục vụ. Đồng thời cũng khẳng định, trong mọi chiến công, mọi thành tích của lực lượng Công an Hà Nội đều có sự đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân". Ông Đặng Đình An - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội, Trưởng ban Giám khảo: "Hằng ngày chúng ta đều tham gia giao thông trên các đường phố và chỉ cảm thấy sự phiền hà do khói bụi, ách tắc, tiếng còi xe đinh tai nhức óc mà chưa thấy hết được sự vất vả, nỗ lực của người chiến sĩ Cảnh sát giao thông khi hằng ngày phải túc trực ở những điểm nóng của tắc nghẽn. Tác phẩm "Phân luồng giao thông" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Lịch đã cho ta một cái nhìn mới khi anh đứng ở tầm cao chụp xuống một ngã tư. Trong bức ảnh này, người Cảnh sát giao thông trở nên thật bé nhỏ trước dòng người và xe cộ khổng lồ. Nhưng tất cả hàng trăm phương tiện giao thông ùn ùn trước ngã tư ấy đều phải tuân theo sự điều hành của người Cảnh sát giao thông. Anh trở nên nhỏ bé trong khung cảnh ấy, nhưng việc anh đang làm rất quan trọng, nó đem lại trật tự và sự bình yên trên con đường. Tác phẩm "Phân luồng giao thông" xứng đáng đoạt giải nhất cuộc thi. Qua cuộc thi này, những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã gặt hái được ngoài tác phẩm ảnh của mình là sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với công việc đầy khó khăn, gian khổ của người chiến sĩ Công an qua các chuyến đi thực tế. Đồng thời, truyền thêm ngọn lửa tin yêu vào lực lượng Công an đang ngày đêm góp phần làm cho Thủ đô và đất nước bình yên". Tác giả Nguyễn Huy Thịnh, người có nhiều ảnh dự thi nhất (71 tác phẩm): "71 tác phẩm tôi gửi đi dự thi lần này được tôi chọn từ gần 400 bức ảnh tôi chụp trong thời gian qua. Tôi rất hào hứng với cuộc thi này nên đã đi thực tế rất nhiều đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương như Công an huyện Mỹ Đức, Ba Vì, các Đội Cảnh sát giao thông số 1, 4, 7, 10 của Công an Hà Nội Cuộc thi này thực sự hấp dẫn tôi vì tôi mong muốn đưa đến cho người xem những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an. Theo tôi, với đặc thù công việc hay phải "va chạm" với dân cho nên đôi khi hình ảnh người chiến sĩ Công an trong mắt nhân dân còn thiếu đi sự gần gũi, cảm thông. Trong khi đó, công việc của các chiến sĩ Công an thật vất vả, đêm hôm, mưa lũ, giá rét vẫn phải túc trực trên đường hoặc đi bắt tội phạm, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Có những chiến sĩ an ninh trẻ sinh ra và lớn lên ở Thủ đô nhưng phải vào Đắk Lắk, lên Lai Châu, Điện Biên để "cắm bản" giữ gìn an ninh trật tự Sự cống hiến, hy sinh của họ nhiều lắm, nhưng nhiều khi vẫn chưa được ghi nhận đúng mức. Vì thế, tôi muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an đẹp hơn trong mắt mọi người".
Một phụ nữ cầm cờ ly khai của Catalonia trên đường phố Barcelona hôm 2/10. Ảnh: Reuters. Catalonia, một trong những vùng tự trị của Tây Ban Nha nằm ở đông bắc nước này, sẽ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vài ngày tới, sau cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi hôm 1/10 cho thấy hơn 90% cử tri Catalonia ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha. Khát khao độc lập của người dân Catalonia xuất phát từ việc muốn có quyền tự quyết trong tất cả lĩnh vực, bao gồm văn hóa, chính trị, kinh tế. Lợi ích dễ thấy trước mắt nếu độc lập là quyền tự chủ về kinh tế nhưng Catalonia sẽ đối diện với nhiều thách thức khi bắt tay xây dựng nhà nước mới. Nguồn thu thuế sẽ tăng. "Madrid nos roba" (Madrida cướp của chúng ta) là một khẩu hiệu phổ biến được sử dụng trong phong trào ly khai ở Catalonia. Người dân Catalonia cho rằng vùng tự trị của họ phải đóng góp vào ngân sách của nhà nước Tây Ban Nha nhiều hơn những gì họ nhận lại được từ đây. Theo BBC, Catalonia chắc chắn giàu có hơn các vùng khác của Tây Ban Nha. Chỉ chiếm 16% dân số Tây Ban Nha nhưng Catalonia đóng góp đến 19% GDP của Tây Ban Nha và hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha. Sức ảnh hưởng của Catalonia trong nền kinh tế Tây Ban Nha thể hiện rõ rệt nhất trong lĩnh vực du lịch. Năm ngoái, 18 triệu trong tổng số 75 triệu du khách quốc tế đến Tây Ban Nha chọn Catalonia làm điểm đến chính. Thành phố cảng Tarragona của Catalonia cũng là một trong những trung tâm hóa chất lớn nhất châu Âu. Barcelona, thủ phủ của Catalonia là một trong 20 cảng biển hàng đầu của EU xét trên khối lượng hàng hóa được xử lý tại đây. 1/3 lực lượng lao động của Catalonia có trình độ đại học. Thực tế, đúng là người dân Catalonia đóng góp thuế nhiều hơn mức ngân sách mà Madrid phân bổ cho họ hàng năm. Năm 2014, người dân Catalonia đóng thuế nhiều hơn 10 tỷ EUR so với mức chi tiêu công ở vùng của họ. Liệu Catalonia có thể xóa bỏ chênh lệch này sau khi trở thành một nhà nước độc lập? Một số ý kiến cho rằng dù Catalonia thu được thuế nhiều hơn nhờ độc lập, chi phí để thành lập và vận hành các cơ quan công quyền mới sẽ ngốn hết phần dôi dư. Một số ý kiến nói rằng việc nhà nước Tây Ban Nha phân phối tài chính từ vùng giàu hơn sang vùng nghèo hơn là điều hợp lý. Nhiều việc phải làm. Theo BBC, thoạt nhìn Catalonia dường như đã có những điều cần thiết để thành lập một nhà nước độc lập bao gồm quốc kỳ, nghị viện, lãnh đạo. Vùng tự trị này cũng có lực lượng cảnh sát riêng gọi là Mossos d'Esquadra. Catalonia có cơ quan quản lý phát thanh truyền hình riêng và thậm chí có các phái bộ ngoại giao, tức "các đại sứ quán mini" để thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Catalonia từ khắp nơi trên thế giới. Catalonia cũng đã tự cung cấp một số dịch vụ công như giáo dục và y tế. Song trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập, họ có rất nhiều việc phải làm như kiểm soát biên giới, giao thông; xây dựng lực lượng hải quan, quốc phòng; thiết lập quan hệ quốc tế, ngân hàng trung ương và sở thuế vì tất cả các hoạt động này đều do Madrid điều hành. Nhưng giả định các cơ quan mới được thành lập, liệu Catalonia có đủ ngân sách để trang trải cho các hoạt động của chúng? Theo nhà bình luận Ciaran Giles từ AP, sau khi tuyên bố độc lập, ngoài việc hạ quốc kỳ Tây Ban Nha xuống khỏi các tòa nhà chính quyền, nhà chức trách Catalonia khó có thể làm điều gì khác. Việc tuyên bố độc lập chỉ mang tính biểu tượng. Ciaran Giles cho rằng Catalonia không có đủ lực lượng an ninh để thiết lập các đường biên giới, trong khi đó, các lĩnh vực quan trọng như thuế, ngoại giao, quốc phòng, các sân bay, cảng biển, tàu lửa đều được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Tây Ban Nha ở Madrid. Gần đây, Tây Ban Nha cũng kiểm soát gần như hoàn toàn hoạt động chi tiêu của Catalonia. Cảng Barcelona, một trong 20 cảng lớn nhất ở EU. Ảnh: Reuters. Nợ công đe dọa. Có lẽ mối lo ngại lớn hơn là khoản nợ công của Catalonia. Chính phủ Catalonia đang nợ 77 tỷ EUR, tương đương 35,4% GDP của vùng tự trị này. Trong số nợ này, 52 tỷ là khoản vay nợ từ chính phủ Tây Ban Nha. Năm 2012, chính phủ Tây Ban Nha thành lập một quỹ đặc biệt để cung cấp tài chính cho các khu vực không thể vay mượn tiền từ các thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Catalonia là vùng được nhận được nhiều tiền nhất, khoảng 67 tỷ EUR kể từ khi quỹ này được giải ngân. Sau khi tuyên bố độc lập, Catalonia sẽ không được tiếp cận quỹ này nữa. Câu hỏi đặt ra là nhà nước độc lập Catalonia trong tương lai sẵn sàng trả bao nhiêu nợ cho Tây Ban Nha? Vấn đề đó sẽ phủ bóng lên bất cứ cuộc đàm phán nào giữa hai bên. Một vấn đề nữa là liệu Catalonia có buộc phải chia sẻ gánh nợ quốc gia của Tây Ban Nha hay không nếu tách khỏi nước này? Không được công nhận. Chưa có nước hay cơ quan quốc tế nào bày tỏ ủng hộ đối với phong trào đòi độc lập của chính quyền Catalonia. Vì vậy, bất kỳ tuyên bố độc lập nào của Catalonia cũng có thể bị bác bỏ ngay từ đầu. Liên minh châu Âu (EU) đã sát cánh bên chính quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khi tuyên bố rằng Catalonia sẽ bị loại khỏi EU và không được sử dụng đồng tiền chung EUR nếu tuyên bố độc lập. Về phương diện kinh tế, rất khó để dự báo liệu Catalonia có thể trụ vững sau khi tách khỏi Tây Ban Nha hay không. GDP hàng năm của Catalonia đạt khoảng 215 tỷ EUR, mức cao nhất trong số các vùng ở Tây Ban Nha và lớn hơn GDP của Hy Lạp. Song nhiều hàng hóa tại vùng này được nhà nước Tây Ban Nha cung cấp. 2/3 xuất khẩu của Catalonia đi vào EU. Catalonia cần nộp đơn xin gia nhập EU nếu vùng tự trị này tách khỏi Tây Ban Nha và việc đó sẽ cần sự đồng ý của tất cả nước thành viên, kể cả Tây Ban Nha. Một số người trong phe ủng hộ độc lập cho rằng Catalonia có thể dàn xếp để đi theo mô hình quan hệ Na Uy - EU, tức là Catalonia không phải là thành viên của EU nhưng sẽ tiếp tục quan hệ chặt chẽ với EU với tư cách là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Tuy nhiên, EU có thể không ủng hộ Catalonia và Tây Ban Nha cũng sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn các nỗ lực thiết lập quan hệ kinh tế với EU của Catalonia. Đối mặt với sự trừng phạt của Madrid. Ciaran Giles cho rằng trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha có hai sự lựa chọn chính. Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha cho phép chính phủ đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần quyền tự trị của bất cứ vùng nào nếu chính quyền của vùng đó không tuân thủ các cam kết hiến pháp hoặc tấn công các lợi ích chung của Tây Ban Nha. Trước hết, Catalonia sẽ bị cảnh báo và nếu chính quyền vùng này tiếp tục không tuân thủ, các biện pháp xử lý tiếp theo sẽ được đưa ra thượng viện Tây Ban Nha để bỏ phiếu thông qua. Đây sẽ là vấn đề đơn giản đối với Thủ tướng Rajoy vì đảng của ông đang nắm đa số ghế tại thượng viện. Các biện pháp xử lý tiếp theo có thể bao gồm đặt toàn bộ cảnh sát của Catalonia dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Nếu cần thiết, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha có thể được triển khai thực thi các biện pháp này. Phương án gay gắt hơn là tuyên bố tình trạng bị bao vây nếu chủ quyền của Tây Ban Nha bị uy hiếp bởi tuyên bố độc lập của Catalonia. Động thái này có thể cho phép tạm ngưng các quyền dân sự và áp đặt thiết quân luật ở Catalonia. Biện pháp này cần được đưa ra thảo luận và thông qua tại hạ viện Tây Ban Nha. Đây là bước đi khó khăn vì đảng của ông Rajoy chỉ nắm thiểu số ở hạ viện. Cả hai phương án đều khó có thể tiến hành ngay. Giáo sư luật hiến pháp Fernando Simon ở Đại học Navarra, Tây Ban Nha, cho rằng với cả hai phương án đều khiến Tây Ban Nha tiến vào một tương lai bất định. Với tình hình hiện tại, thỏa hiệp là phương án tốt nhất cho các bên. Nhưng nếu cả chính quyền Tây Ban Nha lẫn Catalonia không chịu nhượng bộ, điều này rất ít khả năng xảy ra. Cả hai bên đều nói rằng họ sẵn sàng đối thoại nhưng lại đưa ra các điều kiện không thể chấp nhận được cho đối phương. Thủ tướng Rajoy kiên quyết không thảo luận về một cuộc trưng cầu dân ý trừ phi hiến pháp thay đổi và mời chính quyền Catalonia cùng làm việc để thay đổi nó. Chính quyền Catalonia nói rằng quyền tự quyết của Catalonia phải được tôn trọng trước khi hai bên tiến hành đàm phán. Catalonia muốn EU can thiệp nhưng khả năng này khó xảy ra. Catalonia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế làm trung gian nhưng Tây Ban Nha sẽ không nhất trí điều này. "Tình hình ở Tây Ban Nha đang thực sự nghiêm trọng", ông Simon nói. Theo Hồng Vân/VnExpress.
Trong bài viết về TPP Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức- Hành động của chúng ta mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thế giới vận động và phát triển rất nhanh, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó. Và nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó. Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một thể chế tốt với chất lượng cao, phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế, Thủ tướng khẳng định, phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giai đoạn phát triển mới đòi hỏi có quyết tâm rất cao để cải cách, tận dụng được các cơ hội mà nỗ lực hội nhập đã mở ra. Từ những biến động toàn cầu. Quả vậy, năm 2016 này đã bắt đầu với nhiều biến động và bất ổn khó lường. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm liên tục, cho đến 27/1/2016 đã "bốc hơi" 1.800 tỷ USD kéo theo sự lao dốc của chứng khoán toàn cầu. Đồng nhân dân tệ mất giá, giá dầu thô, nguyên liệu, nông sản giảm mạnh, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo thấp hơn so với trước đây. Ngày 09/2/2016, thị trường chứng khoán toàn cầu lại sụp đổ nặng nề. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã áp dụng lãi suất âm, doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng không được lãi mà phải trả phí để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trước nguy cơ tăng trưởng giảm sút mạnh. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường với nhiều điểm nóng, như chưa ai biết căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ ảnh hưởng ra sao, vấn đề người tị nạn kéo vào châu Âu sẽ được giải quyết thế nào? Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa thực dụng đang lên ngôi. Các nước một mặt phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, mặt khác tiếp tục tăng cường thương mại và hợp tác kinh tế với Trung Quốc vì quy mô của thị trường này quá lớn. Chỉ một hợp đồng Trung Quốc mua 300 máy bay Boeing đã là 38,2 tỷ USD khiến cho Boeing phải chấp nhận đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy lắp ráp ngay tại Trung Quốc là một ví dụ. Thế giới thực sự đã thay đổi rất nhanh và trở nên rất khó dự báo bằng những nguyên tắc và đạo lý của quá khứ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến nông-lâm-ngư nghiệp và đời sống con người trên thế giới và nước ta. Khoa học công nghệ đang tiến như vũ bão, những thành tựu mới đang làm thay đổi sâu sắc các sản phẩm, dịch vụ, đời sống con người và năng lực cạnh tranh của mỗi nước. Tất cả đều cho thấy hơn bao giờ hết, chúng ta phải nhìn thẳng vào những thay đổi bằng tư duy hiện thực của thế kỷ thứ 21 chứ không phải qua các lý thuyết, mô hình phát triển, công nghiệp hóa không còn phù hợp. Nhà nước, doanh nghiệp đều phải rất năng động, phản ứng kịp thời, mạnh mẽ trước những thay đổi để không bị trả giá đắt mà không cần thiết. Mọi sự ngộ nhận, duy ý chí cũng sẽ bị thực tế thách thức. Bước ngoặt TPP và yêu cầu xây dựng thể chế. Nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, năm 2015 đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà bước ngoặt quan trọng là TPP với những cam kết rõ ràng, có tính ràng buộc về công khai minh bạch, quyền của người lao động Và khi kết thúc các hiệp định đang đàm phán, nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế, đưa nước ta lên vị trí bình đẳng về pháp lý trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất-nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh. Chưa bao giờ vị thế quốc tế của nước ta được củng cố vững chắc và có cơ sở pháp lý minh bạch như vậy. Đó là những quyết định đúng đắn, mở ra cho nền kinh tế nước ta những cơ hội to lớn về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, những cũng đòi hỏi nước ta phải đẩy mạnh cải cách toàn diện, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, vượt qua những thách thức to lớn đang ở phái trước. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, TPP tạo ra cơ hội để nền kinh tế nước ta có thể tăng GDP thêm 8,1% vào năm 2035, xuất khẩu tăng 17,1% và tổng lượng vốn chảy vào nền kinh tế tăng 11,9%, như bảng sau đây: Tác động của TPP tới các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Việt Nam. Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, năm 2015, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số thành tựu và tiến bộ đáng trân trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,68%, lạm phát thấp, chỉ số CPI chỉ là 0,64% tính bình quân cho cả năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (Global Competitiveness Index) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng đã được nâng lên 12 bậc, từ 68 trên 144 nền kinh tế năm 2014 lên 56 trên 140 nền kinh tế năm 2015. Đại hội XII của Đảng đã có những định hướng rõ ràng về xây dựng thể chế kinh tế thị trường. Cụ thể là: "Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đồng thời, Nhà nước sử dụng các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối để phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, cải thiện đời sống nhân dân". "Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học, công nghệ". "Đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật. Đề cao vai trò các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Đại hội cũng đã trẻ hóa một bước đội ngũ lãnh đạo, hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công cuộc cải cách. Chậm chân sẽ bị trả giá. Cơ hội rất lớn, nhưng mặt khác, thách thức đối với nước ta trong thời gian tới cũng không nhỏ. Trước hết, lộ trình và nội dung cải cách, bước đi và tốc độ thực hiện đã được cam kết trong các hiệp định, bất kỳ sự chậm chạp hay thiếu sót nào đều bị trả giá. Đến năm 2018 nước ta phải được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có những điều kiện cụ thể về cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, tỷ giá, quyền của người lao động. Trong khi đó, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Điều rất quan trọng là pháp luật về quyền tài sản và quyền sở hữu chưa bảo vệ đầy đủ nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Một ví dụ, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2016, thời gian thông quan với hàng hóa xuất khẩu là dưới 10 ngày, trong khi cam kết theo Hiệp định TPP là 48 giờ vào năm 2018. Việc bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các cam kết như vậy trên các lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực rất lớn của bộ máy và cán bộ có liên quan. Đặc biệt, thể chế nhà nước trong kinh tế thị trường còn nhiều yếu kém và bất cập. Việt Nam vẫn có khoảng cách xa so với nhiều đối tác. Năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng lên nhưng vẫn kém nhiều nước ASEAN. Các chỉ số về thể chế đều xếp thấp hơn nhiều so với thứ hạng chung về năng lực cạnh quốc gia của Việt Nam. Cũng đáng lưu ý là chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) do tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, TI) cho thấy điểm số của Việt Nam không thay đổi từ 4 năm nay. Mặc dầu chỉ có tính tham khảo, song rõ ràng thứ hạng rất thấp về một số chỉ tiêu đang là lực cản với nền kinh tế nước ta. Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi có quyết tâm rất cao để cải cách, tận dụng được các cơ hội mà nỗ lực hội nhập đã mở ra. Hy vọng rằng quyết tâm và sức ép từ các cam kết quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn trong năm 2016, Bính Thân này. TS Lê Đăng Doanh/chinhphu.vn.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta. Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Đây là một Hiệp định thương mại t ự do thế hệ mới được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc nước ta ký Hiệp định TPP không chỉ là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Sâu xa hơn, đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các Nghị quyết của Đảng. Đây còn là những trải nghiệm rút ra từ thực tiễn hội nhập của nước ta sau khi ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. TPP là Hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện. Thực hiện chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong các nhiệm kỳ Đại hội X và XI, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ về đàm phán tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do mới. Đây là những Hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây. Đặc biệt, TPP và FTA với EU là những Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Các Hiệp định này còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như môi trường và lao động. Với những nội hàm chủ yếu nêu trên, TPP cùng với FTA Việt Nam-EU được gọi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. TPP là Hiệp định t iếp cận thị trường toàn diện , bảo đảm sự dịch chuyển tự do ở mức độ cao hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi quan thuế; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, qua đó đem lại lợi ích nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh, người lao động cũng như người tiêu dùng. Theo Thủ tướng, TPP cùng FTA với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức đối với nước ta. Ảnh: Reuters. TPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 12 nước thành viên; tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, xây dựng chính sách cạnh tranh và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và bảo vệ môi trường. Hiệp định còn có các quy định bảo đảm cơ hội để các nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể được hưởng lợi; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển. TPP cũng bao gồm các cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và có sự linh hoạt về lộ trình thực thi, phù hợp với sự khác biệt về trình độ phát triển để các bên có khả năng đáp ứng cam kết và tận dụng đầy đủ lợi ích của Hiệp định. Đồng thời, quy định cơ chế giám sát thực thi và chế tài xử lý các vi phạm. TPP tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước; thừa nhận yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hiệp định cũng được kỳ vọng là tạo ra một nền tảng mới cho hội nhập kinh tế khu vực và tạo cơ hội cho các quốc gia khác trên vành đai châu Á-Thái Bình Dương tham gia. Trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp và còn nhiều khó khăn, việc chủ động quyết định tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững, thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước ta. Đây còn là sự khẳng định niềm tin vào ý chí, khả năng và sức mạnh của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia. TPP cùng FTA với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức đối với nước ta. Các Hiệp định này sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18.000 tỷ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20.000 tỷ USD. Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các Hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20. Xuất khẩu và đầu tư có vai trò quyết định cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống dân cư, nhất là trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người và tiêu dùng nội địa của nước ta còn thấp. Tăng tỷ trọng xuất nhập khẩu với các thị trường này cũng làm cho quan hệ thương mại với các nước cân bằng hơn. Những cam kết trong các Hiệp định là những khung khổ, chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tham gia các Hiệp định này còn là một bước tiến mới trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Cùng với những cơ hội thuận lợi, các Hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài gần như bị san phẳng. t. rong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ảnh: Reuters. Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị doãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng. Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý. Nội dung về lao động - công đoàn cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả hệ thống chính trị của nước ta. Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục. Điều cần nhấn mạnh là, trong các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội đây cũng là biện chứng của tiến trình phát triển. Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tham gia các Hiệp định FTA mới, nhất là các Hiệp định thế hệ mới TPP và FTA với EU; và trong điều kiện công nghệ thông tin, Internet phát triển bùng nổ, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thương mại, dịch vụ toàn cầu; cùng với những tiến bộ trong vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài gần như bị san phẳng. Hệ quả là, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó. Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó, cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này. Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể tự mình quyết định được tất cả. Doanh nghiệp phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước. Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Doanh nghiệp được tự quyết định kinh doanh trên các lĩnh vực mà luật pháp không cấm đồng thời phải đề cao trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh. Xã hội thông qua người dân và các Tổ chức, các Hội nghề nghiệp đại diện cho mình và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập để đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp CEO Google Sudar Pichai. Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn pháp luật. Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cán bộ công chức chỉ được làm và phải làm những việc theo quy định của pháp luật. Tiếp tục cải cách bảo đảm sự tương thích, đồng bộ giữa luật pháp, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Tổ chức trùng lắp, chồng chéo sẽ gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển. Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới. Đặt việc cải thiện môi trường kinh doanh trong yêu cầu cải cách thể chế. Thể chế tạo ra khung khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. Những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy mà còn gắn chặt với chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất và năng lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt quan tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ pháp lý, các nhà quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển. Chỉ trên nền tảng đổi mới thể chế quản trị quốc gia phù hợp mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Cũng chỉ trên cơ sở đổi mới thể chế phù hợp mới tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, ổn định nguồn cung để có thể tăng nhanh thị phần trên thị trường thế giới. Nếu không, sẽ không tận dụng được cơ hội thuận lợi do TPP, FTA với EU và các FTA mới mang lại. TPP cũng như FTA với EU yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch hoạt động và cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước đồng thời khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Để bảo đảm thành công trong hội nhập quốc tế và thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là TPP và FTA Việt Nam - EU, trước hết phải có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, các cấp các ngành và của cộng đồng doanh nghiệp. Phải làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững. Cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp của mọi người dân và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta đang sống trong một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Nếu có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tăng trưởng đúng đắn, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp lớn. Tham gia các Hiệp định này, Việt Nam còn có thêm cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tăng quy mô, tạo điều kiện hình thành những doanh nghiệp lớn đồng thời với xu thế cá thể hóa doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp của mọi người dân và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp chúng ta hãy nêu cao niềm tự hào dân tộc, chung sức đồng lòng, chủ động khai thác và phát huy tốt nhất cơ hội thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức trong hội nhập, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Người phụ nữ bất hạnh đó là bà Đinh Thị Anh (56 tuổi, trú thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Suốt 31 năm qua, bà chưa 1 lần được chợp mắt để chìm vào giấc ngủ như bao người khác. Người thân, hàng xóm láng giềng gọi bà là "dị nhân không ngủ". Mất ngủ sau khi sinh con. Vùng đất Quảng Nam vốn tồn tại nhiều câu chuyện lạ lùng. Ở xứ Quảng, chuyện lão nông có tên Thái Ngọc (75 tuổi, trú xã Trung Phước, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) suốt 45 năm không ngủ nổi danh khắp cả nước. Ông Ngọc cũng là nhân vật chính của hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình vì cái khả năng kỳ lạ của mình. Người đời mệnh danh ông là người đàn ông không biết ngủ. Cũng ở xứ đấy còn có 1 người phụ nữ ở huyện Đại Lộc cũng mang trong mình khả năng kỳ dị như ông Ngọc. Đó là bà Đinh Thị Anh ở thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp. Căn nhà nhỏ của bà Anh nằm giữa thôn Phú Quý. Ngôi nhà cấp 4 làm từ bê tông trống trải, chẳng có nhiều tài sản. Tường nhà vẫn còn nham nhở vết bê tông, chưa được tô quét dù xây đã lâu. Bà Anh đang phơi củi trước sân nhà, tỏ vẻ không vui khi có khách lạ là nhà báo ghé thăm. Người phụ nữ 31 năm chưa 1 lần được ngủ. "Chuyện của tui có chi mà hỏi miết. Hỏi mãi, bày cách mãi mà tui có ngủ được đâu mà hỏi", bà Anh giận dỗi. Chị Phan Thị Hiếu (36 tuổi), con gái bà Anh, vội vàng thay mẹ mời khách vào nhà, giải thích: "Nhiều người từ khắp nơi tò mò tìm đến hỏi về việc mẹ tôi không ngủ, rồi bày đủ cách giúp bà. Bà làm theo mà vẫn không ngủ được nên bây giờ ai hỏi là không vui. Mẹ tôi không ngủ được bắt đầu từ lúc sinh tôi ra đời". Nhờ chị Hiếu thuyết phục, bà Anh mới chịu kể nguồn cơn câu chuyện của mình. Dáng người gầy gò, bà Anh hồi tưởng lại cả quảng đời đầy bi kịch. Bà sinh ra trong 1 gia đình nghèo có đến 7 người con ở xã Đại Hiệp. Từ thưở nhỏ, bà đã phụ giúp cha mẹ làm việc đồng áng như báo đứa trẻ nông thôn khác. Năm 20 tuổi, bà Anh được cha mẹ mai mối rồi kết hôn với người thanh niên cùng làng tên Phan Văn Chí. "Chồng tôi mồ côi cha nên chúng tôi cùng phận nghèo với nhau. Hai vợ chồng tôi cưới nhau rồi tách ra ở riêng. Vợ chồng sống chung với nhau 2 năm thì sinh được thằng cu. Chúng tôi nuôi nó được 4 tháng thì nó mất vì bệnh", bà Anh tâm sự. Đôi vợ chồng trẻ dìu nhau bước qua nỗi đau mất con để tiếp tục mưu sinh. Trời không phụ lòng người, bà Anh lại mang thai rồi sinh ra 1 cô bé bụ bẫm. Ông Chí đặt tên con là Phan Thị Hiếu để mong sau này con gái luôn hiếu thuận với cha mẹ. "Sinh con Hiếu xong thì sức khỏe tôi yếu hẳn đi. Nó càng lớn thì tôi càng khó ngủ. Lúc đầu, mỗi đêm tôi vẫn ngủ được chừng vài tiếng. Ai cũng nói do chăm con nên bị mất ngủ nên tôi không để ý. Nhưng rồi thời gian ngủ mỗi đêm của tôi cứ ngắn lại và đến khi nó tròn 1 tuổi thì tôi không thể ngủ được nữa. Đó là năm 1985, tôi mới 25 tuổi, chừ thành bà già 56 tuổi rồi mà chưa một lần được nhắm mắt ngủ", bà Anh xót xa. Chồng bỏ đi biệt xứ vì vợ không chịu ngủ. Căn bệnh mất ngủ xuất hiện, 2 vợ chồng bà Anh tìm đủ mọi phương thuốc để điều trị. Bà Anh kể, ông Chí đi làm thuê hàng ngày, nghe ai mách bảo có phương cách gì giúp vợ ngủ cũng thực hiện theo. "Ông ấy đưa tôi ra bệnh viện Đà Nẵng, chữa hơn tháng mà không khỏi nên đưa về. Chồng tôi nghe người Cơ tu có thuốc lá giúp ngủ ngon cũng vượt rừng lên xin về cho tôi. Tôi sắc uống theo hướng dẫn nhưng rồi vẫn không thể nhắm mắt được. Có người nói tôi bị ma quỷ trêu nên vợ chồng gom góp thuê thầy về cúng nhưng cũng chẳng ăn thua. Tôi cứ mất ngủ kéo dài như vậy nên sau đó không đi chạy chữa nữa", bà Anh kể. Người chồng bỏ đi biệt xứ, niềm vui của bà là đứa cháu ngoại. Chị Hiếu cho hay, tuổi thơ của chị hàng đêm luôn có mẹ dỗ dành an ủi dù có thức giấc vào bất cứ lúc nào. "Bố mẹ tôi chữa trị nhiều nơi mà không hết bệnh cho mẹ nên cứ để vậy, hy vọng nó tự hết. Cuộc sống gia đình tôi cũng bị xáo trộn. Bố tôi đêm nào cũng ngủ ngon lành còn mẹ thì cứ trằn trọc trên giường thở ngắn thở dài. Được 1 thời gian rồi ba tôi không ngủ chung với mẹ tôi nữa vì thường xuyên bị mẹ đánh thức", chị Hiếu kể. Nhắc đến người chồng từng 1 thời đầu ấp tay gối, bà Anh như chực muốn khóc. Nói đến chồng, bà vẫn 1 câu ông ấy, 2 câu ông ấy, chẳng 1 lời oán trách người chồng đã bỏ rơi bà suốt mấy chục năm. "Tôi bị bệnh được 3 năm thì ông ấy bỏ đi. Ông ấy để thư lại nói vào miền Nam sinh sống. Đã 31 năm rồi chưa 1 lần ông ấy về thăm nhà. Cũng đúng thôi, ai mà sống chung, chịu đựng được người vợ quái dị như tôi. Ông ấy thỉnh thoảng vẫn gửi thư, điện thoại về cho con Hiếu chứ không liên lạc với tui. Tui cũng chẳng trách chi ổng cả", bà Anh tâm sự. Mong được 1 lần đi ngủ. 31 năm không ngủ, sức khỏe bà Anh đã suy giảm nhiều. Chị Hiếu cũng đã lập gia đình nên ở cùng chồng. Bà Anh sống cùng mẹ già trong căn nhà cấp 4. Bà kể đã không còn cảm giác buồn khi thức trắng hằng đêm như trước. "Cả nhà có chiếc ti vi là quý và nó cũng là bạn của tôi. Ngày đi làm, tối đến ăn cơm uống nước xong tôi sang nhà hàng xóm ngồi chơi. Họ đi ngủ thì mình về nhà bật ti vi coi. Có những lúc chương trình không thích tôi vẫn để vậy. Ti vi nói suốt đêm cho có tiếng người, tôi cũng cảm thấy đỡ hiu quạnh", bà tâm sự. "Tôi mơ được ngủ 1 lần rồi chết cũng thỏa lòng". Người làng Phú Quý cũng đã quá quen với việc bà Anh thức hằng đêm. Nhà nào có việc giỗ, chạp cần làm vào buổi tối đều đến nhờ bà. "Tôi nhớ như in lần con gái bệnh, nửa đêm vợ chồng tôi phải đưa đi bệnh viện gấp. Hai vợ chồng chạy xe máy thì thấy đằng xa có người đi lững thững giữa khuya. Khi đến gần mới nhận ra bà Anh đi bộ giữa làng để giết thời gian, chờ trời sáng. Ở xóm tôi, bà Anh không ngủ nên chẳng bao giờ bị trộm cắp gì cả", anh Nguyễn Văn Hoài, hàng xóm bà Anh, kể. Chị Hiếu cho hay, chuyện mẹ chị không ngủ suốt 31 năm nhiều người biết nên tin đồn ngày 1 lan xa. Nhiều người khắp nơi tìm đến để kiểm tra thực hư. "Họ thức cùng mẹ tôi mấy đêm liền để xem mẹ tôi có lén ngủ không. Xác minh được sự thật thì họ lại bày cách để mẹ tôi được ngủ. Có người bảo đọc kinh phật, bó người dạy tập thiền nhưng đều không có kết quả. Tôi biết mẹ tôi rất muốn được chợp mắt như người bình thường", chị Hiếu xót xa. Suốt 31 năm, bà Anh cũng tìm đủ mọi cách để có thể ngủ dù chỉ trong 1 lúc. Đã nhiều lần, bà Anh mua thuốc ngủ về rồi uống một lúc cả 3, 4 viên nhưng cũng không có tác dụng. Thấy nhiều người đàn ông khỏe mạnh uống rượu say vào nằm ngủ như chết, bà cũng uống rượu cho đến say. Nhưng khác với người, khi say mắt bà vẫn mở trơ trơ. "Ai mách gì tui đều làm theo, mỗi lần như vậy là mỗi lần tự gieo hy vọng cho chính mình. Vậy nhưng chẳng ăn thua. Tôi muốn được ngủ 1 lần thật như bao người rồi chết cũng được", bà Anh buồn bã nói. Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, cho biết việc bà Anh mất ngủ chính quyền địa phương có nắm rõ. Bà Anh nhiều lần được cơ quan y tế thăm khám nhưng không tìm ra bệnh. Địa phương cũng thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ vì bà Anh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo Soha/Trí thức trẻ.
Những đồi ngô bát ngát nhưng nay không thuộc về ông Phương nữa. Cay hơn ớt. Cơn bão số ba khiến cho hơn 10 km đường đất từ trung tâm xã Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, Sơn La) về bản người Xinh Mun ở Nà Nhụng trở thành sự đày ải. Cây đổ, đá chèn, đất lấp. Nhiều chỗ lòng đường tựa lòng suối khiến tôi hoài nghi dừng lại để hỏi, nhiều chỗ đường chỉ đặt vừa vặn một hai bàn chân người, sơ sẩy tí là rơi xuống vực. Đi mải miết không dám nhìn lên cũng chẳng dám nhìn xuống, mặt trời xế bóng tôi mới tìm được vào nhà Trưởng bản Lò Văn Thu. Đã quá bữa cơm chiều, hàng quán lại không có, anh ái ngại nhìn kẻ bộ hành lấm lem bùn đất và hỏi: Ăn được cơm nếp không?. Tôi gật đầu. Vợ Thu dỡ ít xôi đã đồ sẵn từ buổi sáng để trong giỏ, xăm xới ra vườn hái vội một quả bầu về nấu canh với cục xương trâu gác trên bếp. Con trâu vốn là tài sản hồi môn của chị khi về nhà chồng, đang thả trên rừng thì bị xảy chân, ngã núi, đất vùi. Lúc người ta đào được thì nó đã thành một cái xác mềm nhũn, lạnh ngắt, xương sườn, xương ống nát vụn nên đành kéo về mổ. Phần bán chịu cho bà con với giá rẻ, phần gác bếp ăn dần. Tự dưng mất đứt hơn 20 triệu đồng khiến cho cả hai vợ chồng khi kể với tôi cứ thay nhau thở dài sườn sượt. Cây ngô trên đất Sơn La. Theo tổng điều tra dân số năm 2009, Xinh Mun là dân tộc có 23.278 người, nói tiếng Puộc, chủ yếu sinh sống ở Sơn La 21.288 người, Điện Biên 1.926 người, Đồng Nai 10 người, Nam Định 10 người và Hà Nội 10 người. Họ sinh sống bằng nghề gieo lúa nương và săn bắn thú, có tập quán nhuộm răng đen, ăn trầu, uống rượu cần, thích gia vị cay. Kể từ hồi trồng ngô lai cũng là lúc mà dân tộc này biết đến một thứ gia vị còn cay hơn cả ớt, đắng hơn cả rượu, đó là nợ. Bản 146 hộ nhưng có đến 106 hộ nghèo. Một số không thuộc diện hộ nghèo không phải do đã giàu có gì mà bởi vì khi trưởng bản bắc loa mồm thông báo đến từng nhà phải đi họp xét hộ nghèo họ lại không để ý. Thế là nghiễm nhiên thuộc vào danh sách hộ khá giả. Ấy vậy mà chẳng thấy ai thèm thắc mắc về chuyện này. Xót hơn muối. Trước đây dân Xinh Mun trồng lúa nương, cuộc sống tự sản tự tiêu tuy khổ cực nhưng không hề mắc nợ. Hơn mười năm trước có cây ngô lai về bản là có chủ đầu tư về theo. Trước tiên có ông Hà ở Cò Nòi, ông Tuấn Đen ở Hát Lót đến nay thêm ông Biên, ông Bộ, ông Hùng Thụ, ông Đông Nhung, ông Xí Bài... Các chủ đầu tư thuyết phục dân bản không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng ngô. Họ sẵn sàng cấp phát từ giống, phân bón, gạo, muối, mì chính đến cái kim, sợi chỉ, bánh xà phòng. Tất cả đều sẵn có, chỉ việc ký vào sổ nợ là xong. Nhiều hộ không biết chữ cũng chẳng hay trong giấy viết những gì, cứ ký hoặc điểm chỉ đại. Cảnh nghèo khó của các hộ dân. Ứng vật tư ư? Giá ngô giống ở ngoài 70.000đ/kg nhưng chủ đầu tư cho nợ cuối vụ tính lên 130.000đ/kg, không trả nổi năm sau vọt lên 180-200.000đ/kg. Ngược lại, giá mua ngô thương phẩm ở ngoài 4.000đ/kg nhưng bán cho đại lý chỉ được 2.500-3.000đ/kg. Không bán cũng không xong vì đã trót nhận đầu tư rồi. Giá phân đạm bên ngoài chỉ 9.000đ/kg nhưng mua chịu cuối vụ phải trả thành 16.000đ/kg. Từ tháng 3 đến tháng 6 người dân phải ăn gạo của chủ đầu tư, tháng 7 trở đi mới có lúa xuân gặt về. Gạo đầu tư cứng quèo, đồ lên để 1-2 tiếng là không nhai được, chỉ dùng vào mỗi việc nấu rượu. Gạo ấy ngoài chợ bán 10-11.000đ/kg nhưng vì mua chịu nên phải trả thành 20.000đ/kg. Vay tiền ư? Đại lý sẵn sàng cung cấp với mức lãi phổ biến 3%/tháng tương đương 36%/năm. Ốm đau, cưới hỏi, ma chay cần vay nóng ư? Lại càng dễ dàng nhưng hãy chấp nhận lãi 50% bất kể là vài hôm sau trả hay vài tháng sau mới trả (không được quá 10 tháng). Đến ngay nhà trưởng bản Thu vẫn còn một món nợ 20 triệu vay từ hôm 17/3 để mua phân, mua giống. Nếu bán ngô cho người khác lấy tiền trả, chủ đầu tư tính lãi 2,5%/tháng, nếu bán ngô cho chính chủ đầu tư thì sẽ được trừ tiền. Một vụ ngô kéo dài 5 tháng, món nợ 20 triệu Thu vay sẽ nở ra thành 25 triệu. Gần như 100% dân bản ôm nợ, 30-40% phải gán đất trừ dần. Trừ mãi mà chẳng thấy ai thoát. 700 ha ngô của Nà Nhụng theo năm tháng cứ thế dần teo tóp như miếng mỡ ở trong chảo bị vắt đến tận kiệt cùng. Anh Vì Văn Xồn vốn có khoảng 3 ha đất nay không còn tí nào vì gán nợ cho chủ đầu tư Xí Bài trong thời hạn 10 năm và còn ôm thêm khoản 40 triệu chưa trả được. 17 năm cặm cụi trồng ngô, càng làm lại càng nợ, đến cả cái xe máy anh cũng không có. Từ địa vị ông chủ nay Xồn trở thành người làm thuê trên chính đất của mình. Với giá ngô ngày càng xuống dốc như hiện nay không biết bao giờ anh mới trả được hết nợ? Anh Xồn thất thần bên nương ngô. Nhà ông Lò Văn Phương bố vợ trưởng bản Thu nằm lọt thỏm trên đỉnh một quả đồi xung quanh toàn ngô. Quả đồi mênh mông đó bình thường ông phải gieo 60-70 kg ngô giống mới phủ kín (khoảng 5 ha) nay đã thuộc về người khác. Ông Phương không biết chữ lại càng chẳng biết đến các con số ghi trong sổ chốt nợ là đúng hay sai. Khi chuyển giao, chủ đầu tư đã mang sẵn một hộp phẩm đỏ để ông chỉ việc ấn ngón tay to đùng, thô kệch xuống tờ giấy đã biên sẵn, điểm chỉ. Hiện, tổng số nợ của ông lên tới 165 triệu. Theo người con rể của ông đồng thời cũng là trưởng bản buổi làm thủ tục gán đất 39 hộ cho dân Nà Nhụng như sau: Chủ đầu tư phô tô sẵn giấy biên nhận nợ, xã xuống rà soát rồi gọi trưởng thôn cùng đại diện 5 đoàn thể đến chứng kiến cảnh ký giấy gán nợ. Từ đầu đến cuối chủ đầu tư không xuất hiện mà chỉ có con nợ. Đàn ông còn đỡ, đàn bà nhiều người vừa ra khỏi cửa mắt đã đỏ lên rồi. Đó là những nhà bị gán nợ dưới sự chính kiến của cán bộ chính quyền còn nhiều nhà bị gán nợ chui. Gia đình chị Lò Thị Pản bắt đầu trồng ngô với chủ đầu tư Đinh Duy Sĩ từ năm 2002, được cung cấp phân, giống, gạo Lúc đầu số nợ chỉ nhỏ như hạt ngô giống, sau mỗi mùa nó lại phình to lên để hiện nay lớn bằng cả đồi ngô, trị giá 145 triệu. Những tờ giấy gán nợ. Vét sạch các thứ trong gia đình đem bán chị Pản chỉ trả được 21 triệu, vẫn còn nợ 128 triệu. Người chồng bỏ nhà ra đi để lại núi nợ cho đứa con trai là Lò Văn Thiên năm ấy cũng vừa mới lập gia đình gánh vác. Hai vợ chồng Thiên suốt ngày cắm mặt, còng lưng trên đồi từ mờ sáng đến tối mịt người đi sau không nhìn rõ lưng người đi trước. Trời không phụ công người, vụ mùa năm ấy bắp ngô to như bắp chuối rừng. Vợ chồng Thiên bán cả nương ngô được đúng 52 triệu nhưng không hề được đếm mà tất cả đều chảy vào túi ông chủ. Chủ đầu tư bảo với Thiên rằng bố mày đã gán đất cho tao, giờ mẹ con mày phải viết giấy giao lại đất từ năm 2012-2022 nếu không tao sẽ lấy người dưới trung ương lên để giải quyết. Những tờ giấy gán nợ. Lời dọa ấy khiến cho mẹ con Thiên khiếp vía đành phải nghe theo, ký vào tờ giấy bàn giao mảnh đất gieo được 60 kg ngô giống (khoảng hơn 3 ha). Nhà anh hôm đó còn bị biến thành một bãi tập trung cho khoảng 20-30 con nợ đến ký tên hay điểm chỉ. Cái két sắt trong nhà thay vì chứa tiền như thiết kế nay được hoán đổi công năng dùng để chứa đống giấy ghi nợ.
Tên tội phạm ngông cuồng và ngu muội. Hai Chi tên thật là Nguyễn Thanh Gương, SN 1964, ở Quảng Ngãi. Sau đó, hắn phiêu dạt vào thôn Nghĩa Hiệp, xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận để lập nghiệp. Thời gian đầu, Hai Chi cũng rất khó khăn. Thế nhưng, với bản tính ranh ma, quỷ quái, nham hiểm, hắn nhanh chóng trở thành trùm giang hồ có tiếng ở khu vực. Hai Chi có tới 3 vợ và 11 người con. Vợ có hôn thú của tên tội phạm có hành vi man rợ, bẩn thỉu này là Nguyễn Thị Mai, hơn Hai Chi 2 tuổi và cùng quê. Hai Chi mở cho vợ quán cà phê, bia ôm có tên là Trúc Mai. Vợ thứ là là Lê Thị Thu Hằng, người Bình Thuận có lý lịch bất hảo, là gái lái gỗ (tức chuyên buôn gỗ lậu). Hai Chi và Hằng cặp với nhau được người đời gọi là trai tứ chiếng gặp gái giang hồ. Sau đó, Chi cũng mở cho vợ một quán bia ôm có tên là Thu Hằng để kinh doanh. Song thực chất, quán bia này là đại bản doanh để quy tụ các đầu mối gỗ lậu. Nếu kẻ buôn gỗ nào không bán rẻ cho Hằng thì sẽ bị băng của Hai Chi xử đẹp. Băng nhóm của Hai Chi phần lớn là người thân trong gia đình gồm: Con trai, anh, em trai; anh, em con chú, bác của Hai Chi... Người ngoài, không có quan hệ họ hàng với Hai Chi mà được thu nạp vào băng nhóm phần lớn là phải làm để trả nợ hoặc là có ân tình nên được Hai Chi tạo điều kiện giúp đỡ cho có công ăn việc làm. Phát tiết ra ngoài trong tính cách của Hai Chi là thích chơi trội. Y rất hay tuyên ngôn ở những chỗ đông người để thể hiện mình nguy hiểm, là người quan trọng như: Hôm nay tao sẽ đến Công an đưa thằng A về; rồi thì vụ đánh, trói, dằn mặt thằng Cảnh sát cơ động dám bắt xe gỗ chỉ chi 70 triệu đồng là êm xuôi hết; đứa nào muốn chạy án, cứ tìm đến anh, anh từ bi, hỉ xả, chuyên giúp đỡ người nên sẽ nói để được tha hết, không có chuyện tù tội nữa đâu. Hai Chi tại phiên tòa xét xử y và đồng bọn. Sau những tuyên ngôn như thể cho sướng miệng, như tự trấn an bản thân, thực tế, tên tội phạm thú tính đội lốt người này linh cảm sẽ bị quả báo thì phải, nhưng, y vẫn lên gân, lên cốt, tuyên bố khi biết thông tin mình đang bị điều tra: "Tao sẽ ném vào xe ban chuyên án hoặc là 50.000 đô la hoặc là trái... lựu đạn". Đó là thông điệp Hai Chi gửi tới các nạn nhân để họ không dám khai báo khi cơ quan điều tra mời, hỏi, gọi lên. Hai Chi công bố trước đám đông: "Càng đi tù, tao càng khôn ra. Đối với tao, đi tù là một chuyến... du lịch và được làm quen thêm với nhiều ông lớn, nhiều bạn tù có số, học được nhiều chiêu tranh đấu với đời". Thực tế, Hai Chi tuyên bố như thế cho sướng cái miệng thôi, chứ giang hồ nổi danh ở nhiều miền, nghe tin Hai Chi đã ghét, vì cái tính bẩn thỉu, toàn ăn hiếp kẻ yếu, phụ nữ. Quả thật, Hai Chi là tên tội phạm ngông cuồng và quá ngu muội, vì đã đưa cả nhà vào vòng lao lý cùng với mình. Chiêu ăn thịt người và ăn tình bẩn thỉu. Biết mình có nhiều kẻ thù, Hai Chi luôn nghi ngờ và tìm cách triệt hạ những người mà y cho rằng, đó là mối nghi ngại lớn đến lợi ích và việc làm phạm pháp của y. Hai Chi tổ chức cho đàn em, trực tiếp đánh rất nhiều người, có người thương tật vĩnh viễn lên tới 35%, còn 11% trở lên thì không thể đếm xuể. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, nguyên Phó trưởng Công an huyện Hàm Tân, Trung tá Hoàng Đình Loan lại cho chìm xuồng hết. Để cho chìm xuồng, vị lãnh đạo công an huyện này còn cả gan lấy lời khai của kẻ trốn nã thành nhân chứng, chứng minh sự vô tội cho Hai Chi... Có 2 lần Hai Chi bị đi tù về các tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, cưỡng đoạt tài sản thì cả hai lần, vẫn đang trong thời hạn tù, Hai Chi lại có mặt ở nhà. Người dân ở Tân Nghĩa cười: Nhà tù cũng cho tù nhân nghỉ phép. Coi thường pháp luật hơn, trong quá trình nghỉ phép này, Hai Chi vẫn ngang nhiên trực tiếp chỉ đạo đàn em đánh người và tự đánh người. Hai Chi đến trụ sở UBND xã yêu cầu cán bộ xã phải xác nhận giấy tờ giả, có lợi cho y nhưng cán bộ không làm, Hai Chi đã tát vị cán bộ này trước mặt nhiều người khác. Đàn em xã hội cùng buôn gỗ khó chịu với mấy thằng đàn em trong nhóm, Hai Chi cùng đám đệ tử đến tận nhà, bắt vợ của thằng đàn em, hiếp tại chỗ, trước mặt đàn em đó nhằm dằn mặt đứa khác. Hai Chi còn ăn tình cả vợ đàn em đang làm việc cần mẫn cho mình bằng chiêu ăn tình rất bẩn thỉu. Cụ thể, thấy vợ đàn em ưa nhìn, da trắng, ăn nói nhỏ nhẹ, Hai Chi không kìm được dục vọng, muốn chiếm tình bằng được. Vì là thằng đàn em tốt nên Hai Chi không thể trắng trợn hiếp vợ của đàn em được nên hắn dùng chiêu, điều đàn em đi đón gỗ, rồi mò đến nhà, hiếp vợ của đàn em. Vì sợ Hai Chi nên nhiều đôi vợ chồng đàn em phải cắn răng chịu nhục. Những chủ buôn gỗ khác ở trong vùng không chịu bán gỗ cho vợ hai của Chi cũng nếm trải cảnh cay đắng không kém. Chi dùng Công an, Kiểm lâm bắt gỗ cho hết vốn không đi buôn được, sau đó đến nhà hạ nhục bằng cách đánh chồng, trêu ghẹo, hiếp vợ trước mặt, đập phá đồ đạc, nhà cửa... Có ít nhất vài chủ buôn gỗ nhỏ đã nhà tan cửa nát, có người bỏ đi biệt xứ, vợ không thể tìm được chồng; có người thì nhìn chồng bị điên và chấp nhận để Hai Chi hiếp, vì không biết đi đâu, về đâu. Hai Chi quả là tên tội phạm ăn tình bẩn thỉu nhất trong lịch sử tội phạm hiện đại. Bình thường, một tên trùm xã hội đen, nhiều tiền, nhiều quyền lực ngầm, chân dài, bóng hồng tự theo đến hoặc hắn tự tìm đến những bóng hồng đẹp, làm của riêng mình chứ không ăn bẩn kiểu hiếp vợ đàn em, đối thủ như vậy. Đây là chuyện tối kỵ của giang hồ. Vì thế, khi nghe về Hai Chi, nhiều ông trùm đất Cảng đã nhếch mép mà rằng: Cái thằng giang hồ nửa mùa, nhà quê ấy làm ô danh giang hồ mang tiếng nghĩa hiệp.... Hai Chi và vợ bé tại phiên tòa. Song song với chiêu ăn tình bẩn thì Hai Chi thực hiện ăn thịt người cũng bẩn không kém, tất nhiên là được sự trợ giúp của ông Loan, của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa là ông Lê Quang Thuần. Hai Chi đã chỉ đạo đàn em lần lượt xử đẹp hai đời Trưởng Công an xã, làm cho cả hai bị thương tật vĩnh viễn trên 11%. Đánh họ xong, Hai Chi còn chỉ đạo cho vợ hai Thu Hằng mua quan tài đến để trước cửa nhà vị Trưởng Công an xã. Rồi thì, Hai Chi đánh chết người trước, tạo hiện trường giả là một vụ tai nạn giao thông. Chết trước khi bị tai nạn hay không, khám nghiệm tử thi, hiện trường là phát hiện ra ngay. Thế nhưng, nguyên Trung tá Loan vẫn cho chìm xuồng để Hai Chi ăn thịt người ngày càng nhiều thêm. Hai Chi ngồi trên xe để cho đàn em lái xe kéo rơ-moóc chở khoảng 10 khối gỗ về thị trấn La Gi (huyện Hàm Tân), đâm phải xe đạp của anh T., khiến anh T. bị gãy cả hai chân. Vì nhiều lý do khác nhau, Hai Chi chấp nhận phải đưa cho gia đình anh T. 5 triệu đồng để lo tiền thuốc. 5 triệu đó là quá ít để lo thuốc thang chạy chữa cho anh T. Vì không có tiền chữa bệnh, anh T. đã chết sau đó 18 tháng. Nhà nghèo, lúc anh T. qua đời, anh trai anh T. đã tìm đến Hai Chi xin tiền để làm ma cho em. Hai Chi là một tên khốn nạn đúng nghĩa, vô nhân tính, đã không cho lại còn sai đàn em đánh anh trai của anh T. một trận thừa sống, thiếu chết rồi quẳng ra khỏi nhà. Vụ vi phạm mười mươi như thế nhưng Công an Hàm Tân vẫn bỏ qua để tên giang hồ nhà quê lộng hành ăn thịt cả đồng đội của mình. Thế mà, nguyên Trung tá Loan vẫn làm ngơ, bưng bít. Cụ thể, Cảnh sát cơ động huyện bị Hai Chi đánh, trói, gây thương tích trước bàn dân thiên hạ, nhiều người chứng kiến vậy mà ông Loan vẫn bỏ qua, để mặc đồng đội, cấp dưới của mình bị nhục trước người dân. Vậy, lúc đó, chắc ông Loan sung sướng lắm nhỉ. Vì thế, khi ông Loan bị tra tay vào còng số 8, nhiều người dân Tân Nghĩa, Hàm Tân đã không chút thương hại mà còn cho rằng, như thế là quá nhẹ, là đáng đời. ... Đến ăn tiền cũng bẩn nốt. Với thế lực của mình, Hai Chi đã nhận rất nhiều tiền để chạy án cho nhiều người, song thực chất là cưỡng đoạt tài sản của họ. Có những vụ án, do chính đàn em của Hai Chi gây ra cho bị hại nhưng sau đó, đến Công an đã bị đổi trắng thay đen, người bị hại thành đối tượng đánh người. Bị hù dọa, thế là người nhà của người bị hại phải mang tiền đến nhờ Hai Chi chạy án giúp nhưng thực tế là chẳng phải chạy gì mà Hai Chi đút túi. Nhà nào không có tiền thì phải đưa con trai có sức khỏe đến lao động khổ sai tại nhà Hai Chi vài năm không được hưởng lương, để trả nợ dần. Trước khi bị bắt gần 1 năm, Hai Chi có nhận chạy án cho một người phụ nữ ở Bình Định. Để tiện cho công việc trao đổi, hỏi han, Hai Chi đã bố trí cho 2 mẹ con người này ở tại nhà trọ của đám đệ tử. Thấy con của người đàn bà này trẻ, lại xinh, mới 16 tuổi, con quỷ dâm dục trong người Hai Chi nổi lên. Y sai bọn đàn em đưa người mẹ này đi gặp gỡ một cán bộ - do Hai Chi bịa ra - để ở nhà, ông chủ hiếp dâm con gái bà ta. Thấy bụng con cứ to dần, người mẹ tra hỏi, con gái khai là được chú Hai yêu. Cực chẳng đã, người mẹ này phải nói với Hai Chi. Y nhận con bà làm vợ ba. Khi cán bộ ban chuyên án gọi lên hỏi, cô bé này đã khai đúng sự thật. Về đến nhà trọ, Hai Chi hỏi: Khai thế nào? Cô bé thành thật kể lại. Hai Chi trừng mắt, quát: Sao mày ngu thế, sao không đâm đầu vào tường cho máu chảy be bét ra rồi kêu to, vu cho Công an đánh người hả? Từ lần sau, phải được tao cho phép nói mới được nói nhé. Biết Hai Chi đã bị Công an sờ gáy nhưng trước thái độ hách dịch của Hai Chi, mẹ cô gái vẫn sợ, nỗi sợ mơ hồ và vừa thương con, vừa thương thân mình, vừa khóc nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Hai Chi lúc bị bắt. Để tạo thanh thế cũng như nhằm bảo vệ mình trước sự tấn công của đối thủ, Hai Chi cũng biết sắm hàng nóng. Mà hàng nóng của Hai Chi rất xịn, là vũ khí quân dụng hẳn hoi. Hai Chi sắm nhiều đến mức, y còn nể tình, cho Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hàm Tân sử dụng, để mua khẩu súng khác hiện đại hơn. Vị giám đốc này, lúc đầu, ban chuyên án gọi ra làm việc, cũng giống tính cách của Hai Chi là thích nổ. Sau đó, cũng phải ngoan ngoãn đem súng đến ban chuyên án nộp và trình bày, những vấn đề liên quan đến cái súng mà Hai Chi cho này. Kết thân với Công an, ngân hàng, cán bộ công quyền, là trùm xã hội đen chuyên về buôn lậu gỗ, chẳng có lý do gì mà Hai Chi bỏ qua Giám đốc Lâm trường ở Hàm Tân. Vị giám đốc này đã câu kết cùng Hai Chi, cho tên tội phạm man rợ này khai thác gỗ trong 10ha rừng của lâm trường, sau đó bán đứt diện tích đất trống, đồi trọc đó cho doanh nghiệp sử dụng vào mục đích khác. Trong các báo cáo về tình hình khai thác rừng trước đó, vị này ghi rõ, không bị khai thác bừa bãi, diện tích rừng vẫn được kiểm soát. Song khi bị ban chuyên án gọi hỏi thì lại thú nhận: Hai Chi chính là lâm tặc khai thác trái phép, lực lượng lâm trường không thể ngăn được những tên lâm tặc do Hai Chi phái đến phá rừng. Hơn nữa, nếu không để yên cho chúng phá thì chúng đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng bản thân và người thân trong gia đình. Tất cả chỉ là bao biện, dung túng cho những tội lỗi không thể dung tha của Hai Chi đối với người dân và xã hội. Bài học cho đời sau. Khi đã không thể chối cãi, không bao giờ thực hiện được tuyên bố là ném vào xe cảnh sát 50.000 USD hoặc trái lựu đạn, Hai Chi thừa nhận, trực tiếp chỉ đạo đàn em gây ra 8 vụ giết người. Cái chết của anh H.V.H, trú tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam , tỉnh Bình Thuận do Hai Chi trực tiếp chỉ đạo cũng đã bị chìm xuồng, dù rằng, chứng cứ rất rõ ràng, nhân chứng, vật chứng rất đầy đủ. Anh H đi qua địa bàn, đến quán Trúc Mai ăn cơm thì bị tính tiền quá cao. Anh H có cự cãi lại thì bị Hai Chi chỉ đạo đàn em đánh chết. Hai Chi chỉ đạo đàn em đốt xe gỗ của đối thủ, đánh đập cánh buôn gỗ không bán gỗ rẻ cho vợ bé của Hai Chi một cách rất dã man. Chúng không những dùng dao, kiếm để chém mà còn dùng búa đập vào bánh chè, ống đồng, mắt cá chân; dùng kìm vặt các móng tay, móng chân làm cho đối thủ đau đớn, chết dần, chết mòn hoặc trong tình trạng sống không bằng chết. Cái sự tàn độc của Hai Chi đã bị trả giá bằng sự khinh bỉ của người dân, bằng sự coi thường của giang hồ, bằng bản án thích đáng của pháp luật.
Dường như 2016 cũng chính là năm biến động nhất của ngành công nghiệp thời trang khi tất cả các NTK lần lượt dứt áo ra đi và rời bỏ ánh hào quang của mình tại các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, một cuộc chia ly khiến cả giới mộ điệu phải rúng động và đau buồn nhất chính là tin tức Tổng biên tập Vogue Ý đã chính thức giã từ cuộc đời, để lại cả gia tài đồ sộ trong suốt quãng thời gian bà trị vì ngôi vị nữ hoàng trong ngành công nghiệp thời trang. Đây chính là những cuộc chia tay mà không từ nào có thể diễn tả hết được. 4 sự ra đi vô cùng đau buồn của làng thời trang trong năm 2016. NTK Peter Copping. Chân dung NTK Peter Copping. Chàng trai đã bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình tại Paris và thực tập trong xưởng thời trang của NTK Christian Lacroix. Sau hoàn thành khóa học, Peter bắt đầu đam mê của mình tại công ty Iceberg trước khi quay về Paris năm 1994 để làm việc tại Sonia Rykiel. Vào năm 1997, tài năng này được nhận vào Louis Vuitton và cộng tác cùng Marc Jacobs. Sau hơn hơn 10 năm, Peter Copping trở thành giám đốc sáng tạo dòng trang phục nữ nhằm giúp khôi phục thương hiệu Nina Ricci. Những thành công trong cuộc đời của tài năng Peter Copping. Peter Copping ra mắt bộ sưu tập đầu tiên ở Nina Ricci vào mùa mốt Xuân Hè 2010. Ông đã khiến thương hiệu này trở nên khởi sắc sau 4 đời giám đốc sáng tạo trước đó. Bằng tinh thần, sự chăm chỉ và lặng lẽ, Peter đã chăm chút thương hiệu, đưa nhà mốt lên đến đỉnh cao, được nhiều tín đồ thời trang yêu thích. Danh tiếng của ông bắt đầu được lan truyền rộng rãi tại Paris, sau bộ sưu tập Thu Đông 2012. Ông chứng minh được đây chính là sự lựa chọn khôn ngoan của thương hiệu Nina Ricci. Những bộ cánh satin thướt tha, váy đen hiện đại, đầm ren, lụa được đánh giá là vừa mới mẻ mà vẫn mang kiểu dáng gợi cảm cũng là một thế mạnh của Peter Copping. NTK Peter Dundas. Chân dung NTK Peter Dundas. Trước khi về Emilio Pucci, Peter Dundas từng làm việc cho nhiều nhà mốt tên tuổi ở Pháp và Ý như Christian Lacroix, Jean Paul Gaultier, Roberto Cavalli và Emanuel Ungaro. Peter Dundas là một trong những nhà thiết kế tài năng của làng thời trang thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, Peter Dundas đã mang đến một hơi thở mới trẻ trung cho thương hiệu Ý 63 năm tuổi này. Sáng tạo của anh khai thác được vẻ xa hoa lãng mạn của phong cách sống ở châu Âu những năm 1960 đồng thời nhắc đến sự quyến rũ dường như đang dần biến mất trong thế giới thời trang. Anh cũng thừa nhận rằng: Có điều gì đó rất quyến rũ với mẫu đầm ngắn. Tôi yêu những đôi chân, rất yêu là đằng khác! Cặp đôi NTK Maxell và Dao-Yi Chow. Chân dung cặp đôi Giám đốc sáng tạo của thương hiệu DKNY. Cả Dao-Yi và Maxwell đều thích kết hợp phong cách của mọi thời đại vào sản phẩm của mình, tạo ra những trang phục vừa mang tính thời trang cao cấp mà cũng rất gần gũi với đường phố. Chính Dao-Yi đã nói rằng: Những rào cản đã trở thành nền tảng để từ đó con người thể hiện bản thân mình. Sự tiếp cận mới mẻ này đã giúp cặp đôi NTK giành được vô số giải thưởng danh giá nhất trong ngành thời trang, bao gồm giải Swarovski dành cho lĩnh vực Thời trang nam năm 2013 và Thiết kế Nam giới năm 2014. Sau khi NTK Donna Karan chính thức tuyên bố sẽ giải nghệ vào hồi cuối tháng Sáu vừa qua, công ty mẹ của DKNY là tập đoàn thời trang LVMH đã quyết định đặt cả niềm tin của thương hiệu vào tay những nhân tài trẻ tuổi hơn, đó chính là Dao-Yi Chow và Maxwell Osborne. Cả hai vẫn tiếp tục duy trì công việc kinh doanh của thương hiệu Public School, song song với quá trình cộng tác cùng DKNY. Tổng biên tập Vogue Ý - Franca Sozzani. Chân dung tổng biên tập huyền thoại của làng thời trang. Trong hơn 30 năm, những tác phẩm được đưa lên Vogue Italy không chỉ phục vụ cho người trong giới mà nội dung của nó còn có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm đời sống cùng các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường. Franca Sozzani cũng chia sẻ: Thời trang không đơn thuần chỉ là những mảnh vải ghép lại với nhau. Bạn sẽ thấy chúng sinh ra từ mọi thứ xoay quanh những vấn đề về xã hội, kinh tế, lịch sử và chính trị. Vì vậy, tại sao chúng ta lại không tự tô điểm về cuộc sống xung quanh mình bằng các sắc thái khác nhau? Những thành tựu mà Nữ hoàng này đã cống hiến cho nền công nghiệp thời trang trong suốt cả cuộc đời của mình. Tổng biên tập 63 tuổi này chính là người tạo ra cơn sốt về siêu mẫu trong làng thời trang vào đầu những năm 90. Với hai bộ ảnh The Black Issue nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người mẫu da màu và Makeover nói về tình trạng bùng nổ của phẫu thuật thẩm mỹ, Franca Sozzani cùng nhiếp ảnh gia Steven Meisel đã vượt qua được hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành như Bruce Weber, Peter Lindbergh hay Paolo Roversi. Mới đây, bà còn được nhận không ít giải thưởng từ bộ ảnh Rebrading Afric a đăng trên tờ LUôm Vogue. Những cuộc chia ly đẫm nước mắt trong năm 2016. Oscar de la Renta là thương hiệu gắn liền với lịch sự phát triển của ngành thời trang nước Mỹ, nhãn hàng còn là một trong những cái tên được các diễn viên Hollywood lựa chọn cho nhiều sự kiện thảm đỏ quan trọng như Oscar, Quả Cầu Vàng Những thiết kế của thương hiệu này đều mang vẻ đẹp thanh lịch, sang trọng, cầu kỳ và tôn lên nét nữ tính cho người mặc. Những thiết kế mang tinh thần nữ tính, quý phái dành tặng phái nữ của Oscar de la Renta. NTK Peter Copping gia nhập đại gia đình Oscar de la Renta vào năm 2014. Ông cũng nhận được nhiều sự mong đợi từ giới chuyên môn cũng như các khách hàng lâu năm về đầu óc và tính duy mỹ của mình. Mọi người đều hy vọng rằng, Peter sẽ thay thế và trở thành hậu duệ của huyền thoại Oscar de la Renta vừa qua đời trước đó không lâu vì căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, trong năm 2016 Peter Copping cũng chia sẻ trong thông cáo báo chí rằng: Sau hai năm gắn bó với Oscar de la Renta, tôi phải quay về châu Âu vì những dự định riêng. Tôi thật sự yêu thích thành phố New York và thời gian ở đây. Tôi rất mong muốn trong tương lai sẽ có dịp quay lại làm việc tại nơi đây. Đây được xem như những điều vô cùng tiếc nuối trong giới thời trang năm 2016. Chỉ trong vòng 1 năm qua rất nhiều nhà thiết kế từ các thương hiệu nổi tiếng đã dứt áo ra đi bỏ lại sự tiếc nuối và vô cùng hụt hẫng cho làng thời trang. Tuy nhiên, vào tháng 10/2016, giới mộ điệu lại một lần nữa chứng kiến sự chia tay của NTK Peter Dundas và nhà mốt Roberto Cavalli. Cuộc chia ly đột ngột, giữa tài năng 47 tuổi với nhãn hàng đã khiến mọi người vô cùng bàng hoàng và sửng sốt khi nhận được thông tin này. Mặc dù chỉ gắn bó với nhau 3 mùa nhưng anh cũng đã đem đến nhiều thành tựu nhất định cho Roberto Cavalli khi chiêu dụ Kim Kardashian và Beyoncé trở thành khách hàng thân thuộc của thương hiệu thời trang nước Ý. Những thiết kế của anh khi gắn bó cùng nhà mốt Roberto Cavalli đều mang đến hình ảnh mạnh mẽ và phóng khoáng dành cho nữ giới. Gian Giacomo Ferraris - Giám đốc điều hành của Roberto Cavalli cũng thông cáo với báo chí rằng: Thương hiệu vẫn luôn biết ơn những điều mà Peter Dundas đã đóng góp và đem đến thành công cho Roberto Cavalli. Nhãn hàng chúng tôi sẽ hoạt động bình thường dù vẫn chưa có ai thay thế vị trí giám đốc sáng tạo trong thời gian này. Còn về Peter, anh vẫn chưa tiết lộ với bất kì ai về những dự đinh tiếp theo của mình trong tương lai, nhưng những người hâm mộ vẫn hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục đầu quân vào một nhà mốt Ý nào đó, cũng như tiếp tục cống hiến ngọn lửa đam mê cho ngành công nghiệp thời trang. Vẫn chưa dừng lại ở đó, làng thời trang thế giới lại tiếp tục nhận được một hung tin khi cặp đôi NTK Maxwell Osborne và Dao-Yi Chow chính thức chấm dứt hợp đồng với thương hiệu DKNY sau vài năm gắn bó. Tuy nhiên, một điều nữa khiến mọi người vô cùng tiết nuối đến từ những thành tựu của các chàng trai khi mang hình ảnh trẻ trung, thoải mái mà vẫn hợp thời lên từng mẫu trang phục của mình khi hợp tác với DKNY. Những thiết kế của cặp đôi NTK này đều mang tinh thần phóng khoáng và hiện đại của những người trẻ trong thời đại công nghệ phát triển. Cặp đôi Maxwell Osborne và Dao-Yi Chow cũng chia sẻ với báo chí rằng: Đó chính là một trong những điều đáng quý nhất mà chúng tôi không thể nào quên khi cùng sát cánh với những cộng sự tại DKNY, đặc biệt là đội ngũ thiết kế của chúng tôi. Hy vọng DKNY sẽ luôn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai. Tổng biên tập Vogue Ý đã từ giã cuộc đời vào ngày 23/12/2016. Tin tức này đã khiến cả giới mộ điệu rúng động và vô cùng đau buồn, thương tiếc. Bà là một trong những Nữ hoàng của nền công nghiệp thời trang và là biên tập viên tài năng nhất mọi thời đại. Những gì bà để lại cho làng mốt là một điều gì đó rất to lớn và quý báu. Franca Sozzani đã góp một phần không nhỏ trong việc sáng tạo ra những điều duy mỹ và tôn vinh giá trị đích thực của cái đẹp và thời trang. Không những thế, bà còn là linh hồn của tạp chí Vogue trong suốt 28 năm qua. Chắc rằng, không một từ ngữ lung linh nào có thể diễn tả hết được những cống hiến này. Đây chính là những kiệt tác của đại thiên tài Franca Sozzani. Anna Wintour - Tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ cũng chia sẻ về người bạn thân Franca: Bà là mẫu người không biết sợ bất cứ điều gì để đạt đến sự thăng hoa trong công việc. Ở các nước khác, mọi người rất ngại khi nhắc đến chính trị, nhưng Franca đã biến kinh thánh của mình trở thành một ngôn ngữ nhằm chuyển tải những gì đúng đắn. Tình cảm vô cùng thân thiết giữa 2 người đàn bà quyền lực Anna Wintour và Franca Sozzani trong làng thời trang. Tuy nhiên, những mất mát đều sẽ qua đi và chắc chắn chúng luôn trở thành một phần kí ức của bạn. Đừng quá đau buồn mà hãy cùng tiếp thêm ngọn lửa thời trang cho những ngôi sao mới với niềm đam mê kèm theo đó là sự kỳ vọng của công chúng. Những nhà tạo mốt sẽ tiếp tục mở rộng vòng tròn thế giới của họ và làm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp thời trang nhiều hơn nữa. Khang PhạmDesign: Thu Pi.
Thế nhưng không khí bóng đá đã nóng lên từ vài tháng trước ở các quốc gia tham gia vòng loại như Iceland, Đức, Bỉ, Croatia, Colombia, Costa Rica, Tây Ban Nha, Nhật Bản Nếu bạn không còn cơ hội đến xem World Cup 2018 trên 10 sân cỏ nước Nga thì hãy ghé thăm và cổ vũ cùng các cổ động viên ở 8 quốc gia sáng giá trong vòng đấu loại. Trong thời gian thi đấu, bạn hãy hòa mình vào không khí bóng đá, cùng cổ vũ với người dân địa phương và theo dõi các trận đấu qua những màn hình cỡ lớn, còn ngoài 90 trên sân cỏ khi 22 người đàn ông đã thôi tung hứng chung 1 trái bóng thì hãy dành thời gian tham quan cảnh đẹp ở 8 đất nước này. Iceland. Quốc gia nhỏ bé nhất từng đủ điều kiện để vào chung kết World Cup với số lượng du khách đến đất nước Bắc Âu này năm ngoái đã gấp 6 lần dân số nơi đây (Iceland có dân số vỏn vẹn 334.000 người). Tháng sáu là thời gian đẹp để thăm Iceland, mặc dù đến đây vào thời điểm này không được ngắm hiện tượng Bắc cực quang nhưng những thác nước trắng xóa, những dòng sông băng lấp lánh, những hồ băng sẽ khiến du khách không phải buồn lòng. Sau một đêm thưởng thức trận cầu của đội Iceland với Argentina tại các quán bar xung quanh con phố chính Laugavegur của thủ đô Reykjavik, hò reo cổ vũ các người hùng của Iceland, đến ngày hôm sau là Ngày Quốc khánh của đất nước này 17/6. Dịp này bạn có thể thưởng thức các chương trình hòa nhạc, biểu diễn đường phố, diễu hành, xiếc. Nếu đội bóng của quốc gia này thắng trận thì chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc xuyên đêm tới khi mặt trời mọc như nó chưa bao giờ lặn. Croatia. Với hơn một nghìn hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển Adriatic cho bạn lựa chọn, thì Croatia là điểm dừng chân tốt nhất, đó cũng là kết quả được một nhóm nghiên cứu lâu năm ở vùng này đưa ra. Trong khi Dubrovnik cũng như các quần đảo láng giềng Hvar và Korcula từ lâu phát triển mạnh mẽ về du lịch thì khám phá đảo Lastovo cùng những tour du lịch bằng thuyền sẽ mang đến những trải nghiệm khá yên bình, tránh xa sự ồn ào từ bóng đá. Với những du khách thích thưởng thức âm nhạc Rock'n Roll (hơn là đến đây để nghỉ ngơi và thư giãn) thì Lễ hội INmusic diễn ra tại thủ đô Zagreb, từ ngày 25-27/6, là sự kiện đáng để bạn lựa chọn, Lễ hội có sự tham gia của các ban nhạc và ca sĩ Queens of the Stone Age, David Byrne và Alice in Chains. T unisia. Theo dự đoán trước đó thì Tunisia có thể không đi xa trong các bảng đấu nhưng từ khi đội bóng nước này rút khỏi bảng đấu cùng đội Anh thì cơ hội của họ tăng lên đáng kể. Ngành du lịch của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề từ hồi 2015 do vụ xả súng điên cuồng giết chết 38 người người tại một khu nghỉ mát gần thành phố Sousse; thời gian gần đây du khách bắt đầu trở lại đất nước này. Trong khi các quán cà phê là lựa chọn hàng đầu của các fan hâm mộ Những chú đại bàng Carthage , thì những người khác có thể lựa chọn điểm dừng chân trong hàng loạt các sự kiện dày đặc và diễn ra liên tiếp trong suốt các tháng hè. Từ những chương trình nhạc jazz truyền thống, lễ hội ngựa, lễ hội chim ưng, các phiên chợ Tunisia đáp ứng thị hiếu nhiều du khách và khi không khí World Cup tạm lắng xuống, sau đó mới là một tháng dài cho Lễ hội Sousse quốc tế với nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức. B ồ Đào Nha. Quốc gia dành được sự ưu ái của nhiều người ngoại trừ người Pháp, có lẽ là do bị hạ gục trong trận chung kết Euro 2016. Những ngày hè và những bãi biển tràn ngập nắng vàng, rượu vang tuyệt vời, hải sản tươi rói với giá cả phải chăng không ngạc nhiên khi đất nước Bồ Đào Nha được Giải thưởng Du lịch Thế giới 2017 bình chọn là điểm du lịch hàng đầu châu Âu. Trong thời gian diễn ra các trận đấu bóng đá World Cup, du khách cũng có dịp tham gia Lễ hội các bữa tiệc đường phố, các buổi hòa nhạc và diễu hành kéo dài trong suốt tháng Sáu hằng năm ở Lisbon. Lễ hội khiến đường phố thủ đô Lisbon trở nên sinh động với điểm nhấn là Đêm lễ hội Thánh St Anthony's Day (13/6). Hẳn nhiên những người hy vọng vào chiến thắng sẽ có thời gian ăn mừng kéo dài sau ngày cầu thủ Cristiano Ronaldo và đội bóng của họ thi đấu vòng loại với Tây Ban Nha. C olombia. Sau nhiều năm xung đột và bất ổn, Colombia là một lựa chọn dành cho các du khách thích du lịch mạo hiểm với các tour khám phá sông Amazon, các bãi biển vùng Caribê, các thị trấn thuộc địa và đi bộ xuyên rừng vùng núi Andes. Từng được mô tả là Thành phố nguy hiểm nhất trên thế giới, Medellín đã trải qua một thời kỳ hồi phục đáng kể trở thành điểm đến du lịch vạn người mê, và trong khi đội bóng của đất nước này đang có những ngày thi đấu ở Nga thì trên đất nước Colombia, Liên hoan Tango quốc tế với những nghệ sĩ tài năng sẽ diễn ra từ 18-24/6. Đất nước Nam Mỹ cũng nổi tiếng với những hạt cà phê, sản lượng cà phê của nước này đứng thứ 3 trên thế giới cùng với Brazil và Việt Nam, từ ngày 22/6-02/7, tại thị trấn Calarcá sẽ diễn ra Lễ hội Cà phê Quốc gia với những khu trưng bày nông sản kết hợp với nhạc sống và các cuộc diễu hành. Nhật Bản. Nếu bạn không hứng thú với việc tới Nga để thưởng thức những trận cầu kéo dài hơn một tháng thì hãy cân nhắc một chuyến du lịch Kyoto để khám phá những nét độc đáo của văn hóa Nhật Bản trong mùa lễ hội đạo Shinto. Được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản, Lễ hội Gion được tổ chức tại đền Yasaka, Kyoto là một trong ba lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản. Lễ hội diễn ra trong suốt một tháng, từ ngày 01-31/7, với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông du khách tham quan, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế du lịch ở Kyoto. Kể từ lúc bắt đầu năm 869, khi người dân Kyoto cầu nguyện các thánh thần bảo vệ họ chống lại dịch bệnh khủng khiếp đang gieo rắc cái chết trên khắp đất nước, tới nay, lễ hội đã phát triển trở thành một lễ hội đường phố với tâm điểm là đám rước kiệu nổi trên cạn. Các hoạt động thú vị sẽ diễn ra trong suốt tháng 7, vì thế các Samurai xanh buộc phải cố gắng chạm tới vòng 16 trước khi khiến cho các fan trở nên khó xử giữa việc lựa chọn bóng đá hay tham gia Lễ hội. B ỉ. Đội tuyển Bỉ được đánh giá là đội tuyển cực mạnh trong vòng loại và thành phố Ghent là nơi đáng để xem các trận đấu. Trong khi các kỳ nghỉ thường được định hướng tới thành phố Bruges xinh đẹp thì du khách cũng có thể cân nhắc tới Flemish với các lễ hội âm nhạc và sân khấu Gentse Feesten, hoặc Ghent Festival. Một bữa tiệc lớn sẽ kéo dài trong 10 ngày kể từ ngày 13/7, và nếu tất cả đều đúng kế hoạch thì đội bóng quốc gia sẽ đứng trên bục vinh quang 2 ngày sau đó. Nơi tuyệt vời nhất để chứng kiến chiến thắng này không gì khác là một lễ hội với hàng chục màn hình khổng lồ cùng hàng nghìn người hò reo trước một con kênh dành cho mọi người tắm trong chiến thắng. Costa Rica. Có vẻ kẻ yếu luôn dành được sự ưu ái của người hâm mộ, minh chứng là năm 2014, lần đầu tiên Costa Rica đã không phụ lòng người hâm mộ khi vào đến tứ kết. Sau chiến thắng trước Italia, hàng vạn người hâm mộ, gồm cả Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solís, đã đổ ra đường để ăn mừng. Hy vọng này lại một lần nữa nhen nhóm, đặc biệt khi đội bóng Costa Rica gặp Brazil trong trận đấu vòng loại ngày 22/6. Để thoát khỏi không khí bóng đá bạn chỉ còn cách đến cảng Puntarenas, nơi gần như bị xóa sổ sau một cơn bão hồi những năm 1920, cư dân ở đây kỷ niệm sự kiện này bằng cách tổ chức một Lễ hội cảm ơn Vị thánh của biển cả. Sự kiện năm nay bắt đầu từ ngày 14/7, bắt đầu bằng một cuộc đua thuyền, sau đó là các cuộc diễu hành, hòa nhạc, khiêu vũ và những màn pháo hoa tuyệt đẹp. Thùy My (theo scmp.com).
Những tháng ngày tội lỗi. Làng Dương Lâm là một ngôi làng từng nổi cộm nhất tỉnh Quảng Nam về tình trạng HIV. Có thời điểm trong vòng 1 năm có tới 10 thanh niên chết vì HIV. Cứ thế bóng ma HIV phủ trùm lên Dương Lâm (Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam). Cái chết trắng đã len lỏi vào hàng những mái nhà của người dân, gieo rắc mầm mống căn bệnh thế kỉ, cướp đi nhiều số phận, để lại nhiều mảnh đời đớn đau bất hạnh, để lại những tiếng đời ai oán cho người sống cho đến tận bây giờ vẫn chưa vơi. Dẫn chúng tôi đến nhà của một trong 4 người nhiễm HIV hiện còn sống tại thôn Dương Lâm là anh Phạm Văn T. (36 tuổi). Ông Ngô Văn Lợi, trưởng thôn Dương Lâm cho biết: Gia đình T. là tội nhất ở đây. Ngày ngày hai vợ chồng cố gắng làm lụng, chi tiêu tằn tiện để có tiền tích lũy cho đứa con trai. Thật đáng thương! Các anh có viết thì cũng đừng khơi vào nỗi đau của người ta. Họ đã phải chiến đấu không biết mệt mỏi, bị sự kỳ thị xa lánh của mọi người rồi! Họ đau đớn lắm rồi!. Chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng khi tiếp chuyện với chúng tôi, anh T. chẳng ngại ngần mà thổ lộ hết chuyện đời của mình. Gặp anh T., khác với những người có bệnh HIV mà tôi đã từng gặp, anh vẫn vui vẻ nói cười, vẫn gắng sức làm việc. Trước mặt chúng tôi, anh T. cười an ủi mình: Đã nhiễm HIV/AIDS thì coi như có danh sách tên mình ở hội người cao tuổi rồi còn gì, chẳng biết lúc nào sẽ về gặp các cụ nên càng cần sống gấp hơn, cố làm được nhiều việc hơn!. Anh kể, vào đầu năm 2002, Khi hay tin trong thôn có người mắc HIV, ai nấy đều sững sờ lo lắng, ai đời chốn hẻo lánh này lại có người bị si đa cơ chứ! Nhưng nghĩ lại những khoảng thời gian ở bãi vàng cứ thức khuya dậy sớm lại lao động quần quật cả ngày, chủ cai cho nếm thử thuốc phiện để hồi sức cho đỡ mệt nhưng dần dần thành quen, rồi nghiện nặng. Cứ thế, từng người theo nhau mắc vào cái chết trắng mà không hề hay biết. Không chỉ nghiện một mình mà còn kéo theo người thân, bạn bè cùng chung cảnh lao động nghiện theo. Những lần lên cơn nghiện, thiếu tiền, thiếu thuốc, anh em dùng chung kim tiêm, xi-lanh là chuyện bình thường. Từ những thanh niên trai tráng, vạm vỡ đến khi suy kiệt sức lao động, bị chủ cai đuổi về quê thì đã thân tàn ma dại mang trong mình căn bệnh ròi rúc trong xương rồi. Đến lúc mình ốm yếu, phát bệnh tật liên miên mới đi khám ở trạm y tế xã rồi ở Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh thì mới ngã ngửa người ra bị mắc HIV lúc nào không hay, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng, ân hận thì cũng chẳng được nữa! Đến bây giờ, anh không thể quên những ngày đơn độc, cùng đường khi cả gia đình phải đối mặt với dư luận, với sự ghẻ lạnh của chính những người thân trong họ hàng gia đình và mọi người hàng xóm láng giềng. Ngày cả nhà phát hiện anh bị mắc bệnh rồi lây bệnh cho vợ thì gần như cả gia đình anh bị người thân và bạn bè xa lánh: Cả gia đình tôi bị mọi người coi như hủi. Nhiều lúc ăn cơm mà bát cơm cho vợ chồng con cái tôi được đưa vào buồng riêng, nhìn vợ con mà tôi không thể nuốt! Nếu ăn cơm cùng mâm, người ta cũng để ý không ngồi cạnh, không gắp thức ăn ở đĩa chung. Đi khám bệnh, người ta thả thuốc vào bàn tay chứ không dám động vào tay mình. Con trai tôi lúc ấy được hơn 3 tuổi, tôi mới dám đưa cháu đi nhà trẻ. Mới những ngày đầu đến lớp, còn khóc vì chưa quen ra nơi đông người, đã bị các bà mẹ khác xua đuổi với câu nói: con nó bị ếch đấy. Nước mắt nước mũi tôi cứ trào ra vì chua xót mà mình không làm gì được. Uất quá nên tôi đưa con đi xét nghiệm ở Trung tâm tỉnh dưới thành phố. Nhưng nhờ trời run rủi còn thương tôi khi phiếu xét nghiệm kết quả của cháu bé âm tính, cháu đã may mắn không bị nhiễm bệnh từ mẹ. Tôi đã đạp xe thẳng một mạch gần 20 cây số về nhà trẻ, trình cho cô giáo tờ phiếu xét nghiệm. Cô giáo đã phô tô bằng chứng về sức khỏe của cháu, ai còn nghi ngờ đều đưa tận tay cho xem. Vậy mà vẫn còn có người độc miệng còn bảo mình mua tờ giấy chứng nhận đó để qua mặt mọi người! Nếu không có cô giáo thương, không biết con trai tôi có được đến trường nữa hay không! Các anh nghĩ có buồn không chứ. Tôi đi xin làm công nhân, nhưng người ta cũng không cho vì sợ. Nếu sang xã khác... mà người ta tìm hiểu, biết mình ở Dương Lâm thì đố mà hôm sau gặp được. Buồn lắm!, anh T. bật khóc khi kể lại những chuỗi ngày đó. Các anh ở xa vừa đến đây nên không biết những bi kịch từ miệng lưỡi người đời. Họ ác lắm. Chồng em đau bụng phải đi mổ dạ dày. Rứa mà họ cứ xầm xì là bệnh HIV đã phát ra nên chết. Mấy năm qua, công việc may vá của em cũng ế ẩm bởi nhiều người nghe tin đồn nhảm mà không đến đặt hàng nữa. Miệng thế gian khổ lắm anh ạ! vợ anh T. nói mà nghẹn lại, rồi chị đưa cho chúng tôi xem giấy xét nghiệm của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Nam thông báo bé Phạm Quang Huy con trai anh chị. Đúng như lời chị nói, giấy xác nhận của bệnh viện khẳng định sức khỏe của con chị rất tốt và không bị nhiễm HIV. Làm tất cả để bù đắp cho con. Kể lại những ngày tháng ấy, anh T. không khỏi rơi nước mắt. Những đêm không ngủ, nhìn con, vợ chồng anh T. chỉ còn biết khóc vì thương con, mới hơn 3 tuổi mà sắp phải mồ côi. Rồi hai vợ chồng khóc cho số phận của mình, chẳng biết sống được bao lâu nữa, chẳng biết ai sẽ đi trước ai, không biết lúc đó cháu bé đã biết T. lo cho mình chưa, nó sẽ ra sao khi lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh, nâng nó những lúc nó ngã, bảo vệ nó khi nó bị người ta ức hiếp! Những lúc hết việc ở ngoài đồng, anh lại chăm bẵm đàn gà, đàn lợn để tăng thu nhập cho gia đình. Tôi hỏi anh T., rồi bỗng thấy mình vô tâm đã lại thêm một lần cứa vào nỗi buồn của gia đình anh: Anh chị làm cật lực thế, để tích lũy cho bé Huy, phải không?. Vợ anh T. ngậm ngùi: Các anh nói đến điều mà vợ chồng em đau đớn nhiều nhất đấy. Với bản thân vợ chồng em thì còn mong mỏi điều gì nữa, chỉ nghĩ tới con thôi. Với công việc may vá này em có thể kết hợp ở nhà chăm con, bù đắp tình cảm cho cháu. Rồi những đêm khó ngủ, em và anh ấy cứ mải miết với công việc để thời gian trôi nhanh hơn. Em muốn chuẩn bị cho cháu, và cũng không biết đến lúc bệnh phát, em đã có tích lũy để mua được thuốc điều trị bệnh chưa, nghe nói thuốc đắt lắm mà.... Công việc chính của anh chị chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, bầy vịt bầy gà và việc may vá quần áo công nghiệp của chị. Anh T. nhẩm tính mỗi tháng hai vợ chồng tằn tiện lắm cũng chỉ dư ra được hơn một triệu bạc, đều gửi vào tiết kiệm dưới tên con. Anh T. bảo: Vợ chồng tôi thì đâu còn cần gì nữa. Dồn hết cho đứa con thôi! Chúng tôi cố làm lụng, ăn uống kham khổ để dành tiền cho con được đồng nào hay đồng ấy. Các bác sĩ vẫn bảo phải ăn uống đủ chất, làm việc điều độ thì vẫn có thể sống được mười năm, hai mươi năm nữa như thường. Đấy là với người có tiền, chứ vợ chồng tôi nghèo thế này, làm sao dám mơ. Thôi thì đến đâu thì đến vậy!. Với anh T. việc thừa nhận quá khứ từng nghiện ma túy, công khai việc mình bị nhiễm HIV, đã cai nghiện thành công, được cả cộng đồng ghi nhận. Hiện tại anh T. cùng những người bị nhiễm bệnh khác đang rất tích cực với vai trò đồng đẳng viên tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS. Chẳng biết bạn bè, người thân an ủi, động viên ra sao khi nghe anh T. cười vậy. Đàn gà đàn vịt của anh đang lớn, đứa con anh cũng đang lớn. Hy vọng rằng cái ngày định mệnh ấy đừng đến quá sớm, để anh chị có thêm một khoảng thời gian quý báu chăm lo cho đứa con của mình. Chẳng biết lần sau qua lại đây, tôi có còn được nói chuyện với đôi vợ chồng đầy nghị lực này nữa hay không. Minh Ngọc.
SS Valencia. Con tàu hơi nước bị đắm ngoài khơi bờ biển Vancouver, British Columbia (Canada) năm 1906. Con tàu gặp phải thời tiết xấu gần Mũi Mendocino và sau khi trôi dạt nó va phải đá ngầm rồi chìm dần. Thủy thủ đoàn nhanh chóng thả những chiếc phao cứu đắm cho 108 hành khách đang lặn hụp dưới nước nhưng một vài chiếc phao bị lật úp và một chiếc biến mất. Valencia cuối cùng chìm hẳn, chỉ 37 người trong số 180 người trên tàu sống sót. 5 tháng sau, một ngư dân tuyên bố tìm thấy một chiếc phao cứu hộ với 8 bộ xương người trong một cái hang. Cuộc tìm kiếm quy mô bắt đầu nhưng chẳng tìm thấy gì thêm nữa. Sau bi kịch này, Valencia trở thành trung tâm của nhiều câu chuyện về tàu ma. Các thủy thủ thường nói họ nhìn thấy bóng con tàu ma gần bãi đá ngầm ở Pachena Point. 27 năm sau vụ chìm tàu Valencia, một trong những chiếc phao cứu hộ được tìm thấy đang trôi dạt lặng lẽ ở Barkley Sound. Ourang Medan. Câu chuyện về Ourang Medan bắt đầu năm 1947, lúc 2 chiếc tàu Mỹ nhận được tín hiệu báo nguy khi đang lênh đênh ngoài eo biển Malacca, ngoài khơi bờ biển Malasia. Người phát tín hiệu tự xưng là thủy thủ của Ourang Medan, tàu của Hà Lan, và báo tin toàn bộ thủy thủ đoàn cùng với thuyền trưởng đã chết hay sắp chết. Sau đó thông điệp trở nên quái gở và lộn xộn trước khi tắt hẳn với câu: Tôi sắp chết. Hai chiếc tàu Mỹ nhanh chóng rẽ nước để đến nơi Ourang Medan gặp nạn. Khi đến nơi họ phát hiện con tàu còn hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn ngay cả con chó trên tàu đều đã chết. Có chuyện gì kỳ lạ đã xảy ra với con tàu. Trước khi những người cứu hộ điều tra sâu hơn thì bỗng nhiên chiếc tàu bốc cháy một cách bí ẩn buộc họ phải sơ tán. Chẳng bao lâu sau con tàu nổ tung và chìm hẳn. Trong khi những chi tiết về sự cố tàu Ourang Medan còn đang tranh cãi thì nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra cái chết của thủy thủ đoàn bắt đầu xuất hiện. Giả thuyết phổ biến nhất là Ourang Medan đã vận chuyển nitroglycerin hay hóa chất bất hợp pháp gì đó đã không được bảo vệ đúng cách và bị rò rỉ ra không khí. Tuy nhiên, một số giả thuyết khác cho rằng con tàu bị UFO (vật thể bay không xác định) tấn công, hay là nạn nhân của một sức mạnh huyền bí gì đó. Carroll A. Deering. Con tàu buồm dọc bị mắc cạn gần Mũi Hatteras, Bắc Carolina năm 1921. Tàu quay về sau hành trình vận chuyển than đá ở miền nam nước Mỹ và cuối cùng được phát hiện ở phía nam Hatteras bên chiếc tàu hiệu gần Mũi Lookout. Tàu bị mắc cạn ở Diamond Shoals, khu vực nổi tiếng gây tai nạn đắm tàu. Khi đến nơi để cứu nạn, Lực lượng tuần duyên của Mỹ phát hiện con tàu bị bỏ hoang hoàn toàn. Trang thiết bị hải hành và nhật ký hải hành đều bị mất, kể cả 2 chiếc phao cứu đắm nhưng không có bất kỳ dấu hiệu gian trá nào. Một cuộc điều tra rộng lớn được Mỹ tiến hành ngay sau đó khám phá thêm vài chiếc tàu khác cũng bị biến mất hết sức bí ẩn trong cùng khoảng thời gian đó. Vài giả thuyết được đưa ra, trong đó giả thuyết phổ biến nhất cho rằng con tàu bị hải tặc hay tàu buôn rượu lậu tấn công. Các giả thuyết cho rằng phó thuyền trưởng thù hằn thuyền trưởng đã gây nên cuộc bạo loạn trên tàu, nhưng không có bằng chứng xác đáng. Bí ẩn vẫn bao quanh con tàu, trong đó nhiều người nghĩ có sự can thiệp của hiện tượng siêu nhiên. Baychimo. Con tàu vận tải hơi nước Baychimo bị bỏ hoang và trôi dạt ngoài khơi gần Alaska. Con tàu là sở hữu của công ty Hudson Bay, vận chuyển da thú ở miền bắc Canada. Nhưng vào năm 1931, Baychimo bị mắc kẹt vào tảng băng trôi gần Alaska và sau khi được cứu hộ nó bị phá hỏng nặng nên công ty đã quyết định bỏ mặc xác nó. Điều kỳ lạ là con tàu vẫn tiếp tục trôi bồng bềnh trong hàng chục năm sau đó trong vùng nước Alaska. Con tàu được nhìn thấy lần cuối vào năm 1969 bị đóng băng ngoài khơi Alaska rồi biến mất kể từ đó. Mới đây một nhóm nhà thám hiểm mở cuộc tìm kiếm con tàu bí ẩn này. Octavius. Câu chuyện về con tàu ma Octavius bắt đầu vào năm 1775, khi đó người ta nói chiếc tàu săn cá voi Herald bất ngờ gặp Octavius trôi lềnh bềnh tự do ngoài khơi bờ biển Greenland. Sau khi bước lên tàu, người ta phát hiện xác chết của thủy thủ đoàn và hành khách đã bị đông cứng. Theo ghi chép trong nhật ký hàng hải thì con tàu Octavius đã lênh đênh trôi dạt gần 13 năm. Theo truyền thuyết, thuyền trưởng đã mạo hiểm chọn đường tắt từ phương Đông trở về nước Anh qua Northwest Passage con đường biển thông qua vùng Bắc Cực nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương - và cuối cùng bị mắc kẹt trong băng. Joyita. Tàu đánh cá được phát hiện bị bỏ hoang ở nam Thái Bình Dương năm 1955. Con tàu, cùng với 25 hành khách và thủy thủ đoàn đang trên đường đến Tokelau Islands thì có chuyện xảy ra. Một cuộc tìm kiếm trên không quy mô được tiến hành vào nhiều giờ sau đó nhưng không phát hiện tung tích của con tàu và cho đến 5 tuần sau một tàu buôn bắt gặp Joyita đang lênh đênh cách hành trình gốc của nó khoảng gần 1.000 km. Cuộc điều tra tìm thấy một túi y tế của bác sĩ và vài băng gạc dính máu nhưng không thấy bóng dáng một con người nào cả. Chuyện gì đã xảy ra cho Joyita vẫn còn bí ẩn cho đến nay. Giả thuyết phổ biến nhất là hành khách trên tàu bị cướp biển giết chết và quăng xác xuống biển. Lady Lovibond. Nước Anh có nhiều truyền thuyết về những con tàu ma và trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là Lady Lovibond. Theo chuyện kể, thuyền trưởng tàu là Simon Peel cưới vợ và quyết định làm lễ cưới trên biển. Con tàu giong buồm vào ngày 13-2-1748 người đi biển tin là sự có mặt một phụ nữ trên tàu là điềm rất xấu. Không may cho Peel là phó thuyền trưởng cũng phải lòng cô dâu nên người này vì ghen tuông đã cố tình lái tàu vào Goowind Sands vùng nguy hiểm có nhiều bãi cát ngầm ngoài khơi đông nam nước Anh thường gây tai nạn đắm tàu. Lady Lovibon bị đắm, giết chết mọi người trên tàu. Theo truyền thuyết, sau khi bị đắm người ta vẫn còn nhìn thấy Lady Lovibond lênh đênh trên biển ngoài khơi hạt Kent của nước Anh trong mỗi 50 năm. Con tàu được thuyền trưởng các con tàu khác nhìn thấy trong các năm 1798, 1848 và 1898. Trông con tàu rõ như thật khiến người ta nghĩ đến chuyện cứu hộ. Lady Lovibond lại được nhìn thấy vào năm 1948 một lần nữa. Lady Lovibond trở thành một trong những con tàu ma nổi tiếng nhất ở châu Âu. Mary Celeste. Người ta nhìn thấy Mary Celeste bị bỏ hoang và lênh đênh ở Đại Tây Dương năm 1872. Con tàu vẫn còn rất chắc chắn với những cánh buồm được kéo lên trong tình trạng nguyên vẹn và kho thực phẩm vẫn đầy ắp, nhưng phao cứu đắm, nhật ký hàng hải và bí ẩn nhất là toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu biến mất không để lại dấu vết. Không có dấu hiệu cho thấy có xung đột và trên 1.500 thùng rượu vẫn chưa có ai động đến. Có nhiều giả thuyết cho rằng những người trên tàu bị vòi rồng giết chết hay họ đã ăn phải loại nấm độc gây ảo giác đến điên loạn. Người Hà Lan bay (Flying Dutchman). Không con tàu ma nào nổi tiếng hơn Người Hà Lan bay, với nhiều bức tranh, chuyện kinh dị, phim điện ảnh và cả nhạc kịch opera về nó. Con tàu được đề cập đến lần đầu tiên vào cuối những năm 1700 trong cuốn sách về đi biển Hành trình đến Vịnh Botany của George Barrington. Và kể từ đó truyền thuyết về Người Hà Lan bay tiếp tục lan truyền, sau nhiều lần nó được nhìn thấy bởi ngư dân hay thủy thủ. Thuyền trưởng của Người Hà Lan bay được cho là Van der Decjen. Con tàu trên đường hướng đến Indonesia thì gặp thời tiết xấu gần Mũi Hảo vọng. Cho đến ngày nay mọi người vẫn cho rằng họ nhìn thấy Người Hà Lan bay vẫn tiếp tục hành trình dài vô tận giữa các đại dương. Thiên Minh (tổng hợp).
>> 1945, trường Đại học và Đại học Quốc gia. >> Hai chữ "Quốc gia" chưa nói lên điều gì. >> Phản biện chỉ thành công khi dựa vào thông tin chính xác. Trong bài Đại học Quốc gia Hà Nội: 8 năm nữa có lọt top "200"? (Tuần Việt Nam, ngày 15/6), tôi đã so sánh năng lực nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và ĐH Chulalongkorn, cho thấy ĐH Việt Nam đang thua kém họ như thế nào. Bài này sẽ so sánh ĐHQGTP Hồ Chí Minh và ĐHQGHN. Có những dữ liệu làm tôi ngạc nhiên, và chắc các bạn cũng giật mình... ĐHQG TP.HCM và ĐHQGHN là hai ĐH lớn nhất của Việt Nam, nhưng ĐHQG TP. HCM về qui mô lớn hơn ĐHQGHN. Số trường thành viên của ĐHQGTP.HCM (7 trường và khoa y) nhiều hơn ĐHQG HN (6 trường và 5 phân khoa). Về số sinh viên, ĐHQG TP.HCM có khoảng 54 ngàn sinh viên (trong thực tế trên 100 ngàn, tính cả hệ tại chức, từ xa). ĐHQGHN cũng có số sinh viên khá lớn: 44 ngàn, với gần 15% là "hậu cử nhân". Tuy nhiên, số giáo sư và phó giáo sư của ĐHQGHN (296) cao hơn số ở ĐHQGTP.HCM khoảng 55% ( Bảng 1 ). Bảng 1: Vài dữ liệu cơ bản về sinh viên, và đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu. ĐHQGTP.HCM. ĐHQGHN. Số sinh viên (2010). Cấp cử nhân Hậu cử nhân. Tổng số nhân viên. Số giảng dạy Số nghiên cứu. 5421 (a). Số GS/PGS. Số nhân viên với học vị tiến sĩ. Số nhân viên với học vị thạc sĩ. (a) Bao gồm 3426 cán bộ viên chức và 1995 cán bộ khoa học. Sáu chỉ tiêu đánh giá. So sánh năng lực khoa học giữa các trường là điều không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên là tìm ra những chỉ tiêu hợp lí để dựa vào đó mà so sánh. Vấn đề kế tiếp là dùng thước đo nào cho những chỉ tiêu đó. Dù có chỉ tiêu và thước đo, thì khó khăn thứ ba là làm sao đánh giá được trọng số của mỗi chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của bộ môn phân tích thư mục khoa học (bibliometrics hay scientometrics) nên ngày nay những khó khăn trên đã được khắc phục một phần. Một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu về thư mục khoa học là SCImago Research Group (SRG). Với sự hỗ trợ của Elsevier và Scopus, SRG đã phát triển 6 chỉ tiêu và thước đo có thể dùng cho so sánh năng lực khoa học giữa các trường và viện nghiên cứu. Sáu chỉ tiêu đó có thể mô tả như sau: Chỉ tiêu 1 là đầu ra (output). Chỉ tiêu này được đo lường bằng số lượng ấn phẩm được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt (peer reviewed journals). Vì là cơ sở dữ liệu của Scopus, nên số ấn phẩm có phần cao hơn so với con số của Web of Science. Số ấn phẩm khoa học có khi phản ảnh số lượng giảng viên hay nhà nghiên cứu của 1 ĐH chứ cũng không hẳn nói đến năng suất hay năng lực của 1 trường. Tuy nhiên, nếu 2 trường có cùng số nhân viên giảng dạy và nghiên cứu thì số ấn phẩm khoa học cũng có thể phản ảnh năng suất khoa học. Chỉ tiêu 2 là hợp tác quốc tế. Chỉ tiêu này được đo lường bằng phần trăm ấn phẩm khoa học có địa chỉ nước ngoài hay tác giả nước ngoài. Hợp tác nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế cũng phản ảnh một phần tính "quốc tế hóa" của trường ĐH. Nhưng nếu trong số ấn phẩm khoa học có quá nhiều hợp tác quốc tế (như trên 70% chẳng hạn) thì điều này có thể phản ảnh năng lực nghiên cứu còn thấp và phải lệ thuộc vào đồng nghiệp nước ngoài. Chỉ tiêu 3 là tính tập trung (specialization). Một ĐH có thể nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực (phản ảnh qua số bài báo), hoặc tập trung vào một số chuyên ngành chính. Chỉ số này phản ảnh mức độ tập trung. Chỉ số có giá trị từ 0 (thế mạnh trong nhiều lĩnh vực) đến 1 (chỉ tập trung trong vài lĩnh vực khoa học). Chỉ tiêu 4 là chất lượng tập san. Trong mỗi ngành có nhiều tập san, và thứ hạng cũng khác nhau. Những tập san nằm trong nhóm 1 của bách phân vị (tức hàng đầu 25%) được xem là tập san top25. Chỉ tiêu này là phần trăm những bài báo của trường được công bố trên những tập san top 25. Dĩ nhiên, trường có chỉ số top 25 càng cao cũng có nghĩa là uy tín trong khoa học càng lớn. Đại học Quốc gia Tp. HCM. Chỉ tiêu 5 là tính xuất sắc. Chỉ tiêu này thật ra phản ảnh một phần về chất lượng nghiên cứu khoa học. Khi bài báo được công bố và nếu có ích thì đồng nghiệp sẽ trích dẫn. Có những bài báo được trích dẫn nhiều lần, nhưng cũng có bài không bao giờ được trích dẫn. Có thể chia tần số trích dẫn thành 10 nhóm, từ nhóm 1 (top 10% được trích dẫn nhiều nhất) đến nhóm 10 (bottom 10% được trích dẫn ít nhất hay không ai trích dẫn). Bài báo xuất sắc là bài báo nằm trong nhóm top 10% được trích dẫn. Do đó, tính xuất sắc là tỉ lệ (hay phần trăm) những bài báo có tần số trích dẫn nằm trong nhóm top 10%. Chỉ tiêu 6 là tầm ảnh hưởng chuẩn hóa (normalized impact - NI). Đây là chỉ số quan trọng phản ảnh tầm ảnh hưởng của trường đến cộng đồng khoa học thế giới. Chỉ số trích dẫn dao động rất lớn giữa các quốc gia và các trường trong mỗi quốc gia, nhưng có thể tính được chỉ số trích dẫn trung bình (toàn thế giới) cho từng lĩnh vực nghiên cứu. Nếu chỉ số trích dẫn của trường thấp hơn chỉ số trung bình thế giới, thì điều này phản ảnh tầm ảnh hưởng của trường thấp hơn trung bình. Ngược lại, nếu chỉ số trích dẫn của trường cao hơn chỉ số trích dẫn trung bình thế giới thì điều này cũng có nghĩa là tầm ảnh hưởng của trường cao hơn trung bình. Do đó, chỉ số NI dao động trên hoặc dưới con số 1. Nếu trường có chỉ số NI là 0.8 thì điều này có nghĩa là tần số trích dẫn của trường thấp hơn trung bình thế giới 20%. So sánh. Các chỉ tiêu trên cho 2 ĐH- ĐHQGTP.HCM và ĐHQGHN được trình bày trong Bảng 2 dưới đây. Dữ liệu trích từ báo cáo năm 2011 của Nhóm SCImago. Để tham khảo thêm, tôi cũng trình bày số liệu của ĐH Chulalongkorn. Một số dữ liệu chính như sau: - Trong thời gian 2005-2009, ĐHQGTP.HCM công bố được 569 bài báo khoa học trên các tập san trong hệ thống Scopus. Con số này cao hơn ĐHQGHN 37%. Tuy nhiên, số ấn phẩm của cả 2 ĐH đều rất thấp, chưa bằng 1/10 số ấn phẩm của Chulalongkorn. - Hơn phân nửa những bài báo của ĐHQGTP.HCM là có hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, trong khi gần 2/3 các bài của ĐHQG-HN có hợp tác với nước ngoài. Nếu xem không hợp tác với ngoài là một nội lực thì ĐH Chulalongkorn có vẻ có nội lực khoa học (hay độc lập) cao hơn 2 ĐHQG của Việt Nam; - Chỉ số tập trung của ĐHQGTP.HCM là 0.9, cao hơn ĐHQGHN (0.8). Điều này có lẽ cũng đúng với thực tế, vì nhiều ấn phẩm khoa học của ĐHQGTP. HCM chỉ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là kĩ thuật (engineering) và toán. Trong khi đó ĐHQGHN tập trung vào 3 lĩnh vực chính là toán, vật lí, và khoa học vật liệu. Riêng ĐH Chulalongkorn có chỉ số tập trung chỉ 0.6 vì ĐH này phát triển đồng đều giữa hóa học, khoa học vật liệu, kĩ thuật, y khoa, công nghệ sinh học, vật lí, v.v. - Khoảng 27% những bài báo của ĐHQGTP.HCM được công bố trên những tập san thuộc hạng "top 25", và con số này thấp hơn ĐHQGHN (33%). Về chỉ số này, cả 2 ĐHQG đều thấp hơn ĐH Chulalongkorn (gần 40%). - Tuy nhiên, về chỉ số xuất sắc thì ĐHQGTP. HCM cao hơn ĐHQGHN, nhưng thấp hơn ĐH Chulalongkorn. Khoảng 7% số bài báo của ĐHQGTP.HCM nằm trong nhóm được trích dẫn nhiều nhất (top 10%), và tỉ lệ này cho ĐHQG HN chỉ là 5.3%. Riêng ĐH Chulalongkorn có gần 10% công trình nằm trong nhóm được trích dẫn nhiều nhất. - ĐHQGTP.HCM có chỉ số ảnh hưởng cao hơn ĐHQGHN. Thật vậy, chỉ số trích dẫn trung bình của ĐHQGTP.HCM cao hơn chỉ số trung bình thế giới khoảng 10%. Ngược lại, chỉ số trích dẫn của ĐHQGHN thấp hơn trung bình thế giới khoảng 10%, tương đương với ĐH Chulalongkorn. Bảng 2: Chỉ tiêu về năng lực khoa học và tầm ảnh hưởng của ĐHQGTP.HCM, ĐHQGHN, và ĐH Chulalongkorn. Chỉ tiêu. ĐHQGTP.HCM. ĐHQGHN. ĐH Chulalongkorn. Ấn phẩm khoa học. % hợp tác quốc tế. Chỉ số tập trung. % trên các tập san "top 25". Chỉ số xuất sắc. Chỉ số ảnh hưởng (c). Nguồn: trích từ báo cáo SCImago Institutions Rankings 2011. Với 3045 giảng viên và nhà nghiên cứu, ĐHQGTP.HCM "sản xuất" được 569 bài báo trong 5 năm. Tính trung bình, 5 người sản xuất được 1 bài báo trong vòng 5 năm. Nói cách khác, năng suất là 1 cán bộ giảng dạy hoặc nghiên cứu cần 5 năm để công bố 1 bài báo khoa học. Năng suất khoa học của ĐHQGHN cũng tương tự (1 công trình trong 5 năm cho mỗi cán bộ khoa học). Ở ĐH Chulalongkorn, năng suất trung bình là mỗi giảng viên công bố 1 bài trong 2 năm, tức cao hơn 2 ĐHQG hơn 2 lần. Xếp hạng. Theo bảng xếp hạng của SCImago năm 2011, ĐHQGTP.HCM được xếp hạng cao nhất ở Việt Nam. Thật vậy, theo báo cáo "SCImago Institutions Rankings World Report 2011", trong số 3042 trường ĐH, viện, và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới, 2 ĐHQG và Viện Khoa học Công nghệ có tên trong bảng xếp hạng ( Bảng 3 ). Tính theo chỉ tiêu xuất sắc, ĐHQGTP.HCM được xếp hạng 1 trong nước, kế đến là Viện KH-CN, và sau cùng là ĐHQG HN. Tuy nhiên, trong vùng Á châu thì ĐHQGTP.HCM được xếp hạng 415/798, cao hơn ĐHQGHN trên 100 (hạng 531/798). Trong số 3042 trường/viện/trung tâm trên thế giới, ĐHQGTP.HCM được xếp hạng 2228, ĐHQGHN hạng 2522. Trong bảng xếp hạng của SCImago, Thái Lan có 16 trường/viện trong danh sách. Những ĐH hàng đầu của Thái Lan là Mahidol (hạng 116 trong vùng và 1277 trên thế giới), Chulalongkorn (278 / 1838), Thái tử Songkla (287 /1865), Chiang Mai (290 / 2871), và Khon Kaen (297/1892). Tất cả ĐH của Thái Lan đều có hạng cao hơn 2 ĐHQG Việt Nam. Bảng 3: Xếp hạng trong nước, trong vùng và trên thế giới. Trường. Hạng trong nước. Hạng trong vùng. Hạng trên thế giới. ĐHQGTP.HCM. ĐHQGHN. Viện Khoa học Công nghệ. ĐH Chulalongkorn. ĐH Mahidol. ĐH Chiang Mai. ĐH Prince Songkla. ĐH Khon Kaen. Nguồn: SCImago Institutions Rankings 2011 (Excellence Rate Report). Như đề cập ngay từ đầu, đánh giá và xếp hạng các trung tâm nghiên cứu hay trường ĐH là việc làm không dễ, mà có khi còn mang tính mạo hiểm. Định lượng số ấn phẩm tưởng rất đơn giản, nhưng trong nhiều trường hợp lại không đơn giản chút nào, nhất là trong trường hợp Việt Nam. Vấn đề là các tác giả Việt Nam thường viết tên ĐH rất đa dạng, và cách viết đó có thể ảnh hưởng đến số lượng ấn phẩm của một trường. Tuy nhiên, một điều may mắn là mức độ ảnh hưởng không cao, nên cũng không gây tác động đáng kể đến việc so sánh và xếp hạng giữa các trường. Đo lường phẩm chất lại càng phức tạp hơn, vì khái niệm "quality" hay "phẩm chất" không phải và không thể đơn giản hóa thành một chỉ số. Vì phải dùng đến nhiều chỉ số, và vấn đề nảy sinh là cách cho trọng số của từng chỉ số. Chính vì thế mà trong bảng xếp hạng trên, tôi chỉ chọn chỉ tiêu "xuất sắc trong nghiên cứu" làm thước đo để xếp hạng. Tuy nhiên, trong trường hợp so sánh giữa ĐHQGTP.HCM và ĐHQG HN thì dù dùng chỉ tiêu nào (trong số 6 chỉ tiêu) vẫn không thay đổi vị trí tương đối của hai ĐH. Tóm lại, những chỉ số trên đây cho thấy ĐHQGTP HCM có đầu ra (ấn phẩm khoa học) lớn hơn, nội lực cao hơn, chất lượng nghiên cứu xuất sắc hơn, và tầm ảnh hưởng cao hơn ĐHQG HN. Tuy nhiên, cả 2 ĐHQG Việt Nam đều còn quá thấp khi so với ĐH Chulalongkorn. Dựa vào các chỉ tiêu khách quan này, có thể xem ĐHQGTP.HCM là ĐH số 1 của Việt Nam.
Hoàng Thùy Linh: Vực dậy sau khoảng thời gian u tối. Từng học múa 7 năm tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, tuy nhiên Hoàng Thùy Linh lại được nhiều khán giả trẻ biết tới với hình ảnh của một cô MC, diễn viên xinh đẹp và đa tài. Trước khi bước sang giai đoạn mới trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của bản thân, Hoàng Thùy Linh đã tích lũy cho mình khá nhiều kinh nghiệm khi tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập như: Đường đời, Trò đùa của số phận, Đi về phía mặt trời... Đỗ thủ khoa lớp Đạo diễn truyền hình - Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 2006 và được ê kíp sản xuất bộ phim truyền hình tương tác "Nhật ký Vàng Anh 2" tin tưởng giao cho vai nữ chính, từ đây cuộc sống của Hoàng Thùy Linh bắt đầu gặp những biến cố đầy nước mắt. Hoàng Thùy Linh sớm bộc lộ tài năng và nhanh chóng được nhiều khán giả biết tới. với hình ảnh của một nghệ sĩ đa tài. Nhanh chóng trở thành một "hiện tượng" được giới trẻ quan tâm và chú ý với vai diễn Vàng Anh, tuy nhiên scandal lộ clip "nóng" đã khiến cho con đường nghệ thuật của Hoàng Thùy Linh gặp nhiều trắc trở. Phải bỏ đóng phim giữa chừng và sống trong bóng tối vì áp lực đa chiều của dư luận, không những vậy, Hoàng Thùy Linh còn phải chịu cảm giác vô cùng khó xử khi đối mặt với gia đình, bạn bè và những người thương yêu mình. Từ một tài năng trẻ có cơ hội xuất hiện trong những chương trình lớn để khẳng định bản thân, bỗng phút chốc mọi thứ dường như đều tuột khỏi tay cô gái 19 tuổi này. Sau biến cố của cuộc đời, Hoàng Thùy Linh dành cho mình khoảng lặng riêng và. trở lại với vai trò của một ca sĩ. Cảm thấy tủi thân khi không được cống hiến và hoạt động trong lĩnh vực mà mình yêu thích, những lời dè bỉu, chê bai càng làm cho cuộc sống của Hoàng Thùy Linh trở nên cô lập và đầy u tối. Quyết tâm vực dậy sau khoảng lặng của cuộc đời, Hoàng Thùy Linh lựa chọn con đường ca hát để bắt đầu lại. Không còn tìm đến rượu, gồng lên để bước qua bố mẹ và khóc vì những chuyện đã xảy ra, Hoàng Thùy Linh bắt đầu dành nhiều thời gian cho việc tập luyện và ấp ủ nhiều kế hoạch mới cho tương lai. "Vàng Anh" cũng ngay nào đã cố gắng hết sức mình để lấy lại niềm tin từ phía. công chúng. Ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng và đầy cá tính, song Hoàng Thùy Linh vẫn phải chịu nhiều phản hồi hơi khắt khe từ phía cư dân mạng ở giai đoạn đầu mới trở lại. Thôi thúc bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa, sau đó, Hoàng Thùy Linh đã dần dần xây dựng được một hình ảnh mới và lấy lại được sự tin yêu từ phía công chúng. Hơn 6 năm đối mặt và vượt qua scandal tai tiếng, những hạn chế cấm diễn ở những sân khấu, những phản hồi không mất thiện cảm đã không còn làm cho Hoàng Thùy Linh cảm thấy nhói lòng mỗi khi nhớ lại. Hiện tại Hoàng Thùy Linh đang là một ca sĩ được đông đảo khán giả yêu thích và. ngưỡng mộ. Cởi mở và suy nghĩ tích cực hơn với những gì đã qua, năm 2013 đánh dấu một năm hoạt động nghệ thuật đầy khởi sắc của cô nàng "Vàng Anh" ngày nào. Đặc biệt, ngoài việc được xuất hiện trở lại trên truyền hình, Hoàng Thùy Linh cũng trở lại với điện ảnh bằng vai diễn trong bộ phim ăn khách "Thần tượng" và gây được tiếng vang lớn. Sống cởi mở và thẳng thắn hơn, Hoàng Thùy Linh cũng đã trở lại với điện ảnh. cùng việc thủ vai nữ chính trong bộ phim "Thần tượng". Thanh Vân Hugo: Mất nhiều năm để tìm lại được chính mình. Giống như Hoàng Thùy Linh, Thanh Vân Hugo từng là một "hot girl" đình đám của Hà thành và được người người yêu mến với vai trò MC của các sân chơi truyền hình và người mẫu ảnh. Bén duyên với điện ảnh với vai Minh của "Nhật ký Vàng Anh 1", song vì nhiều lí do khác nhau, Thanh Vân Hugo đã không tiếp tục tham gia phần 2 của bộ phim truyền hình tương tác này. Đang trong giai đoạn có nhiều cơ hội "thăng hạng" trong làng giải trí, song năm 2008, Vân Hugo bất ngờ lên xe hoa trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Với vai Minh trong "Nhật ký Vàng Anh 1", Thanh Vân Hugo đã được rất nhiều. khán giả chú ý và mến mộ. Tưởng rằng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng điển trai, tuy nhiên sau đó 4 năm, sóng gió đã ập đến với hạnh phúc của gia đình Thanh Vân Hugo. Vào những ngày đầu tiên của tháng 3 năm 2012, truyền thông trong nước đã xôn xao về tin đồn Thanh Vân Hugo đã ly hôn và chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân, tuy nhiên chỉ sau đó 1 ngày, Thanh Vân Hugo đã lên tiếng để phủ nhận thông tin này. Cuộc hôn nhân dang dở khiến cho cuộc sống của Thanh Vân Hugo có nhiều. xáo trộn. Khiến công chúng "bán tin bán nghi" về tin đồn liên quan đến cuộc hôn nhân của mình, đến thời điểm sự việc đã quá ồn ào, không còn cách nào khác, Vân đành phải đối diện và công khai sự thật. Chia sẻ rằng cuộc sống vợ chồng của mình không thể cứu vãn sau nhiều lần bỏ qua và cố gắng, cô cũng không tiết lộ nguyên nhân chính khiến cho mình và chồng "đường ai nấy đi". Đã có thời gian Thanh Vân Hugo chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ và khép kín. Chuyển công tác sang một chỗ làm việc mới, Thanh Vân Hugo cũng hạn chế xuất hiện và chia sẻ thông tin với truyền thông trong nước. Cảm thấy cuộc sống có nhiều thay đổi sau khi tham gia "Nhật ký Vàng Anh 1", dù sau đó đã từng tham gia diễn xuất trong một vài bộ phim, tuy nhiên Thanh Vân Hugo không để lại được nhiều ấn tượng với vai trò diễn viên của mình. Gần 7 năm sống một cuộc sống dài dằng dặc và tự từ chối nhiều cơ hội lớn của bản thân, Vân Hugo nhiều lúc còn sợ đến những nơi vui vẻ, đông người khi cảm thấy khó hòa nhập và mất niềm tin vào tình yêu sau chuyện đổ vỡ của bản thân. Đứa con trai kháu khỉnh chính là động lực để Thanh Vân Hugo vững tâm trở lại. Đi qua quãng thời gian suy sụp của cuộc đời, chỉ khi suy nghĩ thấu đáo, bản lĩnh và bình tâm trở lại, Thanh Vân Hugo mới tự tin quay lại với điện ảnh và hoạt động nghệ thuật nhiều hơn thời điểm trước. Mạnh mẽ và yêu đời hơn sau tất cả những gì đã qua, đứa con trai ngoan ngoãn, kháu khỉnh chính là động lực để Thanh Vân Hugo cố gắng nhiều hơn trong công việc và cuộc sống. Hiện tại, với ngoại hình xinh đẹp và lối dẫn duyên dáng, ấn tượng, Thanh Vân Hugo cũng là một trong số những MC "đắt khách" ở khu vực phía Bắc. Và đến bây giờ, Vân đã mạnh mẽ và yêu đời hơn sau tất cả những gì đã qua. Từng từ chối nhiều vai diễn lớn, phải mất 7 năm Thanh Vân Hugo mới tìm lại được. cảm hứng với nghề diễn cùng với vai Gia Tuệ trong "Hoa nở trái mùa". Diễm Hằng: Đứng lên để xóa tan quá khứ. Từng đảm nhận vai Thu cá tính, dễ thương trong Nhật ký Vàng Anh, song bẵng đi một thời gian dài, Diễm Hằng lặn mất tăm khỏi làng giải trí trước sự tò mò của không ít khán giả. Đằng sau sự thật mất tích này là một câu chuyện buồn. Ít ai biết rằng Thu nhí nhảnh của "Nhật ký Vàng Anh" ngày nào lại phải trải qua một. cuộc sống với nhiều những biến cố. Sinh ra trong một gia đình bề thế và đầy quyền lực, song cuộc sống gia đình của Diễm Hằng lại không mấy êm ấm với rất nhiều những xáo trộn khác nhau. Nhanh chóng nổi tiếng với vai diễn trong bộ phim truyền hình tương tác Nhật ký Vàng Anh, lúc 15, 16 tuổi, Diễm Hằng đã kiếm được hàng chục triệu đồng bởi việc đi diễn và kinh doanh. Tưởng rằng cuộc sống sẽ không có gì đáng phải bận tâm và lo nghĩ, tuy nhiên khi biến cố ập tới khiến cho gia đình phá sản, Diễm Hằng đã phải trải qua những tháng này vất vả để lo cho bản thân. Những tháng ngày u tối khiến cho Diễm Hằng suy sụp rất nhiều. Bỗng dưng bị bạn bè quay lưng trong lúc đang gặp nhiều khó khăn, Diễm Hằng đã nhiều đêm khóc thầm trong căn nhà đi thuê cùng mẹ bởi những ngày tháng đen tối sống chật vật với khoản tiền đi vay và phải trả lãi từng tháng một. Sau 3 năm mất tích, Diễm Hằng đã quyết tâm vực dậy. Không chấp nhận cuộc sống với nhiều những khủng hoảng triền miên, sau 3 năm "ở ẩn", với sự động viên từ những người thương yêu mình, Diễm Hằng dần lấy lại niềm tin ở cuộc sống, bắt đầu quay lại với nghệ thuật và hoạt động thêm ở một số lĩnh vực mà mình yêu thích. Dù biết không thể sớm vượt qua, nhưng hiện tại Diễm Hằng đang cố gắng từng bước để gây dựng lại cuộc sống đầy đủ như ngày xưa. Cô luôn nghẹn ngào khi nhớ về những gì đã qua với bản thân mình. Nhớ về những tháng ngày đã qua, Diễm Hằng từng tâm sự: Nhiều người khuyên tôi nên cặp với một người nào đấy lớn tuổi có điều kiện lo cho mình nhưng tôi không thể và không bao giờ làm được. Tôi bắt đầu sống trong vòng xoáy khủng hoảng. Người biết chuyện lánh xa không chơi vì biết tôi nợ nần, người muốn giúp đỡ thì không có khả năng, những kẻ còn lại thì luôn muốn đổi tình lấy tiền. Tôi chua chát nhận ra rằng đồng tiền thống trị cả đạo đức con người. Tuổi trẻ rơi vào ngõ cụt, cô đơn, sợ hãi, bất lực tôi bắt đầu uống rượu để cố gắng quên đi mọi thứ. Tôi sợ tiếng chuông điện thoại, sợ nhìn thấy ban ngày, sợ tiền, sợ con người. Hiện tại, Diễm Hằng đang cố gắng từng bước để gây dựng lại cuộc sống đầy đủ. như ngày xưa. N.T.
Đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ: Chuyện nhà Anh Quân - Mỹ Linh (1). GiadinhNet - Đàn ông có vợ không còn lãng mạn? Câu hỏi đó luôn làm chị em "đau đầu". Từ bí quyết hạnh phúc của cặp Anh Quân - Mỹ Linh, sự lãng mạn trong hôn nhân cũng được nhìn nhận theo một góc độ khác... "Và khi hình ảnh đó được "mã hóa" bởi dư luận, văn chương, nghệ thuật thì sẽ thành biểu tượng lãng mạn", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói. Người Việt lãng mạn để thích nghi? Khi một hãng truyền thông của nước ngoài bầu chọn Việt Nam thuộc top 10 quốc gia đàn ông lãng mạn nhất thế giới thì nhiều người đã giật mình, hoài nghi. Nhưng ngẫm lại, lãng mạn rõ ràng là khái niệm chỉ mang tính tương đối, không có thước đo và chịu sự ảnh hưởng nhất định của văn hóa, lịch sử, xã hội... nên nếu có kết quả trên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về sự lãng mạn của đàn ông Việt , nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải: "Sự lãng mạn của người Việt nói chung và đàn ông Việt nói riêng có ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Ví dụ, trong nền văn minh trồng lúa nước, kiểu "trông trời, trông đất, trông mây", "làm chơi ăn thật" cũng là lãng mạn, rồi sự lạc quan trong khó khăn, đói kém như "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" cũng là một kiểu lãng mạn rất bản sắc". PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học). "Lịch sử của chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, giặc dã nên trong đau thương, mất mát, chia ly không thể không nhắc tới tinh thần lãng mạn. Chỉ lãng mạn thì người ra trận nghĩ về người yêu, nhìn "cái gạt nước" mới thấy "xua đi nỗi nhớ". Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, sự lãng mạn của người Việt nói chung chỉ mang tính thích nghi , có phần cảm tính chứ không xuyên suốt, logic như phương Tây. Vì sao ư? Vì chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo hướng con người vào lối sống khuôn phép, dè dặt", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói. Cùng quan điểm trên, nữ nhà văn Di Li chia sẻ: "Dù không thể đo đạc chính xác về chỉ số lãng mạn của người Việt nhưng nếu về cách thể hiện điều này thì người phương Tây rõ hơn từ cử chỉ quan tâm đến nhau trong một gia đình như ôm, hôn... điều đó bồi đắp nhiều cho sự lãng mạn. Còn người Việt thì thường tự hào về sự sở hữu, gắn bó trong tình yêu, hôn nhân nhưng cách thể hiện lại rất thờ ơ, khiêm tốn. Để biện minh, người ta nói rằng vì thấy ngại ngùng, phù phiếm, "dở hơi". Nhà văn Di Li: "Người Việt lãng mạn một cách khiêm tốn". "Chuyện đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ là điều nhìn thấy rất rõ. Đây là nghịch lý bởi trong cuộc sống hiện đại, con người có nhiều thuận lợi để bày tỏ sự lãng mạn như quan niệm xã hội đã cởi mở hơn, nhiều dịch vụ, phương tiện thông tin hỗ trợ... nhưng vì sao người ta vẫn không sẵn sàng làm việc đó? Vì thời đại khó có thể quyết định đến tư duy, văn hóa... Rất nhiều người đang bận rộn, gồng gánh với hàng loạt "trách nhiệm to tát" như công việc, họ hàng, bù khú... mà không nghĩ đến "trách nhiệm" là sống lãng mạn và dành điều đó cho nhau bằng những lời nói, việc làm giản dị, chân thành. Một thực tế là ở phương Tây, đàn ông hay phụ nữ sau khi lập gia đình sự lãng mạn cũng bớt đi nhiều nhưng ít bị "triệt tiêu", đàm tiếu như ở mình", tác giả "Đảo thiên đường" nhấn mạnh. Đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ: Cái kết "thảm" của Cường "Đô la" (2). GiadinhNet - Sự lãng mạn mang đến niềm hạnh phúc hay hoài nghi, tuyệt vọng? Và phái đẹp có thể tin vào phép nhiệm màu ấy hay không? Cuộc tình tan vỡ của Hồ Ngọc Hà và Cường "Đô la" ở một góc độ nào đó, cũng mang dấu ấn của hai từ: Lãng mạn... Nhiều người đang lãng mạn... viển vông! Từ cổ chí kim, từ truyền thuyết đến đời thực, người Việt Nam chẳng thiếu những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng dường như hiếm nơi nào trên thế giới lại nhiều người làm thơ, mê phim tâm lý tình cảm, đọc truyện ngôn tình như ở ta... Liệu đó có được coi là lãng mạn không? Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ bây giờ đang bị cuốn vào các bộ phim lãng mạn, những chuyện tình cảm mùi mẫn tận đẩu đâu rồi rơi vào trạng thái mơ tưởng, hụt hẫng, thất vọng khi nghĩ đến người chồng đầu gối tay ấp. Tương tự, nhiều người đàn ông đã có gia đình không phải không lãng mạn mà đang "cô đơn" trong chính niềm lãng mạn của mình với hàng loạt nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như: Bản thân không biết cách thể hiện, không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ bạn đời... Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình đưa ra khuyến cáo: "Đời sống càng hiện đại thì những giá trị nhân văn ngày càng lệch lạc, giảm sút một cách đáng lo ngại, nhất là trong đời sống gia đình. Vì thế, nếu muốn sống lãng mạn, trước hết phải bắt đầu từ sự nhân văn. Khoảnh khắc lãng mạn tuổi "gần đất xa trời" (Ảnh: internet). Có thể, các bạn tuổi teen cho lãng mạn là nắm tay người yêu chạy giữa cánh đồng hoa, quỳ dưới mưa ngỏ lời cầu hôn... nhưng một người đàn ông thương vợ, gò lưng đạp xe chở vợ dưới cái nắng 40 độ là nhân văn, khi được "mã hóa" bởi văn chương, nghệ thuật thì sẽ thành biểu tượng lãng mạn". "Một số chị em phụ nữ có thể ngưỡng mộ, thèm muốn khi thấy người khác được chồng tặng quà, đưa đi du lịch nhưng bây giờ cũng nhan nhản các câu chuyện dở khóc dở như "chia tay đòi quà". Đó không phải lãng mạn mà là sự méo mó, bi kịch. Chưa kể, chúng ta tiếp cận với sự lãng mạn các nước chủ yếu qua phim ảnh, câu chuyện showbiz... nên đôi khi việc đánh đồng giữa thực tế và hư cấu đã dẫn tới niềm mong ước viển vông", PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết thêm. Ở Việt Nam từng xôn xao câu chuyện chàng trai trẻ đạp xe hàng nghìn cây số tặng hoa cho người yêu thì ở Mỹ cũng rúng động khi một người đàn ông đạp xe từ bang Maryland đến bang Florida để cầu hôn bạn gái và bị một người vô gia cư đâm chết chỉ vì hiểu nhầm... Chàng trai Việt đạp xe hơn 1.000 km bày tỏ tình yêu từng gây nhiều tranh luận. Những câu chuyện trên gợi nhiều liên tưởng, nghĩ ngợi. Đành rằng sự lãng mạn của con người vốn không biên giới nhưng có phải lúc nào cũng đem đến ý nghĩa, hạnh phúc cho cuộc sống hay không? Đại thi hào Nga Puskin - một biểu tượng cho tinh thần lãng mạn - trước khi chết vì cuộc đấu súng để bảo vệ danh dự cho vợ đã khuyên nàng để tang mình một vài năm và "Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em". Đó là sự lãng mạn đau thương nhưng vĩ đại và bất tử. Trở lại câu chuyện đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ , dù còn rất nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khác nhưng nếu thực trạng đang diễn ra như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ cần "soi" lại bản thân mình và điều đó cũng "báo động" về tính nhân văn của xã hội. Thùy Phương /Báo Gia đình & Xã hội. Đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ: Khi Công Vinh hết... lãng mạn (3). GiadinhNet - Chia sẻ về Công Vinh, Thủy Tiên không ngần ngại nói những lời "có cánh" và cho rằng tuyển thủ xứ Nghệ là người "siêu lãng mạn. Tuy nhiên từ khi lập gia đình, anh đã khác.
Câu chuyện về sự phẫn nộ của khán giả Thái Nguyên năm nào khi bị bầu sô lừa gạt tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng với các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng hai miền nam bắc nhưng rốt cục chỉ có vài sao lèo tèo tưởng đã quá xưa. Hay chuyện các tên tuổi trong làng ca nhạc Việt bức xúc khi có nhiều kẻ đưa tên mình vào băng rôn quảng cáo, in chữ to và đậm nhưng rốt cục chỉ có một ca sĩ vô danh tiểu tốt lên bắt chước lối biểu diễn y chang mình. Những chuyện này tưởng là những "chiêu" đã quá cũ của các bầu sô thì đột nhiên từ đầu năm trở lại đây, nó lại liên tục diễn ra tại các sân khấu tỉnh lẻ. Trên blog cá nhân của một nam ca sĩ nổi tiếng (anh không tiện bộc lộ danh tính trên báo giới về chuyện này) đã bày tỏ: Kết thúc một tuần hát ở ngoài Bắc, thấy được nhiều điều kinh khủng, mấy bác bầu sô tỉnh đua nhau lừa khán giả, quảng cáo tên mà có thấy mặt ca sĩ đâu. Khổ thân những người yêu mến âm nhạc, cứ chờ dài cổ, rồi một ca sĩ lạ hoắc lên tự xưng nghệ danh giống ca sĩ ngôi sao, bó tay.com. Không ít các ngôi sao hay các tên tuổi lớn vì cả nể, vì sợ những ông bầu tỉnh lẻ này không mời mình tham gia trong các sô diễn sau này đã ngập ngừng hoặc e ngại vạch mặt những kẻ láu cá trên dù trong lòng rất bực tức. Với mong muốn nổ một quả bom phá tan mặt trái của làng ca nhạc Việt Nam với mục đích: Vì cộng đồng các nghệ sĩ chân chính, ca sĩ trẻ Vũ Duy Khánh đã lên tiếng thẳng thắn về vấn nạn này. - Bức xúc vì bị mượn danh trong suốt một thời gian dài nên Duy Khánh mới cho ra mắt dự án này hay còn một lý do nào khác? - Lý do Duy Khánh đưa ra dự án Vì cộng đồng nghệ sĩ chân chính với ca khúc chủ đạo có tựa đề Mặt nạ, sáng tác cùng với Tằng Quốc Anh không chỉ vì câu chuyện của riêng mình mà thực tế có quá nhiều chuyện bất công đã xảy ra với các nghệ sĩ chân chính cũng như với khán giả yêu nhạc. Bên cạnh ca khúc trên thì Duy Khánh còn muốn kêu gọi các anh chị ca sĩ đi trước lên tiếng bài trừ vấn nạn nặc danh, lừa khán giả của những người khoác danh bầu sô và những người tự cho mình là ca sĩ. - Bạn có chắc dự án của mình sẽ có tác động thực sự, ít nhất là có được sự đồng tình hưởng ứng từ các đồng nghiệp đi trước? - Khánh biết không phải ai cũng dám mạnh dạn lên tiếng bởi họ sợ mất mối làm ăn, nói rồi lần sau không được những ông bầu này mời nữa. Còn bản thân Khánh thì không sợ và Khánh biết một số anh chị có tên tuổi, có thương hiệu đàng hoàng họ cũng sẽ không ngần ngại lên tiếng vì sự công bằng cho khán giả, những người đã yêu mến và góp phần xây dựng nên tên tuổi của nghệ sĩ cũng như vì chính danh dự của một nghệ sĩ chân chính. Mới đầu năm nay, nhiều khán giả ngoài bắc đã mừng hụt khi thấy tên ca sĩ Tuấn Hưng được quảng cáo trên băng- rôn với hàng chữ to và in đậm, nổi bật nhưng khi xem chương trình thì hóa ra là một anh chàng Tuấn Hùng lạ hoắc, được bầu sô cố tình đánh dấu huyền thành cái ngoắc bên cạnh khiến chữ Hùng lại ra chữ Hưng". Khi có người hỏi chuyện này với bên tổ chức thì được ông bầu giải thích là do lỗi chính tả. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng bị một cậu lạ hoắc lợi dụng tên tuổi, cậu ta cũng có tên gần giống với anh Hưng, Đàm Vĩnh H và cậu này nhái y chang kiểu biểu diễn, ăn mặc của anh Đàm Vĩnh Hưng. Nhóm nhạc Huyền thoại gồm Khánh Đơn và Khánh Chung cũng bị tan rã vì kiểu mạo danh này khi có hai cậu khác cũng tự xưng là nhóm Huyền thoại. Khi ra thị trường miền bắc, Khánh Chung và Khánh Đơn đã bị hắt nước vì bị cho là giả mạo. Ưng Hoàng Phúc cũng có lần chết dở sống dở khi dính vào chương trình ở Thái Nguyên năm nào - Khi bị người khác lợi dụng tên tuổi bạn, tại sao bạn không giải quyết triệt để, như tới gặp trực tiếp ban tổ chức để chấm dứt chuyện đáng xấu hổ đó? - Nếu bạn tìm hiểu thì có thể biết Duy Khánh là người nổi tiếng thẳng thắn trong giới ca sĩ. Khánh đã tới gặp trực tiếp cậu Duy Khánh kia để nói chuyện và cậu ta từ chối là không hát nhái dù khi đó, bạn bè của Duy Khánh còn thu âm lại ca khúc có tựa đề Buồn (khi đó đang được đông đảo các bạn trẻ trên mạng yêu thích của Duy Khánh) mà cậu Duy Khánh kia đã thu vào băng để hát nhép lại. Tức là cậu ta không những tự mạo danh là chàng ca sĩ Duy Khánh có ca khúc Buồn ở trên mạng mà thậm chí còn lười nhác và quá đáng tới mức hát nhép lại chính bản mà Duy Khánh hát. Thật tiếc là xuất phát điểm của cậu Duy Khánh đó tốt hơn mình và thời điểm cậu ta xuất hiện thì cậu ta cũng là một cái tên được khán giả biết tới nhưng cậu ta đã phạm phải một sai lầm. Khoảng 2 năm nay không rõ cậu ta đã đi đâu Khánh cũng từng liên lạc với bầu sô của những chương trình có cậu Duy Khánh kia giả mạo mình và hát nhép lại ca khúc của mình nhưng vị bầu sô kia cãi trắng, còn bịa rằng đó là Duy Khánh năm 75. Lúc đó, Khánh còn nhỏ tuổi nên chỉ biết hậm hực trong lòng, bây giờ, khi đã trưởng thành, Khánh mới bắt tay vào thực hiện dự án này để không chỉ lấy lại công bằng cho bản thân, cho những nghệ sĩ chân chính mà còn cho chính khán giả. - Kế hoạch Vạch trần mặt trái làng ca nhạc Việt của bạn với tên dự án là Vì cộng đồng nghệ sĩ chân chính sẽ được thực hiện cụ thể thế nào hay đây chỉ là một cách nói phóng đại nhằm lăng- xê cho ca khúc có tựa đề Mặt nạ của bạn mới được ra mắt vào ngày 1/4 vừa qua? - Cùng với ca khúc "Mặt nạ", Duy Khánh sẽ thu nhận ý kiến anh em nghệ sĩ, những người bị giả mạo và cả những người chưa bị giả mạo nhưng sẵn sàng lên tiếng về vấn nạn này. Bên cạnh đó, Duy Khánh cũng muốn kêu gọi những ông bầu tỉnh lẻ hãy hướng thiện, bài trừ hàng fake vì chính việc làm ăn lâu dài của họ. Nói đi thì nói lại, nếu những bầu sô làm ăn chân chính thì sẽ không có chuyện những người chập chững vào nghề dám mạo danh các anh chị ca sĩ lớp trước. Nhưng một số ông bầu đã cố tình nhập nhèm đánh lận con đen nhằm thu lợi cho mình. Nhật Kim Anh, Akira Phan cũng bị đưa tên, hình ảnh lên trong một số cuộc biểu diễn trong khi họ không hề biết có sô diễn đó. Một số ca sĩ khác khi có fan hâm mộ gọi điện thông báo thấy hình ảnh và tên trên băng-rôn quảng cáo đã gọi cho bầu sô và nhận được câu trả lời tỉnh queo: Ơ, chết bỏ mẹ, in nhầm rồi, có người còn trơ trẽn nói: Chắc mầy thằng cu em anh nó in nhầm rồi. Thế hôm đó có giúp được anh không? Giúp nhá!. Một số nghệ sĩ bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi gặp những ông bầu kiểu này. Ví như ca sĩ Phan Anh thì luôn bị một số khán giả nhầm với MC Phan Anh và những ông bầu tổ chức chương trình thì cứ ỡm ờ: Phan Anh này vừa hát vừa dẫn để câu kéo cả những fan hâm mộ ca sĩ Phan Anh và MC Phan Anh. Hay hai nữ ca sĩ trẻ là Hồng Nhung và Mỹ Linh vẫn chưa được khán giả biết tới nhiều nhưng một vài ông bầu lợi dụng vào tên tuổi của hai Diva Hồng Nhung và Mỹ Linh, cố tình tô đậm tên hai ca sĩ trẻ này khiến họ cũng dở khóc dở cười - Bạn không sợ dự án này sẽ đụng chạm tới một số nhân vật đầu gấu và bị họ đe dọa như trước đây bạn đã từng bị đe dọa khi làm ca khúc Chân dài? - Không phải tự nhiên mà người mẫu Trang Trần lên tiếng tố cáo giới người mẫu có người bán dâm. Mặc dù chuyện này không phải là chuyện tự hào gì nhưng nếu không lên tiếng vạch trần những sự thật đáng xấu hổ đó thì con sâu làm rầu nồi canh và nghệ thuật chân chính sẽ bị vấy bẩn. Duy Khánh không sợ bị khiêu khích, công kích hay chửi bới bởi những số điện thoại lạ từ khi sáng tác ca khúc Chân dài. Duy Khánh thấy sẽ đáng sợ hơn nếu dự án vạch trần mặt trái làng ca nhạc Việt bị rơi vào quên lãng và chẳng tác động tới ai. - Bạn có nghĩ rằng ca khúc Mặt nạ sẽ trở thành một ca khúc được đông đảo các bạn trẻ yêu thích khi nó gắn liền với dự án Vì cộng đồng nghệ sĩ chân chính? - Duy Khánh tin là ca khúc Mặt nạ sẽ được đón nhận. Ngay khi bản đề-mô vừa tung lên mạng đã có nhiều bạn trẻ yêu thích và phản hồi. Một bạn học lớp 9, Trường Lê Ngọc Hân còn dự định sẽ làm một clip mô phỏng nội dung ca khúc này. - Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện! Thục Nhi (thực hiện).
Lê Lựu bây giờ không thể nói chuyện oang oang hàng tiếng đồng hồ, không thể đi lại thoăn thoắt như xưa. Ông dễ nổi nóng hơn, quát mắng mọi người nhiều hơn và hơi tí lại bật khóc vì những việc hết sức bình thường. Có thể kể ra đây hàng tá những giai thoại về ông. Tỉ dụ như (theo cách nói của Lê Lựu) một tối nọ Lê Lựu bỗng nhiên thức giấc và phát hiện chỉ có một mình ở nhà (có cậu nhân viên không biết trốn đâu mất). Sợ quá, ông lập cập đi về phòng khóa chặt cửa lại và rút điện thoại bấm số gọi cho Cảnh sát 113 "báo án". "Tôi là Lê Lựu, số nhà ngõ các anh cho người xuống ngay, trộm nó phá cửa vào lấy hết đồ nhà tôi". Đầu bên kia, anh Cảnh sát 113 hỏi: "Thế bác đã mất gì chưa ạ?". Nhà văn bảo: "Chưa mất gì, tôi cứ báo trước để đến lúc mất các anh xuống là vừa". Nghe thế anh Cảnh sát liền bảo: "Vậy bác cứ đợi khi nào mất cái gì thì hãy gọi điện nhé! Rồi chuyện Lê Lựu mua nhà - chuyện kể mà không ai tin. Biết là ông đang tìm mua nhà, cô nhân viên của ông bảo để cháu bán cho. Không chần chừ ông mua luôn, giao hết toàn bộ tiền một lần chỉ với một tờ giấy viết tay mà chẳng cơ quan, chính quyền nào chứng nhận cho việc mua bán này. Vì theo Lê Lựu, không tin nhân viên thì còn tin ai? Hậu quả của niềm tin đặt không đúng chỗ là ông phải chạy khắp nơi để làm thủ tục trong gần hai năm. Thế nhưng khi cho người ta thuê nhà với giá vài triệu đồng, ông lại cẩn trọng mời hẳn luật sư riêng, soạn thảo hợp đồng với những điều khoản vô cùng chặt chẽ. Ông bảo cẩn thận không thừa!... Còn rất nhiều cái "dở hơi" khác của Lê Lựu phát sinh trong cuộc sống hằng ngày. Cách ông đi chợ cò kè mớ rau, lạng thịt, mè nheo với bà đồng nát chỉ vì một nghìn giấy vụn đến nỗi nhiều mụ đàn bà cũng phải chào thua. Vì nhân viên đi chợ hay bị mua đắt nên thỉnh thoảng có thời gian ông vẫn đích thân đi. Có lần ông đi chợ về, vẻ mặt hớn hở vì mua ba mớ rau muống chỉ mất tám nghìn, trong khi vừa mới hôm qua thôi, nhân viên của ông mua tám nghìn một mớ. Dù cho mớ rau ông mua có phải vứt đi gần hết vì hỏng nhưng không hiểu sao vẻ mặt nhà văn lại hỷ hửng đến lạ thường. Một lần khác về quê, thấy bên đường bán nhiều đào (vì sắp tết), ông nổi hứng lệnh cho lái xe dừng lại để mua một cây. Khi người bán đon đả phát giá: "Một trăm tám mươi nghìn một cây bố ạ", kể ra thì giá ấy cũng là quá rẻ rồi, nhưng Lê Lựu tỉnh bơ hỏi: "Mười tám nghìn có bán không". Người bán hàng mặt từ tươi rói chuyển sang méo xệch chắp tay: "Con lạy bố, bố có thì bán cho con" rồi bỏ đi. Chúng tôi thở phào vì may mà không bị chửi. Ấy vậy nhưng Lê Lựu lại sẵn sàng giúp đỡ những người túng khó. Ông bỏ ra rất nhiều tiền để làm việc nghĩa mà không mất một giây đắn đo suy nghĩ. Vì nghĩa tình với người bạn đã mất, ông bỏ tiền ra và đi xin các doanh nghiệp để xây cho cố nhà thơ Phạm Tiến Duật ngôi nhà lưu niệm. Ngôi nhà mà như NSND Trọng Khôi nói: "Lúc sống anh Duật cũng chưa bao giờ được ở trong ngôi nhà lớn như thế". Tuy ngôi nhà được xây dựng bởi sự hảo tâm của nhiều tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp, bạn bè yêu thơ Phạm Tiến Duật, nhưng có một điều chắc chắn là nếu không có nhà văn Lê Lựu thì không có công trình trên. Mỗi lần nhắc đến chuyện ở quê, nhà văn lại xúc động rơi nước mắt. Ông bảo, ngày trước nhà ông nghèo nhất làng, làng ông nghèo nhất thôn, thôn ông nghèo nhất xã, xã ông nghèo nhất huyện, huyện ông nghèo nhất tỉnh, tỉnh ông lại nghèo nhất nước Cái gì quê ông cũng là nhất hết. Mấy năm trước, làng không có đình như những làng bên cạnh, điều đó khiến ông lúc nào cũng sống trong tâm trạng day dứt. Thế là ông đứng ra kêu gọi bà con, bạn bè mỗi người đóng góp một ít. Vì là người đóng góp có tính chất quyết định nên vai trò của ông rất quan trọng. Trong cuộc họp bàn về việc khởi công xây dựng đình, mọi người bảo: "Báo cáo bác Lựu, tất cả vật liệu chúng em đã chuẩn bị hết rồi, giờ chỉ thiếu mỗi xi măng, sắt thép và tiền nữa thôi là việc xây dựng được tiến hành!". Chao ôi, chỉ vì cái thiếu "một chút" ấy mà ông lại chạy khắp nơi vay mượn, xin vật liệu. Công trình đâu phải xây một nèo là hoàn thành. Mọi người ở quê nghĩ ông là nhà văn lớn nên tưởng ông giàu có lắm. Vậy là cứ khi nào công trình gặp khó khăn do hết tiền là lại gọi điện: "Trăm sự nhờ bác, chúng em chỉ biết trông chờ vào bác thôi". Phải mất mươi năm ngôi đình quê ông mới xây xong. Hôm khánh thành, nhà văn Lê Lựu thuê hẳn Đoàn chèo Hà Nội về biểu diễn phục vụ bà con khiến ai cũng vui ra mặt. "Ấy thế hóa ra đình làng tôi lại oai nhất" - Nhà văn không giấu được vẻ hãnh diện. Nhưng mỗi khi có người nhắc đến công sức đóng góp của ông, ông lại bảo: "Làm việc nghĩa là cấm được kể công hay tính toán". Năm nay nhà văn đã bước sang cái tuổi mà các cụ gọi là "tuổi xưa nay hiếm". Ông từng phải cấp cứu mấy lần vì xuất huyết não. Tuy chân đi lại khó khăn nhưng sự hài hước và minh mẫn về đầu óc của Lê Lựu mấy ai sánh được. Ông có thể đọc vanh vách cho mọi người nghe truyện "Tết làng Mụa" hay "Người về đồng cói" mà không sai một chữ. Ông say sưa kể chuyện năm lên tám tuổi ông đã chết hụt, gia đình bó chiếu đem chôn, nhưng khi anh cả lấy tay sờ vào người ông thì phát hiện ông còn thở. Mọi người lại bế ông vào nhà. Lúc đó ông đã ở tình thế mắt trợn ngược, mặt ngửa lên trời, người úp sấp xuống đất. Người ta lấy rễ cà mài lấy nước trộn với sắc rắn, đốt thành tro rồi cậy miệng đổ cho ông uống. Một vài tiếng sau, kỳ tích đã xuất hiện, đầu ông dần dần quay lại nằm sấp cùng với thân. Mọi người mừng rỡ reo hò: "Sống rồi! sống rồi! Chuyện năm mười tuổi ông đi thi lớp bình dân học vụ trên huyện. "Sau khi viết chính tả xong, tôi không sao làm nổi bài tính đố. Khi anh hai đến đón, hỏi tôi có làm được bài không, tôi thú thực với anh rằng:"Đề khó quá em bỏ giấy trắng". Anh tôi ngạc nhiên hỏi: "Ở nhà em đã biết cộng đến con số mười rồi, hôm nay đề chỉ là 3 + 5 sao lại không làm được?". "Tự vì ở nhà không có mìn và lựu đạn, ở đây lại là 3 quả mìn cộng với 5 quả lựu đạn. Em không biết mìn với lựu đạn có cộng được với nhau hay không". Từ đó anh dạy tôi không những mìn cộng với lựu đạn mà cả súng trường, đại bác cộng với nhau tôi cũng làm được" - Ông cười, đôi mắt sóng sánh. Nhà văn Lê Lự bảo, ngày bé ông học rất dốt, nhất là môn văn, chỉ toàn một, hai điểm. Có lần kiểm tra, thầy giáo ra đề bài là tả một buổi sáng tựu trường thì ông lại tả toàn núi và tuyết. Hôm trả bài, thầy giáo đe: "Nếu bài sau còn kém như thế này, tôi sẽ đuổi anh xuống học lớp bốn", nghĩa là ông sẽ phải về học ở xã trong khi sáu huyện Bắc Hưng Yên mới có duy nhất một trường cấp 2 này, cả xã chỉ có năm người được đi học. Mười bảy tuổi ông đi nghĩa vụ quân sự. Ông bảo, lúc đầu mới tập tành viết, viết rồi gửi đi đến hơn năm mươi bài mà không có hồi âm. Đến lần thứ 54 thì được đăng một tin đúng 26 chữ: "Theo Lê Lựu đại đội 25, đoàn Sông Thao, quân khu Tả Ngạn: Đại đội 25, đoàn Sông Thao diệt được hơn 38 vạn con ruồi". Chỉ có thế thôi nhưng đó là niềm khích lệ lớn với ông, ông cắt mảnh báo đó nhét vào ví mang theo bên mình và thỉnh thoảng không có người lại lấy ra xem. Ông thường nói với mọi người: "Lê Lựu mà viết được văn thì chó nó cũng viết được". Với ông viết văn là phải rút ruột mình ra mà viết. Cho đến bây giờ, khi công danh ở đỉnh cao nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Nhiều người nghĩ, ông làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân lại cộng thêm tuổi cao sức yếu thì niềm đam mê dành cho văn chương không còn. Nhưng Lê Lựu bảo: "Có thằng nhà văn nào bỏ được nghề. Một anh thợ xây, một anh giáo viên hay một bác sĩ có thể bỏ nghề, nhưng một nhà văn bỏ viết thì không thể. Chỉ có điều mỗi thời điểm nhất định nhà văn cho ra đời những tác phẩm hay hoặc chưa hay thôi". Giữa năm 2009, nhà văn cho ra đời cuốn tiểu thuyết dày 131 trang: "Thời loạn". Năm 2011, ông tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử: "Ở quê ngày ấy", với độ dày 229 trang. Khách quan mà nói, về mặt văn chương thì cả hai cuốn tiểu thuyết trên còn rất nhiều khiếm khuyết, nếu ngoài bìa không có chữ: "Tiểu thuyết của Lê Lựu" thì một người sành đến mấy cũng không thể tin đấy là văn Lê Lựu. Chính nhà văn cũng công nhận do yếu tố sức khỏe nên ông viết không được như trước, câu chữ không được sâu. Năm 2012, ông lại có bất ngờ dành cho độc giả. Nhà văn cho ra đời cuốn tiểu thuyết:"Gã dở hơi", với độ dày khoảng 300 trang. Ban đầu, cuốn tiểu thuyết có tên là "Kẻ chạy trốn". Thú thực tôi thích cái tên này hơn là "Gã dở hơi". Nhưng Lê Lựu bảo: "Chú Ngân đúng là kẻ dở hơi thật" (nhà văn luôn gọi nhân vật của mình thân thiết như một người em có thật ngoài đời). Không giống như hai cuốn tiểu thuyết "Thời loạn" và "Ở quê ngày ấy", "Gã dở hơi" hấp dẫn tôi ngay từ những dòng đầu tiên, tôi hết sức bàng hoàng khi bắt gặp lại giọng văn đúng chất Lê Lựu, giọng văn mà ở thời kỳ ông sung mãn nhất. Có thể nói "Gã dở hơi" là cuốn tiểu thuyết không thua kém gì những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Nhà văn Lê Lựu trước đó. Ông bảo, đây là bản thảo ông viết từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên nó bị vứt trong góc tủ một thời gian khá dài, cũng có lúc định bỏ nó đi nhưng ông lại day dứt như việc mình nhẫn tâm vứt bỏ một đứa con chưa thành hình. Đến giờ có thời gian mới đem ra chỉnh sửa lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
Kiêng tắm gội. Người xưa quan niệm rằng, sau sinh phụ nữ phải kiêng tắm, gội ít nhất trong vòng 1 tháng. Vì theo lý giải của các bà, các mẹ, việc tắm sớm sẽ khiến sản phụ dễ bị cảm lạnh, nhiễm phong hàn. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn phản khoa học. Trong quá trình vượt cạn, cơ thể người mẹ ra rất nhiều mồ hôi, máu, rồi cả sữa nữa. Nếu không tắm gội, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây nhiễm trùng vết khâu, vi khuẩn từ mẹ có thể truyền sang em bé. Mà bé sơ sinh do sức đề kháng còn non yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công, gây hại cho sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa). Các bác sĩ khuyên, sau sinh người mẹ phải được lau sạch mồ hôi, vệ sinh vùng kín và thay quần áo sạch sẽ mới được cho bé bú. Bạn nên dùng nước ấm để lau người, vệ sinh vùng kín. Và sau từ 3-4 ngày sau sinh là có thể tắm gội bình thường. Nhưng lưu ý là khi tắm mẹ nên tắm nhanh, không ngâm mình trong bồn nước quá lâu, tắm ở nơi kín gió, sau khi tắm mặc quần áo dài tay. Nên gội đầu ở bồn nước, với những mẹ sinh mổ nên hạn chế cúi người để gội đầu, sau khi gội nhanh chóng sấy khô. Kiêng vận động. Dân gian cho rằng, sau sinh cơ thể người phụ nữ rất yếu nên tránh vận động và di lại mà nên nằm ổ ít nhất một tháng. Điều này là không đúng, các bác sĩ khuyên sau sinh thường khoảng từ 6-8 tiếng mẹ hoàn toàn có thể đi lại vận động nhẹ nhàng. Hoạt động này sẽ giúp máu huyết lưu thông tốt cho việc phục hồi sau sinh đồng thời kích thích tử cung co thắt dể phục hồi, vận động nhẹ nhàng cũng giúp ích cho việc phòng chống táo bón sau sinh rất tốt. Với những mẹ sinh mổ nên tránh vận động mạnh trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, mẹ có thể nằm trên giường vung vẩy chân tay nhẹ nhàng cũng rất tốt cho việc phục hồi. Nên tránh làm việc, vận động quá sức trong vòng 1 tháng đầu. Tuyệt đối không mang vác đồ vật quá nặng, nên nhờ người thân giúp đỡ trong những trường hợp này. Nằm than. Theo quan niệm của người xưa, sau sinh cơ thể người phụ nữ yếu nên dễ bị cảm lạnh. Việc nằm hơ với than sẽ giúp sản phụ tránh cảm lanh, em bé tay chân cứng cáp hơn. Nhưng đây là cách làm nguy hiểm. Vì than có chứa C02 cả mẹ và bé nếu thường xuyên hít thở khí này sẽ bị các bệnh về đường hô hấp vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, đến nếu nằm ổ trong phòng kín với khí than trẻ sơ sinh dễ bị nghẹt thở nguy hiểm hơn có thể bị tử vong. Nằm than cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho bé, trẻ có thể bị bỏng da nếu tiếp xúc với than nóng. Vậy nên, đừng bao giờ kiêng cữ theo cách này mẹ nhé. Phòng ngủ của hai mẹ con nếu mùa hè vẫn phải thoáng mát, để không khí trong lành. Mùa đông nên tránh nơi gió lùa mặc ấm. Phải ở phòng thật kín. Người xưa rất coi trọng điều này vì làm như vậy sẽ tránh gió lùa vào, sợ em bé bệnh. Nhưng điều này chưa đúng, vì nếu nằm trong phòng kín sẽ thiễu oxy, môi trường ẩm thấp dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây các bệnh cho cả mẹ và con. Đặc biệt là các bệnh viêm nhiễm phụ khoa cho mẹ và các bệnh về da cho bé. Vậy nên, sau sinh mẹ nên ngủ trong phòng thoáng mát, phòng phải có ánh sáng bên ngoài chiếu vào. Nhưng nên tránh đặt giường ngủ gần cửa sổ, hoặc nơi có gió lùa từ bên ngoài vào là được. Kiêng ăn quá nhiều chất bổ. Theo quan niệm của người xưa, sau sinh nếu sản phụ ăn quá nhiều chất bổ, những thực phẩm ví dụ như sò, cá, thịt, tôm sẽ khiến sữa có mùi tanh khó chịu, bé sẽ không thích sữa mẹ. Và thực phẩm tanh dễ gây tiêu chảy cho cả mẹ và con. Thế nhưng các bác sĩ khuyên, phụ nữ sau sinh thường thiếu chất, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất như chất đạm, vitamin, tinh bột mới mau chóng bình phục sức khỏe và có nguồn sữa tốt cho bé bú. Vậy nên các mẹ phải xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chỉ cần không nên ăn quá nhiều chất béo, kiêng các đồ ăn có tính hàn (như dưa leo, bí đao, khổ qua, dừa), những thức ăn tanh như cua ốc, đồ chua và nước đá vì sẽ bị đầy hơi, khó tiêu; ăn thật nhiều rau xanh, củ quả màu đỏ để phòng chống táo bón dồng thời bổ sung vitamin cho cơ thể. Thức ăn phải được nấu chín, không ăn thực phẩm tái sống, món ăn có nhiều gia vị vì dễ gây rối loạn tiêu hóa cho cả mẹ và con. Nên thay đổi thực đơn nhiều món, không lặp đi lặp lại một món (ví dụ như chỉ món giò móng) để sữa mẹ giúp bé hấp thu được nhiều loại dinh dưỡng khác nhau. Kiêng cữ chuyện chăn gối. Người xưa cho rằng, phụ nữ sau sinh nếu gần gũi chồng quá sớm dễ bị tiền sản mòn ( gầy yếu, xanh xao). Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng đắn, theo khuyến cáo phụ nữ sinh thường sau 2 tháng là có thể sinh hoạt trở lại. "Chuyện ấy" không chỉ giúp mẹ giảm căng thằng, trầm cảm sau sinh mà còn có lợi cho phục hồi tử cung. Riêng phụ nữ sinh mổ thường là 4-6 tháng mới yêu tùy thuộc mức độ phục hồi của vết thương sau sinh. Kiêng đánh răng. Theo dân gian phụ nữ mới sinh, tuyệt đối không được đánh răng vì điều này sẽ răng sẽ gây ê buốt, đau răng có thể dẫn đến rụng răng về già. Kiêng cữ này hoàn toàn phản khoa học, sau sinh người mẹ phải thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể thay thế kem đánh răng bằng nước súc miệng có pha muối loãng và sức vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Không đánh răng, sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn gây các bệnh về răng miệng phát triển, gây hại cho sức khỏe của mẹ, có thể ảnh hưởng đến em bé nữa. Kiêng chải đầu. Người xưa cho rằng chải đầu sẽ làm cho da đầu yếu, dễ rụng tóc. Điều này không đúng, vì lúc vượt cạn mồ hôi ra nhiều nên tóc thường bị bết lại. Vì thế, phải được gội đầu để làm sạch tóc. Nhưng nhớ gội bằng nước ấm, sau khi gội làm khô tóc ngày và dùng các sản phẩm từ thiên sẽ tốt hơn. Mẹ vẫn được chải tóc nhưng chải nhẹ nhàng để không gây tổn thương cho tóc. Uống nước trà, nước tiểu em bé để có sữa về. Đây là một hủ tục vô cùng sai lầm và hoàn toàn lạc hậu, nhiều mẹ chồng bắt con dâu phải uống nước tiểu em bé để gọi sữa về. Điều này là phản khoa học và hại cho sức khỏe của mẹ vì nước tiểu em bé là chất thải, chứa nhiều vi khuẩn. Trong khi đó, trà chứa chất cafein gây khó ngủ. Vậy nên, hãy loại bỏ ngay những kinh nghiệm dân gian sai lầm này. Bên cạnh đó, mẹ uống thật nhiều nước để bù lượng nước mất đi trong cơ thể. Ăn uống bổ dưỡng, khoa học và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cho việc phục hồi và tăng nguồn sữa sau sinh. Cấm xem tivi, đọc sách báo. Người xưa cấm phụ nữ sau sinh không được đọc sách báo và xem tivi vì vì cho rừng sẽ làm suy giảm thị lực, về già mau mờ mắt. Thế nhưng ngày nay những điều này không còn đúng, các mẹ nên thư giãn bằng cách nghe nhạc nhẹ, đọc sách báo để có thêm nhiều kiến thức chăm sóc trẻ. Xem các chương trình giải trí trên truyền hình sẽ giúp mẹ đối phó với buồn chán sau sinh, chống trầm cảm. Nhưng nhớ là cái gì quá cũng không tốt mẹ nhé. Vài lời khuyên cho các mẹ sau sinh. - Không cần quá cưng nhắc trong việc phải tuân theo những việc kiêng cử đã quá cổ hủ, nên làm những kiêng cử đúng, phù hợp. - Cố gắng giữ gìn vệ sinh thân thể thật tốt để tránh viêm nhiễm, vi khuẩn xâm nhập. Hãy thương xuyên pha nước muối ấm để lau rửa vùng kín sau sinh. - Cần nghĩ ngơi thư giản, giữ gìn sức khỏe, tránh xa những không khí độc hại. - Ăn uống để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để cung cấp sữa cho bé. - Không uống thuốc bãi, tránh để tinh thần căng thẳng, lo lắng. Theo Meyeucon.
Moto X và tham vọng của Google. Ai trong chúng ta cũng biết rằng, cùng với sự phát triển như vũ bão của , của cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc để rồi trở thành một đối trọng hiếm hoi khả dĩ đủ sức ngăn chặn và đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của Apple. Và điều đó đã biến hai công ty này trở thành những kẻ dẫn đầu trong cuộc cách mạng lớn nhất về công nghệ kể từ sau sự ra đời của hệ điều hành Windows. Nhưng có một điều mà Google đã không thể làm được, đó chính là việc làm ra được một chiếc điện thoại của riêng mình. Chính điều này đã có tác động không nhỏ đến vị thế thống lĩnh của trong thời điểm hiện tại và đưa vào vị trí của một kẻ cạnh tranh khi hãng này đã nhanh chân thay thế cái nhiệm vụ mà Google lẽ ra đã phải làm. Để rồi, thay vì ở vị trí của một kẻ cạnh tranh thực sự cho ngôi vị đế vương, cái mà Google đạt được chỉ là vị trí của một kẻ hỗ trợ và dẫn đường. Và với việc từng bước thâu tóm lại mảng di động của Motorola, Google đang làm đúng cái việc mà họ đáng ra đã phải làm ở thời điểm vài năm trở về trước. Những quyết định nhanh chóng và không kém phần táo bạo đã được Google đưa ra kể từ sau thương vụ sát nhập này. Và sự đầu tư cực lớn của Google vào Moto X là một trong những quyết định như thế. Đâu là lợi thế ? Với kinh nghiệm của cùng sự chống lưng từ phía Google. Rõ ràng không khó để ta có thể nhận thấy, đâu là những lợi thế mà chiếc điện thoại này đang sở hữu. Xét trong quá khứ, tất cả những sản phẩm gắn trên mình cái mác Google đều có vị trí nhất định so với các dòng sản phẩm khác trên thị trường. Không quá khó để nhận thấy điều đó khi mà dòng sản phẩm Nexus với sự thành công của Nexus 7 và Nexus 4 là những ví dụ cụ thể và sinh động nhất. Điểm chung của sự thành công này đều đến từ sự kết hợp giữa cấu hình khủng, giá cả phải chăng, đi kèm với nó là sự đầu tư và có tổ chức trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu. Với việc bỏ ra đến 500 triệu đô chỉ để quảng bá cho một chiếc điện thoại như Moto x, cũng là điều dễ hiểu khi cả chủ tịch Eric Schmidt cũng bị lôi vào chiến dịch quảng cáo rầm rộ này. Với 500 triệu đô được duyệt chi để đầu tư cho thương vụ này, chưa kể đến số tiền 12,5 tỷ đô la Mỹ đã bỏ ra để mua lại Motorola, rõ ràng bằng đó là quá đủ nếu không muốn nói là quá thừa cho một chiếc điện thoại như Moto X. Đấy là còn chưa kể đến việc, nếu so với những chiếc điện thoại của Samsung, với vị thế con đẻ của Google, Moto X nghiễm nhiên được thừa hưởng tất cả những hỗ trợ và cập nhật tốt nhất mà những chiếc điện thoại Android khác trên thị trường có nằm mơ cũngkhông thể có. Tất nhiên, dù có sự đầu tư lớn đến mức nào, thực lực vẫn là điều quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của một chiếc smartphone được xếp vào hàng siêu phẩm. Và nếu so với các đối thủ khác trên thị trường, có lẽ không có quá nhiều khác biệt để nói về chiếc điện thoại của Google ngoài giao diện tùy biến đi kèm với chức năng ra lệnh bằng giọng nói. Moto X sở hữu lớp vỏ ngoài được giới thiệu là "tùy biến" với hơn 20 sự lựa chọn về màu sắc. Design By you Thiết kế bởi bạn, Google đã chọn câu khẩu hiệu này với mục đích không gì khác ngoài việc chọc tức gã đối thủ khó chịu Apple, cùng với đó là việc thu hút sự chú ý và tò mò từ phía công chúng. Lớp vỏ bên ngoài được giới thiệu là tùy biến với sự xuất hiện của hơn 20 màu sắc đi kèm là một sự khác lạ của Google, nhưng chừng đó để tạo nên bản sắc thì rõ ràng là chưa đủ. Bên cạnh lớp vỏ tùy biến, còn một điểm khác mà Google hay Motorola có thể tự hào khi nói về chiếc điện thoại của mình, đó là tính năng ra lệnh bằng giọng nói. Tìm kiếm bằng giọng nói dù chưa thực sự cho thấy sự hiệu quả nhưng cũng đã trở nên quá quen thuộc cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quảng cáo thương hiệu của nó mà Siri và Google Now là hai hình ảnh cụ thể nhất. Nhưng Moto X với Ra lệnh bằng giọng nói thì thực sự là một điều mới mẻ. Tính năng nhận dạng giọng nói thông minh. Thực ra, việc ra lệnh bằng giọng nói đã được nhiều hãng thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng ở mức độ cơ bản với một vài câu lệnh đơn lẻ. Tìm kiếm bằng giọng nói và chụp ảnh bằng giọng nói thực chất đều là ra lệnh bằng giọng nói nhưng rõ ràng là nó vẫn chưa thể đáp đáp ứng được hết ý nghĩa thực sự của cụm từ này. Và dù vẫn còn chưa được kiểm chứng, nhưng Moto X với những đoạn quảng cáo mà Google đã dựng nên cho nó khiến người ta phần nào có được sự tin tưởng, rằng cuối cùng thì cũng có một chiếc điện thoại có thể làm được điều này một cách thực sự. Nước cờ mạo hiểm. Với quyết tâm cùng sự mạo hiểm của mình, Google đã đầu tư không ít tiền của vào Moto X, giới truyền thông tiết lộ từng chút một thông tin về nó hàng ngày. Và tất nhiên, với tần xuất xuất hiện trên mặt báo dày đặc như thế, việc Moto X nhanh chóng bộc lộ ra những điểm yếu chí tử của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điểm yếu dễ thấy nhất của Moto X chính là cấu hình. Theo những thông tin mới nhất vừa bị rò rỉ của chiếc điện thoại này, máy sẽ sở hữu vi xử lý lõi kép Snapdragon S4 Pro 1.7 GHz, RAM 2G, cùng với đó là màn hình 4.7 inch với độ phân giải chỉ ở mức độ tương đối. Khác với Windows Phone và iOS, đối với những người sử dụng sản phẩm chạy trên nền hệ điều hành Android, khỏi phải nói thì ai cũng biết rằng, cấu hình khủng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự thành công của một chiếc smartphone cao cấp. Và rõ ràng, với cái mác siêu phẩm trên tay, những con số thống kê kể trên chưa đủ để Moto X có thể chen chân vào hàng ngũ những chiếc điện thoại như iPhone 5 hay Galaxy S4. Vỏ ngoài được giới thiệu là tùy biến tuy lạ nhưng không phải là duy nhất, khi mà Nokiađã từng sử dụng phương thức này với những chiếc điện thoại như Lumia 620 và 820 từng được bán ra thị trường. Và với hơn 20 màu sắc mà Google cung cấp cho máy, nó có thể biến chiếc điện thoại của hãng này trở nên nổi bật, nhưng cũng dễ dàng làm tầm thường hóa đi chiếc điện thoại này. Khi mà lớp vỏ ngoài được lăng xê là tùy biến kia thực ra chẳng khác gì những tấm case mà ta có thể tìm thấy dễ dàng trên thị trường, nếu không muốn nói là có phần xấu xí và thô kệch hơn những dòng sản phẩm của các công ty chuyên sản xuất phụ kiện cho điện thoại. Thời điểm ra đời của Moto X cũng là một bài toán đau đầu mà Google đang phải đối mặt, khi mà ngày ra mắt của những siêu phẩm như Galaxy Note 3, Lumia 1020 hay thậm chí là iPhone giá rẻ cũng đã sắp sửa cận kề. Lẽ ra Google đã không phải gặp phải những khó khăn nhiều như thế, nếu như hãng này nhanh chóng xác lập vị thế của mình với việc sớm thâu tóm một thương hiệu nào đó trong làng di động. Không phải những vị lãnh đạo cao cấp của Google không nhìn ra điều đó, nhưng có lẽ vì một lý do nào đó mà phải đến tháng 8 năm 2011, Google mới thực sự làm được điều mà đã nhiều người mong đợi từ rất lâu này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tìm được cho mình một chỗ đứng vững chắc, khi mà thị trường điện thoại thông minh gần như đã an bài với sự thống lĩnh của Apple và Samsung là điều quá khó nếu không muốn nói là bất khả thi. Vậy nên, nếu Google chỉ coi Moto X như một con tốt thí để thăm dò thị trường thì cũng là một điều dễ hiểu. Với việc bỏ ra đến 13 tỷ đô (trong đó 12.5 tỷ để mua lại Motorola Mobility, 500 triệu đô để quảng bá cho Moto X) để đặt cược vào một canh bạc chưa nắm chắc phần thắng trong tay, rõ ràng là Google đã quá mạo hiểm với quyết định của mình. Nhưng hãy khoan nói về tính đúng sai của quyết định này. Bởi việc đầu tư phát triển một chiếc điện thoại riêng gắn liền với thương hiệu Google là một điều cần thiết trong tiến trình phát triển của gã khổng lồ tìm kiếm. Và chiếc điện thoại này mới chỉ là điểm khởi đầu và là vị tướng tiên phong cho việc hướng tới những mục tiêu lớn hơn phía trước. Vậy nên nếu có thất bại thì cũng đừng vội trách Google, có chăng họ đang liều mình thả con săn sắt để hòng bắt được con cá rô to bự sau này. Đài Trang. Xem mới nhất tại TechZ.vn!
Ảnh minh họa. Tôi may mắn có chuyến thăm tới khu Long Hoa, Thẩm Quyến, Trung Quốc. Đây là nơi mà ngành công nghiệp sản xuất iPhone phát triển mạnh mẽ và chứng kiến cảnh hàng nghìn công nhân đang chôn vùi cuộc sống. Khung cảnh ở Long Hoa tràn ngập những khu phức hợp công nghiệp, các khu nhà ở xám xịt, nhiều kho chứa hàng sừng sững mọc lên lố nhố như nấm sau mưa. Khu ngoại ô của Thẩm Quyến có bầu không khí không mấy trong lành. Công xưởng khắc nghiệt nhất thế giới. Tại Long Hoa, Foxconn là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple bởi tính chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất cũng như bảo mật cực kì cao. Foxconn có rất nhiều nhân viên bảo vệ túc trực ở các cổng ra vào. Nhân viên, công nhân bắt buộc trang bị một thẻ ID và các tài xế chở hàng phải qua một máy quét vân tay. Công tác bảo mật của Foxconn nhiều lúc nghiêm ngặt tới nỗi từng có một phóng viên củaReutersbị khống chế và kéo ra khỏi xe khi đang chụp ảnh ngoài hàng rào. Nhiều tín đồ Táo khuyết có thể dễ dàng để ý thấy dòng chữ sau lưng của mỗi chiếc iPhone rằng: Thiết kế bởi Apple tại California, sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, những phát kiến công nghệ mang tính đột phá tuy được lên ý tưởng từ thung lũng Sillicon, nhưng các sản phẩm ấy lại được chế tạo bởi bàn tay của nhân công Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay được mệnh danh là công xưởng lớn nhất thế giới, thu hút nhiều ông lớn ngành công nghệ chính bởi nguồn nhân công rẻ mạt. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, tính đến 2009 có khoảng 99 triệu nhân công làm việc trong các nhà máy ở Trung Quốc, biến nước này thành nền công nghiệp phát triển thứ hai thế giới. Foxconn là tập đoàn có lượng nhân công lớn nhất tại đất nước tỷ dân. Công ty này sở hữu khoảng 1,3 triệu nhân viên. Hiện nay, những chiếc iPhone được sản xuất dàn trải ở các xí nghiệp công nghệ cao khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm iPhone được chế tạo tại Foxconn luôn lớn nhất. Trên báo chí, Foxconn được biết đến nhiều hơn nhờ các vụ tự tử. Từ năm 2010, nhiều công nhân gieo mình xuống từ những tầng nhà cao nhất ngay giữa ban ngày để phản đối điều kiện làm việc tại Foxconn. Đã có khoảng 18 vụ tự tử, trong đó 14 nạn nhân đã chết trong năm đó. Theo lời kể lại của những người sống sót, nguyên nhân những vụ tự sát trên là do thời gian làm việc kéo dài, môi trường căng thẳng và quản lý khó tính sẵn sàng lăng mạ công nhân bởi một vài lỗi nhỏ. Hơn nữa, Foxconn còn được cho là không đáp ứng những phúc lợi đã hứa với nhân công. Tuy nhiên, Foxconn lại giải quyết những vấn đề trên một cách rất gượng gạo. Terry Gou, CEO Foxconn cho lắp đặt nhiều tấm lưới lớn bên ngoài các tòa nhà để ngăn không cho ai nhảy lầu tự sát. Không những thế, công ty còn chọn ra những công nhân bị mua chuộc làm đại diện và bắt họ kí vào các cam kết không tự tử. Nơi này không dành cho con người, chàng trai trẻ tuổi tên Xu chia sẻ. Anh ta làm việc tại khu Long Hoa đã được một năm, môi trường làm việc ở đây vẫn không có những biến chuyển tích cực. Công việc lúc nào cũng dồn dập gây nên rất nhiều áp lực, những người công nhân ở đây buộc phải làm việc liên tục suốt 12 tiếng đồng hồ. Theo Xu, những tay quản lý ở đây thường có thái độ thô lỗ, sẵn sàng chửi mắng nhân công chỉ vì họ làm việc chậm và thường thất hứa. Nhiều người trước khi làm việc được hứa hẹn trả gấp đôi tiền lương nếu làm thêm giờ nhưng rốt cuộc công ty vẫn "xù" khoản tiền này. Nếu không có người tự sát thì đó không phải là Foxconn nữa. Mỗi năm người ta đều tự kết liễu đời mình và Foxconn cho rằng đó là chuyện thường ngày ở huyện, Xu nói. Viễn cảnh về một công việc mơ ước trong ngành công nghiệp sản xuất iPhone tạo cho người ta rất nhiều mộng tưởng. Có người cảm thấy rằng góp sức cho công cuộc cải tiến bộ mặt thế giới công nghệ là một điều tuyệt vời. Người thì luôn suy nghĩ về lựa chọn của mình, lại có người gục ngã bởi áp lực công việc hay thực dụng hơn, có người xem công việc này như một công cụ để cưa gái. Đã có rất nhiều bài viết về môi trường làm việc tồi tệ trong nhà máy sản xuất iPhone. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tham gia vào công việc này, một phần là vì họ không quan tâm lắm hoặc có thể họ đang thất nghiệp. Chiếc iPhone hiện nay là một tổ hợp của những công nghệ và thiết bị phức tạp đòi hỏi quy trình khép kín, nghiêm ngặt. Một nữ công nhân chia sẻ mỗi ngày có hơn 1.700 chiếc iPhone qua tay mình, cô ấy phụ trách khâu quét một lớp xi đánh bóng lên trên màn hình. Tốc độ làm việc phải luôn giữ mức một phút hoàn thành 3 màn hình, trong khoảng thời gian suốt 12 tiếng. Nhiều công việc đòi hỏi nhiều kiểu năng hơn như lắp bảng mạch và ghép vỏ sau điện thoại thì cho phép tốc độ chậm hơn. Trung bình một công nhân làm ở khâu này phải làm được 600 tới 700 chiếc iPhone mỗi ngày. Khi làm việc mọi người bắt buộc phải im lặng tuyệt đối và có thể làm sếp quát tháo nếu xin ra ngoài đi vệ sinh. Nhiều người bảo Foxconn đích thị là cái bẫy vì rất nhiều người đã bị dụ dỗ, Xu trả lời. Foxconn hứa hẹn sẽ cung cấp cho họ nơi ở miễn phí nhưng lại thu phí bất hợp lý tiền điện và nước. Một phòng trong những khu nhà ở của Foxconn chứa được 8 người, nhưng có lúc con số này lên tới 12 người/phòng. Hơn nữa, Foxconn còn tự ý cắt giảm những bảo hiểm phúc lợi xã hội và chậm trễ trong việc trả tiền lương hay tiền thưởng. Không những thế, nhiều công nhân phải chịu nộp tiền phạt nếu bỏ việc trong khoảng thời gian 3 tháng thử việc. Sự nhục mạ làm nên những cái chết. Bạn luôn phải chuẩn bị trước tinh thần vì có khả năng những người giám sát sẽ lăng mạ bạn trước bao nhiêu đồng nghiệp. Thay vì nhẹ nhàng nhắc nhở hay kêu bạn ra một góc mà la mắng, các quản đốc thích chồng chất mọi chuyện sau đó đổ hết lên đầu bạn trước mặt mọi người sau khi kết thúc công việc, Xu bức xúc. Họ lăng nhục mọi người mọi lúc mọi nơi. Các quản đốc luôn trừng phạt một cá nhân để làm gương cho toàn tập thể. Khi có một công nhân mắc phải lỗi mà họ cho là lớn, anh/cô ấy bắt buộc phải viết một bức thư xin lỗi và trịnh trọng đọc nó trước mặt mọi người, đồng nghiệp của Xu thêm vào. Chính bởi vì môi trường làm việc đầy căng thẳng cộng với nỗi sợ hãi thường trực bị bêu xấu trước đông người mà áp lực công việc ngày càng gia tăng tới mức báo động. Tôi có biết một cậu sinh viên mới xin vào làm việc cho dây chuyền sản xuất iPhone, cậu ấy hay lảng vảng quanh chỗ tôi ngồi mỗi khi tới giờ ăn. Tuy nhiên, sau khi bị quản đốc chửi mắng trước mặt đông đảo mọi người, cậu ấy đã cãi nhau với họ và sau đó bị cảnh sát tạm giam vài ngày. 3 ngày sau, cậu ấy đã tự nhảy từ tầng 9 xuống kết liễu đời mình, Xu kể lại. Tôi hỏi rằng một chuyện lớn như vậy mà sao không có ai tới đưa tin, chụp ảnh. Nhưng Xu và người bạn nhìn nhau và nhún vai rằng. Ở đây có nhiều người chết lắm rồi, nhưng hôm sau thì chẳng có gì xảy ra cả, mọi người cho là việc bình thường và bắt đầu quên nó đi. Vào năm 2012, 150 công nhân leo lên mái nhà của một tòa cao nhất và dọa sẽ nhảy xuống tự vẫn. Họ là những người cảm thấy thất vọng vì quản lý không giữ lời. Vài năm sau đó, năm 2016, một nhóm nhỏ hơn lặp lại hành động trên bởi vì không nhận được bất kì đồng tiền thưởng đã được hứa hẹn nào. Bên cạnh đó, gần đây nhất là tháng trước, 8 công nhân cũng đã làm việc tương tự, đòi hỏi đơn vị chủ quản phải trả tiền đúng với sức lao động của họ. Tuy nhiên, Foxconn luôn hứa hẹn rằng sẽ trả cho họ đúng hạn để giải quyết những vụ tự tử nhưng các công nhân lại bị thất hứa hết lần này tới lần khác. Lỗi ở Apple, Foxconn hay bản thân chiếc iPhone? Chúng tôi không đổ lỗi cho Apple, lỗi là ở Foxconn, Xu trả lời khi tôi hỏi anh ấy nghĩ thế nào về vai trò của Apple trong việc này. Khi tôi hỏi mọi người rằng liệu họ có muốn làm việc tại Foxconn lần nữa không khi môi trường làm việc đã được cải thiện hơn, hầu hết mọi người đều lắc đầu, Xu thêm vào. Theo những gì tôi tìm hiểu, không có một phóng viên người Mỹ nào được phép ra vào Foxconn, có chăng chỉ là một vài hướng dẫn viên được tuyển lựa kĩ càng. Điều làm tôi và những người đồng hành cảm thấy choáng ngợp nhất không chỉ là độ rộng lớn của khu vực này mà là sự thay đổi rõ rệt mang tính tiêu cực của nó. Vùng ngoại ô Thẩm Quyến - thành phố công nghệ lớn nhất Trung Quốc - đầy rẫy những nhà máy xí nghiệp không ngừng xả khí thải, những ngôi nhà bỏ hoang rỉ sét, các điểm thải hóa chất và rác công nghiệp. Khuôn mặt thất thần của những nhân công nơi đây tạo nên một khung cảnh địa ngục trần gian. Tuy nhiên, cảnh quan xung quanh càng thay đổi khi chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố, nhà cửa, cơ sở hạ tầng có khang trang hơn chút đỉnh nhưng vẫn còn rất nhiều nhà máy xí nghiệp. Sau khi đi dạo vòng quanh khu vực Long Hoa chúng tôi quyết định tiến về tòa nhà G2 - nơi mà những chiếc iPhone được sản xuất. Nhưng, trái ngược với suy nghĩ của tôi, tòa G2 dường như đã bị bỏ hoang từ rất lâu rồi. Không có bóng dáng của một chiếc iPhone nào cả, trong này chỉ có những thiết bị, dây chuyền sản xuất phủ bụi và rỉ sét. Thất vọng tràn trề, chúng tôi ra ngoài và tiếp tục đi vòng quanh tòa G3, sau đó đi hết khu Long Hoa. Nếu nơi này thực sự là nơi chế tạo ra những chiếc iPhone và Apple TV, thì đúng là nó chỉ phù hợp làm nơi chứa hàng hóa, không một con người nào có thể sống nổi ở đây cả, trừ khi bạn thích hòa mình với đống xi măng và bê tông cốt thép rỉ sét. Long Hoa tiêu điều ảm đạm, trông giống như bối cảnh trong những cuốn tiểu thuyết ngày tận thế, nơi mà mọi thứ từ cốt truyện cho tới nhân vật đều u ám. Chúng tôi rẽ trái và bắt gặp một tổ hợp nhà ở trong giống như một dạng ký túc xá, tường rào trải dài xung quanh khu nhà và bao quanh trên mái nhà lẫn cửa sổ đều có lưới thép. Khu ký túc xá này trông giống như một cái lồng chim cỡ lớn. Dưới mỗi tòa nhà trang bị lưới cỡ lớn dùng để ngăn cản những người nhảy lầu tự sát. Nhưng, chúng có vẻ ẻo lả và đã lún đi ít nhiều do sức nặng của nhiều người từng nhảy xuống. Mấy cái lưới kiểu này vô dụng thôi. Nếu người ta đã muốn chết rồi thì không thiếu gì cách tự sát đâu, Xu chia sẻ. Tại nơi đây, có rất nhiều điều vi phạm những quy tắc của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe tại Mỹ, chẳng hạn như không mặc đồ bảo hộ lao động khi thi công, hóa chất không được xử lý, những công trình cũ kĩ mục nát và nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở Foxcomm hoàn toàn độc hại như điều luật giữ yên lặng tuyệt đối khi làm và cá nhân đem ra nhục mạ để noi gương cho một tập thể. Khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp lúc ở khu Long Hoa, không có một bức nào mà mọi người nở một nụ cười cả. Điều này không làm tôi ngạc nhiên nếu những công nhân làm việc trong một môi trường bao quanh bởi sự căng thẳng và nỗi sợ hãi thường trực lặp đi lặp lại như thể gặp vấn đề về thần kinh. Ngay cả khung cảnh ở Long Hoa dường như cũng bị căng thẳng như những con người sống trong ấy, như Xu đã từng nói: "Đây không phải là nơi con người có thể ở được.
Đừng xem thường cách mạng đường phố! Tại Yemen, chính quyền nước này tuyên bố "tôn trọng nguyện vọng của người dân Ai Cập và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của quân đội nước này để đáp lại khát vọng tự do, dân chủ và an ninh của dân chúng một đất nước anh em" với Yemen. Trong khi đó, từ tối hôm 11/2 và cho đến sáng 12/2, trên đường phố Sanaa, hàng nghìn thanh niên Yemen đòi Tổng thống Ali Abdallah Saleh noi gương ông Hosni Mubarak, rút lui khỏi chính quyền. Ngày 13/2 vừa qua, hàng chục nghìn người thuộc phe đối lập đã xuống đường đòi Tổng thống Yemen từ chức sau 32 năm liên tục cầm quyền. Còn tại Algeria, nơi mà một số các nhà phân tích lo ngại hiệu ứng domino của Tunisia và Ai Cập lan tới: bất chấp lệnh cấm tụ tập, vào hôm 12/2 có khoảng 2.000 người biểu tình trên đường phố Alger đòi "thay đổi chế độ". Để phòng ngừa hiểm họa làn sóng dân chủ Ai Cập lan tới Algeria, chính quyền đã huy động 3.000 nhân viên cảnh sát theo dõi chặt chẽ đoàn người tuần hành tại thủ đô Alger vào trưa 12/2. Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành trong ngày 12/2 đã được dự trù từ ngày 21/1 sau vụ xung đột đẫm máu giữa người biểu tình với cảnh sát làm 5 người chết và 800 người bị thương. Nhìn từ Iran, chính quyền Tehran chào mừng cuộc cách mạng Ai Cập thành công, và coi ngày 11/2 là ngày đánh dấu sự thất bại của Mỹ tại Trung Đông. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 11/2 tiên đoán phong trào nổi dậy của người Ai Cập báo trước việc một "Trung Đông mới" sẽ sớm được hình thành và tại đó sẽ không có chỗ cho Mỹ và Israel. Trong diễn văn nhân lễ kỷ niệm lần thứ 32 Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 11/2, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng, người dân trên toàn thế giới sẽ sớm thấy một thế giới không còn chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cũng như không có sự thống trị và áp bức. Về những diễn biến gần đây tại Ai Cập, ông Ahmadinejad kêu gọi người dân Ai Cập đoàn kết và cảnh giác với ý đồ của chính quyền Mỹ, đồng thời khẳng định Tehran ủng hộ quyền lựa chọn của người dân Ai Cập. Tổng thống Ahmadinejad kêu gọi chính quyền Mỹ không nên can thiệp vào khu vực Trung Đông, bao gồm cả những diễn biến gần đây tại Tunisia và Ai Cập. Cuối cùng nhìn từ Israel, Tel-Aviv thận trọng trước tình hình Ai Cập. Theo giới phân tích, sự sụp đổ của chính quyền Mubarak đang đẩy Israel vào một tình thế đầy bất trắc. Israel lo ngại quyền lực tại Cairo rơi vào tay tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo thân cận với phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas của người Palestine, biến Ai Cập thành một quốc gia thù nghịch, tương tự như kịch bản đã từng xảy ra 32 năm trước đây với cuộc cách mạng Hồi giáo Iran. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Erdogan đã bày tỏ quan điểm rất gần với Mỹ khi ông kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng "tổ chức bầu cử tự do và công bằng" và chuyển giao quyền lực lại cho một chính quyền do người dân bầu lên. Cách đây 10 ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lãnh đạo đầu tiên tại khu vực đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mubarak lắng nghe nguyện vọng của người dân. Giới phân tích nhấn mạnh: Sau khi thảo luận qua với Nhà Trắng, ông Erdogan là một trong những lãnh đạo hiếm hoi tại khu vực Địa Trung Hải đã mạnh dạn lên tiếng ủng hộ đòi hỏi tự do và dân chủ của người dân Ai Cập. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglue hoan nghênh thái độ của quân đội Ai Cập trong những ngày vừa qua. Đồng thời, chính quyền Ankara hy vọng các cuộc cách mạng tại Tunisia cũng như Ai Cập sẽ đem lại dân chủ và tự do nhưng tránh gây bất ổn định cho khu vực. Biến cố diễn ra tại Ai Cập là một cuộc cách mạng theo lối mới, của thế kỷ XXI và do giới trẻ phát động. Chàng thanh niên Wael Ghonim được coi như một anh hùng vì đã dùng hệ thống Internet của Google, mà anh ta là đại diện thương mại trong vùng, để giúp các thanh niên liên lạc với nhau bằng Twitter, sau khi chính quyền tìm cách ngăn không cho những người biểu tình sử dụng. Các cuộc biểu tình đã được huy động, tổ chức và phối hợp bằng xa lộ thông tin điện tử; cũng giống như những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Tunisia trước đó. Năm 2009, thanh niên Iran đã dùng Facebook, Twitter để tổ chức biểu tình chống chính phủ. Theo giới quan sát, thanh niên sống trong các nước độc tài sẽ còn tiếp tục dùng các kỹ thuật thông tin này để tổ chức xuống đường trong thời gian sắp tới. Ảnh hưởng lớn nhất của cuộc cách mạng tại Ai Cập sẽ thấy tại thế giới Arập và Hồi giáo. Vùng này có những quốc gia vừa giàu có, vừa độc tài, tham nhũng và bất công. Nhờ những đồng đôla do dầu lửa mang lại, họ có thể "hối lộ" dân chúng bằng những chính sách trợ cấp rất rộng lượng. Đổi lại, người dân không được hưởng những quyền tự do căn bản, không được phát biểu ý kiến tự do. Sau biến cố ở Tunisia và Ai Cập, một làn sóng cách mạng đã bắt đầu, sẽ lan tràn qua khắp các quốc gia Arập và Hồi giáo trong mấy năm tới. Hiện tượng dây chuyền này có thể giống như những cuộc cách mạng màu tại một số nước SNG thuộc Liên Xô cũ. Nhiều tiểu vương quốc trong vùng đã thay đổi thể chế chính trị từ mấy năm nay để giảm bớt sự bất mãn của người dân. Kuwait là nước Arập đã cải tổ chính trị sớm nhất; trong Quốc hội đã có nhiều dân biểu đối lập. Với ngân sách lớn nhờ tiền bán dầu lửa, để kỷ niệm 50 năm độc lập, trong tháng này chính quyền đã phát cho mỗi người dân một số phiếu mua thực phẩm trị giá 3.600USD. Nhưng một nhóm thanh niên Kuwait đã dùng Twitter kêu gọi nhân dân nổi dậy đòi thêm các quyền tự do khác. Nhóm này đã mời mọi người đi biểu tình trước trụ sở Quốc hội; nhưng họ hoãn lại tới một ngày trong tháng 3, sau khi ông Bộ trưởng Nội vụ đã bị sa thải để an lòng dân. Cảnh sát Algeria xô xát với người biểu tình ở Algiers, ngày 12/2. Tại Bahrain, cải tổ chính trị đã bắt đầu từ năm 2002, với một bản Hiến pháp mới cho phép đảng đối lập được hoạt động và phụ nữ lần đầu tiên được đi bầu và được ứng cử. Nhưng trong tuần qua, nhiều thanh niên đã dùng Facebook và mạng lưới kêu gọi biểu tình vào ngày 14/2/2011 để bày tỏ ý kiến công khai chống những chính sách của nhà nước. Giới trẻ thường không tranh đấu vì tham vọng quyền bính. Họ chỉ có những khát vọng sống tự do dân chủ. Họ sẽ không nhất thiết lo ra tranh cử và lên nắm quyền hành pháp hay lập pháp. Họ đòi hỏi những quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tranh cử, bầu cử, tín ngưỡng... phải được tôn trọng triệt để. Theo kinh tế gia Lahcen Achy thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie khu vực Trung Đông, nếu domino Ai Cập sụp đổ thì không ai có thể chặn đứng hệ quả lây lan. Vấn đề là các chính quyền khác trong vùng có khả năng thích nghi đến đâu để cải cách kịp thời trước khi dân chúng nổi dậy. Vai trò của Mỹ Từ 30 năm nay, Mỹ viện trợ trung bình 2 tỉ USD/năm cho Ai Cập để bảo vệ trật tự Mỹ tại Trung Đông. Xuất thân là một sĩ quan không quân ưu tú, Mubarak đã cùng Anwar Sadate đưa Ai Cập giảng hòa với Israel đồng thời ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, muốn cai trị quốc gia bằng giáo luật Shariah. Thành tích không nhỏ của một lãnh đạo có bản lĩnh trong một khu vực có nhiều sóng gió. Nhưng khi luống tuổi, ông không chịu chuyển quyền cho êm ả và sự bất mãn của dân chúng không chỉ đe dọa chế độ mà đe dọa cả quốc gia, nằm giữa thùng thuốc súng và kho dầu Trung Đông. Giữa cơn khủng hoảng từ ngày 24 đến 28/1/2010, giới chức Mỹ cũng có dịp tiếp xúc với Tham mưu trưởng quân đội Ai Cập đến Mỹ tham dự một hội nghị về quân sự. Tức là những ai quyết định về chính sách của Mỹ đã phải biết rõ tình hình tại chỗ ra sao, và Mỹ có những giải pháp gì để đạt mục tiêu lý tưởng là dân chủ hóa Ai Cập trong thế giới Arập Hồi giáo và mục tiêu thực tiễn là giữ Ai Cập trong khối thân Mỹ nhằm gìn giữ ổn định tại Trung Đông. Nếu quả như vậy thì sau khi cho bài binh bố trận, ông Obama chỉ cần nói đi nói lại cho dân Mỹ và thế giới - kể cả thế giới Hồi giáo trong đó có Ai Cập, hai chuyện: một là hàng ngày và hàng giờ lãnh đạo Mỹ quan tâm theo dõi việc này, hai là muốn dân Ai Cập và mọi dân tộc khác phải có quyền quyết định về đời sống của họ. Rồi sau đó cứ khoanh tay quan sát sự vận hành của các thế lực trong cuộc, tại Ai Cập và các quốc gia khác. Quan sát nhằm kịp thời tác động nếu sự vận hành xoay ra khỏi những kịch bản hay kế hoạch của Mỹ. Các cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh tại thủ đô Sanaa của Yemen đã bước sang ngày thứ ba. Điều kỳ lạ là Tổng thống Mỹ lại cuống cuồng nhảy từ vị trí của người quyết định về chính sách qua vị trí của người tạo ra dư luận. Ông lên truyền hình đòi Tổng thống Mubarak phải ra đi, ngay lập tức! Phát ngôn viên của ông còn châm thêm rằng, Quốc hội Ai Cập phải có đại diện của các xu hướng thần quyền - mà ai cũng hiểu là MB - Tổ chức huynh đệ Hồi giáo. Tác dụng của lời tuyên bố chỉ gây khó khăn cho tiến trình chuyển hóa quyền lực và cản trở hai mục tiêu mâu thuẫn của Mỹ: mục tiêu lý tưởng là nền dân chủ và quyền tự do đầu phiếu của dân Ai Cập; mục tiêu thực tiễn là giữ cho xứ này khỏi trôi vào quỹ đạo của Hồi giáo cực đoan. Thay vì để cho các phù thủy ngầm thi thố pháp thuật, Tổng thống Mỹ lại lộn vai lộn vở, trở thành khuôn mặt lãnh đạo biểu tình cho Ai Cập! Quả nhiên là mâu thuẫn trong nội các dần dần được lộ ra ngoài, qua phản ứng của Ngoại trưởng Hillary Clinton từ Munchen tại Đức, và lời phát biểu của Đặc sứ Frank Wisner vừa được gửi qua Ai Cập tuần trước: không thể đòi Mubarak đi ngay lập tức vì ông ta vẫn còn vai trò quan trọng! Thực tế thì Ai Cập có quân đội được lòng dân, có các tướng lĩnh đang xoay trở - mà không đảo chính - để Tổng thống ra đi trong trật tự. Nhưng hạt mầm dân chủ có thể mọc hay không lại do người trồng, là các chính đảng. Ngoài đảng đối lập mạnh nhất là MB và đảng cầm quyền NDP đang bị phân hóa - lãnh đạo vừa từ chức - Ai Cập còn 5 chính đảng khác... Được ngọn sóng dân chủ đưa lên, lãnh đạo các chính đảng này vẫn tập trung vào mục tiêu đánh đuổi Mubarak mà chưa thống nhất về những gì sẽ thực hiện và thực hiện ra sao. Họ chưa thống nhất ngay trong ngắn hạn khi đối thoại về thủ tục giao thời với Phó tổng thống Suleiman. Và sau đối thoại đến khi tranh đấu thật thì nhiều phần họ sẽ kèn cựa giành ghế của nhau. Trong làn sóng hỗn loạn, tính chất tài tử của các đảng đối lập là một yếu điểm khiến Ai Cập có thể lâm thế kẹt. Một là lâm vào hỗn loạn khiến quân đội sẽ thực sự cầm quyền và... xây dựng nền móng cho một chế độ quân phiệt sau này. Hai là lực lượng chống Mỹ có tổ chức nhất - với nhiều phương tiện chưa ai thấy rõ - là MB, sẽ đánh tỉa và chiếm đa số. Nhưng sau đó có khi MB lại vỡ đôi, giữa xu hướng Hồi giáo xã hội và xu hướng cực đoan bảo thủ, tác giả của nhiều vụ bạo động trong quá khứ. Vì vậy, tương lai Ai Cập không chỉ tùy vào cách ứng xử khéo léo hay không của Mỹ mà còn nằm trong tay các lãnh đạo chính trị, quân và dân sự. Nếu cứ tưởng rằng khẩu hiệu dân chủ sẽ tạo ra phép lạ, có khi họ chỉ là những kẻ lót đường cho quỷ dữ. Và nếu cứ tin rằng mình được Mỹ yểm trợ, họ sẽ mất lòng dân và không thể lãnh đạo được nữa, cho đến ngày lãnh đạo Mỹ đổi ý... Dân chủ là loại cây khó mọc, và không thể mọc nếu sống nhờ phân bón phức hợp mang nhãn hiệu "Mỹ viện trợ". Phức hợp vì nay nói thế này, mai đòi thế khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. Từ năm 1975 đến nay, ở Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại nào tuyên bố phá sản. Và cả thị trường dường như đều có chung niềm tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra. Nhưng niềm tin đó liệu có còn đúng, khi trong Thông tư 07/2013 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã xuất hiện cụm từ phá sản? 3 con đường cứu ngân hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đưa thêm cụm từ phá sản vào Thông tư 07 đã tạo ra bất ngờ, bởi chỉ nửa năm trước, sau sự cố Bầu Kiên, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ. Trong lịch sử, đây cũng không phải là lần đầu Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng yếu kém. Quay ngược trở lại giai đoạn khủng hoảng ngân hàng vào những năm 1990, có khá nhiều ngân hàng thương mại đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất, mua lại đổi tên, thậm chí giải thể. Kết quả là số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 51 (năm 1997) xuống còn 39 (năm 2001). Ngược lại, cũng không ít ngân hàng được vực dậy và phát triển trở lại sau cuộc khủng hoảng như Eximbank, VP Bank hay Maritime. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã mở lối cho những ngân hàng yếu kém không thể tái cấu trúc được, cho dù có sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, thì buộc phải phá sản. Phá sản một ngân hàng thường không đơn giản. Bởi điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Vì thế, phá sản ngân hàng là lựa chọn cuối cùng, khi những nỗ lực xử lý trước đó của ngân hàng trung ương không thành công. Bước đi đầu tiên và dễ dàng nhất là bơm tiền để các ngân hàng yếu kém duy trì hoạt động với hy vọng chúng sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém và khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Một phương pháp ưa thích của các ngân hàng trung ương là khuyến khích hoặc ép buộc các thương vụ mua bán sáp nhập. Theo TS. Lê Hồng Giang, quan trọng nhất là tìm được một ngân hàng khác chịu ôm phần nợ của ngân hàng yếu kém. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm được một khoản tiền mặt khổng lồ. Đây cũng chính là con đường Việt Nam đang đi, với thương vụ điển hình là Habubank sáp nhập vào SHB. Với khả năng thanh toán gần như bằng 0, vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn gần 200 tỉ đồng, Habubank được xem là gặp may khi có SHB đứng ra bảo lãnh mọi khoản nợ. Đối với Ngân hàng Nhà nước, đây là một thành công khi có thể bảo toàn được khoản tiền gửi của người dân tại Habubank trị giá 18.700 tỉ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành công với thương vụ hợp nhất đình đám giữa 3 ngân hàng ở trong tình trạng mất thanh khoản trầm trọng SCB, FicomBank và TinnghiaBank trong năm 2011. Trong cuộc hợp nhất này, Ngân hàng Nhà nước đã dùng 2 công cụ để xử lý: thứ nhất là tái cấp vốn cho ngân hàng dưới sự tài trợ vốn của BIDV và thứ hai là buộc 3 ngân hàng tự hợp nhất với nhau. Chi phí xử lý không lớn vì tài sản và nợ hầu như không đổi, chỉ có vốn chủ sở hữu là bị mất bớt, TS. Giang cho biết. Biện pháp cuối cùng để xử lý ngân hàng yếu kém chính là quốc hữu hóa. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được sử dụng khi ngân hàng đó quá lớn để sụp đổ, tức có quá nhiều mối liên kết chằng chịt và to lớn trong hệ thống tài chính. Đây cũng là biện pháp tốn kém nhất. Bài học từ Thái Lan cho thấy, để có tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, ngoài việc phát hành một lượng trái phiếu khổng lồ, Thái Lan đã 2 lần vay mượn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tới 20 tỉ USD. Kết quả, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thực hiện sáp nhập và quốc hữu hóa 6 ngân hàng thương mại, 12 công ty tài chính, đồng thời đóng cửa 1 ngân hàng thương mại và 56 công ty tài chính. Với biện pháp này, ngân hàng trung ương sẽ cử người ngồi vào ghế quản trị ngân hàng, trực tiếp điều hành và thực hiện công việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh. Sau khi đã ổn định mọi thứ, ngân hàng trung ương sẽ bán cổ phần trở lại cho tư nhân và thậm chí còn có thể thu lời để bù đắp cho chi phí tái cấu trúc. Tiêu biểu cho phương pháp này là Tập đoàn Bảo hiểm AIG. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, AIG được Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa vì họ là đầu mối của các hợp đồng bảo hiểm phá sản tín dụng của các tổ chức tài chính trên toàn cầu, trị giá tới hơn 50.000 tỉ USD. Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp nếu như xử lý thành công các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán bằng những con đường nói trên; nếu không, chính phủ cũng phải chấp nhận để ngân hàng phá sản. Và ở Việt Nam, với Thông tư mở đường cho việc để ngân hàng phá sản, phải chăng Ngân hàng Nhà nước đã hết chiêu để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém? Đường nào cho Việt Nam? Khi một ngân hàng nộp thủ tục xin phá sản, phần tiền thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: cơ quan Thuế, người gửi tiền, các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, người sở hữu trái phiếu của ngân hàng, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng. Về mặt lý thuyết, các ông chủ ngân hàng sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị ABBank, trong một số trường hợp, cổ đông ngân hàng chưa chắc đã mất hết tiền nếu ngân hàng có nhiều tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như bất động sản. Đó là chưa kể các chiêu tẩu tán tài sản của các ông chủ ngân hàng. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều ông chủ ngân hàng ở các quốc gia khủng hoảng đã tăng cường cho các đối tác nước ngoài hoặc công ty sân sau do chính họ lập ra vay. Các khoản vay này được ghi vào nợ xấu và trong trường hợp ngân hàng phá sản hay được giải cứu, chúng đều được xóa bỏ. Vào thời điểm đó, giá trị các khoản tẩu tán lên đến hàng tỉ USD. Ở đây, có một khái niệm cần làm rõ là cụm từ ông chủ ngân hàng. Những lợi thế nói trên chỉ thuộc về cổ đông lớn, có thể là những người đang trực tiếp điều hành ngân hàng và nắm trước những thông tin quan trọng. Cổ đông nhỏ tất nhiên không thể có được cơ hội đó. Câu chuyện của Habubank là một ví dụ. Chỉ khi đến Đại hội Cổ đông vào tháng 4.2012, cổ đông Habubank mới vỡ lẽ rằng sau báo cáo giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước vốn chủ sở hữu của ngân hàng mình chỉ còn hơn 195 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) năm 2011 ghi rằng, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.051 tỉ đồng. Trở lại với vấn đề bảo vệ người gửi tiền, cổ đông lớn ở những ngân hàng yếu kém chưa kịp tẩu tán tài sản thường có xu hướng trì hoãn sự can thiệp của Nhà nước hoặc yêu cầu hỗ trợ thanh khoản, với lý do đảm bảo các khoản tiền gửi cho dân chúng. Lý do này có hoàn toàn thuyết phục? Hãy xem xét Habubank trước khi sáp nhập. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012 cho thấy ngân hàng này có tổng tài sản hơn 34.600 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp phá sản, giả định tài sản của Habubank được thanh lý với mức giá chiết khấu 50%, số tiền thu về đã đủ để chi trả cho người gửi tiền, mà chưa cần sử dụng đến phần bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/tài khoản. Tất nhiên, những phân tích này đều dựa trên giả định đơn giản, bởi thực tế Habubank phá sản còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng khác, do liên quan đến các khoản tiền gửi, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng và tác động tâm lý đến thị trường. Điều đáng nói ở đây là lý do bảo đảm tiền gửi là chưa hợp lý. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra cam kết trả lại toàn bộ tiền gửi cho người dân, sau khi đã bán xong Habubank, tương tự như cách Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã làm với các ngân hàng của nước này. Quan trọng hơn, dù có cho phá sản ngân hàng hay không thì một bài học lớn từ các nước đi trước là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các khoản ra vào của một ngân hàng đã nằm trong danh sách giám sát, thậm chí phải phong tỏa tài sản. Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienphongBank, cho rằng, ở Việt Nam khó xảy ra chuyện phá sản ngân hàng. Việt Nam vẫn sẽ tập trung giảm số lượng ngân hàng yếu kém bằng cách hợp nhất và sáp nhập, thay vì cho phá sản. Và theo ông, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, bởi các ngân hàng vẫn có tâm lý chờ đợi Nhà nước rót vốn, thay vì bán mình với giá rẻ. Hơn nữa, không ít ông chủ ngân hàng tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một biện pháp cuối cùng trước khi cho phá sản, đó là quốc hữu hóa. Trên thực tế, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng đến biện pháp này và có lẽ không ít ông chủ ngân hàng vẫn trông chờ cơ hội được cứu vớt. Tuy nhiên, còn một ý kiến khác cho rằng không hề có chuyện ngân hàng phá sản. Theo ông Sơn, Quỹ Đầu tư VCP, trong khoảng 150 năm trở lại đây, thế giới chưa từng có vụ phá sản ngân hàng nào. Người ta thường cho rằng Thái Lan, trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, đã cho phá sản nhiều ngân hàng. Theo ông Sơn, bản chất sự việc không phải như vậy. Một số ngân hàng mất khả năng chi trả được sáp nhập vào các ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ. Nói chính xác là có những ngân hàng đóng cửa và thương hiệu biến mất, ông nói. Tương tự như việc phá sản ở Mỹ. Giai đoạn 2008 - 2012, FDIC đã cho đóng cửa 465 tổ chức tín dụng, phần lớn có quy mô nhỏ. Các khoản tiền gửi, tiền vay, chi nhánh đều được nhập vào một ngân hàng khác và FDIC chấp nhận hứng chịu một phần lỗ. Việc phá sản ngân hàng, vì thế, có thể sẽ không dễ nhìn thấy như việc phá sản một doanh nghiệp thông thường. Chẳng hạn, bình luận về thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng Việt Nam ở trên, TS. Lê Hồng Giang cho rằng về bản chất thì 3 ngân hàng này đã phá sản, sau đó BIDV đứng ra mua lại và lập ra một ngân hàng mới. Theo Nhịp Cầu Đầu Tư.
Chuyển động thị trường. - Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay tiếp tục có diễn biến khả quan, dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index trên sàn TP. HCM tăng 5,14 điểm (+1,03%), đóng cửa tại 506,48 điểm; HNX-Index trên sàn Hà Nội tăng 0,46 điểm (+0,72%), đóng cửa tại 63,39 điểm. Tổng giá trị giao dịch ở mức cao, đạt 1.835,1 tỷ đồng, tăng 21,1% so với phiên cuối quần qua. - Thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa phiên giao dịch chiều nay (giờ Việt Nam) với hầu hết chỉ số tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 61,39 điểm (+2,87%), đạt 2.197,22 điểm; chỉ số HangSeng Index tăng 627,91 điểm (+2,73%), đạt 23.660,06 điểm; chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 1,62 điểm (-0,01%), xuống 15.164,3 điểm. - Thị trường trái phiếu thứ cấp tại Sở GDCK Hà Nội hôm nay có 500.000 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 1/6/2015 được giao dịch với mức giá gần nhất là 105.997 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 11,33%), tương đương lợi suất 6,9976%. - Tỷ giá USD cuối ngày hôm nay được Vietcombank niêm yết ở mức 21.080/21.120 đồng/USD (mua/bán), không thay đổi so với cuối tuần qua. - Giá vàng SJC trong nước cuối giờ chiều nay (18/11) được niêm yết ở mức 36,460 - 36,510 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 20.000 đồng/lượng ở giá mua vào so với mức giá ngày thứ Bảy tuần qua (16/11), nhưng giảm 30.000 đồng/lượng ở giá bán ra. Giá vàng SJC ngày 16/11 tăng 10.000 đồng/lượng ở cả giá mua vào và giá bán ra so với cuối ngày 15/11. Diễn biến khác. - Tuần qua (11 - 15/11), thông qua thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 1.131 tỷ đồng, trong đó có 891 tỷ đồng là từ đáo hạn tín phiếu và 240 tỷ đồng từ nghiệp vụ mua bán kỳ hạn. Tính đến ngày 15/11, dư nợ trên OMO còn 1.443 tỷ đồng. Từ 15/3/2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước phát hành tổng cộng 394.078 tỷ đồng tín phiếu, đã có 343.974 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và còn 50.104 tỷ đồng tín phiếu chưa đáo hạn. - Sáng nay (18/11), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội thảo "Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 - 2015". Tại hội thảo, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC dự báo: tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015 sẽ đạt 5,4 - 5,8%, cao hơn mức 5,2% dự báo của năm 2013; GDP bình quân đầu người năm 2013 dự báo là 1.923 USD/người, năm 2014 đạt 2.164 USD/người, năm 2015 đạt 2.458 USD/người; CPI năm 2014 và 2015 lần lượt tăng 8,3% và 8,6%, so với mức dự báo 6,7% của năm 2013; dự trữ ngoại hối tăng thêm 5 tỷ USD mỗi năm, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015; tỷ giá hối đoái hai năm tới sẽ ổn định ở mức 21.500 đồng/USD, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 7%. - Cũng tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị lập phương án mua vào vàng miếng, bởi dự đoán xu hướng giá vàng sẽ giảm giá trong 6 tháng hoặc một năm tới. - UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát hành đợt 3 năm 2013 trái phiếu xây dựng Thủ đô (giai đoạn 2013 - 2015). Đợt phát hành này dự kiến từ ngày 26/11, khối lượng phát hành là 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 3 năm. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là đơn vị tổ chức đấu thầu phát hành trái phiếu. - Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) đang đàm phán với 3 công ty của Nhật về việc bán 30% cổ phần. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, HDBank có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE sau khi tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện HDBank đang trong giai đoạn mua lại Ngân hàng TMCP Đại Á. Dự kiến, trong tháng 11 này, HDBank sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sáp nhập DaiAbank vào HDBank. - Công ty Tư vấn toàn cầu Towers Watson vừa triển khai cuộc khảo sát về chế độ lương và phúc lợi xã hội năm 2013 với trên 20 ngân hàng trong và ngoài nước. Kết quả cho thấy, năm 2013, mức tăng lương của lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng tăng thấp nhất so với các lĩnh vực khác, chỉ khoảng 9 - 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc của ngành này cao nhất, vào khoảng 15%. - Đến cuối tháng 10/2013, dư nợ cho vay vàng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn khoảng 5,6 tấn, giảm hơn 75% so với thời điểm ngày 30/4/2012. Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là đẩy nhanh việc tất toán số dư cho vay vốn bằng vàng, để trong hệ thống ngân hàng chỉ còn lại vốn vàng thương mại với giới hạn trạng thái tối đa là 2% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Từ ngày 28/3 đến ngày 15/11/2013, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra thị trường 64,73 tấn vàng SJC, trong đó có khoảng 30 tấn vàng đã được các tổ chức tín dụng sử dụng để tất toán số dư huy động vàng, số còn lại được các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu bán ra để đáp ứng nhu cầu mua vàng trên thị trường. - Tổng số lãi từ trái phiếu gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của 7 ngân hàng nhóm đầu thị trường trái phiếu trong quý III năm nay đã giảm nhẹ xuống còn khoảng 8.300 tỷ đồng, so với mức trung bình khoảng 9.000 tỷ đồng/quý của hai quý đầu năm. Các ngân hàng này gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MBBank, Techcombank, Sacombank và VPBank. Sự suy giảm thu nhập này xuất phát từ sự đảo chiều của thị trường trái phiếu chính phủ. Trong quý III, lãi suất trúng thầu của loại tài sản này tăng khoảng 67 - 85 điểm cơ bản cho các kỳ hạn 2 - 5 năm so với mức đáy khoảng 7 - 7,5%/năm thời điểm tháng 5 và tháng 6, đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm khoảng 10%. - Ngày 26/12/2013, Nghị định số 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Kể từ thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước không chỉ là cơ quan ngang bộ như hiện nay, mà sẽ đảm nhiệm chức năng của một ngân hàng trung ương, hoạt động độc lập, tự chủ theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài các nhiệm vụ như trước đây, Nghị định bổ sung nhiều quyền cho cơ quan này như: xây dựng chỉ tiêu lạm phát, chủ trì phòng chống rửa tiền, mua bán ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng. - Quý III/2013, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đạt 2,46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (hợp nhất), giảm 62,6% so cùng kỳ 2012; lũy kế 9 tháng đạt 10,35 tỷ đồng, giảm 89,4% so cùng kỳ 2012. Nợ xấu tại thời điểm 30/9 là 1.034,72 tỷ đồng, chiếm 8,78% tổng dư nợ, tăng so với mức 5,64% của cuối 2012. - Từ ngày 12/11 đến 18/11, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) khai trương 5 chi nhánh mới tại các tỉnh: Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Đăk Nông, Kon Tum. Như vậy, tổng số chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống DongA Bank hiện đạt 245 đơn vị trên toàn quốc. - Hiện thuế GTGT chiếm 26% tổng thu ngân sách, trong khi thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân đã giảm mức động viên, nên sắc thuế gián thu này có vai trò ngày càng quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước. - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa phối hợp với Công ty TNHH MTV Giờ Giải lao (Lazada) triển khai đồng thời hai chương trình ưu đãi dành cho chủ thẻ VietinBank khi mua sắm và thanh toán trực tuyến tại website www.lazada.vn và qua POS của Lazada. - Nhiều ngân hàng thương mại đang vào đợt tăng lãi suất huy động, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến là 7%/năm, kỳ hạn trên 6 tháng từ 7,2 - 7,8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 9%/năm. Ngược với lãi suất đầu ra, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay trung, dài hạn ở một số ngân hàng giảm còn 10 - 12%/năm. - Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa được Tổ chức Global Banking & Finance Review (GBAF) trao tặng giải thưởng Ngân hàng có dịch vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam 2013. - Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đầu thầu bán vàng miếng lần thứ 70 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 14.600 lượng trên tổng số 15.000 lượng chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 36,51 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 36,49 triệu đồng/lượng. Như vậy, từ ngày 28/3 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 70 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.725.700 lượng trên tổng số 1.837.000 lượng chào thầu. - Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 đạt 25,12 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 12,61 tỷ USD, nhập khẩu đạt 12,51 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 108,72 tỷ USD, tăng gần 16%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 108,87 tỷ USD, tăng 15,92% so với cùng kỳ 2012. - Ngày mai (19/11), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Trần Cao, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, Tỉnh Hưng Yên (quỹ này đã bị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép hoạt động từ tháng 6/2013, sau đó tiến hành các thủ tục phá sản). - Quý III/2013, nhiều ngân hàng lớn cắt giảm nhân sự như ACB (giảm 703 người), Vietcombank (giảm 190 người). Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tại Vietinbank, BIDV, ACB và SHB, số lượng nhân sự giảm tổng cộng gần 1.200 người. Tuy nhiên, không ít ngân hàng lại đẩy mạnh hút nhân lực. Chẳng hạn, trong quý III, Sacombank tuyển thêm 151 nhân sự, lũy kế 9 tháng tuyển thêm 1.034 nhân sự; trong cùng khoảng thời gian, con số này tại VPBank là 1.457 và 1.835 nhân sự; tại OceanBank là 436 và 541 nhân sự. - Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ra quyết định xử lý về thuế và xử lý vi phạm hành chính qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của CTCP Xây dựng Công nghiệp và dân dụng DK với tổng số tiền truy thu và phạt trên 23 tỷ đồng do doanh nghiệp này đã có hành vi khai sai thuế dẫn đến thiếu số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước. >> Phiên đầu tuần: Khởi sắc. >> Nhà đầu tư nội "giúp" khối ngoại xả hàng. >> Vàng không tăng như dự đoán. >> HDBank sẽ bán 30% cổ phần cho đối tác Nhật. >> Sau cổ tức, ngân hàng giảm lương, nhân sự. >> Phát hoảng với "sa thải", "đuổi việc".
Lúc mới gặp, tôi nghĩ bạn trai mình là đồng tính. Mới đây, chị công khai người yêu trên Facebook. Động lực nào khiến một người vốn kín tiếng như chị quyết định làm điều đó? Tôi rút ra bài học từ mối tình cũ thôi. Tôi nghĩ mình hơi ích kỷ với người yêu trước, vì quen nhau 3 năm nhưng tôi không thích phô trương thể hiện tình cảm, đi ngoài đường không dám nắm tay, vào chỗ đông người cũng rất giữ kẽ làm anh ấy ghen vì nghi tôi không thật lòng. Dần dần mâu thuẫn không thể hóa giải được nên cả hai đường ai nấy đi. Bây giờ, tôi đã gặp được người mới. Ảnh có cái hay là làm tôi thay đổi hẳn. Từ một người không muốn công khai tình cảm thì giờ đây tôi muốn chụp hình hai đứa cho mọi người xem, đi ngoài đường cũng tự tin nắm tay ảnh để cho người ta biết đây là người yêu của mình. Dĩ nhiên, còn quá sớm để xác định được điều gì, nhưng tôi thấy duyên tới đâu thì mình hay tới đó vậy, tính toán nhiều quá sẽ mệt lắm. Chị quen người yêu trong hoàn cảnh thế nào? Bạn trai và tôi quen nhau tình cờ thôi. Một chiều sắp đi diễn thì anh Mai Tiến Dũng với chị Tóc Tiên từ bên Mỹ về, rồi gọi tôi ra cà phê giới thiệu tôi với anh ấy. Anh Dũng giới thiệu tên thì tôi cũng gật gù nhưng ngồi nói chuyện say sưa với anh Dũng và không để ý. Tối đó tôi cùng mọi người đi ăn, hát karaoke, tôi cũng nghĩ anh ấy là đồng tính nên không để ý gì. Ảnh hỏi gì tôi trả lời cái đó. Anh ấy đẹp trai, tính tôi lại không thích trai đẹp. Anh Dũng thấy ảnh có tình ý với tôi thì quay sang hỏi, thấy anh kia đẹp trai không? Tôi trả lời, ai gay chả đẹp trai. Đến ngày thứ hai gặp lại cũng đi ăn, đi chơi thì anh ấy xin Facebook của tôi. Anh Dũng bảo tôi cua đi, tôi bảo gay mà, cua gì. Anh Dũng mới nói với tôi là không phải, tôi nghĩ: Thôi, trai đẹp không thích. Hôm sau về anh nhắn tin, rủ đi chơi này nọ. Rồi từ từ tôi đồng cảm, hiểu nhau và yêu nhau lúc nào không hay. Trai đẹp thường có nhiều cô gái dòm ngó, thậm chí chủ động tấn công, chị có lo sợ người yêu bị cướp mất không? Tôi không giữ khư khư người yêu cũng không ghen tuông. Tôi nói với ảnh, cái gì của mình sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì là của người khác. Anh ấy biết tính tôi không thích nói dối, không thích che đậy, nên lúc nào hẹn ai, không có thời gian cho tôi được thì tự động nói với tôi là ảnh đi đâu, làm gì. Được cái anh cũng làm về nghệ thuật, ngày trước, lúc qua Mỹ anh ấy vừa đi học vừa đi hát nên cũng hiểu chút ít về showbiz, thành ra cả hai hiểu nhau lắm. Chị nghĩ là mình được anh chàng đẹp trai yêu thật lòng chứ? Khi mới quen, tôi mời anh đến dự sinh nhật. Anh ấy hỏi tôi thích quà gì, tôi bảo chỉ cần đến chơi thôi. Ảnh bảo thấy tôi lạ và hiếm vì không đòi người khác mua quà cho mình. Tính tôi không thích dựa dẫm vào bạn trai. Anh ấy không phải đại gia, tôi cũng không quen dùng quà đắt tiền và không cần quà đắt tiền. Thế nên, lúc tới ảnh chỉ mua một bó hoa, một cái bánh sinh nhật. Có thế thôi nhưng làm tôi vui suốt. Sau này khi yêu nhau, ngày lễ anh cũng có tặng quà, đi chơi cùng nhau. Nhưng chỉ tặng nước hoa chứ không phải những thứ xa xỉ như xe hơi, túi xách tiền tỉ. Mấy thứ đó có mua tôi cũng không dùng. Tôi nói ngay từ đầu là tôi không xa hoa. Anh ấy bảo yêu tôi vì sự đơn giản của tôi. Yêu thì cưới, không hợp thì ly hôn. Người ta thường buộc chặt mối duyên và tạo niềm tin cho nhau khi yêu bằng việc ra mắt gia đình. Chị có làm như thế không? Anh đưa tôi về ra mắt với bố mẹ anh ấy rồi, còn tôi thì chưa đưa ảnh về nhà mình. Ở quê việc ra mắt hơi khó. Lỡ sau này có chuyện gì chia tay thì người ta đồn đại mệt lắm. Mặc dù tôi cũng muốn xác định tương lai, nhưng còn quá sớm. Bố mẹ ảnh vui tính, suy nghĩ rất thoáng và đặc biệt không có thành kiến xấu về nghề người mẫu, chỉ quan tâm tính tình tôi thế nào, có phải là người bạn đời tốt của con trai họ hay không thôi. Hai bác rất quan tâm tôi, thường mời về nhà ăn cơm, tôi đi diễn xa thì ra sân bay đón. Cuối tuần, tôi cũng sang nhà bên ấy nấu cơm. Tôi quý hai bác như bố mẹ mình. Chị và anh ấy đã bao giờ tính chuyện tương lai chưa? Anh bảo sẽ qua Mỹ thu xếp mọi thứ cho ổn định rồi về Việt Nam làm ăn. Tôi thì xác định ngay từ đầu là nghề người mẫu không lâu dài. Năm nay, tôi đi học đại học, ảnh ủng hộ tôi rất nhiều. Tôi nghĩ, người phụ nữ của gia đình thì cần làm cái gì tốt cho gia đình. Tôi học quản trị kinh doanh để ra kinh doanh thứ gì đó. Sau khi học 2 năm ở Việt Nam, tôi sẽ sang Mỹ học năm cuối. Chi phí cho khóa học là 6.000USD (hơn 120 triệu đồng). Tiền đó do tôi tự kiếm và nhờ anh Đỗ Mạnh Cường hỗ trợ chứ không nhờ người yêu. Tôi không muốn chưa là gì của nhau mà đã đụng chạm đến tiền bạc. Đó là điều cấm kỵ của tôi. Chị có nghĩ sẽ sống thử với người yêu một thời gian để hiểu nhau hơn không? Yêu nhau đủ để hiểu xem họ có phải là người đáng để mình sống chung không. Nếu quen nhau mà không hợp tôi dừng lại ngay. Không có gì phải sống thử cả. Tôi ít nói, anh ấy nói nhiều. Sống thử hay không thử cũng hiểu được. Sống thử mà không hợp thì tan vỡ càng đau khổ nhiều hơn. Chi bằng yêu thì cưới, không hợp thì ly hôn thôi. Ông cha ta có câu: Thương nhau lắm cắn nhau đau, chị và người yêu có hay xảy ra xung đột? Kể từ lúc yêu đến giờ ngày nào cũng gặp nhau, không xa nhau được, trừ những lúc đi diễn xa. Sáng mở mắt đã gặp nhau rồi. Tôi thấy cuộc tình này rất hạnh phúc. Cả hai nghĩ đến tương lai. Ảnh xác định về Việt Nam để bắt đầu cuộc sống mới và muốn cưới sớm. Tôi trêu, tôi chỉ yêu thôi không cưới. Ảnh bảo, không cưới cũng được, có con với anh là được rồi. Anh ấy hài hước vậy đó, sinh năm 1984 nhưng rất chín chắn. Thời gian người yêu đi phim không có sự quan tâm, tôi khó chịu và giận. Ảnh bị tôi cau có nhưng không tự ái bỏ về mà ngồi lại phân tích cho tôi hiểu. Tôi xác định đây là người đàn ông cho tôi tin tưởng. Tôi hay gọi ảnh là ông già. Hồi trước chị từng chia sẻ mình hay khóc, không biết khi chia tay chị khóc nhiều không? Tôi vẫn khóc thôi. Lúc tôi quyết định chia tay người yêu cũ, tôi nói chuyện với anh ấy xong thì khóc tơi bời, rồi rủ bạn bè đi uống bia, hát karaoke giải sầu. Nhưng tôi chỉ cho phép mình khóc một đêm thôi, sau đó thì tôi chú tâm tập trung vào công việc. Có người yêu sẽ làm mình vui hơn. Nhưng nếu không có họ, tôi tự nhủ mình vẫn phải sống tốt. Mình phải yêu bản thân, quý mình trước đã thì mới mong có người khác yêu mình. Đã 3 năm sau Vietnams Next Top Model, chị bây giờ trở thành nàng thơ của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Nhiều người bảo, vì chị theo Đỗ Mạnh Cường nên chảnh? Vietnams Next Top Model đem lại cho tôi một khởi đầu mới, đặc biệt là được sự dìu dắt của anh Đỗ Mạnh Cường. Tôi và anh Cường làm việc ăn ý với nhau, quý nhau là vì cả hai có tính cách na ná, rất thẳng thắn, không nịnh nọt, không dẻo miệng với ai hết. Cái gì xấu tôi bảo xấu, cái gì đẹp tôi bảo đẹp, không thì nói không, có thì nói có, chứ không ỡm ờ. Hai anh em cũng hay nóng tính. Tính tôi như đàn ông vậy, hay bộc bạch thể hiện ra mặt chứ không giấu được cảm xúc. Làm việc với người khó tính như Đỗ Mạnh Cường, chị có bị áp lực không? Anh Cường khó tính trong công việc nhưng ngoài đời dễ thương. Tôi hay bị anh Cường la lắm. Lúc mới làm việc cùng, anh Cường và anh Milor Trần muốn tôi tạo dáng độc để chụp cho ra bức hình đẹp nhưng tôi làm hoài không được. Anh Cường quát con gái gì mà cứng như khúc gỗ vậy. Tính tôi hay khóc, nghe quát là khóc liền. Ảnh lại mắng tiếp, sao cứ để cảm xúc cuộc sống xen lẫn vào công việc vậy. Tôi biết anh Cường và anh Milor mắng là vì thương tôi. Nhờ thế tôi mới có ngày hôm nay. Năm 12 tuổi, tôi đã vào đội tuyển bóng chuyền tỉnh Quảng Bình và được rèn luyện theo kỷ luật nghiêm ngặt nên đến bây giờ có được tính cứng cỏi, bình tĩnh trước mọi việc. Tôi được cái chăm làm, cứ có show diễn thì tôi không ngần ngại, thấy đi taxi tốn tiền thì tôi thuê xe ôm. Tôi có cái dở là không chạy được xe máy, một lần chạy bị té ngã rồi để lại sẹo trên trán, nên giờ ám ảnh không dám chạy nữa. Tôi cũng may mắn là có nhiều người thương. Ngoài anh Cường, anh Nam Trung, chị Xuân Lan... vẫn hay tạo điều kiện giúp tôi có nhiều show diễn. Lê Thúy của ngày hôm nay có gì khác 3 năm trước? Ngày đó, tôi nghĩ ước mơ thoát khỏi căn bếp chật chội nơi miền quê nghèo khó là một cái gì lớn lắm. Bây giờ, tôi thấy giấc mơ đó mình đã thực hiện được và không đến nỗi khó như mình nghĩ. Ngày xưa thuê nhà trọ chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, giờ đã thuê được căn phòng đẹp với giá 5,5 triệu đồng/tháng. Tiền show kiếm được không nhiều đủ để tôi sống thoải mái và phụ giúp cho bố mẹ một chút. Bố mẹ chị có sốc không khi thấy con gái mặc bikini khoe hình trên các báo? Ban đầu có sốc chứ, vì người dân ở quê mà. Nhưng dần khi nghe tôi giải thích, bố mẹ cũng hiểu đó là nhiệm vụ của nghề người mẫu. Bố mẹ không đòi hỏi một tháng tôi phải trợ cấp bao nhiêu, vì biết con gái mình cũng làm lụng rất vất vả. Chủ yếu khi nào có show nhiều thì tôi gửi tiền, khi show ít không có nhiều tiền thì gửi quà cáp cho bố mẹ vui. Cảm ơn chị đã chia sẻ! Mỹ Linh (Mốt & Cuộc Sống).
Nơi đỗ xe có thu phí dành cho ôtô trên đường Lê Lai, quận 1, tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN. Cụ thể hóa lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách quy định trong Nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa việc thực hiện quy định mới một số mức phí, tăng phí phù hợp với điều kiện thực tế. Trước mắt, thành phố xây dựng 2 đề án liên quan phí gồm điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường và một số vỉa hè. Mức phí cũ không còn phù hợp. Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện đặc thù kinh tế, thương mại, đô thị hóa của thành phố cũng như thói quen lâu đời của người dân, việc quản lý và cho phép cho người dân tạm sử dụng lòng đường, hè phố để đỗ xe trên một số tuyến đường, trong khuôn khổ quy định vừa đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước cũng như nhu cầu của người dân. Năm 2013, UBND thành phố ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND về danh mục 42 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí và sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, sau đó điều chỉnh xuống còn 35 tuyến đường. Tuy nhiên, việc thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường, hè phố lại được thực hiện theo Quyết định số 245/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu 5.000 đồng/xe/lượt. Trong khi đó, phí đậu xe ô tô tại các bãi, hầm để xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng mức thu đỗ xe bình quân từ 10.000 - 25.000 đồng cho 1 giờ đầu tiên và lũy tiến cho các giờ tiếp theo. Theo UBND thành phố, đây là mức phí quá thấp, dẫn đến các trường hợp lợi dụng để biến lòng đường thành bãi tạm dừng đỗ xe, thời gian đỗ xe kéo dài cả ngày trong khi mục đích chính của việc bố trí đỗ xe tạm thời dưới lòng đường có thu phí nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe chính đáng của các đối tượng khách vãng lai do chưa quen thuộc tình hình giao thông tại khu vực trung tâm thành phố hoặc các đối tượng có nhu cầu giải quyết công việc trong thời gian tạm dừng đỗ ngắn. Cũng vì mức phí thấp nên không đủ trang trải chi phí của các quận huyện, dẫn đến một số nơi nhân viên tự thu cao hơn mức phí quy định. Là cơ quan xây dựng đề án, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết, do mức phí đậu xe từ trước đến nay chỉ có 5.000 đồng/xe/lượt (không quy định thời gian) nên nhiều người đã đậu xe từ sáng đến chiều trên nhiều tuyến đường, gây ùn ứ. Sau khi rà soát, xác định lại chỉ có 35 tuyến/42 tuyến đường đủ điều kiện cho phép đậu xe, trên cơ sở đó Sở Giao thông Vận tải đưa vào đề án. Tương tự, trong lĩnh vực thu phí môi trường, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm hiện nay đều đóng cùng mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm là còn thấp, chưa hợp lý. Hiện trên địa bàn thành phố có gần 2.790 cơ sở sản xuất đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm) với tổng mức thu 8 tỷ đồng mỗi năm. Từ cơ sở trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo lưu lượng xả thải (nhằm khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải) và theo mức độ ô nhiễm (nhằm khuyến khích đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường) và đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Mặt khác, việc điều chỉnh mức phí còn bổ sung một phần kinh phí cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải. Điều chỉnh phù hợp thực tế. Theo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường và một số vỉa hè, mức phí điều chỉnh tăng 20% so với mức giá trông giữ xe tại các trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng; được điều chỉnh theo giờ; phương tiện chỉ được tạm dừng đỗ trên lòng đường hè phố khi người sử dụng phương tiện có sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh. Về mức cụ thể, xe đến 9 chỗ và xe tải dưới (hoặc bằng) 1,5 tấn: giờ 1 và giờ 2 thu phí từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ, giờ 3 và giờ 4 thu phí 25.000 - 30.000 đồng/xe/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi mỗi giờ thu 30.000 - 35.000 đồng/xe/giờ, còn xe đỗ qua đêm thu 120.000 - 150.000 đồng/xe/giờ. Xe từ 10 chỗ đến 16 chỗ, xe tải có tải trọng trên 1,5 tấn và dưới (hoặc bằng) 2,5 tấn giờ 1 và giờ 2 thu 25.000 30.000 đồng/xe/giờ, giờ 3 và giờ 4 thu 30.000 35.000 đồng/xe/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi thu 35.000 40.000 đồng/xe/giờ, đỗ xe qua đêm thu từ 150.000 180.000 đồng/xe/giờ. Với mức phí dự kiến nêu trên, UBND thành phố cho biết nếu quản lý tốt nguồn thu, bình quân mỗi tháng thành phố thu về 31 tỷ đồng (thu trên 35 tuyến đường của Quận 1, 3, 5, 10, 11). Về việc sử dụng nguồn phí thu, số thu phí nộp ngân sách được xác định trên nguyên tắc tổng số thu sau khi trừ đi chi phí các bộ phận có liên quan (chi phí nhà mạng, đơn vị cung cấp phần mềm, chi phí hành thu của các quận). Ở góc độ đảm bảo an toàn giao thông, Thượng tá Trần Văn Phương, Phó Trưởng phòng PC67 Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Đề án sẽ góp phần cùng lực lượng cảnh sát giao thông lập lại trật tự lòng lề đường. Để đề án triển khai thành công, theo Thượng tá Trần Văn Phương cần lưu ý các tuyến đường có nhiều giao lộ, khi sơn kẻ vạch đặt vị trí xe đậu cần chọn vị trí phù hợp, tránh xa các trường học để tránh gây kẹt xe, ùn ứ; không nên sử dụng hè phố cho xe đậu vì diện tích hè phố hiện nay không đủ cho người đi bộ sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan tổ chức thu phí cũng cần có quy định về việc đảm bảo tài sản phương tiện ô tô thu phí (như gương, kính xe) để tránh các tranh chấp, phát sinh dân sự về sau khi xảy ra mất mát, hư hỏng. Đối với lĩnh vực môi trường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải rồi nhân với 1,5 triệu đồng, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải. Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở với tổng lượng nước thải khoảng 173.000m3/ngày đêm. Khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh thu được 60 tỷ đồng/năm. Về những tác động cụ thể việc tăng phí này, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải, khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Nguồn kinh phí tăng từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó tăng chất lượng sống của người dân, sức khỏe được cải thiện nên giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao năng suất lao động, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng tính gắn kết cộng đồng./. Bài tiếp theo: Phát huy nguồn lực con người. Anh Tuấn Xuân Tình Xuân Dự/TTXVN.
Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954. Sự chi phối tình hình quốc tế tới Hội nghị Geneva. Giáo sư H. Totraith trường Đại học Paris I cho rằng: năm 1953 là năm thay đổi chính trị ở Moscow cùng với sự kiện Stalin qua đời. Tại Mỹ, Dwight D. Eisenhowe r trở thành Tổng thống Mỹ. Tại Hội nghị Berlin được nhóm họp ngày 15/1/1954 có đầy đủ cả 4 nước lớn, ý tưởng chủ đạo của Hội nghị là tổ chức trong hòa bình, tập hợp được các tác nhân liên quan chính-sau này chính là Hội nghị Geneva. Theo PGS,Tiến sĩ Vũ Quang Hiển- Đại học quốc gia Hà Nội- Giai đoạn này trật tự thế giới hai cực Yalta và cục diện chiến tranh lạnh là một trong những yếu tố chi phối Hội nghị Geneva. Từ năm 1950 chiến tranh ở Đông Dương đã trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Khi một số nước như Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Mỹ, Anh và một số nước khác lại công nhân chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên. Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương đã lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây. Theo nhà nghiên cứu ngoại giao Phan Doãn Nam, thời kỳ này ở Châu Âu, sau khi thành lập NATO, Mỹ ra sức tập hợp các lực lượng để thành lập cái gọi là Cộng đồng phòng thủ châu Âu nhằm tái vũ trang nước Đức và chuẩn bị đưa Đức vào NATO. Bên cạnh đó, nhằm tranh thủ Pháp tham gia Cộng đồng phòng thủ châu Âu, Mỹ ra sức viện trợ cho Pháp lúc này đang sa lầy trong chiến tranh ở Đông Dương. Năm 1950 Mỹ mới chỉ viện trợ 10 triệu USD, tới năm 1954 lên tới 2 tỉ USD chiếm 80% chi phí cho quân sự của Pháp ở Đông Dương. Mục đích của Mỹ lúc này là Mỹ lợi dụng chiến tranh lạnh nhằm áp đặt một nền hòa bình kiểu Mỹ lên toàn thế giới, trước hết là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, Mỹ lúc này đang mất thế độc quyền về vũ khí hạt nhân khi Liên Xô (tháng 8/1953) thử thành công bom khinh khí và tiếp tục nghiên cứu chế tạo tên lửa) và sau việc Liên Xô bao vây và phong tỏa Berlin, Mỹ thấy không thể tiếp tục dùng biện pháp đe dọa quân sự để giải quyết các vấn đề của Chiến tranh thế giới thứ 2, chủ yếu là các vấn đề của Đức và Áo, mà phải giải quyết trong khuôn khổ thương lượng giữa 4 cường quốc chiếm đóng nước Đức (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp). Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Doãn Nam, tại châu Á, lúc này sau chiến tranh Triều Tiên, tuy lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ cầm đầu cuối cùng đã đẩy lực lượng Trung-Triều trở về vị trí xuất phát ban đầu là vĩ tuyến 38, nhưng Mỹ đã đi đến kết luận là không nên lao vào cuộc chiến tranh nữa trên lục địa châu Á. Sau chiến tranh Triều Tiên, Pháp thua lớn tại chiến dịch Điện Biên Phủ (Việt Nam), với mục đích hất cẳng Pháp, biến Đông Dương thành thuộc địa mới của Mỹ, đồng thời thành lập khối SEATO do Mỹ lãnh đạo làm thành lũy chống chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng-Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Geneva (Ảnh: Freddy Bertrand). Lợi ích của Anh và Pháp sau chiến tranh thế giới thứ 2 là phục hồi hệ thống thuộc địa bị mất. Để đạt được mục đích, hai nước này một mặt phải dựa vào Mỹ để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, nhưng cũng lại phải cảnh giác âm mưu Mỹ hóa các thuộc địa của Anh và Pháp. Do đó, tuy vẫn phải theo đuổi Mỹ trong việc chống cộng sản quốc tế, nhưng Anh và Pháp ra sức tranh thủ hòa hoãn với Liên Xô (trong các vấn đề Đức và Áo), và với Trung Quốc (trong các vấn đề ở Đông Nam Á). Anh có quyền lợi rất lớn ở Đông Nam Á và Hongkong. Anh cho rằng, phong trào cộng sản các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc thao túng. Do đó, Anh ra sức phản đối ý định của Mỹ trong việc mở chiến dịch Chim Ưng để cứu Pháp ở Điện Biên Phủ và không đồng ý với việc thành lập SEATO trước Hiệp định Geneve về Đông Dương vì sợ bị lôi vào cuộc đụng đầu với Trung Quốc ở khu vực này. Pháp có lợi ích chủ yếu ở Đông Dương-nơi mà Pháp và Trung Quốc đã ký nhiều hiệp định phân chia quyền lợi lẫn nhau trước năm 1954. Mặt khác Pháp cũng cảnh giác việc Mỹ lợi dụng mình ở Đông Dương để từng bước hất cẳng Pháp ra khỏi khu vực này. Do vậy, tuy bị Mỹ ép nhưng Pháp vẫn hạn chế hoạt động của phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) và chần chừ trong việc cho chính phủ các nước Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp (các chính quyền bù nhìn Bảo Đại, Ai Lao và Cao Miên) quyền độc lập và nhất là việc xây dựng quân đội riêng có cố vấn quân sự Mỹ chỉ đạo. Nội bộ đồng minh phức tạp. Theo cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam do Giáo sư Lê Mậu Hãn chủ biên, thời kỳ này những nước đồng minh với Việt Nam như Trung Quốc và Liên Xô có chủ trương sớm đi tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương theo kiểu đình chiến ở Triều Tiên. Ban thường trực Hội đồng hòa bình thế giới cũng thông qua Nghị quyết (10/9/1953), kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương. Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 3 họp tại Viena (Áo) tháng 10/1953 lấy ngày 19/12/1953 làm ngày lao động thế giới đoàn kết tích cực với nhân dân Việt Nam, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ-yếu tố quyết định dẫn đến việc các bên phải công nhận độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình nội bộ các nước đồng minh của Mỹ và nội bộ Liên Xô lúc đó cũng không mấy yên ả. Theo nhà nghiên cứu Phan Doãn Nam, trong nội bộ Liên Xô có chủ trương hòa hoãn với phương Tây, trước tiên là với Mỹ. Mặt khác vẫn giữ cơ chế thương lượng giữa các nước lớn như Đức và Áo và gạt các vấn đề Viễn Đông có Trung Quốc. Mỹ đến Hội nghị Geneva chủ yếu là vì vấn đề Triều Tiên. Sau khi cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên bị thất bại, Ngoại trưởng Mỹ J.F.Dulles bỏ về và chỉ để thứ trưởng Ngoại giao là B. Smith ở lại theo dõi hội nghị nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phá và hiệp định và nhảy vào miền Nam Việt Nam sau này. Ngày 12/5/1954, Chính phủ Mỹ chỉ thị cho đoàn đại biểu của họ tại Hội nghị Geneva rằng: Mỹ không sẵn sàng bày tỏ ý kiến tán thành hoặc ngầm chấp nhận bất cứ sự đình chiến, sự ngừng bắn hoặc bất cứ một giải pháp nào. Trong khi đó, Anh đến Hội nghị là để chống lại Pháp và Mỹ liên kết với nhau can thiệp vào Đông Dương. Điều này sẽ có hại cho việc Anh đang ra sức ổn định tình hình các nước thuộc địa của Anh tại Đông Nam Á và Trung Đông. Anh muốn ổn định tình hình tại Đông Dương trên cơ sở chia cắt Việt Nam, vì Anh cho rằng chia cắt là giải pháp ít xấu nhất. Anh muốn hàng rào đó càng xa về phía Bắc Việt Nam càng tốt. Pháp đến Hội nghị mưu tìm một Hiệp định đình chiến để cứu nguy cho quân đội viễn chinh Pháp khỏi bị tiêu diệt và duy trì quyền lợi của Pháp ở Đông Dương. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam trong khi trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường của nhân dân ta là : Kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó. Hoàn cảnh thế giới tuy có phức tạp nhưng cũng có nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương khai mạc tại Geneva. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954 các Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự Hội nghị chấp thuận và cám kết chính thức. Đại diện Mỹ ra tuyên bố riêng thừa nhận tôn trọng Hiệp nghị. Qua những yếu tố quốc tế, chúng ta nhận thấy rằng giải pháp Geneva về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương là sự phản ánh tương quan lực lượng đối sánh của các bên tham chiến trên chiến trường ở Đông Dương và lực lượng các nước lớn trên trường quốc tế, phản ánh mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp và ý đồ chiến lược của các bạn đồng minh với Việt Nam trong những bước cuối của cuộc hòa đàm./.
Khi Lan lên phòng, Thắng ngồi xuống ôm mặt khóc nức nở. Lần đầu tiên gã đàn ông trong anh yếu đuối tới như thế. Anh muốn khóc thật to cho quên hết mọi phiền muộn, nhưng đau thay anh càng cố nấc, tim anh càng thắt lại. Thắng vốn là chàng trai nông thôn ra thành phố học Đại học và tự thân lập nghiệp. Chính anh chưa bao giờ hối hận và tiếc nuối vì điều gì. Anh vẫn luôn tự hào mình là đứa con ngoan ngoãn, là điểm sáng để anh em ở quê nhìn vào học tập. Ngay cả khi quyết định cưới vợ, anh không hề suy nghĩ, nao núng hay phân vân dù bố mẹ anh lên tiếng phản đối. Ngày đó bố mẹ anh không ưng Lan (vợ anh) cũng bởi Lan là con gái thành phố, kiêu kỳ và khó gần. Ngay ngày về ra mắt cô rất kiệm lời, chỉ chăm chăm đi theo anh. Cô thậm chí còn không tháo vát khi mặc kệ mẹ bạn trai tương lai lúi húi dưới bếp chuẩn bị đồ ăn trưa một mình. Thậm chí, trong bữa cơm ngồi cùng mâm với người già, trẻ con cô cũng chỉ chăm chăm gắp thức ăn đầy bát cho Thắng. Bởi những hành động nhỏ ấy, bố mẹ Thắng bất giác sợ cô chỉ yêu mỗi chồng mà chẳng quan tâm gì gia đình anh. Dù thế, sự phản đối của bố mẹ anh chẳng là gì khi anh đã quyết. Ngày đó, anh luôn lên tiếng bênh vực cô, anh nói con người tính cách chẳng ai giống ai: Lan thế thôi nhưng rất tốt tính, thân thiện. Vì thế, bố mẹ đừng cản con kết hôn với Lan. Cứ sống cùng nhau con tin bố mẹ sẽ hiểu và yêu thương cô ấy hơn. Ngày đó, anh luôn lên tiếng bênh vực cô, anh nói con người tính cách chẳng ai giống ai. Ảnh minh họa. Cũng bởi tính kiên quyết của anh, 2 tháng sau ngày ra mắt một đám cưới linh đình diễn ra. Lan chính thức về làm dâu. Thường ngày cô được chồng cưng chiều như một bà hoàng. Đôi lần nhận thấy Lan hơi lạnh lùng, anh có góp ý tính tình cô vẫn vậy không thay đổi luôn tỏ thái độ khinh khỉnh với nhà chồng. Ngay cả khi 2 đứa con xinh xắn ra đời đều do mẹ anh trông nom, cô vẫn một mực giữ khoảnh cách rõ rệt. Thậm chí xưng bà- tôi với mẹ chồng. Trải qua gần 10 năm hôn nhân, Thắng dần nhận thấy Lan khá rạch ròi. Từ ngày cưới, lương tháng của thắng 20 triệu, anh đều phải nộp lại cho vợ 18 triệu, anh cũng chẳng biết cô tiêu gì, làm gì. Những khi mẹ anh góp ý 2 vợ chồng nên gửi sổ tiết kiệm, anh đều gạt phăng đi Cái đó vợ con lo được. Anh tin Lan tới mức nghĩ cô sẽ đủ minh mẫn để dành một khoản tiết kiệm lo lắng cho tương lai của các con. Cho tới một ngày, anh hỏi mượn vợ 100 triệu để gióp vốn làm ăn vợ anh liền gạt đi Tiền đâu mà làm ăn. Em tiêu hết rồi. Anh xem, cuộc sống bao nhiêu khoản chi tiêu, sao còn dư giả được. Hôm đó, lần đầu tiên anh và vợ anh cãi nhau rất to. Ngẫm ra, anh nhận thấy, vợ anh có khá nhiều điều khuất tất. Bởi hơn chục năm qua, đều như vắt chanh tháng nào nhiều là 20 triệu, tháng nào ít cũng 15 triệu anh đưa cho vợ, thế mà cô ấy không có một khoản tiết kiệm nào. Chưa kể lương vợ anh mỗi tháng bét cũng chục triệu. Sau đợt đó, vợ anh có xin lỗi chồng nói rằng cô ấy sợ bạn bè anh lừa dối nên không đưa tiền cho anh. Thấy vợ thành tâm xin lỗi, anh lại bỏ qua hết. Nhưng rồi chuyện xảy ra cách đây 5 tháng, khiến anh lờ mờ nhận ra bản chất thật của vợ mình. Chẳng là, mẹ anh ở quê ốm nặng, bà liên tục ốm. Thậm chí có những cơn ho kéo dài triền miên. Hoảng hốt anh đưa mẹ lên Hà Nội khám mới hay mẹ anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ngày cầm kết quả của mẹ anh như chết lặng đi. Anh ôm mẹ mà khóc, anh nhận thấy đôi vai mẹ anh đã gầy lắm rồi, giờ người mẹ anh nhẹ tênh chỉ hơn 30kg. Mẹ anh mới ngoài 60 tuổi mẹ anh còn chưa chờ được chú út lấy vợ mà bệnh tình đã thế này rồi? Nhận thấy việc xạ trị kéo dài sự sống cho mẹ là cần thiết, anh vội vàng về hỏi vợ tiền đưa mẹ đi chữa bệnh. Thấy anh khóc sưng mắt, vợ anh vẫn thản nhiên. Cô ấy hỏi han bệnh tình rồi đưa anh vào phòng nằm nghỉ. Khi anh nói Em xem trong nhà còn bao tiền tiết kiệm, em gom lại đưa anh vay tạm để anh lo chữa bệnh cho mẹ". Bất ngờ thay khi nghe tin vợ anh vẫn dửng dưng, cô ấy đi đi lại lại rồi nói thẳng với anh Vay tạm gì? Mẹ ốm nặng lắm rồi, lại giai đoạn cuối, anh cố làm gì. Cứ để thuận theo tự nhiên để mẹ thanh thản hơn. Số tiền đó, giờ anh để còn lo cuộc sống cho chúng ta sau này. Giờ đưa cho mẹ hết, sau này mẹ con em biết bấu víu vào đâu?. Những lời nói lạnh lùng của vợ khiến anh như chết lặng (Ảnh minh họa). Thắng nghe những lời nói đó của vợ, tim anh đau đớn thắt lại. Chẳng ngờ Lan dửng dưng như thế. Cô ấy thậm chí còn chẳng có cảm xúc gì khi biết mẹ anh bệnh tật. Cô ấy cũng không chút mủi lòng, thậm chí còn xưng "mẹ anh, mẹ tôi". Bình thường bố mẹ anh đối với con dâu đâu có tệ bạc gì. Suốt những năm hai đứa con anh còn bé một tay mẹ anh vất vả chăm nom. Biết con cái sống ở Hà Nội khó khăn đủ đường vì thế mỗi dịp về quê mẹ anh không lấy một đồng nào. Sau khi cháu đi trẻ, tuần nào mẹ anh cũng gửi gà quê, rau sạch ra cho các con và cháu. Hơn 10 năm nay, mẹ anh luôn sống vì con, vì dâu, vì cháu. Mẹ anh là thế, cả đời tần tảo. Có lúc anh nhận thấy mẹ anh còn thương Lan hơn cả anh, thế mà cô ấy nỡ lòng nào nói như vậy. Yêu nhau 3 năm, sống với nhau hơn 10 năm có 2 mặt con. Giờ đây anh mới nhận ra vợ anh thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Anh trách bản thân đã quá tin tưởng vợ. Anh trách mình dại dột khi làm được đồng nào đưa cho vợ hết đồng ấy mà không màng đến cha mẹ mình ở quê. Cũng bởi anh si mê vợ quá nên giờ đây khi lâm vào bước đường cùng, anh ngửa tay xin cô ấy một chút tiền cô ấy cũng không đưa cho anh. Nghĩ tới đây, nước mắt anh tuôn trào. Chia sẻ về tình huống trên, chuyên gia Tâm lý, Thạc sỹ Lê Thị Thảo (CLB Ngôi nhà & Trái tim) cho rằng xảy ra bi kịch trên một phần cũng do lỗi của người chồng. Chính người chồng đã quá nuông chiều vợ, chính anh đã không chủ động tạo nên một "cam kết" trong đời sống của cả hai. Khi bước vào đời sống hôn nhân, bây giờ giữa hai bạn trẻ không chỉ là tình yêu thương mà còn trách nhiệm. Rất cần những cam kết chính thức và phi chính thức để cả hai tôn trọng và giữ mối quan hệ hòa bình, tránh những xung đột không đáng có. Thứ nhất là cần sự sòng phẳng trong tài chính, không tới mũc củ hành mớ rau. Tuy nhiên cả hai có trách nhiệm và biết được khoản chi tiêu diễn ra hằng ngày trong gia đình. Trên cơ sở đó cân bằng giữa nguồn thu và các khoản phải chi. Không ít căp vở chồng son trước kế hoạch chi tiêu từ đối phượng, dẫu biết tiền bạc là một vấn đề tế nhị nhưng giữa cả hai cần trao đổi, thảo luận, đôi khi phải kiềm chế những nhu cầu bản thân vì lợi ích chung, ví như người vợ hạn chế mua sắm thời trang còn anh chồng hạn chế tìm mua công nghệ. Thứ ba là sự tin tưởng lẫn nhau, người cầm hòm chìa khóa cũng phải có trách nhiệm cân đối thu chi. Thậm chí hai vợ chồng cần thống nhất có một khoản "dự phòng" để lo những vấn đề phát sinh của hai gia đình nội ngoại. Điều này, cần có sự chủ động rạch ròi của một trong hai người. Chính người chồng trong câu chuyện đã "phó thác" hết trách nhiệm cho vợ, nên mới xảy ra tình huống trên. Hoa Cát.